Tôi sinh vào giờ Dần. Bà tôi lấy ngay cái giờ đó để đặt tên cho tôi. Người bảo như thế cho tiện về sau, khi nào muốn lấy số tử vi hoặc có ốm đau xem bói cũng dễ nhớ giờ. Vừa mới lọt lòng mẹ, tôi đã là đứa trẻ mồ côi. Mẹ tôi có thai tôi được ngoài năm tháng thì cha tôi chết. Mẹ tôi nuôi tôi tới năm lên sáu, bỏ tôi lại rồi đi lấy chồng. Năm đó mẹ tôi chừng hai mươi ba tuổi. Cha tôi và mẹ tôi khi mới lấy nhau hãy còn như hai đứa trẻ: Chồng mười bẩy, vợ mười lăm. Những cặp vợ chồng trẻ như thế, hiện nay ở vùng tôi cũng hãy còn có rất nhiều. Thường thường gia đình nào cũng vậy, chỉ mong cưới được nàng dâu về để cho trong nhà được thêm đông đúc và có người giúp đỡ các công việc. Bà tôi cũng có cái ý nghĩ đó, nên đều lấy vợ sớm cho các con. Vả lại, nuôi con mà chưa gây dựng cho trai có vợ, gái có chồng thì vẫn chưa là đủ; bởi thế, khi thấy người đã bắt đầu già yếu, bà tôi chỉ nghĩ tới sự kiếm đủ vợ cho các con. Ngày mẹ tôi sa vào cảnh góa bụa, là ngày bà tôi bắt đầu hắt hủi mẹ tôi. Hình như bà tôi đã hiểu rằng một người đàn bà góa chồng vào cái tuổi mười bẩy, mười tám thì khó lòng ở vậy được. Lòng hắt hủi đã khiến bà tôi coi mẹ tôi như một người ngoài và chỉ còn nghĩ tới tôi, giọt máu đầu tiên và cũng là giọt máu cuối cùng của người con giai mà bà tôi thường khen là khấm khớ. Cả đến các chú, các thím tôi cũng tỏ vẻ ghét bỏ mẹ tôi. Bà tôi dành riêng cho hai mẹ con tôi một gian buồng bên cạnh buồng bà tôi. Mẹ tôi vẫn phải ăn chung và làm chung với các chú tôi. Trong khi mẹ tôi phải đi cuốc hoặc đi cấy ngoài đồng, ở nhà, một mình tôi tha thẩn góc sân, xó vườn để nghịch đất, đào giun. Chiều chiều, cứ khi nào gà đã lên chuồng, các công việc đã thu dọn xong cả, mẹ tôi lại dẫn tôi ra cầu ao rửa mặt và chân tay cho tôi. Mẹ tôi rủ rỉ hỏi tôi:
-ở nhà, con có ăn no không?
-Con ăn ba bát, chan với canh. Mẹ tôi bế tôi từ cầu ao về nhà để khỏi lấm chân. Mẹ tôi lại mắng yêu tôi:
-Sao u dặn con ở nhà không được nghịch đất mà hôm nào chân tay cũng bẩn thỉu thế? Chẳng bao giờ tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi chỉ đưa tay ôm chặt lấy cổ mẹ tôi.
Đêm tới, mẹ tôi đưa tôi đi ngủ. Bao giờ mẹ tôi cũng duỗi thẳng một tay, đặt đầu tôi lên và một tay nhè nhẹ vỗ trên mông đít tôi. Tôi nằm nghiêng về một bên, đặt một tay lên ngực mẹ tôi. Có hôm tôi ngủ được ngay. Có hôm tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Những hôm đó, tôi thấy bà tôi dịu dàng gióng một, nói với sang giường mẹ tôi:
-Gái hóa cũng vạn người người ta ở vậy nuôi con đấy. Có gan một tý là được. Cái hạng người mà chưa chôn xong chồng đã tấp tểnh đi lấy chồng, chẳng trời nào chứng cho đâu. Tiếng nói của bà tôi cứ nhỏ nhỏ dần rồi bà tôi ngáy đều đều. Rồi chợt, bà tôi lại tỉnh giấc, chẳng hiểu là mẹ tôi còn thức không, nhưng cứ tiếp lời:
-Những lúc đi đây đi đó, phải có ý có tứ mà giữ gìn. ăn uống cái gì của ai cho phải cẩn thận. Nhỡ mà nó bỏ thuốc thì rồi lại mẹ một nơi con một nẻo sớm... Không biết mẹ tôi có nghe những nhời đó chăng, nhưng hôm nay bà tôi nói những câu tương tự như thế tôi lại thấy mẹ tôi luôn luôn thở dài. Cái hơi thở làm nóng cả cổ và mặt tôi. Tôi không hiểu gì, tôi chỉ thấy trong người hơi sờ sợ. Những lúc đó, tôi nằm im thin thít, không dám cử động và nín cả thở. Cứ sau một hơi thở dài của mẹ tôi một lúc tôi lại ôm ghì lấy mẹ tôi. Có một buổi tối về mùa đông, hai mẹ con nằm trên chiếc giường rải rơm, và đắp trên người hai chiếc chiếu cói. Tôi vẫn nằm kê đầu lên tay mẹ tôi. Trời lạnh quá thành khó ngủ. Mẹ tôi thỉnh thoảng đùa cù tôi trên cạnh sườn. Tôi bật cười, giãy giụa. Hai chiếc chiếu cọ nhau sột soạt. Bà tôi cất tiếng hỏi:
-Cái gì thế? Tôi sợ quá nín hẳn cười. Yên lặng. Bà tôi lại gắt:
-Cái gì mà rả rích thế? Mẹ tôi vừa giở mình vừa đáp lại:
-Có gì đâu.
-Có tiếng ai cười đùa mà lại bảo có gì đâu. Nghe bà tôi nói vậy, tôi quay đầu nhìn ra. Một cái bóng đen lờ mờ từ phía bên kia thong thả tiến lại gần phía giường mẹ tôi. Thỉnh thoảng cái bóng đó lại khuất hẳn sau một cây cột rồi lại hiện ra. Tôi không hiểu là cái gì và nhớ tới những chuyện ma quỷ tôi sợ đến run cả chân tay. Mẹ tôi tưởng tôi rét quá kéo chiếc chiếu phủ kín cho tôi. Cái bóng ấy lại gần hẳn cạnh giường hai mẹ con tôi. Tôi kêu rú lên. Mẹ tôi hỏi:
-Sao thế con? Lúc đó bà tôi mới lên tiếng:
-Có ai thế? Mẹ tôi hơi sẵng tiếng:
-Thằng Dần đấy chứ ạ! Bà tôi sờ soạng khắp cả giường:
-Ai đây? Gái hóa: phụ nữ có chồng chết.
-Con đấy mà. Bà tôi sờ tới tôi. Tôi sợ quá không dám cựa mình.
-Ai đây? Mẹ tôi vội đáp hộ tôi:
-Cháu đấy mà. Bà tôi lại quờ quạng khắp giường một lượt nữa rồi quay đi. Tôi lại nhìn thấy cái bóng ghê sợ lúc trước, ẩn hiện ngay giữa nhà và cứ xa xa dần mãi. Tôi không dám nhìn theo nữa. Khi tôi đã nghe thấy tiếng những nan ở giường bên kia sột soạt kêu, bà tôi lên tiếng nói:
-ấy, có thân thì giữ... ở giường bên này, lúc đó tôi mới dám bắt đầu thở đều. Mẹ tôi sụt sịt khóc, nước mắt ướt đầm cái cánh tay tôi gối. Tôi không hiểu tại sao. Thấy mẹ khóc, tôi cũng đem lòng thương, tôi ôm chặt lấy cổ mẹ tôi. Và từ cái buổi tối ấy, tôi thấy sờ sợ bà tôi. Nhất là khi bà tôi đi đâu về hãy còn ở đàng xa mà thân hình chưa rõ, chỉ mới như một cái bóng cử động. Mẹ tôi đi lấy chồng giữa năm tôi lên sáu. Ngay từ khi mẹ tôi còn ở với bà nội tôi, cũng đã có người mối manh nói với bà ngoại tôi xin lấy mẹ tôi. Bà ngoại tôi phân vân mãi rồi sau hết nói lại riêng với mẹ tôi, cố tìm cách giấu hết mọi người bên họ nội. Sau đó người ta cứ hỏi tin tức mãi và cách ít lâu người mối lại ngỏ lời xin ăn hỏi. Bà ngoại tôi nhận nhời. Nhưng trước khi nhận lễ bà ngoại tôi cũng có nói lại công việc gả chồng cho mẹ tôi để bà nội tôi được biết. Cái hy vọng giữ được một người nàng dâu ở vậy nuôi đứa cháu giai bị tiêu tán. Không bao giờ bằng lúc này bà nội tôi đem lòng thù ghét bà ngoại tôi:
-Tôi không thấy ai lại như bà. Con gái đầu lại gả chồng hai lần. Giá có lấy mười con gái mà gả chồng như bà thì rồi tha hồ mà nhà ngói cây mít.
-Thôi, tôi xin bà. Ai có con gả chồng cũng mong nó ăn đời ở kiếp với nhau chứ. Người là vàng của là ngãi. Ai lại mong rể chết để bán con bao giờ. Bà nội tôi vẫn không nén nổi sự tức bực và cố lấn át bà ngoại tôi:
-Thực rõ khéo! Chỉ nối giáo cho giặc. Những như nó thì nó cũng chẳng bước đi một bước nữa làm gì...
-Khốn nạn, bà tính, gái góa...
-Chà! Góa, có dễ tôi đây không góa! Bà ngoại tôi chẳng còn nể lời, nói lớn:
-Góa cũng năm bẩy đường góa! Góa như bà ấy thì nói làm gì. Ngoài bốn mươi chồng mới chết chẳng ở vậy còn lấy ai. Mà ai người ta lấy! Đằng này con tôi mới ngoài hai mươi tuổi đầu không cho nó đi lấy chồng rồi nhỡ ra thì xấu mặt tôi nhiều, chứ bà, bà còn dây díu gì đến. Con dại cái mang... Bà ngoại tôi dằn từng tiếng nói câu sau cùng này, vừa nói vừa làm điệu bộ. Lúc thì giơ tay lên cao, lúc thì chành hai khuỷu tay trên mạng sườn, nét mặt lộ rõ vẻ kiêu hãnh của một người có đủ quyền thế. Câu chuyện gắt gao này chỉ được một lúc, bà ngoại tôi bỏ ra về. Tôi quên sao được cái lúc hai bà tôi từ giã nhau! Bà ngoại tôi quét sau đít một cành rào. Đàn chó từ nhà trên nhà dưới xổ ra vây quanh bà tôi. Bà tôi cuống quýt lấy cành rào xua, vừa xua vừa kêu:
-Ai đánh chó hộ tôi với, hộ tôi một tý... Bà nội tôi vẫn đứng im ở đầu hè, mặc kệ. Tôi ton ton chạy ra sân, nhìn trước nhìn sau rồi ôm một cái cây sào dài và to. Cái cây sào nặng quá, tôi chưa nhấc bổng được lên, bà nội tôi đã trỏ tay mắng tôi:
-Việc gì đến mày, cái thằng ranh con kia. Mày thì cứ giờ cái thần hồn với bà sớm. Tôi sợ quá, buông vội cây sào ra rồi chạy. Đàn chó cũng tản mác mỗi nơi một ngả. Bà ngoại tôi ra thoát. Mãi lúc lâu tôi mới dám trở về nhà. Trông thấy tôi, bà nội tôi chửi mắng om xòm.
-Mày xéo đâu thì xéo. Đừng có về cái nhà này nữa. Tôi xị mặt, đứng đờ người ở một chái nhà. Bà tôi vẫn không ngừng nói:
-Tao nuôi mày từ lúc còn đỏ như hòn son đến bây giờ mà mày lại bênh bà ngoại mày. Ra tao đây là người dưng nước lã có phải không cái thằng ranh con kia? Cả ngày hôm ấy, tôi chỉ quanh quẩn đằng sau nhà. Bỏ một bữa cơm. Chẳng ai tìm gọi tôi. Buổi tối hôm ấy, tôi lẻn từ sau nhà ra cầu ao tự rửa chân lấy rồi ngồi chờ ở gốc một cây sung, chờ cho tối hẳn mới lẻn trong bóng tối ren rén về gian buồng của hai mẹ con.
-Tôi sờ khắp cả giường, không thấy mẹ tôi đâu. Tôi ngơ ngác muốn kêu lên, gọi mẹ tôi, nhưng lại sợ bà tôi nằm giường bên. Tôi khẽ bước lên giường nằm im ngóng đợi mẹ tôi. Mệt và đói quá tôi ngủ lả đi lúc nào không rõ. Được một giấc ngăn ngắn, tôi mê sảng, giật mình đánh thót, bừng thức dậy. Tôi mê man quờ tay, hết bên phải sang bên trái: vẫn chỉ thấy có một mình tôi. Tôi hốt hoảng vừa khóc vừa kêu lên:
-U ơi! U ơi! U ơi là u ơi! Bà tôi tỉnh giấc:
-Thằng ranh! Ngủ đi! U với con gì! Cái con mẹ mày đi theo giai rồi! Dậy mà vác sào đánh chó cho cái con bà mày rước giai về cho mẹ mày. Tủi thân quá, tôi lại khóc to. Bà tôi quát:
-Câm họng đi cho người ta ngủ. Ngày mai dậy sớm rồi đi theo mẹ mày. Bà không thiết gì cái giống bất nhân ấy đâu. Chà... à... à! Quý báu lắm đấy. Nuôi cò rồi cò lại mổ mắt chứ làm cái gì! Tôi đưa tay kéo chiếc màn lau nước mắt rồi cố nín hẳn. Tôi thấy nghẹn và tức ở ngực. Những cơn khóc bị kìm giữ làm tôi phải nấc luôn mà nuốt nước mắt không kịp. Tôi quên cả đói, chỉ mơ màng nghĩ đến mẹ. Cái đêm thứ nhất tôi nằm trong giường, thiếu hơi ấp ủ của mẹ tôi. Chỉ thiếu cái cánh tay để gối đầu, thiếu cái ngực để tôi nằm nghiêng rồi đặt một cánh tay lên đó, mà tôi thấy thiếu nhiều quá! Tôi giở mình bên phải giở mình bên trái. Nhưng mẹ tôi không còn có đó nữa để giữ tôi lại, ngáng cho tôi khỏi ngã. Mãi về sau này, tôi mới được biết rằng ngay ngày hôm ấy, khi đã nói chuyện với người dâu gia bà ngoại tôi đã ra đồng đón mẹ tôi và bảo mẹ tôi hết buổi làm hôm đó thì trốn ngay về với bà ngoại tôi để thu xếp việc ăn hỏi. Không ngờ, bắt đầu từ cái đêm ấy, tôi mất mẹ. Và từ đó, tuy không mà tôi cũng phải chịu bồ côi một lần nữa. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm lắm, ngay từ khi gà mới gáy; trong bếp các thím tôi còn đang lập lòe nhóm lửa thổi bữa cơm sáng. Vừa mới đặt chân xuống đất, tôi đã khóc và cất tiếng gọi mẹ:
-U ơi! U! Chẳng một tiếng nói nào đáp lại. Còn đâu những buổi sáng khi tôi thấy mẹ tôi rút cánh tay từ dưới đầu tôi ra, khi tôi lên tiếng gọi, mẹ tôi lại ngọt ngào bảo tôi:
-Ngủ đi con ạ. U dậy thổi cơm với các thím đây mà. Những buổi sáng ấy, nếu tôi không muốn ngủ thêm, tôi lại cùng dậy với mẹ tôi. Mẹ tôi dắt tôi xuống bếp, tôi ngồi sát bên mẹ tôi xem ngọn lửa bốc. Có khi tôi đun bếp hộ mẹ tôi. Dù luộc rau, nấu canh hay nấu riêu, phải nếm xem đã chín chưa, mặn nhạt ra sao, mẹ tôi cũng cho tôi nếm. Khi nào đưa thìa canh lên miệng mà thấy tôi trố mắt nhìn theo ra vẻ thèm thuồng mẹ tôi lại múc hẳn cho tôi một bát con ra ngồi ăn ở góc bếp. Các thím tôi ra chiều ghen tức, lẩm bẩm một mình:
-Nuông con lắm vào rồi sau nhớn chỉ tổ mất dạy.
-Bằng ngay cái hạt tiêu ấy mà sáng nào cũng ăn trước cả nhà. Mẹ tôi nghe tiếng, nhưng vẫn yên lặng; còn tôi, tôi cứ điềm tĩnh ăn; húp hết bát canh, hãy còn thòm thèm, tôi dài lưỡi liếm lại chiếc bát, đưa mấy ngón tay gạy cả lấy lá rau còn bám chặt trên cạnh bát. Nhưng cái buổi sáng ấy, tôi đã hoài hơi gọi, chẳng một tiếng nói nào đáp lại. Tôi ra ngồi ở đầu hè, tựa lưng vào một gốc cột, tỷ tê khóc. Mãi tới khi gần sáng hẳn, bà tôi mới ngủ dậy. Bà tôi mắng:
-Cái con nhà này ra đáo để thật! Khóc! Khóc ai! Khóc mẹ mày ấy à? Sao mà cái quân nó vô phúc thế! Mẹ mày đi lấy chồng, đi theo giai chứ có chết đâu mà phải thút thít thế. Bữa cơm sáng hôm đó tôi đói quá. Chiếc chiếu thủng giữa rải trên nền nhà; mâm cơm vừa bưng ra, tôi không chờ ai nói năng gì lon ton chạy ra ngồi ngay bên mâm. Một người thím trừng trừng nhìn tôi:
-Mẹ mày đi rồi, ai thổi cơm cho mày mà cũng lê vào đây. Rồi tiếp luôn lời một người thím khác:
-Cho nó bát cơm hớt ấy. Bà tôi lườm dài cả hai người:
-Rõ khéo các bà lắm! Thấy người khác mắng, các bà cũng ra tuồng ta đây mắng với chửi. Người nhà các bà đấy hẳn. Mẹ nó có đi đánh đĩ các bà cũng không được nói gì đến nó kia mà. Cháu tôi, tôi muốn mắng mỏ sao thì tôi mắng. Các bà không có phép. Một người chú bênh vợ:
-Bây giờ mẹ nó bỏ nó đấy, không bảo ban nó bà bảo để mà thờ à? Rồi người chú đó đập mạnh bàn tay trên một chỗ ngồi bảo tôi:
-Thưa bố, bố ngồi ra đây mà nốc cho nó xong đi. Người chú thứ hai:
-Xem có nuôi được thì nuôi mà không thì để cho nó theo mẹ nó hay cho nó về bà ngoại nó. Bà tôi quát:
-Không việc gì đến những cái hạng ấy. Không ai nuôi thì cái con khọm già này nuôi. Con tao chết đi còn lại một mụn cháu đấy! Tôi lấm lét ngồi vào chỗ chú đã đập cho, nhìn hết cả mọi người và sợ hết cả mọi người. Bát cơm thím tôi xới, nén thật đầy và thật chặt tựa một bát cơm cúng. Tôi bưng lên, cố lấy đũa và mà không sao được. Bát cơm ú ụ che lấp cả mũi, cả mặt, không còn biết kề môi vào cạnh nào. Bà tôi cầm lấy bát cơm của tôi san ra một cái bát khác, rồi chan canh gắp tôm bỏ vào bát cho tôi. Vừa làm việc đó bà tôi vừa lẩm bẩm như nói một mình:
-Xới cơm cho thằng bé mà xới đến có ngọn lên thế này thì nó ăn làm sao được. Sao mà những cái giống ngu thế. Tốt kén được dâu hiền... Mình vụng chân, vụng tay chỉ nhặt toàn phải những cái của nợ, nghĩ mà thêm bực mình. Bà tôi thở dài:
-Chao ôi! Dâu với con! Bà tôi dầm kỹ bát cơm rồi đưa cho tôi:
-Đây, ăn đi. ăn cho chóng nhớn rồi mà làm giả nợ người ta không người ta móc họng bà cháu mình ra đấy. Chẳng ngon lành gì đâu, cháu ạ. Tôi chăm chú nhìn bà tôi và nghe bà tôi nói tôi quên hẳn ngay được những lời bà tôi đã diếc móc mẹ tôi và tôi trong ban đêm. Linh tính đã cho tôi biết, dù sao, bà tôi vẫn còn có thể là một người để tôi nương tựa. Mấy giọt nước mắt từ từ chảy trên má tôi, rồi tôi òa lên khóc. Chẳng ai nói năng gì. Các chú, các thím tôi chỉ trừng mắt lườm tôi. Tôi đưa một cánh tay quệt nước mắt, quệt nước mũi rồi hấp tấp ăn. Vừa hết bát cơm, tôi vứt bát, vứt đũa đứng dậy đi thẳng ra khỏi nhà. Bà tôi gọi:
-Dần ơi! Tôi vẫn lẳng lặng đi; bà tôi thét lên:
-Dần! Đi đâu! Mày không vào mà ăn cho no đi hẩu? Rồi bà tôi đuổi theo tôi. Tôi cắm đầu chạy. Bà tôi càng chạy cố. Khi nắm được lưng áo tôi, tôi khóc thét lên:
-Cháu lạy bà, lạy bà ạ.
-Mày đi đâu? Tôi vẫn khóc.
-Sao tao hỏi mày đi đâu mày lại cứ khóc. Tôi đưa hai cánh tay lau nước mắt và nói không ra tiếng:
-Cháu đi với u cháu. Bà tôi hầm hầm nét mặt:
-à ra cái quân này gớm thật! Nuôi nó đến bây giờ, rồi nó cậy có chân nó muốn đi đâu thì đi, theo ai thì theo... Bà tôi bẻ một cành rào, trỏ về phía nhà:
-Muốn sống thì về ngay. Tôi vừa thút thít khóc vừa đi trở lại. Bà tôi dẫn tôi vào gian buồng của mẹ tôi:
-Khôn hồn thì cứ ở trong cái buồng này nhé. Bà tôi gí tay vào trán tôi:
-Đi đâu cũng chết với bà. Mẹ mày đi theo giai rồi, có biết không? Bà tôi đi ra, đóng chiếc cửa đánh sầm. Tôi ngồi trong buồng nghe một tiếng tách và bà tôi nói:
-Bà thì nhốt mày cho đến mãn đời. Tôi vội chạy xổ ra, giựt tấm cánh cửa. Cánh cửa hé ra để lọt một ít ánh sáng in thành vệt trên nền nhà, nhưng không thể bật ra được. Tôi lắc thực mạnh. Tiếng khóa sắt cọ với đinh khuy sành sạch. Tôi giậm mạnh hai chân và hét lên:
-Bà ơi! Bà ơi! Không có tiếng gì bên ngoài, tôi ngồi xệp xuống đất khóc. Khóc chán, tôi lại lay mạnh cái tấm cánh cửa. Vẫn không hiệu quả gì; tôi cất tiếng chửi chẳng biết là để chửi ai. Sau mấy câu chửi tôi lại khóc. Khóc một lúc mệt quá tôi nghỉ, rồi bỗng dưng tôi lại cố nức nở khóc tiếp. Cứ như thế một lúc lâu rồi tôi thờ thẫn ngồi, buồn tay, cầm môi dưới kéo ra kéo vào bắt chước tiếng cóc nghiến răng, hai mắt nhìn con thạch sùng bò từng đoạn một trên tấm cánh cửa. Con thạch sùng cũng nhìn tôi. Được một lúc, tôi mỏi mắt quá rờ rẫm trèo lên giường. Mấy chiếc áo cộc và chiếc yếm của mẹ tôi còn vứt trên giường, tôi cuộn tròn những vật đó lại nằm co người và nghiêng về một bên như tôi thường nằm với mẹ tôi rồi ôm cái bọc áo yếm trong lòng.
Tôi ngủ quên lúc nào không biết. Mẹ tôi lấy một người cai lệ tại huyện, cách xa làng tôi tới bốn cây số. Bà ngoại tôi đã muốn cầu chút lợi riêng, ngoài sự muốn cho con gái khỏi hư thân. Gia đình bà ngoại tôi đã từ lâu là một gia đình có chức tước trong làng. ông ngoại tôi khi xưa làm phó lý rồi thăng chức lý trưởng. Được như thế là nhờ bác tôi lo liệu cả cho. Bây giờ bà tôi cũng muốn cho cả cậu tôi làm nên. Gả mẹ tôi cho người cai lệ, bà tôi có hy vọng rằng khi nào các cậu tôi muốn ra làm công làm việc trong làng, ắt sẽ dễ thu xếp. Người bố dượng tôi sẽ là người gần gụi quan trên cho mình. ăn hỏi được chừng năm, sáu ngày, họ nhà giai xin cưới ngay. Trước khi từ giã làng để về nhà chồng, mẹ tôi còn được gặp tôi một lần nữa, kể từ cái đêm thứ nhất tôi phải ngủ một mình. Hôm ấy phiên chợ trong làng. Bà tôi vắng nhà. Các thím tôi đi bán rau, bán thóc. Hai chú tôi cuốc vườn sau nhà. Tôi đang lúi húi làm một cái diều bằng chiếc lá mít; bỗng thấy mấy con chó nằm ở sân chồm dậy, kêu đánh hực. Con nào cũng vẫy đuôi. Tôi quay lại thấy mẹ tôi đang rón rén bước một lần theo các vỉa hè trên thềm nhà. Tôi vứt băng chiếc lá mít, vừa định kêu lên, mẹ tôi ra hiệu xua xua tay rồi bịt mồm. Tôi nín ngay, đon đả chạy lại gần mẹ tôi. Mẹ tôi bế tôi vào lòng. Tôi ghì chặt lấy cổ mẹ tôi và nói:
-U, u, u đi đâu về đấy? Mẹ tôi ghé tai tôi:
-Khẽ chứ... có ai ở nhà không?
-Chỉ có chú lớn và chú hai. Mẹ tôi lấy ở trong ruột tượng ra mấy quả vải chín đưa cho tôi rồi bế tôi về gian buồng cũ. Mẹ tôi đặt tôi xuống đất, vội vàng vơ lấy những chiếc áo dài, áo cộc, thắt lưng... cuộn tròn ôm dưới nách. Tôi cứ trố mắt nhìn mẹ tôi, bỏ rơi những quả vải trên đất không buồn nghĩ đến nhặt. Mẹ tôi ôm tôi vào lòng hổn hển nói:
-Con ở nhà với bà nhé.
-Thế u đi đâu?
-U đi... đi... chơi vài hôm rồi u về ngay. Nghe giọng nói lưỡng lự của mẹ tôi, tôi thấy rõ lời nói không chân thật. Mẹ tôi cũng hiểu ý, đưa tay xoa đầu tôi và ngọt giọng hơn, nói thêm:
-Chóng ngoan rồi bao giờ về u mua quà cho. Tôi nũng nịu:
-Không, con không ăn quà, u cứ ở nhà với con... Con giả vải đấy, con không ăn đâu.
-U chỉ đi vài hôm thôi mà.
-Thế u đi đâu? Mẹ tôi gắt:
-Đã bảo đi chơi mà lại! Tôi phùng má, hai tay mân mê chiếc ruột tượng của mẹ tôi:
-Thế sao bà lại bảo u đi theo giai? Mẹ tôi tát yêu tôi, hai má đỏ ửng:
-Cha bố mày! Đừng nghe bà. Bà nói dối đấy. Mẹ tôi ôm bọc quần áo một bên, bế tôi bên cạnh sườn, lại rón rén di ra tới cổng. Mẹ tôi đặt tôi xuống đất:
-Thôi thế con ở nhà, u đi nhé. Chóng ngoan rồi u may áo đẹp cho.
-Không, con không mặc áo đẹp, u cứ ở nhà với con. Tôi níu chặt vạt áo; mẹ tôi lại ngồi xuống bên tôi xoa xoa đầu, khẽ vạch từng đám tóc, vừa bắt chấy cho tôi vừa dỗ dành tôi:
-Con ở nhà, u chỉ đi một ngày thôi vậy. Tôi ngúng nguẩy:
-Không, con đi với cơ...
-Mày đi làm sao được. Rồi bà lại bổ đi tìm, mà tìm thấy thì bà giết chết ngoẻo cả mẹ lẫn con. Tao lại không muốn cho mày đi hay sao... Dứt câu nói, tôi thấy mắt mẹ tôi ươn ướt, như muốn khóc. Mẹ tôi ngồi yên lặng một lúc lâu thở dài một cái rồi đứng dậy gạt hẳn tay tôi ra, hấp tấp đi. Tôi chạy theo. Tôi định kêu lên, mẹ tôi bảo:
-Câm mồm, hai chú mà biết thì hai chú giết sống. Tôi đành yên lặng, đờ đẫn nhìn theo mẹ tôi đi xa dần. Mẹ tôi đi được một quãng đường, cơn khóc bật lên từ trong cuống họng tôi. Tôi định gọi to mẹ tôi, nhưng tôi lại lo lo sợ sợ. Khi mẹ tôi đã đi khuất hẳn, tôi vẫn còn sụt sịt khóc. Tôi quay trở lại. Và lúc đó tôi bỗng khóc to và và kêu lên:
-U ơi là u ơi! Cứ như thế trong một lúc lâu. Hai chú tôi ở vườn về mắng tôi:
-Rõ khéo khỉ chửa! Tự nhiên không đâu lại ngồi khóc mẹ. Chú tôi quát:
-Nín! Tôi giật mình đánh thót, cố ngậm miệng, nuốt nước mắt. Ngày cưới mẹ tôi, tôi cũng không được gần mẹ tôi. Không một người nào ở bên ngoại tìm đón tôi về. Ai cũng tin rằng con giai phải theo họ nội. Và mẹ tôi, bước chân đi lấy chồng, chẳng còn dám coi tôi là chính con mình; chỉ là kẻ đẻ hộ cho người khác có thêm đông người. Ngày hôm ấy, tôi đang đánh đáo sành với mấy đứa trẻ hàng xóm, một bà trông thấy tôi bảo:
-Kìa cái thằng cu Dần còn đánh đáo kia. Mẹ đi lấy chồng mà lại không về kiếm cỗ ăn! Sao mà dại thế. Tôi ngừng tay đáo, đứng đờ người nhìn bà ta.
-Có về đằng bà ngoại mày ăn cỗ tao đưa đi. Tôi không nói gì, hấp tấp chạy lại gần bà ta rồi túm lấy vạt áo. Mấy đứa trẻ đang chơi với tôi cũng bỏ dở cuộc. Một đứa thua tháy giục:
-Chúng mày ra chơi đi chứ. Một đứa bảo tôi:
-Dần ơi, mày cho tao đi ăn cỗ với nhé. Tôi ra dáng khủng khỉnh, kiêu hãnh:
-U tao đi lấy chồng tao mới được ăn cỗ chứ... Tôi lánh xa thằng bé xoăn xoe bám chặt lấy người đàn bà tôi không biết là ai. Bà ta dắt tôi đi. Nhưng vừa được một quãng đường, lại gặp một bà cụ:
-Bà dắt cái thằng cu ấy đi đâu thế?
-Dắt nó về bà ngoại nó cho nó kiếm cỗ ăn. Hôm nay người ta cưới mẹ nó.
-Bà này rõ khéo lẩn thẩn. Cháu người ta, người ta giữ cho nó xa bên ngoại lại đi dắt về với bà ngoại. Rõ lẩn thẩn. Rồi người ta nói cho mà dại mặt. Người đàn bà buông tay tôi ra. Tôi lại trở lại chỗ đánh đáo và lại cùng với mấy đứa trẻ bày lại cuộc. Nhưng chưa được vài ván, mấy người bảo nhau:
-Chính đám cưới mẹ thằng Dần đấy.
-Đám cưới sao lại đi lối này!
-Người ta ra đây để xuống đò, đi thuyền mà lại. Tôi lắng tai nghe những câu nói đó cũng chạy lại đứng bên mấy người nhớn. Một người bảo tôi:
-Mẹ mày kia kìa, đã nhòm thấy chưa? Tôi thấy rõ mẹ tôi mặc quần áo mới, khác hẳn ngày thường, đầu đội một chiếc nón rộng vành. Tôi định chạy theo nhưng thấy nhiều người lạ cùng đi với mẹ tôi, tôi lại sờ sợ.
-Thế là mất mẹ. Người ta cướp mẹ mà cứ đứng giương mắt ra mà nhìn. Tôi cãi lại:
-U tôi bảo u tôi đi chơi đấy chứ. Ngày mai lại về. Mọi người bật cười. Tôi xấu hổ cúi mặt, không dám nói thêm gì. Tôi tin ở lời mẹ tôi, và tôi cố chờ cho tới lúc mẹ tôi đi chơi về. Một ngày hai ngày, chẳng thấy mẹ tôi về. Lúc đó tôi mới bắt đầu ngờ rằng mẹ tôi đã dối tôi thực. Thế rồi một hôm tôi trốn nhà, đi theo con đường đất mà đám cưới mẹ tôi đã đi qua: Tôi có ý định đi tìm mẹ. Cứ mỗi lúc quay đầu lại thấy nhà đã xa xa, tôi lại rùng giợn thành ra lo nghĩ. Ra tới khỏi làng, những người lạ mặt tôi gặp trên đường lại càng làm tôi phân vân không dám thẳng đường. Tôi cứ liều đi. Khi nhà đã khuất hẳn tôi tới một cái bến đò. Lần thứ nhất trông thấy nước cuồn cuộn chảy. Tôi sợ quá ngồi phệt xuống đó khóc.
-U ơi là u ơi! Những người lái đò nhìn tôi nói:
-Cái thằng bé này đến lạ! Tự nhiên ở đâu chạy đến đây rồi ngồi khóc ư.
-Hay là u nó đi lấy Hà Bá? Họ cười rộ với nhau. Tôi thẹn quá, nín khóc. Người ta hỏi tôi:
-Mày ở làng nào? Tôi không nói gì. Mà sự thực tôi cũng không biết tên làng tôi. Họ hỏi chán rồi họ lại bỏ mặc tôi ngồi đó. Tôi lại sụt sịt khóc và lại gọi mẹ. Một lúc sau, một người đi đâu về qua đó thấy tôi khóc bèn lại dỗ tôi và dắt tôi về. Tôi sợ hãi không dám đi theo. Người ấy khẽ bảo tôi:
-Tao có biết bà mày và các chú mày, tao đưa về nhà. Đi đâu mà lại lạc tới đây? Tôi không trả lời, lững thững theo người ấy về. Người ta gọi chú hai tôi ra cổng:
-Cái thằng cháu nó lang thang đi đâu mà lại lên tới mãi bến đò ngồi khóc. Chú tôi cau mặt cầm tay tôi giựt mạnh:
-Ngộ lăn xuống sông thì có mất xác không? Về đây rồi tao bảo! Chú tôi lôi sềnh sệch từ cổng về nhà. Buổi trưa hôm ấy tôi phải nhịn cơm và bị một trận đòn đến đau hết cả mình mẩy.