Từ Thương Châu đi Xích Luyện Phong ước chừng khoảng bốn năm trăm dặm dường. Chỉ cần ba ngày là đến nơi. Vì thế không cần mang nhiều ngân lượng, thực phẩm, nước uống, ngựa. Thậm chí cả trại ngủ, đèn đuốc, áo che mưa cũng không cần chuẩn bị.
Trước cửa Tướng quân phủ Thương Châu. Bốn chục tráng hán oai phong lẫm lẫm đứng trước mặt Thời Chính Đông, Chu Lãnh Long hai vị đại tướng. Bốn mươi người này ai ai cũng anh dũng hữu thần. Không phải là bộ tướng đã cùng Thời, Chu hai vị Tướng quân vào sinh ra tử nơi sa trường, thì cũng là cao thủ do đích thân hai người huấn luyện. Đây có thể nói là những thuộc hạ tinh nhuệ nhất của Thời Chính Đông, Chu Lãnh Long hai vị Đại tướng, cũng có thể nói, đây là đội quân anh dũng thiện chiến nhất Thương Châu thành. Những người này ít nhất cũng có một hai sở trường, có một hai tuyệt kỹ đặc biệt.
Thời Chính Đông, Chu Lãnh Long chỉ cầu bắt được Sở Tương Ngọc, tự nhiên không để họ mặc y phục quân lính, tránh khỏi đả thảo kinh xà. Mệnh lệnh hạ xuống, tất cả nhất loạt đều phục dân trang. Bốn mươi người này, từ thư sinh, kiệu phu, khất cái ... đến cả ngư phủ cũng có.
Thiết Thủ nhìn đại đội binh sĩ, trong lòng cũng không khỏi thầm tán thưởng.
Thời Chính Đông đỉnh đỉnh đại danh «Thương Châu Trấn Phủ Tướng Quân», quả nhiên điều giáo hữu phương, dưới trướng không có kẻ bất tài. Còn Chu Lãnh Long tuy là phó tướng, nhưng khí độ ngùn ngụt, quyết không kém so với Thời Chính Đông bao nhiêu.
Thời, Chu hai người chia quân số thành ba đội. Hai mươi người giả làm đoàn bảo tiêu, làm chủ lực. Thời Chính Đông, Chu Lãnh Long giả làm hai lão phú thương. Ngũ Cương Trung cải trang thành tiêu sư, còn Chu Bạch Tự và Bạch Hân Như giả dạng làm một cặp công tử, tiểu thư, kim chi ngọc diệp. Phó đội gồm có:
ba khiếu hóa tử, hai kẻ bán thuốc rong, một vị toán mệnh tiên sinh, bốn người khiêng kiệu – tổng cộng mười người. Bên trong kiệu chính là Điền Đại Thố, y chính là đội trưởng đội này. Nhiệm vụ là đi sau chủ lực bảy tám dặm, nếu như có chuyện xảy ra sẽ kịp thời tiếp ứng.
Đội còn lại gồm có:
hai văn sĩ, hai tiều phu, một người gánh hàng thuê, một ngư phủ, hai đạo sĩ, một lang trung, một lão bộc già. Lão bộc dẫn theo một bệnh nhân. Bệnh nhân chính là đội trưởng của đội này – Liễu Nhạn Bình. Nhiệm vụ là đi trước chủ lực bảy tám dặm, thám sát tình hình.
Lúc này «Nam Trại» lão trại chủ Ngũ Cương Trung, «Bắc Thành» thiếu Thành chủ Chu Bạch Tự và «Tiên Tử Nữ Hiệp» Bạch Hân Như đã gặp gỡ chào hỏi Thiết Thủ.
Thiết Thủ thấy người được xưng là «Tam Tuyệt Nhất Thanh Lôi» Ngũ Cương Trung này niên kỷ đã quá thất tuần, nhưng càng già càng tráng kiện, gương mặt hồng hào, ngân tu bạch phát vô cùng oai phong, mới nhìn cũng biết là cao thủ kiêm thông nội ngoại công phu. Lần này Ngũ Cương Trung xuất môn du hiệp chỉ dẫn theo hai thuộc hạ trong Nam Trại. Hai người này trong võ lâm cũng có thể xem là có chút danh tiếng. Một người là «Hắc Sát Thần» Tiết Trượng Nhị, người kia là «Địa Đường Đao» Nguyên Hỗn Thiên. Một người cao to khôi vĩ, sử táng môn bổng dài trượng hai, thần lực kinh nhân. Một người đầu khỉ mắt chuột, thân hình thấp lùn, sử đôi liễu diệp đao chuyên công hạ bàn địch nhân.
Còn «Bắc Thành» Thành chủ Chu Bạch Tự tuy niên kỷ trẻ trung nhưng thần khí an nhiên tự tại, mục quang sắc tựa đao kiếm, gương mặt tuấn tú phong lưu, nhưng không thị tài mà tự kiêu. Hiển nhiên đã từng lăn lộn trong gió cát giang hồ nhiều năm, nhưng tuyệt không vì đó mà mất đi tráng trí lăng tiêu của tuổi trẻ.
«Tiên Tử Nữ Hiệp » Bạch Hân Như mặt mày thanh tú, da trắng như tuyết, thân hình thướt tha dịu dàng, giữa hai hàng lông mày ẩn hiện anh khí, chẳng trách người giang hồ đều nói Chu Bạch Tự và Bạch Hân Như là một đôi ngọc bích của võ lâm.
Bọn Chu Bạch Tự, Bạch Hân Như, Ngũ Cương Trung sơ kiến Thiết Thủ, càng vô cùng kinh ngạc. Chỉ thấy thanh niên nhân này ẩn tàng khí độ của một võ lâm tông chủ, cử chỉ u nhàn đạm nhã. Ai ai cũng nghĩ người được xưng là Thiết Thủ, chắc hẳn phải mặt mũi lầm lì, ánh mắt lúc nào cũng quắc lên. Gặp rồi mới biết, Thiết Thủ là một thanh niên nhân khiêm cung hữu lễ, ôn hòa phong nhã như vậy.
Mọi người gặp nhau, hàn huyên mấy câu, rồi lập tức lên đường. Bọn Thiết Thủ thấy đội ngũ chỉnh tề, có hàng có lối, trong lòng cũng thầm thán phục hai người Thời Chính Đông, Chu Lãnh Long.
Chúng nhân cưỡi ngựa không ngừng nghỉ. Truy đuổi bốn ngày, đã đi được ba bốn trăm dặm. Thám tử hồi báo, một ngày trước bọn Sở Tương Ngọc vẫn còn ở vùng phụ cận. Mọi người biết đã sắp đến Xích Luyện Phong, cũng biết sắp đuổi kịp Sở Tương Ngọc, vì thế đều không dám chậm trễ, gia tăng giới bị, tăng tốc đuổi theo.
Hôm nay, đã đuổi đến gần Hổ Vĩ Khê, cách Xích Luyện Phong «Liên Vân Trại» chỉ bảy tám chục dặm. «Phi Yến» Liễu Nhạn Bình và mười người nữa đến đây đầu tiên. Đoàn người vì đã đi liên tục mấy ngày nên vô cùng mệt mỏi. Thêm vào Thời Chính Đông cũng có lệnh, khi đến gần «Liên Vân Trại» năm mươi dặm thì tập hợp ba đội, đề phòng địch nhân thừa cơ tập kích. Vì thế Liễu Nhạn Bình cũng thấy không cần vội vã.
Ở Hổ Vĩ Khê có một tiểu thôn khoảng hai trăm nhân khẩu, cũng không có gì ăn cả. Liễu Nhạn Bình dặn dò thủ hạ gia tăng cẩn thận, nhưng vì gió to tuyết lớn nên đành ra lệnh cho mọi người vào một tửu điếm nhỏ, nghỉ ngơi đợi quân chủ lực.
Nơi này cũng có xe lừa, xe ngựa nhưng nói chung cũng chỉ có người giàu mới có mà ngồi. Những người nghèo chỉ dựa vào đôi chân đi bộ, từ tòa thành này sang tòa thành khác. Thời buổi loạn lạc, giữa đường gặp cướp là chuyện hết sức bình thường. Bởi vậy, một đoàn mấy người nghề nghiệp bất đồng đi với nhau cũng không phải chuyện lạ.
Bây giờ Liễu Nhạn Bình trông giống như một bệnh nhân. Một lão bộc đỡ bên. Một lang trung chăm sóc. Ngoài ra còn có một người gánh hàng thuê, hai văn sĩ, hai tiều phu, hai ngư phủ, hai đạo sĩ. Ngoại trừ mấy câu nói ngẫu nhiên, xem ra thì giống như là một đoàn người đi với nhau để phòng cướp. Ai biết được họ lại là những hảo hán đứng đầu trong quân đội Thương Châu?
Liễu Nhạn Bình thầm dặn dò thuộc hạ chỉ được gọi ít rượu, uống cho ấm người, tuyệt không được say rượu làm càn.
Thuộc hạ của Thời Chính Đông đâu phải là nhân vật tầm thường. Mỗi lần ăn uống nơi dã điếm, tửu lâu đều phải dùng ngân châm thử trước, phát hiện không có độc mới bắt đầu ẩm dụng.
Chưởng quầy và tiểu nhị thấy một đoàn mười hai khách nhân, vội vàng đi ra tiếp đón. Lão chưởng quầy ước chừng năm chục tuổi, thấy Liễu Nhạn Bình có vẻ là con nhà phú quý, càng thêm trọng vọng chiêu đãi. Chỉ thấy lão chưởng quầy sắc mặt vàng vọt, quát gọi ba gã tiểu nhị khỏe mạnh vác ra ba hũ rượu lớn, đặt trên bàn cho khách nhân.
Liễu Nhạn Bình đưa mắt nhìn một cái. Một người liền lấy ra một cây ngân châm, nhúng vào kiểm tra, thấy không có độc, mọi người đều lấy làm yên tâm.
Những người trong quân đều yêu rượu như mạng, bây giờ được Thống lãnh cho phép uống rượu để giữ ấm, trong lòng tự nhiên đại hỉ. Một quân sĩ giả làm tiều phu nhấc hũ rượu lên uống một hơi dài. Chỉ thấy hương thơm ngào ngạt, liền đưa cho một binh sĩ khác giả làm ngư phủ ngửi thử.
Liễu Nhạn Bình là tướng lĩnh từng thân kinh bách chiến, đột nhiên cảm thấy máu huyết sôi trào, tựa hồ như sắp có chuyện xảy ra, lại như có chút gì bấp bênh, nhưng cũng không tìm ra điểm nghi vấn là gì? «Phi Yến» Liễu Nhạn Bình là nhân vật hết sức tỉ mỉ cẩn thận, liền không động thanh sắc, ngồi yên định thần, tai nghe tám phương, mắt nhìn bốn hướng, cẩn thận phòng bị.
Lão chưởng quầy mặt mày hớn hở bê một hũ rượu đến.
Mọi người cũng gọi thêm một ít đồ nhấm. Con sâu rượu trong bụng bắt đầu động đậy, đã thử qua trong rượu không có độc, nên ai cũng yên tâm. Một binh sĩ đóng giả người gánh hàng thuê tiếp lấy hũ rượu, thấy niêm phong còn chưa bị bóc.
Lão chưởng quầy cười nói:
– Đại gia mời dùng trà, đây là «Trúc Diệp Thanh» do bổn hiệu tàng trữ lâu năm, khẳng định đại gia sẽ vừa ý.
Gã binh sĩ kia vui mừng khôn tả.
Liễu Nhạn Bình đột nhiên cảm thấy bất an, dường như đã tìm ra manh mối, đanh định cản trở. Tên kiệu phu đã thuận tay bóc niêm phong. Lão chưởng quầy đã lùi ra xa. Chỉ nghe từ trong hũ rượu phát ra một loạt tiếng «phụt phụt phụt ...», gã binh sĩ kêu lên thảm thiết, lập tức gã xuống. Trên mặt, trên thân đã cắm ít nhất hai mươi ngọn đoản tiễn.
Nguyên lai, hũ rượu này chính là một hộp tên. Sau khi mở niêm phong lập tức phát động cơ quan. Đáng thương cho tên binh sĩ đóng giả người gánh hàng thuê, y làm sao tránh nổi? Hai đạo sĩ ngồi cùng gã thấy vậy lập tức vung tay lên đánh ra một hồi, đánh rơi bảy tám mũi đoản tiễn. Một đạo sĩ bởi xuất thủ hơi chậm nên đã trúng phải một ngọn đoản tiễn.
Chúng nhân nhất thời đại loạn, lục tục bạt đao bạt kiếm. Bởi những người này không muốn để lộ thân phận, vì thế đao kiếm đều phải giấu kỹ sau lưng. Khi muốn lấy ra, thì phải cởi áo mới được. Lúc này, ba tên tiểu nhị đã cầm đao trong tay, một đao bổ xuống.
Một binh sĩ đóng giả làm ngư phu, đầu lập tức bị chém làm hai mảnh. Một văn sĩ khác vội vàng đưa tay lên đỡ. Một tiếng «phập» vang lên, cả cánh tay đã rơi xuống đất. Lão lang trung thập phần cơ cảnh. Người vừa nhích ra tránh được một đao, kiếm đã cầm chắc trong tay, cùng tên tiểu nhị đánh nhầu một lượt.
Một gã binh sĩ giả làm tiều phu rút búa ra định phản kích. Đột nhiên cảm thấy đầu váng mắt hoa, lảo đảo không vững. Một ngư phủ cũng bạt đao xông lên, nhưng chỉ kêu được một tiếng rồi ngã xuống đất.
Lão chưởng quầy đột nhiên rút ra hai ngọn đoản đao, nháy mắt đã kết liễu hai sinh mạng.
Trong nháy mắt, do bất cẩn mà tổ của Liễu Nhạn Bình đã mất đi bốn mạng, bị thương một người. Tiều phu và ngư phủ vừa bị lão chưởng quầy giết hiển nhiên là đã trúng phải độc trong rượu. Nguyên lai trong rượu tuyệt không có độc, nhưng trong hương rượu lại có mê hương. Bọn này quyết không phải kẻ tầm thường.
«Bách!» Lão chưởng quầy đã rút ra hai lưỡi đao lao đến tấn công văn sĩ vừa bị cụt tay, định giết nốt y cho rảnh tay.
Liễu Nhạn Bình thân như yến tử, chớp mắt đã đứng chặn trước mặt lão chưởng quầy. «Choeng» một tiếng, miến đao quấn quanh hông đã bạt ra. Miến đao múa lượn, chớp mắt đã công ra mười tám đao liên tiếp!
Lão chưởng quầy cả kinh thất sắc, liên tiếp lui mười tám bộ mới tránh khỏi được mười tám đao của họ Liễu. Lão chưởng quầy giờ mới biết gặp được đối thủ chính, liền không dám phân thần, hai lưỡi đao giương lên, nháy mắt đã phản kích ba mươi sáu đao!
Liễu Nhạn Bình thấy đao cản đao, thấy chiêu tiếp chiêu, tiếp đủ ba mươi sáu chiêu, trong lòng liền sáng tỏ, vội hét lớn:
– Ngươi là gì ở «Liên Vân Trại»?
Đao thế đột nhiên biến đổi, một đao bổ xuống, đao phong phá không.
«Chát» một tiếng vang lên, sau đó còn có tiếng «oong oong» đọng lại. Sau khi đao xuất ra, lực đạo còn khiến miến đao rung động không thôi!
Lão chưởng quầy thoạt nhìn, biết ngay thứ đao pháp này vừa lăng lệ vừa khoái tốc, tuyệt không dễ tránh khỏi. Chỉ thấy lão đưa song đao lên chặn đỡ đao của Liễu Nhạn Bình,cười cười nói:
– Hảo nhãn lực. «Liên Vân Trại» Bát Trại chủ chính là ta.
Lúc này đơn đao và song đao đã tiếp xúc, lão chưởng quầy bị chấn tới mức suýt đánh rơi cả hai lưỡi đao.
Liễu Nhạn Bình cũng cảm thấy hổ khẩu tê rát. «A» lên một tiếng nói:
– Ngươi là «Song Nhận Sưu Hồn» Mã Chưởng quầy?
Lão chưởng quầy cười lạnh:
– Đúng vậy!
Đoạn đưa song nhận đao lên tấn công mãnh liệt.
Nguyên lai «Liên Vân Trại» là tổ chức thổ phỉ lợi hại nhất một dải Thương Châu, nhân số có đến bốn năm trăm, tổng cộng có chín vị Trại chủ. Đứng hàng thứ tám là «Song Nhận Sưu Hồn». Hắn họ Mã, nguyên làm nghề chưởng quầy nên người trong giang hồ đều gọi là Mã Chưởng quầy. Gọi mãi thành quen, đến nỗi ngay cả cái tên của hắn cũng quên cả rồi. Các Trại chủ «Liên Vân Trại» tự nhiên là võ công người này cao hơn người kia. Tên «Mã Chưởng quầy» này cũng có thể nói là thuộc hàng võ công cao cường phi thường rồi.
Năm binh sĩ còn chưa bị thương, người nào người nấy thập phần dũng mãnh, vây lấy ba tên «tiểu nhị». Ba tên này tất cũng phải thuộc hàng đầu mục trên «Liên Vân Trại», võ công không kém.
Hai bên đánh nhau độ nửa tuần trà, văn sĩ cụt tay cũng nhảy vào tham chiến, đâm vào sau lưng tên «tiểu nhị» một đao, tên đó lập tức chết ngay.
Một tên khác thấy vậy đại nộ, vung đao bổ thẳng vào ngực văn sĩ.
Bởi đã cụt tay, né tránh không kịp nên văn sĩ đã trúng gọn một đao, nhưng thanh đao của y cũng đã cắm gọn vào tiểu phúc của tên «tiểu nhị». Lưỡng bại câu thương!
Còn lại một tên duy nhất, tâm hoảng ý loạn, bị một binh sĩ đá cho ngã nhào.
Bốn người kia lập tức lao đến giết luôn đi.
«Song Nhận Sưu Hồn» Mã Chưởng quầy và «Phi Yến» Liễu Nhạn Bình ác đấu bảy tám chục chiêu, chỉ thấy đối phương khinh công phiêu hốt khinh linh, hai lưỡi đao của hắn không thể nào chạm được vào một chéo áo của y, trong lòng hốt hoảng vô cùng. Liễu Nhạn Bình chợt thấy bên ngoài có tiếng chân chạy vào, biết viện thủ của Mã Chưởng quầy đã đến, lập tức hô lớn:
– Kiên thủ ở đây. Chia nhau cự địch.
Năm binh sĩ kia đều là hảo hán một chọi được mười, lâm nguy bất loạn. Mỗi người liền tìm chỗ kín đáo cạnh cửa để mai phục.
Quả nhiên «bình bình» một tiếng, từ ngoài cửa xông vào ba tên sơn tặc. Hai gã binh sĩ thủ ở trước cửa võ công rất khá, xuất kỳ bất ý giết luôn cả ba. Tiếp đó lại có thêm bốn tên nửa xông vào, cũng bị hai gã một đao kết liễu.
Lũ sơn tặc thấy không vào được cửa lớn, liền nghĩ đến chuyện xông vào từ cửa sổ. Tửu điếm này tổng cộng có ba cửa sổ. Chúng vừa từ cửa sổ nhảy vào, ba binh sĩ liền lập tức động thủ. Lại có thêm năm tên nữa nạp mạng. Lũ sơn tặc thấy vậy không dám xông vào nữa, chỉ đứng bên ngoài hò hét, ít nhất cũng phải trên ba mươi tên.
Mã Chưởng quầy thấy người của mình không xông vào được, trong lòng hoảng loạn thầm nhủ:
“Mình ta làm sao chống lại cả bọn này!”.
Liễu Nhạn Bình gặp phải thế công mãnh liệt, nhưng y thập phần trầm trọng, trấn định ứng phó.
Mã Chưởng quầy tâm hoảng ý loạn, thất thủ để lưỡi đao trong tay hữu cắm vào cột nhà, vội vàng rút về. Nhưng tay tả của Liễu Nhạn Bình đã dùng «Ưng Trảo» chộp lấy cổ tay của Mã Chưởng quầy, tay hữu huơ đao chém mạnh.
«Song Nhận Sưu Hồn» máu phun thành vòi, kêu lên thảm thiết:
– Ngươi ... ngươi ... chớ đắc ý ... cửu đệ ... đến ... ngươi chạy không thoát đâu ...
Nói chưa dứt câu thì đã ngã xuống chết tốt.
Liễu Nhạn Bình thập phần kinh hãi, nếu ba bốn chục tên ngoài kia nhất tề xông vào, e rằng năm binh sĩ kia không được may mắn như vừa nãy nữa. Lúc này chúng chưa thể tấn công là vì không hiểu binh pháp, hơn nữa đầu mục đều đã chết hết, không biết nên làm gì. Một khi «Liên Vân Trại» Cửu Trại chủ «Bá Vương Côn» Vân Thiên Long đến, một mặt chỉ huy hành sự, một mặt đích thân cầm chân y, năm binh sĩ kia sẽ lập tức mất mạng. Năm binh sĩ mà chết, đối phương sẽ quần công bản thân y, lúc đó chỉ sợ hung đa cát thiểu. Liễu Nhạn Bình biết tình thế giờ đã như ngàn cân treo sợi tóc, không đột vây thì còn đợi đến lúc nào?
Liễu Nhạn Bình đang định phát lệnh xông ra, chợt nghe thấy tiếng huyên náo liền ngó ra cửa quan sát. Trong lòng chợt thầm kêu khổ. Thì ra lại có thêm hơn mười tên sơn tặc nữa đang đến. Dẫn đầu là một đại hán cao lớn, mặt mũi như Trương Phi, tay xách đồng côn dài trượng hai. Không phải là Vân Thiên Long thì là ai?
Liễu Nhạn Bình trong lòng vô cùng lo lắng. Sinh tử của cá nhân là chuyện nhỏ, nhưng an nguy của toàn quân mới là chuyện lớn. Tổ của y phụ trách dò đường, vạn nhất chết hết ở đây, hơn nữa đối phương còn lợi dụng thi thể để đặt bẫy, ám toán bọn Thời Chính Đông tướng quân, không phải toàn quân sẽ lâm nguy sao? Sau giây lát do dự, Liễu Nhạn Bình hô lớn:
– Xông ra, chạy được người nào thì chạy, trở về báo cáo cho tướng quân biết!
Năm binh sĩ liền hét lớn một tiếng, đạp cửa xông ra ngoài.
Vân Thiên Long mới đến chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chợt thấy bên trong có người xông ra cũng hơi bị sững người lại. Nhưng đám lâu la thấy có Trại chủ ở đây, dũng khí liền tăng lên rất nhiều. Chúng đồng loạt lao lên vây năm binh sĩ lại.
Liễu Nhạn Bình múa đao như gió, giết chết năm tên lâu la.
«Bá Vương Côn» Vân Thiên Long cũng một côn đập chết một binh sĩ bên Liễu Nhạn Bình, chuyển thân quay sang tấn công y.
Liễu Nhạn Bình đao pháp khinh linh, nhưng côn thế của Vân Thiên Long cũng thập phần trầm trọng, nhất thời khó phân thắng bại. Sau lưng lại có thêm bảy tám tên lâu la, thừa cơ đánh trộm Liễu Nhạn Bình. Liễu Nhạn Bình miễn cưỡng chiếm thế thượng phong nhưng muốn giết bọn chúng cũng không phải chuyện dễ.
Bốn binh sĩ còn lại lực chiến hơn ma mươi tên sơn tặc, tình thế nguy cấp phi thường. Cả bốn tuy đều là tay hảo thủ tuyển chọn của Thời Chính Đông, nhưng bốn địch ba mươi, e rằng cũng khó tri trì nổi.
Lại thêm một binh sĩ nữa trúng phải độc thủ kêu thảm thiết. Liễu Nhạn Bình thấy không thể xông ra, nếu đánh tiếp ắt sẽ chết hết chứ chẳng nghi. Y liền hét lớn ra lệnh trở vào tửu điếm, chuẩn bị tử thủ. Liễu Nhạn Bình đơn đao đoạn hậu, trảm sát ba tên lâu la, những tên khác nhất thời không dám lao lên.
Vân Thiên Long nội lực hùng hậu, nhưng khinh công cực kém. Đợi hắn xông lên kịp thì Liễu Nhạn Bình và ba binh sĩ đã lùi được vào trong tửu điếm rồi. Vân Thiên Long nào chịu bỏ qua, xuất lĩnh lâu la xông lên tấn công.
Liễu Nhạn Bình thầm nhủ:
“Lần này tính mạng coi như xong”, đoạn trấn định tinh thần, một mình thủ ở cửa trước.
Vân Thiên Long cũng không công vào được.
Ở ba cửa sổ, lũ lâu la sơn tặc không ngừng tấn công, nhưng ba gã binh sĩ đã nấp vào chỗ tối, khung cửa lại hẹp chỉ một người vào được. Vì thế vào một tên là bị chém chết một tên, trong nhất thời lũ lâu la «Liên Vân Trại» cũng không xông vào được, ngược lại còn bị chết mất bảy tám tên.
Hai bên đánh nhau đã lâu như vậy, Liễu Nhạn Bình cho rằng chủ lực đã phải đến lâu rồi. Chỉ cần họ đến, hai ba chục tên sơn tặc này đâu có nghĩa lý gì?
Nhưng đợi đã hơn nửa canh giờ, Thời Chính Đông và Chu Lãnh Long vẫn chưa đến, Liễu Nhạn Bình cũng thầm kinh hãi trong lòng. Chợt nghĩ đến chuyện «Liên Vân Trại» chỉ phái Bát Trại chủ và Cửu Trại chủ đến đón đầu đội của y, tất nhiên đoàn người của chủ tướng cũng sẽ gặp định thủ lợi hại hơn gấp bội. Nghĩ đến đây, bất giác mồ hôi tuôn ra như tắm, chỉ mong chi trì được thêm một khắc nữa là tốt lắm rồi.
Chợt nghe tiếng «rầm rầm» liên tiếp, căn tiệm đã bị sập một góc lớn. Thì ra «Bá Vương Côn» Vân Thiên Long không đánh vào được, trong lòng tức giận, liền dùng đồng côn đập gãy một cây cột lớn. Tửu điếm vừa sập, đám sơn tặc đã tràn vào.
Liễu Nhạn Bình hơi hốt hoảng, xem ra chỉ còn con đường liều mạng. Một mình y cự với Vân Tiên Long và mười hai tên lâu la. Ba binh sĩ kia cũng bị mười sáu, mười bảy tên lâu la vây vào giữa.
–––– oo –––– Bọn Liễu Nhạn Bình gặp nguy khốn thì bên Điền Đại Thố cũng chẳng hơn gì.
Nhóm của Điền Đại Thố là hậu bị chủ lực. Tổng cộng có mười một người, gồm có ba người giả làm khiếu hóa tử, hai kẻ bán thuốc rong, một vị toán mệnh tiên sinh, bốn gã kiệu phu. Điền Đại Thố chính là người ngồi trong kiệu.
Bởi Thời Chính Đông đã có dặn dò:
«Khi đến gần «Liên Vân Trại» năm chục dặm thì toàn quân sẽ tập hợp», vì vậy Điền Đại Thố liền thúc giục mọi người, gia tăng tốc độ để đuổi kịp chủ lực. Lúc này, họ đang đi qua một khu rừng. Điền Đại Thố chỉ những vết chân còn mới trên tuyết, cười ha hả nói:
– Các ngươi xem những vết chân này, hẳn Thời tướng quân mới đi qua không lâu, xem ra chúng ta sắp đuổi kịp họ rồi.
Trong mười người đi theo Điền Đại Thố, có một người đóng giả làm vị toán mệnh tiên sinh. Đó chính là «Nhật Thượng Tam Can» (Mặt trời lên ba con sào) Sầm Kỳ Tàng. Nguyên gã vốn là phi tặc ở Triết Giang, sau này bị Thời Chính Đông bắt được. Bởi niệm tình gã còn chưa có tội ác gì đáng kể, vả lại cũng thích tình tình cẩn thận, thông minh của Sầm Kỳ Tàng nên Thời Chính Đông đã lưu gã lại làm thị vệ bên mình. Lần này an bài cho Sầm Kỳ Tàng đi với Điền Đại Thố, chính là để làm tham mưu cho gã, bởi ai cũng biết Điền Đại Thố là kẻ thô lỗ nóng nảy.
Sầm Kỳ Tàng được giang hồ gọi là «Nhật Thượng Tam Can» bởi bốn nguyên nhân. Thứ nhất, Sầm Kỳ Tàng giỏi nhất là khinh công, nghe đồn gã có thể nhảy qua được ba cây gậy trúc nối liền nhau. Thứ hai, vũ khí của Sầm Kỳ Tàng cũng là gậy trúc. Tấm vải ghi chữ «Thần Toán Tử» mà gã đang cầm, chính là được treo trên vũ khí thường ngày của gã. Thứ ba, Sầm Kỳ Tàng thích nhất là ngủ, thường thường ngủ đến lúc «mặt trời lên ba con sào» mới ra khỏi giường.
Thứ tư, cái tên Sầm Kỳ Tàng, đọc lên rất giống với «ra khỏi giường», với «Nhật Thượng Tam Can» (mặt trời lên ba con sào) nghe rất phối hợp. Gã này trên giang hồ cũng có được chút tiếng tăm nhỏ, võ công không tồi, rất được Thời Chính Đông xem trọng.
Sầm Kỳ Tàng cẩn thận xem xét các dấu chân trên tuyết, chau mày nói:
– Điền đại Thống lãnh, nhân mã Thời Tướng quân dẫn theo bất quá cũng chỉ hai mươi người, thêm vào Thiết đại nhân, Ngũ Trại chủ, Chu Thành chủ, Bạch nữ hiệp nữa thì cũng không quá ba mươi người, làm sao có nhiều dấu chân như vậy được. Hơn nữa, dấu chân ở đây có hai loại. Một loại vết tích đã mờ nhạt, hầu hết đã bị tuyết che lấp, loại thứ hai còn rất mới, như là vừa có người đi qua vậy.
Lẽ nào sau lưng trung quân còn có một đám người khác nữa sao?
Điền Đại Thố là người thô lỗ, ghét nhất là phải suy nghĩ. Y mất kiên nhẫn nói:
– Đi đi đi, có mấy tên tiểu mao tặc, lẽ nào chúng ta lại sợ chúng?
Sầm Kỳ Tàng nói:
– Tiểu mao tặc thì không sợ, chỉ sợ ...
Một gã binh sĩ đóng giả kiệu phu, ngoại hiệu «Cửu Vĩ Hồ» Bộc Lỗ Chực cười cười nói:
– Lão Sầm, sao ngươi đa nghi thế? Thử nghĩ mấy tên tiểu mao tặc gặp phải Thời Tướng quân, không phải là tự chui đầu vào chỗ chết sao?
Sầm Kỳ Tàng vẫn chau mày nói:
– Chỉ sợ Thời Tướng quân cũng gặp phiền phức rồi ...
Điền Đại Thố tức giận quát:
– Sợ thì về nhà với mẹ đi!
Đoạn thúc giục mọi người lên đường, dẫn đầu cả đoàn đi vào khu rừng:
– Chúng ta đang đi bắt giặc, giặc tự tìm đến chúng ta thì càng tốt.
Sầm Kỳ Tàng nhăn mặt nói:
– Cẩn thận một chút thì tốt hơn, «Liên Vân Trại» không giống như lũ phỉ đồ bình thường ...
Chợt nghe tiếng «vù vù», tên liền bay đến như mưa.
Điền Đại Thố dẫn đầu toàn quân, hoàn toàn không phòng bị, mắt thấy sắp bị tên cắm vào như nhím. Sầm Kỳ Tàng liền dùng gậy trúc quét ra một lượt, đánh rơi bảy tám chục mũi tên. Điền Đại Thố hét lớn một tiếng, vận dụng «Phân Kim Thần Công», những mũi tên bắn vào người y, đều rơi lã chã xuống đất, không bị thương chỗ nào hết.
Đợt ám tiễn này chủ yếu nhằm vào Điền Đại Thố. Một phần nhỏ bắn vào các binh sĩ đi theo. Mấy gã binh sĩ tuy không có sự phòng bị, nhưng đều lâm nguy bất loạn, một mặt né tránh ám tiễn, một mặt bạt xuất vũ khí. Tuy nhiên cũng có một binh sĩ giả làm kiệu phu vì động tác hơi chậm nên đã trúng tiễn tử vong.
Điền Đại Thố biết rõ nếu tiếp tục thế này, địch ám ta minh, địch công ta thủ, chắc chắn sẽ bị bắn cho thành nhím cả. Thế là gã liền hét lớn một tiếng, huy động song chưởng phi thân vào nơi có nhiều tên bắn ra nhất.
Điền Đại Thố ngoại hiệu «Phân Kim Thủ», võ công tuyệt không tầm thường, song chưởng của y phát ra sắc vàng lóng lánh, bảo hộ trước mặt. Tuyệt nhiên không có một mũi tên nào làm bị thương y được, dù có bắn trúng người y thì cũng đều rơi hết xuống đất.
Điền Đại Thố vừa xông vào, những kẻ bên trong lập tức bỏ cung bạt đao.
Nhưng chỉ nghe tiếng kêu thảm thiết liên tiếp vang lên, năm sáu tên lâu la đã bị «Phân Kim Thủ» của Điền Đại Thố đánh chết.
Điền Đại Thố xông vào đánh bọn bắn cung, chín gã còn lại cũng chia nhau lao vào những nơi có cung tiễn phát ra, tìm những tên cung thủ của địch, chém giết một hồi.
Đột nhiên, có tiếng «bịch bịch», từ trên cây có vô số đại hán nhảy xuống, người chưa chạm đất thì đao đã bay ra. Một binh sĩ giả làm kiệu phu nhất thời bất cẩn, lập tức đầu rời khỏi thân, Một gã khác giả làm khiếu hóa tử cũng dính một đao, máu chảy như suối.
Điền Đại Thố tuy thô lỗ, nhưng thập phần trọng nghĩa. Hơn nữa gã lại thân chinh bách chiến, có trận nào mà chưa từng thấy qua. Chỉ thấy gã dùng «Phân Kim Thủ» đánh chết mấy tên lâu la rồi hét lớn:
– Mọi người tụ lại một chỗ, cùng nhau tác chiến!
Bởi Điền Đại Thố thấy địch nhân ít nhất cũng phải năm sáu mươi tên, bên gã thì chưa đến mười người. Nếu như phân tán ra, chỉ sợ địch nhân càng dễ giết dần từng người một, nên gã mới ra lệnh cho mọi người tập trung lại.
Đúng vào lúc này, đột nhiên có tiếng cười:
– Ha ha ha ...
Từ trên cây cao nhảy xuống một người thân vận hồng bào, tóc ẩn hiện mầu xanh lục, mặt đầy râu ria, khí thế vô cùng. Người này tay cầm hai sợi xích sắt của phạm nhân, mỗi sợi ít nhất cũng tới hai ba chục cân, hai sợi hợp lại e rằng tới sáu chục cân mà hắn cầm nhẹ nhàng như không có gì, xích sắt vung lên một cái:
– Xem Câu lão gia của «Liên Vân Trại» thu thập các ngươi đây!
Điền Đại Thố chấn động trong lòng. Chín Trại chủ của «Liên Vân Trại» người nào cũng lợi hại vô cùng. Gã Lục Trại chủ này ngoại hiệu «Thiết Gia» (gia là sợi xích), lại gọi là «Hồng Bào Lục Phát», tên gọi Câu Thanh Phong, võ công theo đường cương mãnh. Hai sợi xích sắt trên tay hắn không biết đã sát hại bao nhiêu võ lâm cao thủ. Bất kỳ loại binh khí nào chạm phải xích sắt của gã đều không bay thì gãy, nếu vô phúc bị gã quấn phải thì e rằng tính mệnh cũng chẳng còn.
Chỉ thấy Câu Thanh Phong quất liền hai xích, đập nát đầu một gã binh sĩ đóng giả khiếu hóa tử.
Điền Đại Thố vô cùng tức giận. Nên biết Điền Đại Thố này vô cùng dũng mãnh, ngộ kiến địch thủ, lúc nào cũng thích đánh một trận cho thật thống khoái.
Gã hét lớn một tiếng, đánh bay mấy tên lâu la ra xa, lao đến bên «Thiết Gia» Câu Thanh Phong hét lớn:
– Tiếp chiêu!
«Phân Kim Thủ» Điền Đại Thố chưởng lực như đao, từ trên đánh xuống.
Câu Thanh Phong nghe tiếng gió rít, biết ngay đối phương không phải là kẻ tám thường, «hừ» lạnh một tiếng, tả thủ vung lên quất ra một xích, đón lấy chưởng của Điền Đại Thố.
«Ầm»! Tay của Điền Đại Thố và xích của Câu Thanh Phong tiếp xúc với nhau. Hai người đều không khỏi kinh hãi trong lòng.
Điền Đại Thố cảm thấy cổ tay cứng đờ, gã mấy chục năm khổ luyện «Phân Kim Thủ» đã đạt đến cảnh giới đao thương bất nhập, vậy mà không phá nổi sợi xích của đối phương.
Câu Thanh Phong càng kinh hãi hơn gã. Bất kỳ thứ vũ khí vào gặp phải hai sợ xích sắt của hắn đều không tàn thì phế, vậy mà thứ đối phương dùng là tay.
Hắn cho rằng ít nhất cũng phải hủy đi một tay của Điền Đại Thố, nào ngờ cánh tay kia vẫn còn nguyên vẹn mà hổ khẩu của hắn thì bị chấn đền cứng đờ, cúi mặt nhìn xuống, thấy hai chân bị ngập xuống tuyết thêm mấy phần. Có thể thấy lực đạo của Điền Đại Thố ít nhất cũng phải có đến ba bốn trăm cân. Câu Thanh Phong nhìn lên, thấy đối phương đã giương tay, chuẩn bị tấn công tiếp, hai tay ẩn ẩn hiện hiện sắc vàng lóng lánh, liền «hừ» nhẹ một tiếng:
– «Phân Kim Thủ» quả danh bất hư truyền!
Điền Đại Thố lạnh lùng nói:
– Ngươi cũng không kém!
Điền Đại Thố này làm người vô cùng cố chấp, thấy một chiêu không phá được xích sắt của Câu Thanh Phong, song chưởng liền hợp lại, sử một chiêu «Đồng Tử Bái Phật», tung người lao đến.
Nào ngờ Câu Thanh Phong cũng là kẻ cố chấp có hạng, thế nào cũng không chịu tin xích sắt của mình thua đôi tay của Điền Đại Thố. Xích sắt lại vung lên, tiếp chưởng của đối phương.
«Rầm»! Thân hình to lớn của Điền Đại Thố bị chấn lùi ba thước. Còn Câu Thanh Phong thì bị ép hai chân lún sâu thêm ba thước.
Điền Đại Thố vừa ổn định thân hình đã lại sử thêm một chiêu «Đồng Tử Bái Phật», tiếp tục đánh sang. Gã thầm nhủ:
“Ta không tin phá không nổi sợ xích sắt của ngươi.”.
Câu Thanh Phong cũng huy động hai sợi xích đánh trả. Trong lòng cũng nghĩ:
“Ta không tin không đánh gãy được tay ngươi!”.
Kiểu đánh dùng sức trí mạng như vậy, chúng nhân đâu có ai từng thấy? Bất luận là bảy tám tên quân sĩ bên Điền Đại Thố, hay mấy chục gã lâu la dưới trướng Câu Thanh Phong, tất cả đều dừng tay, trố mắt nhìn hai vị đầu lĩnh ác đấu.
Bên nào cũng không tin đối phương sẽ thắng thần lực của đầu lĩnh bên mình.
«Bình»! Lại là một tiếng nổ lớn. Điền Đại Thố bị đánh bay lên bảy thước, còn Câu Thanh Phong thì đã ngập chân xuống đất đến tận đầu gối.
Điền Đại Thố thấy đã ba chiêu mà không đánh bay được vũ khí của đối phương, lòng háo thắng càng nổi lên dữ đội. Gã hét lớn một tiếng, lại là một chiêu «Đồng Tử Bái Phật» đánh tới.
Câu Thanh Phong thấy Điền Đại Thố chiêu sau mãnh liệt hơn chiêu trước, song thủ vẫn không hề thương tổn, hơn nữa càng nhảy càng cao, áp lực càng lớn, nên nào dám chậm trễ, huy động xích sắt tiếp chiêu.
«Oành»! Một tiếng đinh tai nhức óc nữa lại vang lên. Điền Đại Thố bị đánh bay hơn trượng, còn Câu Thanh Phong thì đã ngập xuống đất đến bụng.
Câu Thanh Phong cả kinh, không còn dám tiếp «Phân Kim Thủ» của Điền Đại Thố nữa, nhưng tình thế ép buộc, ngoại trừ ngạnh tiếp với song thủ của đối phương ra, hắn không còn cách nào nữa. Câu Thanh Phong ý đồ muốn thoát khỏi cái hố của mình đang đứng, nhưng Điền Đại Thố lại lao đến lần nữa. Vẫn là «Đồng Tử Bái Phật». Câu Thanh Phong tâm kinh đảm khiếp, đành huy động xích sắt, vận hết mười hai thành công lực chống đỡ, đồng thời hét lớn:
– Còn không mau đánh!
Đám lâu la như bừng tỉnh mộng, lập tức vây lấy bảy tám tên binh sĩ dưới trướng Điền Đại Thố.
«Ầm»! Điền Đại Thố lại bay lên cao hơn trượng, lần này Câu Thanh Phong chỉ bị lún thêm một hai thốn, nhưng trên hai sợi xích sắt đã in hằn dấu tay của Điền Đại Thố. Nếu như để bàn tay đó quét trúng, thân thể nào mà chịu nổi?
Câu Thanh Phong muốn chạy cũng không chạy nổi, tự biết nếu tiếp tục đánh thế này, xích sắt không bị hủy thì cũng bị đánh cho lún sâu xuống lòng đất.
Hy vọng duy nhất chính là người của hắn mau giết đám binh sĩ kia đi, rồi đến đây tương trợ thì may ra mới có cơ hội sống sót.
Lúc này Điền Đại Thố lại dùng một chiêu «Đồng Tử Bái Phật» lao đến, Câu Thanh Phong hồn phi phách tán, vận lực đưa xích lên tiếp chưởng. «Thiết Gia» Câu Thanh Phong hoành hành giang hồ mấy chục năm không gặp đối thủ, tự cho mình là thần lực vô song, nào ngờ hôm nay gặp phải Điền Đại Thố thì sợ đến vỡ mật, bị y đánh cho như là đóng cọc xuống đất vậy.
Điền Đại Thố liên tiếp sử ra chiêu «Đồng Tử Bái Phật», đánh cho Câu Thanh Phong ngập xuống đất đến tận ngực, song thủ không còn linh hoạt, tình thế thảm vô cùng. Mắt thấy hắn sắp bị chết trong tay Điền Đại Thố, thì chợt nghe một tiếng kêu thảm. Một binh sĩ giả trang làm khiếu hóa tử, quả bất địch chúng nên đã bị chém chết. Sáu binh sĩ còn lại cũng đã giết được năm sáu tên sơn tặc, nhưng ai cũng mệt mỏi vô cùng rồi, tình thế cực kỳ nguy cấp.
Điền Đại Thố tính tình thô lỗ, nhưng đối với bộ hạ thì hết lòng yêu thương, ái hộ. Hơn nữa lần này trúng mai phục tất cả đều do gã bất cẩn nên trong lòng cũng có chút hối hận. Đang ở trên không, gã liền lộn người một cái, không tấn công Câu Thanh Phong nữa mà lao vào giữa đám sơn tặc. Song thủ chia hai đường tả hữu, sử ra chiêu thức thành danh «Tả Hữu Phân Kim» đánh từ trên xuống, oai thế phi thường.
Nên biết Điền Đại Thố mười hai tuổi đã thần lực kinh nhân, hai tay có thể bóp gãy một đỉnh vàng, vì thế người trong giang hồ mới gọi gã là «Phân Kim Thủ».
Thêm vào mấy chục năm tu vi nội lực, chỉ là hai tên sơn tặc làm sao mà chịu nổi, lập tức đao gãy, thân vong.
Dư lực của chưởng phong còn trúng phải hai tên khác, kết liễu luôn sinh mạng chúng.
Điền Đại Thố song cước đá bay hai tên lâu la, thuận thế chộp luôn đầu chúng ném về phía Câu Thanh Phong.
Điền Đại Thố vừa đến đã oai thế đoạt nhân, liên tục giết sáu người. Hơn bốn mươi tên còn lại tâm hoảng ý loạn, chân tay nhốn nháo. Sáu binh sĩ thì phấn chấn tinh thần, tiếp tục vung đao tái chiến.
Điền Đại Thố vừa đi, Câu Thanh Phong đã thở phào nhẹ nhóm, vội vàng vận dụng chân khí, cố chui ra khỏi cái lỗ do bản thân tạo nên. sau một hồi dụng lực mới chui ra được hai thước, trong lòng đang vui mừng thì chợt thấy có bóng đen lao đến. Ngẩng đầu nhìn lên thì Điền Đại Thố đã như một con đại bàng lao tới, thế đến cực nhanh. Câu Thanh Phong không kịp chui ra, chỉ đành đưa xích sắt lên chặn đánh. Chiêu này chính là để phá thức «Đồng Tử Bái Phật» của Điền Đại Thố, chỉ cần Điền Đại Thố sử là chiêu này, lập tức sẽ bị xích sắt của hắn cuốn vào cổ tay. Thì ra, chỉ trong chốc lát Câu Thanh Phong đã nghĩ ra cách đối phó với Điền Đại Thố rồi.
Nào ngờ Điền Đại Thố thiên tính cương trực, quay đi quay lại đã quên mất chuyện lúc nãy. Chỉ biết gã muốn đánh ngập Câu Thanh Phong xuống đất vì trông hắn ta mặc hồng bào, tóc lại màu xanh vô cùng không thuận nhãn. Nhưng nhất thời chính gã cũng quên vừa nãy sử chiêu thức gì thì người đã ở trên đầu Câu Thanh Phong, đành đánh ra một chiêu bá đạo nhất trong «Phân Kim Thủ»:
«Ngũ Lôi Oanh Đỉnh».
Câu Thanh Phong không thể ngờ rằng Điền Đại Thố lại đột nhiên biến chiêu, một chiêu «Ngũ Lôi Oanh Đỉnh» tuy bị chặn lại, nhưng hắn cũng bị đánh ngập vào đất thêm ba thước nữa. Hai tay không thể cử động, xích sắt cũng bị mẻ một miếng lớn. Câu Thanh Phong thầm than:
“Mạng ta thế là xong!”.
Mắt thấy Điền Đại Thố lại dùng một chiêu «Ngũ Lôi Oanh Đỉnh» đánh xuống, đột nhiên trong rừng có tiếng «hừ» lạnh:
– Lục ca, đệ đến rồi!
Đồng thời, một đạo kim quang bắn vọt đến trước ngực Điền Đại Thố.
Cú đột kích này thế đến cực nhanh, mà còn đúng lúc người không phòng bị.
Điền Đại Thố khi ra chiêu «Ngũ Lôi Oanh Đỉnh» trước ngực mở rộng, nhưng đối thủ tiếp chiêu của gã còn không kịp, lấy đâu thời gian mà tấn công vào chỗ sơ hở này? Vì thế mà gã không hề phòng bị, không kịp biến chiêu. Trong lúc nguy cấp liền hét lớn một tiếng, chuyển mục tiêu công kích sang hướng đạo kim quang kia.
Người đánh trộm Điền Đại Thố không phải ai khác mà chính là «Liên Vân Trại» Thất Trại chủ «Kim Xà Thương» Mạnh Hữu Uy, người này ngoại hiệu «Kim Xà Thương» bởi hắn thiện dụng kim thương, hơn nữa thương pháp như rắn, vừa nhanh vừa độc.
Nguyên lai «Liên Vân Trại» Đại Trại chủ có lệnh, Bát Trại chủ «Song Nhận Truy Hồn» Mã Chưởng quầy xử lý bọn Liễu Nhạn Bình, Lục Trại chủ «Hồng Bào Lục Phát» Câu Thanh Phong kết liễu bọn Điền Đại Thố. Lại phái thêm Thất Trại chủ «Kim Xà Thương» Mạnh Hữu Uy và Cửu Trại chủ «Bá Vương Côn» Vân Thiên Long trợ giúp Lục Trại chủ và Bát Trại chủ.
«Kim Xà Thương» Mạnh Hữu Uy là người hết sức gian trá, đợi nhận chuẩn yếu huyệt của Điền Đại Thố, chờ lúc gã không phòng bị mới xuất kỳ bất ý tấn công. Một thương của Mạnh Hữu Uy đám thẳng vào «tâm oa huyệt» của Điền Đại Thố. Chỉ cần bị đâm chúng, ắt gã sẽ mệnh chung. Mạnh Hữu Uy mắt thấy sắp đắc thủ, chợt nghe một tiếng hét lớn, nhất thời chấn động mắt hoa lên, lệch tay đi mất ba thước.
«Phập» một tiếng. Mũi thương đã đâm vào bắp tay tả của Điền Đại Thố. Thì ra Điền Đại Thố đã dùng «Sư Tử Hống» để làm Mạnh Nhất Uy phân thần, lại dùng «Thiết Bố Sam» đã tu luyện mấy chục năm, vận hết công lực đưa tả thủ ra ngạnh tiếp một thương. Đầu thương chỉ đâm vào được bốn phần là không thể tiếp tục đâm sâu hơn nữa.
Mạnh Hữu Uy thấy kim thương như đâm vào một khối sắt, trong lòng hoảng loạn, vội vã rút ra. Nhưng một chiêu «Ngũ Lôi Oanh Đỉnh» của Điền Đại Thố đã đánh ngay vào thân thương, lập tức khiến nó gãy thành hai đoạn.
Mạnh Hữu Uy mắt thấy Điền Đại Thố hung mãnh vô bì, đầu óc hoảng loạn, sau năm chiêu đã luống cuống tay chân. Chợt thấy Điền Đại Thố máu me đầy mình mới biết gã đã thọ thương, trong lòng liền thoải mái, liền dụng thân pháp như loài rắn, tránh né công thế lăng lệ của Điền Đại Thố.
Mạnh Hữu Uy tuy võ công không bằng Điền Đại Thố, nhưng cũng là «Liên Vân Trại» Thất Trại chủ, võ công bất nhược, nhất thời Điền Đại Thố cũng khó mà bắt được hắn.
Đánh thêm mười mấy hiệp nữa, Mạnh Hữu Uy đã rơi vào thế hạ phong.
Đúng lúc này, chợt nghe một tiếng hét lớn:
– Lão thất, ta đến giúp đệ!
Thì ra Câu Thanh Phong đã thoát ra được, huy động hai sợi xích sắt xông vào tham chiến.
Câu Thanh Phong vừa gia nhập vòng chiến, Điền Đại Thố đã cảm thấy lực bất tòng tâm. Nếu như một địch một, võ công của Điền Đại Thố quyết trên hai tên này một bực, nhưng hai người hợp kích đối phó mình gã, Điền Đại Thố bại là cái chắc. Câu Thanh Phong thần lực kinh nhân, uy hiếp cực lớn, thêm vào Mạnh Hữu Uy, khinh linh âm độc, Điền Đại Thố lại đang bị thương, chỉ sợ khó mà trụ lâu được. Cũng may là «Kim Xà Thương» của Mạnh Hữu Uy đã bị Điền Đại Thố đánh gãy, không thể sử dụng, đành sử dụng nhục chưởng tấn công. Hắn vẫn còn khiếp oai của Điền Đại Thố nên cũng không dám tiếp cận. Còn Câu Thanh Phong thì vừa bị Điền Đại Thố đánh cho tơi tả, cũng sợ hãi ba phần, hổ khẩu vẫn còn đau nhức, hai sợi xích sắt thì méo mó không thành hình, đánh ra cũng không thuận tay lắm. Vì thế hai tên nhất thời cũng không đả thương được Điền Đại Thố, chỉ có thể dồn gã xuống thế hạ phong.
Sáu gã binh sĩ bên này lấy một địch tám, tình thế cũng thập phần nguy hiểm.
Tổ của Điền Đại Thố không giống như tổ của Liễu Nhạn Bình. Liễu Nhạn Bình giết được Bát Trại chủ «Song Nhận Truy Hồn» Mã Chưởng quầy, nhưng lại trúng phải phục kích, sĩ tốt chết mất gần hết, chỉ còn lại ba người. Quân số đối phương lại đông hơn gấp bội, không thể lực chiến, tình thế nguy ngập phi thường. Còn tổ của Điền Đại Thố, bởi có Sầm Kỳ Tàng nhắc nhở, nên mọi người cũng âm thầm cảnh giác, thương vong không trầm trọng như bên Liễu Nhạn Bình. Vẫn còn tới sáu người. Nhưng đáng tiếc nhất là Điền Đại Thố không kịp giết tên Lục Trại chủ «Thiết Gia» Câu Thanh Phong, để hắn liên thủ với «Kim Xà Thương» Mạnh Hữu Uy khiến chính gã bị lâm vào thế yếu, mệnh như tịch dương. Tình hình hai bên cũng không hơn kém nhau là bao nhiêu.
Bọn họ không thể đột vây, cũng không thể thắng địch. Giờ hy vọng duy nhất là quân chủ lực đến tiếp viện kịp thời. Nhưng hai đạo quân hỗ trợ đã bị chặn lại, lẽ nào chủ lực lại rảnh rỗi như vậy?