Nợ tình
Thiên Vỹ
Nhà tôi có năm chị em gái, không sắc nước hương trời nhưng mỗi người một vẻ. Gái quê mang nét duyên thầm. Riêng chị hai kém cạnh hơn cả bởi cái nốt ruồi trên mặt.
Nốt ruồi ấy như một điểm phá tướng làm cho những nét thanh tú trên khuôn mặt trở nên chông chênh. Các chị em trong nhà hơn một lần khuyên chị nên tẩy đi, nhưng chị không chịu. Chị cả bảo: “Tẩy đi, không các ông, các bà chọn dâu lại bói toán này nọ”.
Chị hai ngúng nguẩy: “Kệ nó, đã như thế rồi có tẩy cũng vậy thôi”. Hai mươi tuổi chị cả đi lấy chồng, chị hai cũng có người yêu. Trong số trai làng có rất nhiều người đến “cưa” nhưng chị nguây nguẩy không tiếp, duy chỉ tiếp mỗi anh Khuê.
Khuê nhìn qua không có gì đặc biệt để mến thậm chí còn có ác cảm. Không cao to, người chỉ tầm tầm, da đen bóng, ít nói có vẻ lạnh lùng, đó là những gì mà người đối diện bình thường có thể cảm nhận ở anh. Nhưng ở Khuê có một điều mà chỉ có chị hai mới thấy được đó là ánh nhìn đắm đuối có phần cuồng dại, hoang dã nhưng si tình. Hai người quấn quýt bên nhau.
Rồi chị ba, chị tư cũng có người tán tỉnh, thoắt cái đã đến tuổi lấy chồng. Gái quê hai mươi là đã lấy chồng thậm chí còn sớm hơn. Chị ba lưỡng lự khi tìm được ý trung nhân lúc đã bước vào tuổi hai ba. Chị hai nói lẩy nhưng với chính mình chứ không phải em: “Đứa mô lấy được thì cứ lấy đi, kệ tao”.
Mẹ bảo: “Con gái có lứa có thì, lúc mười tám, hai mươi không lo chồng, lo con thì rồi sau mà dư khổ”. Chị hai lặng lẽ bỏ lên đồi chè. Mẹ nói với cha: “Nghe đâu bên ấy họ chê con Nữ” – “Chê cái gì” giọng cha có vẻ tức tối. “Thì cái nốt ruồi phá tướng. Người ta bảo cái nốt ruồi mọc ở chỗ đó sẽ làm khuynh đảo gia đình đằng nội, rằng rất khó có con…”. “Vớ vẩn, bói với toán, toàn là mê tín dị đoan…”. “Không lấy thằng Khuê thì lấy thằng khác, con trai thiếu gì mà nó có đến nỗi nào đâu”. “Nhưng nó chỉ yêu mỗi thằng Khuê…” mẹ cãi lại.
Đêm. Cha kêu chị hai lên: “Nữ, bây giờ mày tính sao? Thằng Khuê nó có yêu thương mày không? Nó nói sao?”. “Cha mẹ cứ lo cho các em đi, đứa nào lấy để nó lấy, đừng nghĩ đến tui”, nói rồi chị bỏ chạy ra sau vườn lặng lẽ khóc. Chị ba và chị tư cũng không biết làm sao.
Mẹ than thở: “Cha mẹ sinh con trời đất sinh tính; chúng tao già rồi chúng tao chết, ai ở mãi với chúng bay, đứa nào tự lo thân đứa nấy, chúng tao chỉ nói một lần”. Ít lâu sau chị ba lấy chồng, còn anh Khuê không thấy đến. Nghe đâu anh bỏ đi Nam làm thuê. Chị hai thì lặng lẽ đi về như chiếc bóng, chị vẫn hy vọng. Hình như khi yêu nhau, dù xa cách, dù nhớ nhung, dù đau đớn… người ta vẫn sống được nhờ vào hy vọng. Chị vẫn tin vào “thần giao cách cảm”. Chị vẫn tin rằng những nỗi nhớ ngút ngàn tê tái con tim, và nỗi cô đơn trong những đêm đông đầy mộng mị... của chị anh vẫn cảm nhận được.
Chị tự an ủi và nghĩ rằng không biết con trai họ yêu như thế nào? Có nhớ nhung nhiều và ý nghĩ lúc nào cũng hướng đến một người như chị không. Chị lại cảm thấy thương anh, nếu như anh cũng yêu chị như thế chắc anh khổ lắm. Người ta nói phụ nữ không giỏi chịu đau như nam giới nhưng đó là những sự đau khổ về thể xác còn tâm hồn thì ngược lại. Nước mắt chị lã chã rơi trong từng vách ngăn của những trường đoạn giấc mơ. Nhưng có khi chị lại nghi ngờ vào cả niềm tin của chính mình. Mỗi tin tức từ anh, chị đều lắng nghe nhưng vờ như là vô tình nghe được. Chị hỏi thăm người ta từ chỗ anh về nhưng rất khéo cứ như chị không chú tâm vào những thông tin về anh.
Và chị vẫn hy vọng. Chị biết anh chưa có người yêu. Ngoài ba mươi, các em gái của chị đã lập gia đình và có con, riêng chị vẫn giữ niềm tin trọn vẹn. Mà không, cuộc sống này đâu phải muốn gì là được, cái cản trở chị có được một ngôi nhà một cuộc sống giản dị của lứa đôi lại là trái tim. Trái tim chị chỉ mở cửa cho một người và đóng lại với tất cả. Có những lúc chị muốn nổ tung giữa đêm khuya khi những ngày chờ đợi vô vọng tin tức từ anh.
Là người ai chẳng khát khao, ái ân vợ chồng chỉ là sự thỏa mãn nhục dục mà đó còn là yêu, là thương là dâng hiến. Các em gái lo lắng cho chị, tuổi xuân không đến hai lần nhưng chị phớt qua tất cả mặc cho con tim gặm nhấm nỗi cô đơn càng làm cho nhan sắc nhanh tàn. Sau đôi ba lần nghe chị nói những câu khó nghe, có khi chị giận dỗi cả tuần, các em gái không đứa nào dám đụng đến chuyện riêng tư của chị nữa.
Có lần tôi thấy chị Tư khóc tức tưởi, bỏ về nhà chồng cả tuần không thèm về thăm cha mẹ dù từ chỗ nhà chồng về nhà cách chưa đầy một cây số. Thành thử các chị em trong nhà rất ngại chị hai. Mẹ thì mắng lắm, chửi lắm rồi cũng thế nên chẳng biết làm sao đành im lặng. Ba hai tuổi so với gái quê chị vẫn còn mặn mà nhưng bao người đến dạm hỏi đều bị từ chối thẳng thừng, đôi khi còn làm mếch lòng họ. Dần dà, họ không còn can đảm để đến.
Cuối năm anh Khuê đột ngột về. Ba mươi ba tuổi anh vẫn chưa vợ. Người ta mong rằng sẽ được đón nhận một kết thúc có hậu. Nghe tin anh về, đang ở trên đồi chè chị chực quẳng cả gánh gồng mà chạy. Nhưng bước chân chị khựng lại “mình là gì của người ta, sau bao năm xa cách như thế, bây giờ anh ấy thế nào?”. Tình cảm là cái mà con người ta không lường trước được, yêu đó, thương đó rồi lại hờ hững. Sự lý giải của bất kỳ một phép toán nào cũng không thể có đáp án đúng. Huống hồ anh đã ra đi gần mười năm trời…
Mười năm trời không một lá thư. Nước mắt chị tuôn trào, ồ ạt như người ta vắt một quả cam mọng nước. Ô hay! Mười năm qua nỗi đau đã lặn vào trong, dẫu có lúc chị quằn quại vì trái tim trưởng như không còn đủ sức đập thêm nhịp nữa nhưng nó âm ỉ cháy chứ đâu như giây phút này. Trời cao mây trắng vẫn nhởn nhơ bay mà lòng chị như lửa đang thiêu đốt. Cả buổi hôm đó chị chẳng làm được gì, chị không cho phép mình và gạt ra ngoài những linh cảm lo sợ đang xâm chiếm cả không gian…
Hy vọng. Một ngày. Hai ngày… Ba ngày, chị vẫn đợi. Nhưng anh không đến. Lòng chị tan ra từng mảnh như chiếc gương chị đánh rơi trong buổi chiều. Nhưng rồi gương không lành mà tâm hồn chị đóng lại thành một cục băng lạnh giá. Chị đau khổ: “Hết. Hết thật rồi…”. Ngày thứ chín, tôi đếm nhưng chị không đếm đã cách đó mấy ngày. Anh đến nhà tôi. Chị tiếp anh với vẻ mặt bình thản. Anh nói: “Ngày mai mời Nữ và gia đình lên nhà ăn kẹo duyên của tôi”. Chị khẽ cười: “Chúc mừng anh…”.
Anh nhìn chị, cái nhìn như soi tận tâm can người đối diện. Cảm xúc trong chị ùa về nhưng chị có đủ lý trí để ngăn lại: “Thế bao giờ anh cưới”. Anh quay mặt đi: “ít ngày nữa”. Ánh đèn dầu hỏa trong một đêm mất điện đã che đi nụ cười méo xệch của chị: “Nhanh nhỉ!…”. “Nữ à, em có ai chưa? Em…”. “Em hả?… có chứ… mà anh tính cưới xong đi luôn à?”. “Có lẽ thế…”. Cuộc gặp gỡ chóng vánh kết thúc, chị biện lý do là có công việc phải làm. Anh ra về. Chị lặng đi trong bóng tối nhìn theo anh, cái nhìn vĩnh biệt. Lòng chị đau như chưa bao giờ như thế. Cứ tưởng như mình đang giã từ chính mình. Giã từ linh hồn biết yêu, biết cảm nhận những điều tinh tế trong cuộc sống. Chỉ vì khi yêu người ta mới có thể biết được hơi thở của người yêu qua làn gió mang từ chốn có người. Vì chỉ có khi yêu và hy vọng ta mới thấy được rằng ta đang sống.
Trong cuộc đời này nếu không còn người mình yêu thương thì như đã chết rồi còn gì? Chị đã từng nghĩ thế. Bây giờ đây ông trời bắt chị phải chết đây. Ừ thì chết! Có sao đâu nhỉ? Chị khuỵu xuống. Trời ơi! Tất cả chấm dứt rồi, cuộc sống ơi ta có còn gì… Giá như có thể ngủ một giấc dài và vĩnh viễn không tỉnh lại thì hay biết mấy…
Nhưng chị vẫn sống. Ba lăm tuổi, chị vẫn sống bình thản, còn mẹ thì rất lo. Cái lo của người đã đi gần hết cuộc đời chiêm nghiệm ra những điều mà người trẻ không lường hết được… Lại có người đến hỏi. Nhưng dạo này những đối tượng đến với chị đa số không ấm đầu thì cũng “âm lịch” hay dạng vũ phu, thô bỉ đã từng bỏ vợ hoặc vợ chết. Chị đùng đùng chửi cả người làm mối. Mẹ thì đay nghiến: “Còn mười tám, hai mươi chi nữa mà kén cá chọn canh”. Nói mãi vẫn thế, mẹ đành im lặng.
Bốn mươi. Nhiều cô gái lỡ thì trong làng vội vã ăn nằm với một ai đó để lấy đứa con nuôi, phòng xa sau này già có nơi nương tựa. Chị cũng hoang mang lắm. Những trận ốm của thời kỳ mãn kinh ập đến, chị nằm mà lo sợ. Nước mắt chị lại tuôn trào. Sang bên kia dốc cuộc đời chị mới thấm thía cái cảm giác cô đơn. Có làm một căn nhà nho nhỏ, do vốn liếng góp nhặt chắt chiu, chị cũng không dám dọn ra ở.
Người ta có thể chịu khổ, chịu được tất cả mọi cực hình nhưng người ta không thể sống được với cô đơn. Thành thử lần lữa mãi chị vẫn sống cùng cha mẹ. Chị cũng muốn có con, một người phụ nữ có con là ước muốn chính đáng. Chị mơ có con với người xưa cũ nhưng không thể rồi. Bốn hai tuổi. Chị nóng lòng quen một ông năm mươi ba, dáng dấp ưng ý, đã có con trai, con gái, nhưng theo ông ta “muốn có thêm đứa con trai để phá thế độc đinh mấy đời”. Cuộc giao ước tưởng đã xong, nhượng bộ mãi cả nhà mới đồng ý cho chị vì ông ta không thể cưới chị đàng hoàng chỉ có thể “già nhân ngãi, non vợ chồng” mà thôi. Đột nhiên tất cả sụp đổ.
Vì là trong làng có một kẻ những tưởng đã gạ gẫm được chị, để hắn ăn nằm với. Hắn biết rõ dù gì thì chị cũng còn là con gái. Vốn là một tay sở khanh, dù gần hết đời và đã có con với năm người đàn bà và cuối cùng chọn một bà công chức về hưu nhưng vô sinh, hắn cũng không bỏ qua món hời khi biết ý muốn của chị. Hắn tọm toẹm hành nghề bói toán lại là bạn đồng môn của chồng em vợ ông kia, người có ý định với chị.
Không ăn thì đạp đổ, và hắn thừa sức để đạp đổ mối tình mong manh ấy. Được mấy bữa ông đi “tìm con” kia trốn biệt tăm. Thằng út ngập ngừng cố ý vòng vo để báo cho chị cái tin ông kia đã tìm được mối khác. Chị không nói gì. Một thoáng thất vọng hiện lên rồi bay đi. Chị cười cười, tảng lờ kể một câu chuyện khác đang là thời sự ở làng bên. Câu chuyện về một đứa con bất hiếu. Chị kể như để khỏa lấp nỗi buồn đã trở nên mơ hồ trong tâm hồn chị.
Bốn mươi lăm. Những trận ốm thời kỳ mãn kinh không còn nữa, chị vẫn sống cùng cha mẹ già. Thằng út bây giờ đi học đại học nên nhà trống trơn. Chị nấu rượu, nuôi lợn. Chị đem rượu bán. Cái thứ rượu nếp trong vùng đã trở thành đặc sản bởi vị cay xé lưỡi và nồng ngọt thì rượu chị như có thêm một chất xúc tác khác nên dù giá có cao hơn một chút người ta cũng tranh nhau mua.
Nhưng chị không ham, thích thì nấu, không thích thì thôi. Mua nhiều cũng không bán, ai mà say lè nhè đến mua thì chị nói bạo miệng lắm, nhưng họ không giận vì chị cũng chẳng để bụng điều gì. Bây giờ chị không sầu não nữa… Nhưng đôi lúc một mình trên đồi chè chị lại nhìn lên trời xem thử mây trắng có còn bay nhiều không…
18/08/2005
Thiên Vỹ