Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Bốn Con Chó

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 475 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bốn Con Chó
Vĩnh Quyền

Tháng Bẩy Âm
Khi tôi chưa sinh ra, nội đã đưa Nhưng Thẩm về nhà. "Nhưng" là đẳng cấp cao do vua ban cho nghệ sĩ nhà hát tuồng cung đình. Khi Quản ca, viên chức quản lý ban hát, sửa đổi nội dung kịch bản cổ với mục đích nịnh vua, Nhưng Thẩm quyết định uống dầu lạc nóng trong bát đèn sau một đêm thức trắng để không phải hát điều xằng bậy. Thanh quản hủy hoại, Nhưng Thẩm bị đuổi khỏi nhà hát tuồng cung đình như một phế nhân, lang thang kiếm ăn ngoài chợ. Nội thời trẻ thường rước đào hát về nhà tổ chức cuộc vui. Với Nhưng Thẩm thì khác. Rước về nuôi dưỡng vì nghĩa khí giang hồ.
Khi tôi bắt đầu hiểu biết đôi chút, nội đã qua đời, nhưng Nhưng Thẩm vẫn còn sống. Tất nhiên ba tôi không thể yêu quý ông lão bằng nội. Nhưng Thẩm chẳng thiếu cái ăn cái mặc nhưng cứ buồn như lá héo. Chỉ còn mình tôi thỉnh thoảng bắt chuyện vì ông lão là một kho chuyện ly kỳ. Năm tôi rời Huế đi học tận Sài Gòn, Nhưng Thẩm càng buồn. Tôi xin con chó nhỏ đem về cho lão có bầu có bạn. Lão đặt tên Vá, theo ngoại hình của nó.
Không dè tôi đã hại lão.
Gần một năm sau tôi nhận được thư ba tôi báo tin Nhưng Thẩm đột ngột qua đời. Chiều chiều ông lão thường ra nhà hóng mát ở vườn sau. Nhà này kiến trúc mái hình lục giác và chỉ có một cột. Lão thích nhâm nhi chén rượu ngang, ngắm mặt trời lặn trên sông Hương ở đấy. Con Vá thường bị chủ xích vào cột, nằm nghịch mẩu xương thừ. Nó lớn lúc nào không hay. Một ngày tháng bảy âm năm ấy, con Vá động cỡn, bỗng quên chủ, quên khúc xương, quên sợi xích, vụt lao theo mùi hương con chó cái vật vờ bên kia hàng rào chè tàu. Cây cột gãy, mái lục giác sụp đổ, chôn luôn lão Nhưng Thẩm xấu số trong đống đổ nát.
Cuối thư, ba tôi viết một câu, dường như cho chính tình cảnh sa sút của gia đình tôi bấy giờ: Con biết không, cây cột hai người ôm sơn son thếp vàng ấy hóa ra mục ruỗng từ lâu lắm rồi...
Hồi nhỏ, tôi được nghe Nhưng Thẩm kể nhiều chuyện ly kỳ mà mãi sau mới hiểu thấu ý nghĩa. Dưới đây là một trong số chuyện như thế.
CÁI CHẾT CON CHÓ HOANG
Sử quan dường như thức trắng đêm. Dù vậy, trông ông không có vẻ gì mệt mỏi khi đón ngày mới. Trái lại, nỗi phấn khích còn lộ trên đôi mắt tươi vui của ông. Đêm qua ông đã phóng bút chép nốt một thiên quan trọng trong bộ thông sử. Mọi việc hầu như trôi chảy. Riêng trường hợp quan tướng quốc triều trước là có phần khó xử. Trong số tài liệu gồm nhiều nguồn, nhiều loại liên quan hành trạng quan tướng quốc có những điểm khác nhau. Khổ nỗi, mức độ khác nhau không chỉ ở tình tiết mà lại quyết định cả cách đánh giá một nhân vật lịch sử quan trọng. Các bài hát dân gian và truyện truyền kỳ xem tướng quốc như một kẻ gian hùng. Trong khi văn sách của triều trước ca ngợi ông như một bậc anh hùng. Cuối cùng, sử quan đã chọn cách đánh giá của những đồng nghiệp tiền bối. Vả lại bộ thông sử cần hoàn tất trước lễ đại khánh. Điều đó hẳn sẽ làm hoàng thượng vui lòng.
Dùng xong bát cháo gà nóng sốt, sử quan sai người hầu bày bàn trà trước hàng hiên. Ông muốn hưởng không khí thanh sạch ban mai, được thư giãn đôi chút trước khi nhập triều. Từ đây, ông có thể đưa mắt ngắm vườn hoa trong dinh phủ, nhìn ra con đường cái chạy dọc tường vi, trông xa tận những ngọn đồi thông xanh mát phía đông kinh thành.
Buổi sáng yên tĩnh của sử quan chấm dứt đột ngột. Có tiếng reo hò từ phía Văn miếu vọng lại, mỗi lúc một gần. Lát sau đã nghe rõ tiếng chân nhiều người rầm rập trên đường cái. Ông chưa đoán được việc gì đang xảy ra đã trông thấy cảnh náo nhiệt bên ngoài tường vi dinh phủ. Đặt chén trà uống dở xuống bàn trà, ông đứng lên để trông cho rõ hơn. Một tốp người cầm gậy gộc đuổi theo một con chó. Họ vừa đánh vừa quát ầm ĩ: “Chó dại! Đánh chết nó đi!”...Con chó và tốp người kia vụt khuất sau mành lá rậm của rặng liễu. Tiếng kêu ăng ẳng đau đớn tuyệt vọng của con vật, tiếng gào thét đến man rợ của con người, tiếng gậy gộc giáng xuống mặt đường lát đá, xuống thân con chó dội vào tai sử quan. Lát sau, đám đông hiếu kỳ cùng những người đánh chó tản ra với những gương mặt hể hả pha lẫn hoảng sợ. Con chó đã chết.
Chuyện vặt ngoài đường chẳng đọng lại lâu trong tâm trí sử quan. Ông đang bận bịu với những điều to tát hơn nhiều...
Tối hôm ấy, trong bữa yến thưởng trăng tại Vọng nguyệt lâu vườn thượng uyển, hoàng thượng đích thân thù tiếp các quan cận thần. Trong khi chờ hoàng thượng giá lâm, các quan tán chuyện rôm rả. Tình cờ, cái chết con chó ban sáng trở thành đề tài lôi cuốn mọi người. Viên sử quan dửng dưng, không buồn bắt chuyện. Nhưng các mẩu đối thoại cứ lọt vào tai ông.
Thượng thư bộ lễ chép miệng:
"Hình như là chó dại..."
Đông các điện đại học sĩ không bằng lòng cách nói mơ hồ ấy của đồng liêu:
"Còn hình như gì nữa? Con chó hoang này dại thật rồi. Chính mắt tôi trông thấy lưỡi nó thè ra cả tấc, nước bọt nhễu trắng mõm."
Tả thừa tướng lên tiếng:
"Sao lại chó hoang, phải có chủ chứ? Các ông có thấy bộ lông nó mượt thế nào chưa?"
Tiền thị vệ giọng xởi lởi:
"Bẩm phải, tôi cũng nghĩ vậy."
Hàn lâm cung phụng gật gù tiếp lời:
"Chính mắt tôi trông thấy vòng da đeo trên cổ nó..."
Bỗng ai đó đặt câu hỏi ngớ ngẩn:
"Kẻ nào là chủ con chó he?"
Không quan cận thần nào biết được. Vọng nguyệt lâu lặng đi chốc lát.
Sử quan trầm ngâm nhìn ánh trăng rằm lung linh tự hỏi: "Có phải bộ lông con chó óng mượt? Có phải cổ nó có đeo vòng da?...". Sáng nay đã thấy nó chạy ngoài tường vi dinh phủ. Thế mà bây giờ mình không dám chắc một điều gì cả. Kể cũng buồn cười thật!"
Hoàng thượng vẫn chưa giá lâm. Câu chuyện phiếm lại tiếp tucï, có phần sôi nổi hơn. Các quan lớn đang bàn cãi về cái chết của con chó.
Đông các điện đại học sĩ:
"Nó đã cắn nhiều người, đánh chết thế là hay."
Thượng thư bộ binh:
"Đánh là thế nào? Không đuổi kịp, bọn lính giản đã bắn mất phát tên mới giết được nó đấy chứ."
Tiền thị vệ vẫn giọng xởi lởi:
"Bẩm phải. Tôi biết trong đội lính giản có nhiều cung thủ tài ba."
Hữu thừa tướng gạt đi:
"Toàn lời đồn huyễn. Không có cung tên nào hết. Con chó chỉ bị đánh bằng gậy thôi!"
Vọng nguyệt lâu như sôi lên. Các quan cận thần chia làm hai phe, tranh cãi ầm ĩ, không ai chịu ai.
Tả thừa tướng phân giải:
"Các ông đều đúng cả. Lính giản bắn trúng con chó thực. Nhưng nó chưa chịu chết ngay. Mọi người phải vây đánh bằng gậy một lúc."
Câu chuyện chưa ngã ngũ thì hoàng thượng giá lâm. Sau khi ra hiệu miễn lễ cho các quan cận thần và ban lệnh khai yến thưởng trăng, hoàng thượng vui vẻ báo tin:
"Các ngươi biết không? Sáng nay, một ngự lâm quân của ta đánh chết con chó dại bằng tay không!"
Không ai bảo ai, các quan nhất loạt đứng lên, nâng chung rượu khai vị bằng hai tay, đồng thanh:
"Thật không hổ danh ngự lâm quân!"
Trên đường về dinh phủ, sử quan trầm ngâm ngồi trên kiệu, lòng như có lửa đốt. Câu chuyện về cái chết con chó hoang trong bữa yến khiến ông vô cùng bối rối, hoang mang. Sự việc mới xảy ra ban sáng, ngay trước mắt ông, thế mà đâu là sự thật? Chính ông cũng không thể xác định. Câu chuyện có vẻ mơ hồ chẳng khác vạn vật đang ẩn ẩn hiện hiện dưới ánh trăng huyền ảo trước mắt. Chao ôi, vậy thì, việc hiểu đúng tư tưởng, hành trạng một nhân vật lịch sử sống cách ông non thế kỷ như quan tướng quốc triều trước còn khó khăn nhường nào?
Sử quan bỗng cất giọng gắt gỏng mấy chú lính khiêng kiệu:
"Nhanh lên nào!"
Rồi ông mệt mỏi nhắm nghiền đôi mắt. Không phải ông đang ngấm rượu hoàng thượng ban. Ông đang nôn nóng trở về thư phòng. Đêm nay, hẳn phải thay bấc đèn nhiều lần. Ông muốn chiêm nghiệm những gì đã viết trong bản thảo bộ thông sử...
ÁO BÀ BA BÀ BA
Không phải tôi viết thừa chữ đâu nhé. Ấy là chiếc áo bà ba của bà Ba. Của mẹ tôi. Người phụ nữ thứ ba trong đời ba tôi. Tuy thứ ba nhưng ở lĩnh vực nào so với hai bà trước đấy thì đều nhất hết. Trẻ nhất, đẹp nhất, làm kinh tế giỏi nhất, là người duy nhất đẻ ra một thằng con trai, và tất nhiên được ba tôi yêu cưng nhất...Chỉ có cái nhất cuối cùng là đau đớn cho cha con tôi: mệnh yểu nhất. Mẹ tôi mất khi mới ba mươi hai tuổi. Năm ấy tôi lên mười.
Ba tôi không phải là người được đào tạo để làm nhà nghiên cứu nhưng ông có thói quen cất giữ tài liệu, nhất là kỷ vật. Chỉ trong phạm vi cá nhân, gia đình thôi. Từ những bức thư ngả vàng đến bàn cờ tướng của nội tôi. Ông cụ đang chơi cờ với bạn, thấy mệt rồi mất ngay sau đó. Ba tôi dùng keo dán giữ nguyên bàn cờ với thế cờ dở dang cuối cùng của ông cụ. Kỷ vật này được chưng cất trong một tủ kính tại gian thờ phụng. Còn với mẹ tôi, ông cất giữ gần như nguyên vẹn những vật dụng thân thiết.
Đáng nói là, theo tập tục, y phục của người mất phải "hóa", nghĩa là phải đốt bỏ đi. Thếâ nhưng ba tôi lén giữ được một chiếc áo bà ba cũ của mẹ tôi. Mãi về sau, khi kinh tế gia đình sa sút, không giữ được ngôi biệt thự với vườn cây lưu niên, phải chuyển về nhà cũ của nội, mới lộ ra bí mật này. Từ ngày chuyện đã công khai, cứ sau những tháng mưa dầm xứ Huế, ba tôi lại trịnh trọng đem chiếc áo bà ba của bà Ba ra hong nắng mới dưới mái hiên. Những lúc ấy ông thích ngồi một mình với áo bà Ba và với thuốc lá...
Khi ba tôi không còn đủ sức khỏe để làm những gì ông muốn, tôi và vợ tôi mới được hong áo mẹ tôi trong những ngày nắng đẹp. Tất nhiên là dưới sự giám sát của ba tôi. Về làm dâu chưa được mấy ngày thì vợ tôi đã phải khóc với chiếc áo cũ.
Hôm ấy trời đất chuyển mùa, ba tôi nằm thở mệt nhọc trên sập gụ, nhìn mông lung qua ô cửa sổ, bỗng ông nhận ra những tia nắng mới xuất hiện, đậu vàng trên những tán lá còn sũng nước mưa. Ông gọi con dâu mở tủ lấy áo của bà Ba ra hong. Vợ tôi tuân lệnh. Lần đầu tiên trông thấy chiếc áo ấy, vợ tôi che miệng cười khúc khích. Chuyện không qua được mắt ba tôi. Nổi cơn giận lẫy bất ngờ, ông chống gậy tự mình hong áo. Vợ tôi hoang mang, chỉ biết khóc với tôi sau đó.
Thực ra, ai thoạt trông thấy chiếc áo bà ba của bà Ba cũng có thể bật cười như cô con dâu mới của bà. Nó kỳ dị với hai cái túi không cân phân. Bên phải kích cỡ bình thường, không có gì phải bàn. Bên trái mới ngộ, lớn hơn bên phải đến chừng năm lần! Rõ là không có tay thợ may nào vụng đến thế. Mà là may theo “mốt” của người đặt hàng. Và tay thợ may mới là người bật cười đầu tiên.
Đó là chiếc túi đặc biệt dành cho con chó phốc tí hon rất cưng quý của mẹ tôi trong những năm cuối đời.
Túi bên phải đựng tiền lẻ và các thứ lặt vặt cần thiết như xâu chìa khóa, bật lửa như mọi người...Còn túi bên phải thì không giống ai. Con chó sau những lúc chạy rông trong nhà ngoài sân là nhảy phốc vào túi bên trái của bà mẹ người. Mẹ tôi xưng mẹ con với nó. Ngọt ngào thương cảm không kém gì với tôi. Ba tôi bảo bà Ba “địu” con phốc đi chợ như phụ nữ dân tộc “địu” con lên rẫy. Có khi ông lại ví bà Ba là con căng-gu-ru bên hoang mạc châu Úc...Con phốc láu lắm, nó đặt hai chân trước lên miệng túi, đầu thò hẳn ra ngoài, vênh váo nhìn chung quanh, biết mình được bảo vệ bởi người có quyền lực nhất trong ngôi nhà. Không ai bảo ai nhưng ba tôi và tôi có lúc phải ganh tị với con chó nhỏ xíu bằng chai bia lùn ấy. Sau này, chúng tôi nhìn nhận rằng nó đáng được như thế. Ấy là lúc mẹ tôi lâm chung. Mỗi cây trong vườn cây lưu niên của gia đình đều được chịu tang bởi những dải khăn sô buộc vào cành lớn nhất. Trên hai mươi dải khăn trắng bay vật vờ trong ánh tà dương hoặc trong làn sương mai ảm đạm se lạnh làm tuổi lên mười của tôi nhận thức sâu hơn, cụ thể hơn thế nào là nỗi đau mất mẹ. Sinh vật nhỏ bé nhất trong gia đình chịu tang bà Ba là con chó. Nó được ba tôi âu yếm quàng dải khăn sô bé tí vào cổ. Trông thật ngộ nghĩnh. Nhưng không ai dám cười trong những ngày ấy.
Người Huế xưa cho cây trong vườn chịu tang chủ vì hai lẽ. Chia sẻ, hoặc nhân lên nỗi đau mất mát người thân. Và để cho cây không tàn héo chết theo người. Tất nhiên là phải người trồng ra chúng, chăm sóc chúng. Hoặc là người quan trọng nhất trong gia đình, là linh hồn của ngôi nhà, vườn cây...
Cây vườn tôi không chết vì được chịu tang bà Ba. Nhưng con chó nhỏ thì không gì cứu được. Nó không sủa, không ăn và nằm chết lẳng lặng trong góc phòng bà Ba ba ngày sau tang lễ, đúng vào hôm cúng mở cửa mả.
Cứ mỗi dịp chuyển mùa, từ mưa sang nắng, mỗi lần hong áo bà ba bà Ba chúng tôi không chỉ nhớ người, nhớ cả con vật bé bỏng, mà khoảng trống của túi áo kỳ dị kia luôn gợi nhớ...
"Ô VÀNG Ô!"
Thế rồi cũng đến cái ngày ấy. Ngày vợ chồng tôi chia tay cuộc sống mười năm trong khu tập thể đất hẹp-người đông-lắm chuyện. Với số tiền chắt chiu từ đồng lương và nhuận bút còm cỏi chúng tôi mua được một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô.
Ngót hai chục năm rồi và vốn là người không có duyên với các con số nên ngày dọn đến nhà mới thì tôi không còn nhớ chính xác. Vợ tôi khác. Cô đã trịnh trọng cất tờ lịch hôm ấy vào ngăn kéo tủ. Trong đó còn có mấy tờ lịch "lịch sử" nữa mà tôi không tài nào nhớ nổi. Nhưng chuyện xảy ra trong ngày dọn nhà mới thì tôi không bao giờ quên...
Mở màn chiến dịch làm đẹp tổ ấm do vợ chỉ huy, tôi bắc chiếc ghế đẩu tháo gỡ bức ảnh chân dung người chủ cũ vẫn còn treo trên tường: cô Hai, người đàn bà đơn độc vừa qua đời cách đấy mấy tháng.
"Vị trí ấy xứng đáng dành cho ảnh đám cưới của tụi mình". Vợ tôi nói thế.
Ghế thấp, rướn cả người mới chạm đến ảnh cô Hai. Chân run dữ vì chẳng mấy khi tôi phải leo trèo như thế. Bỗng đâu một con chó vàng gầy còm lấm bẩn đột ngột xông thẳng vào phòng khách, không kịp sủa gâu gâu báo động đã tớp ngay chân tôi. May chỉ rách tới lớp vải quần jean thôi. Nhưng chừng đó cũng đủ cho tôi chết khiếp, suýt té nhào xuống sàn. Vợ tôi từ nhà bếp kịp xách chổi xông lên ứng cứu. Con chó bỏ chạy mất hút.
Qua cơn sợ, tôi leo lên ghế, tiếp tục công việc. Khi tay tôi vừa khẽ chạm vào bức chân dung cô Hai, con chó lại xuất hiện và lao vào tấn công ngay. Lần này đã thủ sẵn thanh gỗ dài, vợ tôi vừa giáng trả quyết liệt (nhưng chỉ đánh trúng vào không khí) vừa la bai bải (vì quá hãi). Tôi nhảy phóc xuống, chụp cái ghế đẩu phang đại. Trúng đòn đau, con chó vàng kêu ăng ẳng, cúp đuôi chạy biến. Vợ chồng tôi lặng lẽ nhìn nhau sau trận chiến không chờ đợi. Hai gương mặt thất thần, lấm tấm mồ hôi.
"Nghỉ chút xem sao...". Tôi bảo.
"Kìa anh, nó quay lại kìa!". Vợ tôi thì thào, một tay đặt lên ngực, mắt nhìn trân trối ra đường.
Cái bóng vàng ám ảnh lượn lờ đầy cảnh giác ngoài cửa. Nó chọn một khoảng cách an toàn nằm bẹp xuống, vừa trông chừng vào nhà vừa liếm vết thương.
"Đóng cửa lại, anh". Vợ tôi đề nghị.
Nhưng tôi đã điên tiết xông ra với thanh gỗ, quyết ăn thua đủ với con chó vô cớ gây sự người hiền lương. Nó vụt nhỏm dậy, chụm bốn chân thủ thế, mắt vằn đỏ những tia máu giận dữ, miệng nhe hết răng trắng hếu. Tôi và nó vờn nhau lừa miếng.
Bà cụ hàng xóm bước ra:
"Cậu đừng đánh con Vàng tội nghiệp, nó hiền lắm!"
Nễ tuổi tác của bà, tôi nén được một câu trả lời đốp chát "Thế mà hiền đấy à?".
Thấy tôi còn uất ức, bà cụ kéo tôi vào nhà tôi, chỉ lên bức ảnh chân dung thiếu phụ, phân giải:
"Cô Hai đây sống một mình với con Vàng. Người đứng ra bán nhà cho anh chị là cháu của cô ấy. Khi cô Hai chết, anh chàng thừa kế này đến dọn sạch các thứ, chỉ quên mỗi bức ảnh! Từ ngày đó, con Vàng đi kiếm ăn quanh quẩn trong xóm rồi về nhà nằm ngó lên ảnh chủ rên ử ử như con nít khóc, thật tội..."
Vợ tôi lau nước mắt, lẳng lặng xuống bếp làm đĩa cơm, mang ra đường, đặt trước mặt con Vàng. Nhưng con vật giật mình cảnh giác thối lui, cúp đuôi bỏ đi thẳng.
"Ô Vàng ô!...". Bà cụ gọi giật.
Con Vàng dừng chân, ngoảnh lại, rồi mon men đến gần bà cụ, mắt lấm lét trông chừng vợ chồng tôi. Bà cụ khẽ đẩy đĩa cơm về phía nó. Con chó vục mõm ăn ngấu nghiến.
Tôi đi công tác ba hôm sau trở về, bất ngờ thấy vợ đang tắm cho con Vàng trước sân. Cô liến thoắng:
"Gọi mãi nó vẫn sợ, em bắt chước bà cụ: Ô Vàng ô! Thế là nó chịu phép. Có lẽ hồi còn sống cô Hai vẫn gọi nó như thế..."
Bước chân qua ngưỡng cửa, tôi bắt gặp đôi mắt của cô Hai trên tường. Vợ chồng tôi quyết định giữ nguyên bức di ảnh ấy cho con Vàng. Đôi mắt của cô rưng rưng nhìn ra sân, nơi con Vàng đang rên lên ư ử vì được tắm táp như ai.
BỮA TIỆC MÀU HUYẾT DỤ
Có người bảo Huế là thành phố của những người theo đạo Phật. Kể cũng có lý. Bình minh và hoàng hôn Huế xao xuyến với những hồi chuông u minh trầm mặc của trên 60 ngôi chùa trong một không gian gắn bó. Và cũng có thể vì người Huế có truyền thống không ăn thịt chó, một đặc điểm trong sinh hoạt của những người theo đạo Phật.
Còn nhớ năm nào đã xa ở làng hoa trái Nguyệt Biều, trên ban công căn gác gỗ nhà thờ họ Lê nhìn ra quãng sông Hương tĩnh mịch gần như đối diện chùa Linh Mụ, trong áng sáng nhập nhoạng trước lúc hoàng hôn buông xuống thật sự, tôi đang gõ máy chữ viết nốt những trang cuối cuốn tiểu thuyết đầu tay, bỗng có tiếng gọi giật vọng lên từ ngoài cổng. Bực mình thật. Tôi chờ đợi cái dấu chấm hết này đã hai năm ròng rã.
Nhưng đấy lại là tiếng gọi lạc giọng của Mỵ, cô bạn thời mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học văn khoa, cũng là người cho tôi sử dụng ngôi nhà thờ họ Lê làm "trại sáng tác". Mà với tôi bấy giờ, cuốn tiểu thuyết và Mỵ không biết "ai" quan trọng hơn. Tôi vội chạy xuống cầu thang gỗ nhá nhem tối, qua gian thờ rộng thênh lạnh giá, qua vườn hoa già cỗi lát đá bát tràng xanh rêu để gặp Mỵ. Hẳn có chuyện khác thường vì giờ này đáng ra Mỵ phải ở nhà lo bữa cơm tối của gia đình, cách ngôi nhà thờ họ khoảng hai cây số, cũng bên bờ sông.
"Anh cứu nhà em với!"
"Nhà em", chồng Mỵ, là Thạch, ông bạn vong niên của tôi. Tôi trở thành bạn của ông khi ông cưới Mỵ. Ông Thạch thỉnh thoảng vẫn cứu tôi trong vài trường hợp, vài tình huống. Còn tôi không bao giờ dám nghĩ có lúc mình sẽ cứu được ông Thạch. Tôi chẳng có gì cả, chẳng là cái gì cả trong khi ông ấy là một đại gia, về kinh tế cũng như về quan hệ xã hội. Cho nên khi Mỵ nhìn tôi bằng ánh mắt cầu xin và thốt ra lời kêu gọi như thế tôi chỉ có thể đoán già đoán non rằng ông Thạch bị đột quỵ hay đại loại như thế và Mỵ cần tôi giúp đưa đi bệnh viện cấp cứu chẳng hạn.
Biệt thự Gia Khánh chìm trong bóng tối. Đúng hơn là hiện ra dưới sáng lập loè của một màu hồng ma thuật bởi mấy chục ngọn đèn lồng lớn nhỏ. Mỵ le te đưa tôi ra thẳng vườn hoa phía sau, nơi tiếp giáp bờ sông. Một bàn tiệc khéo bày biện dưới ánh nến còn nguyên mà thực khách duy nhất là chồng Mỵ. Ông Thạch lặng lẽ ngồi nhìn ra mặt sông tối mịt, không nhận ra có tôi và Mỵ đã đến sau lưng. Hai cây số đường xe máy từ nhà thờ họ Lê đến biệt thự Gia Khánh đủ cho Mỵ cung cấp thông tin sơ bộ về "ca cấp cứu" này.
Ông Thạch muốn ký một hợp đồng lớn với công ty khai thác chế biến gỗ Đài Loan. Có đối thủ mạnh cạnh tranh, ông Thạch tìm mọi cách để lấy được lòng giám đốc phía đối tác. Khách muốn ăn chơi kiểu nào ông cũng "chìu" được, "chơi" được. Chỉ riêng cái ao ước nhắm món thịt chó của ông chủ Tàu là ông Thạch bó tay. Những năm đầu 80 của thế kỷ 20 ở thành phố Huế thật khó bói ra một bữa tiệc thịt chó. Yêu cầu lại đột xuất, ngay trong ngày dự kiến ký hợp đồng, cũng là ngày phía đối tác rời khỏi Huế. Lái xe của ông chủ Tàu tham mưu rằng hắn sẽ làm đầu bếp bảy món chó thật đúng khẩu vị Đài Loan, chủ nhà chỉ việc cấp ngay một con cầy tơ. Thế là ông Thạch yên tâm mời khách dự buổi dạ tiệc chó tại vườn hoa biệt thự Gia Khánh, bên bờ sông Hương. Trưa hôm ấy, ông Thạch rủ con Bim đi tắm. Con chó vui mừng vẫy đuôi, liếm vào tay ông tỏ lòng cám ơn. Bim rất thích trò đánh vật với chủ trong dòng Hương lăn tăn sóng mát lành vào những trưa hè oi nồng. Nhưng lần này ông Thạch dìm Bim xuống nước một cách khác thường. Nó mở lớn đôi mắt kinh ngạc nhìn chủ rồi vùng vẫy dữ dội theo bản năng sinh tồn. Không đủ sức kềm giữ con vật, ông Thạch lắp bắp mãi một câu: "Bim ơi, cứu ba đi con!". Không hiểu con vật đuối sức hay hiểu thấu lời khẩn cầu của chủ mà buông xuôi chịu chết đuối...Lái xe đi rước ông chủ Tàu tại khách sạn sau khi hắn đã trổ tài chế biến bảy món cầy tơ. Mỵ được ông Thạch cử đi theo để đón khách. Xẩm tối, Mỵ trở về một mình. Cô thấy chồng diện bộ đồ lớn ngồi chờ bên bàn tiệc đặc biệt dưới ánh đèn lồng và nến, "gu" ánh sáng của ông chủ Tàu. Nhưng sau khi nghe tên lái xe kể chuyện con Bim ông chủ Tàu đã khéo léo từ chối bữa tiệc, đồng nghĩa với việc từ chối ký hợp đồng kinh tế với ông Thạch.
Mỵ đã vội nhờ tôi "cứu" ông Thạch khi thấy chồng rơi vào trạng thái mất trí. Có thể vì cái hợp đồng. Có thể vì con Bim. Có thể cả hai. Rất tiếc, trong trường hợp này, tôi đã không thể giúp đỡ gì cho Mỵ.
Bây giờ, hơn hai mươi năm sau, trở lại Huế, trên đường đi loanh quanh, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp biển quảng cáo cầy tơ bảy món. Ôi, giá như những ngày đầu đất nước mở cửa làm ăn kinh tế mà mấy tiệm cầy tơ này cũng mở cửa kịp thời ở Huế, thành phố có truyền thống không ăn thịt chó, thì đâu đến nỗi con Bim phải chết uổng, ông Thạch phải mất trí, Mỵ phải đau lòng, tôi phải bất lực trước tất cả những oan khiên ấy?



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 174

Return to top