Khoảng trắng ngày xưa tôi
Nie Thanh Mai
Ngôi nhà lớn! Dây bìm bìm hoa tím leo kín từ mặt đất lên tầng hai. Nhìn xa như tòa lâu đài trong truyện cổ tích. Ngôi nhà mang theo tuổi thơ của tôi và những ký ức của cha mẹ tôi. Cả những sóng gió bé bỏng của chúng tôi nữa. Nó đổ sụp vào đêm qua. Trong giấc ngủ của tôi.
Trong gạch vụn ngổn ngang, những bức tường gãy đổ tức tưởi, tôi thấy linh hồn mình thanh thản bước ra từ căn phòng nhỏ. Tôi mặc một chiếc áo trắng mỏng. Từ bé tôi đã gắn bó với màu trắng. Có lẽ nó hợp với nước da hơi ngăm ngăm tai tái của tôi chăng. Khi tôi vào lớp một, giữa những bộn bề lo toan và nghèo khó, mẹ đã cắt cho tôi chiếc áo trắng đến trường từ áo blouse bác sĩ của cha. Tôi vẫn cảm giác được lớp vải thô ráp và dìu dịu mùi cồn trên áo mình. Đôi lúc tôi bối rối sực nhớ về những đường chỉ cố giấu trên mép của lai áo mẹ thức đêm trước. Khi lớn lên tôi mới thấy thương mẹ.
Tôi nhìn thấy tôi mặc một chiếc quần đen may bằng vải xoa. Có lẽ những câu chuyện mẹ vẫn kể về vật duy nhất mẹ tôi mua cho con gái, đã ám ảm vào đầu tôi quá lâu nên lúc nào tôi cũng nhớ đến nó. Nhìn tôi. Tôi thấy mình của 18 năm về trước.
Đi qua những ngổn ngang gạch vỡ. Tôi nhìn thấy cha cũng đang cố gắng ngồi dậy phía dưới một bức tường đồ sộ. Tôi chạy tới đỡ cho cha. Bức tường nhẹ bẫng, tôi chỉ cần nhấc nhẹ là nó đã bay lên. Nhưng cha không thấy tôi. Thật nực cười vì tôi đang sờ sờ đứng trước mặt ông mà ông không thấy. Vừa thoát khỏi bức tường ông đã hối hả đi tìm mẹ tôi. Tôi thấy hạnh phúc vì điều đó. Hạnh phúc vì ông nghĩ đến mẹ tôi những lúc như thế này.
Mẹ tôi là một người phụ nữ không đẹp. Hay nói đúng hơn và tàn nhẫn hơn là mẹ tôi rất xấu. Đôi khi tôi vẫn ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm hình cưới của hai người. (Tôi có một bài tập làm văn. Đề bài yêu cầu “ Hãy tả người mẹ của em”. Tôi khóc suốt buổi chiều vì không biết tả mẹ tôi như thế nào. Tôi không đủ can đảm để viết theo văn mẫu. Mẹ nhìn đề bài của tôi và thờ thẫn cả mấy ngày sau đấy. Khi lớn lên tôi mới nhận ra mình thật ngu ngốc). Trong suốt tuổi thơ mình, chưa bao giờ tôi thấy hai người đi cùng nhau ra phố.
Cha tôi là bác sĩ thú y. Tôi theo cha đến mọi nơi ông chữa bệnh cho heo gà những lúc không đến trường. Tôi thích ôm chặt hông cha khi xe đạp long xòng xọc trên những con đường mòn mấp mô như đường lên núi. Những con đường sặc sụa bụi và đỏ quạch đầu tóc khi quay về. Khi lớn lên, tôi vẫn nhớ suốt hình ảnh những con đường hăng hắc mùi hoa quỳ. Nhớ cả lưng áo ướt đẫm của cha trên đầu những con dốc.
Cha tôi là một người đàn ông đẹp trai. Ngay cả khi vất vả nhất nhìn ông vẫn rất phong trần. Tôi tự hào về cha. Và bám riết sau lưng cha trong suốt tuổi thơ tôi.
Mỗi khi trở về nhà, mẹ mở cổng và đón chúng tôi. Mẹ ít khi nào ra đường. (Thế giới của mẹ quanh quẩn với vườn rau quanh nhà, chuồng heo lẫn chuồng gà phía cuối vườn. Tôi luôn nhìn thấy ở đấy dáng vẻ tất tưởi của mẹ). Hình ảnh đẹp nhất mà tôi nhớ được về mẹ trong tuổi thơ của mình là khi mẹ tưới rau vào mỗi buổi chiều. Khi hoa cải trổ ngồng, hoa vàng một vạt. Dạo đó mẹ xuýt xoa mãi vì tiếc không ăn kịp mà rau cải mau già.
Đôi lúc tôi tự hỏi, mẹ có biết gì ở ngoài kia không?
Cha vẫn thường đi họp phụ huynh cho tôi. Đúng hơn chỉ duy nhất mình cha đi họp. Cô giáo chủ nhiệm của tôi còn rất trẻ. Ở lớp chúng tôi vẫn hay ngắm cô bằng đôi mắt trẻ thơ của mình. Mấy thằng con trai kháo rằng cô có cái eo chuẩn nhất thế giới. Con gái bảo nước da cô có thể mang lên ti vi để quảng cáo mỹ phẩm. Tôi nhìn cô và ước rằng mẹ tôi cũng đẹp như thế. Tôi có thể ra phố với mẹ. Tôi có thể đi công viên với mẹ. Và hãnh diện nghe mọi người khen sao con gái giống mẹ đến thế.
Có lẽ vì những điều đó mà tôi rất yêu cô giáo.
Tôi thích đến nhà cô. Cô đón tôi bằng sự dịu dàng. Cô dạy toán cho tôi bằng bàn tay thon nhỏ trắng muốt. Tôi nghe được cả mùi lá hương nhu trên tóc khi cô cúi xuống chỉ những lỗi sai trong bài làm của tôi. Tôi kể những điều đó cho cha một cách hồ hởi khi ông đến đón tôi về.
Mỗi ngày cha đều đến đón tôi. Mỗi ngày cha đều nghe tôi thao thao về cô giáo trẻ và đẹp của mình. Tôi nằn nì cha đến gặp cô giáo của tôi.
Cha đưa tôi đi xem lễ hội. Mẹ lắc đầu khi cha bảo mẹ vào nhà thay quần áo đi cùng hai cha con. Mẹ bảo mẹ ở nhà và xem ti vi. Ti vi truyền hình trực tiếp coi rõ hơn. Ra ngoài đó đông đảo và ồn ào. Mẹ không chịu được nơi đông người, ngộp thở lắm. Tôi muốn cha đến rủ cô giáo đi chơi cùng. Cha ngập ngừng nhưng cũng dừng xe trước cửa nhà cô. Cô giáo không muốn đi, cha tôi cũng không nài nỉ như nài nỉ mẹ trước đó nhưng tôi thì rơm rớm nước mắt. Cô leo lên xe ngồi sau lưng cha một cách gượng gạo và nhẹ nhàng. Tôi thấy mình sung sướng.
Mẹ hay ngồi ngoài vườn lúc tôi đi học về. Bên cạnh là con mèo đen già nua và lười biếng. Mẹ lại đan một chiếc áo mới. Suốt ngày mẹ cặm cụi với những que đan và những cuộn len. Tôi thường thấy những cuộn len lăn dưới chân mẹ.
Cha thường xuyên không về nhà ăn cơm chiều. Mẹ ngồi ngoài vườn đến khi không thấy rõ mặt người mới vào nhà. Tôi ăn cơm một mình. Căn nhà trống rỗng và yên ắng. Tiếng người nói trong ti vi cũng trở nên xa vắng.
Tôi đi ra phố với lũ bạn. Và quên mất bữa cơm chiều. Có lẽ mẹ chẳng nhớ tôi không về nhà. Mẹ gắn bó với len và những que đan hơn.
Len và những que đan mang lại cho mẹ niềm vui. Có lẽ vì mẹ quen làm bạn với chúng bằng sự điềm đạm và say mê nên chúng mang lại cho mẹ sự nổi tiếng. Người ta bắt đầu nói về những sản phẩm của mẹ bằng sự ngưỡng mộ. Trong nhà tôi la liệt sản phẩm từ len rồi cả dây dù. Nhà tôi bắt đầu đông người. Những người phụ nữ quanh nhà và cả những cô gái nhìn hiền lành như đất và ngây thơ cười khi nhìn thấy tôi. Những cô gái mẹ gọi lên từ dưới quê. Khu vườn trồng cải bên hông nhà được lợp kín và trở thành một cái xưởng nhỏ. Nơi đó lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Đôi khi tôi nghe cả tiếng hát.
Tôi không còn tìm được sự lặng lẽ của mẹ. Tôi thấy mẹ cười, với cả những người lạ.
Cha không san sẻ được những niềm vui với mẹ. Ông bận rộn với một người khác mẹ tôi. Cuộc rong chơi của ông làm tôi day dứt và xấu hổ. Cô giáo tôi ngày nào bây giờ là nỗi muộn phiền trong tôi.
Tôi đi tìm cha bằng sự u uất. Tôi đến nhà cô. Chiếc xe cha dựng khéo léo dưới lùm cây trần bì, nơi còn ghi dấu vết của tuổi thơ tôi. Tôi mở cổng bằng sự cẩn trọng và run rẩy. Tôi thấy cha nằm ngả đầu trên đùi người đàn bà ấy. Họ đắm đuối nhìn nhau. Họ cuộn lấy nhau và sõng soài dưới nền nhà. Tôi nhìn thấy bàn tay cha tháo tung những miếng vải trên người đàn bà ấy và hôn ngấu nghiến lên đó. Những cái hôn thèm thuồng và tham lam có bao giờ đã dành cho mẹ tôi.
Tôi hét lên khi cha nhào lên người đàn bà. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh mắt hãi hùng và tủi hổ của cha khi đối diện với con gái. Tôi hả hê nhìn thẳng vào mắt họ. Ánh mắt tôi ánh lên những tia vằn vện: “Các người sẽ được trả giá cho việc này. Tôi hứa như thế.”
Tôi ra về. Mang theo sự nhục nhã của cha và căm giận cho chính tôi.
Tôi khóc trong phòng mình. Và ngủ quên khi mắt còn sưng mọng. Tỉnh dậy tôi không nhìn thấy được mặt mình trong gương. Khi cha vào phòng tôi, ông ngồi trên ghế và đầu gục xuống một cách thảm hại. Ông không nói được lời nào có lẽ vì mắt tôi lạnh và nhiều sát khí.
Tôi viết những lá đơn bằng chiếc máy đánh chữ trong phòng của mẹ.
Những lá đơn thấm nước mắt. Sự trả thù ngốc nghếch của tôi ném đi hạnh phúc bé nhỏ mà bao năm nay mẹ tôi gìn giữ bằng sự cẩn trọng. Tôi muốn biết khi cha tôi mất việc, khi ông chới với giữa sự gièm pha của mọi người thì ai là người đón lấy ông?
Cả cha và người đàn bà riêng của cha đều bị kiểm điểm trước cơ quan vì mối quan hệ ấy.
Ông trở về nhà bằng sự yên lặng vào mỗi buổi chiều. Mẹ tôi nhìn ông bằng đôi mắt buồn. (Đêm trước mẹ sang ngủ với tôi. Mẹ không nói gì. Khi tỉnh giấc mẹ gọi tôi dậy bằng giọng dịu dàng. Tôi uể oải lăn mình vào mép tường. Mẹ bâng quơ như nói một mình “Con nông nổi lắm. Mẹ không thể trách vì những điều con làm. Nhưng tàn nhẫn quá con gái của mẹ.” Tôi yên lặng. Nước mắt thấm ướt vạt gối. Mẹ có trách tuổi thơ nông nổi của tôi không?)
Mẹ giao cho người quản đốc trong xưởng quản lý mọi việc và vào bếp nấu ăn cho cha. Tôi nhìn thấy hoa hồng nhung rực rỡ khi trở về nhà. Tôi nghe thấy bản nhạc không lời của Richard Claydeman dịu dàng trong phòng khách.
Một buổi chiều. Tôi gặp cô giáo cũ trong phòng khách của nhà mình. Cô ngồi khép hai chân bằng một khuôn mặt buồn và mệt mỏi. Mẹ tôi ngồi đối diện cô. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn nhận ra cô nổi bật rất nhiều so với sự cằn cỗi của mẹ. Tôi ngồi xuống cạnh mẹ. Tôi nghĩ rằng mẹ cần có tôi bên cạnh khi đối diện với cô. Nhưng khi ngồi xuống, tôi mới thấy cô thật tội nghiệp. Có lẽ sự tội nghiệp của cô có rất nhiều lỗi từ tôi.
Mẹ tôi dịu dàng, sự dịu dàng cố hữu. Cha yên lặng như một pho tượng. Mái tóc cha rũ xuống trên vầng trán cao đầy quyến rũ. Mẹ cho cha sự chọn lựa. Cô đã khóc khi mẹ tôi nói điều ấy. Mẹ nhìn cha và bảo là tôn trọng những quyết định của ông. Một người phụ nữ khổ là đủ rồi. Mẹ không sao. Mẹ có niềm vui của mẹ. Chỉ cần tôi ở bên mẹ là đủ.
Cha nhìn cô. Cái nhìn thật sâu. Cô òa khóc khi cha nói lời xin lỗi. Mẹ hét vào mặt cha giận dữ “Anh hèn, anh cướp mất tuổi xuân của cô ấy rồi”. Tôi biết cha không thể có sự chọn lựa nào khác. Cha yêu mẹ. Và sự rong chơi của cha đã kết thúc.
Tôi đã cố gắng lãng quên những lỗi lầm của cha. Mỗi lần nhìn thấy ông, cổ họng tôi lại đắng ngắt. Đắng như người ta uống một nắm thuốc. Thuốc không trôi vào cổ họng và ở mãi trên lưỡi.
Cha không nhìn được vào mắt tôi. Ông loanh quanh với những việc vặt vãnh trong xưởng của mẹ bằng đôi vai gầy và dáng đi hơi cúi. Mẹ vẫn thường nói chuyện với cha trong bữa cơm. Tôi thấy mắt mẹ buồn, khuôn mặt mẹ ghim gút một điều gì đó. Tôi không tin rằng mẹ quên sự rong chơi của cha nhanh đến thế.
Sự hiền lành của mẹ không mang lại cho cha một sự thanh thản như tôi vẫn tưởng. Tôi nhìn thấy cha trong căn phòng kho áp mái. Một mình. Với chăn đệm dầy và xốp. Thứ chăn đệm model thời thượng. Gian phòng nhỏ và lạnh lẽo. (Tôi không biết điều đó xảy ra từ bao giờ. Tôi không mấy khi lên lầu. Tôi quen quanh quẩn với giang sơn của mình, vùi mình trước màn hình vi tính và những thứ giải trí sang trọng trong căn phòng của tôi.)
Tôi thương cha. Và hiểu sự dịu dàng của mẹ dành cho ông.
Chao ôi! Tôi mệt mỏi trong căn nhà của mình.
Đêm qua. Tôi mơ thấy ngôi nhà tôi sụp đổ. Giống những ký ức trở thành gạch vụn ngổn ngang. Nhưng sáng nay mở mắt dậy. Tôi vẫn thấy mình vùi trong chăn ấm. Và nắng phải cố gắng lách qua tấm rèm xanh sang trọng, hôn lên đôi mắt buồn của tôi.