Chiếc đàn đựng thỏ
Bohumil Hrabal
" Tôi không hề ảo tưởng về mình." Ông chưởng khế nói rồi tiếp tục đi, một kiểu đi kỳ quặc tới mức khó chịu. Nhìn ông đi, ta có thể đoán được là vài năm trước ông bị tàu điện chẹt. Nó là cái số không thể tránh được, nên bây giờ ông phải chịu trách nhiệm quản lý một cách chật vật tứ chi bị gãy của mình. Không những chân tay bị gãy, đầu ông cũng bị bẹp nốt. Đầu bẹp nên khi đi ông hơi đánh vẹo cổ sang bên thì mới nhìn được con đường phía trước. Con đường không vênh nhưng mắt ông thì bị đặt sai vị trí. Không những thế, lúc đi ông còn lắc mình kinh khủng. Lắc sang phải rồi lắc sang trái, như người đi cà kheo. Hai tay ông đã bị rút ngắn lại, trông như hai chiếc rễ cây vừa mọc nhú ra đã bị nghẽn đất. Mỗi lần xách bình đi lấy nước khoáng ở giếng Thánh Giôdép trở về, chiếc bình trong tay ông cứ lắc lư chao đảo như chiếc đèn lồng xe ngựa. Có lẽ khi ông về tới nhà, nước đã rải hết dọc đường, chẳng còn giọt nào. Ông sống một thân một mình, không thích tiếp xúc với ai nhưng vẫn thích trang điểm, chải chuốt. Ông thường phải trang điểm khoảng hai giờ đồng hồ rồi mới yên tâm khoác chiếc áo ngoài, kết thúc công việc. Nhiều lần vừa chải chuốt, chăm sóc dung nhan xong ông đã phải tính tới chuyện cởi quần áo đi ngủ. Bởi.vậy ông quyết định: tốt nhất là chỉ trang điểm vào ngày đầu tuần, các ngày sau thì ăn mặc bình thường thôi.
Khi đi lấy nước, muốn vượt từ mép đường đại lộ sang phía bên kia để xuống suối, ông phải tiến hành hàng loạt các động tác phức tạp giống như điều khiển bốn bánh xe để quay đầu một chiếc ô tô vậy. Cụ thể là ông phải lùi vài bước rồi lại tiến lên vài bước, lùi lùi tiến tiến dăm lần để định hướng cho chính xác. Rõ ràng hướng là cái quan trọng nhất trên đời. Lấy được đúng hướng rồi, như con cua chỉ còn bốn cẳng, ông tức tốc vượt qua mặt đường nhựa nguy hiểm, phóng thẳng tới nguồn nước. Mắt ông chỉ nhìn thẳng một hướng giống như ông nhìn qua lỗ thủng nhỏ của chiếc mặt nạ bằng sắt vậy. Khi tới nguồn nước khoáng, ông phải tập trung thị lực cao độ, ngắm khoảng mười lần, có khi tới hai chục lần thì mới định vị được cái chỗ phát ra tiếng nước tí tách.
Ông là người béo, nhiều mồ hôi, nhưng khuôn mặt ông thực là một biểu tượng sinh động của một sự nhẫn nại và cam chịu lớn lao. Ông sống một mình chẳng cần ai, một mình tự do trong một biệt thự nho nhỏ. Người ta đoán là ông có tiền nhưng chẳng chịu thuê người giúp việc. Ông chịu đựng âm thầm, tự làm lấy mọi việc một cách vất vả cực nhục nhưng lại tìm thấy trong nỗi cực nhục này niềm khoái lạc vì đã chiến thắng hoàn cảnh. Tất nhiên đối với ông, đó là chiến thắng vô cùng vĩ đại. Hãy đơn cử việc ông đi mua bánh mỳ làm ví dụ! Đường ra cửa hàng hợp tác xã khá xa, vì vậy việc ông mua được bánh mỳ và sữa về nhà quả là một kỷ lục thể thao của bộ môn đi khập khiễng, một chiến công vĩ đại về phương diện tinh thần. Ông không hề giấu giếm chiến thắng bởi vì chính ông cũng không tin nổi là mình làm được điều đó. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình ra cửa hàng bán bánh, đôi khi ông còn bỏ công dọn dẹp trước đoạn đường khởi hành. Trong khi mọi người chúng ta ai cũng yêu thích mặt trời thì ông nhìn mặt trời chẳng khác gì nấm mộ. Mặt trời làm ông chói mắt, không nhìn được gì. Khi có mặt trời trên đầu, ông cứ phải đưa tay lên che mắt, chống chói để khỏi bị sa chân xuống rãnh. Khi đi ông cứ phải dừng chân liên tục, tay giơ chiếc thùng hoặc chiếc túi lên cao chắn nắng. Bạn hãy tưởng tượng mà xem? Dưới chiếc thùng che nắng là một khuôn mặt nhăn nhó đang mò mẫm tìm chỗ đặt từng bàn chân. Từ khuôn mặt ông chỉ phát ra một tia sáng duy nhất bởi vì ông chỉ dùng được một mắt. Giống như người ta bật được chiếc đèn pin le lói giũa đường hầm tăm tối, ông vô cùng sung sướng khi nhìn ra lối mòn và tranh thủ tiến thêm vài chục mét, để rồi khi mặt trời ló ra khỏi đám mây, chiếu sáng, ông lại phải dừng bước, nhắm mắt, tự giác chìm sâu vào bóng tối của mu mắt. Thay phiên nhau mà đi, ông và mặt trời là hai kẻ không thể song hành.
Đã vậy, ông chưởng khế già này không bao giờ chịu để người khác giúp mình. Có ý định giúp ông, cứ thử đụng vào tay áo ông làm hiệu mà xem! Ông sẽ tự ái, đứng sững lại và cự tuyệt như con nhím xù lông. Khuôn mặt ông khi ấy sẽ méo hẳn đi vì giận dữ. Lúc đó, tốt nhất là bạn hãy giật lùi một quãng, hoặc chạy ra xa một đoạn rồi hãy quay lại nhìn. Khuôn mặt trước đó có vẻ thờ ơ, đần độn thì lúc này lại vừa như đe dọa vừa như khoan khoái, hạnh phúc - thứ hạnh phúc bí hiểm của những người tật nguyền xấu số. Gì thì gì, ông chưởng khế không thèm đưa tay cho ai dắt. Ông là người không biết đầu hàng cái gì, kể cả bản thân.
Hãy xem ông đi kiếm rau, cắt cỏ về nuôi thỏ. Ông đi, tay giương cao chiếc sọt về phía mặt trời chắn nắng mà nhìn cho rõ cỏ. Chân ông quỵ xuống nhưng đầu gối sắp chạm đất thì nó lại bật lên như được buộc với sợi dây vô hình và giật từ trên cao. Khi gặp cỏ, toàn thân ông võng xuống, mặt ông đau đớn như đang bị lương tâm cắn rứt. Nhìn ông bứt cỏ cho thỏ, người ta nghĩ ngay tới Rôxcônhicôp(1) trong cơn suy sụp tinh thần đã ôm lấy mặt đất để cầu xin tha tội. Có điều ông chưởng khế của chúng ta tuy phủ phục xuống như Rôxcônhicốp nhưng chẳng cầu xin gì mà chỉ đưa tay sờ cỏ. Chạm được vào cỏ, ông nghiến răng giận dữ giật cả một vốc to. Khi cỏ đứt rồi, ông quay đầu, điều chỉnh thị giác cho trúng sọt, thận trọng thả cái thành quả lao động của mình vào sọt. Kết thúc nắm cỏ thứ nhất, ông lại quay đầu, đưa tay trở lại như chiếc cần cẩu, mò tiếp nắm cỏ thứ hai... Mỗi lần phải đứng lên ông đều bị mất thăng bằng, cứ ngã dúi dụi, phải tìm chỗ tỳ đầu gối một lúc rồi mới nhổm lên và đứng được bằng hai chân.
"Ngài là người duy nhất tôi thấy đã chiến thắng bản thân một cách tuyệt đối!". Một lần khi thấy ông đang vật vã trong đám cỏ tìm cách đứng dậy, tôi đã nói với ông như vậy. Nghe có tiếng người, ông ngơ ngác hướng mặt về phía tôi để xác định vị trí đã phát ra tiếng nói rồi mới chậm rãi quay mình. Ông quay rất lâu, thận trọng như một cỗ máy nghiên cứu khoa học. Ngay sau đó tôi nhận ra cái nhìn của ông. Một cái nhìn thẳng băng, lạnh lẽo như sợi dây thép. "Ta không hề ảo tưởng trước lòng tốt của người đời!" Ông trả lời rồi tiếp tục ngỏm dậy, sau đó mang sọt cỏ về nhà. Nhìn sọt cỏ và ông di động tôi nghĩ tới cỗ máy thám hiểm mặt trăng đang tự động vận hành.
Tôi nhớ là hôm qua cánh thợ điện đã đào rãnh hai bên đường để đặt dây cáp ngầm. Vậy mà ông chưởng khế không biết nên cứ bước đi tự nhiên như mọi khi. Hỏng rồi! Từ xa tôi đã trông thấy ông đang ung dung đặt chân vào khoảng không trong lòng rãnh. Bàn chân ông chưa chạm đáy hào, tức là chưa chạm lớp gạch xây phủ kín dây cáp thì cả cơ thể ông đã lăn veo xuống, mặt đập vào sọt cỏ. Ông cựa quậy một lát rồi nằm yên, rền rĩ như một cỗ máy trước hội đồng thanh lý. Nhưng ông chưởng khế rất hiểu mình và rất hiểu tình thế. Ông biết nếu không cố đứng dậy, nếu thiếu ý chí một chút thôi là coi như đi tong. Máy gạt sẽ chôn ông hoặc sẽ xúc ông đi cho vào bãi thải sau làng, nằm với những đống củi mục và vỏ sắt tây. Chính vì vậy ông cố đứng dậy, leo bằng được lên khỏi rãnh rồi tìm đường về nhà. Trên đường về nhà, biết tôi vẫn lởn vởn quanh ông, ông đánh giá tôi rất cao vì tôi đã hiểu tính ông, đã mặc ông, không can thiệp, giúp đỡ. "Cảm ơn!" - Ông lên tiếng cảm ơn tôi một cách chân thành rồi đưa tay sờ cổng, bước vào con đường nhỏ trồng hai hàng thông non. Ông bước nhanh, những cành thông nhọn cào xước cả mặt nhưng ông không tỏ ra cáu kỉnh. Ông tỏ ra chiều chuộng bầy thông non. Ông thích mùi thơm đang tỏa ra từ những búp lộc xanh sáng, trông như những đầu ngón tay vừa ló ra khỏi chiếc găng bị thủng. "Tôi có thể vào cùng ngài được không?" Tôi hỏi. "Xin mời ngài, để ngài thấy là tôi không ảo tưởng trước người đời".
Thế là tôi bước theo ông già đi vào ngôi nhà của ông.
Tới nơi, tôi giật mình: Giữa sân có một chiếc đàn dương cầm màu đen nhãn hiện PETROF đứng phơi sương, phơi gió. Chiếc đàn hơi nhỏ. Có điều kỳ cục là tuy không có người chơi, chiếc đàn vẫn vang lên tiếng nhạc. Một bản nhạc đặc biệt. Các sợi dây đàn chuyển động có vẻ lộn xộn. Ngay sau đó là một âm thanh lảnh lót như tiếng còi. Hộp đàn lại còn có cả vết máu khô. Vết máu làm tôi nhớ tới tiếng còi vừa phát ra. Nếu ban đêm, trên đường về nhà mà nghe tiếng nhạc ấy tôi sẽ cho rằng đó là tiếng đàn cú ăn đêm. Định thần một lát, tôi nhận ra cái tiếng đàn nghe như tiếng khóc lóc kia lại xen lẫn với tiếng chân chim cào vào các sợi dây đàn. Ngay lúc đó tôi thấy cạnh cây thông già gần đó còn có một chiếc chuồng thỏ. Lũ thỏ trong ngăn chuồng đang nằm yên
sưởi ấm cho nhau. Dường như sau bữa rau, chúng tỏ ra hài lòng, cùng nhau tận hưởng cái không khí dễ chịu của buổi sáng mùa hè lộng lẫy Tôi lên tiếng: "Ngài chưởng khế ơi! Dạo tôi Mỹ, chỉ mất có một đô la mà được xem một trò chơi nhớ đời. Một chiếc máy bay lên thẳng kéo một chiếc dương cầm tương tự thế này lên khỏi mặt sân chừng 500 mét. Một hồi trống vang lên. Thế là máy bay cắt dây cho chiếc đàn rơi xuống. Một tiếng nổ vang lên. Đó là âm nhạc kiểu Mỹ đấy. Tiếng nhạc thoát ra từ chiếc đàn dương cầm ngân vang phải tới mươi phút mới im. Từ bụng đàn bật tung ra nào dây đàn, chốt đàn, các phím đàn bay tung tóe. Năm nghìn khán giả, trong đó có tôi đều hết hồn".
Từ chiếc dương cầm của ông già lại vang lên một tiếng huýt dài. Ông già lắng tai nghe với vẻ mặt khoan khoái. "Cái gì thế?" Tôi hỏi. Ông già liền nâng nắp đàn lên. Hóa ra trong đàn dương cầm đầy thỏ. Phần lớn là thỏ loại choai choai, có khoảng chục con đã thịt được. Chúng dạt ra hai bên làm thành hai đám vì lũ thỏ đực lộng quyền. Đám thỏ yếu tỏ vẻ hốt hoảng, còn lũ thỏ đực khỏe mạnh thì tỏ ra kiêu hãnh vì chiến thắng. "Chúng chẳng khác gì loài người - ông chưởng khế bình luận - Có chiến thắng thì cũng đến lượt vào nồi cả, chết cả. Chúng cắn nhau tranh giành địa vị nhưng rồi đều bị thiến tuốt. Tôi chỉ chừa lại một con. Sau khi thiến ít ngày là thịt. Thỏ mà thiến thì thịt mềm đi nhiều. - Ông già tiếp tục kể - Ông tính coi, nếu không có đàn thì bầy thỏ của tôi biết lấy gì tiêu khiển. Mà chiếc này tôi chỉ mua với giá 50 cuaron. Người ta đã định chở ra bãi rác cửa làng Thánh Vôichêch rồi đấy." Ông chưởng khế nói rồi đóng sập nắp đàn xuống. Tôi góp chuyện: "Ông có chiếc chuồng thỏ tuyệt vời đấy. Nhưng ông biết không, ở chỗ tôi một hôm có người xách hộp đàn viôlông vào công viên. Thấy thế, lũ trẻ con chạy bám theo. "Ông ơi, chơi cho chúng cháu một bản nhạc nào đó đi!" Người đàn ông liền mở hộp đàn, gọi: "Pepich mến yêu của ta!" Thế là từ trong hộp đàn một con thỏ nhảy vọt ra ngoài gặm cỏ. Gặm nhấm no nê nó lại nhảy vào trong hộp đàn cho chủ xách về nhà. Hỏi ra mới biết, ông này định mua nó về giết thịt nhưng không đủ can đảm cắt tiết nên đã giữ lại nuôi . . . "
"Thế là đời lão ấy bắt đầu xuống dốc rồi - Ông chưởng khế nói - Tạm biệt ông nhé! Ra ngoài ông nhớ đóng hộ tôi cánh cổng, được không?". Ông già nói rồi gõ ngón tay vào nắp đàn PETROF. Ra gần cổng tôi phải quay đầu lại nhìn vì cảm thấy như bị ai lấy dây thép chọc vào lưng. Quả vậy, phía trong, ông chưởng khế già đang đứng phơi nắng lên chiếc đàn màu đen, tay cầm chiếc sọt che bộ mặt méo và nhìn thẳng vào tôi như đang phóng một thứ tia bức xạ có sức xuyên tường. Thứ ánh sáng phát ra từ con mắt ông dễ có thể làm tôi cháy áo, bỏng da giống như ánh sáng thấu kính. Rất lạ là cái năng lượng huỷ diệt này tại sao lại có thể phát ra từ cái hốc mắt chứa một thứ chất lỏng đùng đục thay cho con ngươi của ông già tật nguyền và không hề chiến bại này. Một lần tôi đã vô tình bỏi ông: "Ông là ai?". Ông đã nghiêng mình chào tôi rồi trả lời: "Tôi là người đã trót quên không chết".
Mặt trờỉ vẫn dãi nắng xuống chiếc chuồng thỏ sau lưng ông. Trong chuồng, lũ thỏ cái đang tựa hông vào nhau cho ấm. Chúng có vẻ rất hài lòng vì đã sinh hạ được trước mắt mình một đàn con trẻ, khỏe, dáng vẻ đầy kiêu hãnh. Đàn con của chúng khi nào lớn lên, nếu gặp may sẽ được chuyển sang sống trong chiếc đàn dương cầm PETROF.
(1) Nhân vật chính trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của F.M. Đôxtôiepxki.
Phạm Thành Hưng dịch