Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Đời què

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 340 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đời què
Lâm Huyền

     Trời nắng chang chang bỗng dưng sập mưa xuống. Nắng dữ dội và mưa xối xả. Nó lê ra cửa nhìn cái sân kín ngô nửa bắp nửa hạt mẹ phơi hồi sáng. Ngao ngán và bất lực. Nó trở vào nhà nằm khóc. Mưa ném xuống ngói bộp bộp, hắt những hạt li ti vào giường lên cả mặt nó.

Với ai không quen, khi ở nhà một mình lúc trời mưa giông tầm tã hẳn dễ phiền muộn lắm. Nhưng với nó, việc này diễn ra thường xuyên đến nỗi, nó gần như không còn cảm giác gì nữa, như một miếng bọt biển đã sũng nước bị vứt xuống đại dương mênh mông vậy. Từ khi rất bé, nó đã phải ở nhà trông nhà để mẹ và chị đi làm. Ngày đó, mỗi lúc trời mưa to, sấm sét đì đùng, nó khóc thét lên rồi lê lết bò xuống gậm giường. Nó sợ. Đã nhiều người trong cái làng này chết vì bị sét đánh. Cả cây cối trâu bò cũng vậy. Biết đâu đấy. Nhưng rồi, một mình mãi, sợ mãi dần dà thành quen. Đến bây giờ nó trở thành con người đã tật nguyền lại câm điếc. Nó nhắc mình hãy cố gắng làm một con chó giữ nhà tốt, một đứa trẻ biết im lặng. Thế là yên thân rồi.

Nhưng cơn mưa hôm nay không cho nó được vô tình. Mưa đánh vào nó bao nỗi niềm. Buồn và cô đơn. Lo lắng và sợ hãi xâm chiếm lấy tấm thân nhỏ bé của nó. Nó nhớ như in cảm giác đau đớn khi thằng Thái (tên nó gọi thằng người dân tộc Thái) làm chuyện ấy cách đây hai tuần, cũng vào lúc trời mưa thế này. Nếu mẹ biết thì sao? Chết mất. Liệu có? Có thể chứ. Dù sao nó cũng đã 18 tuổi rồi. Nó tàn tật nhưng vẫn là một đứa con gái. Làm gì?

Vừa về đến đường ngoài mẹ nó đã chửi đổng. Có khổ thân không chứ. Ăn ở đâu mất đức mà Trời đày. Ngô với khoai. Thôi thì trôi hết đi. Mẹ vừa chửi vừa kể. Vẫn cái điệu chửi thông thường ấy. Trước đây đã thế, từ ngày chị đi lấy chồng mẹ càng chửi dữ hơn. Nó nghe mãi thành quen. Thường thì mẹ chỉ chửi để mà chửi. Nhưng có lúc vơ quàng vơ xiên thế nào lại sang cả chị em nó, rồi chửi chỉ mình nó. Có lúc chửi to, hàng xóm nghe được bảo mẹ vô tâm ác khẩu, đứa con tàn tật mà làm nó buồn. Nó buồn nhưng không trách mẹ. Những lần thế này chỉ thấy thương mẹ và giận mình.

Mẹ nó người miền xuôi. Nhà làm nông không giàu nhưng cũng có của ăn của để, lại là con gái độc nên rất được chiều. Một lần ngẫu hứng xin lên huyện miền núi Con Cuông chơi nhà bà con. Nhà này ở đây lập nghiệp đã lâu, làm nghề buôn gỗ, hàng ngày cánh thợ cưa, lái xe qua lại rập rình. Ngày đấy mẹ nó trắng trẻo xinh tươi lắm. Cánh thợ tán tỉnh dữ nhưng chỉ có chàng lái xe đẹp mã, nhà cách đó 6 cây số là thành công. Tất nhiên, bên ngoại nhà nó không đồng ý. Tuy nhà đông con nhưng chỉ được cô con gái muốn gả chồng gần. Mẹ nó nằng nặc dù sống với người mình yêu một ngày khổ mấy cũng chịu. Ông bà ngoại bất lực, sợ ép quá, tính mẹ nóng nảy lại làm liều nên đành chấp thuận.

Về làm dâu, mẹ mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Nghe đâu, ngày xưa bà nội nó cũng là người xinh đẹp hiền lành. Lấy ông đẹp trai, chỉ phải tội hay gái nên cay nghiệt với bà lắm. Bà sống không bằng chết. Rồi bà đổ bệnh. Lúc bà còn thoi thóp thở ông đã cho vào quan tài, để đến 10 năm sau bốc mả vẫn còn nguyên xương thịt. Chuyện là nghe người trong làng này kể lại, thực hư đến đâu không biết. Cái điều mẹ nó chắc chắn nhất là, nhà chồng chuyên làm nghề ăn cắp và đánh bạc. Cả nhà có một cô chị cả và 4 anh em trai nhưng chỉ cô con gái là người duy nhất chưa biết mùi tù ngục. Trước khi lấy mẹ, bố nó đã phải đi tù hai năm vì tội ăn cắp ngoài bến xe. Sau khi cưới vợ được năm tháng lại vào tù ngồi năm tháng tiếp. Mẹ nó vò võ ở chốn đất khách quê người, trong nhà có bố chồng hay gạ gẫm nên chán. Hình như có lần khi bố ở tù, giữa trưa bị ông chồm, sẵn có cào lúa trong tay, mẹ đã đuổi ông khắp vườn. Thế mới bị cả nhà chồng ghét. Đến lúc ra ở riêng đã coi như không nhìn được mặt nhau rồi.

Mẹ khuyên mãi bố không nghe. Chán. Mẹ im lặng nhưng không bỏ. Bố bắt đầu nghiện thuốc và bao bồ. Mẹ nó vẫn im. Rồi bố vào tù. Ba mẹ con nó ở nhà làm lụng nuôi nhau. Thỉnh thoảng mẹ có về thăm ông bà ngoại. Thương con, ông bà bàn bỏ rồi cả ba mẹ con về miền xuôi sống nhưng mẹ không nghe, ở trên miền ngược này lầm lũi làm, lầm lũi chờ bố nó. Một lần nghe tin bố vượt ngục. Khoảng một tuần sau bố về làng. Ngày giỗ bà, dù không muốn, chị em nó vẫn bị mẹ bắt lên nhà ông ăn cỗ. Mẹ cũng lên nhưng chỉ thắp hương xong rồi về. Lần đó, khi chị cõng nó từ nhà nội về, thấy bố với cô Khương - sau này nó mới biết tên - đang quần nhau trong nhà kho bỏ dở. Hai chị em vừa đi vừa khóc đến tận nhà. Mẹ cũng biết, và biết nhiều hơn những gì chị em nó thấy. Tối bố về. Hai bố mẹ nói chuyện với nhau. Bố nó ở lại nhà, ngày chui vào sập lúa, đêm khuya ra với mẹ con nó. Mấy ngày qua đi không thấy động tĩnh gì. Một hôm bố không chịu được đang ban ngày ban mặt bò ra ngoài, bảo nó ngồi ở thềm canh chừng. Được vài tiếng, công an vào. Từ đó nó không được gặp bố. Nghe nói sau đó bố đánh người vượt ngục thêm lần nữa nhưng không thành và phải chịu mức án hai mươi năm tù giam ở nhà tù tỉnh. Mẹ không nhắc gì tới bố nữa. Lâu lắm mới thấy mẹ vắng nhà một ngày, không biết có phải đi thăm bố không.

Đời mẹ què quặt là thế. Cho nên mẹ thương nó lắm. Thỉnh thoảng mẹ vuốt tóc nó lẩm bẩm “cái con chị trời đánh làm khổ con tôi thế này đây”. Rồi khóc. Lúc sinh nó, mẹ chắc hẳn cũng tự hào vì ít ra, nó là đứa trẻ lành lặn lắm chứ. Nhưng có lẽ hơi bé. Có phải vì thế mà lúc nó hơn một tuổi, chị bế mới đánh rơi nó xuống nhà. Ai cũng tưởng nó không sống được mà rồi nó sống. Nó bị liệt và teo mất một chân. Chân còn lại mãi chỉ nhỏ và ngắn như chân đứa con nít mười tuổi. Mông lại bành ra to hơn người nên mỗi lúc muốn dịch chuyển nó phải ngồi và nhích bền bệt giữa nhà. Sau này tập dần nó cũng đứng dậy vin vào thành giường nhảy lò cò được mươi bước. Người nó bị thế nên không phát triển được, bé choắt. Đã 18 tuổi rồi mà nặng chưa được ba chục cân, thấp lũn cũn, làm gì cũng cần người giúp, từ việc đi vệ sinh cho đến kì kinh nguyệt. Chị nó từ bé thay mẹ chăm bẵm hầu hạ nó. Đời chị vì nó mà làm cho liên luỵ. Tuy nhà nghèo đầu tắt mặt tối nhưng chị học lại rất khá. Thế mà phải bỏ học giữa chừng đi làm công nhân nhà máy đường. May vẫn có người thương. Chần chừ mãi rồi mẹ nói được câu động viên:

- Thôi kiếp tao đã khổ. Kiếp em mày cũng khổ. Hai chúng tao nuôi nhau. Mày tính chuyện mày đi.

Chị khóc tức tưởi. Bên anh chồng giục mãi chị mới cho cưới. Từ đó đến nay đã được năm tháng rồi.

Còn lại hai mẹ con nó, mẹ lại càng hay vắng nhà hơn. Cả nhà được chia ruộng cho bốn nhân khẩu, khi bố đi ở tù và chị lấy chồng, mẹ vẫn tham công tiếc việc, làm hết không cho một ai. Thành ra mẹ làm cả ngày, trưa chỉ choạng về ăn cơm với nó một chút rồi đi. Đã thế nhà nó ở tận cuối làng, giữa ngã ba đường. Một ngã vào làng, hai ngã nữa hướng vào nghĩa địa và vào rừng. Chính con đường vào rừng đã đem lại cho xóm dưới làng nhà nó đỡ hiu quạnh đi nhiều. Bởi vì hàng ngày có bao nhiêu người, đặc biệt là các anh vào rừng chặt gỗ. Ở đây, không những làng này mà cả xã này đều không có phong trào học hành. Từ khi thành lập làng đến giờ đã ngót năm chục năm mới chỉ có 3 chị em con ông Kha xa làng đi học Đại học. Mà ông Kha cũng đâu phải là dân lao động thuần tuý chứ. Cả hai ông bà đều thoát li mà lị. Người ta vẫn bảo bì sao kịp. Còn lại số đông thanh niên trong làng đều chỉ học hết cấp hai, nhiều nữa cũng là cấp ba rồi nghỉ. Con gái thì về làm đồng, chờ vài năm lấy chồng coi như xong. Con trai đứa làm công nhân, đứa làm đồng nhưng phần lớn vào rừng chặt gỗ bán. Cũng may là rừng này còn có nhiều gỗ nên đời sống còn khấm khá. Hàng ngày mọi người vẫn đi qua, có khi nhìn vào nhà nó một cách vô tình, hờ hững như nhìn bao mái nhà khác trên con đường này. Nhưng với nó, đó lại là một phần cuộc sống. Sáng sáng, nó ngồi mãi bên cửa sổ nhìn và lắng nghe những tiếng bước chân, tiếng rì rầm của con người và tiếng hục hạc trên cổ trâu. Nó cười. Mọi cái đó tưởng như bình thường đến nỗi đôi lúc nó không ý thức được nó đang nghe gì. Chỉ đến những ngày mưa người ta tạm nghỉ không vào rừng, nó mới nhớ âm thanh quen thuộc đó. Và buồn.

Gần đây không chỉ dân làng nó mà những làng thân cận cũng liên tục vào cánh rừng này. Ngay cả hai làng của người dân tộc Thái bên kia khe cũng rầm rập người sang đây kiếm củi, chặt gỗ. Vì vậy, mẹ nó đã đặt cái tủ li cũ kĩ ra thềm, bày ra đó vài thứ lặt vặt để nó bán. Cũng chả có gì ngoài vài gói bánh kẹo, mấy bánh lương khô, đôi ba chai nước mắm rẻ tiền, rồi diêm, hương, thuốc lào, thuốc lá con cò… ấy thế mà ngày nào cũng có người tạt qua mua dăm ba thứ. Rồi cũng quen. Cái gì lâu mà chẳng thành quen. Dần dà nhà nó không chỉ là ngôi nhà biệt lập, là cái quán mà nó thân quen hơn với mọi người. Thế mới có người trời mưa xin vào trú chứ.

Hôm đó, cách đây đúng hai tuần rồi. Một cơn giông đến quá nhanh khiến mọi người ai cũng ngỡ ngàng. Thằng Thái chạy hùng hục vào nhà, thấy nó xin trú nhờ. Đến bây giờ nó còn không nhớ rõ cái thằng đó đã nói gì. Nó nói gì nhỉ? Chả gì cả. Nó hỏi tên, hỏi tuổi, hỏi mẹ đi đâu và vài ba câu lặt vặt. “Lạnh không”. Nó cười. “Ở nhà một mình à”. Nó gật đầu. “Thích không?”. Nó lắc đầu. Hẳn đứa con gái nào ở nhà một mình vào cái tuổi này, trong nhà lại có người đàn ông lạ sẽ rất dè chừng. Nhưng với nó, sự ngu dại đã khiến nó trở thành đứa trẻ vô tư và ngớ ngẩn. Sau này nó nghĩ lại mình ngu. Mà ngu là đúng thôi. Đời nó mới được hai năm cắp cặp tới trường, học hết lớp 2 mẹ bảo học cũng chả để làm gì, lại phiền thêm một người phải đưa đi đón về nên nó nghỉ. Ti vi không, sách báo không (có thì chắc gì đọc được?). Mẹ nó do vô tâm hay nghĩ không cần thiết mà chẳng bao giờ nói với nó các chuyện mà những cô gái lớn thường vẫn được dạy bảo cả. Ngay lần nó có kinh nguyệt đầu tiên nó còn khóc nức nở, gọi mẹ toáng lên vì nghĩ mình có bệnh. Làm sao nó không ngu được. Vì nó ngu nên nó cứ ngồi đó, mắt dán vào thằng Thái vừa ở rừng ra, đầu tóc khô khốc, mặt mũi đen sì, quần áo sắp mục đến nơi dính đầy quáu bẩn. Ngửi mùi thum thủm của người ta nó còn bật cười. Và thương. Dù sao nó vẫn còn sung sướng chán. Người ta nhìn nó, nó vẫn cười. Cho nên, khi cơ thể kia bất ngờ đè lên nó, nó chỉ dám ới lên một tiếng rồi đưa hai tay yếu ớt ra chống đỡ. Nó muốn kêu nhưng trời mưa to thế này có ai nghe? Với lại kêu ai bây giờ? Trước mặt nhà nó, cách một con đường là nhà của hai người ngây, lấy nhau hai chục năm không sinh được mụn con nào nên điên điên dở dở. Bên kia, cách cả 2 mảnh vườn là nhà 2 ông bà đại keo kiệt, rất ghét nhà nó chỉ vì bố nó phải đi tù. Họ là người dưng. Nhưng nhà bác gái nó bên này thì sao? Thì đấy. Ghét cay ghét đắng nhà nó có hơn gì. Nó không bao giờ quên những ngày giỗ bà nội, ba mẹ con nó lên thắp hương, bác đứng bĩu môi nguýt dài đánh thượt. Vậy thì biết nó đang bị người ta cưỡng hiếp, bác nó có sang không? Hay lại đứng bên kia chong chỏng và ngày mai cả làng biết. Nó chống đỡ một lúc rồi khóc hư hử. Cái thân hình trên người nó nặng quá. Nó thấy mình như nghẹt thở. Hai chân của nó khép chặt vào nhau. Do lần đầu hay vì nó bệnh mà làm cái việc đó khó thế. Thỉnh thoảng thằng Thái lại banh cái chân nó ra làm nó đau điếng. Khi mọi việc xong xuôi, thằng Thái đi rồi, nó vẫn nằm đấy. Cảm giác đau rát xâm chiếm toàn thân nó. Nó không khóc thành lời vì cổ nghẹn ứ lại. Nhưng nước mắt thì chảy ra ầng ậng tràn hết vào tai nó. Tối mẹ về thấy nó nằm trên giường khóc. Mẹ hỏi. Nó bảo tập đi bị ngã đau chân. Vài ngày đấy mẹ giục đưa đi khám xem xương xẩu thế nào, nó bảo không sao. Những ngày sau, trước mặt mẹ, nó cố tỏ ra bình thường. Dần dần rồi cũng hết đau.

Từ đó, những người qua đường đi vào rừng lại càng có ý nghĩa hơn với nó. Nó không thiết gì bán hàng nữa, từ sáng sớm đến tối mịt cứ chăm chăm nhìn ra đường. Có người nào, con trâu nào đi qua, nó nhìn thật kĩ như sợ bỏ sót thì không nhìn lại được vậy. Nó hi vọng gặp được thằng Thái đó lắm. Vì gì? Không phải vì quen hơi bén mùi mà vì nó căm thù. Gặp thì với thân hình yếu ớt của mình nó sẽ làm được gì? Không làm được gì nó cũng muốn chửi một câu chó đểu. Vậy mà nó không gặp. Hay gặp mà nó không nhớ ra nữa? Dù sao quanh làng nó có đến 3 con đường đi vào rừng!

Hai tháng sau cái ngày khổ nhục đó, mẹ nó hỏi:

- Sao mày tắt kinh?

Nó run lẩy bẩy mặt đỏ au không nói gì. Mẹ nó hỏi có bệnh gì nói để đi bệnh viện? Thật ra mặc dù không nôn oẹ như người ta nhưng nó đã thấy trong người khang khác. Lạ lắm. Và nó chờ đợi ngày con gái đã cách đây một tháng nhưng không thấy gì. Nó hiểu. Vì đã có lần vô tình nó nghe chị kể với mẹ như thế, mẹ mừng bảo chị có chuyện vui rồi. Nó sợ lắm. Từ ngày chị đi, mẹ là người duy nhất giúp nó trong chuyện này. Nó chờ đợi mẹ hỏi nhưng mẹ không hỏi. Đến bây giờ mẹ hỏi nó đây. Nó oà khóc nức nở. Nó khóc dài. Mệt quá không khóc được nữa. Mẹ nó thì cứ choang choảng một bên. Nó hít một hơi thật sâu, và nhắm mắt lại nói. Nhưng là của ai? Là của ai chứ? Làm sao biết được? Mẹ nó điếng lịm mất 1 phút rồi cũng oà khóc như nó, không, khóc to hơn nó chứ. Cứ thế hai mẹ con khóc. Hôm đó, hôm sau rồi hôm sau nữa...

Nhà neo người đã buồn bây giờ lại ảm đạm hơn. Nó tưởng như trong nhà có người chết. Nó ở nhà suốt nên không biết làng xóm có biết, mà biết thì có nói gì nhiều không? Chắc là nói nhiều chứ. Bởi vì những người đi rừng qua đã nhìn vào nhà nó nhiều hơn, bớt vô tình hơn. Với lại, mỗi lần đi đâu về, mẹ nó lại chửi đổng. Mẹ chửi nó ngu. Cứ đi làm về là chửi. Chửi thế thôi nhưng lại không nói gì đến chuyện phá đi cả. Mẹ càng chửi nó ra rả thì càng chăm sóc nó. Gà đẻ được quả nào luộc ngay luôn quả đó. Có miếng thịt cũng dành cho nó, còn mình vẫn bát canh rau qua bữa vậy. Càng ngày cái thai càng to khiến nó không thể nào đi lại được, chỉ ngồi lê lết thôi. Chị về thấy thế bật khóc. Nhưng nó buồn chán rồi, sợ chán rồi nên bây giờ lại thấy vui vui. Nó đã dần cảm nhận được một mầm sống đang được nuôi trong người nó. Nó thường nhìn xuống bụng và cười. Nó biết, bố nó khốn nạn với mẹ nó nhưng chị em nó thì không. Cho nên con nó sẽ không giống thằng Thái mà khốn nạn với nó. Con nó sẽ ở bên nó suốt đời, cả sau này khi nó già cả. Nghĩ đến đó lòng nó ấm áp lạ. Không biết nó nên nguyền rủa hay cảm ơn thằng Thái đây.

Mới được hơn bảy tháng nó đã trở dạ. Mẹ nó cuống. Cuối cùng phải tất tả nhờ người đưa đi bệnh viện huyện cách nhà đến 6 cây số. Con người ta đã căm ghét ai thì ngay cả khi kề bên cái chết cũng bất cần. Chả thế mà trong lúc nước sôi lửa bỏng này mẹ nó có thiết gì anh em nhà bố nó. Một mình hai mẹ con ở bệnh viện 2 ngày trời. Con đau con gào, mẹ cũng gào theo. Đến ngày thứ 3 thì nó đau dữ dội. Bác sĩ bảo nó phải mổ. Sau hơn giờ đồng hồ chờ đợi thấp thỏm, mẹ nó hét lên một tiếng thất thanh và ngất lịm đi…

Thế là nó chết.

Đám tang của nó cả làng đi đưa. Một phần vì người ta thương nó. Phần nữa do tò mò. Vì tin đồn về chiếc quan tài đặc biệt dành cho nó. Một chiếc quan tài của trẻ con. Nhìn cảnh mẹ nó ngất lên ngất xuống và khi chiếc quan tài dịch chuyển ai cũng trào nước mắt. Cái chết của nó và buổi đưa tang vẫn được người làng nhắc mãi cả tuần sau.

Nó chết. Nhưng đứa con gái bé tẹo chỉ nặng được 1,8 kg vẫn sống. Có người mẹ vừa mất con trong lúc sinh nở nài nỉ để được nuôi đứa bé nhưng mẹ nó không cho. Đêm đêm, người ta vẫn nghe tiếng khóc. Tiếng khóc của trẻ con the thé và tiếng ru trầm đục của người bà, lẫn vào đó đôi lúc là tiếng khóc ư ử…

Có người Thái nào vào rừng đi qua nhà nó nghe tiếng trẻ con khóc mà đứng lại nhìn không? Có hay không cũng để làm gì? Nó đã chết rồi. Ai biết đấy là đâu!



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 241

Return to top