Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chuyện Cũ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 437 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện Cũ
Nguyễn Danh Khôi

 

Tôi và Chiến quen biết nhau ngay từ buổi học đầu tiên hồi cấp hai.

Hôm ấy, tôi ăn mặc diêm dúa như... một con búp bê. Lý do: Tôi được chuyển thẳng nên bố tôi mừng lắm. Ông dành nguyên một tháng lương thợ nguội bậc năm, đắp lên người tôi đủ thứ mới toanh, sặc sỡ. Tất cả những thứ ấy làm tôi ngượng ngập đến khổ sở thì chớ, lại còn bị ăn đòn. Một thằng bạn con nhà nghèo, nghịch như quỷ sứ và rất khoẻ, thấy tôi loè loẹt, kiếm cớ cà khịa. Đã cố nhẫn nhục, nhưng chịu không nổi, tôi điên tiết chửi lại hắn mấy câu. Kết quả là tôi thấy tự nhiên bị lộn cổ xuống sông. Trong khi cả lũ bạn học nhảy nhót reo hò như một lũ quỷ con thì một tên to lớn, đen như củ súng xuất hiện. Hắn túm tôi lên, té nước gột rửa bùn đất mà chẳng nói rằng gì. Kẻ đánh tôi lặng lẽ lủi mất. Và cả bọn cũng ngượng ngùng giải tán.

Đấy! Chúng tôi làm quen với nhau như vậy! Và cũng từ đấy, chẳng kẻ nào dám bắt nạt tôi dù có mặt Chiến hay không, mặc dù Chiến rất hiền và ít nói.

Nhà Chiến ở thôn Thanh Quang. Một cái tên quá đẹp so với mảnh đất khó nghèo, bao đời chỉ rặt cơm khoai cơm chóc. Thôn ấy vốn trũng nhất xã, lại còn có con sông Sâu mênh mông. Gọi là sông Sâu nhưng đúng ra thì nó là một cái đầm. Ngày xưa, các cụ nắn thẳng sông nên cái đoạn vòng sâu nhất của con sông tự nhiên chảy qua đấy bị thừa ra. Thế là thành đầm. Nhưng có lẽ vì tôn trọng con sông ngằn ngoèo kỳ vĩ kia, người ta vẫn gọi cái khúc bị chịt hai đầu ấy là sông Sâu. Chiến bảo ở dưới đầm có con ma Bình Vôi và có cả ma Tàu nữa. Ma Bình Vôi ở trong cái bình vôi. Người ta yểm con ma vào đấy rồi vứt xuống sông. Nhiều người mò được, không biết, đem về. Thế là con ma thoát ra lang thang vật vờ khắp nơi... Con ma Tàu là chỗ sông Sâu có cái tàu đắm. Những người chết oan ấy thiêng lắm. Hễ ai hợp với họ là họ nhập vào. Nhất là đám đàn bà con gái. Cho nên đàn bà nằm mơ thấy có người đen sì vào ngủ với mình là phải mời thầy về yểm bùa mới khỏi.

Sinh ra và lớn lên bên cạnh sông Sâu nên Chiến bơi lặn giỏi như rái cá. Như đã kể là Chiến rất hiền lành. Nhưng đấy là ở trường, ở trên bờ. Còn ở giữa sông Sâu nhà hắn thì hắn chả hiền lành tí nào. Tôi đã có lần được chứng kiến hắn bắt một con cá măng to gần bằng người hắn.

Hôm ấy, sau buổi học, Chiến rủ tôi lên xem tát sông Sâu. Tôi choáng chợp trước một cảnh tượng hùng vĩ. Mọi khi, cái đầm ấy ẩn mình trong bạt ngàn màu xanh của lúa, của sen, của bèo tây... Bây giờ nó hiện ra sáng loáng, mênh mông đến choáng ngợp. Hàng chục cái gầu guồng vẫn đang cần mẫn kéo những dây gỗ trong vòng xoay bất tận. Nhưng lòng sông vẫn còn khá nhiều nước. Những người đánh bắt cá, đang be bờ dưới lòng sông trông chỉ như những con kiến li ty.

Vừa đến nơi, vừa vứt cái túi đựng sách cho tôi, ném vù bộ quần áo xuống vệ cỏ. Chiến nhảy ào xuống cái chảo bùn khổng lồ ấy. Tôi dõi theo Chiến và nhận ra... Chao ơi! Cơ man là cá trong mấy cái lướt lót xuống những vũng bùn. Những con cá chép bụng cỡ gang tay người lớn, những con cá trắm bằng bắp chân, bắp đùi, những con cá mè vài ba cân... Tất cả sôi lên, vật mình vật mẩy ầm ầm, ùng ục trong giờ tận thế. Còn dưới lòng sông, cuộc truy bắt loài thuỷ tộc cũng diễn ra không kém phần sôi động. Người lớn thì bắt cá lớn, trẻ con thì bắt cá bé. Những cái xời đầy lên. Những cái giỏ to bằng nồi mười cũng không còn chỗ nhét cua nhét cá. Những chiếc nơm vung lên, úp xuống loang loáng. Và cả những cái xiên cá nữa. Cứ bụp một cái, thế là một chú cá to tướng bị vung lên, tha hồ mà giãy trên ba cái đinh sắt sắc lẻm.

Một dài cụp khoảng hai chục tay cụp đầu này, hai chục đầu kia đang dồn cá vào giữa. Bỗng khúc sông nhốn nháo cả lên. Người ta hô hoán inh ỏi rồi khiêng vội một người đánh cụp lên bờ. Trong khi đó, một con cá to tướng cũng lao lên, vẽ thành một vòng cung ngạo nghễ trên mặt bùn ngay cạnh Chiến. Cách mặt nước chừng vài mét, con cá hết đà. Nó lập tức uốn mình, tung ra những cú bật cực mạnh hòng nhảy xuống nước. Đúng lúc ấy, Chiến lao vào ôm con cá. Cuộc loạn đả có một không hai diễn ra quá sức tưởng tượng làm mọi người như chết sững. Nói là loạn đả thì hình như không đúng lắm. Con cá dài gần bằng người Chiến và cực khoẻ, liên tục quẫy bật dữ dội. Những cú bật mạnh đến mức có vài lần cả hai cùng nhảy lên không trung. Xen lẫn vào đó là những pha lăn lộn dưới bùn, ùng ục, oành oạch... Chừng dăm phút như vậy, con cá có vẻ yếu đi. Những người đánh cá lúc đầu đứng đờ ra, giờ xô đến hỗ trợ cho Chiến. Họ xúm vào, người đè, người trói. Cuối cùng, họ lôi được con cá lên giữa đám đông xúm đen xúm đỏ trên bờ.

Tôi vướng hai cái túi sách và bộ quần áo của Chiến nên không chen vào xem được. Hỏi thì Chiến bảo:

- Cá măng đấy. Phải cỡ hai yến!

- Sao ông liều thế?

- Chả sợ! Thôn tớ, có ông bị nó húc lòi ruột, chết tươi đấy. Còn ông hôm nay thì bị gẫy xương đùi!

- Vậy... làm sao ông bắt được nó?

- Có cách chứ! Cá nào cũng vậy. To đến mấy, khoẻ đến mấy cũng có chỗ yếu. Cứ thò tay được vào mang nó. Chỗ dưới họng ấy. Bóp thật chặt là chú mày đứ đừ!

- Mang nó khoẻ vậy, nhỡ có kẹp gãy tay thì sao?

- Hễ nó kẹp vào thì mềm tay ra. Hễ cu cậu ngáp thì tranh thủ mà bóp!

 

Tôi phục Chiến lắm lắm! Bạn tôi đâu chỉ hiền lành! Tôi vốn khá nhút nhát. Gần Chiến, hình như tôi nhận thấy mình rõ hơn. Và vì vậy tôi cũng tiến bộ hơn, chí ít là trong những ước mơ. Cũng lạ! Chúng tôi khác nhau nhiều lắm. Chiến hơn tôi một tuổi, to khoẻ, ít nói, còn tôi thì ngược lại. Thế mà chúng tôi lại hoàn toàn giống nhau trong cái sự ước mơ. Chiến hay nhắc đi nhắc lại: "Tớ sẽ làm thuyền trường tàu chiến!".

Thuyền trưởng! Ý kiến thật tuyệt vời. Chúng tôi thích xem Phim màu chiến đấu của Liên Xô. Hình ảnh vị thuyền trưởng thật đáng để người ta mơ ước. Đó là một ông vua đầy uy quyền trong cái vương quốc bằng sắt trên đại dương mênh mông. Ông vua ấy vừa oai phong, ngang tàng vừa bình tĩnh và giỏi giang vô cùng. Giữa tiếng rít chói óc của những chiếc máy bay phát xít, giữa khói lửa mù mịt, những cột nước dựng đứng rồi đổ ập xuống boong tàu; vị thuyền trưởng đứng sừng sững, lạnh lùng tung ra những mệnh lệnh. Con tàu vụt trở nên cực kỳ linh hoạt. Nó vừa ngoan cường đánh trả máy bay, vừa khéo léo tránh những quả thuỷ lôi vòng vèo quỷ quái dưới nước và những làn đạn nhằng nhịt trên trời... Trận chiến đấu thắng lợi. Vị thuyền trưởng lại thanh thản ngắm những làn sóng đuổi nhau miên man về vô tận, vô cùng...

Làm thuyền trưởng! Thú vị thật! Nhưng tôi chỉ tưởng tượng ra cảnh mình sẽ đứng bên lan can con tàu đang xé nước, đôi dải mũ và tấm yếm lính thuỷ có những vạch trắng tung bay trong gió, mắt dõi về chân trời xa và lòng ngân lên những khúc hát trầm hùng hẹn ngày về chiến thắng. Như... trong phim!

Cũng dễ giải thích tại sao chúng tôi lại có ước mơ như vậy. Hồi ấy, Mỹ đã đánh phá ra miền Bắc. Chiến công lừng lẫy của Hải quân ta bắn cháy tàu Ma Đốc, rồi trận đầu đánh thắng, bắn rơi máy bay và bắt sống phi công Mỹ... cứ rực rỡ mãi trong tâm hồn đầy ắp mộng mơ của lũ chúng tôi. Bên cạnh đó là những đợt tuyển quân của Hải Quân. Huyện tôi là huyện ven biển, tất nhiên là phù hợp với yêu cầu rồi. Vậy mà anh nào phải có sức khoẻ loại A mới được trúng tuyển.

Dưới nước thì như vậy. Ước mơ thì như vậy. Nhưng trong chuyện trên bờ, chuyện thực tế thì Chiến khác hẳn.

Chúng tôi cùng thi đỗ cấp ba. Lớp tôi độ một phần ba là nữ. Năm lớp tám cũng vầy vậy thôi. Nhưng qua nghỉ hè thì khác. Đặc biệt là các bạn nữ.

Và trong số các bạn nữ thì có lẽ Hương là khá nhất. Đến nỗi, lũ con trai khi gần Hương thì không được tự nhiên lắm. Còn đứng xa liếc lại thì cứ thấy râm ran làm sao ấy. Hình như Hương khá tròn trịa. Đầu tiên, người ta nhận thấy đôi vai tròn. Rồi cái cổ có đến ba cái ngấn tròn. Và... thôi thì đã tròn thì cái gì cũng tròn. Nhưng đấy chỉ là sự nảy nở tự nhiên của cơ thể thiếu nữ chứ không phải là Hương tròn xoe! Đặc biệt hơn cả là khuôn mặt của Hương vừa đầy đặn vừa trắng trẻo một cách đầy viên mãn. Hôm học Truyện Kiều, trong khi thấy đang tìm cách mô tả cái khuôn trăng của nàng Thuý Vân giống cái gì để học trò dễ hiểu thì có kẻ bẻm mép nói leo vào: "Giống mặt bạn Hương!"

Không biết có phải Hương không nhận ra là mình xinh, hay những cô gái tròn trịa về hình dáng cũng tròn trịa luôn cả phần tâm hồn, nên cô vẫn cư xử với bạn bè tự nhiên như trước kia. Chỉ có đám con gái tinh quái là hay giả vờ giả vịt không để ý nhưng vẫn thầm thì rồi cười tủm với nhau về anh chàng nào đó lượn lờ uốn éo trước hoa khôi của lớp.

Tôi cũng điêu đứng vì Hương. Xin thú thật như vậy! Nhưng tôi khôn ngoan hơn đám si tình kia.

Bố tôi là người trong biên chế nhà nước nên được phân phối xe đạp. Một chiếc Phượng Hoàng đẹp như trong mơ. Thương con đi học năm sáu cây số, thỉnh thoảng ông nhường cho tôi vài tháng. Vì vậy, tôi đã được... đèo Hương. Thế rồi tôi nảy ra một diệu kế. Tôi dặn Hương: "Có ai nói gì, Hương cứ bảo chúng mình là anh em họ!" Đã nghĩ chán rồi, tôi mới có sáng kiến đó. Cô bạn tròn trịa đồng ý luôn. Có lẽ đơn giản là được ngồi xe đạp chứ chưa hẳn là cô có tình ý với tôi. Bằng chứng: Cô cứ hồn nhiên như anh em họ thật?

Điều oái ăm là, không những Chiến cũng mắc chứng phải cảm nàng Hương như ai, mà xem ra còn khá trầm trọng. Bởi vì hắn nhờ ông anh họ... chuyển cho Hương một lá thư.

Trời đất hỡi! Oan trái là đây. Tôi căm hờn cái lá thư cồm cộm trong túi áo tôi. Rồi tôi lôi ra, nhìn nó trừng trừng như muốn thiêu đốt nó thành tro bụi. Sao tôi ngu thế? Sao tôi không chối phắt? Nhưng làm sao tôi có thể chối phắt? Phải! Tôi không có một lý do gì để từ chối đưa thư.

Và tôi tìm cách khai thác phía Hương.

Như thường lệ, tôi vẫn đèo Hương đi học. Thấy Hương không ríu rít như mọi ngày, tôi hồi hộp đến nghẹt cả thở, chờ đợi đến lúc Hương sẽ phải nói gì với tôi. Nói chứ! Chả lẽ lại không? Và Hương đã nói:

- Sao ông lại… Ông với Chiến thân nhau lắm cơ mà!

Tôi ấm ớ:

- Có chuyện gì vậy?

Hương bốp luôn:

- Lại còn vờ vịt! Ông bảo ông ấy là tôi còn phải học đã!

Tôi mở cờ trong bụng:

- Quái nhỉ? Chuyện gì vậy? Hay là Chiến…

- Không có chuyện gì cả! Ông cứ nói hộ tôi như thế!

Thấy chưa? Cương quyết lắm! Tôi đúng là kẻ non dại. May mà còn kịp nghĩ ra! Thằng khôn lỏi của tôi đắc thắng.

Tôi thuật lại lời của Hương với Chiến mà không cần phải thêm dấm thêm ớt gì cả. Và tôi cũng yên lòng rằng tôi vẫn trung thực với bạn. Nhưng thằng khôn lỏi trong tôi còn bồi thêm: "Mới học hết kỳ một. Mà còn những gần hai năm học nữa. Thôi! Ông cứ tập trung vào việc học đã. Còn chuyện yêu đương thì… Tương lai còn ở phía trước cơ mà!"

Thật là vừa chí tình lại vừa cao đạo!? Chỉ tội cho ông bạn ngờ nghệch của tôi. Quả thật. Sau bề ngoài có vẻ bình thường, thi thoảng tôi lại bắt gặp những nét buồn vời vợi nơi Chiến. Đi bộ với nhau, (những kỳ bố tôi mang xe đi) thỉnh thoảng Chiến vùn vụt đi trước rồi thẫn thờ đứng lại chờ tôi. Ngồi trong lớp, Chiến hay nhìn vào một khoảng mông lung nào đó. Ôi ông thuyền trưởng si tình!

Hình như Hương cũng biết điều ấy. Tôi bắt gặp vài lần cô liếc Chiến bằng ánh nhìn băn khoăn.

Thế rồi điều bất ngờ xảy ra: Hương nhờ tôi đưa thư cho Chiến. Thật khó mà diễn đạt nổi tâm trạng của tôi khi lịch lãm nhận lời Hương. Đó là gì nhỉ? Hình như là một đợt nghẹn đắng dâng lên ứ cổ. Cảm giác thất bại làm tôi xa xót ê chề. May mắn thay, không hề ai biết tôi yêu Hương. Vậy phải bình tĩnh tìm hiểu ngọn ngành đã. Muốn chiến thắng thì bất chấp mọi quy tắc. Kẻ thắng là kẻ đúng.

Và… Tôi đã bóc lá thư ấy một cách cực kỳ khéo léo, theo cách của ai đó bảo rằng muốn khám thư thì chỉ việc úp mép dán vào chỗ thật ẩm. Độ vài giờ là hồ dán sẽ ướt trở lại.

Thư không có gì đáng kể, trừ mỗi câu: "Mình hiểu những tình cảm Chiến dành cho mình, nhưng…" Tôi căm thù chữ "hiểu". Ra đàn bà con gái là vậy! Đầu tiên là "Mình còn phải học đã". Còn bây giờ "Mình hiểu…" Nhưng tôi không thể quên chuyện lá thư. Chỉ có điều là cần phải hành động lập tức.

Ra vẻ khách quan, tôi hỏi Hương:

- Cho ông bưu điện phỏng vấn nhá! Thư từ đi lại thế này, có nghĩa là… Các cậu…

- Chả có chuyện gì đâu!

- Nói thật đi! Nếu không, tớ phá đám đấy!

- Vậy có chuyện thì sao?

Tôi đắng ngắt. Hương lại hiểu khác:

- Quả thật là…Chiến rất mạnh mẽ. Mẫu con trai như thế, ai mà chả thích!

Tôi nhìn đăm đăm vào gương mặt tròn trịa ấy mà lòng tê tái. Cô thật xinh đẹp và… xa lạ. Hình như đôi gò má cô đang ửng hồng. Hình như mái tóc đen nhánh kia đang ngượng ngập. Hình như hai bàn tay thon thả kia đang bối rối. Nhưng. Tất cả những cử chỉ ấy không dành cho tôi. Tôi đắng cay.

- Vậy… Tớ có mạnh mẽ không? Có được ai thích không?

Chẳng biết đùa hay thật, Hương nhấm nhẳng:

- Cậu trẻ con lắm!

 

Đùng một cái, Chiến bảo tôi:

- Đợt này họ lấy đặc công nước!

- Đặc công nước là cái gì?

- Là Đặc Công, nhưng chuyên đánh dưới nước. Thuộc Hải Quân!

- Thì sao?

- Tớ vừa khám rồi! Trúng luôn!

Tôi há hốc mồm. Và đột nhiên nhận ra rằng, tôi chỉ là thằng trẻ con bên cạnh Chiến. Tôi mới mười sáu tuổi đã đành, chỉ cao ngang vành tai Chiến đã đành. Cái chính là, chỉ ít ngày nữa thôi, trong khi tôi còn là em học sinh thì Chiến đã là anh bộ đội đặc công.

- Bao giờ lên đường?

- Năm ngày nữa!

Chuyện ấy làm tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ vì quá bất ngờ. Trước kia định làm gì, đang nghĩ gì, Chiến đều rủ rỉ với tôi. Còn lần này, liệu có phần nào tại Hương không? Hỏi Chiến điều ấy, Chiến ngượng ngập:

- Không phải! Nhưng… cũng không hẳn!

- Thế thì tại sao còn một năm nữa mới đủ tuổi nghĩa vụ mà ông đã…

- Tớ muốn đi! Tất cả cho tiền tuyến! Họ cho đi là tớ đi ngay. Nhất là lại vào Hải Quân!… Nhưng mà… ông còn nhớ ước mơ của chúng mình không?

- Thuyền trưởng!

- Ừ! Nhưng chức thuyền trưởng của tớ còn thiếu hình ảnh người yêu…

Tôi láng máng hiểu ra:

- Nghĩa là… Hương…

Chiến đỏ dừ mặt, lắp bắp:

- Giá mà… được nói chuyện với Hương một lần…

Còn đang cơn xúc động, tôi hăng hái:

- Dễ ợt! Lúc nào? Ở đâu? Tôi hẹn cho!

Chiến đần mặt ra một lúc rồi bất ngờ đặt bàn tay nặng trịch lên vai tôi:

- Giá gần hôm đi thì hơn. Chỗ nào nhỉ? À! Ở sân vận động huyện!

- Xong béng! Mồng năm lên đường chứ gì? Vậy mồng ba hay mồng bốn?

- Mồng bốn!

 

Ngẫm lại chuyện ấy, thoạt tiên tôi buồn cười. Cái thằng gà tồ! Hẹn ở đâu không hẹn, lại hẹn ở sân vận động trống toang trống toàng. Chạy thi chắc? Nhưng rồi tôi lại thấy chống chếnh thế nào ấy. Trong giờ phút chia tay, chàng trai lên đường chinh chiến sẽ nói gì với người mình hằng yêu dấu? Và trong thi cảnh hùng tráng ấy, liệu nàng có vượt được khỏi quy luật tất yếu là dâng trọn trái tim cho người ra đi không?

Nhưng thằng khôn lỏi trong tôi chưa chịu thúc thủ. Nó cười vào mặt tôi: Mày chả mạnh mẽ tí nào! Sao lại dễ dàng để mất? Làm gì có chuyện nhường nhịn trong tình yêu! Mày với Chiến là bạn. Nhưng Hương thì chỉ có một. Nếu mày không thuộc mẫu "con trai rất mạnh mẽ" như Chiến thì trời phải cho mày mưu trí chứ! Chàng Đantê chẳng đã thắng tên khổng lồ Gôliat đó sao?

Và tôi đã nghiền ngẫn một kế hoạch tinh tế như thế này: Với Chiến, tôi hẹn năm giờ chiều ngày mồng bốn. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì Hương tan học giờ ấy. Còn với Hương, tôi hẹn ba giờ. Phải! Ba giờ là chắc ăn nhất. Vì lần đầu hẹn nhau, chả cô gái nào lại đợi chàng trai cả! Nếu ngoại lệ thì cho là đợi đến nửa tiếng. Ngoại lệ nữa, cô gái sẽ vòng đi vòng lại chỗ hẹn vài lần là cùng, chứ chẳng cô nào điên mà đứng đợi hai tiếng đồng hồ…

Sáng hôm sau, cả lớp tôi sang sân vận động huyện để tiễn Chiến.

Chiến thật tuyệt vời trong bộ quân phục Hải Quân. Bộ ngực nẩy căng trong tấm áo màu xanh. Từ giữa lồng ngực ấy, những sọc trắng chạy ngang khuất vào những sọc trắng vút lên, bồng bềnh trên chiếc yếm lính thuỷ nổi tiếng lãng mạn… Nhưng gương mặt Chiến thì… buồn.

Giữa những câu chào, câu chúc, những món quà nho nhỏ của lũ học trò, Chiến dõi mắt tìm Hương. Còn Hương thì luôn lẩn vào đám bạn gái. Thằng khôn lỏi trong tôi hể hả. Như vậy là họ không gặp nhau được. Và Hương đang giận. Nhưng rồi… có một điều gì đó làm tôi ngượng ngùng khi cầm bàn tay to lớn và ấm áp của Chiến. Có cái gì đó làm tôi thấy xấu hổ và nhục nhã khi ấp úng nói lời tạm biệt Chiến…

Thế rồi chiếc xe tải từ từ lăn bánh. Chiến cứ nhoài người vẫy mãi về phía chúng tôi.

Thế rồi một tiếng khóc bật ra từ đám con gái. Tôi quay lại. Hương đang dụi mặt vào mái tóc ai đó. Cả lũ, mắt đỏ hoe…

Tôi không dám ngỏ lời với Hương sau khi Chiến đi. Có lẽ vì tôi ngại những giọt nước mắt của Hương và thấy mình có lỗi với Chiến.

Một năm sau, tôi nhập ngũ. Lá thư cuối cùng của Chiến đến đúng vào những ngày tôi chuẩn bị lên đường. Thư viết:

"… Bọn mình vừa đánh một trận tuyệt vời. Tàu địch nổ tung đúng giờ hẹn. Vui lắm! Cả đơn vị còn được nghe tin trận ấy trên đài. Còn bây giờ, chúng mình đang chuẩn bị cho một trận đánh mới. Nhưng mình không thể nói gì hơn. Bí mật quân sự mà! Chỉ biết rằng mục tiêu là một hải cảng lớn. Chúng mình sẽ phải bơi vài chục ki lô mét để tiếp cận mục tiêu. Ông nhớ chuyện cá măng không? Đối với tớ, tàu địch cũng chỉ là con cá măng khổng lồ. Chúng có mạnh đến đâu, phòng thủ kỹ lưỡng như thế nào thì cũng phải có chỗ sơ hở. Nhất định chúng mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Cho mình gửi lời thăm Hương với nhé. Kể cũng lạ. Gì cũng chả ngại, nhưng sao mình lại ngại trái tim phụ nữ đến thế. Nhớ Hương lắm nhưng không dám viết thư. Giá mà…"

Giá mà không có sự kiện kỷ niệm trận đầu đánh thắng của Hải quân thì có lẽ những gì của tôi với Chiến vẫn còn ẩn khuất đâu đó dưới dòng đời mải miết chảy. Vẫn biết rồi đến lúc con người phải đối diện với chính mình. Điều gì làm được, chưa chắc đã nhớ. Còn những lỗi lầm thì chắc chắn sẽ trồi lên như cái dằm nhức nhối trong đám trầm tích của thời gian. Chiến ơi! Không biết có phải đây là trò đùa của số phận không? Tại sao hồi ấy tôi lại phản bội Chiến chứ? Bạn chưa hề biết hay vong linh của bạn đã biết mà vẫn tha thứ cho tôi?

Hương, cô bạn tròn trịa của chúng ta đúng là có một số phận khá tròn vẹn. Như nàng Thuý Vân trong Truyện Kiều mà chúng ta đã học ấy.

Còn tôi, bây giờ, mặc dầu cái kỷ niệm đau đớn ấy đã được cày tung lên rồi. Nó có đầu độc tôi không? Tôi phải trả giá như thế nào? Tôi cũng chưa biết nữa! Nhưng sau những dòng này, Chiến ạ! Tôi đã thấy nhẹ nhõm phần nào… ./.
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 767

Return to top