Mùi cá tươi
Doãn Dũng
Đúng lúc tôi đang thất nghiệp sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bạn tôi mách: “Có cái khách sạn đang tuyển lễ tân đấy. Không cần ngoại ngữ, chỉ cần ngoại hình. Mày thử xem sao”.
Cái khách sạn mà bạn tôi nói tới thực ra chỉ là cái nhà nghỉ thuộc khu Thiên đường bên kia sông, mang cái tên rất karaoke: “Chiều Tím”. Bà chủ khách sạn tầm năm chục, trắng nõn nà, vòng vèo vàng bạc giăng kín người, bảo: “Làm bảo vệ dắt xe nhé. Chứ nam tính thế kia không làm lễ tân được đâu”. Tôi nhận lời. Làm gì chả được miễn không phạm pháp mà vẫn có cái đút vào mồm .
Bạn tôi cười bảo: “Lại cái như mày mà còn bị chê à?”. Tôi ngạc nhiên: “Ừ! Sao bà ấy không tuyển nữ luôn đi cho nó nữ tính”. Bạn tôi giải thích: “Nữ cũng không được, nam cũng không được, phải tám vía để khách hàng chín vía lẫn bảy vía đều thấy gần gũi, dễ nói chuyện. Mí lị cái giống xăng pha nhớt ấy mới có lộc”. Tôi chửi: “Tổ cha mày, biết thế còn mách tao đến xin việc làm gì”. Bạn tôi cười tít mắt ầm ừ qua chuyện. Dù sao, tôi cũng phải cảm ơn nó vì kiếm được chân dắt xe ở đây.
Khách của Chiều tím đủ loại già cả lớn bé, đa phần là khách quen và thường đến vào những giờ nhất định. Trưa từ 11 giờ đến 1 giờ chiều khách công sở tình tứ tranh thủ tặng nhau giấc ngủ trưa. Chiều từ 4 giờ đến 6 giờ cũng vẫn nhóm khách ấy nhưng là những kẻ buổi trưa mắc bận. Chập tối đến đêm là các đôi trai gái đang yêu lấy giường thay ghế đá công viên tâm tình. Sau đó đến lượt cave kiếm được khách và lũ bay đêm. Rải rác trong ngày là những khách lẻ nổi hứng bất chợt. Mỗi lượt khách chỉ sử dụng phòng đôi tiếng mà lúc nào cũng thiếu phòng. Vào giờ cao điểm, có lúc khách ngồi la liệt trên bậc cầu thang đợi đến lượt. Chả thế mà cái sân thượng Chiều tím rộng hàng trăm mét vuông, chỉ chuyên dùng để phơi khăn mặt, ra giường mà cũng không đủ chỗ. Bà chủ phải mua thêm cả máy sấy đề phòng những ngày mưa gió không khô.
Công việc dắt xe rất đơn giản. Ô tô của khách thì nhớ trùm cái túi vải che kín biển số là xong. Xe máy khách đỗ xịch giữa sân, dắt gọn vào một chỗ là ổn. Cái chính là phải luôn tươi cười và thuộc mặt khách, à ơi vài câu chào hỏi kheo khéo pha chút suồng sã cho xóa đi cái cảm giác mắc tội của khách và cái ngượng ngùng trai chưa vợ của tôi.
_ Gớm dạo này trông anh phong độ quá!
_ Tình đầu tập bao nhiêu thế anh?
_Bà chị dùng nước hoa này thì chết anh em rồi!
_ Đẹp thế, cái váy này xách tay về hả chị. Ôi giời, da chị trắng như bột lọc!
Thế thôi. Đại loại những câu nửa chào, nửa khen rất thô bỉ và xôi thịt nhưng được các bên chấp nhận vui vẻ. Đôi khi khách hào hứng cho tôi thêm một hai chục, cộng cả tháng thì nó là khoản thu nhập không nhỏ.
_ Em chào chị Liên. Lâu lắm mới thấy chị qua thăm bọn em. Ồi, dạo này xinh thế! – Tôi đon đả chào một người phụ nữ vừa đi xe tám hai đến.
_ Anh ấy bận quá. – Người phụ nữ ríu rít nói – Anh ấy đến rồi phải không? Phòng nào thế em? Cất cho chị con cá này vào tủ lạnh cái nhé. Cá đồng đấy, chị vừa mua được, ngon không? À, nó vẫn sống, đừng cho vào tủ lạnh, thả vào chậu nước ấy. Chị lên đây. Phòng nào nhỉ?- Người phụ nữ tất tả đi lên cầu thang, ngoái đầu lại hỏi.
_ 302 chị à – Một đồng nghiệp khác trả lời thay trong lúc tôi đang lúng túng không biết phòng nào.
Tôi thả con cá vào chậu nước ở góc sân. Nó đúng là giống chép đồng, loại chép ta, nhỏ mình nhưng chắc thịt. Con cá vẫn khỏe, nó quấy ủm một cái, ve vẩy đuôi, ngoác miệng ra đớp nước.
Người phụ nữ, chủ nhân của con cá, người mà tôi chào là chị Liên ấy, lần đầu tiên tôi gặp ở khách sạn Chiều tím này. Lúc tôi chào chị xong mới biết mình lỡ lời, nhưng chẳng thấy chị có phản ứng gì nên tôi cũng lờ đi. Rõ ràng là chị đã quá quen với đám nhân viên ở đây. Quen tới mức, không nhận ra tôi là người lạ, người mới đến đây làm.
Chị Liên là hàng xóm của tôi, làm ở Viện X. Chị gần bốn mươi, nhưng mới nhìn chẳng ai đoán thế. Chị trẻ và đẹp một cái sang trọng. Nhà chị ở trong ngõ, nhà tôi đầu ngõ. Chị không nhận ra tôi cũng là điều dễ hiểu. Gia đình tôi chuyển về đây lúc tôi đang tại ngũ đóng quân ở xa. Tôi ra quân cũng chưa lâu, lại ngại toàn người không quen biết, nên rất ít giao du với hàng xóm. Ngày nào tôi cũng nhìn thấy chị đi làm về, ngang qua cửa nhà tôi.
Anh Huân, chồng chị Liên thấy bảo làm luật sư, tôi vẫn hay gặp ở quán nước đầu ngõ. Thi thoảng anh ra đó tán phét với đám thanh niên về bóng đá, về tình hình chính trị trong và ngoài nước. Toàn những câu chuyện vỉa hè, nhưng cũng thấy anh là người hóm hỉnh, thông minh và dễ mến. Anh chị có hai cháu xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn. Gia đình anh yên ấm và hạnh phúc. Cả xóm ai cũng quí gia đình anh.
Khách khứa tấp nập làm tôi quên bẵng mất chuyện chị Liên. Hôm nay thứ sáu khách đông hơn ngày thường rất nhiều. Họ tranh thủ chết cho nhau trước hai ngày nghỉ, ngày chết cho gia đình. Tôi chạy lên chạy xuống, vừa dắt xe vừa giúp đội buồng dọn dẹp thay ga trải đệm.
Tôi thấy chị Liên và người đàn ông lạ đi xuống. Khuôn mặt trang điểm vội cũng không làm cho đôi bắt chị bớt long lanh, nụ cười bớt rạng rỡ. Tôi ngây ra nhìn và ngửi chị.
_ Nhớ nhé. Thứ bảy chủ nhật đừng có gọi điện đấy. Chết em! – Chị vừa đi vừa nói với theo người đàn ông dừng lại thanh toán ở quầy thu ngân – Lấy xe cho chị rồi hả? Nhanh nhẹn thế. - Chị nhìn tôi – Bắt chị con cá bỏ vào túi nilon này nhé.
Con cá quẫy mạnh khi tôi nhấc nó lên khỏi mặt nước. Nước bắn tung tóe cả vào mặt tôi lẫn người chị.
_ Sao chị không bảo họ mổ luôn cho sạch sẽ. – Tôi đưa túi cá cho chị. Con cá vẫn quăng mình trong túi nilon.
_ Chị để cho nó tươi. Vả lại, tự tay làm cho nó tình cảm. Đấy, chị vội đã kịp mua gia vị đâu. Giờ về tạt qua chợ nhặt ít rau sống hành hẹ nấu nồi canh chua. Anh nhà chị thích ăn giấm cá lắm. – Chị thản nhiên nói và rồ ga. Chiếc tám hai trườn lên mặt đê rồi biến mất vào dòng người tan tầm.
Cái mùi đàn bà của chị vẫn đọng trong khoang mũi tôi bỗng biến thành mùi cá tanh tưởi kỳ lạ.
Tháng 04/2007
Tạp chí Hải Phòng cuối tuần số 16 (20/04/2007)