Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Ngày thứ tám trong tuần

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4974 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngày thứ tám trong tuần
Marek Hlasko

Lời giới thiệu

MAREK HLASKO (1934-1969).



  Marek Hlasko là nhà văn phản kháng, cũng còn được gọi là “nhà văn nổi loạn”, nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời sau-Stalin, là thời mà không những ở Liên Xô mà ở cả những nước chư hầu Cộng Sản Đông Âu, người ta bắt đầu có thể thở được một chút và có thể nổi loạn một chút. Ngày thứ tám trong tuần là tiểu thuyết đầu tay của ông, được xuất bản vào cuối năm 1956, khi ông mới 22 tuổi, chỉ ba năm sau khi Stalin chết. Không phải là một tác phẩm “đồ sộ”, Ngày thứ tám trong tuần, một truyện dài chỉ xấp xỉ một trăm trang, được đón nhận nồng nhiệt ở trong nước và ở cả những nước phương Tây. Trước đó vào đầu năm, ông đã ra mắt giới văn học Ba Lan với tập truyện ngắn Bước đầu tiên đi trong mây. Thành công đối với một người viết vừa không phải là chuyên nghiệp vừa không phải là quốc doanh quả là sớm. Tập truyện này năm sau được trao giải thưởng văn học của Hiệp hội Những nhà xuất bản Nhà nước, vào thời ông được xem là nhà văn trẻ được ưa chuộng nhất của Ba Lan.


Ngày thứ tám trong tuần nói lên cuộc sống hiện tại ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan. Dưới chế độ Cộng sản kiểu Stalin, ở bất cứ nước nào người ta cũng giành việc lãnh đạo và quản lý Nhà nước như một cuộc chơi riêng của một thiểu số hưởng đặc quyền đặc lợi là những đảng viên cốt cán. Chế độ “chuyên chính vô sản” này đã loại ra bên lề một “tuyệt đại bộ phận” người dân, nhất là giới trẻ – dù họ vẫn được đề cao ở tất cả mọi dịp là những người làm chủ đất nước! Chính cái đa số thầm lặng này đã thấy qua Ngày thứ tám trong tuần không những thân phận của chính mình mà cả sự bi phẫn vì phải cam chịu thân phận đó. Mặc dù có nội dung dữ dội, Ngày thứ tám trong tuần vẫn được những nhà lãnh đạo Ba Lan cho phép xuất bản trong nước. Có lẽ không hẳn người ta thực sự đánh giá cao tác phẩm của ông, mà đúng hơn là họ cần chứng minh có sự “đổi mới” trong “tư duy lãnh đạo” vào thời hạ bệ Stalin qua sự nhìn nhận một thực trạng xã hội đầy nhức nhối – nếu không phải là sự bức xúc trước thực trạng đó. Vào những năm 50 của cuộc chiến tranh lạnh, thế giới phương Tây vẫn nao nức mong đợi được nghe những tiếng nói phản kháng vọng ra từ bên kia bức màn sắt, cho nên nhiệt tình người ta dành cho Ngày thứ tám trong tuần, vẫn được xem như một quả bom nổ trong văn học Ba Lan, không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ngày thứ tám trong tuần nhanh chóng được dịch ra 15 thứ tiếng, và đến năm 1958 được dựng thành phim tham dự Đại hội Điện ảnh Cannes. Giới phê bình không do dự so sánh ông với những nhóm văn học “nổi loạn” ở Anh (Angry Young Men), ở Mỹ (Beat Generation).


Nhưng Marek Hlasko không phải là một tác giả chính trị, và Ngày thứ tám trong tuần không hẳn là một tiểu thuyết chính trị – không nói gì một tác phẩm chống Cộng. Ông không có chủ định đả phá cái trật tự đã được đặt định sẵn cho những người thuộc “chính phái” hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước công nhận,[1] dù cho dĩ nhiên ông không đi theo họ. Thậm chí ông không biết tới họ, như thể họ không có trong viễn quan của ông. Nhưng ông cũng muốn tồn tại, muốn được hoạt động chính thức, công khai, không phải chịu mai một hay sự nghiệp tức tưởi chấm dứt. Cho nên, tác phẩm của ông không bàn trực tiếp đến chế độ. Nhiều nhà phê bình vẫn xem Ngày thứ tám trong tuần là sự bùng nổ của những ẩn ức, sự bày tỏ mạnh bạo những khát vọng của tuổi trẻ thời hậu chiến của Ba Lan đang lung lay niềm tin vào cuộc sống và tương lai trước những gì mà chế độ xã hội chủ nghĩa của Ba Lan Cộng sản cho họ. Nhưng Marek Hlasko, như người ta hiểu về sau này, là người thường “đem tâm tình viết lịch sử”. Và Ngày thứ tám trong tuần do đó và trước tiên là tâm sự của chính Marek Hlasko, những ẩn ức và khát vọng của ông.


Khi nước Ba Lan rơi vào cuộc “cách mạng 1944” của những người Cộng sản Ba Lan với sự hỗ trợ của Hồng quân Liên Xô để “giai cấp vô sản” nắm chính quyền, Marek Hlasko chỉ mới được 10 tuổi. Nước Ba Lan vừa thoát khỏi những năm chiếm đóng đầy kinh hoàng của Đức quốc xã nay lại phải chịu một sự chiếm đóng mới – dù kiểu cách có khác đi, sự chiếm đóng bởi chính những người đồng bào của mình.[2] Tuổi thơ của Marek Hlasko đã hiểu được cái địa ngục trần gian của phát xit Đức, những trại tập trung cũng mở cửa cho cả trẻ con; trong thời niên thiếu, ông lại phải nếm thêm vị mặn đắng của mô hình chính trị-kinh tế áp đặt bởi Liên Xô mà những người Cộng sản Ba Lan đang thử nghiệm. Để xây dựng và củng cố một chế độ Cộng sản còn non trẻ trong một xã hội mà niềm tin Thiên chúa giáo vẫn được xem là ngự trị, người ta phải nhanh chóng đoàn thể hóa nhân dân, tiến hành đấu tranh giai cấp để tiêu diệt những “thành phần giai cấp phản động”. Nhưng ngay chính “nhân dân lao động” và giai cấp vô sản cũng không “hồ hởi” được bao lâu trong vận hội mới và còn thấy lạc lõng trước sự “đổi đời” trong trật tự xã hội mới này.


Marek Hlasko không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Từ nhỏ ông đã phải kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay nặng nhọc. Đến năm 16 tuổi ông đã phải vĩnh viễn rời ghế nhà trường để bước vào “trường đời” là nơi ông thực sự “tốt nghiệp”. Những công việc ông đã trải qua trong thời kỳ này gồm cả lái xe taxi, lái xe chở gỗ, tài công cho tàu kéo… Qua công việc của mình, Hlasko đã tiếp cận với cuộc sống dữ dội, thô bạo ở tận cùng của xã hội. Thời niên thiếu gian khổ này đã hun đúc Marek Hlasko vừa như một con người vừa như một nhà văn. Cái thế giới quanh ông chính là những năm tháng đầy thương tích đó.


Ông sinh ra và lớn lên ở Warsaw, một thành phố cổ và cũ kỹ, đường sá nhỏ hẹp, phố phường chen chúc, chật chội, không bao giờ thưa người và cũng không bao giờ thiếu những người say nghiêng ngả trên vỉa hè. Bối cảnh của Ngày thứ tám trong tuần chính là thành phố này chìm trong một bầu không gian u ám, mây xám xịt trĩu nặng trên những mái nhà từ sáng đến chiều tối, cảnh vật dầm ướt át trong những cơn mưa dài nhớp nháp. Khác với những tác giả “chính thống” thường lựa chọn nhân vật là những “anh hùng” theo đuổi lý tưởng cộng sản một cách kiên trì trong chiến đấu hay trong lao động, trong cuộc đấu tranh giai cấp cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, những nhân vật chính của Marek Hlasko đều là những kẻ ngoài cuộc, những kẻ đứng bên lề, không có vai trò trong dòng chảy của lịch sử, trong cuộc vận động của cuộc sống xã hội. Họ sống trong tăm tối, mỏi mệt, chán ngán. Tác phẩm của Marek Hlasko cho ta thấy cái khối người đứng bên lề này đông đảo như thế nào trong xã hội, và sự băng hoại trong niềm tin, trong lý tưởng, của họ đã có sức mạnh ngăn dòng chảy, làm tiêu hao sinh lực bất cứ cuộc vận động nào mà người ta muốn đạt được. Nhân vật trung tâm là Agnieszka[3] và những người quanh cô. Agnieszka là một cô gái trẻ, đang theo học ban cao học ngành tâm lý. Cô cùng gia đình, gồm cha, mẹ và anh, sống chui rúc trong một căn hộ chật hẹp, tù túng, chỉ có hai phòng ở giữa thủ đô Warsaw. Đã thế họ lại phải “ghép hộ”, sống chung đụng với một người ngoài là Zawadzki, môt người thợ cơ khí có một mục tiêu duy nhất là lấy được vợ và xin được căn hộ riêng. Cha của cô sống với đồng lương chết đói của một thanh tra công đoàn, cả ngày chỉ đứng tựa cửa sổ ngó mông ra đường, luôn luôn nơm nớp lo sợ bị cho nghỉ việc và chỉ mơ ước một chuyện duy nhất: một ngày nắng chủ nhật để được đi câu, dù cho phải vay mượn để mua cần câu và con mồi. Mẹ của cô bị suy tim nằm liệt giường và không ngừng rên rỉ, bà không hề được bệnh viện nhà nước nhận chữa trị vì bác sĩ và thuốc men không dành cho người già đã mất sức lao động. Anh của cô là một kỹ sư hóa, bị mất việc, bị khai trừ khỏi đảng, đắm chìm trong men rượu trong khi vô vọng chờ đợi người yêu. Pietrek, người yêu của Agnieska, lại có một “lý lịch không rõ ràng” – từng bị ghép vào một tội danh tưởng tượng “phản động” nào đó và đã nếm mùi “trại cải tạo”. Cho nên, cuộc sống của Pietrek cứ vật vờ, trôi giạt, không có công ăn việc làm, cũng không có chỗ ở chính thức… đến độ anh ta chỉ mong trở lại nhà tù cho an thân, ổn định.


Ngày thứ tám trong tuần là một câu chuyện về tuổi trẻ vong thân của Ba Lan, không tìm thấy ở chủ nghĩa xã hội của những người cộng sản cầm quyền một giải pháp cho những vấn đề mà họ phải giải quyết từ thực tế cuộc sống, kể cả những vấn đề phát sinh từ trong lòng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những nhân vật của Hlasko tiêu biểu cho một tuổi trẻ đang nhìn lại những giá trị mà người ta muốn họ tin: tập thể hay cá nhân, chấp nhận và lệ thuộc hay nghi vấn và độc lập trong cuộc sống, trong cảm nhận, trong tư tưởng. Trong tâm trạng lạc loài của họ, tuổi trẻ đã tìm thấy ở tình yêu hầu như là chỗ dựa duy nhất cho cuộc khủng hoảng của mình, nhưng để theo đuổi tình yêu như một cuộc tìm kiếm riêng tư của mình, những chàng trai, những cô gái của Ngày thứ tám trong tuần đã phải chiến đấu quyết liệt trước những hoàn cảnh xã hội độc ác, thô bạo và dung tục. Tác giả đã nhiệt thành khẳng định tình yêu là nguồn hy vọng, là cứu cánh, là sự bảo bọc, và cũng là con đường giải thoát duy nhất cho tuổi trẻ ra khỏi cái ngục tù của những thành phố về đêm đầy nguy hiểm và bạo lực. Cái bi đát lạnh lùng ở đoạn kết của mỗi một người là cái đích vẫn còn lắm xa vời. Agnieszka vẫn không thể tìm ra được cho tình yêu của mình một nơi trú ẩn an toàn để có thể được tự do một mình với người yêu – dù chỉ trong một tối. Cuối cùng thì cô không còn màng đến những giá trị của tình yêu, mà chấp nhận “lý tưởng nhất là một cuộc sống không ôm ấp bất cứ một ảo tưởng gì!”. Anh của cô, sau khi mất tất cả những gì anh theo đuổi trên đời, cũng thốt lên: “Anh không còn muốn dính đến chuyện yêu đương nữa, không còn đau khổ, không còn chịu đựng, không còn chờ đợi, không còn phải tin những chuyện mà cuộc sống không thể xác tín.”


 Điều đáng nói là trong một xã hội như thế ai cũng thích nói về quá khứ, hoặc là vì luyến tiếc, hoặc là do ân hận. Vá ai cũng mong chờ những thay đổi triệt để trong tương lai – không chỉ người dân mà cả người cầm quyền. Người dân phải bám vào niềm tin còn trời , còn đất, còn non nước, chẳng nhẽ ta đây mãi thế này, dù người ta cũng hiểu thay đổi là khó, là lâu, là phải rất “cách mạng”. Người cầm quyền cũng hiểu tình trạng hiện tại là không thể chịu được, có lẽ ngay cả với chính họ, nhưng họ vốn thích nói chuyện “vị lai”, hứa hẹn những chuyện đẹp như tranh vẽ trong tương lai để cho người ta chịu hy sinh hiện tại của mình. Nhưng cái thay đổi mà hai phía mong đợi xem ra chẳng có gì chung. Người Cộng sản cho rằng thay đổi sẽ đến từ những gì họ đang làm – điều mà sau này ta vẫn gọi là duy ý chí. Và để cho những gì họ đang làm có sức thuyết phục với người dân, người ta nghĩ rằng có thể tạo một thế giới huyền thoại và cho người dân ngủ vùi trong ảo tưởng bằng một đường lối “tuyên truyền tích cực”. Ngược lại, người dân không tin những điều mà chính quyền Cộng sản đang làm, và mỏi mệt với những gì người Cộng sản nói. Họ cho rằng chỉ có thể thấy được thay đổi trong tương lai nếu có thay đổi trong tình hình hiện tại – thay đổi trong cách làm, cách nói, và hiển nhiên trong cách suy nghĩ.


Tuy không phải là một tác phẩm chính trị, Ngày thứ tám trong tuần vẫn được xem là một cáo trạng về sự thất bại của chủ nghĩa xã hội của người Cộng sản. Đó là một thất bại trước hết về mặt kinh tế - người giàu thì tán gia bại sản, chỉ có người nghèo thì không thay đổi – nhất là đối với giới nông dân. Từ thất bại về mặt kinh tế này phơi bày thất bại về mặt con người và về mặt xã hội: sự đồi táng, dung tục, ngụy tín – một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa không có một nền tảng văn hóa nào, đến mức về sau phải được cải biên thành một chủ nghĩa xã hội với “bộ mặt nhân bản” hay chủ nghĩa xã hội với “một nụ cười” như ta đã biết với mùa xuân Prague 1968 ở Tiệp Khắc.


Nhiều nhà phê bình đồng ý rằng Marek Hlasko là một nhà văn có tài, và có những lúc thật sáng chói – quả là một trường hợp đặc biệt đối với một người không được hưởng một nền giáo dục chính qui và đầy đủ. Thế nhưng người ta cũng tiếc là sự thành công của ông chỉ là “một phút huy hoàng rồi vụt tắt”. Chắc chắn ông không thích thú gì một sự nghiệp “bạo phát bạo tàn”. Theo dõi cuộc đời lưu vong về sau này của ông, ta khó nói rằng đó là sự lựa chọn của ông; vì thế cũng có thể nói rằng một bước sai lầm hay thiếu tính toán của ông đã làm cho đời ông chuyển qua một khúc quanh nghiệt ngã vào năm 1958. Ngoài bề mặt, tất cả mọi việc đều tốt đẹp đối với Hlasko. Năm đó, ông còn được cấp thông hành đi những nước phương Tây trong hai tháng. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, giữa những lời khen của báo chí Ba Lan dành cho Ngày thứ tám trong tuần, cũng đã có những lời phê phán nghiêm khắc, đầy đe dọa. Người ta cho rằng ông đã xem nhẹ “tính tư tưởng và tinh thần tập thể” và đề cao một “chủ nghĩa xét lại” có tính vô chính phủ trong tác phẩm của ông. Sự cảnh cáo này còn rõ ràng hơn nữa khi giới kiểm duyệt đã không thông qua hai tập truyện ngắn mới của ông, Nghĩa địa và Trạm tới – Thiên đường, dù cho cuốn tiểu thuyết về sau lại được dựng thành phim ở Ba Lan. Đang ở Pháp, khi nghe tin hai tập truyện của mình gặp nạn, Hlasko dĩ nhiên bất bình và giao những tác phẩm của mình cho nhà xuất bản văn học Kultura để in. Kultura là nhà xuất bản có uy thế nhất của những người Ba Lan chống Cộng lưu vong. Theo quan điểm của nhà cầm quyền Ba Lan, tiểu thuyết Nghĩa địa đã phê phán nặng nề chủ nghĩa Stalin ở Ba Lan trước đây và Trạm tới – Thiên đường cho thấy một quan điểm chính trị không rõ ràng. Mặt khác, in tác phẩm của mình ở nước ngoài mà không qua sự kiểm duyệt của nhà nước là một “tội ác”. Cho nên, khi ông quyết định cho in tác phẩm của mình ở các nước phương Tây và lại giao cho Kultura xuất bản, ông rõ rệt đã xem nhà cầm quyền Cộng sản ở Warsaw không ra gì. Sự thách đố này có hậu quả ngay lập tức: người ta không gia hạn chiếu khán cho ông, có nghĩa là ông hoặc phải trở lại Ba Lan ngay hoặc phải chấp nhận cuộc sống lưu vong. Ông vốn là người bất cẩn, nhưng đã lỡ phóng lao thì phải theo lao, nhất là ông cũng không biết được những bất trắc gì đang chờ đợi khi ông trở về. Tuy nhiên, khi chọn lựa cuộc sống lưu vong, dường như ông chưa rõ lắm cuộc sống đó hứa hẹn những gì khác với ông!


Khi mới thoát ra khỏi bức màn sắt và lần đầu tiên đến với các nước phương Tây, ông được săn đón nồng nhiệt. Đó không phải là điều lạ – nhất là xét đến bối cảnh lịch sử của những năm sau Stalin. Tại phương Tây, với dáng dấp của một người nghệ sĩ khinh bạc, bất cần, điếu thuốc luôn luôn vắt vẻo trên môi, ông nhanh chóng trở thành một “thần tượng”. Người ta so sánh ông với Ernest Hemingway, với Kafka, với Gogol... Giới báo chí không ngại xem ông là một hiện tượng James Dean trong văn học Ba Lan, vào thời mà tài tử Mỹ này đang chói sáng với phim Kẻ nổi loạn không nguyên cớ (Rebel without a cause). Lối nói chuyện khinh bạc, tia mắt nhìn lạnh lùng, xoáy vào người đối thoại, cách xử sự có phần ngang bướng[4], Marek Hlasko là một đề tài nóng cho giới văn học, và vì thế ông được nghinh đón nồng nhiệt trong thời gian đi thăm một loạt các nước phương Tây.


Thế nhưng tất cả đã thay đổi cũng nhanh chóng sau khi ông quyết định không trở về nước. Nhiệt tình của dư luận nguội dần – người ta không còn gì để nói về ông và viết về ông, xem như ông đã “hết duyên” cho nên chẳng còn kẻ đón người đưa nữa. Chẳng có giọt nước mắt nào nhỏ cho cuộc sống đi vào kiếp lưu đày của ông. Ngay cả tạp chí Kultura cũng chẳng có ích gì cho ông. Cuộc sống của ông dần dần trở nên bất ổn – và bất ổn nơi đất khách quê người quả là một tai hoạ. Ông không có nơi cư trú hợp pháp và cũng không có việc làm ổn định. Là một người đơn độc và đứng ngoài ở Ba Lan trước đây, cái số phận này xem ra còn bi thảm hơn nữa khi ông lạc lõng giữa xã hội các nước phương Tây. Ông trôi giạt từ nước này qua nước khác, vô vọng tìm kiếm cho mình một mái ấm ở một nơi không phải là quê hương của mình. Sau nước Pháp ông đi Ý, Thụy Sĩ, Tây Đức, và rồi tạm định cư ở Israel trong hai năm. Vì không phải là người Do Thái nên ông không được qui chế thường trú, và do đó cũng không có việc làm hợp pháp. Để kiếm sống, ông đã làm đủ mọi việc – trừ viết văn! Ông lái xe tải, làm việc tạp dịch, kể cả dắt mối – như lời tự sự trong cuốn hồi ký Piekni, dwudziestoletni xuất bản năm 1966. Trong thời gian ông sống tại Israel, ông gặp lại Sonja Ziemann, nữ diễn viên chính trong phim Ngày thứ tám trong tuần. Bà là một trong những tài tử điện ảnh nổi tiếng nhất của Đức vào những năm 50 và 60. Ông thành hôn với bà năm 1962, và cùng năm đó họ đi định cư ở Tây Đức.

Marek Hlasko & Sonja Ziemann
(Niemcy, 1958)
Trong cuộc sống tha hương, ông đã thành thật nhìn nhận: “… những gì không đến từ Ba Lan hoặc không liên quan đến Ba Lan thì tôi không quan tâm chút nào.” Lời phát biểu đó cho thấy một nỗi đau thảm thiết mà ông phải chịu với cuộc sống lưu vong. Ông mất cảm hứng vì mất đối tượng, mất độc giả – hầu như bị tê liệt. Thực tế hàng ngày là nguồn động lực vô hình cho những suy nghĩ có tính cách sáng tạo. Ông không còn chứng kiến cuộc sống đó hàng ngày nữa, cho nên hầu như ông không cầm bút nổi – không chỉ vì bận rộn với cuộc mưu sinh. Luôn luôn trong những lời phát biểu về sau này ông cũng “hẹn một ngày về”, và điều đau buồn ngày càng thấm thía cho đến chết của ông vẫn là quê hương tuy gần mà xa quá. Khi quyết định không về nước để khỏi rơi vào rọ, ông đã gởi cho chính quyền Ba Lan một lá thư ngỏ với lời lẽ thống thiết và thẳng thắn nói lên khát vọng của người dân muốn thấy những cải cách triệt để. Bức thư này không hề xuất hiện trên báo chí Ba Lan.

Sau khi lập gia đình và cuộc sống có phần nào ổn định tại Đức, ông trở lại công việc sáng tác bình thường hơn. Ông có viết trong thời gian này một tiểu truyện lấy bối cảnh là nước Ba Lan Cộng Sản dưới thời Stalin, xuất bản năm 1967, nhưng tất cà những truyện khác có bối cảnh hoàn toàn mới, dựa trên thực tế cuộc sống sau này của ông tại Israel. Bốn năm tiếp theo sau đó, trong khoảng 1962 và 1966, Hlasko cho ra đời hai tiểu truyện và bốn tiểu thuyết trong đó ông viết về cái thế giới tối tăm ở dưới và ở ngoài luật pháp của những con người tận đáy xã hội, khốn cùng, bế tắc, tuyệt vọng, trên bờ vực của tội ác hoặc đã chìm sâu vào tội ác. Hlasko đã thoát khỏi những mối quan tâm siêu hình đối với chân lý và cuộc sống. Vấn đề của những nhân vật mới của ông là đấu tranh để tồn tại trong cuộc sống chật vật hàng ngày, có những người phải làm bất cứ việc gì để kiếm sống - kể cả những việc phạm pháp. Trong những truyện như Giết con chó thứ nhì (Killing the Second Dog) và Tất cả đều quay lưng lại (All Backs were Turned) cũng như Những công việc bẩn thỉu (Dirty Deeds) và Cháy cơm (The Rice Burners), những nhân vật chính là những người bị vong thân, bị ruồng bỏ hơn là những kẻ chọn lựa đứng ngoài. Họ lạc lõng, sống bên lề xã hội – thường không có giấy phép làm việc mà cũng không có giấy tờ cư ngụ hợp pháp (“hộ khẩu thường trú”) – chính là hoàn cảnh của Hlasko trong hai năm 1959 đến 1961 tại Israel. Phải nói là so với những tác phẩm về xã hội Ba Lan, những tác phẩm về sau này còn ảm đạm, chua chát hơn. Vào thời đó ở nhiều nước phương Tây trong xã hội tràn ngập những người di dân bất hợp pháp từ những nước Cộng Sản cũng như những nước nghèo đói, chậm tiến ở châu Phi, châu Á tràn tới. Họ trôi giạt và tấp vào những nơi không tiếp nhận họ một cách chính thức. Họ không đến được với những cơ hội họ hằng mong. Bần cùng sinh ra đủ thảm kịch, và dễ hơn cả là tội ác, đạo tặc. Cho nên, cái chất trong những tác phẩm về sau này của Marek Hlasko tàn bạo và dữ dội hơn, vì bối cảnh của chúng là mặt trái của xã hội tư bản, đầy tội ác và phi tình.

Cuộc sống hôn nhân của ông ổn định không lâu. Năm 1966, họ quyết định ly thân, và ông quyết định thử thời vận ở Mỹ – nơi cuối cùng mà ông chưa biết trong thế giới phương Tây. Nhưng tại Mỹ, thêm một lần nữa, ông lại nếm “cay đắng mùi đời”. Ông cũng phải sống “chui”, làm chui” vì không có được giấy tờ hợp pháp. Đến năm 1969, sau gần ba năm lưu lạc ở nước Mỹ, ông quyết định rời bỏ “vùng đất của những cơ hội” và trở lại “vùng đất hứa” Israel. Vào lúc này, khủng hoảng tinh thần của ông đã đến mức cùng cực. Cũng như nhân vật Agnieszka trong Ngày thứ tám trong tuần, ông bị mất ngủ kinh niên và phải thường xuyên dùng thuốc ngủ. Chuyến trở về Israel của ông vì thế đã không thành. Trên đường đi, khi ghé qua thành phố Wiesbaden, Đức, ông mất tại đó. Người ta tìm thấy ông ở một khách sạn, rõ rệt ông đã tự hủy mình bằng thuốc ngủ. Trong ba năm cuối của cuộc đời mình, ông chỉ hoàn thành được một tập truyện, ghi lại những kinh nghiệm của mình về cuộc sống trên nước Mỹ. Tập sách này chỉ ra đời sau khi ông mất.


Marek Hlasko mất khi ông mới 35 tuổi. Nếu còn sống, nay ông đã 72 tuổi, đã có thể thấy nước Ba Lan mới được hơn 15 năm và cũng đã chứng kiến được bao nhiêu chuyện “đổi đời” trên thế giới trong mấy thập niên biến động lạ kỳ vừa qua – những biến chuyển có thể đuợc gọi là “tất yếu lịch sử”. Marek Hlasko quả thực đã quá gian truân trong cuộc đời, ông cũng quá bất hạnh khi lựa chọn thời điểm cái chết, quá sớm nên không thấy được những thay đổi ông từng trông đợi – như nỗi trông đợi của những nhân vật trong Ngày thứ tám trong tuần.

Sau khi Stalin chết đi, Khruschev đã mở ra một thời đại mới mà người ta gọi là "băng rã" – một quyết định vĩ đại trong một triều đại kéo dài cũng được một thập niên và vẩn được xem là “làm nên thời đại”[5]. Sự cởi mở, thoải mái, mà người ta gọi là “chủ nghĩa xét lại”, không chỉ diễn ra ở Liên Xô mà còn ở nhiều nước Cộng Sản khác – không chỉ ở những nước Đông Âu vệ tinh. Ở Trung Quốc, năm 1956 Mao Trạch Đông phát động phong trào “Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng”, khuyến khích việc phát huy tư tưởng, phê bình Đảng và Nhà nước sau thất bại thảm hại của Kế hoạch ngũ niên lấn thứ nhất và chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của họ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không ít tai họa trong phong trào cải cach ruộng đất, cho nên cũng vội vàng đi vào “trăm hoa đua nở” theo kiểu Bắc Kinh. Nhờ thế mà nhóm Nhân văn Giai phẩm ra đời, và những tác phẩm của họ, một thời được truyền tụng dù không mấy công khai ở miền Bắc trong giới trí thức, văn nghệ sĩ, rồi bị mai một trong một thời gian dài vì sự cấm đoán của người cầm quyền, nay lại được trân trọng nhắc nhở trở lại.

Như vậy Marek Hlasko và Ngày thứ tám trong tuần không phải là những hiện tượng cá biệt – tác giả và tác phẩm đều là những sản phẩm đặc thù của một thời đại. Vào thời của chúng, đó là những bản cáo trạng, những phán quyết lịch sử đối với một chế độ. Chúng có thể có tác dụng thức tỉnh, uốn nắn, sửa sai; chúng có thể góp phần mở ra một thời cơ mới, thúc đẩy đến sớm hơn những thay đổi có tính cách “thời đại”, “tất yếu”, “không thể đảo ngược được”. Chúng đều là những nhân tố góp phần làm nên cuộc vận động lịch sử liên tục chấm dứt một thời đại này và mở ra một thời đại khác... Và trong trường hợp chúng không thể “làm nên được lịch sử” như người ta mong đợi, điều này chỉ có nghĩa là vai trò của chúng nhất thời chịu lu mờ trước “thời” và “thế”. Nhưng thời và thế thông thường chỉ là vấn đề giai đoạn. Cũng như một khi mây tan, bầu trời lại trở nên quang đãng, một khi thời và thế đã qua, có những giá trị lâu dài lại trở nên sáng tỏ. Những tác phẩm của một thời đại còn có giá trị như chứng tích. Và đọc lại Ngày thứ tám trong tuần 50 năm sau không chỉ để hiểu những chuyện xưa như cái khủng khiếp trong đời sống tinh thần của con người bình thường tại những nước Cộng Sản dưới thời Stalinít và sự thất bại của chủ nghĩa xã hội giáo điều trong mục tiêu kinh tế – chính là cứu cánh của chủ nghĩa cộng sản –, mà còn để nhận chân được rằng sau những kinh nghiệm đớn đau và đắt giá đó, điều mà người ta cần không phải là một giải pháp cho chủ nghĩa xã hội mà là một giải pháp cho những đất nước và dân tộc đã bị thoái hóa, chậm tiến oan uổng trong thế kỷ 20 vừa qua vì bất cứ lý do gì, kể cả vì chủ nghĩa xã hội đẹp như tranh vẽ.

 

<< Chương 11 & 12 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 748

Return to top