Sơn Ca hót giọng mèo
Trung kim
Sơn Ca đang lo lắng cho cuộc thi tiếng hót ngôi sao của các loài chim sắp đến do Hội Hoa Xuân thành phố tổ chức nhân dịp xuân về. Tuy còn đến hơn 4 tháng nữa mới vào vòng chung kết nhưng mọi việc đã chuyển động ngay từ bây giờ. Cuộc thi phải trải qua 3 vòng chấm giải: sơ khảo, tuyển lựa và chung kết. Chỉ nghĩ tới vòng tuyển lựa thôi thì Sơn Ca cũng thấy run. Vòng sơ khảo mới vừa qua đi nhưng vòng sơ khảo không làm cho Sơn Ca sợ lắm. Bởi chủ yếu vòng này chỉ loại bỏ những chim nào không biết hót. Còn đến vòng tuyển chọn này mới căng. Chỉ cần lọt được qua vòng này thì chắc chắn cũng có một danh hiệu nào đó trong tốp 10 sao của vòng chung kết.
Nhưng.. để lọt qua được vòng này đâu phải dễ. Bây giờ còn lại chỉ toàn là những siêu chim nổi tiếng. Nào là Họa Mi chuyên hót trong mưa nổi tiếng của vùng Nam Phi; Nào là Sơn Ca Mùa Thu của vùng Hải Nam Trung Quốc được đào tạo có bài bản trường lớp đàng hoàng; Nào là Hoàng Anh đã từng đoạt ngôi quán quân của Hội Hoa Xuân năm ngoái; Rồi còn một cô Sáo Nâu có năng khiếu hót giọng gì cũng được. Đã thế mà chim nào cũng có một tay huấn luyện tiếng tăm có bằng cấp kèm cặp cho nữa. Tuy Sơn Ca cũng được ông chủ dạy hót cho nhưng ông ta thiếu tự tin và hay lo lắng đến tội nghiệp làm cho Sơn ca cũng sốt vó. Thật ra ông lo lắng cũng phải vì ông không biết nghĩ ra cách gì để luyện cho Sơn ca có nét nổi trội hơn những con chim khác. Ông cật lực mở máy vi tính nghe tiếng hót của các loài chim nổi tiếng trên thế giới suốt ngày. Trong đó có một danh hót Họa mi Canada đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế mà ông cho Sơn Ca nghe đi nghe lại nhiều lần. Sơn ca nghe kĩ và thấy tiếng hót này cũng tự nhiên như những tiếng hót nổi tiếng khác nhưng chẳng hiểu sao mà đạt được nhiều giải thưởng quốc tế như thế. Nhưng, đúng là càng nghe Họa mi Canada này hót càng thích. Hót một cách truyền cảm. Khi ấm áp, khi thanh thoát. Giọng hót làm say đắm người nghe, dễ cảm nhận, dễ đi vào lòng người nên chỉ đôi ba lần hót là người ta có thể hót lại được. Họa Mi Canada này thể hiện tài năng một cách tự nhiên đúng theo bản năng thiên phú và luyến láy một cách điêu luyện hợp với qui luật thang âm. Sơn Ca cũng nhận ra ngay cả những tiếng hót của những con chim nổi tiếng trên thế giới đạt được nhiều giải thưởng lớn dù có hót thể loại nào đi nữa thì cũng với hót một cách tự nhiên theo phong cách đặc trưng vốn có của mình. Và chính đây là điều mà Sơn ca và ông chủ lo nhất. Bởi Sơn Ca đâu có gì đặc biệt ở giọng hót của mình. Thậm chí còn không có hơi để hót lên cao và đôi khi đứt giọng nửa chừng liền giả bộ gào to để lấp vào khuyết điểm của mình. Có chăng là Sơn ca được cái dáng vẻ quyến rũ bốc lửa và một niềm khao khát vinh quang thế thôi.
Một hôm, giữa đêm khuya, Sơn ca đang lo lắng không yên vì đã sắp đến ngày thi tuyển chọn rồi mà giọng hót của mình vẫn chẳng khá gì hơn thì chợt nghe có tiếng mèo gào rú trên mái nhà. Tiếng kêu gào có vẻ như kích động quyến rũ, khi thì rên rỉ van lơn, khi thì vuốt ve mềm mỏng. Sơn ca thấy tiếng kêu này lạ kì và lôi cuốn được người nghe. Một ý tưởng mới mẻ lóe lên trên đầu nó. Thế là Sơn Ca cất cái tiếng hót thường ngày của nó kết hợp với tiếng nó bắt chước như tiếng mèo gầm rú trên mái nhà thành một tiếng hót li kì quái dị không giống tiếng kêu một con vật nào trên thế gian này. Sơn Ca cố ngấu nghiến giọng cao, uốn éo ngọng nghịu giọng trầm, chớt chát gầm rú giọng trung. Nó cố làm sao cho khác với cái chất giọng chim tự nhiên của nó để giống như giọng gào rú của mèo. Ông chủ đang ngủ liền bật dậy đến trố mắt nhìn Sơn ca. Ông chẳng hiểu vì sao con Sơn ca có tiếng hót lạ kì như thế. Nét mặt ông biến thái bất định một cách khó hiểu. Ông không xác định được tiếng hót của Sơn ca là hay hay dở. Nhưng ông khẳng định nghe lạ tai một cách đầy sáng tạo. Bỗng ông rạng rỡ hẳn lên khi nghĩ đến ban giám khảo. Trong cái ban năm người này đã có hai người là tính ba phải, ai sao tui vậy. Còn ba người có tính cách lập dị khác thường thích những gì lạ kì mới mẻ theo kiểu sông chảy lên suối và suối chảy lên núi chứ không phải tất cả dòng sông đều chảy về biển. Thích mới mẻ theo kiểu khác lạ không giống ai, không giống một nơi nào trên thế giới này chứ không phải làm cho mới hơn, hay hơn, tiến bộ hơn đúng theo với quy luật phát triển tự nhiên của nó. Ông gật đầu và thốt lên:” OK! Chỉ cần khác lạ như thế là đủ gây ấn tượng cho ban giám khảo rồi!” Sơn ca thấy ông chủ gật gù hài lòng thích thú thì nó càng tưởng như thế là tuyệt chiêu. Thế là nó ra sức luyện tập tới sáng đến nổi những con mèo kêu gào trên mái nhà chịu không nổi phải bỏ đi mất.
Cuối cùng thì cuộc thi tuyển chọn cũng đến. Sơn ca sau một thời gian tập luyện tiếng hót giọng mèo đã trở nên điêu luyện rồi nên cũng bớt lo lắng hơn. Ông chủ của Sơn ca mua chuộc dân trong phường đi cổ động nên hơn 2/3 khán giả trong cuộc thi là người cổ động cho Sơn ca. Người dẫn chương trình gọi tên Sơn Ca với lời tâng bốc lên tận chín tầng mây.
-Sơn Ca! Một tiếng hót làm say mê bao thế hệ ở Quận 15. Một tiếng hót thiên phú cá biệt đầy lạ lùng…
Mới chỉ nghe có vậy là dân trong phường của Sơn Ca la hét rầm trời lở đất và hô to:” Sơn, Ca, cố, lên! Sơn, Ca, cố, lên! Sơn, Ca, cố, lên!” rồi gõ mõ, thổi kèn, đánh trống rùm beng. Ban tổ chức, ban giám khảo cũng hứng thú theo. Người dẫn chương trình vung hai tay huơ lên, huơ lên để khuyến khích khán giả cổ động thêm nữa cho cuộc thi thêm hào hứng khiến hội trường bát nháo như cuộc biểu tình. Khi Sơn Ca cất tiếng hót giọng mèo lên thì hội trường im phăng phắc. Ban giám khảo qua sững sờ kinh ngạc trước một phong cách hoàn toàn mới mẻ lạ kì đầy sáng tạo này. Người thì gật gù tán thưởng với vẻ mặt đầy khuyến khích cải cách đổi mới; Người thì chiêm nghiệm như thấu hiểu triết lí của âm thanh vạn vật; Người thì vẻ mặt tập trung như đang cố khám phá cái thế giới siêu âm kì bí. Còn 2/3 khán giả trong cuộc thi thì chẳng chú tâm gì đến tiếng hót Sơn Ca như thế nào mà cứ mãi để tinh thần chuẩn bị cổ động khi Sơn Ca hót xong. Chỉ còn lại một số ít khán giả biết khen che hay dở nhưng họ không biết đây có phải là một giọng hót mà các bật thầy trong ban giám khảo xếp vào loại kỹ thuật cao hay không. Họ tự biết mình nghe hót chỉ theo cảm quan thôi nên không tin chắc mình đúng. Chỉ có điều họ nghe mà thấy nổi gai ốc khó chịu mà thôi. Bởi vậy khi Sơn ca kết thúc phần dự thi thì khán giả vỗ tay la hét cổ động rầm trời đất. Tỉ lệ 2/3 khán giả bấm máy điện thoại bình chọn mỗi người vài ba tin nhắn thôi thì cũng dẫn đầu số phiếu bầu chọn rồi. Và không cần nói thì ai cũng biết, Sơn Ca đã dẫn đầu trong 10 chim lọt vào vòng chung kết.
Đến vòng chung kết, qua thời gian cổ động lăng xê để các nhà tài trợ quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và được ban tổ chức thuê thầy luyện tập thêm cho cái giọng hót đặc trưng giọng mèo lẫn cả phong cách diễn xuất chuyên nghiệp như một chim mẫu thời trang thì Sơn Ca đã thành một ngôi sao sáng giá trên bầu trời rồi.
Chuyện Sơn Ca đoạt giải là chuyện tất nhiên, vì nó đã gây ấn tượng và có vị trí trong đầu ban giám khảo rồi. Và từ đó Sơn Ca phải hót như thế mặc dù khán giả có khó nghe, khó thở và khó chịu đi chăng nữa. Một điều khá ngạc nhiên là vẫn có khán giả đi xem hót hơn là đi nghe hót cổ động và tung hô cho Sơn Ca vì cái danh tiếng. Do vậy Sơn Ca cứ tưởng mình là tài năng xuất chúng nên càng cố mà gào thét giọng mèo hơn nữa để cống hiến cho nhân loại. Cho đến một hôm, khán giả cổ động và nhà tài trợ để quảng cáo sản phẩm bỗng nhiên chuyển hướng qua cổ động cho một con vẹt hót giọng khỉ. (Con vẹt này hót mà giống như không hót. Chỉ khọt khẹt, quay cuồng, múa máy, nhãy nhót và nhăn nhó như khỉ mà thôi.) Mặc dù Sơn ca cố gắng hót gào giọng mèo đến kiệt sức ngả lăn đùng ra chết cũng chẳng có một vị nào để mắt tới. Bởi khán giả bắt chước kịp với thời đại nhanh như thế. Cái xu hướng phi logic tất yếu phải là như thế.
trungkim