Hà Nội, tôi trông thấy cách hành động của người Pháp và của Việt Minh, biết là thế nào cũng có xung đột lớn. Tôi nghĩ: ở đây rồi trong cuộc binh lửa, ngọc đá đều tan thì ở sao được. Một bên Việt Minh, một bên quân Pháp, trong cuộc chiến tranh, ai biết là ai. Mà đi thì đi đâu? Bấy giờ tôi có biết mấy người Quốc dân đảng, họ nói rằng: "Chúng tôi có đủ các cơ quan làm việc bên Tàu, nay nhân có ông Bảo Ðại ở bên ấy và nghe nói ông đang vận động với các nước đồng minh để củng cố địa vị nước Việt Nam. Cụ nên sang bên ấy rồi cùng ông Bảo Ðại làm việc, may ra có ích lợi cho nước. Nếu cụ bằng lòng đi, thì chúng tôi có thể thu xếp mọi việc cho cụ đi".
Tôi nói: "Bây giờ tôi già rồi và lại có bệnh tật chẳng làm gì được nữa, nhưng tôi cũng muốn đi, để tránh cái họa binh lửa sắp đến đây. Vậy để tôi nghĩ xem thế nào, rồi tôi trả lời". Tôi thấy những người bên Tàu về nói lại là họ có các cơ quan tổ chức chu đáo ở bên ấy và họ muốn giúp đỡ tôi, nên tôi đã có cái hứng thú muốn đi.
Tôi đem chuyện ấy nói với mấy người bạn thân, người thì bảo nên đi, người lại bảo đi chẳng ích gì, dù sao Việt Minh cũng phải nhượng bộ, chắc không đến nỗi có chiến tranh. Song tôi thấy cái không khí không sao tránh khỏi sự chiến tranh được, và muốn ra ngoài xem những công việc của các nhà cách mạng xưa nay tuyên truyền rầm rĩ, nếu có thật mà làm được việc gì càng hay, nếu không cũng là một dịp cho ta ra khỏi cái hoàn cảnh nguy hiểm này. Tôi bèn quyết định đi và nhờ mấy người Quốc dân đảng thu xếp mọi việc cho tôi đi.
Trước tôi còn muốn đem mấy người bạn thân cùng đi với tôi. Việc đi như thế là phải giữ kín, nhưng không ngờ mấy người lo liệu việc ấy làm lộ chuyện, thành ra không đi được. Vì vậy mà Việt Minh để ý đến tôi và cho người rình mò ở gần nhà tôi.
Lúc ấy ông Hồ Chí Minh sửa soạn sang Pháp và cử một phái đoàn có ông Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng bộ ngoại giao, cũng sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau để giải quyết vấn đề Việt Nam. Ðến ngày cuối cùng, ông Nguyễn Tường Tam cáo bệnh ở lại và xin từ chức. Chính phủ Việt Minh cử Phạm Văn Ðồng lên thay làm chủ tịch phái đoàn. Phái đoàn đi thì đi, nhưng không ai chắc đã thành công được.
Bấy giờ là cuối tháng 5 năm 1946, quân Tàu đã rút về gần hết, những người Quốc dân đảng đến dục tôi hãy đi trước một mình đã, rồi những người khác sẽ đi sau. Họ cử một người y sĩ là ông Nguyễn Văn Mão đi với tôi, lấy vé tàu bay sang Côn Minh rồi lên Trùng Khánh. Mọi việc thu xếp đâu đấy, đến ngày mai đi, tối hôm trước tôi tới nhà một người Quốc dân đảng, sáng hôm sau đi lên phi trường bay Gia Lâm, thì được tin phi công bên Tàu đình công, tàu bay không có, chờ chuyến tàu bay sau. Tôi trở về nhà không tiện, lại phải đến ở nhà một người Quốc dân đảng khác.
Chờ đến sáu bảy ngày mà tàu bay vẫn không có. Mấy người Quốc dân đảng đến bảo tôi rằng: "Cụ đã định đi mà chùng chình mãi không nên. Hay là chúng tôi lấy xe hơi đưa cụ đi đường bộ lên Lạng Sơn, rồi từ đó đi thẳng sang Nam Ninh. bên ấy có ông Nguyễn Hải Thần, sẽ trù liệu mọi việc cho cụ đi Nam Kinh gặp ông Bảo Ðại. Lúc ấy ông Nguyễn Hải Thần đã bỏ chính phủ Việt Minh chạy sang ở bên Tàu rồi.
Bấy giờ tôi rất phân vân, đi cũng dở, về cũng dở, sau thấy mấy người nói mãi, tôi mới thuận. Họ liền đi điều đình với quân đội Tàu, cho một người trung hiệu Tàu làm thông ngôn đưa chúng tôi đi. Lúc đi các bạn đưa cho tôi một vạn bạc Ðông Dương để làm lộ phí, bảo rằng: "Sang bên Tàu đã có trụ sở cung cấp đủ cả, không phải lo ngại gì". Ông Mão cũng đem đi độ bốn năm ngàn. Tất cả đổi ra được hơn tám vạn quan kim tiền Tàu.
Chiều hôm mùng 2 tháng sáu năm 1946, bốn người chúng tôi lên chiếc xe hơi của Quốc dân đảng đi đến phủ Lạng Thượng thì xe hỏng, phải cho xe trở lại. Người sĩ quan Tàu gặp đoàn sáu chiếc xe vận tải của quân đội Tàu, mới điều đình với quản đoàn xe ấy, cho tôi đi nhờ lên Lạng Sơn, nhưng phải đợi chữa xong xe mới lên được. Chờ ở phủ Lạng Thượng mất ba ngày ở khách sạn, đến ngày mùng 6 tháng sáu mới đi Lạng Sơn.
Thành Lạng Sơn bấy giờ thuộc quyền đội quân phục quốc đóng giữ mà chung quanh thì bị quân Việt Minh bao vây. Ðội quân phục quốc do một người thổ hào tên là Nông Quốc Long cai quản. Cả đội quân ấy độ vài trăm người có đủ súng ống, nhưng không hòa hợp với các đội quân khác của Quốc dân đảng.
Chúng tôi lên đến Lạng Sơn, nghe nói ông Nguyễn Hải Thần ở Nam Kinh đã trở về đấy. Tôi tìm cách gặp ông ấy. Từ trước tôi chưa gặp ông ấy bao giờ, chỉ biết ông và những người Quốc dân đảng khác theo quân Tàu về nước, tuyên truyền huyên thuyên mà không thấy làm được việc gì ra trò. Những người trong đám Phục quốc quân ở Lạng Sơn vì không có lương thực cũng tìm cách lấy tiền chi dụng cho qua ngày. Tôi biết những người ấy không làm nỗi việc gì, nhưng có những người đi theo ông Nguyễn Hải Thần ở bên Tàu đã lâu quen biết nhiều người Tàu, tôi muốn gặp ông và rủ ông đi lên Nam Kinh để gặp ông Bảo Ðại, vì lúc ấy mọi người đều yên chí ông Bảo Ðại đã ở Nam Kinh rồi. Trước là để tụ họp hết các đảng phái làm một cho có tính cách duy nhất trong việc hành động, sau là để khi làm việc gì, có tổ chức chắc chắn, không đến nỗi rời rạc như mọi người đã trông thấy.
Tôi gặp ông Nguyễn Hải Thần ở Lạng Sơn cùng với Vũ Kim Thành và mấy người khác nữa. Ngồi nói chuyện qua loa rồi hẹn đến hôm sau sẽ nói chuyện dài. Sáng hôm sau ông Nguyễn Hải Thần đến thăm tôi ở khách sạn. Mới nói được vài câu, thì tướng Tiêu Văn cho người đến mời ông đi. Trước khi đi, ông hẹn sẽ cho xe đến đón chúng tôi đến Ðồng Ðăng để nói chuyện cho tiện.
Chúng tôi chờ đến 2 giờ chiều không thấy xe đến, chúng tôi thuê xe hàng mất 1.500 bạc quan kim lên Ðồng Ðăng, nghĩa là mất hơn 300 bạc Ðông Dương mà chỉ có 15 cây số.
Ðến Ðồng Ðăng, nói chuyện với ông Nguyễn Hải Thần thì thấy ông là một người lão thực, mà tinh thần kém cỏi lắm rồi. Ông có tiếng là người làm cách mệnh đã lâu năm, mà công việc làm cũng chẳng thấy gì xuất sắc lắm. Tôi ngỏ lời rủ ông đi Nam Kinh. Ông ưng thuận nhưng lại nói rằng: "Mấy hôm trước có người Quốc dân đảng lên bàn với tôi về việc ấy. Tôi bảo phải trù liệu cho tôi 120.000 đồng để tôi lập một đoàn đại biểu 9 người cùng đi với tôi. Vậy ta hãy chờ xem họ trả lời thế nào, rồi cùng đi một thể. Ông lại nói: "Vả tôi còn phải điện lên Nam Kinh để lấy xe hơi về đón chúng ta lên".
Chúng tôi ở lại Ðồng Ðăng chờ đến chín, mười ngày, không thấy tin Hà Nội lên mà cũng không thấy xe ở Nam Kinh xuống đón. Sau cùng ông Nguyễn Hải Thần phải đi điều đình với người sĩ quan coi việc vận tải của quân đội Tàu để đi nhờ xe của họ. Sáng sớm ngày 17 tháng sáu mới lên đường. Người sĩ quan Tàu để ông Nguyễn, tô, và cháu ông Nguyễn cùng ngồi với y trên cái xe jeep. Còn bọn ông Vũ Kim Thành, Hương Ký, Nghiêm Xuân Việt đi mấy cái xe cam nhong đi trước; để ông Mão , người sĩ quan và người thông ngôn đi với chúng tôi ở lại chờ một xe cam nhong sắp đến. Chúng tôi đi từ Ðồng Ðăng đến Nam Kinh chỉ độ hơn 200 cây số mà phải mất hai ngày, tức là đến chiều tối ngày 18 mới tới nơi.
Ðến Nam Kinh tôi vào ở khách sạn, chờ ông Mão mất hai ngày mới thấy ông và hai người kia đến. Hỏi ra mới biết ra mới biết rằng cả ngày 17, chúng tôi đi rồi không thấy xe cam nhong đã hẹn đến. Chờ hôm sau cũng không thấy, bọn ông Mão phải thuê xe khác mà đi. Dọc đường ông Mão gặp mấy cái nạn rất nguy hiểm, may là thoát khỏi.
Trong khi chờ đợi mấy người kia, tôi có dịp biết cả ông Nguyễn Thiện Thuật ở gần Nam Kinh.
Ông trước làm Tán tương quân vụ cuối đời Tự Ðức, rồi sau đứng chỉ huy quân Cần Vương chống với quân Pháp ở Bãi Sậy.
Bấy giờ tôi bàn với ông Nguyễn Hải Thần xem đi Nam Kinh thì đi đường nào tiện hơn. Ði lối Côn Minh rất khó và có nhiều trộm cướp, lối Liễu Châu rồi cũng không có tàu bay. Nếu không có tàu bay, thì ra Hương Cảng đi tàu thủy lên Thượng Hải. Trước sau ông Nguyễn Hải Thần vẫn nói là cùng đi với chúng tôi.
Mấy hôm tôi ở Ðồng Ðăng và ở Nam Kinh, tôi thường nói chuyện với ông Vũ Kim Thành, thấy ông là người chơn thực và lại nói thạo tiếng Quảng Ðông. Tôi bàn riêng với ông đi lên Nam Kinh với tôi, vì đến Nam Kinh người sĩ quan Tàu và người thông ngôn ở lại. Vũ Kim Thành bằng lòng. Chúng tôi nhất định đến ngày 24 tháng sáu khởi hành.
Sáng ngày 23, ông Nguyễn Hải Thần còn đến bàn tính cách đi, nhưng đến 6 giờ chiều ông đến khách sạn nói rằng: "Ngày mai tôi sẽ đưa cụ ra Quảng Châu rồi sẽ thu xếp cho cụ đi Nam Kinh. Tôi còn phải trở về trù tính việc đánh lấy lại thành Lạng Sơn đã vào tay Việt Minh rồi, sau họ giao lại cho quân Pháp".
Tôi biết ý ông Nguyễn Hải Thần không muốn đi với tôi, hoặc là trước ông có ý định đi, nhưng sau ông bị bọn người Tàu muốn giữ ông lại để lợi dụng sang cướp phá bên biên giới. Ðến 11 giờ đêm, ông lại bảo tôi ông có việc đi gấp, ông không đi Quảng Châu được, để cho Vũ Kim Thành đưa chúng tôi đi.
Sáng ngày 24, chúng tôi lên xe hơi chở hành khách đi đến chiều tối tới Quí Huyện. Sáng ngày 26 thuê cái xe con đi Nhung Hí, nhưng vì gặp mưa to và đường xấu, phải ngủ ở cái quán dọc đường. Sán ngày 27 đến Nhung Hí rồi xuống đò đi đến Ngô Châu. Ðến nơi xuống thẳng tàu thủy đi Quảng Châu. Ðến 5 giờ chiều tàu mới chạy và đến 10 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Vào khách sạn rồi Vũ Kim Thành đi tìm người quen để tính việc đi Nam Kinh.
Chẳng may lúc ấy những người quen với Vũ Kim Thành đi vắng cả, tàu bay không lấy được, chúng tôi định đi Hương Cảng. Rồi đến ngày mùng 4 xuống chiếc tàu của người Trung Hoa đi Thượng Hải.
Khi đi trên tàu, chúng tôi gặp một người hạ sĩ quan Tàu từ Nam Kinh về Quảng Châu rồi trở lên, người ấy vui lòng nhập bọn với chúng tôi để chỉ dẫn đường lối. Nhờ có người bạn ngẫu nhiên gặp đó, chúng tôi đỡ nhiều nỗi khó khăn.
Ngày mùng 7, tàu vào đậu ở cửa sông Hàng Phố. Sáng ngày mùng 8, tàu vào Thượng Hải. Chúng tôi lên bờ, đem đồ hành lý ra gửi ở nhà trạm xe lửa, rồi đi ăn cơm, đến chiều xe lửa đi Nam Kinh. Sáng ngày mùng 9 đến nơi, nhờ người bạn dọc đường chỉ dẫn cho mới thuê được cái phòng ở khách sạn Ðại Ấn đường Thái Bình Lộ, giá thuê phòng là 7000 bạc quốc tệ Tàu một ngày. Ngày 11 tôi cùng Vũ Kim Thành đến Hải ngoại bộ hỏi thăm tin tức ông Bảo Ðại. Gặp ông bộ trưởng ấy là Trần Khánh Vân, nói rằng: "Ông Bảo Ðại không có ở Nam Kinh. Việc ấy phải sang hỏi ông Bí thư trưởng Quốc dâng đảng là ông Ngô Thiết Thành".
Ngày 12, chúng tôi đến gặp ông Ngô nói chuyện được ông cho biết ý chính phủ Tàu muốn ông Bảo Ðại đến Nam Kinh. Tôi hỏi:
„Hiện nay ông Bảo Ðại ở đâu?“
„Nghe nói ông ấy đi từ Trùng Khánh đến Hương Cảng. Ông có thể làm bức điện mời ông ấy về đây, để tôi gửi đi ngay thì chóng hơn.“
Tôi bảo Vũ Kim Thành thảo ngay bức điện tín đưa cho người thư ký ở tổng bộ Quốc dân đảng gửi đi. Thế là bao nhiêu sự mong mỏi trong khi đi khó nhọc vất vả dọc đường đến đó là tiêu tan tất cả.
Nam Kinh lúc đó chẳng có một người Việt Nam nào khác. May nhờ có ông Ngô Thiết Thành cho người đưa giúp cho 500.000 bạc quốc tệ Tàu (5.000 bạc Ðông Dương) mới có tiền ở chờ tin ông Bảo Ðại.
Thành Nam Kinh là một nơi thắng cảnh bên Tàu, vì là một thành đã từng đặt làm kinh đô trong thời Lục Triều, tức là Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (222-420) rồi đến khoảng đầu thế kỷ XIV, nhà minh lúc đó mới dựng nghiệp cũng lập kinh đô ở đó và xây thành bao bọc chung quanh dài đến hơn 30 cây số. Thành ấy đến nay hãy còn nguyên, song những cung điện cũ chẳng còn gì cả, chỉ thấy chỗ hoàng thành cũ còn một mẩu đá hình rồng, người ta nói khi xưa đó là cái cầu trong các cung điện.
Trong thành có sông có núi, có nhiều chỗ là ruộng đất. Còn các dinh thự và phố xá ở một khu cũng khá rộng. Song sự sinh hoạt và buôn bán không được náo nhiệt như ở Thượng Hải hay ở Quảng Châu. phía đông bắc ngoài thành có cái hồ Huyền Vỏ là một nơi đến mùa nực, người ta đi du ngoạn rất tấp nập.
Những nơi cổ tích mà những thi nhân đời Ðường như Lý Thái Bạch, Lưu Vũ Tích và Ðỗ Mục nói trong thơ văn là Phượng Hoàng Ðài, Bạch Lộ Châu, Thạch Ðầu, Ô Ly Hạng, thì nay chỉ còn tên không, chứ không có di tích gì nữa. Sông Tần Hoài chảy từ phía nam thành rồi vòng qua phía tây trước khi chảy vào Trường Giang. Phía nam sông Tần Hoài có một nhánh từ thành chảy ra. Phía hữu ngạn nhánh sông ấy có những phố xá cũ đông đúc và dưới sông có nhiều thuyền chơi để những khách làng chơi đến đêm đem những ca kỷ xuống hát xướng chơi bời.
Sau khi chúng tôi đến Nam Kinh được mấy ngày, Tổng bộ Quốc dân đảng Tàu có cho người đem xe đến đưa chúng tôi đi xem lăng Tôn Dật Tiên ở cách thành Nam Kinh độ 10 cây số. Ðường đi rất sạch sẽ và ở chỗ gần lăng người ta trồng rất nhiều cây thông. Lăng ở trên núi, làm theo kiểu mới có vẻ tráng lệ lắm. Những bậc thang lên lăng làm rất rộng lớn và khi đến trên lăng trông xuống phong cảnh rất vĩ đại.
Cách chỗ ấy độ vài ba cây số, có lăng vua Minh thái tổ, làm ở chân núi trong một khoảng đất rộng lớn, sự kiến trúc cũ kỹ và có phần đã đổ nát. Những tượng người cùng voi ngựa và lạc đà bằng đá ở xa xa mé ngoài cũng đã sứt mẻ, không mấy cái còn nguyên vẹn.
Trước kia ở Hà Nội, tôi có gặp ông Lưu Bá Ðạt, là người Việt Nam sang bên Tàu đã lâu và cố mời tôi sang với ông Bảo Ðại đã về Nam Kinh và đã có cơ sở làm việc. Ðến lúc tôi sang đến nơi, thì chẳng có gì cả, hỏi ra, thì Lưu Bá Ðạt và Lưu Ðức Trung ở Thượng Hải. Tôi liền điện đi Thượng Hải mời Lưu Ðức Trung lên để bàn tính mọi việc.
Lúc chúng tôi chờ tin Lưu Ðức Trung chúng tôi ngẫu nhiên gặp một người đàn bà Việt Nam lấy một người Thượng hiệu Tàu, mới trở về Tàu được vài tháng và cùng ở chung một khách sạn. Người ấy gặp chúng tôi mừng rỡ lắm, nói là người ở phố hàng Nón, Hà Nội. Hai người vợ chồng ấy thường đi lại nói chuyện, sau thấy tôi mắc bệnh đau bụng, lại ngày ngày nấu cháo và làm cơm cho chúng tôi ăn. nơi xa lạ, gặp được người xứ sở thật là quý hóa.
Chiều ngày 14 tháng bảy, Lưu Ðức Trung và Trần Quang Tuyên ở Thượng Hải lên, gặp nhau mừng rỡ quá. Ông Lưu đi lấy buồng ở khách sạn Tân An thuộc con đường Trung Sơn Bắc Bộ, rộng rãi và mát mẻ hơn. Hai hôm sau ông Lưu trở về Thượng Hải, để ông Trần Văn Tuyên ở lại với chúng tôi và nói mấy ngày nữa có bốn người ở Trùng Khánh là Ðinh Xuân Quảng, Phan Huy Ðàn, Ðặng Văn Sung, và Thường sắp đến Nam Kinh vào quãng ngày 20 tháng bảy. Mấy người ấy đến, cùng ở một khách sạn với chúng tôi. Ai nấy đều ngong ngóng được tin ông Bảo Ðại.
Trước khi sang Tàu, tôi biết thế nào rồi Việt Minh và Pháp cũng đánh nhau, nên tôi có dặn nhà tôi và con tôi rằng: hễ tôi đi rồi, có những người Quốc dân đảng đã hứa sẽ tìm cách đưa gia quyến tôi sang Tàu, để ở tạm vùng biên giới ít lâu, chờ cho yên ổn rồi hãy về. Vì lúc ấy, theo lời những người Quốc dân đảng nói thì ở biên giới Tàu có các tổ chức sẵn sàng của họ. Ngờ đâu là một chuyện vu vơ, chứ không có một chút gì gọi là có tổ chức. Tôi lên đến Ðồng Ðăng tôi biết là nhỡ việc rồi, chưa biết tính thế nào mà báo cho vợ con biết để đừng đi nữa. Vả lúc tôi đi con tôi còn đau nặng, tôi chắc là không đi được. Sau nhân có bọn Hương Ký mà mấy người nữa chạy từ Móng Cái qua đất Tàu, rồi lên Nam Kinh mà trở về Ðồng Ðăng. Trong bọn đó có con Hương Ký về Hà Nội, tôi viết mấy chữ nhờ đưa cho nhà tôi, bảo đừng đi đâu cả. Nhưng người con Hương Ký về lại không đưa cái giấy ấy. Thành ra khi tôi đang ở Nam Kinh, thì vợ con tôi đi đường bộ không được, ra Hải Phòng đi tàu thủy tới Hương Cảng, ấy là không may mà lại hóa may, chứ đi đường bộ thì không biết chết sống thế nào. Khi tôi đi qua Hương Cảng vào ngày mồng 4 tháng bảy, chính là lúc gia quyến tôi và ông Bảo Ðại đã ở Hương Cảng rồi, mà tôi không biết, cứ đi thẳng lên Thượng Hải.
Chúng tôi ở Nam Kinh đến ngày 28 tháng bảy, có người bí thư của trung ương đảng bộ Quốc dân đảng Tàu đem cái điện tín của ông Bảo Ðại gửi cho tôi, nói rằng: "Tôi không có tiền lên Nam Kinh được, gia quyến của cụ cũng ở Hương Cảng". Ðược tin ấy tôi giật mình. Trong cái tình cảnh eo hẹp này, một mình tôi còn chưa biết xoay xở ra sao để sống được, nay lại cả gia quyến cùng ra nữa thì làm thế nào? Thật là lo quá.
Lúc ấy tôi xem lại cái ý những người trong chính phủ Tàu muốn ông Bảo Ðại cùng ít yếu nhân Việt Nam sang lập một chính phủ Lưu Vong ở Nam Kinh. Song ông Bảo Ðại thấy rõ tình thế nước Tầu, cho nên ông không đi qua Nam Kinh mà bỏ về Hương Cảng. Tôi biết cái ý của người Tàu. Tôi đến trung ương đảng bộ Tàu nói giúp tiền cho tôi đi Hương Cảng để gặp ông Bảo Ðại, rồi nếu thuận tiện, tôi sẽ mời ông ấy đến Nam Kinh.
Quốc dân đảng Tàu cho tôi vay 1.000.000 bạc quốc tệ (một vạn bạc Ðông Dương) và tặng tôi thêm 500.000 bạc (5000) để làm lộ phí. Chiều ngày 30 tháng bảy hồi 4 giờ chiều chúng tôi đi xe lửa qua Thượng Hải. Sáng hôm sau đến nơi, chúng tôi đến khách sạn chỗ Lưu Ðức Trung ở. Tôi nói tình hình cho ông Lưu nghe và nhờ đi lấy vé tàu bay. Nhờ có giấy của trung ương đảng bộ giới thiệu, nên việc lấy vé tàu bay cũng nhanh chóng.
Trước chúng tôi định lấy vé tàu bay đi cả ba người, nhưng từ đầu thánh tám trở đi, giá vé tàu bay phải trả gấp đôi, mỗi người phải trả 270.000 bạc quốc tệ, mà tiền chúng tôi chỉ còn hơn triệu bạc quốc tệ. Tôi bảo lấy hai vé để Vũ Kim Thành đi với tôi, còn ông Mão thì bảo ông chịu khó đi tàu thủy với bọn ông Thường. Ông Mão tỏ ý không bằng lòng, nhưng vì tình thế bắt buộc không làm sao được.
Sáng ngày mùng một tháng tám, Vũ Kim Thành và tôi lên tàu bay, 8 giờ tàu bay cất cánh, bay được một giờ tự nhiên nghe một tiếng nổ, nhưng tàu vẫn bay, chỉ thay đổi phương hướng. Thì ra tàu bay hỏng, phải quay về Thượng Hải nhưng không ai biết. Khi trở về tới nơi mới có giấy báo tàu bay hỏng phải quay trở lại. Ðến 10 giờ hơn chúng tôi phải quay trở lại nhà khách sạn. Ai cũng lấy làm lạ, vì đã thấy tàu bay rồi, sao lại trở về. Ấy cũng là may, người cầm lái là người Mỹ, đã thạo việc, biết máy hỏng mà quay trở lại ngay, nếu không mà cứ đi thì có lẽ chết cả.
Sáng hôm sau, 6 giờ lại ra trường bay đi Hương Cảng. Ðến 1 giờ trưa đến nơi. Ðem hành lý vào để nhà khách sạn rồi tôi cùng Vũ Kim Thành đến Quốc dân đảng bộ hỏi thăm chỗ ông Bảo Ðại ở. Viên thư ký Quốc dân đảng hết lòng tử tế, đưa chúng tôi đến khách sạn ông Bảo Ðại và gia quyến tôi ở. Ðến đó gặp vợ con rất là mừng rỡ, nhưng cái mừng lúc ấy chỉ có được một lát thôi, vì cái lo đến ngay. Lo về nỗi làm thế nào mà sống ở cái xứ sinh hoạt đắt gấp mười lần bên nước nhà.
Hôm sau tôi gặp ông Bảo Ðại, lời đầu tiên ông nói: "Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn". Tôi đem tình thực trình bày rằng:
„Ngài không về ở Nam Kinh là phải lắm, vì xem tình thế nước Tàu đang có nạn cộng sản, chính phủ Tàu còn gỡ không ra, họ làm thế nào mà giúp chúng ta. Tuy bề ngoài thì họ đối đãi tử tế và nói những chuyện giúp đỡ nọ kia, nhưng sự thực thì họ không thể giúp ta được việc gì ra trò đâu. Vậy chúng ta cứ đứng ở ngoài chờ xem tình thế biến đổi ra sao sẽ liệu“, ông Bảo Ðại cũng đồng ý như vậy.
Ông lại nói thêm: "Chưa biết chừng bọn Tưởng Giới Thạch cũng phải cuốn gói chạy ngày nào đấy".
Ấy là câu chuyện nói đầu tháng 8 năm 1946 mà sau hóa ra đúng thật.
Tôi cùng gia quyến ở tạm khách sạn, mỗi ngày là 15 dollars Hương Cảng, giá mỗi dollars lúc ấy là 7 đồng Ðông Dương, còn tiền ăn không kể, tức là mỗi ngày phải tiêu đến 30 dollars. Vợ con có gì bán đi để tiêu dùng. Ngày ngày đi tìm thuê một gian nhà ở, và để cho con đi kiếm việc làm.
Cách ba hôm sau, bọn ông Mão, Sung và ông Thường về Thượng Hải. Ông Mão đòi về Hà Nội. Tôi thấy ông chán nản lắm rồi, tôi cũng nghĩ ông trở về là phải.
Ông Bảo Ðại ở khách sạn được 10 hôm sau khi tôi đến gặp ông, rồi ông nhờ một người Tàu thuê cho ông một căn nhà gần trường đua ngựa, ông dọn đến ở đấy. Tôi đi tìm nhà thuê không được. Một căn nhà rất nhỏ hẹp ở chung với một gia đình người Tàu mà cũng phải trả bảy tám chục dollars một tháng. Ấy là không kể lúc đến thuê phải trả một thứ tiền gọi là tiền trả cho người có nhà, ít ra là bảy tám chục dollars nữa. Nhà thuê không được, công việc con đi làm cũng không có. Làm thế nào?
Ðặng Văn Sung và Vũ Kim Thành vào Quảng Châu để tìm việc làm. Chúng tôi bàn định nếu ở bên Việt Nam Quốc dâng đảng có tiếp tế sang được, thì vào cả Quảng Châu lập một cơ sở rồi tụ tập hết thảy những thanh niên chạy sang Tàu, và thu xếp cho ai đi học thì đi học, ai làm nghề gì thì tìm việc cho làm, còn ai làm nghề buôn bán thì lo việc buôn bán v...v... Song đó là những điều dự đoán như vậy mà thôi, trăm việc phải có tiền mới làm được. Tin tức ở trong nước đợi mãi chẳng thấy gì cả. Sau thấy ông Ðỗ Ðình Ðạo ra Hương Cảng cũng ra tay không, thành ra ai cũng ngong ngóng tưởng đợi có tiền đưa ra thì khởi đầu tổ chức mọi việc.
Sau thấy Vũ Kim Thành và Ðặng Văn Sung ở Quảng Châu ra bảo tôi vào để gặp tướng Trương Phát Khuê là chủ nhiệm quân sự cả vùng Quảng Ðông và Quảng Tây để xem có thể thực hiện được cái chương trình của chúng tôi đã dự định không. Hôm 19 tháng tám, tôi vào Quảng Châu lại bị tướng Tiêu Văn ở bên Việt Nam trước,làm mọi điều khó dễ, thành ra tôi lại phải trở ra Hương Cảng không gặp họ Trương.
Lúc ấy ông Bảo Ðại ở cái nhà mới thuê không tiện, ông để cái nhà ấy cho tôi ở, chỉ phải trả mỗi tháng 120 dollars mà không mất tiền trà. Song chủ nhà giao hẹn chỉ được ở ba tháng thì phải trả lại cho người thuê cũ.
Cách ít lâu nghe tin ông Nguyễn Tường Tam ở Côn Minh đã lên Nam Kinh, rồi lại thấy ông Nguyễn Hải Thần cũng ra Quảng Châu và cho người mời tôi ra nói chuyện. Tôi vào gặp ông, mới biết ý ông muốn lên Nam Kinh. Lúc ấy quốc hội Trung Hoa sắp họp để chuẩn bị hiếp pháp mới.
Ngồi nói chuyện với ông Nguyễn Hải Thần, tôi nói: "Tôi xem nước Tàu không giúp ta về đường thực tế và ngoại giao đâu, cụ đi vô ích. Nhưng nếu cụ đã định đi, thì nên xin chính phủ Tàu cho chúng ta một cơ sở ở Quảng Châu để tụ tập các thanh niên Việt Nam chạy sang đây được ở với nhau và nuôi nhau cho khỏi đói khổ". Ông Nguyễn nhận lời làm việc ấy. Ông lại bảo tôi nên vào gặp tướng Trương Phát Khuê.
Tôi vào Quảng Châu lần này, có gặp một người đàn bà nói là cháu ông Tôn Thất Thuyết. Khi ông chạy sang Tàu đến cư trú ở vùng Nam Hùng phía bắc tỉnh Quảng Ðông, và mất ở đấy, con cháu thành ra người Tàu cả.
Tôi trở về Hương Cảng, quanh quẩn đã sắp hết hạn ba tháng thuê nhà. Tìm đâu cũng không thuê được nhà khác. Con tôi vẫn không tìm được việc làm. Tình thế rất bối rối, Ðặng Văn Sung định tìm cách về nước xem thế nào. Ðến khi đi chiếc tàu con của người Tàu Bắc Hải, chiếc tàu ấy chở đồ nặng quá, ra khỏi Hương Cảng được ít lâu thì tàu đắm. Ông Sung may khỏi chết đuối, lại trở về quần áo mất sạch.
Khi ấy ở Hương Cảng tôi có biết một người Trung Hoa họ Lý, có nhà buôn bán xuất nhập cảng ở Hà Nội và Hải Phòng, có giúp tôi hai lần, mỗi lần 2.000 dollars, lúc ấy tính vào khoảng hơn ba vạn bạc Ðông Dương. Nhờ có món tiền ấy tôi mới duy trì được mấy tháng. Sau tôi nghĩ ở Hương Cảng ăn tiêu đắt quá mà nhà không thuê được, chi bằng dọn vào Quảng Châu ở, cơm gạo còn rẻ hơn. Tôi đem việc ấy bàn với Ðặng Văn Sung và Vũ Kim Thành, hai người đều đồng ý kiến như vậy.
Ðến cuối tháng 10 năm 1946, chúng tôi đến Quảng Châu, nhờ người họ Từ thuê cho được cái nhà ở khu Hoàng Xá, gần Sa Diện, mất 120.000 bạc quốc tệ (120 dollars) tiền trà và mỗi tháng trả tiền thuê nhà là 60.000 quốc tệ (60 dollars).
Tôi về Quảng Châu ở mấy hôm thì Ðặng Văn Sung và Vũ Kim Thành đi Nam Kinh rồi về Ðông Hưng bên Móng Cáy, cốt để tìm cách liên lạc với các bạn trong nước, mong lấy được tiền để đem ra làm những việc đã định.
Trước khi đi Vũ Kim Thành đưa Nguyễn Dân Thanh đã nói ở trên đến ở với tôi để giúp tôi trong khi có giao thiệp với người Tàu và khi tôi có đi đâu, thì đi làm thông ngôn cho tôi. Rồi sau lại có ông Ðỗ Ðình Ðạo ở Hương Cảng cũng vào ở với chúng tôi.
Quảng Châu là một thành thị lớn lao vào hạng nhì hạng ba ở nước Tàu, dân cư trù mật, buôn bán phồn thịnh. Phố xá có nơi đường phố sạch sẽ, nhà cửa rộng lớn, nhưng có nhiều nơi đường xá còn giữ nguyên vẻ cũ. Giữa đường cứ cách độ trăm thước tây lại có một khải hoàn môn bằng đá đục chạm theo kiểu cổ, đề những khoa thi tiến sĩ đời xưa, chắc là để mừng những người thi đỗ về vinh quy. Còn có những đường, những ngõ lát đá tảng, hai bên có cống rãnh bẩn thỉu, nhà cửa lụp sụp và không được sạch sẽ lắm.
Phía dưới, giáp bờ sông có một khu đất gọi là Sa Diện, chung quanh có con sông nhỏ bao bọc, ở trong là những lãnh sự quán, nhà ngân hàng và nhà buôn bán của ngoại quốc. Ðường xá khu ấy sạch sẽ và không cho xe cộ đi lại.
Ngoài thành thị có thể gọi là Phiên Ngung, tức là nơi Triệu Ðà đóng đô ngày xưa, nay thấy có mấy cái đồi và mấy cái nhà làm theo kiểu mới. Người ta nói đó là nơi Tôn Dật Tiên đóng trụ sở hồi Quốc dân đảng mới khởi lên. Ði xa một đoạn nữa là Hoàng Hoa Cương nơi chôn 72 liệt sĩ trong đảng cách mệnh nổi lên đánh nhà Thanh vào khoảng hơn 40 năm về trước. Nay hàng năm đến ngày 29 tháng ba dương lịch có lễ kỷ niệm những liệt sĩ ấy ở đó. Bên cạnh Hoàng Hoa Cương, bên kia con đường có cái ngôi mộ một người Việt Nam tên Phạm Hồng Thái. Ngày 19 tháng sáu năm 1925 lấy danh hiệu một phóng viên nhà báo, đến ném tạc đạn vào đám tiệc của người Pháp đãi viên Ðông Dương toàn quyền Merlin, khi viên ấy sang Sa Diện. Phạm Hồng Thái ném xong chạy trốn, nhảy xuống sông, chết đuối. Người Tàu đem chôn ở chỗ bây giờ, có dựng cái bia do Hồ Hán Dân viết. đấy đi xuôi một quãng xa, thì đến khu trường đại học làm trên những ngọn đồi, cây cối sầm uất, đường xá mát mẻ.
Nước Tàu thì ai cũng biết là một nước rộng lớn và có rất nhiều người, nhưng có đi qua các nơi mới thấy rõ sự rộng lớn của nước ấy và sự trù mật của dân nước ấy. Xe chở hành khách chạy trung bình 25 cây số một giờ mà phải chạy năm sáu giờ mới hết địa hạt một huyện, và có nhiều làng rất trù mật. Những làng bên Tàu không như bên ta có lũy tre bao bọc chung quanh. Nhà cửa ở các làng làm thành dẫy ở hai bên đường như ở các thành thị, chen chúc giáp mái nhau. Những nhà mái lợp ngói, tường xây bằng gạch sống xếp chồng lên không có vôi hồ, rồi quét ngoài vôi trắng. Nhà làm theo lối một cửa trước và một cửa sau, còn thì không có cửa sổ hay cửa nào khác nữa, trông xa còn khá, nhưng đến gần thì thấy tiều tụy, vào trong nhà lại thấy tối tăm và gà lợn ở lẫn với người, thật là bẩn thỉu.
Người Tàu thường ưa ở những cái buồng nhỏ hẹp, khi thấy cái buồng nào rộng, thì họ lấy gỗ ngăn thành mấy phòng nhỏ để mấy người hay mấy gia đình ở chứ không thích những buồng rộng rãi và khoáng đãng. Tôi gặp những người đã sang ở bên ta, nói ta làm nhà để buồng là phí đất. Xem cách làm nhà cửa và những nghệ thuật về đường trang sức của người Tàu hình như nó phản chiếu cái hình tượng của nước Tàu. Nhà cửa hay miếu mạo thường làm to lớn vững chắc, có nhiều buồng nhiều ngõ, và có những kiểu trang sức rậm rạp.
Những người ở thôn quê thì làm ruộng làm vườn rất chăm chỉ. Ði qua thấy ở chỗ đồng áng có người làm ruộng tát nước như ở bên ta, nhưng họ không tát nước bằng gầu, mà chỉ tát bằng thứ guồng nhỏ đạp bằng chân. Những người ấy trông có vẻ đói rách khổ sở. Ðó cũng có lẽ là vì sự chiến tranh và nổi loạn trong mấy chục năm mà gây ra cái hoàn cảnh thê thảm ấy.
Những nơi thành thị lớn gần mé biển, như Thượng Hải hay Quảng châu, thì sự sinh hoạt rất náo nhiệt nhưng xét kỹ ra thì còn kém về đường tổ chức. Còn ở nội địa như ở Nam Kinh cũng có nhà máy điện song những đèn không sáng hơn ngọn đèn dầu của ta ngày trước. Những cột đèn thì thường làm bằng cây tre nhỏ, tưởng có gió to thì đổ hết cả. Dân ở đấy thì dùng nước sông đầy bùn. Tôi còn nhớ ở khách sạn Nam Kinh, sáng dậy người ta cho một chậu nước rửa mặt, để một lát thì bùn đọng ở đáy chậu một lớp khá dầy. Trời nực ai muốn tắm mất độ 300 bạc quốc tệ, mà người ta chỉ cho vào cái thùng gỗ độ chừng hai ba thau nước. Người Tàu gọi tắm là lấy khăn dúng vào nước rồi lau mình, chứ không phải là dúng mình vào nước hay là lấy nước dội lên mình.
Một hôm tôi mới đến Nam Kinh, trời nóng mấy người rủ nhau đi đến nhà tắm công cộng, mỗi người phải trả 450 quốc tệ. Người ta đưa cho mỗi người một cái khăn tắm, giống như cái khăn lau bát của mình. Ðến lúc vào đến buồng tắm, trời ơi, thấy một cái bể tắm nước đục như nước rửa bát mà có đến năm sau người đầy những mụn nhọt, ghẻ lở, đang hì hụp trong cái bể ấy. Trông thấy mà rùng mình rồi, còn ai dám tắm nữa. Song người Tàu quen như thế rồi, không cho là ghê tởm, dơ bẩn nữa.
Tính người Tàu rất cẩu thả, không có làm việc gì cho đúng hẹn. Xe hàng hẹn đúng 6 giờ sáng chạy, thì ít ra cũng phải đợi đến 8, 9 giờ mới bắt đầu đi. Khi có việc cần kíp đánh điện tín đi chỗ nào, tưởng chừng năm ba ngày là chậm, thế mà phải đợi hàng tháng mới tới nơi, có khi lại không bao giờ tới. Lúc đầu tôi mới đến Quảng Châu, liền nhờ một người bạn của Vũ Kim Thành, trong chi bộ Quốc dân đảng, đưa đến sở bưu điện đánh cái điện tín lên Nam Kinh hỏi một việc, chờ đến mấy ngày không thấy có tin trả lời. Sau tôi đã lên đến Nam Kinh được hơn hai tuần lễ cái điện ấy mới đến nơi. Xem thế thì mới biết công việc làm ăn ở sở bưu điện của Tàu hỗn độn và cẩu thả chừng nào.
Thượng Hải, tôi thấy một người làm trong sở quan thuế nói rằng những tiền thu vào được mười phần thì chính phủ chỉ được có ba phần là cùng, còn thì các công chức trong sở ấy chia nhau mất cả. Một chính phủ mà công chức làm việc như thế, thì làm gì mà không đổ nát.
Việc cá nhân đối với nhau cũng vậy, trừ khi nào người ta có những việc quan hệ tới quyền lợi hay tiền bạc, còn thì ít khi người ta giữ đúng lời hẹn. Trước ta thường nghe người Pháp gọi sự hàm hồ cẩu thả của người Tàu là "Chinoiserie", thật có sang bên Tàu mới hiểu rõ cái tiếng chế nhạo ấy.
Xưa ta học đạo Nho, ta tưởng nước Tàu là nước đạo gốc ấy, tất người Tàu dù sao cũng còn giữ được cái căn bản nhân nghĩa, lễ trí, ngờ đâu cái nền học cũ đã tiêu diệt mất hết cả, chỉ thấy rặt những sự đa trí xảo, lừa dối. Nhất là những nơi thành thị lớn gần miền bể, người ta đắm đuối vào cuộc sống vật chất hèn kém, không thấy gì là lễ nghĩa liêm sỉ cả. Các công chức thì bất cứ việc gì cũng có mánh khóe để ăn hối lộ và những thanh niên phần nhiều xem ra rất xa hoa phù phiếm, và hầu hết đều muốn bắt chước sự hành động, cử chỉ của người Âu, người Mỹ. Nhưng hình như chỉ có cái vẻ Âu, Mỹ ở bề ngoài, kỳ thực thì Âu Mỹ chẳng phải Âu Mỹ mà Tàu thì thật chẳng phải Tàu như ta vẫn tưởng tượng. Cái cảnh bề ngoài nước Tàu ngày nay chẳng thấy gì là cảnh tượng một nước đã thấm nhuộm lâu đời trong cái đạo học của nho giáo. Tôi nói cái cảnh tượng bề ngoài mà thôi, vì tôi là người đi qua đường, thấy thế nào thì nói thế nấy, chứ hoặc giả còn nhiều cái tốt đẹp ẩn nấp ở bề trong nữa, thì không thể biết được. Dù sao cái cảm tưởng của một người ở phương xa đã từng học theo đạo nho và chỉ biết nước Tàu nói trong sách cổ, thì thật là một cái cảm tưởng rất ngao ngán cho giống người học một đàng làm một nẻo.