Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Mối tình đầu của tôi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 841 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mối tình đầu của tôi
Hoàng TN

Ngày đó tôi 17 tuổi và học lớp 12 năng khiếu chuyên ngữ trừơng Lê Hồng Phong, một trừơng nổi tiếng không chỉ trong thành phố Nam Định mà trong cả nước lúc bấy giờ. Em thì học lớp 9 chuyên Văn trường năng khiếu Trần Đăng Ninh, và gia đình em cũng chỉ vừa mới chuyển tới sống trong khu tập thể chúng tôi.
Em rất xinh và duyên dáng. Mái tóc thề bỏ xoã ngang vai, đôi khi gió thổi bay bay nhè nhẹ hút hết ánh mắt đám trai mới lớn như tụi tôi trong khu tập thể. Mắt em huyền đen mơ màng làm đôi lúc tôi có cảm giác như em đang nhìn tụi tôi trước mặt nhưng như nhìn mà không thấy. Em đang mơ gì hay nghĩ gì? Tôi hay tự hỏi như vậy mỗi lần nhìn vào mắt em. Em đẹp lắm. Mãi tới sau này, khi hai đứa mình mất liên lạc với nhau, tôi nhìn bức hình duy nhất em tặng tôi và vẫn cảm nhận nét đẹp rỡ ràng, tươi tắn trẻ trung của em hồi ấy. Em xinh xắn, dễ thương và đẹp không thua bất cứ một hoa hậu hay một minh tinh màn bạc Âu Á nào mà tôi từng biết. Tôi chẳng hề thiên vị em chút nào và tới tận bây giờ, khi tôi đã lập gia đình, đã có con, tôi vẫn giữ gìn tấm hình đó như một bảo vật vô giá trong đời.
Thực ra, lúc gia đình em mới chuyển tới sống tại khu tập thể, tôi cũng không để ý đến em nhiều lắm ngoài một nhận xét duy nhất: Em đẹp. Điều này chẳng cần tôi phải nhắc, vì đám bạn bè khu tập thể chúng tôi đã xôn xao về em rồi. Mỗi lần em đi qua, biết bao lời bóng gió bâng quơ bỡn cợt từ phía đám bạn tôi. Tôi vốn không thích những chuyện trêu ghẹo đường phố như thế nên chỉ nhìn đám bạn cười cười. Còn em, dường như em cũng đã quen với chuyện bị trêu chọc như vậy nên chẳng buồn để ý đến bọn tôi. Tôi cảm nhận rất rõ việc em như không coi bọn tôi tồn tại trên đời. Con gái đẹp thường hay biết mình đẹp, và với người khác thì thường gây cảm giác kiêu ngạo. Đám bạn tôi đều nói: “Con nhỏ đó kiêu căng quá!”. Với tôi khi đó, chuyện đó chẳng đáng để trong lòng. Tôi còn bận học. Áp lực nơi trường lớp của cánh học sinh chuyên chúng tôi rất lớn, nào thi giải tỉnh, nào thi toàn quốc… trong khi tôi luôn là một cánh chim đầu đàn của lớp, đồng nghĩa với của cả tỉnh khi đó, trong môn học chuyên của mình.
Rồi đến lần đầu tiên tôi được tiếp xúc, được nói chuyện với em. Đó là ngày 2/9 năm 1990. Năm đó phường Vị Xuyên chúng tôi tổ chức cắm trại cho thanh niên trong phường tại công viên Vị Xuyên ngay gần bên mộ cụ Tú Xương. Bờ hồ khi đó chúng tôi hay gọi là hồ La Két, mới lát đá kẹ bờ nên rất đẹp. Mộ cụ Tú Xương cũng mới được xây lại. Tôi cùng với đám bạn tôi tham dự rất tích cực, từ việc dựng lều trại, chuẩn bị micrô, loa, trang hoàng sân khấu. Phải nói thêm thời đó không tiện như bây giờ, cái gì cũng có thể mua. Thời bọn tôi phải về nhà mượn gia đình vải dù để căng lều bạt dựng trại, phải đạp xe đi ra tận ngoại thành Nam Định, vượt qua cây cầu Treo nổi tiếng để xin nhà dân chặt tre nứa về dựng sân khấu. Em cũng có mặt trong đội thanh niên xung kích đó, và em là một bông hoa nổi bật thu hút hết tất cả những cái nhìn của tất cả đám thanh niên bọn tôi. Rất nhiều người vây quanh em, chiều chuộng em, kể cả những anh trong đội tự vệ phường lớn hơn tôi rất nhiều tuổi. Tôi còn nhớ cái ngày ấy lắm. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên vì khi đó em mới 14 tuổi. Không phải tôi không cảm vẻ đẹp dịu dàng mà rực rỡ của em. Tôi thích em đẹp, nhưng tôi lại không thích em kiêu ngạo. Và tôi không thích bị ai coi thường nữa. Lúc đó tôi nghĩ em kiêu ngạo lắm.
Rồi một ngày làm việc kết thúc. Buổi tối, thanh niên trong phường tổ chức liên hoan văn nghệ và biểu diễn. Chỉ có mấy tiết mục kịch cọt thôi mà khi đó bọn tôi cười rần rần và vỗ tay la hét ầm ỹ. Vỗ tay không phải vì diễn xuất xuất sắc của diễn viên mà vì tất cả đều là… cây nhà lá vừơn. Rồi em… lên hát.
Em đẹp lắm, và em hát say sưa. Bài hát đó là bài hát “Chú dế vô tư” của nhạc sỹ Trần Tiến. Em hát, bờ vai nghiêng nghiêng, mái tóc thề xoã trên vai theo gió hồ bay nhè nhẹ. Tôi rung cảm thực sự khi nghe em hát và len lén bước lên sân khấu. Sự thực là tôi không muốn cắt ngang lời em hát, nhưng người đệm đàn ghi ta lúc đó hình như chưa tập bài hát này bao giờ nên sau một hai câu hát đã lặng lẽ bỏ đàn đứng dậy. Tôi len lén bước lại, ngồi lên chiếc ghế gỗ nhỏ, cầm cây đàn và nhẹ nhàng đệm theo tiếng hát. Em khẽ quay lại nhìn tôi qua mái tóc, ánh mắt cười cười tỏ ý biết ơn. Em đẹp, em nhìn tôi, và mặt tôi đỏ lựng cúi gằm. Tôi thấy mắt em như biết cười. Có nhạc đệm, em hát thêm bài hát này một lần nữa. Em hát hay lắm, khi kết thúc bài hát, người nghe vỗ tay rào rào, còn đám bạn tôi trong khu tập thể thì hú lên man dại, gào toáng lên tên cả hai đứa. Tôi mặt đỏ tía tai không dám ngẩng đầu lên nhìn, cũng không dám đứng dậy chào khán giả. Nhưng lúc đó tôi biết em tỉnh rụi, vì em bản lĩnh lắm.
Nhưng tôi không thể ngồi mãi. Đám bạn trong khu tập thể không ngớt gào thét và một số đứa nhảy lên sân khấu kéo tôi đứng dậy, yêu cầu tôi chơi đàn và hát tiếp. Vậy là tôi đứng dậy, chơi đàn và hát, một bài hát tủ của bọn tôi khi ấy, bài hát vô cùng thịnh hành và đứa nào cũng thuộc. Đó là bài hát “Đợi chờ trong cơn mưa” của nhạc sỹ Thế Hiển. Đám bạn tôi tất cả cùng hát, và khán giả bên dưới tất cả cùng hát theo. Em thấy sự cuồng nhiệt của đám bạn tôi nên khẽ khàng lùi lại cạnh sân khấu. Khi hát tới lần thứ hai câu “Tôi đứng đây công viên chiều mưa bay…” tôi liếc nhìn em, thấy em mắt xoe tròn đen láy nhìn tôi không chớp. Tôi gặp ánh mắt đó thì run hết cả người, cổ họng dường như nghẹn lại. Cũng may lúc đó đám bạn tôi đang cuồng nhiệt, không ai để ý tôi đã nín giọng hát tự bao giờ.
Rồi đến bài hát thứ ba, bài hát cuối cùng của bọn tôi ngày hôm đó. Đó là bài “Lời của gió”. Đám bạn tôi ép tôi và em cùng hát. Một thằng dạn dĩ nhất đám cầm tay em kéo lại phía tôi. Hồi bọn tôi lúc đó, dám tự cầm tay con gái, nhất là con gái đẹp thì hẳn phải lớn mật lắm. Tôi không nhớ đã hát hết bài hát đó với em như thế nào, nhưng từ đầu tới cuối mắt tôi nhìn ra hướng khác, không dám hướng về phía em tới một lần. Một giây lúc đó như kéo dài cả thế kỷ, và tôi chỉ muốn thời gian qua thật nhanh. Bài hát vừa kết thúc, tôi cũng không chào khán giả, buông đàn chạy thẳng xuống sân khấu, chui vào lều và ngồi một mình im thin thít. Kỳ thực lúc đó ngồi trong lều mà tai tôi vẫn dỏng lên lắng nghe những tiếng hò hét vọng về từ khu sân khấu.
Biểu diễn trên sân khấu kết thúc, đám bạn khu tập thể cả trai lẫn gái cùng chạy ào vào lều. Chúng tôi lôi những thứ đồ ăn đoàn phường đã chuẩn bị sẵn từ trước, nổi lửa trại nấu nướng ăn uống. Rồi lại đàn hát, nhưng tôi từ lúc đó không hề đụng tới cây đàn ghi ta dù tôi là một tay đàn xuất sắc nhất trong đám. Cũng chẳng ai để ý tới tôi, vì đám bạn tôi đồng thời là học trò của tôi về môn đàn nhạc, chẳng thằng nào bỏ lỡ cơ hội đựơc trổ tài biểu diễn. Cây đàn không lúc nào là không có chủ. Suốt cuộc vui đó, tôi không dám nhìn em lấy một lần nên chẳng thể biết em có để ý tới tôi không. Khi đó, tôi không thể nào hoà mình vào niềm vui chung của đám bạn quậy phá. Ánh mắt tròn xoe của em nhìn tôi trên sân khấu luôn ám ảnh tôi.
Thế rồi lửa trại cũng tàn. Đám con gái bọn em phải về nhà sớm. Đám con trai chúng tôi đưa bọn em về, và tới lúc này tôi mới được đi bên em. Đám bạn đông vui ồn ào không hiểu vô tình hay cố ý, nhóm đi trứơc, nhóm đi sau, chỉ để hai đứa tôi đi bên nhau. Những câu chuyện của tôi và em lúc đó gượng gạo lắm. Những câu hỏi và những câu trả lời cụt lủn. Tận lúc đó tôi mới biết em đang học lớp Chín chuyên Văn trường Trần Đăng Ninh và em kém tôi ba tuổi. Năm học của tôi là năm cuối cùng chúng tôi không phải học lớp Chín theo hệ cải cách, vậy nên tôi hơn em chỉ ba tuổi mà học hơn em tới bốn lớp. Thú thật là không biết ngừơi xưa rung động đầu đời thế nào. Tôi thích đọc văn thơ, thường thấy họ yêu nhau thì cứ mong muốn con đường sẽ dài mãi dài mãi không bao giờ hết. Còn tôi thì khi đó chỉ mong cho mau về tới nhà. Tôi không biết nói chuyện gì. Suốt dọc đường tôi cứ ấp a ấp úng. Tôi ngượng.
Về tới tận cửa nhà em, em mới chỉ cho tôi cái biển số nhà và hỏi tôi có nhớ được địa chỉ nhà em không. Tôi nói là tôi nhớ. Em nói tôi viết thư cho em nhé, chào tôi rồi đóng cửa vào nhà. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên. Nhà cùng một khu tập thể, cách nhau có vài bước chân, tại sao lại phải viết thư chứ?
Nhưng rồi tôi cũng viết thư cho em. Chúng tôi trao đổi thư từ cho nhau suốt từ ngày đó, trung bình mỗi tuần hai lá. Thư của em lá nào cũng viết bằng mực tím trên giấy kẻ ly học trò. Em học chuyên văn nhưng viết thư lan man lắm. Mỗi lá thư dài cả mấy trang giấy, mà đọc đi đọc lại mãi mà tôi chẳng biết em nói gì. Tôi chỉ cho em là viết gì thì cũng phải có dàn bài. Em nói em làm văn trên lớp còn không có dàn bài nữa là viết thư cho tôi. Nói chung em chẳng bao giờ nghe tôi. Thư của tôi thì ngắn gọn, giọng văn sắc và xúc tích giống như thầy tôi dạy tôi trên lớp. Nhưng dù thư em lan man không đầu không cuối như vậy, nhưng tôi vẫn rất thích và nâng niu những lá thư đó lắm. Mỗi lá thư tôi đọc đi đọc lại cả chục lần, nhiều khi tới tận đêm khuya vẫn không ngủ. Và tôi phát hiện ra một điều rất thú vị. Em không hề kiêu căng như hồi đầu tôi nghĩ.
Rồi em làm thơ cho tôi xem. Tôi biết không phải em làm thơ tặng tôi. Thơ em ngây ngô, luật bằng trắc cũng như gieo vần thì vô cùng tuỳ tiện. Tôi chỉ thích được cái ý thơ của em thôi. Nó rất lãng mạn, tự nhiên và vô cùng trẻ nít. Trong những bức thư trả lời của tôi, tôi sửa thơ cho em, góp ý cho em sửa thế nào cho hay hơn, cho đúng âm luật hơn. Nhưng tôi không biết em có nghe lời góp ý của tôi không, vì trong thư em em chẳng bao giờ nói với tôi điều ấy cả.
Chúng tôi trao đổi thư từ cho nhau suốt cả một thời gian dài như vậy và vô cùng bí mật. Tất cả đám bạn bè của tôi không hề ai hay biết trừ một thằng bạn rất thân trong xóm của tôi tên là Lam Khàn. Thằng đó tên là Lam, nhưng vì giọng hắn khi đó khàn khàn như vịt đực nên bọn tôi gọi hắn như thế. Tôi tâm sự với hắn và đương nhiên bắt hắn phải thề là không đựơc nói cho ai hay. Ba mẹ tôi thì biết tôi rất thường xuyên nhận thư và cũng biết thư từ một người con gái vì nét chữ mềm mại của em trên phong bì. Tuy vậy, ba mẹ tôi chẳng biết ngừơi gửi là ai vì trên phong bì em không bao giờ đề tên người gửi. Thư của tôi viết cho em cũng thế. Rồi tôi bắt đầu tập làm thơ để tặng lại em. Mỗi bài thơ làm xong, tôi đều đưa cho thằng Lam Khàn xem trước và hỏi ý kiến nó. Lần nào nó cũng phán: “Thơ mày làm dở quá, đừng gửi còn hơn. Cái hay của mày thì không mới mà cái mới của mày thì không hay…”. Đại khái lần nào cũng thế, nghe riết bực mình. Đựơc vài lần thì lửa làm thơ tình của tôi nguội lạnh. Từ đó tôi không làm thêm một bài thơ nào nữa.
Chúng tôi trao đổi thư từ thân thiết với nhau như vậy, nhưng tiếp xúc bên ngoài thì lại vô cùng lạnh nhạt dù rằng tôi và em sống cùng trong khu tập thể và rất hay gặp nhau. Mỗi lần vô tình gặp nhau như thế, vẻ mặt em tỉnh bơ như không hề thấy tôi. Còn tôi thì chỉ cúi mặt đi thẳng, không bao giờ dám nhìn em. Lúc ban đầu tôi thấy chuyện đó hơi khó chịu, nhưng sau một thời gian rồi cũng thấy quen đi. Riết rồi cả tôi và em cùng thấy chuyện đó rất bình thường và cả hai đứa cùng không ai để ý tới nữa. Dường như tôi và em cùng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với việc trao đổi thư từ qua lại.
Có một chuyện cũng rất buồn cười. Từ ngày tôi thương em và trao đổi thư từ với em, tôi lại đâm ra sợ ba em. Ba em làm nghề thợ điện, cũng chẳng biết tôi là ai trong cái đám thanh niên mới lớn hỗn độn trong khu tập thể. Trong khu tập thể chúng tôi khi đó có bốn cái bàn bóng bàn xây bằng xi măng. Ba em mỗi buổi chiều hay ra đó chơi bóng bàn. Trứơc khi thích em, ngày nào tôi cũng ra đó chơi bóng và đã vài lần chơi cùng với ba em. Vậy mà từ khi thương em, tôi lại đâm ra sợ. Chưa bao giờ tôi dám nhìn bác. Mỗi lần thấy bác là tôi lại len lén vòng ra đường khác. Tôi luôn có cảm giác sợ bác biết là tôi thương em và như thế với tôi khi đó giống như một tội lỗi ghê gớm lắm.
Trao đổi thư từ như vậy được chừng hơn nửa năm thì tôi chuẩn bị lên Hà Nội ôn thi Đại Học. Thằng Lam Khàn nói với tôi: “Đã tới lúc mày nói chuyện với nó rồi”. Nó đã quen gọi em bằng “nó” dù biết bao lần tôi tỏ ý khó chịu với về chuyện này. Nhưng tôi thấy nó nói đúng. Cũng rất có thể là em đang chờ tôi mở lời. Khi đó tôi nào để ý em mới có 15 tuổi, còn tôi cũng mới chỉ 18, cái tuổi thời bọn tôi còn là vắt mũi chưa sạch. Vậy là tôi quyết định tỏ tình với em.
Tôi không viết lời tỏ tình trong thư. Tôi cầm bút bao nhiêu lần nhưng không viết được. Thằng Lam Khàn thì nói thư tình là phải trao tận tay. Thế nên tôi viết cho em một bức thư tình với lời văn cụt lủn thế này: “Anh yêu em. Em có yêu anh không? Hẹn gặp tối mai 9 giờ”. Chiều hôm sau, tôi đứng rình ở cửa nhà em chờ em mãi. Tôi run lắm, không phải run vì sợ em hay sợ phải trao thư mà là tôi sợ bác. May làm sao, cuối cùng em cũng đi đâu đó về. Tôi đạp xe xẹt lại, giúi lá thư vào tay em rồi phóng xe như bay như biến. Tim tôi đập thình thịch và chắc cái mặt tôi cũng đỏ lựng. Về nhà cả đêm hôm đó tôi mất ngủ.
Tối hôm sau, từ tám giờ tôi đã có mặt ở gần cửa nhà em, đứng sau lưng là thằng bạn chân gỗ Lam Khàn. Tôi hồi hộp lắm, mà dường như thằng bạn tôi còn hồi hộp hơn tôi. Nó cứ nhấp nha nhấp nhổm sau cái cột điện nhòm về phía cửa nhà em. Đúng 9 giờ, cửa nhà em xịch mở, tôi xẹt lại nhanh như một tia chớp. Em trao cho tôi một lá thư, nhìn tôi cười cười rồi quay vào nhà.
Phải nói lúc đó tôi và thằng bạn nối khố vô cùng hồi hộp. Chúng tôi chạy ra ngay cột điện gần nhất nơi có ánh đèn đường tù mù, lập tức xé thư và gí mắt vào đọc. Trong thư em chỉ viết lại một câu trong bài hát lần đầu tiên tôi đàn cho em hát: “Đừng yêu em anh nhé, em không muốn làm ngừơi lớn đâu anh” . Tôi ngẩn người. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn không nhớ tối đó hai thằng tôi đã làm gì và đã nói chuyện gì trước khi bọn tôi về nhà.
Rồi mọi chuyện cũng chẳng có gì thay đổi. Tôi và em vẫn trao đổi thư từ đều đặn như mọi ngày. Thư em vẫn lan man chuyện trên trời dưới đất. Thơ em viết vẫn sai âm luật, vẫn sai vần và tôi vẫn tiếp tục sửa thơ cho em. Chẳng có gì thay đổi cả, cứ như là không hề có hai lá thư không gửi qua đường bưu điện. Càng ngày, tôi càng nhớ em quay quắt. Tôi mong được vô tình gặp em trên đường, dù khi gặp em thì vẫn như mọi khi, tôi không dám nhìn mặt. Mái tóc thề xõa ngang vai và đôi mắt huyền đen trong trẻo theo tôi hằng đêm vào mỗi giấc ngủ.
Tôi lên Hà Nội ôn thi đại học hết hơn một tháng. Thời gian này em cũng ở nhà học luyện thi vào cấp Ba. Qua thư từ chúng tôi thoả thuận với nhau sẽ viết thư cho nhau ít hơn, chỉ một lần một tuần. Chẳng biết em thế nào, chứ tôi thấy cái thoả thuận đó với tôi sai lầm ghê gớm lắm. Tôi dường như luôn luôn biết trứơc được ngày sẽ nhận thư em, nhưng không ngày nào lại không trông ngóng cho cái ngày đó mau tới. Suốt thời gian trên Hà Nội, tôi không học được thêm một chữ nào. Nếu không có căn bản từ khi học chuyên cấp Ba, chắc chắn tôi thế nào cũng trượt Đại Học.
Thời gian đó, thực ra tôi cũng không quan tâm tới việc thi Đại Học lắm. Tôi chỉ mong ngóng cho ngày thi mau tới để thi xong còn về gặp em. Tôi không phải không lo chuyện học hành, nhưng với tôi năm đó thi Đại Học thì không thể nào rớt được. Tôi thi khối D gồm ba môn Văn, Toán và Ngoại Ngữ. Năm đó, môn Ngoại Ngữ được nhân hệ số hai, mà tôi học chuyên ngữ từ nhỏ, coi như nắm chắc 20 điểm. Hai môn còn lại tôi đều cứng cả, không thể cộng hai môn dưới 10 điểm được trong khi điểm chuẩn đậu hệ A chính quy có học bổng khi đó chỉ khoảng 25-26/40 điểm mà thôi. Vậy nên suốt thời gian học luyện thi, tôi chẳng lo lắng gì và cứ việc thả hồn mơ về mái tóc thề xoã ngang vai và đôi mắt đen huyền hút hồn của em nơi quê nhà. Suốt thời gian nhớ em và mơ mộng, tôi luôn tự hỏi em có mơ về tôi, có nhớ tôi như tôi mơ về em và nhớ em không.
Vừa thi đại học xong, tôi lập tức phi ngay ra ga Hàng Cỏ lên tàu về Nam Định, kệ mẹ tôi một mình ở lại chơi với họ hàng. Mẹ tôi thì chả hiểu gì cả. Mẹ tôi nghĩ lúc ôn thi không thăm họ hàng đã đành, thi xong rồi ít nhất cũng phải tới chào họ hàng một lần cho phải đạo chứ. Mẹ tôi đâu có biết rằng phải chờ đợi đằng đẵng mấy chục ngày đã quá sức chịu đựng của tôi tới mức nào rồi. Tôi hận chỉ không thúc cái tàu chạy nhanh lên đựơc thôi. Nhưng tàu hồi ấy chạy chậm lắm, ga lẻ nào cũng đỗ lại và cứ … xình xịch xình xịch.
Tôi vừa về tới nhà thì đã muốn chạy ngay sang nhà em để gặp em, nhưng lúc đó mới nhớ là mình chưa vào nhà em bao giờ. Lúc trước, tôi đi qua cửa nhà em thì hay liếc qua cánh cổng sắt vào trong nhà. Qua song sắt cửa thì chỉ thấy được một bộ xa lông tiếp khách đã cũ trong phòng khách và ngoài sân là mấy bồn hoa giấy. Bộ sa lông thì hay gây cho tôi sự tò mò và tưởng tượng ra những đồ vật khác trong gia đình nhà em. Mấy bồn hoa giấy thì hay đi theo tôi vào giấc ngủ cùng với mái tóc thề và đôi mắt của em. Mặc nhiên tôi cứ nghĩ em là người trồng và chăm sóc những bồn hoa ấy. Vậy là không thể gặp em được. Thư tôi viết cho em chỉ thông báo ngày tôi thi đại học chứ không nói mình sẽ về lại Nam Định ngay lập tức. Vậy là tôi buồn. Tôi liền xách mấy cuốn sách ra chỗ bốn chiếc bàn bóng bàn bằng xi măng ngồi đọc. Thực ra tôi chẳng đọc được gì cả vì hai mắt chốc chốc cứ láo liên ngó con đường nhỏ chạy trước mặt. Chẳng là nhà em đi hay về đều phải qua con đường này mà.
Tôi ngồi khoảng một tiếng thì em xuất hiện. Em đang đạp xe đạp từ nhà đi đâu đó. Em thấy tôi ngồi đó thì tỏ vẻ bất ngờ. Lúc đó chẳng có ai ngoài tôi và em, nhưng em cũng không dừng lại nói chuyện với tôi lấy một câu. Em chỉ nhìn tôi cười cười rồi thản nhiên đạp xe đi qua. Nhưng như vậy tôi cũng đã vui lắm rồi. Hình như cho tới tận lúc này cũng mới chỉ là lần thứ hai hay thứ ba gì đó em đã cười với tôi.
Chúng tôi tiếp tục cuộc sống thường ngày như xưa, nghĩa là hàng ngày viết thư và chờ thư của nhau.Tôi cũng không rõ em có chờ thư tôi nhiều như tôi chờ thư em không nữa. Khoảng hai ba tháng sau, tôi thông báo cho em biết ngày tôi sẽ lên Hà Nội học Đại Học và cũng thông báo cho em biết gia đình tôi đã quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống, nhà tôi sẽ chỉ còn lại một mình tôi sống ngoài Bắc. Rồi trước ngày tôi đi một ngày, trong thư em hẹn tôi đi chơi. Tôi run và hồi hộp lắm. Tôi chẳng dám nói chuyện này với cả thằng bạn nối khố Lam Khàn.
Hôm đó là một buổi chiều. Tôi nhớ nắng hôm đó trải vàng nhàn nhạt trên lối mòn nhỏ trong công viên Vị Xuyên. Nắng xuyên qua những tán cây loang lổ, nhảy múa chập chờn. Cảm giác của tôi về nắng lúc đó rõ lắm, vì nó giống như những suy nghĩ trong đầu tôi lúc đó. Đã hàng trăm ngàn lần tôi tưởng tượng nếu được đi chơi cùng với em tôi sẽ nói gì với em, vậy mà bây giờ trong đầu tôi không một con chữ. Thêm một cảm giác nữa hôm đó là tôi cảm thấy mình nhỏ bé khi đi bên em. Có lẽ chỉ là vì tâm lý mà thôi. Vì em đã biết tôi thương em, thương em rất nhiều và sẵn sàng làm mọi việc vì em, còn tôi thì lại không biết em có cảm tình gì đặc biệt với tôi không hay chỉ “quý tôi như một người anh” như trong thư em vẫn thường nói. Thật lạ, trong thư viết cho em tôi có thể nói mọi chuyện một cách tự nhiên, thậm chí còn có thể cười đùa trêu chọc nhau, nhưng khi đối diện với em tôi lại chẳng nói được lời nào. Chúng tôi lang thang một lát trong công viên rồi tới chỗ mộ cụ Tú Xương, khi đó là phần đẹp nhất của công viên vì là nơi duy nhất lát gạch galitô, có các bồn hoa, các giàn hoa đuợc cắt tỉa gọn gàng và được chăm sóc cẩn thận. Khi đó em bắt đầu nói chuyện về văn thơ, khởi đầu từ cụ Tú Xương, rồi qua tới Nguyễn Khuyến… Tôi lúc đó mới như bắt đựơc trúng đài, mới trở lại “văn phong” quen thuộc như tôi hay trao đổi qua thư từ với em. Tôi còn nhớ rõ lắm, hôm đó chúng tôi nói nhiều nhất về hai bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan và bài “Núi Đôi” của Vũ Cao. Phân tích bài “Màu tím hoa sim” tôi cao hứng lắm. Chúng tôi cùng thích bài thơ này hơn, và tôi thấy được sự phấn khích trong giọng nói của cả tôi và em. Lúc đó tôi chẳng hề nhớ chút nào rằng ngày mai tôi sẽ ra bến tàu lên Hà Nội.
Nếu em không nhắc thì có lẽ tôi sẽ còn cao hứng với đề tài thơ và văn tới cả mấy tiếng nữa. Em chợt hỏi tôi ngày mai mấy giờ tôi ra bến tàu. Tôi buồn xìu và trả lời em là 10 giờ sáng. Em lại nhìn tôi cười cười và nói ngày mai em phải đi học, không ra tiễn được đâu. Em còn nói nếu có ra được cũng không ra tiễn đâu vì em ngượng lắm. Nhưng tôi lại thấy khác. Tôi chẳng thấy em ngượng ngập bao giờ. Có thể em viết văn dở hơn tôi thôi chứ tôi biết em bản lĩnh hơn tôi nhiều lắm. Trước giờ chỉ có tôi hay ngượng trước em chứ em có bao giờ ngượng trước tôi. Ngay từ ngày đầu tiên tôi cảm em, ngày Quốc Khánh đáng nhớ đó, cũng đã như vậy rồi. Thấy tôi buồn, em lại cười cười rồi rút túi đưa cho tôi một tờ mười ngàn. Tờ mười ngàn đỏ chói mới cứng, tôi còn nhớ lắm và vẫn giữ gìn tờ tiền đó như một kỷ niệm cho tới tận mấy năm sau tôi mới mất tờ tiền đó vì một tai nạn ngoài ý muốn. Tôi từ chối không nhận và nói ba mẹ anh đã lo lắng đầy đủ cho anh rồi. Mười ngàn lúc đó cũng là một khoản tiền kha khá đối với tôi và chắc là rất lớn đối với học sinh như em, vì lúc đó học bổng hệ A cao nhất của chúng tôi mới đựơc khoảng năm mươi ngàn, một khoản tiền nếu sống tiết kiệm, một sinh viên có thể sống được cả tháng và còn dư tới hơn mười ngàn tiêu vặt. Vì thế tôi từ chối không dám nhận. Em lại cười. Sao em hay cười thế. Em cười mà mắt cũng cười theo. Và em cầm tay tôi, và em giúi tờ tiền vào tay tôi. Khi em cầm tay tôi thì người tôi run bắn. Bàn tay em mềm mại và mát lạnh. Và lúc ấy tôi mới nhận ra em có bàn tay thật đẹp. Những ngón tay búp măng dài và trắng. Tôi chưa bao giờ nhìn vào tay em cả và cũng tự hỏi tại sao thương em gần cả năm trời, tôi chưa bao giờ để ý bàn tay em. Lúc đó tôi nghĩ bàn tay em đúng là bàn tay con gái chuyên Văn, chỉ biết cầm bút và tâm hồn vô cùng lãng mạn. Còn cảm giác run rẩy khi em cầm tay tôi thì tôi không bao giờ quên. Mãi về sau này, khi tôi tiếp xúc với nhiều người con gái khác tôi cũng không bao giờ có lại được cảm giác như thế.
Sau khi ép tôi nhận món tiền chắc là tiền tiết kiệm của em, em lục cái túi nhỏ đeo bên mình, lấy ra đưa cho tôi một tấm hình em chụp. Tấm hình ép plastic cẩn thận, phía sau đề một hàng chữ bằng mực tím: “Anh lên Hà Nội học cho giỏi nhé. Con dế vô tư”. Em vẫn ký tên “Con dế vô tư”, con dế của nhạc sỹ Trần Tiến ngày nào tôi đã đàn cho em hát. Rồi em nói với tôi: “Anh chờ em học xong cấp Ba và thi đậu Đại Học như anh nhé!”.
Từ ngày tôi lên Đại Học, mỗi tuần em đều gửi cho tôi một lá thư. Trong thư trả lời em, tôi bắt đầu hay nói là tôi nhớ em, nhớ nhiều lắm. Em chả bao giờ nhắc lại những lời đó trong thư em gửi cho tôi. Vẫn chỉ là những câu chuyện bâng quơ không đầu không cuối và những câu thơ gieo sai vần. Thi thoảng tôi viết trong thư là tôi yêu em lắm. Những lần như thế em lập tức tỏ ý không hài lòng và tôi lại tạm hài lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi hàng tuần chờ, nhận và đọc thư em.
Tôi rất muốn về Nam Định thăm em nhưng gia đình tôi đã chuyển hết vào Sài Gòn. Trong thư em cũng nói không muốn tôi về mà muốn tôi lo việc học hành đàng hoàng trên Hà Nội. Năm học Đại Học đầu tiên cùng với mối tình êm dịu của tôi trôi qua như thế. Suốt một năm đó, tôi chỉ về Nam Định một lần dịp Tết Nguyên Đán. Ba mẹ tôi nói tôi vào Sài Gòn ăn Tết với gia đình, nhưng tôi lại để dành dịp nghỉ đó để có cớ về Nam Định. Tôi không dám tới nhà em chúc Tết, và suốt một tuần tại Nam Định, tôi chỉ gặp em được vài lần ngoài ngõ. Em chỉ nhìn tôi cười chứ chúng tôi không nói đựơc chuyện gì với nhau cả. Sau một tuần, tôi hơi thất vọng nên quay trở lại ký túc xá trên Hà Nội, dù khi đó sinh viên bọn tôi được nghỉ Tết tới ba tuần lận.
Phải chi cuộc sống cứ như vậy êm dịu trôi, chỉ vài ba năm nữa tôi và em thế nào cũng có một mối tình viên mãn. Em chưa bao giờ nói, nhưng tôi biết em có cảm tình với tôi nhiều lắm. Tôi biết qua những câu chuyện lan man em kể cho tôi trong những lá thư viết bằng mực tím. Tôi biết qua nụ cười em dành cho tôi mỗi lần gặp mặt và đặc biệt là qua đôi mắt biết cười của em mỗi lần em nhìn tôi. Thế nhưng có một biến cố tôi không bao giờ ngờ tới đã chia cách tôi và em, chia cách mãi tới tận bây giờ để lại trong tôi một vết sẹo trong tim không bao giờ lành lại.
Cuối năm thứ nhất Đại Học, tôi đột ngột nhận được thư nhà. Ba tôi nói tôi phải vào gấp Sài Gòn, có công việc rất tốt tôi có thể vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình lúc ấy đang rất nhiều khó khăn. Tôi có người nhà làm việc trên trường Đại Học, và người nhà tôi sẽ lo chuyển hồ sơ của tôi vào học tiếp trong một trừơng Đại Học trong Sài Gòn. Tôi thu xếp đồ đạc và ngay lập tức lên tàu vào Nam. Khi tàu đi qua ga Nam Định, tôi buồn lắm vì biết em chẳng thể ngờ tôi đang đi tới một nơi phải xa em, xa lắm. Vừa vào tới Sài Gòn, tôi lập tức viết thư cho em báo tôi chuyển địa chỉ vào trong này và đang rất mong thư của em.
Rồi tôi bận bịu suốt tuần tiếp theo với việc làm quen công việc mới và việc chuyển hồ sơ Đại Học. Nhưng suốt tuần đó, tôi cứ trông ngóng tin em. Hồi đó thư bưu điện Nam Bắc chuyển lâu lắm. Khoảng hai tuần sau, tôi mới nhận đựơc một lá thư. Chính là lá thư tôi gửi em bị bưu điện gửi trả. Trên thư đề không tìm được người nhận.
Tôi như phát cuồng, liền mấy tuần sau đó tôi liên tiếp gửi mấy là thư nữa nhưng đều bị gửi trả. Có chuyện gì chăng? Hay em giận tôi không cho em biết trước chuyện tôi theo gia đình chuyển vào Sài Gòn? Hồi đó tôi thật ngu dại. Tôi thật sự nghĩ thế. Và tôi đợi thêm vài tuần nữa lại tiếp tục viết cho em. Tôi nghĩ chắc em đã nguôi giận.
Thế nhưng không có gì khác trước. Vẫn những lá thư ấy, những lá thư tôi viết gửi đi bây giờ bị gửi trả. Hồi ấy phương tiện liên lạc thiếu thốn, trước khi tôi vào Sài Gòn đi làm cả tôi và em chưa đứa nào từng dùng điện thoại. Tôi hoang mang thực sự nhưng không biết làm thế nào. Tôi không hề có được bất cứ số điện thoại nào dù ở Hà Nội hay Nam Định cả. Cuối cùng tôi nghĩ ra một cách, tôi hỏi tổng đài tra ra số điện thoại Khoa tôi học tại trường Đại Học. Tôi gặp được cô giáo phụ trách tạp vụ văn phòng khoa. Tôi tự giới thiệu là học sinh cũ mới chuyển đi một vài tháng và hỏi cô tôi có lá thư nào không. Cô ta đáp không có lá thư nào cả. Mãi sau này tôi mới biết đó là một câu trả lời vô trách nhiệm. Tôi nhận đựơc rất nhiều thư của em và đều bị cô ta gửi trả. Nhưng ngay lúc đó thì tôi tin cô ta và không nghi ngờ gì hết.
Thời gian mất liên lạc với em rốt cuộc đã mấy tháng. Tôi liền gửi thư cho con nhỏ cạnh nhà tôi để hỏi về em. Con nhỏ đó bằng tuổi em, học cùng trường nhưng khác lớp. Con nhỏ đó mãi tới lúc đã thương em rồi tôi vẫn cho nó là một đứa con nít, vẫn hàng ngày ký đầu cho nó khóc váng lên rồi mang các loại truyện ra để dụ nó hết khóc. Nó cũng chơi với em nhưng hình như không thân lắm. Rất nhanh tôi nhận được thư trả lời của nó. Nó nói gia đình em đã chuyển về Phủ Lý cách đây mấy tháng vì tỉnh Hà Nam Ninh lúc đó tách thành ba tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Ba em gốc Hà Nam nên đã chuyển công tác về Phủ Lý và chuyển cả gia đình theo. Tôi sững sờ, thời gian tính toán trong thư thì gia đình em chuyển về Phủ Lý xấp xỉ thời điểm tôi lên tàu ra Hà Nội.
Con nhỏ hàng xóm nói rất nhiều. Nó trách tôi dữ dội lắm. Nó nói thư em gửi cho tôi đều bị trả lại, khiến em phải tìm nó hỏi thăm tin tức của tôi. Nó bảo em sợ tôi giận em, bỏ em. Nó nói em mang hàng chồng thư tôi gửi cho em cho nó xem. Câu cuối cùng nó viết: “Suốt mấy ngày trước khi theo gia đình về Phủ Lý, Liên nó đã khóc hết nước mắt. Trong lớp nó chẳng nói chuyện với ai, chẳng chia tay bạn bè, cũng không lưu lại một chút địa chỉ liên lạc nào hết”. Tôi thực sự choáng váng.
Trên đời có những biến cố kỳ cục như vậy đấy. Tận bây giờ, tôi vẫn không thể hình dung ra sao lại có những biến cố ngẫu nhiên trùng hợp tới kỳ lạ như thế. Suốt mấy tháng sau, tôi buồn lắm. Tôi nghĩ mãi mà không nghĩ ra một giải pháp nào.
Tôi buồn xịu suốt mấy tháng, chỉ lo chúi đầu vào công việc và việc học hành để cố quên đi hình bóng em. Gia đình tôi lúc đó mới chuyển vào Sài Gòn còn vất vả lắm, tôi và anh Hai tôi phải ra sức cày bừa để trả nợ tiền ba mẹ mượn họ hàng mua nhà trong Sài Gòn. Tôi lúc nào cũng nghĩ tới em, nghĩ tới ngày tôi trả xong nợ cho gia đình thì sẽ lên tàu ra Bắc tìm em. Tôi nghĩ tìm em cũng không khó. Thế nào em cũng học chuyên Văn ở Phủ Lý, và sau này thế nào em cũng thi vào trường Sư Phạm khoa Văn. Thế nhưng tôi đã lầm. Ba năm sau tôi trở ra Bắc. Suốt thời gian hai tuần tôi nghe ngóng tìm tin tức của em mà không đựơc. Rồi tôi về lại Nam Định, không một ai trong khu tập thể hay biết tin tức gì của gia đình em. Rồi tôi cố gắng tìm gặp các bạn học cùng lớp chuyên Văn với em khi xưa. Không một ai, không một ai biết tin tức gì của em cả. Họ chỉ nhớ lại mãi khi em đi rồi họ mới biết tin em chuyển trường. Họ nhớ mấy ngày trước đó em khóc mắt sưng húp, ai hỏi gì cũng không nói.
Tôi không biết sau khi mất liên lạc, em có tìm cách tìm lại tôi như tôi tìm em không. Trước đó, tôi luôn tin em bản lĩnh lắm, tin em bản lĩnh hơn tôi nhiều. Ngày tôi mất liên lạc với em, tôi buồn nẫu cả người nhưng không hề khóc. Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ khóc. Tôi vẫn luôn tự tin tôi sẽ tìm lại đựơc em, vẫn luôn tin vào lời ước hẹn tình yêu ba năm sau, khi em vào Đại Học. Thậm chí lúc nhận được thư con nhỏ hàng xóm, trong cái thất vọng cùng cực vẫn có một niềm vui ích kỷ kỳ lạ. Em đã khóc tức là em đã yêu tôi. Em yêu tôi thì tôi không thể mất em nữa. Một hai năm nữa tôi sẽ ra tìm em theo lời ứơc hẹn. Khi người ta trẻ, người ta hay có những suy nghĩ ngây thơ khạo khờ như thế.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, cảm giác càng sau này thời gian trôi mỗi lúc càng nhanh. Tôi quay cuồng với việc phấn đấu xây dựng sự nghiệp của một thanh niên tỉnh lẻ nơi đô thành Sài Gòn. Những lúc nghĩ về em mỗi ngày một ít hơn, nhưng không bao giờ tôi quên đựơc em. Sự nghiệp của tôi cũng có một phần thành đạt. Tôi bản lĩnh và tự tin ngoài cuộc sống, nhưng suốt tuổi thanh xuân của mình, tôi chưa thể và không thể yêu một ai. Cũng có một vài người con gái có cảm tình với tôi, nhưng họ chỉ làm tôi nhớ lại em hơn mà thôi. Tôi ám ảnh hình bóng em tới mức không thể cầm tay một người con gái khác chứ không nói chuyện trao nhau những nụ hôn tình yêu vì mỗi lần như thế tôi lại nhớ lại lần em cầm tay tôi trong công viên Vị xuyên. Những lúc buồn, tôi rất hay giở tấm hình của em, của “con dế vô tư” ra để ngắm nghía, nâng niu và tưởng tượng. Tôi đọc lại những bức thư không đầu không cuối, những câu thơ lạc vận của em và thả mình hoàn toàn vào trong một tình yêu thánh thiện, một hình yêu chưa hề nhuốm mùi nhục dục. Tôi thả mình trong hồi ức về mái tóc thề xoã ngang vai, đôi mắt đen huyền trong trẻo biết cười và những ngón tay búp măng trắng muốt. Tôi đã tiếp tục yêu em như thế, mang theo tình yêu thánh thiện tôi tôn thờ theo những bứơc đường du học xứ người, những năm tháng dài dằng dặc vừa học vừa làm của một du học sinh nghèo Việt Nam xa xứ.
Rồi tôi về nước, quen được một người con gái và lấy người con gái ấy làm vợ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về người con gái ấy chỉ là cô ấy cũng có mái tóc thề giống em và vóc dáng gần giống em. Trước khi tổ chức hôn lễ, tôi đã ra Bắc, tìm về khu tập thể nhỏ bé năm xưa của tôi và em, để trọn một ngày đắm mình vào những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Khu tập thể nhỏ bé cũ kỹ ấy, vẫn bốn chiếc bàn bóng xi măng sứt mẻ, vẫn những dãy nhà cấp bốn cũ kỹ và những hàng cột điện dây dợ lòng thòng. Cảm giác duy nhất là mọi thứ dường như bé nhỏ đi rất nhiều. Tôi đi mọi chốn mọi nơi, ngo ngác như muốn tìm hình bóng em đâu đây. Và tôi đã muốn khóc.
Ngày tôi về Sài Gòn, mẹ tôi đã làm một điều khiến tôi hết sức giận dữ. Mẹ tôi đã đốt hết những bức thư tôi yêu quý như bảo bối mà em đã gửi cho tôi, những bức thư viết bằng mực tím, những bức thư không đầu không cuối và những bài thơ lạc vận. Tôi biết chỉ vì mẹ tôi thương con dâu, không muốn cô ấy biết về em. Tôi giận mẹ tôi, và tôi buồn lắm. Cũng may tôi còn giữ lại được tấm hình “con dế vô tư” ngày nào em tặng tôi, kỷ vật duy nhất còn lại minh chứng cho mối tình duy nhất đã theo tôi suốt thời trai trẻ. Tôi tự hứa lòng mình sẽ không bao giờ, không bao giờ để mất kỷ vật thiêng liêng đó.
Cuộc sống gia đình tôi vẫn đều đều trôi một cách êm đẹp. Vợ tôi sinh một bé gái kháu khỉnh xinh xắn. Tôi bắt đầu tìm mọi cách gạt hình bóng em trong đầu nhưng dường như mọi cố gắng đều vô ích. Đôi khi tôi cảm thấy có lỗi với cô ấy và đoán hình như cô ấy cũng đã biết về em. Tôi biết ơn cô ấy vì cô ấy luôn tôn trọng một khoảng trời riêng của tôi dành cho em, một góc trong tâm hồn tôi dành cho em. Đôi khi, tôi nghĩ lại những bức thư ngây ngô không đầu không cuối, những vần thơ lạc vận của em và lại tủm tỉm cười một mình dù ký ức đó đã trôi xa gần hai thập kỷ. Có những lúc tôi lại muốn ra Bắc, muốn tìm lại em chỉ để muốn biết em bậy giờ đang sống thế nào. Đôi lúc tôi tưởng tượng chắc em đã hoàn toàn quên hình bóng tôi, và thiên thần xinh đẹp của tôi ngày nào, con dế vô tư của tôi ngày nào đã toàn tâm toàn ý yêu một người đàn ông khác. Tôi mong cho em như vậy. Tôi chỉ muốn, muốn lắm, được biết một chút tin tức của em, đựoc nghe một chút về cuộc sống hiện tại của em, thiên thần thánh thiện của tôi, con dế vô tư của tôi.
Tôi hay gặp thằng bạn nối khố của tôi, thằng Lam Khàn. Nó cũng chuyển cả gia đình vào Nam như tôi và hiện giờ cũng rất thành đạt. Một đôi lần tôi oán nó vì ngày sinh viên trong ký túc xá chính nó là kẻ đục hòm của tôi ra, lấy tờ tiền em tặng tôi xài mất. Thời đó bọn tôi vẫn hay xài tiền xài đồ của nhau như thế. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ như vậy, nó cười hề hề và nói: “Mày nhớ con dế vô tư làm cái gì? Bây giờ chắc con dế vô tư của mày ngày xưa đã thành con dê vô tư quá ha ha…” Tôi chỉ cười theo chứ không nói gì. Nó đâu bíât trong lòng tôi chẳng bao giờ có thể quên em được. Một đôi khi những người bạn thân nhất của ta cũng không hiểu đuợc ta như thế đó.
Một đôi lúc rảnh rỗi, tôi nhớ lại những bài thơ ngô nghê của em khi xưa và rồi tôi tập làm thơ. Những bài thơ của tôi đều phảng phất hình bóng mái tóc thề, đôi mắt huyền đen biết cười biết nói và những nhón tay búp măng trắng muốt. Trong một bài thơ viết cho em, tôi đã ví mình như một hòn đá nguồn, chỉ một lần mở lòng yêu nước để rồi phải đau khổ nhìn nước ra đi, đi mãi không bao giờ trở lại.
Ta ngồi đây suối vắng bây giờ
Ta nhìn đá đá nhìn ta lặng lẽ
Ta như đá chỉ một lần trai trẻ
Yêu chỉ một lần và vĩnh viễn mất em.
Hoàng TN
16/08/2006



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 210

Return to top