Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Một Đời Đau Thương

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 531 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một Đời Đau Thương
Nguyễn Thị Huế Xưa

Tác giả là cư dân Austin, Texas; Công việc:  y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố. Huế Xưa đã góp nhiều bài viết  sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, đặc biệt dành cho kỷ niệm 32 ngày 30 tháng Tư. Nhân vật chính trong chuyện kể là một cựu chiến binh chính gốc Hoa Kỳ mang họ Ngô, dòng họ của người phụ nữ Việt mà ông yêu thương nhất.
                             *
Chiếc xe lăn bằng điện cồng kềnh to lớn hơn xe lăn khổ thông thường nằm ngay trước cửa phòng 828 làm tôi giật mình để ý. 
Khi tôi bước đến gần thì không cần quan sát kỹ tôi đã nhận ra sự quen thuộc của những dụng cụ linh tinh chung quanh chiếc xe lăn rất khác thường này.  Chiếc xe lăn bằng điện to gần gấp hai chiếc xe lăn thường và không có hai cái bánh xe lớn mà lại có bốn cái bánh nhỏ như bánh xe hơi nằm dưới một cái sườn vuông vứt bằng sắt cao chồng ngồng.  Trên cái sườn bằng sắt cao đó là một mặt ghế ngồi có lót bằng một miếng nệm khá dày bằng móp (eggcrate).  Phía bên phải của ghế có gắn một cái đèn chớp màu đỏ giống như đèn báo hiệu trên xe cảnh sát.  Phía bên trái cũng có một cái đèn giống như vậy chỉ khác là màu xanh.  Kế đó là cái tay cầm tròn như tay sang hộp số để điều khiển chiếc xe. Phía sau ghế có một cái khung cũng bằng sắt trong đó có đựng một hộp đổ nghề màu đen và một cái lồng chim bằng gỗ xiên xẹo. Một cái bình đựng nước bằng nylon màu xanh két, một sợi dây xích cũ máng ngay một bên tay ghế, cái áo thun màu đỏ với giòng chữ " Peace not War" bọc sau lưng chiếc ghế.
Mỗi ngày khi ngồi ăn trưa trong văn phòng nhìn qua phía bên kia đường của cái clinic đối diện, tôi thường bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông với đầu tóc dài rối bù như chiếc dẻ xoắn lau nhà ngồi trên chiếc xe lăn đặc biệt này với những thứ  đồ lỉnh kỉnh đó. 
Sở dĩ tôi chú ý đến ông ta vì dường như trưa nào đúng mười một gìờ rưỡi người đàn ông này cũng hùng hổ liều mạng lái chiếc xe lăn phăng phăng, bất chấp những dòng xe hơi nhộn nhịp, mạnh dạn băng qua phía bên kia đường để vào một quán café có cái tên là TÈO.  Mỗi lẩn ông ta rời quán TÈO thì tôi thấy ông ta cầm cái bình nylon màu xanh két dốc lên miệng.  Tôi đoán có lẽ ông ta vào quán đó mua café đổ vào bình.  Tôi không nhìn rõ khuôn mặt ông ta cho lắm vì từ văn phòng tôi nhìn qua khoảng cách khá xa.
Một bữa tôi có hẹn bên văn phòng ông bác sĩ gần đó cũng vào dịp trưa, khi đứng ở cột đèn chờ dấu hiệu đèn xanh bật lên để băng qua đường tôi tình cờ thấy ông ta rõ ràng hơn.  Mái tóc dài màu hung vàng rối bù không biết là dơ vì lâu ngày không gội hay màu hung hung đó là màu tóc nguyên thủy. Bộ râu cùng màu rập rạp che hơn nữa khuôn mặt, chỉ chừa lại cặp mắt dấu sau đôi kính đen to.  Trên người ông ta có lẽ cũng có chừng năm lớp áo mà cái áo ngoài hết là một áo rằn ri nhăn nheo.  Đôi giày bốt nâu bạc màu to như hai chiếc xuồng nằm lửng lơ trên hai miếng để chân mà tôi có cảm tưởng như hai bàn chân của ông ta qúa nhỏ so với đôi giày. Ông ta ngồi bất động trên chiếc xe lăn, chỉ có đôi tay di chuyển để điều khiển chiếc xe thôi.  Mỗi khi chiếc xe lăn tới khiến những dụng cụ máng chung quanh tạo ra những tiếng động nhỏ kỳ khôi và cái đèn màu đỏ trên chiếc xe lăn thì cứ chớp liên hồi.
Trong khi tôi kiên nhẫn đứng chờ đèn xanh bật lên để băng qua bên kia đường thì ông ta nhìn tôi thách thức, và qua đôi kiếng màu đen đó tôi đã tưởng tượng được cặp mắt chế giễu trước khi ông ta bạc mạng lái vùn vụt chiếc xe lăn chạy qua phía bên kia lề bất chấp những giòng xe điên cuồng vội vã.
Hai buổi trưa vừa qua tôi nhìn qua cửa sổ không thấy bóng dáng người đàn ông này nên tôi cũng hơi làm lạ, không dè ông ta nhập viện và đang nằm trên lầu thứ tám này. Tôi  bước đến lật hồ sơ của phòng 828 xem, cái tên trên hồ sơ làm tôi khựng lại, Kevin Ngô. 
Tôi nhủ thầm như vậy là chiếc xe lăn này để lộn qua phòng người khác rồi vì chủ của chiếc xe lăn có một không hai này không thể là người Việt Nam. Tôi định đẩy chiếc xe lăn qua một bên và đi tìm người chủ của nó thì lúc đó một ông y tá mặt đầy tàn nhang, tóc đỏ hoe đang đi trong hành lang ngừng lại cản tôi:
- Bà đừng đem xe đi vì ông Ngô sẽ giận dữ.
Tôi gặng hỏi:
- Ông Ngô?
Ông y tá tiếp tục nói:
- Đúng rồi, của cải của ông ta chỉ có bao nhiêu đó cho nên tôi phải hứa là "bảo vệ  chiếc xe thì ông ta mới đồng ý để nó ở ngoài này, nếu để trong phòng thì chật chội qúa, mỗi ngày vào chữa trị vết thương cho ông ta không có chổ để máy móc.
Tôi chất vấn:
- Phải ông Ngô nằm trong phòng 828 không?
Nhìn sự thắc mắc trên khuôn mặt của tôi ông y tá lật đật nói:
- Ông Ngô nằm trong phòng đó đã hai ngày.  Bà cần kiểm soát (audit) hồ sơ của ông ta hả?
Tôi không còn kiên nhẫn được nữa nên gật đầu đại cho xong chuyện:
- Ừ! Để tôi coi hồ sơ của ông ta xem sao
Kevin Ngô năm nay 54 tuổi, góa vợ, không nghề nghiệp và vô gia cư.  Ông ta nhập viện cách đây hai hôm với triệu chứng lở loét ở xương chậu (sacral decubitus).  Càng đọc tiểu sử của ông Kevin Ngô tôi càng thấy lạ thêm. 
Kevin Ngô là Viet Nam Veteran, theo lý lịch hồ sơ thì ông ta là người Mỹ. Ông ta đã từng bị gãy xương sống, chấn động mạch máu não và sau khi bình phục thì hai chân ông ta rất yếu, đã phải dùng xe lăn từ bao nhiêu năm nay. 
Sau khi đọc lướt qua hồ sơ, sự tò mò khiến tôi mạnh dạn gõ cửa phòng của ông để xem có phải đây là chủ nhân của chiếc xe lăn điện không. 
Vì cái tên Việt nên mặc dù người đàn ông trước mặt qủa thật là người đàn ông mà tôi đã từng thấy bên lề đường hằng ngày, tôi giới thiệu với ông ta tôi là y tá trưởng và mở lời chào hỏi bằng tiếng Việt Nam:
- Chào anh Kevin, anh có khỏe không?
Đôi mắt không còn giấu sau làn kính đen nửa mà là đôi mắt xanh biếc với cái nhìn rất thờ ơ, ông ta ngạo mạn trả lời:
- Nằm một chỗ như thế này thì làm sao khỏe được.
Tôi ngạc nhiên khi nghe câu trả lời hằn học bằng tiếng Việt khá rõ ràng của ông ta.
- Xin lỗi anh nghe, đáng lẽ phải hỏi là anh có cần gì không thì mới phải.
Đôi mắt xanh bây giờ không nhìn tôi mà nhìn chăm lên trần nhà:
- Lỗi phải chi bà, mà bà có cần gì không?
Lại  là lời thách thức. Tôi từ tốn trả lời:
- Tôi tưởng anh người Việt Nam nên chỉ muốn vào thăm thôi.
 Ông ta nhìn tôi châm biếm:
- Như vậy là bà chỉ thăm viếng người Việt Nam thôi sao? Tôi người Mỹ nhưng nhờ có tên Việt, may qúa mới được bà vào thăm.
Tôi vẫn điềm đạm: 
- Nếu có dịp ai tôi cũng thăm cả nhưng có những người Việt Nam không thông thạo Anh ngữ thì họ là những người được tôi ưu đãi giúp đỡ trước tiên. 
Kevin bắt đầu dịu giọng:
- Bà giúp được những gì?
Tôi nói với ông ta là tôi thường thông dịch cho những người Việt Nam nếu cần và vì đây là nhà thương công giáo nên chỉ có mấy bà soeur vào thăm mỗi ngày.  Nếu những người đạo Phật muốn cầu an thì tôi có thể liên lạc với thầy ở chùa đến an ủi, cầu an cho họ.
Đôi mắt xanh của Kevin không dưng sáng lên và tia nhìn của ông trở nên thân thiện:
- Bà hay đi chùa phải không? Tôi cũng đạo Phật.
Tôi ngạc nhiên đến tột cùng. 
Cuộc đàm thoại với người đàn ông Mỹ có cái tên Việt này bắt đầu kỳ thú.  Có lẽ bắt gặp cái nhìn nghi ngờ của tôi nên Kevin đưa tay vào cổ áo lôi ra một sợi giây chuyền vàng với cái tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch rồi giọng buồn kể:
- Vợ tôi tặng cho tôi sợi dây chuyền này khi chúng tôi mới lấy nhau...
Rồi bỗng dưng Kevin ngưng kể, đôi mắt nhắm lại và lắc đầu:
- Chuyện tôi buồn lắm, lúc khác nói chuyện nữa nghe bà.
Tôi biết Kevin không muốn tiếp tục và vừa lúc đó người physical therapist đến phòng để chửa trị vết lở cho ông. 
Nhìn cái máy Whirl Pool kềng càng và cái giường khác biệt dành cho những bệnh nhân với vết thương lở nặng, tôi mới hiểu tại sao ban nãy ông y tá bảo là mỗi lần chữa trị vết thương không có chỗ xoay xở trong căn phòng chật hẹp.
Tôi cáo từ Kevin, cho số điện thoại và bảo nếu cần gì thì cứ gọi thẳng cho tôi.
Ba ngày kế tiếp tôi phải đi học một khóa tu bổ trong nghành nên không vào bệnh viện.  Ngày thứ tư trở lại khi lên đến lầu thứ tám, chiếc xe lăn bằng điện không còn nằm chình ình trước phòng 828 mà nằm khuất sau một cánh cửa ở cuối hành lang.  Cô y tá Karen cho biết là Kevin được đưa xuống Intermediate Care ngày hôm qua vì trong phổi có nước. Tôi lật đật đi xuống lầu ba nơi Kevin đang nằm điều trị.  Mái tóc không còn rối bù mà bây gìờ đã được chải chuốt thẳng dài mướt trên gối.  Bộ râu xum xuê cũng được tỉa gọn gàng để lộ khuôn mặt rất dễ coi nhưng phong trần, khắc khổ.   Khi tôi bước vào Kevin có vẻ mừng rỡ. 
Tôi nhìn thân thể yếu đuối của ông nằm bồng bềnh trên chiếc giường nước (pressure released bed), chưa kịp hỏi han thì mặc dầu kẹt ống Oxygen trên mũi, Kevin cũng gắng đùa, lần này bằng tiếng Anh: 
- Tôi được ...vinh dự lắm mới được nằm trên cái giường nước này đó bà.
Giọng Kevin không có gì mỉa mai cho nên tôi cũng đùa theo:
- Tại vì anh... đặc biệt...
Thật sự thì khi những người bệnh nhân nhập viện với vết lở khá nặng ăn sâu vào da thịt vì không có đủ khả năng di chuyển nên máu không lưu thông đều, tạo nên áp xuất mạnh gây ra sự lở loét (decubitus) thì chúng tôi phải dùng những chiếc giường nước như thế này để giảm bớt sức ép của mặt giường vào cơ thể với làn da vốn đã rất mỏng manh.
Vì hai bàn chân yếu Kevin phải ngồi trên xe lăn cả ngày, mặc dầu chiếc ghế có lót miếng nệm dày bằng móp như đã nói nhưng vì ngồi một chỗ qúa lâu, sức ép của cả thân thể dồn vào phần xương chậu, cho nên Kevin mới phải nhập viện với vết lở đó
Kevin cười buồn:
- Bà coi đó, cái... bàn tọa của tôi thì lở loét, bây gìờ thì cái phổi cũng ...lều bều đầy nước.
Tôi an ủi:
- Anh ráng tịnh dưỡng, năm ba bữa sẽ mạnh lại rồi về nhà...
Tôi nói chưa xong câu thì đã biết mình lỡ lời.  Ông bệnh nhân này là người vô gia cư. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Kevin mệt mỏi thì thào:
- Nhà đâu mà về bà.  Tôi sống trên chiếc xe lăn bao năm nay, nhà là những con đường, những bờ bụi...
Kevin nói tới đây thì thở dài và có ý như không muốn tâm sự nữa:
- Thôi bà đi làm đi, không dám làm mất thì giờ của bà.
Lần này là lần thứ hai Kevin cố ý tránh kể chuyện riêng tư của chính mình.
Tôi làm việc với bệnh nhân lâu năm và lúc nào cũng tôn trọng sự riêng tư của họ, tôi cũng hiểu là đối với Kevin, sống trang trải một mình ngoài đường, góc xó và va chạm những thực tế hiểm hóc trong đời sống trên lề đường thì ông ta khó có thể tin tưởng ai để tâm sự về cuộc đời mình. Tôi chào Kevin sau khi chúc ông ta nhiều may mắn. 
Những ngày kế tiếp tôi không đích thân đến thăm Kevin vì tôi nghĩ sự thăm viếng của tôi chỉ làm phiền ông ta thôi mặc dầu tôi vẫn hoài thắc mắc về cái tên họ Việt Nam của ông.  Tuy nhiên, mỗi ngày tôi vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của Kevin qua điện thoại với những người y tá săn sóc cho Kevin. Tôi cũng liên lạc với cô Nancy làm về xã hội nhờ cô lo cho Kevin một nơi chốn cư ngụ khi sau khi xuất viện.
Lúc nói chuyện với cô Nancy thì tôi mới khám phá ra Kevin là " khách hàng thường xuyên" của bệnh viện và cũng là người được cô Nancy dành rất nhiều thì gìờ lo lắng cho mỗi khi ông ta nhập  viện trong những năm qua. 
Cô Nancy cho biết là Kevin rất bướng bỉnh vì cô đã từng lo cho Kevin đi đến ở viện dưỡng lão cũng như đến những nhà dành cho những người tàn tật, nhưng Kevin chỉ ở vài hôm sau đó lại bỏ đi ra sống lang thang trên đường phố trên chiếc xe lăn.  Chính cô Nancy là người xin giấy tờ cho Kevin có được chiếc xe lăn bằng điện để tiện việc di chuyển.
Khí hậu miền Texas tuy nóng nhiều nhưng mùa đông cũng có những ngày lạnh căm xương. Kevin sống dưới những gầm cầu của những con lạch nhỏ. Hôm nào chịu lạnh không thấu thì Kevin xin vào ở trong Salvation Army, nhưng được vài hôm thôi rồi cũng bỏ đi ra ngoài sống vất vưởng đầu đường xó chợ.   Cô Nancy cho tôi hay là Kevin đã và đang trải qua những khủng khoảng tinh thần sau khi rời quân ngũ (post traumatic stress), cho nên tính tình đôi lúc bất bình thường.
Một tuần sau đó thì cô y tá gọi cho tôi hay là Kevin đã đỡ nhiều và đã được đưa trở về lại lầu tám. Kevin có nhắn lại là ông ta muốn gặp tôi.  Tôi trở lên thăm và lần này thấy ông ta gầy guộc hẳn đi.
Sau khi chào hỏi qua loa, Kevin ngập ngừng:
- Có một chuyện làm phiền bà...
Trong khi tôi nhìn Kevin chờ đợi thì ông ta lấy từ dưới cái gối ra sợi giây chuyền có tượng Phật Bà bằng cẩm thạch mà lần trước Kevin đã khoe với tôi.  Lần này Kevin buồn bã nhắc lại:
- Tượng Phật này là của vợ tôi tặng cho tôi khi chúng tôi mới lấy nhau. Sợi dây chuyền bị đứt rồi, nhờ bà giữ giùm vì tôi không có chỗ cất sợ để mất đi.
Tôi cầm sợi giây chuyền vàng, thật sự sợi giây không bị đứt chỉ có cái móc bị gãy thôi. Trong khi tôi còn mân mê sợi giây chuyền trên tay thì dường như Kevin không cầm lòng được nên bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời bi thảm của ông.
Nếu nói theo số mệnh thì Kevin là người khổ hạnh cho nên cuộc đời của ông thật nhiều đớn đau.
Kevin lớn lên mồ côi cha mẹ, sống với một bà dì góa bụa.  Sau khi xong trung học hai năm thì Kevin bị động quân và được gửi qua Việt Nam đóng binh ở Kontum.  Nơi đây Kevin đem lòng thương một một cô gái miền cao nguyên chất phác, hiền lành.  Cha mẹ cô gái sống trong khu gia binh rất nghèo và đông con nên khi Kevin ngõ lời muốn cưới để đưa cô về Mỹ ở thì hai ông bà đồng ý ngay. Chẳng may sau một đêm khu gia binh bị pháo kích thì cô gái bị trúng đạn chết.  Kevin rất đau khổ và chỉ vài tháng sau khi ra chiến trường thì bị thương trên xương sống rồi được đưa trở về Mỹ.
Khi trở về với tấm thân tàn tật và sự ám ảnh tàn khốc của cuộc chiến điêu tàn ở Việt Nam khiến Kevin bị khủng khoảng tinh thần.  Vì phải mổ xương sống mấy lần nên Kevin nằm nhà thương gần cả năm trời. Lúc xuất viện thì bà dì góa bụa của ông ta qua đời.
Một thân một mình, Kevin sống qua ngày trong căn nhà nhỏ của bà dì cho đến khi bị bệnh chấn động mạch máu não thì không thể lo cho chính mình, và sau nhiều lần ra vào nhà thương thường xuyên, Kevin đồng ý vào một viện dưỡng lão ở tạm. Ngày tháng ở trong viện dưỡng lão này là một nỗi đọa đày đối với Kevin. Sống chung đụng với những người già nua nhiều thụ động càng làm cho Kevin qúa chán chường. Nhưng chính nơi chốn buồn tẻ này lại là môi trường mà Kevin đã gặp thêm một phụ nữ Việt Nam khác, người vợ mà ông quí trọng yêu thương nhất.
Cô Lài làm y tá phụ.  Một trong những phận sự của cô là mỗi tối giúp cho Kevin thay áo quần sửa soạn để đi ngủ. Vì hai chân của Kevin qúa yếu nên mỗi lần di chuyển từ cái xe lăn qua tới giường nằm thì cô Lài dường như phải dùng hết sức từ hai cánh tay của mình nâng cả cơ thể của Kevin để đưa qua. Dạo đó Kevin xử dụng chiếc xe lăn thường nên cái ghế không cao như xe lăn điện hiện đang có nên dự di chuyển từ chiếc xe lăn qua giường rất khó khăn.  Kevin thấy cô Lài nhỏ nhắn, mỗi lần cô phụ như vậy thì Kevin thấy rất áy náy.  Cô Lài tiếng Anh thì hạn chế nhưng cô cũng hiểu được sự quan tâm của Kevin đối với cô nên lần nào cô cũng nhắc Kevin là cô tuy nhỏ người nhưng lại mạnh, vả lại đây là nhiệm vụ của cô.
Mỗi ngày cô Lài đi làm vào ca chiều, Kevin ngồi ở ngay cửa nhìn cô thoăn thoắt đi vào và để ý là cô làm việc rất chăm chỉ, ai cô cũng lo lắng rất chu đáo cho nên tất cả mọi người trong viện dưỡng lão đó đều thương mến cô. 
Kevin để ý là khoảng sáu giờ chiều sau khi phụ những bệnh nhân ăn uống xong thì cô Lài  ra ngồi một mình trên chiếc ghế đá ở một góc sân  bắt đầu ăn cơm và đọc một cuốn sách nhỏ trong tay. Sau vài tuần để ý thì Kevin mân mê lại làm quen.  Cô Lài lúc đầu còn rụt rè nhưng sau đó với vốn liếng Anh ngữ kém cỏi cô cũng hàn chuyện với Kevin.
Được biết cô Lài lúc trước ở miệt Phan Rang, khi cộng sản chiếm nước được vài năm sau thì  cha mẹ  cô mượn được một số vàng cho cô đi theo chiếc tàu chở mướn  qua được tận đảo bên Mã Lai. 
Sau một thời gian đợi chờ mòn mỏi thì cô được bốc qua  Mỹ. Qua đến Texas cô vừa đi học chương trình ESL luyện Anh ngữ và vừa xin đi học ra làm y tá phụ. Với đồng lương có giới hạn của một phụ tá, cô Lài hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về giúp cho cha mẹ nuôi đàn em ở Việt Nam.  Cô vẫn hằng mong muốn có dịp trở về thăm quê và thăm gia đình nhưng mỗi lần nghĩ tới tốn phí di chuyển thì cô lại tiếc, vả lại số vàng mà cha mẹ cô mượn bây giờ cô phải đi làm trả lại cho chủ nợ ở bên Mỹ này.
Kevin thấy cô cầm một cuốn sách mỏng bằng tiếng Việt Nam và mỗi ngày lại đọc vài trang sau khi ăn cơm. Cô Lài cho biết đó là cuốn phật kinh, cô đọc cho tâm hồn được thư thái. Cô là một phật tử sùng đạo với một niềm tin mãnh liệt là con người phải sống cho chân chính thì mọi việc sẽ tốt lành trong đời sống. 
Lúc đầu nghe cô Lài nói thì Kevin chỉ cười ngạo báng, vì mỗi lần nhìn thân thể tàn tật của mình, nhớ tới những cảnh bom đạn, chết chóc trong cuộc chiến mà ông ta từng tham dự ở Việt Nam thì Kevin không khỏi giận dữ.  Kevin đâm ra nghi ngờ sự che chở của đấng linh thiêng.  Cô Lài nghe vậy vẫn không nản chí, cô tiếp tục đọc kinh và nhẫn nại nói về niềm tin của mình. 
Sau một thời gian gặp gỡ, trò chuyện với cô Lài, Kevin cảm thấy lòng dịu lại. Nỗi buồn thì còn đó nhưng đã bớt được sự phẫn nộ đối với cuộc đời.  Riêng cô Lài cũng cảm thấy bớt cô đơn. Hai người trở nên tâm đầu hợp ý và môt năm sau thì tất cả mọi người trong viện dưỡng lảo GF hoan hỉ tổ chức một cái đám cưới nhỏ cho cả hai.  Kevin không ngờ đời mình lại may mắn như thế.  Cô Lài nhận lời cầu hôn của Kevin không một chút do dự, đắn đo.  Qùa cưới của Kevin dành cho cô Lài là lời tuyên bố sẽ ra tòa xin đổi họ theo họ của vợ là họ Ngô. 
Tôi nghe câu chuyện tới đây thì cảm động rưng rưng nước mắt. Thì ra là như thế nên Kevin mới có họ Việt Nam. Nếu tôi là một nhà văn thì tôi có thể viết nên một câu chuyện tình rất tuyệt vời. Kevin tiếp tục kể:
- Bà biết không, Lài là một người vợ hiền và là một người đàn bà rộng lượng nhất trên đời. Tôi học được cái tính nhẫn nhục, vô vụ lợi của Lài.  Tôi tàn tật không lo được cho Lài, mỗi ngày Lài đi làm thì tôi chỉ biết đợi chờ và trong lúc đó thì tôi tìm hiểu thêm về đạo Phật.  Cuốn sách đầu tịên tôi đọc là cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh.  Bà đã đọc "Đường Xưa Mây Trắng" chưa? Tôi không biết Phật giáo có bao nhiêu phái chỉ biết là thiền sư này viết sách qúa hay. Tôi càng đọc càng thấm thía những gì Lài đã cố nhẫn nại khuyên răn tôi sống một đời sống đầy ý nghĩa và rộng lượng bao dung bởi vì mai này ai cũng chết, chỉ có những gì mình để lại cho đời mới đáng kể thôi.
  Ông kể tiếp cho biết là sau khi làm đám cưới ông và cô Lài thuê một căn nhà nhỏ.  Cô Lài vừa đi làm vừa săn sóc cho ông.  Cuộc sống tuy vất vả vì cô Lài phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà nhưng không bao giờ cô than vãn.  Nổi mong muốn duy nhất của cô Lài là được trở về thăm gia đình.  Vì muốn có một số tiền chi phí cho chuyến đi nên cô Lài đi làm bất chấp gìờ giấc.  Kevin thấy xót xa cho vợ nên trong lúc ở nhà ông ta đóng những cái chuồng nuôi chim nho nhỏ và đứng trước những góc đường bán, hoặc bán cho những người làm trong nhà thương mà ông quen biết.
Nghe Kevin kể, tôi nghĩ tới hộp đồ nghề và cái chuồng chim xéo xẹo của ông trên chiếc xe lăn mà đâm ra tội nghiệp.  Tự nhủ là mai mốt Kevin lành bệnh thì tôi cũng sẽ đặt ông làm cho vài ba cái chuồng nhỏ nuôi chim sau sân nhà. 
Kevin còn cho biết là cả hai vợ chồng ông đều ăn chay trường. Cô Lài ăn chay trường vì lời nguyền từ khi biết đưọc tin mẹ cô bị ung thư tử cung.  Cô mãnh liệt tin rằng với sự cầu nguyện hy sinh chân thành của cô thì mẹ cô sẽ tai qua nạn khỏi.  Kevin ăn chay vì trong lòng anh muốn cám ơn bà mẹ vợ đã có công nuôi dưỡng dạy dỗ vợ anh từ thưở nhỏ nên anh mới có được một cô vợ thật thà rộng lượng như vậy. 
Tôi nhìn nét mặt khắc khổ của Kevin, không ngờ dưới bộ mặt hung hăng của người cựu chiến binh Việt Nam đó lại chất chứa môt tâm hồn dịu dàng chân thành.  Tôi đang tự hỏi không biết câu chuyện của Kevin kể sẽ đưa đến thêm những chi tiêt bi đát nào nữa thì không dưng Kevin nhìn tôi lạ lùng:
- Như tôi đã nói mai này ai cũng chết nhưng cái chết của vợ tôi thì qúa tức tưởi, bất ngờ. Trời Phật không công bằng với tôi cho nên bắt tôi chịu đựng từ những khổ đau này đến tai biến khác.  Có lẽ kiếp trước tôi vụng tu đó bà.
Nói đến đây thì Kevin nghẹn lời, tia mắt quắc lên một tia nhìn giận dữ:
- Quê hương nhỏ bé của bà là mảnh đấtoan nghiệt nhất mà tôi thấy trong đời. Chính mảnh đất ấy, bằng cách này hoặc cách khác đã cướp mất những yêu thương trong đời của tôi.  Lài là người đàn bà thứ hai đã bỏ tôi trên cuộc đời đầy cô đơn, buồn tẻ này.
Theo chuyện Kevin kể lại, tôi được biết cách đây ba năm, cô Lài mừng rỡ dành giụm được một số tiền để trở về Việt Nam thăm bà mẹ đang bệnh ung thư.  Kevin khuyến khích vợ nên về ngay để còn có thì gìờ ở bên mẹ trong lúc bà còn tỉnh táo.  Cô Lài hớn hở trở về và tính ở bên nhà cho trọn một tháng.  Hai tuần lễ đầu cô Lài điện thoại về cho chồng kể chuyện về gia đình nghe vui ghê lắm.  Rồi chỉ vài hôm sau đó anh nhận được một tin làm anh bàng hoàng, chới với.  Cô Lài trong lúc băng qua đường phố bị xe tông chết. 
Tôi nhớ đến những lần bắt gặp Kevin lái chiếc xe lăn bất chấp hiểm nguy để băng qua đường trong làn sóng xe tấp nập. Phải chăng đây là sự thử thách ngạo mạn của ông với định mệnh? Như định mệnh đã cướp mất người vợ hiền lành cao qúi của ông.
Cô Lài chết trong lúc bà mẹ bệnh hoạn vẫn còn để thầm khóc nhớ thương con.  Kevin cũng thầm khóc thiết tha nhớ vợ. Trên đời này có lẽ không bao giờ anh có thể tìm được một người đàn bà nào khác đầy lòng từ bi như cô Lài. 
Từ đó cuộc sống đối với Kevin không còn ý nghĩa, ông đâm ra gàn bướng, cáu kỉnh với mọi ngưòi.  Vài tháng sau Kevin gom góp hết chút tài sản chất lên chiếc xe lăn và ra sống dưới gầm cầu SC. 
Tôi lặng người nghĩ đến số phận qúa hẩm hiu của Kevin rồi bỗng thấy xót xa. Còn biết bao nhiêu người là nạn nhân của chiến tranh và nạn nhân của cuộc đời đầy rẫy thương đau này? 
Tôi đem sợi dây chuyền đưa ra tiệm nữ trang nhờ người làm lại cái móc cho thật chắc.  Khi nhìn kỹ tôi thấy trên lớp vàng mạ phía sau tượng Phật bà, hai chữ LK quấn quít nhau như tên tuổi và cuộc đời của cô Lài và Kevin đã gắn chặt với nhau như một mối duyên được phật trời sắp đặt.
Ngày hôm sau tôi đi làm thật sớm ghé lên thăm Kevin trước khi đến văn phòng. Khi bước vào phòng của Kevin, tôi đụng ngay chiếc xe lăn bằng điện với đầy đủ "gia tài" của Kevin.  Kevin cho tôi biết là chiều nay ông ta phải chuyển qua một nhà thương dành cho cựu chiến binh cách đây một trăm dặm.  Vết thương lở loét của ông qúa sâu nên phải làm ghép da (skin graft) và nhà thương quân đội SW là nơi sẽ chịu tất cả phí tổn về việc mổ xẻ. Kevin chỉ ngay chiếc lồng chim xéo xẹo trên chiếc xe lăn và nói:
- Không có gì tặng bà làm kỷ niệm ngoài món qùa nhỏ này.  Bà tin đi bao giờ tôi khỏe, tôi sẽ trở về kiếm bà và sẽ sửa nó lại cho thẳng thớm.
Tôi cầm sợi giây chuyền bước đến đeo vào cổ cho Kevin:
- Đây là sự thương yêu của anh, hãy ráng giữ lấy niềm tin.
Trên khuôn mặt phong trần của người thương phế binh Mỹ bất ngờ có hai giòng lệ chảy dài và tôi bắt gặp một nỗi an hòa trong đôi mắt xanh biếc của Kevin khi anh bắt đầu thì thầm lời nguyện cầu: Nam Mô A Di Đà!
 
 NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 727

Return to top