Căn nhà trong vườn nhãn
Đoàn Minh Tuấn
Đêm nguyên tiêu sau Tết Mậu Thân, Duy lội qua đường để vào thị xã Bạc Liêu. Anh chuẩn bị chờ đợt tiến công mới! Gần đến một trạm gác ngã ba một vườn nhãn, đầu ấp, các gia đình người Hoa cúng rằm khói hương bay tỏa một vùng cây trái thơm lừng. Những chùm nhãn trái mùa dơi bay về ríu rít - xào xạc trong gió xuân. Duy vừa thay quần áo của một cậu học sinh mới cho lúc ban chiều, bỗng nghe tiếng mìn nổ. Lệnh báo động ồn ào, nhốn nháo trong các phố gần ngoại vi. Xe nhà binh, còi cảnh sát rộn ràng hốt hoảng.
Duy vội núp trong một góc vườn, nơi có ánh đèn nhỏ xíu như tàn thuốc lá của căn nhà ngói vừa mới xây xong. Anh biết đây là căn nhà của một chủ vườn giàu có. Duy chẳng dám vào cổng chính, mà rẽ vào cánh cửa rào thép gai nhỏ bên góc vườn, nơi có căn nhà nhỏ lụp xụp phía sau, có lẽ đây là nhà của người coi vườn. Đèn điện trong thị xã tắt ngấm từ lâu. Nhưng trăng rằm vẫn sáng. Anh không vội vào nhà. Một lúc không có động tỉnh gì, đèn bật sáng. Tiếng xe tuần tiễu đã im ắng. Thế là Duy đã lỡ giờ hẹn. Anh định đến điểm hẹn 8 giờ đêm. Nhưng đã 9 giờ, trễ hàng tiếng đồng hồ. Sợ đến không ai đón lỡ cả kế hoạch và có thể bị bắt. Thế nào anh cũng phải chờ lại đêm nay và đến ngày mai xem tình hình sẽ tìm về cơ sở cũ.
Anh đánh bạo bước vào căn nhà lá nghèo nàn nhưng gọn ghẽ, sạch sẽ. Đây có lẽ là nơi ở của đầy tớ, hoặc người làm công trông coi vườn nhãn. Duy run lẩy bẩy thấm lạnh, khi vượt qua cánh đồng nước mặm ướt mềm.
Trong nhà một cụ ông đẹp lão có lẽ gần bảy mươi, râu dài, mắt sáng tinh anh, ngạc nhiên định hỏi to. Nhưng ông cụ nhìn thấy cách ăn mặc của người lạ có vẻ như học trò trên tỉnh, thành ra cụ dịu giọng:
- Đêm luôn báo động, chú đi đâu thế này? Chú mầy có biết đang thiết quân luật đó không?
Biết ông lão thiệt thà, chất phác. Duy thưa thiệt:
- Thưa tía, con là giải phóng quân, đêm nay về thị xã hoạt động, nhưng vì báo động lỡ đường đi chưa tiện, dạ xin tía che chở cho.
ông cụ suy nghĩ một lúc, những nếp nhăn trên trán gấp lại thêm. ông cụ quả là đang lúng túng vì quá bất ngờ, nhưng rồi vẫn nhẹ nhà nói:
- Cháu vào thay áo quần đi, kẻo lạnh.
- Dạ thưa tía, quần áo con đã khô rồi, đỡ lạnh nhiều!
ông cụ ra khép cửa lại và ngồi pha trà uống. Thong thả ông cụ nói thiệt:
- Này cháu, cháu đi lầm nhà rồi! ông có thằng cháu ngoại thiếu úy quân cảnh trên trạm gác gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng đó! Có thể đêm đêm nó về đây, cha nó làm kho bạc tỉnh về hưu, hiện ở cái nhà ngói mới xây trong vườn này đó.
Duy nghe đến đây người lạnh toát, anh định thoát ra sau vườn nhãn, băng qua đồng để ra đi. Nhưng ông già đã nhanh ý ngăn lại:
- Cháu đã vào nhà, thôi cứ ở lại đêm nay. Ta cũng có thằng út đi tập kết ngoài Bắc. Tuổi già, lên ở với con gái. Chúng nó bảo vào ở trong phố, nhưng ta ở đây trông coi vườn nhãn. Thôi, không sao đâu, có gì ta liệu. Còn đĩa xôi vừa cúng rằm, để ta đi lấy cho cháu ăn đỡ.
- Ấy, dạ thưa tía, làm phiền và lụy đến tía, con chẳng dám, con xin đi đây!
- Không đâu, ta ưng cháu ở đây mươi bữa, nửa tháng cũng được, huống chi một đêm. Có gì ta bảo cháu là con người bạn ở Gia Rai lên giúp làm cỏ lúa.
Duy cảm thất yên tâm. Coi bộ ông già phúc hậu và là người quyết đoán, cho nên anh đi vào phòng trong, định ngủ một đêm cho lại sức, vì đã ba đêm phải thức suốt mà chưa vào được cơ sở. Duy vội giấu khẩu súng ngắn dưới gối và đưa mắt nhìn ra cửa sổ. ánh trăng nhặt thưa trên những tàn nhãn như những chiếc dù lớn lay động đầu thềm. Anh đưa mắt đảo quanh, anh lại nhìn lên vách sau cửa bếp. Một bộ quần áo quân cảnh đã hơi cũ treo trên móc áo.
Anh chợt nghĩ ra: hay ta nhờ ông cụ để lại cho bộ quân phục cũ này để dễ bề đi lại coi như lính giải ngũ. Anh nói vọng ra ngoài.
- Dạ thưa tía, bộ áo quần này của ai vậy?
- Thằng cháu ngoại nó mặc cũ, nó cho ta đấy!
- Thưa, nó độ bao nhiêu tiền?
- Tiền nong gì, cũ rồi, may mới chưa đến vài ngàn.
Cũng may đêm ấy thằng cháu ngoại quân cảnh không về. Nhưng có tiếng gõ vội vàng. Thì ra Phượng, cô cháu gái hàng xóm, đến xin ít gừng về cho má nó đau bụng. Cô gái xét nét dò la.
- Ngoại ơi, có ai vừa vào nhà phải không?
ông cụ đánh trổng lảng:
- Ai đâu, thằng Ba ở Giá Rai lên giúp ông làm cỏ lúa ấy mà!
- Cháu biết ông Năm rồi. Nó nói nhỏ bên tai ông - ông Năm dấu Việt Cộng - rồi cười hì hì...
- ấy, tầm phào, cha mày, vu oan giá họa cho ông à!
Từ nãy giờ, Duy định ngủ cho lại sức, nhưng qua cuộc đối thoại của hai ông cháu, Duy cảm thấy lo lo. Anh dòm ra khe cửa, Phượng - cô gái mà ông lão gọi tên - chưa đến 20 tuổi, áo bà ba đen, mặt tròn sáng bừng như trăng rằm nguyên tiêu. Duy chợt nghĩ đến bé Loan, em gái nhỏ của mình năm nay cũng mười chín, đôi mươi, mà đã thoát ly làm xã đội phó du kích rồi! Thế rồi để thanh minh cho lời nói của mình, ông cụ gọi Duy ra. Cô gái tinh nghịch mắc cỡ, thẹn thùng đứng nép vào góc tủ không nói gì. ông cụ thấy đôi trai gái liếc mắt nhìn nhau mỉm cười. ông lại đùa vui:
- Thôi, cháu Phượng về đi. Khi nào giải phóng Bạc Liêu, ông cho mày thằng "Việt cộng" mà dắt về.
Cô gái bẽn lẽn cầm vội củ gừng chạy biến dưới ánh trăng trong vườn nhãn, tiếng cười vui trong trẻo vọng lại sau nhà.
Rồi Duy chợp mắt được vài giờ. Tỉnh dậy thấy ánh trăng lồng lộng nhặt thưa dọi bóng xuống hàng nhãn cổ thụ đầu hè. Lòng Duy bỗng cảm thấy thư thái, tâm hồn anh chiến sĩ thơ mộng lại trỗi dậy. Anh khẽ ngâm bài thơ của Bác Hồ mà thầy giáo Mai đã giảng cho cả lớp Duy nghe vào năm 1963 khi anh còn học ở Bến Tre vùng giải phóng.
Duy càng nghĩ càng thương cho Bác, cả thời trai trẻ lặn lội khắp bốn biển, năm châu lo cho dân, cho nước. Trong hoàn cảnh nào, Bác cũng lạc quan tin tưởng ở ngày mai. Giữa rừng già Pác Bó gian nan, "sớm ra bờ suối, tối vào hang" mà Bác vẫn ung dung lãnh đạo đấu tranh giành quyền sống cho dân tộc.
Cho nên cái gian khổ của Duy có thấm vào đâu, nghĩ vậy mà Duy phấn chấn và thêm sức mạnh.
Sáng dậy, Duy ra chào ông cụ để lên đường và để lên bàn số tiền 2.000 đồng của đơn vị cấp ăn đường. ông cụ thân tình bảo:
- Tụi bây đi làm nhiệm vụ, ta không dám giữ, nhưng còn tiền nong trên bàn đó là cái gì?
- Con nhờ tía mua bộ đồ khác, con xin bộ áo quần này đi đường phòng thân để lọt qua các trạm gác.
- Thôi mặc vào, ta cho cháu đấy! Bao giờ xong nhiệm vụ về đây lão tổ chức cưới vợ cho. Vài nghìn chứ trăm nghìn ta cũng không lấy. Thằng cháu ngoại ta, ta khắc có cách nói, với nó cũng thương mẹ, thương ông không dám làm điều thất đức đâu! Để rồi hôm nào nó về ông liệu bảo nó quay súng về với chánh nghĩa.
Duy chào ông lão ra đi. Căn nhà nhỏ ở góc vườn nhãn đã gieo vào anh một hình ảnh tuyệt đẹp của một tình cảm lớn lao. Anh vác cuốc vượt đồng đi một quãng xa mà vẫn còn ngoái cổ lại. Những cành nhãn chìa ra như những bàn tay vẫy gọi, và hương nhãn thơm lừng vẫn theo gió xuân tiễn chân anh bộ đội giải phóng./.