Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Môi Hồng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8537 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Môi Hồng
Võ Hà Anh

Chương 6

Tường Vi dành cả buổi tối để xếp các thứ cần dùng vào va ly. Vừa bắt đầu những ngày nghỉ hè, Mẹ đã bảo "Tao đã xin Cậu cho chúng mầy đi Cấp nửa tháng". Vi và bọn nhóc con nhẩy cẫng lên reo hò tán thưởng. Vi ôm chầm lấy mẹ, hôn lên má lên mắt mẹ và la:
- Thích quá, nhất Mẹ, nhất Mẹ rồi!
Rồi nhõng nhẽo:
- Yêu mẹ nhất nhất.
Mẹ Vi củng vào đầu Vi:
- Mẹ mày. Chỉ thế là nhanh. Nhưng tao giao hẹn trước: đi Cấp mười lăm ngày thì mọi phí tổn sẽ trừ dần vào tiền quà vặt bấy nhiêu đứa trong vòng hai tháng đấy nhé.
Bấy nhiêu đứa xịu mặt xuống. Cu Tường nhăn nhó:
- Thời buổi này vật giá leo thang, tiền xuống... ký, mà mẹ còn trừ vào tiền quà sáng, tụi con ăn quà làm sao no nổi?
Bà Tâm cười trêu:
- Phải rồi. Tiền xuống giá, đáng lẽ càng không nên đi nghỉ mát cho đỡ tốn. Hay là thôi đừng đi nữa, ở nhà vậy?
Cả bọn nhao nhao phản đối:
- Đừng mẹ, đừng mẹ. Tụi con chịu trừ...
- Ở Sài Gòn mãi, đi đổi gió mới mập ra giống mẹ được.
- Tường dốt quá. "Người quân tử ăn chẳng cần no, ngày hai bữa vỗ bụng kêu.. bồm bộp". Nguyễn Công Trứ đã chả nói thế hay sao? Tường muốn làm quân tử hay tiểu nhân nào?
Thế là cả nhà huyên náo hẳn lên. Lũ nhỏ túa ra sửa soạn đồ đạc. Đứa tính mang theo cần câu, đứa dự trù mang phao để đi lội. Tường Vi vẫn ngồi bó gối, hỏi mẹ:
- Thế Cậu có đi không hở mẹ?
- Bố mày đi sau hai hôm. Ông ấy nghỉ phép thường niên mười ngày. Nếu vui thì ở lại, chú Dũng đưa về, không thì về sớm hai ba ngày cùng với Cậu.
- Có chú Dũng đi hở mẹ. Thế thì vui nhất rồi còn gì. Thế nào tụi con cũng bắt chú khao ăn uống tưng bừng mới được.
Bà Tâm lườm con:
- Thôi thôi, xin cô. Chúng mày vừa vừa chứ không tao mách cậu cho. Chú ấy dạo này túng rồi đó.
Tường Vi hăng hái cãi:
- Mẹ không biết đâu. Chú ấy giầu lắm. Vừa in xong tập truyện "Đôi mắt đôi môi" chú đã lãnh ngay của nhà xuất bản năm chục ngàn bản quyền. Hôm nọ chú rủ con đi gửi tiền ở quỹ Tiết kiệm rồi còn khao con một chầu xi nê nữa. Con hỏi chú gửi tiền làm gì, sao không mua chiếc xe mà đi, chú bảo đi taxi tiện hơn, đỡ mất công hầu hạ chiếc xe. Vả lại... gửi tiền đó để dành cưới vợ nữa. Mẹ xem ông ấy ghê không?
Bà Tâm cười, nghĩ thầm: thằng Dũng dạo này có vẻ đứng đắn hơn trước. Bà nhớ tới cậu em út - nhỏ nhất nhà mà cũng được thương yêu chiều chuộng nhất nhà - mà bà đã nhiều lần phải khóc vì em.


Ngày Dũng còn nhỏ, bà là người thay Mợ săn sóc Dũng từ miếng ăn, giấc ngủ. Không lúc nào Dũng xa bà lấy một bước, từ những buổi yên bình cho đến những ngày loạn lạc năm bốn mươi lăm. Lúc đó Dũng chưa đầy bốn tuổi, bà phải gánh hai cái thúng, một thúng để Dũng ngồi và thúng kia đựng quần áo, đồ dùng lặt vặt, chạy từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ Ninh Bình vượt Cầu Bố, Cầu Hàm Rồng vào Thanh Hóa rồi lại trở ra, tùy theo cơn lốc chiến tranh theo đuổi. Suốt bẩy năm trời như vậy, đến một ngàn chín trăm năm mươi hai gia đình mới xuôi về Hà Nội rồi theo đoàn di cư năm năm mươi bốn vào Nam. Rồi Dũng lớn dần lên, già dặn trước tuổi vì gần gũi chiến tranh. Khôn ngoan sớm vì cuộc đời gian nan từ thuở nhỏ. Bà Tâm lúc đó đã có chồng, có con, nhưng vẫn để ý săn sóc em từng chút một. Ngay đến bây giờ, dù Dũng đã trưởng thành, tự lập lấy thân mà bà vẫn lo lắng khi thấy một hai tuần em không ghé lại thăm. Mối băn khoăn của bà hiện tại là không hiểu khi nào Dũng mới chịu lập gia đình. Gần ba mươi tuổi còn gì.


Bây giờ nghe con gái kể, mặc dù biết con nói đùa bà vẫn cảm thấy hy vọng nhè nhẹ trong lòng. "Nó lấy vợ rồi sẽ đứng đắn hẳn ra, lo làm ăn chí thú. Và Thầy cũng sẽ vui lắm. Thế nào Cụ lại chả cười, bảo: Vợ chồng nó phải.. bảo nhau sinh cháu trai cho ông nội bế chứ". Bà đứng lên, bảo con:
- Liệu mà sửa soạn đồ dùng đi cô cả. Không rồi đến lúc lên xe, lại kêu ầm lên là quên cái nọ, cái kia. Sáng mai bẩy giờ rưỡi chú Dũng đến. Rồi tao bảo trước cho nó biết chúng mày định âm mưu bóc lột nó.
Tường Vi kêu lên:
- Đừng mẹ. Mẹ đừng nói, rồi con bắt chú mua quà cho mẹ luôn nữa.
Bà Tâm bật cười, mắng yêu con gái vài câu rồi bỏ vào phòng ngủ.
Còn lại một mình, Tường Vi ngồi ôm gối mơ mộng. Lâu lắm mới lại đi Vũng Tàu. Thế là được thấy biển rồi. Từ nhỏ Tường Vi đã cảm thấy mình yêu biển lạ lùng. Nhìn vùng trời nước bao la trong ánh hoàng hôn hay khi bừng nắng sớm, nàng thường thấy lòng rạo rực những ước mơ lãng mạn. Biển là của tôi. Biển là của riêng tôi. Tường Vi kêu thầm khoan khoái. Và nàng tung chăn nhẩy xuống đất, vào phòng sửa soạn.
Ngồi trước chiếc va ly mở nắp, nàng băn khoăn. Mang những gì đi nhỉ? Quần áo, đồ dùng cần thiết, dĩ nhiên rồi. Nàng cầm trên tay cuốn tập bìa dầy, chép những vần thơ lãng mạn mà nàng ưa thích. Phải mang cái này đi. Con búp bê ngồi bó gối. Phải mang đi chứ, thiếu sao được. Giấy và bao thư. Để viết thư cho con Phượng, con Liên.
Bỗng Tường Vi chợt nhớ. Cuốn nhật ký. Nàng tần ngần cầm cuốn tập bìa tím lên tay, lật đọc lại vài trang mới viết.
Những giòng chữ tròn trĩnh xinh xắn như ngày Xuân tươi đẹp trải ra trước mắt nàng. Toàn là những cảm nghĩ riêng tư thầm kín, những mẩu chuyện lãng mạn vu vợ. mà bất cứ người con gái nào ở vào tuổi Tường Vi cũng nghĩ đến và thích ghi lại. Hình như họ muốn những hình ảnh ấy không bao giờ tan biến nữa, ở lại và gần gũi với họ mãi.
Tường Vi cúi xuống đọc lướt qua vài đoạn và lật nhẹ vài trang. Mặc dù đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, Tường Vi vẫn thấy bồi hồi, nao nức, buồn rầu, vui vẻ theo từng chi tiết ghi chép trong đó.
Nàng gập cuốn tập lái ấp vào ngực, ngả lưng dựa vào tường nhắm mắt mộng mơ đến những hình ảnh xa vời trong quá khứ và ngay cả những khuôn mặt hiện gần gũi. Những khuôn mặt bạn bè, những khuôn mặt quên biết.. những khuôn mặt trai gái đã hơn một lần gặp gỡ.
Một vài khuôn mặt dừng lại trong ký ức nàng với nhiều nét duyên dáng dễ thương, nhưng rồi lại mờ đị.. và dành trọn vẹn cho một khuôn mặt con trai đã quen thuộc với nàng từ thuở còn thơ ấu. Khuôn mặt đen xạm vì nắng gió, ánh mắt quắc sáng và nụ cười tươi điểm chút ngạo nghễ. Khuôn mặt của Thọ.
Tường Vi rùng mình. Nàng nghe một cảm giác rờn rợn chạy khắp cơ thể. Thọ. Tại sao mình lại nghĩ đến Thọ nhỉ? Suốt mấy ngày nay, không lúc nào là nàng không nghĩ đến Thọ. Chả lẽ bức thư của Thọ nàng vừa nhận được đã làm nàng nghĩ ngợi nhiều đến thế?
Tường Vi lục cặp, tìm bức thư Thọ viết, đọc lại và bâng khuâng.



Vũng Tàu ngày...
Tường Vi,
Chắc Vi ngạc nhiên khi nhận đựơc thư anh? Vi có bao nhiêu việc bận rộn mỗi ngày, nên hẳn thư anh sẽ làm Vi bận rộn thêm nhiều nữa? Nếu quả thế, mong Vi thứ lỗi cho anh.
Những ngày ở Vũng Tàu thật buồn, đối với anh - Chung quanh là cả thế giới ăn chơi và hạnh phúc. Mọi người tha hồ phè phỡn, và nét mãn nguyện bộc lộ rõ rệt trên mặt họ. Nhưng anh thì thấy tù túng quá. Hình như biển rộng, sông dài mới là nơi cho anh bay nhẩy, chứ căn trại nhỏ bé với những ngày ăn chực nằm chờ để được giao nhiệm vụ sao mà nản thế. Một đôi lúc, ngồi nghĩ lại quãng ngày đã qua, những đồng đội đã mãi mãi ly biệt anh thấy tiếc nuối lạ. Đó là những ngày theo đoàn Biệt Hải vào hoạt động trong các mật khu. Bạn bè anh đã nằm lại trên vùng đất địch, chả bao giờ còn được trở về. Chỉ có anh bây giờ, bơ vơ như gà con mất mẹ. Gian nan nhiều nên được phép nghỉ ngơi, không lãnh thêm nhiệm vụ nào khác hơn chức vụ Huấn luyện viên người nhái. Bây giờ, anh như ông thầy đồ về già, ngồi trau rèn cho đàn trẻ nhỏ thành người.
"Một con nhái khi hết vẫy vùng sẽ chỉ còn là con.. nhái bén". Anh kết luận theo lối triết lý vụn như thế, về cuộc sống của anh.
Đó cũng là lý do tại sao anh viết cho Vi. Chiều nay ngồi trên ghềnh đá gần trại Hải quân Cát Lở nhìn ra khơi, anh lại tưởng tượng tới hồ Hoàn Kiếm. Và nhớ tới Vi. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn tuổi nhỏ chợt dồn dập trở về, và anh bỗng thấy nhớ Vi nhiều lắm. Có bao giờ Vi nhớ lại những hình ảnh ngày xưa không hở Vi?
Một người bạn vừa cho anh mượn cuốn Dòng Sông Định Mệnh của Doãn Quốc Sỹ. Hai đứa nhỏ trong câu chuyện đó sao giống chúng mình ngày xưa lạ. Vi đọc chưa nhỉ? Khác chăng là anh bây giờ vất vả và không có cơ hội nào gặp lại cô bạn nhỏ. Có dịp đi chơi Vũng Tầu, Tường Vi ghé thăm anh nhé. Anh sẽ kể chuyện Người Nhái cho mà nghẹ..
Thân mến,
Thọ


... Tại sao Thọ lại đem câu chuyện Dòng Sông Định Mệnh ra kể cho mình nghe nhỉ. Tại sao Thọ lại viết "chuyện đó và chuyện chúng mình ngày nhỏ giống nhau"?
Những ngày ở Vũng Tàu thật buồn. Vi nghe như Thọ đang ngồi cạnh mình than thở. Và nàng thấy tội nghiệp Thọ. Anh chàng tính tình nhộn thế mà bị bó chân bó cẳng ở một nơi hẳn là tù túng lắm. Tường Vi nghe lòng mình lâng lâng nhẹ và thoáng một chút sôi nổi không rõ duyên cớ. Chuyến này ra Cấp mình sẽ rủ chú Dũng đi thăm anh ấy. Mang theo bức thư này đi nữa.
Tường Vi đưa tay với cây bút, dở trang giấy chưa viết hết trong cuốn nhật ký, ghi mấy dòng vắn tắt:
Ngày...
Mình nghĩ quá nhiều về Thọ. Sao thế nhỉ?
....
Chiếc Mazda Pickup tà tà bò theo bãi trước. Lũ nhóc con oe oé reo lên:
- A, biển đẹp quá chị Vi ơi!
- Đông người quá xá.
- Chẳng thèm ăn nữa, đi tắm biển liền mới được.
Tường Vi nhổm người lên để nhìn qua vai thằng em út. Cả một bên chân nàng ê ẩm vì ngồi lâu trong chiếc ghế mây con, nhưng Vi không để ý. Biển xanh mướt, sóng phủ bọt trắng lăn tưan. Gió mát rượi lùa lên thoang thoảng mùi nước biển. Tường Vi gọi với ra phía trước:
- Mẹ Ơi, mình xuống bãi sau hay ở đây hở mẹ?
- Hỏi bố mày ấy, tao thì mệt lắm rồi. Đau "dần" cả người.
Cả bọn nhao nhao tán thành:
- PHải rồi, ba. Mình ở lại bãi này đi ba. Ai cũng mệt hết.
Ông bố cười hề hề:
- Mẹ con chúng mày dở quá. Mới có vài tiếng đồng hồ mà đã kêu ầm cả lên.
Rồi ông cho xe đậu sát lề đường. Bà Tâm lên tiếng chê:
- Dở gì. Tại anh dở thì có. Lái xe mà như đánh vật với chiếc xe. Chiếc xe bé tí lại chở cả đàn.. chó con với lại đồ dùng như thế làm gì mà không om người lên.
Bọn nhóc con nhẩy xuống đường rào rào, phụ họa:
- Đúng rồi mẹ. Xe bạ.. "quê" ghê. Ba mua xe gì chả mua, lại đi mua xe Pickup phải làm mui bạt, ngồi nóng muốn chết luôn.
Tường Vi lườm em:
- Mày chỉ thế. Nhà mình đông ba không mua xe này thì chở sao hết. Với lại ba muốn con gái lớn "ở nhà" với cha mẹ khỏi cần lấy chồng nên ba mua xe này chớ sao.
- Như chị chứ gì. Trông chị cũng giống tụi em đấy chứ, nghĩa là ... chó con cả.
Bà Tâm mắng nhẹ các con:
- Thôi vừa vừa chứ, kẻo bố mày khóc tới nơi rồi đây này. Đó, đó.. mắt chớp chớp thế kia là sắp... giòng châu giọt vắn giọt dài rồi đó.
Ông Tâm phì cười, véo thật mạnh vào mông vợ. Bà Tâm kêu oai oái, trong lúc lũ nhóc con reo hò tở mở. Tường Vi mỉm cười nghĩ thầm:
- Bố me... tình ghê!
Mọi người kéo nhau xuống bãi. Mấy đứa con trai trải bạt ngồi, mang đồ ăn trưa xuống rồi thay quần áo tắm. Tường Vi cũng hòa mình vào cuộc vui với các em. Nàng lặn hụp trong làn nước trong xanh, vị mặn nồng của biển gây cho đầu lưỡi Tường Vi một cảm giác thoải mái. Mãi đến lúc nắng lên cao mọi người mới cảm thấy mệt. Lũ nhóc con thôi hò hét tranh nhau quả bóng và Tường Vi cũng bỏ lên nằm ở chiếc ghế bố thuê, cạnh ông Tâm. Nàng nghiêng đầu nhìn mẹ. Bà Tâm đang thiu thỉu ngủ. Vi mỉm cười:
- Mẹ thì lúc nào cũng thích ngủ. Còn ba, sao ba tắm ít thế ba?
- Tại mẹ mày không tắm nữa, tao cũng phải thôi chứ, kẻo bà ấy mất công ngồi canh chừng.
- Sao lạ vậy ba?
Ông Tâm dí dỏm:
- Một là sợ tao... chết đuối, hai là sợ tao đi theo cô nào đó.
Tường Vi phì cười:
- Chết bố nhá. Lát con mách mẹ cho bố biết.
- Xuỵt. Đừng có nói. Lỡ mẹ mày tin thật tao.. khó ăn khó nói.
Hai bố con cười khúc khích. Tường Vi hát khe khẽ một bản nhạc vui. Nàng nói thầm:
- Tiếc quá. Không có con Phượng cùng đi. Nó mà ra đây thì hai đứa đi tung trời luôn. Lâu nay cấm nhẩy nhót chắc chân nó phát cuồng lên đựơc. Mà thiếu cả chú Dũng nữa, không có chú Dũng...
Vi định nói không có chú Dũng thì làm sao gặp được Thọ đây, nhưng lại thấy mắc cở với chính mình. Trước hôm lên đường một ngày Dũng đựơc lệnh đi làm phóng sự Ở chiến trường Tây Nguyên. Mặt trận bắt đầu sôi động dữ dội, chú Dũng bảo thế. Áp lực địch đè nặng trên tiền đồn Ban Het và các đồn lân cận. Nhiều đơn vị Bộ Binh và Thiết Giáp được tăng viện để giải tỏa áp lực địch, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa khai thông được trục lộ chính để tiếp tế thực phẩm đạn dược cho lực lượng đồn trú. Một đơn vị Thiết giáp ở Qui Nhơn được đưa lên Pleiku tung vào chiến trường. Dũng có người bạn ở Thiết đoàn đó, cho biết sơ lược tin tức và hỏi đùa: "Nhà báo dám đi theo làm một quắn phóng sự chiến trường không?". Dũng nhận lời và hẹn sẽ lên thẳng cao nguyên. Vì vậy chàng đành bỏ vụ đi Vũng Tàu với gia đình chị. Nghe chàng báo tin chị em Vi nhao nhao lên phản đối vì như vậy phải ở lại nhà hai ngày nữa, chờ ông Tâm nghỉ phép mới đi đựơc. Nhưng bà Tâm đã mắng át các con:
- Chúng mày chỉ thế là giỏi. Chú phải lo công việc xong mới đi chơi được chứ đâu phải ăn không ngồi rồi như chúng mày.
Rồi bà lăng xăng lo liệu các thứ cần dùng cho em. Không thiếu thứ gì, Dũng phải kêu lên:
- Em ra mặt trận mà chị làm như đi "picnic" không bằng. Phải gọn gàng mới "chạy" được chứ.
Bà Tâm vẫn nhất định bắt cậu em mang đi, từ mấy trái cam, hộp Patsille đến chiếc áo lạnh. Và Dũng lên đường hôm sau. Tiễn chú ra trạm hàng không Tường Vi thấy bâng khuân nhè nhẹ.
Trên taxi, hai chú cháu tỉ tê với nhau đủ thứ chuyện. Và trong một phút xúc động - nghĩ tới Thọ và lá thư - Tường Vi đã hỏi lại chú:
- Chú, yêu là thế nào hở chú? Cháu chả biết yêu là gì và cũng chả biết đã yêu ai chưa?
Dũng mỉm cười:
- Yêu là ... yêu. Không thể định nghĩa được và không thể đặt cho tình yêu những định lý, những luật lệ. Bây giờ ví dụ cháu có một người bạn trai nào đó và.. cháu muốn biết xem mình có yêu người đó không, nhé? Chú hỏi cháu: có lúc nào cháu dành một khoảng thời gian nào đó để nghĩ đến người ấy không?
- Có.
- Khi người ấy ở xa hoặc đi xa, cháu có mong người ấy về bên cháu không?
- Có.
- Khi người ấy ở xa xôi, cháu có mong sẽ luôn luôn nhận được thư từ, tin tức của "hắn" không?
-... Có... !
- Khi nghe tin người đó đau ốm hoặc bị thương, cháu có thấy lo sợ và buồn đau không?
- Có.. Ó...
- Khi ở cạnh người đó, cháu có thích đựơc nghe những lời êm ái, âu yếm của họ, được đón nhận những cử chỉ săn sóc và.. đôi lúc cảm động không?
- Chắc là.. phải có... chứ chú!
Dũng cười phá lên, trêu:
- Đó, đó. Chính Vi tự trả lời rồi đó. Thế tức là yêu, chữ yêu viết hoa to tổ bố, đứt đuôi con nòng nọc rồi con gì?
Tường Vi đỏ mặt, ngồi lặng im suy nghĩ về những lời chú nói, Dũng nhìn cháu:
- Nhưng mà... cô khoái anh chàng nào rồi đó, nói nghe coi nào?
Tường Vi bẽn lẽn:
- Chú kỳ quá à. Cháu có yêu ai đâu, chỉ thắc mắc tí xíu thôi mà. Cháu lớn rồi chứ bộ.
Dũng nghiêm trang:
- Đồng ý, cháu đã lớn. Nhưng chưa lớn trong lãnh vực tình yêu. Cháu có thể tìm hiểu, có thể bước vào ngưỡng cửa đó, nhưng nên suy xét kỹ, đừng lãng mạn quá, có hại.
Nói xong, Dũng bật cười. Chàng thấy mình đạo mạo, lẩm cẩm như một bà già. Và chàng đã nói ngược với lòng mình. Tôi nói dối. Tôi là thằng yêu đương không suy tính, không đắn đo. Tôi là thằng luôn luôn tự mâu thuẫn. Tôi yêu thật chung thủy một người, yêu kinh khủng. Nhưng tôi cũng ước ao, có những mối tình lẻ, có những người con gái khác để được ôm ấp một số nét dễ thương nào đó mà mỗi người họ có, không giống nhau. Tôi yêu họ như một người thưởng ngoạn những bông hoa. Và có một bông hoa tôi say đắm nhất. Bông hoa ấy giờ đã có người ngắt đi, và tôi ... đang buồn. Tôi nói dối với cháu tôi, không phải những lời đó là của Dũng. Mà của chú Vi. Nhưng vì tôi là con trai, vì tôi là người.. có quyền, có nghệ sĩ tính. Còn Vi thì... không nên.
Dũng chợt thấy buồn rầu. Những gì trong cuộc sống, người ta đều phải làm hai lối. Một lời nói, một hành động. Mình buông thả trong lúc vẫn phải nói những lời đạo đức. Mình tìm mọi cách để hoãn dịch đựơc năm nào hay năm đó mà vẫn phải viết chửi bới những thằng trốn lính. Mình chưa hề khoác quân phục mà vẫn ca tụng đời lính oai hùng. Có đúng không, có nên không? Biết bao nhiêu cái nham nhở trước mắt đã làm tôi ghê tởm. Ngay cả sự nham nhở của lứa tuổi đời. Những anh già, nhấp nhổm về già thì bất lực, cùn mòn nhưng cũng lọc lõi thâm hiểm. Tuổi trẻ môi hồng thì một nửa khai tử bởi chiến tranh, một nửa ăn hại hoặc ấm ớ làm lá bài cho kẻ khác sai khiến, chỉ nhìn thấy tiền là hơn hết.
Dũng thấy thương tất cả. Những người già có vẫy vùng lắm rồi cũng chết, nhưng những người trẻ tuổi còn cả một quãng đường dài chưa đi hết, rồi sẽ ra sao? Như cháu tôi đây. Mắt nó sáng và vô tư, môi hồng thắm. Rồi sẽ bao lâu nữa cuộc đời đầy đọa nó, và nó có còn đựơc nhìn đời bằng đôi mắt ấy, cười vui bằng đôi môi ấy nữa không.
Dũng thở dài. Tường Vi hỏi khẽ:
- Có gì vậy chú?
- Không.
- Sao chú thở dài?
- Chú thấy buồn.
Vi nhìn chú, mắt mở lớn:
- Chú buồn cháu ư?
Dũng lắc đầu, giọng đầy thương mến:
- Không phải đâu, chú buồn.. tự nhiên vậy thôi. Cháu chú ngoan, buồn cháu sao được.
Tường Vi cười, ôm lấy một bên tay chú:
- Chú ơi, chú phải cẩn thận nhé. Đánh nhau nguy hiểm, lỡ...
- Yên chí, chú không chết đâu. Còn sống để ăn cưới cháu chú chứ.
- Cháu nói thật mà chú..
- Ừ, chú hứa.
Vi ngồi lại trạm xe cho đến lúc chú lên xe ra phi trừơng. Còn một mình Vi thấy cô độc thế nào ấy. Mọi người ai ai cũng có đôi trông họ hạnh phúc tràn trề trên môi, trên mắt, trên bước chân quấn quýt, trên vòng tay đan nhau. Vi nhìn và nghĩ rằng mình với họ có hai khung trời quá cách biệt. Nàng lầm lũi ra về.
Bây giờ nằm một mình trên bãi biển Vi lại nghĩ về những lời chú Dũng nói. Tình yêu là thế đó. Phải rồi. Mình sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tình yêu nếu không chấp nhận những điều chú Dũng nói. Từ trước tới nay chưa bao giờ mình chấp nhận rằng những điều đó là tình yêu, dù chẳng có gì khúc mắc. Hay tại mình chưa... người lớn chăng?
Tường Vi cứ xoay quanh ý tưởng đó cho đến khi nghe tiếng ông Tâm giục dã:
- VI, con đến đánh thức mẹ dậy về chứ, lỡ người ta tưởng mình không ra cho người khác mượn nhà thì nguy to.
Tường Vi uể oải đứng dậy. Nàng thấy nhức đầu lạ lùng.
*
* *
Mặc cho Tường nô đùa với ngọn sóng, Tường Vi choàng chiếc áo choàng trắng lên vai lững thững đi về cuối bãi. Buổi chiều nhạt nắng và gió đã thổi gai gai lạnh những bước chân trắng xóa bọt biển của nàng. Ba ngày trôi qua bình thản, và mỗi ngày, sau những giòng nhật ký ghi về sinh hoạt ở đây, về bạn bè, Tường Vi đều viết và chỉ viết một câu về Thọ:
"Vẫn chưa gặp Thọ. Làm sao gặp anh đây?"
Chiều nay Tường Vi rủ Tường thuê xe ngựa đi tắm bãi sau. Ông bà Tâm mệt, nhất là sợ nắng nên ít khi đi tắm, chỉ đi hóng gió buổi chiều. Hai chị em ngồi ngất nghểu trên chiếc xe ngựa cao, người xà ích cho xe từ từ leo trên con đường dốc chạy quanh núi. Tới nơi Tường vào quán thuê hai chiếc ghế bố rồi hai chị em thay đồ tắm. Nằm trên cát mịn, sóng xô nhẹ từng đợt róc rách ngấm vào lần vải, mang theo những hạt cát nhỏ chạm vào da thịt khiến Tường Vi nhột nhạt một cách thích thú. Nàng nằm sấp, cằm gối lên tay nhìn mông ra biển cả. Mặt nước xa vút, xanh đậm tới chân trời. Những đợt sóng trắng đầu lóa xóa chạy vào bờ, gợi lên cảnh thanh bình đầm ấm. Tường Vi thở dài bâng khuâng nghĩ tới Thọ. Nàng ngồi dậy.
Đi tới cuối bãi, đanh định quay về vì những mỏm đá nhấp nhô chắn ngang, Tường Vi chợt nghe tiếng cười nói lao xao. Nàng lắng nghe, toàn tiếng đàn ông, đang trêu chọc nhau. Không hiểu một động lực nào đã thúc đẩy Tường Vi len lỏi giữa các mô đá, đi mãi về trước. Một đám người ở trần, đeo dao, đen trùi trũi bất ngờ hiện ra ở khúc rẽ quanh. Và cũng thật bất ngờ Tường Vi bị một người nhào tới, ôm chầm lấy, nhấc bổng lên xoay tít quanh, và một tiếng kêu thảng thốt đầy thích thú:
- Tường Vi, em đó ư?
Tường Vi chưa kịp hoàn hồn, tìm cách xô người ấy ra. Hắn dừng lại và ngập ngừng để nàng xuống:
- Vi không nhận ra anh sao?
Tường Vi chăm chú nhìn và bỡ ngỡ:
- Trời ơi, anh Thọ. Anh làm em...
Nàng thẹn thùng buông lửng câu nói. Một người đứng gần đó trề môi kêu:
- Anh làm em... "hết... ết... hồn"!
Thọ bật cười, quay lại:
- Lặn đi, các nhái. Đúng giờ điểm danh, có mặt ở trại đấy nhé.
Vẫn người lúc nẫy trêu chọc:
- Hè.. hè. Huấn luyện viên ôm bình hơi ha. Nè, chị hai ơi. Chị đi với anh hai, em dìa em méc ba má cho mờ coi..
Tường Vi ngượng tím cả mặt. Thọ gắt nhẹ:
- Vừa phải thôi. Cái miệng cậu... tươm tướp.
Cả bọn khóa sinh người nhái cười rúc rích, vừa đi vừa quay lại trêu chọc.
Thọ cúi nhìn Vi nhỏ nhẹ:
- Anh xin lỗi em. Tại anh mừng quá.
Tường Vi không biết nói sao, đứng mân mê vạt áo. Thọ đắm đuối nhìn nàng. Lần thứ nhất, chàng thấy Tường Vi đẹp, người lớn và đài các như một bông hoa quý.
Thọ hỏi:
- Em giận anh hở?
Vi ngẩng lên, tươi cười:
- Không ạ. Những người đó đang tập gì vậy anh?
- À, họ và anh đang học môn chạy dai sức từ bãi trước ra đến đây. Họ nghỉ ít phút trước khi tiếp tục chạy trên các mô đá thì em đến.
Tường Vi tò mò:
- Thế còn anh?
- Anh huấn luyện họ, và cũng tập như họ.
Rồi Thọ cười, tiếng cười hồn nhiên như giọng nói:
- Vi có hiểu tại sao anh "đón tiếp" em.. bất ngờ thế không? Từ hôm gửi thư cho em, anh bắt đầu chờ đợi một bất ngờ. Chờ mãi, chờ mãi, cứ hai ngày anh khắc một vết dao lên cán dao này của anh. Rồi anh tự hẹn, nếu được hai chục vết dao từ bốn chục ngày là em sẽ chẳng bao giờ ra đây cả và anh sẽ... thôi, không khắc nữa. Để khỏi buồn nhiều thêm. Vi, như em đã đọc thư anh đó, anh.. anh nhớ Vi biết bao nhiêu.
Tường Vi thấy nóng hai tai. Nàng xúc động trước những lời mộc mạc chân thành của người thanh niên đứng trước mặt. Vi lúng túng đứng tựa vào một mỏm đá, cố làm ra vẻ hồn nhiên:
- Thế đến hôm nay là vết dao thứ mấy rồi anh?
Thọ chống tay vào mô đá, ngay bên cạnh tai Vi:
- Hai mươi... sáu!
Cả hai cùng cười ròn rã. Vi thấy mắt mình cay cay nóng. Thọ nhớ tới nàng đến thế sao?
Tường Vi thắc mắc:
- Lúc nẫy anh nói cứ hai ngày anh khắc một vết vào cán dao? Tại sao thế anh, tại sao không là một ngày một lần, hay một tuần một lần?
Thọ tình tứ:
- Đó là những ngày đợi chờ và thất vọng. Nhưng dù là chờ đợi, dù là thất vọng thấy nó qua đi mà em không hiện đến anh vẫn muốn nó.. có đôi.
Tường Vi bồi hồi cảm động. Thọ, người con trai ngày xưa từng săn sóc nàng bây giờ đứng đó, nói với nàng những lời như tình tự dù rằng cả hai chưa hề nói yêu nhau, chưa hề lộ ý chấp nhận một cuộc tình. Thọ đứng đó và nàng, thầm lén như hẹn hò, e thẹn như tuổi yêu đầu và cảm xúc đầy ắp tâm hồn đôi kẻ. Tường Vi kêu lên trong lòng:
- Mẹ Ơi, mẹ Ơi. Con phải làm sao đây?
Nhưng Tường Vi chưa phải làm gì cả, Thọ ân cần nắm lấy tay nàng kéo ngồi xuống mô đá gần đó:
- Sao em có vẻ sợ hãi vậy? Anh có điều gì làm phật ý em không?
Tường Vi lại càng lúng túng, khổ sở. Nàng không biết giải thích cách nào cho Thọ hiểu nàng sợ hãi không nguyên nhân nào khác hơn là nàng đã trải qua những giây phúc bất ngờ đến dồn dập, và nàng chưa kịp tiếp đón nó. Thọ đưa hai bàn tay to lớn, gân guốc ấp lấy tay Vi, hỏi khẽ:
- Em đi với ai đấy?
Tường Vi đọc được trong câu nói ấy những âm thanh e ngại. Và nàng hiểu Thọ đang nghĩ gì. Nàng vội vã:
- Không phải đâu. Em với Từơng đi tắm, nó đang bơi phao ở phía đằng kia.
Thọ thở phào. Chàng nhìn đồng hồ:
- Trời lạnh rồi đó. Vi nên về sớm đi. Anh cũng phải vào trại để ký sổ điểm danh. Vị.. Vi cho anh gặp lại tối nay nhé?
Tưồng Vi đứng yên, bối rối. Trả lời đi chứ Vi. Trả lời Thọ đi. Trả lời đi, tại sao mình đứng ỳ ra thế được.
Thọ nhắc lại:
- Vi bằng lòng không?
Tường Vi cố gắng gật đầu. Làm được cử chỉ ấy, nàng thấy nhẹ nhõm cả người.
Thọ nâng nhẹ một cánh tay nàng. Hai người đi dọc theo bãi biển. Vài người tò mò nhìn Thọ, nhìn Vi khiến nàng thấy mặt mình nóng ran. Tường chạy tới, trách móc:
- Chị Vi, chị đi đâu để em tìm gần chết. A, anh Thọ. Chà, trông anh oai quá ta.
Thọ cười, xoa đầu thằng bé:
- Tường đưa chị Vi về nhá.
Ba người đi lên đường cái. Tường thắc mắc:
- Anh về bằng xe gì?
- Có Jeep đón anh ở đằng kia.
Từong nhõng nhẽo xin:
- Anh cho em con "poa nha" đó đi anh?
Tường Vi vội vàng ngăn cản:
- Đừng anh. Tường, hư nào. Còn nhỏ mà xin dao làm gì.
Tường vẫn có vẻ chờ đợi. Thọ nhìn Vi cừơi:
- Con dao này là một vật kỷ niệm đặc biệt của anh. Anh hứa có dịp sẽ cho em một con dao thật đẹp. OK?
Tường cười gượng gạo. Cu cậu vẫn chưa bằng lòng. Hai chị em chia tay Thọ. Đi được một quãng Vi lại nghe tiếng gọi oang oang ở đằng sau:
- Vi. Vi. Anh quên chưa hỏi em địa chỉ?
Cả hai cùng bật cười vì sự vô ý của mình. Lấy địa chỉ xong, Thọ nói khẽ:
- Tám giờ rưỡi anh đón em nhé.
Lần này thì Vi gật đầu một cách dễ dàng, hình như một cách... âu yếm nữa.
Đúng tám giờ Tường Vi ra đứng trước cổng. Dẫy nhà P.O... dành riêng cho sĩ quan và gia đình ở các nơi về đây nghỉ mát mượn, ở con đường thật đẹp và vắng. Tường Vi đứng tựa vào một cành hoa đại. Gió biển lùa tung mái tóc cô bé, mơn man da thịt nàng. Tường Vi ngửa cổ, nằm xoải người trên nhánh cây, ngước nhìn lên. Những bông hoa trắng mờ trong bóng tối, hương thơm phảng phất quấn quýt quanh Vi. Tường Vi nhắm mắt lại, bỗng dưng nàng thấy hồi hộp khó tả. Nàng tự hỏi: tình yêu đó sao, tôi đã yêu chưa nhỉ? Tôi sẽ yêu Thọ sao? Lần đầu tiên trong đời sống, Tường Vi thấy mình lạc bước vào một vùng trời mới, đây phức tạp nhưng kỳ thú. Nàng bâng khuâng. Phải chi mình có một người chị. Có ông chú, nàng đã từng nhiều lần tâm sự, nhưng dù thân cách mấy nàng cũng không dám thú thật hết lòng mình. Nhìn quanh đám bạn bè và người quen biết Vi thấy trong lãnh vực yêu đương hình như họ đều theo một quy ước như nhau. Họ chọn những anh bồ, những người yêu thật đẹp trai kiểu công tử bột, như Elvis Presley, Alain Delon hay nhự. Hoạt. Có người chọn những anh chàng tuổi đáng cha chú nhưng bằng cấp thật to, giầu có. Xa hoa hào phóng, tiêu pha như nước. Chỉ có một số - thật ít - chọn lựa người yêu theo lối Tường Vi ưng ý: Những người con trai hiền hậu, trẻ trung có tư cách và nhất là yêu đương cuồng nhiệt. Họ thường thuộc loại nghèo kém may mắn. Như chú Dũng có lần nói, tụi "binh bớp" nhiều thằng còn tư cách hơn bọn sĩ quan nữa. Vi nghĩ chú đã nói đúng trên một số khía cạnh nào đó. Ví dụ như anh đại úy ở xế cửa nhà nhỏ Duyên. Duyên có người yêu là lính, nhưng nàng yêu anh "bớp" đó.. kinh khủng. Vi thấy Duyên thật hạnh phúc. Mỗi tháng anh chàng bò về một lần, hai đứa dắt díu nhau đi chơi cả ngày. Duyên giới thiệu Quốc với Vi, và sau một thời gian ngắn nàng đã là bạn thân của hai người. Duyên tâm sự: ông ấy yêu tao.. kinh khủng, tao sợ Ông ấy yêu tao còn nhiều hơn tao yêu ông ấy nữa. Quốc chiều tao từng chút. Không kêu ca anh chàng điều gì. Nhưng anh chàng mặc cảm là mình nghèo và thiếu bằng cấp nên sợ chuyện hai đứa không thành. Đọc thư Quốc tao khóc bao nhiêu lần. Thành thực mà nói, tao không chủ quan và lãng mạn đến độ không nhìn thấy những khó khăn đang rình rập hai đứa. Nhưng tao vẫn nói với Quốc là đừng lo ngại gì cả, cứ biết là hai đứa đang sung sướng và có gì cản trở việc hai đứa lấy nhau? Có một tên đại úy ở xế cửa nhà tao thì thọt tán tao hoài và làm phiền tao nhiều lần. Hắn cứ kiếm cớ qua cửa hàng nhà tao mua giấy, mua nhạc... và một lần có Quốc ở đó. Hai người.. nghinh nhau và Quốc tỏ ý bực mình. Tao cáu quá bèn thẳng cánh đuổi tên kia về.
Ba hôm sau tao đi chơi với Quốc gặp hắn ngoài phố. Buổi chiều về nghe chị Hải nói tên đại úy qua nhà mách mẹ là tao đi với trai, hắn gặp hoài. Mày nghĩ hắn có... "bần cố nông" không chứ?
Lúc đó Vi cũng thấy bực lây. Nhiều sĩ quan Vi đã gặp - bạn chú Dũng hoặc anh các bạn nàng sao tư cách thế. Thật chững chạc mà cũng thật dễ thương. Còn anh kiạ. Hai đứa rủ nhau rình xem mặt hắn. Duyên chỉ cho Vi, lúc vị quan "lắm miệng đàn bà" đó đi làm về, và Vi cũng phải kêu lên:
- Ừ, trông... bần cố nông thật mi ạ.
Vi bỗng thấy hãnh diện với Duyên, về Thọ. Hình như những người con gái thường kiêu hãnh với bạn bè về người yêu của mình. Loại yêu đẹp trai và bằng cấp thì càng vây vo hơn khi bồ mình có ưu thế hơn bồ đứa khác. Loại yêu lính thì hãnh diện về tình yêu, về tư cách người yêu mình hơn. Chỉ có họ - những người trong cuộc chơi tình ái - mới đo lường được sự hơn kém đó một cách tế nhị.
... Có tiếng xe Honda nổ lùng bùng đâu đó. Tường Vi mở choàng mắt và nhận ra Thọ đang dừng lại bên kia đường. Nàng nhìn vào nhà đề phòng có ai trông thấy rồi bước nhanh. Thọ chống chân xe rồi làm một cử chỉ hài hước:
- Mời cô hai đi xe dạo phố. Trả "nhiêu" cũng được. Mà... đi không cũng đựơc.
Tường Vi bật cười. Thọ lúc nào cũng tếu nhộn như thế. Thọ mở máy và Vi ngồi nhẹ lên yên. Nàng lúng túng không biết vịn vào đâu để giữ thăng bằng. Sau cùng nàng nắm lấy một bên yên xe. Thọ cười, bạo dạn:
- Cho Vi mượn.. cái eo anh ôm nhờ cho khỏi té - Dám không?
Tường Vi ngượng tê tái, nghĩ thầm:
- Gớm, cái ông này. Ăn với nói ... chưa gì hết đã tán sát sàn sạt.
Thấy Vi không phản ứng, Thọ cười hề hề rồi phóng xe đi. Thọ đưa Vi ra bãi trước. Chàng gửi xe ở một quán nước. Cô chiêu đãi viên dò hỏi:
- Ai đó anh Thọ?
- Em... gái anh.
Cô chiêu đãi cong cớn trêu chọc:
- Xí, cái mặt. Ai mà tin.. Bộ anh tính.. bỏ em sao?
Thọ hồn nhiên:
- Nè, đừng có.. phá hoại gia cang nhà người ta. Cô lo cho mấy thằng Củ sâm kia kìa.
Cô gái nguýt dài, quay đi. Thọ quay lại nói như giải thích:
- Ở đây tụi anh.. quen hết. Nhưng toàn.. cỡ đó không à. Sống sượng và nham nhở mới trả đũa nổi họ.
Tường Vi chả nói gì, nàng chấp nhận một cách giản dị, dễ dãi. Con trai, ai chả thế. Ăn chơi, la cà, lang bạt. Đựơc. Miễn là yêu ai thì phải chung thủy, yêu nhất nhất, đủ rồi.
Hai người ngồi uống nước trên bãi cát. Buổi tối, thủy triều xuống, nước rút ra tận ngoài xa để lại bãi cát ướt mịn màng như cặp má người con gái chớm xuân tình. Sóng xô nhè nhẹ lên lần cát xoải nước loang loáng bò lên, óng ánh bóng trăng bạc. Vạch nước cố gắng bò lên, ấp lấy bãi cát không muốn rút đi, như đôi môi tham lam của người con trai xoắn lấy đôi môi hồng của người yêu bé bỏng, không chịu rời. Thọ ngồi so sánh vẩn vơ như thế, và rạo rực cả người.
Tường Vi chăm chú nhìn Thọ. Mái tóc phía trước che tối một bên mắt, khói thuốc mỏng như sương, lả lơi quyện lấy khuôn mặt chàng. Vi thấy ở Thọ có một vẻ gì phong trần đáng yêu lạ. Vi hỏi:
- Anh ở nhà riêng hay ở trong trại?
- Ở trong trại, ăn cơm hàng.. trong chợ, và đi... quá giang xe nhà binh mỗi lần về Sài gòn. Em... em có thấy chán ngán nếp sống của anh không?
Vi cười tươi:
- Anh làm như em con nhà giầu không bằng. Cả nhà đi nghỉ mát, mẹ ra "tiêu lệnh" cúp bớt tiền quà sáng và tiêu vặt hàng tuần đó anh. Tụi em cũng... "khắc khổ" lắm chứ bộ.
Thọ phì cười. Cô bé dùng toàn ngôn từ lối nhà nước. Hai người bắt đầu nói chuyện một cách tự nhiên. Câu chuyện xoay quanh vấn đề cuộc sống, học hành, gia đình và chuyện Dũng với những làm ăn, tình yêu, dự tính của Dũng. Câu chuyện làm họ gần gũi nhau hơn, khi nhắc lại kỷ nịêm thời thơ ấu. Thọ rủ Vi đứng dậy đi dọc theo bờ cát, men theo mép sóng. Tường Vi hồn nhiên rút dép ra cầm lên tay, đôi chân xinh xắn nhón những bước nhẹ nhàng trên làn nước mát lạnh. Bọt sóng bám vào cổ chân Vi, làm thành những vòng chuỗi bọt óng ánh nhiều mầu dang dở, tan biến vội vàng. Thỉnh thoảng Vi quay lại đi giật lùi, nàng tìm những dấu chân còn sót lại của hai đứa chưa bị nước xóa đi. Một đôi vết giầy chững chạc, và một đôi vết chân xinh xắn hằn dấu song đôi. Tường Vi tự trêu:
- Biểu tượng hạnh phúc của mình đó.
Ngày thường buổi tối thật vắng. Mấy anh Mẽo ở xa trung tâm thành phố, không rõ vì sao lại bị cắm trại từ tám giờ tối nên các quán nước chỉ lác đác một vài đôi. Tường Vi cảm thấy như đây là một thế giới riêng biệt của hai người, một thế giới hoang vu mà hạnh phúc, chỉ có sóng nước thanh bình và yên ấm. Thanh bình và yên ấm như đời sống rong rêu và loài nghêu ốc biển.
Hai người bước vào vùng bóng tối lờ mờ của những cây phi lao. Không ai bảo ai, cả hai cùng bước chậm lại và... đi sát bên nhau. Trong đầu Tường Vi lúc nào cũng vang vang câu hỏi:
- Yêu nhau là thế đó sao?
Tường Vi kiểm điểm lại. Cũng... hay hay. Nó như vị ngọt của đường, vị chua của chanh, sự lâng lâng của men rượu mạnh. Khiến người ta cảm thấy thèm muốn, ngất ngây. Nó đem thi vị cho cuộc sống hàng ngày. Nó mới lạ và hẳn.. còn nhiều bí mật khác nữa.
Thọ bỗng nắm lấy tay Tường Vi kéo ngồi xuống bờ cát, bên gốc cây dương. Chàng nói, giọng thật trầm:
- Vi nhớ không. Ngày xưa anh hay dắt em đi chơi trên đê Yên Phụ, trên đường Cổ Ngư và ăn bánh tôm ở Hồ Tây... ngày xưa em còn bé tí...
Tường Vi xúc động mãnh liệt. Có một cái gì êm ả quá, gần gũi quá trở lại với nàng, khiến Vi cảm thấy không có gì ngăn cách nàng với Thọ nữa.
Thọ tiếp:
- Ngày xưa em còn bé tí.. anh đã săn sóc em, đã thương em... như em của anh vậy, nhưng bây giờ anh mới thực sự biết rằng anh đã yêu em từ dạo đó.
Tường Vi như mê đi. Nàng không nghe rõ những lời Thọ đang nói nữa. Nàng chỉ mơ hồ hiểu rằng Thọ đang tỏ tình với nàng và đang nhìn vào mắt nàng chăm chú. Vi nhìn mông ra biển xanh mà chả bắt gặp một hình ảnh gì ngoài đó, hai tay nàng xoắn xuýt lấy nhau. Rồi thật bất ngờ, nước mắt nàng trào ra, lăn nhẹ trên má.
Tường Vi không hiểu từ một tích tắc nào Thọ đã cúi xuống, ôm lấy bờ vai nàng và hôn nàng say đắm. Thọ hôn nàng và nghĩ tới mực thủy triều loang loáng tham lam trên mặt cát, dưới ánh trăng bàng bạc, không muốn rút. Thật tham lam, Thọ hôn mãi. Chàng nghe hơi thở của Tường Vi dồn dập, và người nàng dướn mãi lên theo vòng tay Thọ mỗi lúc xiết chặt hơn. Thọ như chìm vào cơn mơ đẹp đẽ, không muốn nới nhẹ vòng tay chỉ sợ tan biến mất. Mãi cho đến lúc chàng cảm thấy mơ hồ tiếng kêu "ư ư" phản kháng của Tường Vi và hai tay nàng xô mạnh trên ngực chàng, Thọ mới giật mình ngỡ ngàng rời xa. Chàng tưởng Vi không bằng lòng, nhưng nhìn mặt Vi chàng chợt hiểu. Chiếc hôn quá dài và vòng tay chàng xiết chặt làm Tường Vi nghẹt thở. Nàng ngồi thừ ra, cúi gầm mặt xuống. Thọ bỗng thấy tội nghiệp cô bé.
Tường Vi liếm nhẹ đôi môi nóng rực vết răng Thọ cắn nhẹ vào. Nàng đê mê trong một cảm giác triền miên. Vi trách móc thầm:
- Làm người ta muốn.. chết luôn!
Thọ quàng tay qua vai Vi, nói nhỏ vào tai nàng:
- Anh xin lỗi... anh xin lỗi...
Tiếng Thọ nghe như lời cầu khẩn. Tường Vi ngước lên, ánh mắt nàng long lanh. Thọ không đoán được nàng muốn nói gì trong tia nhìn đó.
Chàng cúi xuống:
- Em nói đi. Em có... yêu anh không?
Tường Vi không trả lời, lại cúi gầm xuống, ngón tay trỏ vẽ vẩn vơ trên mặt cát.
- Nói đi em.
-...
- Vi, anh hỏi. Trả lời anh đi.
-...
- Em có nghe anh nói đó chứ?
- Dạ.
- Dạ là thế nào?
- Dạ.
- Trả lời bằng lòng hay không chứ dạ thì anh hiểu sao được?
-...
Thọ sốt ruột:
- Em giận anh hở?
- Không.
- Thế sao anh hỏi không nói?
- Em đang nói đây thôi.
- Ừ. Nhưng em chưa trả lời có yêu anh không mà?
- Ự. ự. anh hỏi kỳ quá.
Thọ bật cười:
- Hợ.. sao mà kỳ. Chả có gì là kỳ cục hết. Đâu nào, bây giờ em thử hỏi anh thế này nhé: "Anh có yêu em không". Anh trả lời em liền, từ thì, bi giờ. Nè, anh sẽ nói là "yêu em..., chết luôn, yêu không chỗ chứa hết, yêu... ngạt thở như lúc nẫy đó".
Tường Vi không nín được cười. Biết Thọ tìm cách trêu mình, nàng cấu nhẹ vào lưng chàng. Thọ kêu lên:
- Ái, nhột.
Tường Vi khỏa lấp:
- Con trai mà nhột là dở!
- Anh có máu nhột. Hồi nhỏ mẹ anh thường bảo lớn lên lấy vợ, vợ bắt nạt thì chỉ cần cù nách là muốn đòi gì anh cũng đựơc. Thế.. em định đòi gì anh đấy?
Tường Vi kêu lên phản đối và vô tình lại cù vào bên hông Thọ. Thọ rú lên cười:
- Ơ hay, làm gì vậy. Đòi gì thì anh bằng lòng rồi, sao cứ cù hoài vậy?
Vi giật mình rút tay lại:
- Anh... xí xọn quá à.
Thọ tức cười:
- Em có nhiều tiếng ngộ nghĩnh ghê.
- Ngôn ngữ Trưng Vương đấy anh.
- Này, xin đừng đánh trống lảng. Cô chưa trả lời tôi: định đòi gì thì nói?
Tường Vi nóng ran cả mặt:
- Ơ, anh cứ trêu hoài à. Em...
- Em định đòi cái này phải không?
Vừa nói Thọ vừa cúi xuống. Tường Vi hoảng hốt xô Thọ ra và né đầu tránh nhưng vẫn không thoát đựơc vòng tay khỏe mạnh của Thọ. Hai người lại đắm vào một nụ hôn dài ngạt thở. Lần này Thọ nghe như có một cánh tay mềm mại, mát lạnh quàng qua cổ chàng. Chàng thoáng một ý nghĩ hóm hỉnh...
Hai người cứ như thế đến gần khuya mới lấy xe về. Ngồi trên xe được một quãng Tường Vi mới giật mình nhận ra mình đã ôm ngang lưng Thọ thật. Nàng ngần ngừ một chút rồi quyết định rút tay lại, tự nhủ:
- Phạt anh, đứng tưởng người ta chịu thua anh đâu nha.
Thọ thả Tường Vi khuất sau một thân cây xế cổng nhà. Chàng nói:
- Em còn nợ anh đấy nhé.
Từơng Vi ngỡ ngàng:
- Nợ gì cơ anh?
- Cho đến giờ phút này, anh vẫn chưa nghe em trả lời "có yêu anh không", nên anh không biết em có yêu anh hay không nữa?
Tường Vi nguýt dài một cái, quay ngoắt đi. Thọ thích thú. Cái nguýt như hàm ý:
- Anh lẩn thẩn. Không yêu mà lại.. chịu thế à?
Chàng nói theo:
- Mai anh đến đón em.
*
* *
Những ngày đi nghỉ mát trôi qua thật nhanh. Trường tư sắp khai giảng niên học mới nên Vi lại bắt đầu lo lắng mọi thứ cho chương trình học thêm này. Nàng về Sài gòn đã hai tuần và đã đi thăm bạn bè. Phượng nhìn Vi kinh ngạc kêu lên:
- Con nhỏ trông lạ hoắc à.
Tường Vi mỉm cười:
- Tao đen lắm sao?
- Không phải. Đen thì có đen, nhưng trông mày... phơn phớn ra, như có một cái gì thay đổi hoàn toàn. Mày có vẻ... Xem nào...
Phượng nghiêng qua nghiêng lại như người xem tướng:
- Mày... như có vẻ người lớn hẳn ra, có vẻ "thấm" một cái gì, ơ hơ, có vẻ... như "chịu đèn" nhự. nhự..
Từơng Vi hét lên:
- Thôi, thôi. Ăn với nói gì khiếp vậy?
Phượng tỉnh bơ:
- Đừng phản đối. Mày phản đối là mày giả dối. Chứ không phải mày đi với kép ra ngoài đó sao?
Tường Vi rú lên:
- Ai bảo mày thế? Tao đi với cả nhà chứ bộ.
- À, phải rồi. Chắc chàng ở ngoài đó. Chàng nàng âu yếm tưng bừng phải không?
Tường Vi phải vặn hỏi mãi Phượng mới nói thật:
- Hôm nọ con Yến - nhóm Tâm, Yến ở Marie Curie mình đi Boum dạo nào với ông Hoạt mày còn nhớ không - đi với kép ra Vũng Tàu nghỉ cuối tuần. Nó bảo, ngồi trong quán ngó ra gặp mày đi với.. tên nào đó, đen ngòm, hắn lại quàng tay qua vai mày nữa. Nó.. tò mò, làm bộ rủ kép đi dạo bãi biển và thấy anh chị đưa nhau vào bụi cây...
Tường Vi cực lực phản đối:
- Bậy... bậy... làm gì có...
Phượng cười khúc khích:
- Chết.. tao xin lỗi. Nói lộn. Đưa nhau vào rặng cây dương, ngồi trên bãi cát, dưới gốc cây. Hai đứa đi ngang gần đó mà tụi mày bận... tí toáy, chả biết mốc gì cả.
Tường Vi đấm bạn:
- Mày nham nhở. Nói năng đứng đắn một chút coi.
- Thì tao vẫn đứng đắn đó chứ. Nó nói đâu có sai phải không. Chối gì được, mặt cô nàng cứ ngây ra thế kia là đúng tim đen rồi nhá. Nó bảo, chúng mày hôn nhau... chúng mày...
- Thôi, đủ rồi, đừng nói nữa...
- Chưa hết. Để tao nói, không nói hết tao... ấm ức, tao kể người khác nghe à...
Tường Vi lo sợ:
- Ừ thì nói đi. Cái miệng mày. Cấm phát ngôn bừa bãi à, tụi nó đồn lung tung thì chết.
- Chết mày chứ đâu chết tao. Mà tao chả nói thì con Yến cũng nói khối người biết. Ăn thua gì. Lớn rồi, có... quyền chứ bộ.
- Nó nói gì nữa?
Phượng tinh quái:
- Nó bảo mấy hôm ở ngoài đó, nó đều gặp tụi mày... y hệt vậy. Nó tò mò... rình hoài khiến thằng kép nó phát cáu, không hiểu tại sao con nhỏ ấy cử chỉ đòi đi dạo tối ở bãi trước mà không rủ đi nghe nhạc đi ăn gì cả.
Tường Vi cười chịu trận. Nguy quá, thế là... cả nước biết chuyện mình rồi. Tại anh hết, tại anh hết đó. Sau buổi tối đi chơi đầu tiên, Thọ hẹn gặp Vi hoài. Một phần vì nể, một phần vì thời gian ở Vũng Tàu chả bao lâu, một phần vì Thọ nói khéo quá, và một phần vì... nên mình mới đi chơi dữ thế. Ba mẹ chả nghi gì cả, chỉ la:
- Con bé đi chơi tối ngày.
Tường "về phe" với nàng là do Thọ ranh mãn, hôm sau đem cho Tường con dao găm thật đẹp và dặn dò đừng nói với mẹ là của chàng cho. Từ hôm ấy cu Tường "giúp đỡ" Tường Vi đắc lực.
Phượng hỏi:
- Sao, chịu lỗi rồi hở?
Vi đáp:
- Tội nghiệp tao mà.
- Mày mà đáng tội nghiệp? Sướng tê người còn làm bộ than. Chỉ tội nghiệp cho ông Hoạt. Mày đá ông anh tao một cái đau quá, mấy hôm nay ông ấy say rượu hoài.
Tường Vi ngạc nhiên:
- Ô hay. Tao có lỗi gì đâu...
- Đúng rồi. Không phải lỗi mày nhưng vì ông ấy si mày mới có chuyện.
Tường Vi thở dài:
- Tao thành thực đâu muốn thế. Mày hiểu tao, tụi mình phải tìm lấy đối tượng chứ đâu có thể chấp nhận dễ dãi được?
Phượng đồng ý:
- Ừ, tao cũng nghĩ vậy. Kệ anh Hoạt. Con trai phải tập chịu đựng cho quen đi.
Tường Vi tò mò hỏi:
- Thế còn chuyện của mày hồi này ra sao?
Phựơng xịu mặt xuống:
- Ông Dũng thật tệ mày ạ. Hôm đi Pleiku về ông ấy có địên thoại cho tao nói rằng bận quá không đến được và lại sửa soạn trở lên đó ngay ngày hôm sau vì đang đánh đấm lớn. Ông ấy về đưa bài cho tòa soạn và lấy thêm công tác phí.
- Đánh nhau lớn lắm hở?
- Ừ, nghe chú ấy kể là ở chung với bọn Thiết Giáp và trong đồn gì ấy đang kiệt quệ vì thiếu thực phẩm, đạn dựơc. Việt Cộng bao đen nghịt, bên mình đưa đủ thứ lính lên đó và sắp mở trận phản công. Đoàn thiết giáp ông ấy đi theo có lẽ sắp đi mở đường vào đồn.
Tường Vi lo âu:
- Nguy hiểm quá. Ông ấy thật liều.
- Tao cũng nói thế. Chú ấy chỉ cười và bảo sống chết có số. Rồi đi luôn từ hôm đó tới giờ, đọc báo thấy nói Thiết giáp đã mở được đường vào đồn và Việt cộng bỏ chạy về biên giới. Chết nhiều lắm.
- Bên nào?
- Cả hai bên. Nhưng "chúng nó" chết nhiều hơn, như rạ. Vì bị bom và bên mình mạnh hơn.
Phượng ra vẻ thông thạo tin tức lắm. Nàng kể những tin tức đọc trên các báo, nghe ở đài phát thanh, vô tuyến truyền hình và nhất là theo dõi bài phóng sự Dũng viết trên báo chàng cộng tác. Phượng đề cập đến một đơn vị Thiết giáp đi tiên phong mở đường và thành công. Nàng ca ngợi Thiết giáp là ... ác liệt, là .. mạnh, là...ngon lành.
Tường Vi ranh mãnh hỏi:
- Mày có vẻ khoái Thiết giáp thế?
Phượng trả lời tỉnh bơ:
- Khoái thì chả khoái, nhưng... có ông Dũng đi theo họ, mình cũng nên... cảm tình chứ.
Tường Vi nhìn bạn thương mến. Nó yêu chú Dũng thực sự rồi sao? Nàng biết lâu nay Phượng đã bớt đi chơi hẳn, bỏ rơi mấy thằng choai choai, mượn danh nghĩa hippy để làm trò lố lăng trong thành phố. Nàng tìm đến với Dũng, sống những giây phút êm đềm thích thú nửa cháu hờ nửa người yêu. Rồi bây giờ nó ngồi đây, lo lắng cho chú mình như hiền phụ thương chồng ra trận mạc.
Khi tiễn Vi ra về, Phượng nói:
- Có tin chú Dũng cho tao biết ngay nhé.
Tường Vi gật đầu bước đi. Phượng khen với theo:
- Tóc mày đẹp quá!
Tường Vi mỉm cười. Câu khen của Phượng nhắc nàng nhớ tới buổi chiều đi chơi với Thọ trên ngọn hải đăng. Thọ kéo Vi đứng dựa vào ngực chàng, nhìn xuống bãi biển tít dưới xa. Gió thổi tung mái tóc Vi, tạt vào mặt chàng. Thọ áp mũi vào tóc, vào gáy nàng rồi thủ thỉ:
- Trước kia, lần đầu tiên gặp lại em cùng với chú Dũng, khi nhìn em anh tự nhủ: mình yêu nhất là đôi mắt, đôi môi cô bé. Bây giờ thì anh không biết anh yêu cái gì nhất nữa.
Tường Vi đứng lặng người. Thọ có lối diễn tả ý nghĩ mộc mạc mà chân thành, cảm động. Nàng nói thầm:
- Anh yêu em đến thế sao? Mà... anh có biết là em cũng yêu anh lắm không?
Nhưng chưa lần nào nàng nói thành lời, dù Thọ đã gặng hỏi nhiều. Nàng chỉ hỏi lại:
- Anh không tự cảm thấy điều đó sao?
Thọ trả lời:
- Anh đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để suy nghĩ, để phân tích. Anh đã cảm thấy là em có yêu anh, nhưng anh muốn được nghe chính em xác nhận, nói lên điều đó.
Buổi chiều vàng ấy, Tường Vi nghĩ chắc chẳng bao giờ phôi pha trong ký ức. Mình sẽ nhớ mãi... nhớ mãi...
Về đến nhà Tường Vi đã thấy trên mặt bàn học thư của Dũng gửi về. Nàng reo mừng như đựơc phần thưởng cuối niên học.
Dũng báo tin chàng vẫn khỏe mạnh, đã... ăn hết những thứ bà chị "ân cần trao tay" lúc lên đường. Chàng kể lại những ngày tham dự chiến trường Ban Het như một cơn ác mộng. Tiền đồn Ban Het, Võ Định, Đức Lập, Tân Cảnh... nằm trên những ngọn đồi trọc hoặc các thung lũng phẳng. Chung quanh là đồi thấp và rừng rú, thung lũng sâu dài cơ hồ bất tận. Từ trên máy bay nhìn xuống vùng núi đồi vùng Hai như một thảm cỏ xanh rì không biên giới. Việt cộng đã từ biên giới kéo về chui rúc dưới thảm cỏ xanh rì ấy, mang theo trọng pháo và chiến xa Nga, bất thần kéo ra bao vây Ban Het. Trận chiến bắt đầu. Thoạt tiên chỉ có Lực lượng đặc biệt trong đồn đối địch, sau đó phải tăng viện Biệt động quân, Bộ binh rồi Thiếp giáp và Không quân. Thế là mặt trận bùng nổ khủng khiếp. Dũng theo sát Bộ chỉ huy hành quân các đơn vị tại đó, ít lâu sau chàng trở về ở với Bộ chỉ huy Thiết đoàn kỵ binh từ Qui Nhơn lên tham chiến. Và trong trận đánh ghê gớm nhất, Dũng đi theo họ. Chàng được thằng bạn gửi gấm đi cùng một sĩ quan thuộc Chi Đoàn Chiến xa trong chuyến mở đường vào Ban Het. Dũng viết:
"Bây giờ thì yên rồi, các chiến xa được rải ra nằm hai bên quốc lộ. Các đơn vị khác cũng rút đi vì Việt cộng đã chạy hẳn về bên kia biên giới. Chắc ít hôm nữa Thiết Đoàn này cũng trở về Kontum. Chú nghe nói họ Ở đây còn lâu vì cần chiến xa để bảo vệ trục lộ Kontum - Tân Cảnh - Ban Het. Khoảng đường này vẫn còn bị du kích lén lút đào đường gài mìn nội hoá hàng ngày. Thiết Giáp mỗi sáng mờ sương đi mở đường, gỡ mìn cho dân chúng qua lại. Dân Thượng ở đây đã bắt đầu đi lại đông đảo. Họ vào rừng hái măng hoặc buôn bán đổi chác lặt vặt. Cháu biết không, bọn thanh niên Thượng ở đây cũng "hippy" không kém dân Hippy giao chỉ nhà mình. Tóc dài thậm thượt, áo vét, quần... xà loỏng, hoặc quần dài, đi giầy bốt hoặc giầy bố cổ cao. Và chàng đi Honda, chở nàng mặc váy dài đi phom phom trên con đường... tráng nhựa có gắn mìn. Chỉ thiếu các kiểu mini của các nường nữa là đủ bộ. Phải chi các... "Thượng Nữ" ở đây mặc mini lúc trời lạnh này thì chú có dịp được cười với "món ăn tái" rồi... "
Tường Vi cười sặc sụa, kêu lên:
- Gớm, chú này. Lúc nào cũng tiếu lâm được. Tục ghê cơ.
Dũng viết "món ăn tái" là nhắc đến câu chuyện chàng đọc trong tờ bán nguyệt san nào đó và chàng kể lại trong một buổi tiệc trà đấu tiếu lâm của giới văn nghệ trẻ Sè-goòng. Câu chuyện khiến các cô đỏ mặt, nhao nhao phản đối người kể là tục tĩu, nhưng các cậu thì hoan hô chí chạp, cổ võ là "phi tục tĩu bất thành tếu".
Câu chuyện thật ngắn, kể một người đàn ông bước vào nhà tình nhân. Lúc ấy trời đang lạnh mà thiếu nữ lại mặc mini jupe. Nàng đang kéo cao váy ngồi sưởi bên lò than. Người đàn ông thấy thế xua tay:
- Thôi, nếu dành cho anh, thì hơi chín quá rồi đấy!
Cười một hồi Tường Vi mới nằm dài ra giường đọc tiếp. Dũng kể rằng vừa qua khỏi cầu Dak Mot Lop - nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành quân - được hai cây số chi đội chiến xa tiên phong đã phóng từng loạt đại bác 76 ly vào phòng tuyến địch hai bên đường. Việt Cộng trả lời bằng B-40 và 41. Dũng nhìn dáng người xạ thủ chiếc chiến xa đi trước vừa quạt đạn liên miên vừa há miệng gầm thét như điên. Tiếng đạn vang rền như sấm nổ, rung chuyển cả con cua sắt có Dũng trong lòng nó. Chiếc chiến xa cứ lồng lên, người ngồi bên trong nếu kkhông quen sẽ có cảm giác như đang đấu đô vật và bị địch thủ "dộng" cho tối tăm mắt mũi. Đoàn Thiết giáp ồ ạt tiến lên, lủi bừa vào hai bên ven đường đầy tre nứa. Thân cây ngã ào ào. Dũng hoa cả mắt. Chàng ló đầu lên khỏi pháo tháp, chiếc máy ảnh gắn ống kính chụp xa rung lên trong tay chàng. Dũng bấm lia lịa, quên cả đạn bay veo véo chung quanh. Chàng mê man chụp những cảnh tàn khốc đang diễn ra phía chiếc thiết xa trước mắt: những tên Việt cộng núp sau rặng tre bị chiến xa hất tung lên, rơi xuống. Và thân tre nứa, thân người bị cán dẹp dưới lớp sắt dầy, nổ lốp rốp rồi bị nghiền nát ra từng mảnh.
Đoàn xe cứ thế tiến tới. Các đơn vị bộ binh nép hai bên hông xe, chạy ào ào tới đánh cận chiến. Trước mặt, phía trên cao, oanh tạc cơ lồng lộn, gầm thét. Bom rơi như mưa rào, biến vùng rừng núi đầy cây lá xanh tươi trở thành loang lổ những hố bom lớn, lộ ra màu đất đỏ như máu. Bom dây nổ vang rền trong gió sớm, dội vào lòng núi ùng ùng cơ hồ bất tận. Trận chiến cứ tiếp diễn, nhưng trên cao những đám mây thấp, những đợt sương mù còn sót lại trong đêm vẫn thản nhiên trôi lờ lững dưới lòng thung lũng và lưng chừng dẫy núi phía xa. Cát bụi bốc mịt mờ và đoàn người đang xử dụng những vật vô tri mải miết đuổi nhau trên con tỉnh lộ 512 ngoằn ngoèo quanh những đỉnh đồi đất đỏ. Xác người chết ngổn ngang, không còn nhân dạng, cạnh những vũ khí còn bốc khói. Dũng nghe tiếng một sĩ quan quen thuộc hét lên trong máy liên lạc:
- Báo 2, Báo 2, đây Báo 1. Tiến nhanh nữa lên và Báo 3, Báo 3, anh yểm trợ cho hai bên cánh phải.
Những người lính Bộ Binh và Biệt Động vẫn chạy ào ào quanh đoàn chiến xa, cơ hồ không biết mỏi. Họ lao tới, chiếm từng mô đất, từng lùm cây. Đoàn xe tiến tới khúc quanh. Hỏa lực địch thật mạnh, đạn chống chiến xa, B40 phóng ra như mưa bấc, bay vù vù. Cuộc chiến di động từ đầu dốc này sang đầu dốc khác, khúc quanh này sang khúc quanh kia. Rồi tạm lắng dịu giây lát, cả hai bên vội vã chỉnh đốn lực lượng rồi lại xung sát như điên cuồng... Việt Cộng bị dồn dần, dồn dần về hai bên đường viền trực lộ, và máy bay chỉ chờ có thế để nhả xuống hàng loạt bom dây... Người tài xế chiến xa đã nói với Dũng, giọng tiếc rẻ:
- Tại có ông đi cùng nên tui không được phép dọt lên trước. Chớ như lần khác tui đâu dễ để cho "con" nào qua mặt. Trời đất, chiến lợi phẩm ê hề trông thấy thèm...
Dũng chỉ cười. Bây giờ chàng thấy anh ta có lý. Khi mặt trận đã dịu hẳn và địch quân đã bỏ chạy, mọi người lăng xăng thu nhặt súng đạn rơi rãi khắp nơi. Chuẩn úy Đình, sĩ quan trẻ tuổi mới ra trường, cười với Dũng:
- Thế nào cụ. Ra ngoài nghỉ tí chớ. Tạm yên rồi. Khúc đầu đã mở đường vào được Ban Het từ nửa giờ trước, đang đậu trước cổng đồn để liên lạc với đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt trấn giữ bên trong.
Dũng ôm máy ảnh vào lòng, leo ra khỏi pháo tháp, nhẩy xuống đất:
- Sợ, thật anh ạ. Đây là lần đầu tôi ngồi trong thiết giáp theo ra trận đấy. Những lần khác hoặc ở Bộ Chỉ Huy hoặc đi sau không à.
Đình gật gù:
- Cũng sợ thật. Từ ngày rời quân trường, dự nhiều trận mạc nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy cam go như lần này. Chiến trận ở đây xảy ra nhiều lần trên cùng một địa thế giống hệt như bài học chiến thuật được diễn đi diễn lại cho mỗi khóa học trên đồi 30 Thủ Đức. Chỉ khác ở chỗ thực sự đổ máu để thanh toán mục tiêu.
Dũng nhẩy lên xe Jeep liên lạc của Đình, tiến lên trước. Trung Úy Hà đang điều động chi đội chiến xa vào hẳn trong vòng đai đồn. Hà khéo léo điều động đoàn xe tấn công những tổ B40 của Việt Cộng còn để lại quanh đó. Tiếng súng lại ròn rã nhưng vội vàng chết nghẹn. Tổ hỏa lực địch im tiếng, để lại mấy xác người chân xiềng cứng vào cây thượng liên Trung cộng.
Tiếng reo hò chiến thắng vang lên đó đây trong cảnh hoang tàn thê lương của trận địa. Khói vẫn còn bốc lên dầy đặc từng khoảng trong rừng cây. Hai bên đường chung quanh đồn, dọc theo thung lũng và bờ suối cạnh đó bom đào hố lỗ chỗ như tổ ong.
Hà gỡ nón sắt, giở bộ nón nhẹ nhún người nhẩy ra khỏi lòng pháo tháp. Anh mỉm cười đưa mắt nhìn đồng đội vội vã tiếp tế nhiên liệu và đạn dược cho từng con cua sắt. Dũng nghĩ nụ cười của Hà thật hồn nhiên mà cũng thật ngạo nghễ, khó quên. Hà dơ tay chào Dũng, rồi quay lại đi xuống hầm truyền tin liên lạc với Bộ Chỉ Huy. Trong lúc đó, đoàn công voa tiếp tế thực phẩm đã vào tới và những người lính Việt, Mỹ, Thượng ào ào chạy tới khiêng tiếp tế phẩm vào sân đồn. Dũng đứng lặng nhìn quang cảnh cảm động ấy. Mọi người lo cho sự sống bên cạnh sự chết. Bận rộn mà cũng là chả có gì đáng lo liệu
...
Tường Vi say mê đọc hết trang này qua trang khác. Thư Dũng thật dài. Nàng nghĩ Phượng sẽ vui biết mấy khi nghe nàng kể lại và chắc thế nào cũng giận dỗi chút xíu vì Dũng không hỏi thăm gì về nó. Nàng đọc lại đoạn Dũng viết về cái chết của Hà và cảm thấy buồn mang mang:

"Một trái 122 ly pháo kích trúng hầm truyền tin khi Hà đang báo tin chiến thắng về Bộ Chỉ Huy hành quân. Lúc đó chú và Đình đang ngồi uống cà phê với vài người nữa ở mô đất gần hàng rào phía trước. Viên đạn xuyên qua mấy lớp bao cát, nổ tung dưới hầm máy móc. Khi đem được Hà ra, anh ấy đã chết. Chú không muốn tả chi tiết về hình hài Hà lúc đó. Mọi người ngậm ngùi, buồn khổ. Và càng ngậm ngùi buồn khổ hơn khi được tin tổng kết cho hay Giao, Quang, Công đều tử trận. Bốn sĩ quan thiết giáp chết cùng một lúc, kể cũng là mất mát lớn cho đơn vị này. Mới hôm trước chú còn ngồi ăn cơm với họ, tiếng cười đùa vô tư tuổi trẻ của những thanh niên ấy còn vang vang, giờ thì chỉ là im lìm vĩnh viễn.
Rồi thi hài Giao, Quang, Công đựơc chở về quê nhà theo sự yêu cầu của thân quyến. Hà thì quàn lại để chờ gia đình đến nhận. Cái chết của Hà ám ảnh chú mãi. Hà có người yêu ở Pleiku. Người con gái trẻ thật đẹp và hiền. Nàng khóc lặng lẽ như không mấy ngạc nhiên trước cái chết của người yêu. Tham dự vào cuộc chiến hẳn nhiên ai cũng nghĩ đã phó mặc sinh mạng mình cho số mệnh. Hà biết rõ thế và người yêu anh cũng hiểu như vậy. Biết bao người đã gục ngã và biết bao người đã xót thương. Nhưng chú tin không phải vì thế mà những kẻ còn sống sợ hãi chùn chân. Khi đã nghe mùi lửa đạn, máu nóng bừng lên, chỉ có vinh quang mới là đáng kể. Chú tin thế. Sự hiểm nguy lúc đó không còn ai nghĩ đến hoặc kịp nghĩ đến. Chỉ khi nào có kẻ nằm xuống, người khác nhìn vào đó mà nghĩ ít nhiều đến sự còn may mắn của mình. Chú đã nghĩ như thế khi nhìn Hà nằm bất động và lắng nghe tiếng khóc tỉ tê của người con gái, Thơ, tên người yêu của Hà, vuốt mắt cho anh trước khi chiếc trực thăng chuyển túi Poncho bọc xác về đến nhà vĩnh biệt. Sau đó Thơ đích thân lo sắm sửa, trông coi tẩm liệm, nhập quan. Nàng đích thân làm lấy nhiều việc, săn sóc cho người chết mà chú tin hiếm có người con gái nào khác đủ can đảm đụng tay vào. Chú cảm động thực tình và mến phục nàng. Mến phục vì tình yêu của Thơ dành cho Hà thật sâu đậm khiến chú phải suy nghĩ. Và cũng mừng cho Hà. Ít ra, khi Hà nằm xuống, ngoài gia đình thân thích còn có một người gần Hà khi chết, bằng tất cả lòng thương yêu và sự đau đớn tột cùng.
Thơ cứ ngày ngày ngồi quanh quẩn bên quan tài, khóc rấm rứt, nghẹn ngào. Tuy là người khác đạo nhưng Thơ vẫn thấp hương nến và khấn nguyện cho linh hồn Hà người vợ hiền thục tự bao năm.
Hôm gia đình Hà tới Pleiku, Thơ đón về nhà săn sóc chu đáo như phận dâu con. Mẹ Hà thương con, thương cô gái, khóc vùi...
Rồi hôm sau ba má Hà đưa quan tài về quê, Thơ đi sau xe tang khóc lặng lẽ. Trời cao nguyên mưa buồn, đầy mây mù như giải kkhăn tang. Thiết Đoàn trưởng của Hà và các chiến sĩ cùng đơn vị cũng đi tiễn anh đến tận phi trường. Mây trắng dầy đặc đến độ phi cơ không lên nổi. Có người thì thầm với chú là có lẽ tại linh hồn Hà còn quyến luyến vùng cao nguyên có người yêu anh ở nên trời mới thế. Phi cơ phải ở lại đến trưa hôm sau. Mưa gió sụt sùi suốt ngày hôm đó, phi trường Cù Hanh vắng lặng, lạnh lẽo và u buồn.
Thế là chấm dứt một chuyến đi. Bốn sĩ quan Thiết giáp nằm xuống cùng bao người chú không biết tên biết mặt. Như một giấc mơ buồn...
Có lẽ chú sắp trở về Sài gòn. Mặt trận ở đây đã lắng, nhưng chú linh cảm vùng cao nguyên này vẫn còn là nơi đấu sức trong những ngày tháng tới. CHú cảm thấy mỏi mệt và buồn. Đến phải thu xếp quần áo trở về sớm hơn dự tính mất thôi. Dù sao, cũng đã quá lâu, và chú bắt đầu thấy nhớ Vi, nhớ mọi người thân từ mấy hôm nay. Không có gì đáng kể hơn là tình thương yêu của mọi người dành cho mình và của mình đặt vào mọi người. Chú sợ nhất là cứ phải nghĩ tới những trơ trọi của tuổi trẻ, những tan nát và hủy hoại môi hồng, mắt thắm.
Chú thấy nhớ tất cả mọi người.."

Tường Vi gập bức thư lại nghĩ ngợi miên man. Trong một tích tắc, nàng bỗng cảm thấy gần gũi với tất cả mọi người, và nàng thấy yêu thương tất cả. Nàng tội nghiệp người này. thương xót người kia. Tất cả đều bị lôi kéo và bắt buộc tham dự trong một trò chơi lớn. Không ai đựơc cuộc mà tất cả đều thua cuộc, và khi cuộc chơi chấm dứt, tất cả đều sứt mẻ ít nhiều, nàng thở dài, lẩm bẩm:
- Chiến tranh, đáng sợ thực!

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top