Nguồn Suối Vạn Hạnh” vĩnh viễn là chuyện được thích nhứt, thích đến nỗi đó là chủ đề của nỗ lực thuộc một nhóm người muốn đưa một vở kịch câm Giáng sinh vào những lễ hội ở trường Hogwarts.
Bậc thầy Dược thảo học của chúng tôi hồi đó, giáo sư Herbert Beery(1), một người hâm mộ kịch nghệ tài tử nhiệt tình, đã đưa ra một kịch bản phỏng theo câu chuyện trẻ con rất được yêu mến này để chiêu đãi giáo viên và học sinh nhân dịp lễ Nô en. Hồi đó tôi còn là một thầy giáo trẻ dạy môn Biến hình, và thầy Herbert giao tôi phụ trách phần “hiệu quả đặc biệt”, bao gồm việc tạo ra một Nguồn Suối Vạn Hạnh đầy đủ chức năng và một ngọn đồi cỏ biếc tí hon, nơi mà ba nữ nhân vật và nam nhân vật của chúng ta có vẻ cùng sóng bước, trong khi ngọn đồi từ từ chìm xuống sân khấu rồi biến mất.
Tôi cho rằng tôi có thể nói, không đến nỗi tự phụ lắm, rằng cả Nguồn Suối và Ngọn Đồi đều đóng trọn vai trò được giao phó cho chúng với thiện chí hồn nhiên. Ái chà, có thể tương tự như vậy đối với tất cả các diễn viên còn lại. Bỏ qua tạm thời trò hề của con Giun khổng lồ do giáo sư Silvanus Kettleburn, thầy dạy môn Chăm sóc Sinh vật Huyền bí của trường tạo ra, yếu tố tình cảm chứng tỏ là tai họa đối với buổi trình diễn. Giáo sư Beery, trong vai trò đạo diễn, đã lơ đễnh một cách nguy hiểm đối với những mắc nmứu tình cảm đang sôi sục ngay dưới mũi của thầy. Thầy hầu như không biết rằng hai học sinh đóng vai Amata và Ngài Bất Hạnh đã là bồ bịch với nhau cho tới một giờ trước khi bức màn sân khấu được kéo lên, thời điểm mà “Ngài Bất Hạnh” chuyển hướng tình cảm sang “Asha”.
Khỏi cần nói là những kẻ đi tìm Hạnh phúc của chúng ta đã không bao giờ lên được tới Đỉnh đồi. Bức màn thậm chí chưa kịp kéo lên thì con Giun của giáo sư Keeleburn - bấy giờ lộ ra là một con Cuốn Tro(2) được ếm bùa Tọng-đầy-nhóc – đã nổ tung làm tóe ra như pháo hoa bao nhiêu là bụi và tia lửa nóng bỏng, khiến Đại sảnh đường đầy khói và mảnh vụn phông màn. Trong khi mấy cái trứng mà con Cuốn Tro để dưới chân trái Đồi của tôi bốc lửa đốt những tấm ván lót sàn, thì “Amata” và “Asha” xoay vào nhau đánh vật tay đôi một trận kinh hồn đến nỗi giáo sư Beery bị vạ lây, và nhân viên của trường phải di tản Đại sảnh đường, vì ngọn lửa bên trong giờ đây đã bừng bừng ác liệt trên sân khấu và đe dọa nuốt chửng chốn ấy. Phần kết của đêm liên hoan là bệnh thất đầy nhóc bệnh nhân; và nhiều tháng sau Đại sảnh đường mới nhả hết mùi hăng nồng của khói gỗ, thậm chí còn lâu hơn nữa cái đầu của giáo sư Beery mới phục hồi được tầm cỡ thông thường, và giáo sư Kettleburn được gỡ bỏ án treo(3). Thầy hiệu trưởng Armando Dippet nhân đó ban lệnh cấm tuyệt đối những vở kịch câm tương lai, một truyền thống phi-sân khấu kiêu hãnh mà trường Hogwarts duy trì cho đến ngày nay.
Nhưng bất chấp thất bại đầy kịch tính của chúng tôi, “Nguồn Suối Vạn Hạnh” có lẽ là chuyện nổi tiếng nhứt trong những câu chuyện của Beedle, mặc dù, cũng như chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng”, chuyện này cũng có người phỉ báng. Có ít nhứt một phụ huynh đã đòi hỏi loại bỏ câu chuyện độc đáo này khỏi Thư viện trường Hogwarts, trong số những người này, ngẫu nhiên, có một hậu duệ của Brutus Malfoy, từng là thành viên một-lần của Ủy ban Quản đốc trường Hogwarts, ông Lucius Malfoy. Ông Malfoy đệ trình đòi hỏi cấm câu chuyện đó trong một văn bản:
“Bất cứ tác phẩm hư cấu hay phi-hư cấu nào miêu tả việc lai giống giữa phù thủy và Muggle phải bị cấm lưu hành ở trường Hogwarts. Tôi không muốn con trai tôi bị nhiễm sự hoen ố tính thuần khiết huyết hệ của mình do đọc những câu chuyện cổ xúy hôn nhân phù thủy – Muggle.”
Việc tôi từ chối thu hồi những quyển sách khỏi thư viện được đại đa số Ủy ban Quản đốc ủng hộ. Tôi đã viết lại cho ông Malfoy, giải thích quyết định của tôi.
“Cái gọi là những gia tộc thuần-huyết-thống bảo vệ sự thuần khiết giả định của họ bằng cách từ bỏ, trục xuất, hay giấu giếm về những Muggle hay con cái Muggle trong phả hệ gia tộc của họ. Rồi họ cố gán ghép cái đạo đức giả đó lên những người khác bằng cách đòi hỏi chúng ta cấm những tác phẩm đề cập đến những sự thật mà họ chối bỏ. Không hề có một phù thủy hay pháp sư nào đang sống mà trong huyết quản không có sự pha trộn với huyết thống Muggle, do vậy tôi phải coi việc cấm lưu trữ trong kho tàng tri thức của học sinh những tác phẩm đề cập đến đề tài này là bất hợp lý và vô đạo đức(4).”
Việc trao đổi này đánh dấu sự bắt đầu cuộc vận động lâu dài của ông Malfoy nhằm cách chức tôi khỏi danh vị Hiệu trưởng trường Hogwarts, và cuộc vận động của tôi nhằm loại ông ta khỏi vị trí Tử Thần Thực Tử được sủng ái nhứt của Chúa tể Voldemort.
Chú thích: (1) Giáo sư Beery cuối cùng đã rời trường Hogwarts để dạy ở W.A.D.A. (Hàn lâm viện Pháp thuật về Nghệ thuật Kịch), ở đó, ông đã có lần thú nhận với tôi, ông vẫn còn giữ mối ác cảm ghê gớm đối với việc chuyển thể sân khấu câu chuyện đặc biệt này, tin là nó rất ư xúi quẩy. (2) Xem cuốn “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng” để có miêu tả chính xác động vật đáng tò mò này. Chớ có bao giờ tự ý đưa nó vào một căn phòng lát gỗ, cũng đừng bao giờ ếm cho nó bùa Tọng-đầy-nhóc. (3) Giáo sư Kettleburn sống sót qua không dưới sáu mươi hai đợt án treo trong suốt thời gian nhậm chức giáo viên môn Chăm sóc Sinh vật Huyền bí. Mối quan hệ giữa thầy và vị hiệu trưởng tiền nhiệm của tôi, giáo sư Dippet, luôn luôn căng thẳng. Giáo sư Dippet cho là thầy hơi tưng tửng. Tuy nhiên khi tôi trở thành hiệu trưởng, giáo sư Kettleburn đã tương đối già dặn, mặc dù vẫn luôn luôn có những người có cái nhìn xỉa xói đến nỗi thầy bị buộc đi lặng lẽ hơn trên đường đời với một cái chân rưỡi còn lại. (4) Thư trả lời của tôi đã khiến cho ông Malfoy viết thêm nhiều bức thư nữa, nhưng vì những thư đó chủ yếu chứa đựng những nhận xét có tính lăng nhục về trí tuệ, dòng dõi, và việc vệ sinh của tôi, nên chúng không thích hợp để trích dẫn trong bình luận này.