Vĩnh Thái nói thì làm liền, chứ không chịu để lâu như người khác. Sáng bữa sau, vừa mới thức dậy thì chàng sai thằng Tùng là đứa ở trong nhà, xuống kêu Hương hào Điều lên cho chàng hỏi thăm công việc. Hương hào Điều có bà con xa xa với thầy Hội đồng Chánh nên kêu thầy bằng chú. Khi anh ta mới được mười lăm tuổi thì cha mẹ đều khuất hết. Thầy Hội đồng thấy bộ mềm mỏng thật thà, nên đem về mà nuôi đặng bồng ẵm săn sóc Công Cẩn. Anh ta càng khôn lớn, tánh anh càng trung hậu. Vợ chồng thầy Hội đồng đem lòng thương nên chừng anh ta được hai mươi tuổi, mới đứng cưới Thị Sen là con gái của bà Hương giáo Phiến cho anh ta, rồi cất cho một cái nhà lá ba căn, cửa ván, cột vuông, ở phía dưới đầu xóm mà cho ra ở riêng, lại giúp cho một trăm đồng bạc và năm chục công đất mà làm ăn. Tuy Thị Sen húng hính ưa lục đục ở trong nhà mà trang điểm , ít chịu bươn chải với chồng ở ngoài đồng, nhưng mà nhờ Điều siêng năng, mạnh mẽ, xóc vác, nên năm nào ăn xài rồi trong nhà cũng còn dư được đôi ba thiên (25) lúa. Thầy Hội đồng thấy Điều biết lo làm ăn, lại càng thêm thương, nên cách ít năm sau thầy đỡ đầu cho làm Hương hào, rồi từ khi cô Hội đồng có bịnh thì thầy lại cậy hoặc phụ lo góp lúa, hoặc lo coi thâu tiền đất dùm cho thầy nữa. Hương hào Điều là người biết ơn nghĩa, giúp việc cho thầy Hội đồng thì anh ta tận tâm cũng như làm việc của anh ta, mà thầy Hội đồng cũng là người có con ngươi, nên phú thác việc gì cho Hương hào Điều thì thầy không nghi ngờ chút nào hết. Tình bà con của hai người thật là xa, mà cách đối đãi với nhau coi chẳng khác nào chú cháu ruột. Năm nay Hương hào Điều được ba chục tuổi, cưới vợ đã tám năm rồi mà sanh có một đứa con trai năm tuổi đặt tên là thằng Đặng. Anh ta cao lớn vạm vỡ, bộ thì bạnh dạn, mà tánh thì ôn hòa, lại có tật thương vợ cưng con, cứ bắt vợ ở nhà nuôi con, không cho đi làm việc chi hết. Anh ta đi thăm ruộng mới về, quần còn ướt mem, đương ôm con mà nựng, kế thằng Tùng xuống kêu. Anh ta thay đồ mặc một cái quần lãnh, một cái áo bà ba lụa đen, đầu bịt khăn xéo trắng rồi lật đật đi với thằng Tùng. Vĩnh Thái Đương ngồi tại bàn viết, chừng thấy Hương hào Điều bước vô nhà, bèn kêu lại rồi biểu ngồi cái ghế gần đó và nói rằng: - Ba tôi đi chơi, giao hết ruộng đất cho tôi coi mà cho mướn. Tôi dò trong sổ thì biết người nào mướn bao nhiêu, số lúa ruộng là bao nhiêu, song tôi không hiểu ai làm sở nào. Tôi muốn đi tới mấy sở ruộng hết thảy, đặng coi sở nào tốt, sở nào xấu. Tôi cũng muốn đi coi hết mấy sở thổ trạch cho biết nữa. Tôi nghe nói anh biết ranh rấp ruộng đất của ba tôi hết thảy, xin anh làm ơn dắt tôi đi coi chơi được hay không? Hương hào Điều cười và đáp rằng: - Dượng muốn đi coi thì tôi dắt dượng đi. Cha chả, mà đi cực lắm, dượng đi nổi hay không? - Cực cái gì? - Phải đi xuồng nhỏ mới được. - Đi xuồng thì đi, hại gì. - Như dượng chịu cực được thì đi. Dượng muốn bữa nào đi? - Khởi sự đi bữa nay. Ăn cơm rồi đi. Bữa nay anh rảnh hay không? - Lúc này lúa thóc làm rồi hết, tôi ở không có làm việc gì đâu mà không rảnh. - Ờ được. Thôi anh đi kiếm một chiếc xuồng cho sẵn đi, đặng ăn cơm rồi mình đi. - Có xuồng dưới nhà tôi, chừng nào đi thì lấy xuồng mà đi. - Ai bơi? - Tôi bơi cũng được. - Thôi, anh ở đó chơi, đợi cơm chín rồi ăn cơm với tôi, để tôi sửa soạn cây súng đặng đem theo, như gặp chim cò mình bắn chim. - Dượng bắn giỏi hôn? - Khá khá chứ không giỏi gì lắm. - Cha chả, cây súng đó chú Hội đồng cưng lắm, không bao giờ chú chịu cho ai bắn, dượng động tới đây tôi sợ chú về chú hay chú rầy. - Hại gì nà. Ăn cơm rồi, Vĩnh Thái bận một bộ đồ Tây bằng bố xám rồi mang súng đi với Hương hào Điều. Chàng không thèm nói cho vợ biết mình muốn đi đâu, mà Thu Hà thấy chồng đi, cô cũng không thèm hỏi. Xuống tới nhà Hương hào Điều, Thị Sen lật đật ra chào Vĩnh Thái, còn thằng Đặng nó thấy Vĩnh Thái nó sợ nên nó nắm vạt áo má nó và đứng nép một bên. Hương hào Điều mắc lăng xăng lo tát nước chiếc xuồng và ôm chiếu xuống mà trải. Vĩnh Thái đứng trong nhà mà chờ, chàng ngó quanh quất một hồi rồi bước lại vỗ mặt thằng Đặng và nhìn Thị Sen mà nói rằng: - Chị nầy chỉ đẻ thằng con ngộ quá. Thị Sen mắc cỡ nên cúi mặt xuống chúm chím cười. Hương hào Điều dọn xuồng rồi mới mời Vĩnh Thái xuống đi. Thị Sen dắt con xuống bến ngó theo. Vĩnh Thái đưa tay ngoắc thằng Đặng, mà Thị Sen mắc cỡ nên day mặt chỗ khác. Vĩnh Thái đi coi ruộng đất luôn hai ngày, bữa nào cũng đến nửa chiều mới về. Bữa sau chàng về tới nhà tắm rửa thay đồ vừa rồi, thì nghe xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Chàng bước ra mà dòm, cô Thu Hà ở phía sau cũng bước ra mà ngó. Có hai người mặc đồ Tây bước vô sân, mỗi người đều có mang một cặp mắt kiếng đồi mồi, tay có ôm một cái cặp đựng giấy tờ đầy nhóc. Vĩnh Thái thấy khách lạ nên trở vô ghế mà ngồi. Hai người khách bước lên thềm rồi gõ cửa. Vĩnh Thái đứng vậy bước ra. Một người khách cúi đầu chào và nói rằng: - Tôi là Lê Hưng Nhơn chủ bút Quốc Dân báo. Người khách thứ nhì liền tiếp mà nói rằng: - Còn tôi là Trần Công Nghĩa chủ nhà máy xay lúa hiệu Nam Phát ở Chợ Lớn. Hai anh em tôi ghé thăm thầy Hội đồng. Vĩnh Thái nắm tay chào khách và nói rằng: - Tôi được tiếp hai ông thật tôi lấy làm may, mà hai ông đến thăm ba tôi thì hai ông lấy làm rủi quá, vì ba tôi đi du lịch không có ở nhà. Lê Hưng Nhơn cười và đáp rằng: - Không hại gì, thầy Hội đồng đi khỏi mà gặp được cậu thì cũng không phải là rủi. Lê Hưng Nhơn không đợi mời, liền ngối xề trên ghế, ôm cái cặp trong lòng mà nói rằng: - Tôi mới hiệp với mấy ông bạn đồng chí mà lập tờ Quốc Dân báo. Vì tôn chỉ tờ báo chúng tôi là khai thông trí thức bảo thủ lợi quyền kết giải đồng tâm chấn chỉnh phong hóa cho quốc dân. Bởi vậy báo xuất bản mới có mấy số mà được công chúng hoan nghinh từ Nam chí Bắc. Mà cậu cũng biết tờ báo được đông người đọc chừng nào thì thế lực chúng tôi càng thêm mạnh, mục đích của chúng tôi càng mau đạt chừng nấy, nên chi chúng tôi ráng cổ động thêm hoài, chúng tôi quyết làm thế nào cho tờ báo chúng tôi vô cho đến tận trong làng trong xóm, các hạng người trong ba kỳ, đều được xét những lời nghị luận của chúng tôi; có như vậy thì cuộc khai hóa quê tương, là chủ hướng của chúng tôi, mới mau kết quả được. Bởi ý đó, nên tôi đến cậy thầy Hội đồng và cậy cậu mua dùm một năm tờ Quốc Dân báo; lại cậy làm ơn cổ động cho anh em ở mấy làng xung quanh đây mua dùm nữa. Cậu giúp cho chúng tôi, chẳng những là chúng tôi mang ơn mà cậu lại còn có công với Việt Nam xã hội nữa. Vĩnh Thái ngồi chim bỉm mà nghe, chừng Lê Hưng Nhơn nói dứt rồi, chàng đáp rằng: - Ông nói nghe hay lắm, mà theo sở kiến của tôi, thì nhựt trình quốc ngữ in uổng giấy mực, đọc mất ngày giờ chứ không có ích chi hết. - Cậu nói như vậy tôi xin đỡ lời cậu. Nhựt báo cũng có nhiều thứ, chớ nào phải hết thảy là giấy để gói đồ đâu. - Tôi chưa thấy tờ báo nào hữu ích, hết thảy lập ra đều để mắng lộn với nhau, hoặc để xoi bói nói xấu chuyện riêng của thiên hạ chớ ích gì? - Cậu chỉ gộp như vậy thì ức quá. Đâu cậu mua thử Quốc Dân báo một năm rồi cậu đọc coi hữu ích hay là vô ích. - Từ hồi nào cho đến bây giờ tôi nhứt định không thèm đọc nhựt trình quốc ngữ. đọc đã thất công, mà còn phát giận nữa, để thì giờ lo làm việc khác có ích hơn nhiều. - Cậu lo làm việc gì mà gọi là có ích hơn? Trong thời kỳ này người Việt Nam ai có chút tâm huyết, ai có chút học thức, cũng đều chăm nom khai hóa nước nhà. Cậu thuộc trong bực thanh niên tân học mà sao cậu không để ý vào việc công ích chút nào hết vậy? - Ông đừng có nói những tiếng khai hóa và công ích. Tôi đi du học bên Pháp tôi về, mà tôi chưa dám nói khai hóa, tôi quyết chí hy sinh tánh mạng tôi cho xã hội, mà tôi chưa dám nói công ích. Tôi tưởng phải lo làm là tốt hơn chọn lời mà nói. Nói không được thì nói làm chi. - Té ra cậu đi học bên Pháp mới về sao? - Phải. - Tưởng là cậu học lôi thôi, nên cậu không biết lo khai hóa nước nhà, chớ cậu đã có xuất dương du học, thì cái trách nhiệm của cậu đối với xã hội còn nặng hơn của anh em chúng tôi nhiều lắm. Cậu chẳng nên công kích báo quốc âm, cậu phải giúp với chúng tôi, cậu phải đấu cật đâu lưng với chúng tôi mà dìu dắt đồng bào lên con đường tấn hóa. - Xin ông đừng có tưởng nhà soạn báo được độc quyền khai hóa, phải làm chủ bút mới lo khai hóa đồng bào được, còn làm nghề khác thì không được phép. Khai hóa là cái nghĩa vụ chung của bọn có học thức, chớ không phải là cái trách nhiệm riêng của mấy nhà soạn báo đâu. Bọn có học thức mỗi người đều tùy chức nghiệp của mình mà lo. Ông làm chủ bút thì ông lo khai thông dân trí, ông nầy làm chủ nhà máy thì lo ruồng mở đường kinh tế, tôi làm ruộng thì lo cải lương nghề nông, người khác làm quan thì lo dạy dỗ dân cho chúng nó hết ngu, người khác nữa làm thầy giáo thì lo rèn đúc tánh tình trẻ em đặng ngày sau chúng nó trở nên người đứng đắn. Ai có phận sự nấy. Sao ông lại buộc mỗi người đều phải giúp cho ông. Ông tưởng hai mươi triệu đồng bào ta cứ mua nhựt trình mà đọc, đừng thèm làm chi hết, sẽ trở nên văn minh được hay sao? - Cậu luận nghe kỳ quá! Tôi có nói một mình chúng tôi mới được lo khai hóa đâu mà cậu cãi. Tuy vậy mà tờ báo là cơ quan của cuộc khai hóa, tờ báo là cây thước để đo lòng dân nóng nguội được bao nhiêu, tờ báo là cây đuốc để soi đường cho quốc dân tấn bộ. Trong hoàn cầu ai mà chẳng trọng báo giới, ai mà chẳng công nhận sự ích lợi của báo giới. Phải, cậu nói phải lắm. Bọn có học thức phải tùy chức nghiệp của mình mà lo làm những việc công ích. Nhưng dầu làm việc gì cũng phải nuôi tờ báo của mình, đặng cho tờ báo có thế lực mà bênh quyền lợi của mình, mà khai đường dẫn lối cho người mình chứ không chịu phụ giúp để cho tờ báo chết thì cũng như mình dập tắt cây đuốc rồi còn thấy đường đâu mà đi tới. - Hừ! Báo quốc âm mà kêu là cây đuốc văn minh sao được. Tôi cãi nữa sợ e mích lòng ông. Tôi xin tỏ với ông một lời này: ông nói tờ báo của ông là đại hữu ích cho quốc dân. Vậy ông để thong thả cho quốc dân xét, như thiệt có ích thì người ta mua, chẳng cần phải khuyên mời ép uổng. - Phải mua mà đọc thử rồi mới biết hữu ích hay vô ích, chứ không mua mà đọc thì làm sao biết được? - Đọc mà làm gì! Chứ chi đọc báo rồi khôn ngoan khỏi học, đọc báo rồi giàu có khỏi làm, đọc báo rồi rừng rậm hóa ra lương điền, đọc báo rồi tiệm của khách trú (26) hóa ra tiệm của người Việt được hết thì tôi mua liền, chẳng cần gì đợi ông đến nhà mà mời. Lê Hưng Nhơn rùn vai rồi day mặt ngó ra sân, coi bộ bất bình lắm. Vĩnh Thái cười mà nói rằng: - Xin lỗi ông, nãy giờ tôi muốn cãi với ông cho ra chơn lý mà thôi, chứ tôi không phải phiền trách việc chi, nên kiếm lời kích bác ông. Tôi nói thiệt với ông, tôi đây là người có nhiệt tâm về sự khai hóa lắm. Nhưng mà tôi ở bên Pháp trở về mấy tháng nay tôi chủ tâm về cuộc chấn hưng kinh tế cho đồng bào, trí tôi chăm lo sự ấy mà thôi, không thèm tính tới việc gì khác. Ông lập nhựt báo, ý tôi quyết khai thông dân trí, tôi lo ruộng vườn, ý tôi quyết chấn hưng lý tài. Tuy chúng ta mỗi người đi một đường, mỗi người lo một việc, nhưng mà mục đích của chúng ta cũng như nhau. Chúng ta chỉ lo khai hóa đồng bào, chớ không phải tranh danh trục lợi chi đó. Vậy tôi chúc cho ông với tôi đều được thành công, ngõ khỏi hổ thẹn với nước non, ngõ được vẹn toàn phận sự. Lê Hưng Nhơn vừa muốn trả lời thì kế Trần Công Nghĩa đưa tay mà cản và nói rằng: - Ông chủ bút không nên ép cậu mua nhựt báo. Cậu là một nhà tân học đa văn quảng kiến, đọc nhựt báo quốc âm có bổ ích cho cậu chỗ nào đâu. Huống chi cậu đã nói trí cậu mắc chăm lo hưng chấn kinh tế thì cậu có thong thả đâu mà cậy cậu giúp khai thông dân trí. Trần Công Nghĩa ngừng lại mà tằng hắng, rồi ngó Vĩnh Thái mà nói rằng: - Cậu nói cậu lo chấn hưng kinh tế thì cậu đồng chí với tôi. Vậy để tôi bàn việc nầy với cậu. - Việc chi đó? Trần Công Nghĩa mở cặp lấy một mớ giấy in mà nói rằng: - Việc tôi sẽ nói đây là một việc đại công ích, nếu mà thành được, thì sẽ có ảnh hưởng đến cuộc kinh tế của người mình nhiều lắm. Cậu là người chăm lo kinh tế, hễ tôi nói ra thì chắc là cậu chịu lắm. - Tôi có biết việc chi đâu mà chịu. - Ậy, để thủng thẳng rồi tôi nói cho cậu nghe mà, cậu gấp quá. Tôi chen vào nơi thương trường mà cạnh tranh quyền lợi với khách ngoại bang mấy năm nay, tôi dòm thấy có nhiều chỗ người mình bị đè bị ép, thiệt tôi tức lắm. Cậu dư biết, lúa gạo là thổ sản nhiều nhứt của xứ Nam Việt ta. Lúa gạo ấy của người mình làm ra, mà chừng bán thì hễ họ định giá nào thì bán giá nấy, chớ mình không có quyền định giá. Họ mua lúa của mình thì rẻ, họ xay ra gạo rồi họ bán cho ngoại quốc và cho mình thì mắc, té ra mình làm đổ mồ hôi xót con mắt, mà cái lợi thì họ chiếm phần nhiều. Tôi có nhà máy xay lúa mấy năm nay, tôi mới thấy chỗ ức đó được bởi vậy tôi tính rủ người mình hiệp nhau mà lập một công ty cho lớn, vốn chừng năm chục muôn, đặng lập nhà máy lớn rồi mua lúa xay ra gạo mà bán thẳng cho ngoại quốc. Tôi định vốn năm chục muôn là định đặng làm thử, nếu trong ít năm mà thấy khá thì kêu hùn thêm mà làm lớn hơn nữa. Tôi tính rủ điền chủ ở lục tỉnh hùn vô hết thảy, đặng lúa của mình thì bán cho công ty của mình, khỏi sợ khách trú mua dành giựt. Mỗi phần hùn định số năm trăm đồng, vậy xin cậu hùn giùm ít chục phần, đặng chung lo vãn hồi quyền lợi của mình, kẻo để thiên hạ họ hưởng uổng quá. - Ối! Việc hùn hiệp khó lắm. Người mình lôi thôi, làm bậy đố khỏi mất vốn hết. - Sao mà lôi thôi? Việc buôn bán lúa gạo tôi thạo lắm, không thế nào lỗ được. - Nói giỏi sao được! Khách trú họ thạo bằng mười mình, mà nhà máy họ trên Chợ Lớn còn bị khánh tận hoài đó, ông không thấy hay sao? - Cái đó là tại họ muốn giựt, chớ có phải lỗi mà sập nhà máy đâu. - Nếu nói họ giựt, còn người mình ra làm lại chắc mình không giựt hay sao? - Đâu đó có sổ sách hẳn hòi, giựt sao được. - Sổ sách, sổ sách ! Chừng muốn giựt sổ sách lại cản được hay sao? Thuở nay tôi ghét hùn hiệp lắm. Làm việc gì thì làm một mình dễ hơn. - Cậu muốn chấn hưng kinh tế, mà cậu không chịu kết đoàn thể, cậu tính làm một mình, thế thì cậu đủ sức mà kinh doanh cho lớn được đâu, còn mong gì chấn hưng kinh tế. - Mình không đủ sức thì ban đầu mình làm việc nhỏ, lần lần mình sẻ làm lớn. - Phải hùn hiệp mới được. Muốn cạnh tranh quyền lợi thì phải lập hội, chớ không nên làm một mình. Cậu phải hùn vào công ty của tôi đặng làm gương cho mấy điền chủ ở trong tỉnh. - Không được. Làm sự gì cũng phải khảo cứu cho kỹ lưỡng, chớ nhắm mắt mà làm như vậy có được đâu. - Cậu nói như vậy, thôi tôi để lại đây cho cậu một mớ điều lệ với một mớ tờ bố cáo đặng cậu coi. Cậu có gặp ông điền chủ nào, xin cậu làm ơn chỉ dùm cho họ coi với. Cậu khảo cứu đi, trong ít ngày rồi tôi sẽ trở lại. Tôi chắc cậu coi rồi cậu ưng hùn lắm. Trần Công Nghĩa để một mớ giấy in trên bàn, Vĩnh Thái ngó lơ, coi bộ không chú ý đến. Hai người khách ôm cặp đứng dậy cáo từ mà đi. Vĩnh Thái đưa ra cửa. Lúc bắt tay tử giã, Lê Hưng Nhơn cười mà nói rằng: - Tôi tiếc quá, không gặp được thầy Hội Đồng. Vĩnh Thái cũng cười mà đáp rằng: - Tôi cũng tiếc cho hai ông rủi lắm. Khách đi rồi, Thu Hà bước ra mời chồng đi ăn cơm. Vừa ngồi lại bàn ăn thì Vĩnh Thái cười ngất, rồi nói với vợ rằng: - Tụi đó đi nói dóc kiếm tiền, bị tôi đẩy xa lắc. - Sao mình không mua dùm một năm nhựt trình cho người ta? - Mua làm gì? Tiền đâu mà mua đồ tầm bậy như vậy? - Cuộc khai thông dân trí mình làm không được, người ta ra người ta gánh vác, mình phải giúp sức cho người ta chớ. - Khai khỉ khô chớ khai thông dân trí! Bày đặt đặng khai bóp phơi thiên hạ chớ khai giống gì. - Người nào, mình cũng chê đè, việc nào mình cũng bác bẻ hết, thôi có làm giống gì đâu mà công ích. - Mình đừng có bi sử, để tôi chấn hưng kinh tế cho mình coi mà. - Mình nói mình lo chấn hưng kinh tế, sao hồi nãy mình không chịu hùn đặng lập nhà máy xay lúa? - Hùn đặng cho nó ăn. - Có lý nào, việc hùn hiệp thì có sổ sách, họ ăn gian thì họ ở tù chớ. - Trước khi lo ích lợi chung, thì mình phải lo chí lợi riêng cho mình đã. Nếu mình không lo cho mình trước, thì chết đói rồi làm sao lo cho thiên hạ được. - Hôm trước mình cãi với tôi, mình nói nếu muốn thi hành chương trình khai hóa thì phải có vốn cho lớn mình mới làm được. Bữa nay người ta đến rủ mình hùn đặng có vốn cho lớn, sao minh lại không hùn? - Để mình lo làm cho có tiền nhiều đã, rồi sẽ tính tới vỉệc khai hóa, biết hôn? Thu Hà vừa muốn đáp nữa, thì kế Hương hào Điều bước vô. Vĩnh Thái thấy mặt Hương hào điều liền nói rằng: - Anh phải nhớ nghe hôn, anh Hương hào? Nhớ kêu tá điền, tá thổ, trưa mốt tựu lại đây cho đủ mặt, đừng để sót người nào. Còn mai nầy anh biểu thằng Mau với thằng Tùng cầm dây cho anh đo mấy miếng đất thổ cư hết thảy. Người nào ở vuông vức bao nhiêu anh biên cho rành, theo như lời tôi dặn anh hồi trưa đó, nghe hôn? Ờ, nhớ kêu bà con mấy cái mả đó nữa nghe. Thu Hà nghe chồng dặn Hương hào Điều lăng xăng, không hiểu ý chồng tính việc gì, nên ngồi ngó trân trân.
25 100 giạ 26 người Tàu ở Việt Nam, còn được gọi là "các chú".