Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Khi ngọn gió đông thổi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 312 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khi ngọn gió đông thổi
Grazia Deledda

Theo một truyền thuyết cổ của vùng Sardinia[1], thân xác những ai sinh vào đêm trước lễ Giáng sinh sẽ không bao giờ tan thành bụi mà vẫn nguyên vẹn cho đến lúc tận cùng của thời gian.
Lúc này đây, chẳng có gì lạ rằng cả gia đình bác phú nông Diddinu Frau, thường gọi là Zio Diddinu (Bác Diddinu - ND) đang bàn về chuyện đó. Predu Tasca, chồng chưa cưới của con gái gia chủ, lên tiếng phản đối:
“Nhưng để làm gì chứ? Thân thể còn có ích gì cho ta một khi ta đã chết?”
Bác nông dân trả lời: “Vậy chứ không bị biến thành tro bụi chẳng phải là một ân phước thiêng liêng sao? Và khi ta đến dự buổi phán xét cuối cùng của Chúa, cơ thể ta vẫn còn nguyên vẹn, đó chẳng phải là điều tuyệt diệu hay sao?”
“Xì! Có thật là tuyệt đến thế không?”, Predu đáp, ra vẻ rất ngờ vực.
“Nghe này, con!”, bác nông dân kêu lên. “Chủ đề này hay đấy. Ta sẽ hát về chủ đề này tối nay nhé?”.
Ta cần biết rằng bác Diddinu là một nhà thơ ngẫu hứng, cũng như cha và ông nội của bác vậy. Bác thường vui vẻ tóm lấy mọi cơ hội để đề nghị hát ngẫu hứng, đặc biệt là khi có mặt những nhà thơ không điêu luyện bằng bác.
“Ồ,” Maria Franzisca nhận xét, cố làm ra vẻ càng duyên dáng càng tốt bởi người yêu của cô đang nhìn cô, “tranh luận chuyện này đâu có gì là vui chứ”.
“Câm ngay! Đi ngủ đi!”, người cha quát cô một cách thô lỗ.
Tuy là nhà thơ, Diddinu là một người man rợ và tàn bạo, cư xử vô cùng nghiệt ngã với gia đình, đặc biệt là với các cô con gái. Cả nhà tôn kính bác, nhưng tất cả đều sợ bác. Khi có mặt cha, Maria Franzisca hiếm khi dám ngồi gần chàng Predu yêu dấu của cô. Theo tục lệ, cô vẫn giữ một khoảng cách với anh chồng chưa cưới, chỉ để quyến rũ anh chàng hơn, làm anh mê mẩn với những chuyển động yêu kiều của thân thể cô, cái tấm thân giấu dưới lần áo chẽn lông cừu đỏ thắm thêu hoa, và ngọn lửa trong cặp mắt hình quả hạnh, màu lam ngọc của cô.
Vậy đó, đây là đêm trước Giáng sinh, một ngày xám xịt, mờ sương nhưng ấm áp bởi một làn gió đông đang thổi, mang theo hơi ấm làm ta bải hoải từ những sa mạc xa xăm và mùi hương ẩm ướt của biển.
Dường như, đâu đó giữa những ngọn núi, những triền dốc xanh màu cỏ lạnh của mùa đông, hay trong những thung lũng nơi những cây hạnh run rẩy ra hoa quá sớm và ném vào trong gió những cánh hoa tuyết trắng phau như thể muốn hại nguời, có một ngọn lửa lớn đang rực cháy, những lưỡi lửa của nó người ta không thể nhìn thấy, nhưng chính nó là nguồn của hơi nóng. Và những đám mây không ngừng đùn ra từ đỉnh núi và giăng khắp bầu trời dường như chính là khói tỏa từ ngọn lửa vô hình đó.
Làng quê rộn tiếng hội hè; không cưỡng nổi làn gió Levantine lạ lẫm, mọi người tụ tập trong nhà, ngoài ngõ để mừng Chúa giáng sinh. Các gia đình đổi quà cho nhau: nào lợn sữa quay nguyên con, cừu mùa thu, thịt, kẹo, bánh, quả khô. Các chàng chăn cừu mang tặng chủ lô sữa đầu tiên của lũ bê non, bà chủ trả lại giỏ xách cho các chàng chăn cừu trong đó chất đầy rau hay những thứ khác, sau khi đã cẩn thận dốc sạch giỏ để không giáng họa cho bầy gia súc.
Predu Tasca, vốn là người chăn lợn, giết con lợn sữa đẹp nhất của mình theo tục lệ, lấy máu của chính nó mà bôi khắp mình nó, đoạn nhồi vào trong mình lợn những bó hoa lan đặng gửi làm quà cho vợ chưa cưới. Cô vợ chưa cưới của anh gửi lại chiếc giỏ trong đó có chiếc bánh ngọt làm bằng mật ong và quả hạnh, lại thêm một đồng scudo bạc (5 lia) cho người đàn bà đã mang con lợn đến.
Đến tối, chàng trai đến nhà Frau và siết chặt bàn tay vợ chưa cưới. Cô đỏ mặt, rạng rỡ vì sung sướng và rụt tay lại; nhưng trong lòng bàn tay nóng hổi vì cú siết nồng nàn của người yêu, cô thấy một đồng vàng. Ngay sau đó, cô đi lại khắp nhà, kín đáo khoe món quà đẹp đẽ của Predu.
Ngoài trời những chiếc chuông rung vui vẻ; ngọn gió đông rải âm thanh kim loại vào hơi ẩm ấm áp của bóng tối nhá nhem.
Predu mặc bộ quốc phục lộng lẫy có gốc gác từ thời trung cổ, áo ghi-lê nhung xanh và áo khoác len ngắn thêu đẹp đẽ, thắt lưng da trang trí kỳ khu, nút áo bằng vàng. Mái tóc dài của anh phủ kín tai, chải cẩn thận và bôi dầu ô liu bóng mượt; và bởi anh đã uống ít ruợu vang và rượu anit, cặp mắt đen của anh rạng rỡ, đôi môi đỏ của anh cháy rực trong bộ râu đen. Anh khỏe mạnh và điển trai như một vị thần thôn dã.
“Chào bố”, anh nói rồi ngồi xuống gần bố vợ trước lò sưởi; trong lò, một gộc cây nhựa ruồi đang cháy. “Cầu Chúa ban cho bố một trăm mùa Giáng sinh! Bố có khỏe không?”.
Như con kền kền già mất móng”, người nông dân già, man dã đáp. Rồi bác đọc câu thơ nổi tiếng:
S omine cando est bezzu no est bonu...
(Khi về già, người ta chẳng được cái tích sự gì).
Cứ thế, dần dần họ nhắc đến truyền thuyết về những người sinh vào đêm trước Giáng sinh.
“Ta đi dự lễ mixa nào”, Bác Diddinu nói. “Khi quay về, ta sẽ ăn một chầu xúp ngon lành, sau đó ta sẽ hát!”.
“Ta cũng có thể hát trước, nếu bố muốn”.
“Không phải bây giờ!”, Diddinu gõ gậy lên mặt đá lát trước lò sưởi, đáp. “Chừng nào đêm thiêng còn chưa dứt, ta phải tôn trọng nó. Đức Bà đang chịu nỗi đau sinh nở, nên ta không thể ăn thịt, cũng không thể hát. "Ô, chào bà Mattia Portolu! Mời bà ngồi! Nào, hãy kể cho chúng tôi về những người khác sắp đến. Maria Franzisca, rót rượu đi! Đem cho mấy con cừu non kia cái gì đó để uống".
Cô gái rót rượu cho chồng chưa cưới; khi cô cúi xuống bên cạnh để đưa anh cốc rượu lấp lánh như viên hồng ngọc, anh mê mẩn bởi nụ cười và cái nhìn của cô. Trong khi đó, người mới tới kể về những người bạn sắp đến.
Cánh phụ nữ bận chuẩn bị bữa tới nơi phía trước lò sưởi, chính giữa nhà bếp. Trên một trong bốn tảng đá vây quanh lò sưởi ở chính giữa sàn nhà, hội đàn ông đang ngồi; trên một trong mấy hòn đá kia, cánh phụ nữ đang nấu nướng. Phân nửa con lợn mà Predu gửi đến làm quà được chọc một cái xiên dài để quay trên lửa, mùi thức ăn thơm lừng tỏa khắp gian bếp.
Hai người bà con cao tuổi đến, hai anh em chưa bao giờ lấy vợ bởi không muốn chia gia tài. Tóc dài xoăn tít trên những bộ râu trắng rậm rì, trông họ cứ như hai vị trưởng lão.
Thế rồi một người mù trẻ tuổi đến, khua khua đầu cây gậy trúc đào thanh mảnh để dò đường dọc những bức tường đá.
Một trong hai anh em già ôm eo Maria Franzisca, đẩy cô về phía chồng chưa cưới mà nói: “Những con cừu non của lòng ta, chúng mày làm sao thế? Tại sao chúng mày xa nhau như những ngôi sao trên trời vậy? Nắm tay nhau đi, ôm nhau đi...”.
Hai người trẻ tuổi nhìn nhau, bừng bừng dục vọng; nhưng bác Diddinu quát lên như sấm:
“Đồ cừu đực già kia! Để cho chúng yên! Chúng không cần lời khuyên của anh”.
“Tôi biết, và chúng cũng chẳng cần lời khuyên của anh! Tự chúng tìm ra cách để là thầy của chính mình”.
“Nếu như có chuyện đó”, bác nông dân đáp, “tôi sẽ đuổi cổ thằng oắt kia như đuổi cổ lũ ong bắp cày vậy. Rót rượu đi, Maria Franzisca!”.
Cô gái rứt mình khỏi vòng tay ông già, vẻ hơi bị xúc phạm.
Predu mỉm cười, vừa sửa chiếc mũ len vừa nói: “Vậy ta không thể ăn, không thể hát cũng chẳng làm cái gì khác được... ngoài uống?”.
“Anh có thể làm bất cứ cái gì anh muốn, bởi Chúa là vĩ đại”, người mù ngồi bên cạnh chàng rể lẩm bẩm. “Sáng danh Chúa ở trên trời và thanh bình trên mặt đất cho mọi con người thiện chí!”.
Và thế là họ uống - mà uống ra trò!
Duy có Predu chỉ nhấp môi nơi vành ly.
Ngoài trời chuông đổ. Các bài hát và tiếng kêu hớn hở bay theo gió. Tới khoảng mười một giờ, mọi người đứng dậy đi dự lễ mixa lúc nửa đêm. Chỉ bà nội già còn ở lại trong nhà; thời trẻ bà đã biết rằng vào đêm Giáng sinh, người chết thường về thăm nhà bà con thân thích. Vì lý do này, bà tiến hành một nghi thức cổ: đặt bên ngoài nhà một đĩa thức ăn và một hũ đất sét đựng rượu cho người chết. Giáng sinh này bà cũng làm như vậy. Ngay khi chỉ còn một mình, bà đứng dậy, đem rượu và thức ăn ra đặt trên một cái thang ở bên ngoài nhà dẫn từ sân lên các phòng tầng trên.
Một người hàng xóm nghèo, đã quen với tập tục của bà lão, liền trèo qua tường rào để vào thanh toán gọn cả thức ăn lẫn rượu.
Ngay khi dự lễ mixa trở về, trẻ già trai gái vui vẻ xúm lại ăn tối. Họ kê những tấm phản gỗ lên sàn, bên trên phủ khăn bàn bằng lanh dệt ở nhà.
Trong những cái liễn to bằng đất sét vàng và đỏ, món mì maccheroni do đám phụ nữ nấu bốc hơi nghi ngút, và trên cái thớt gỗ, Predu khéo léo lạng thịt lợn nấu kỹ thành từng miếng mỏng. Mọi người ngồi giữa sàn, trên những cái chiếu và những chiếc bao; một ngọn lửa hừng hực kêu tanh tách trong lò sưởi, hắt ánh sáng đỏ lên khuôn mặt các vị khách; quang cảnh trông như bật ra từ thần thoại Homère. Và chao ôi là họ uống!
Sau bữa ăn, cánh phụ nữ phải rút lui, bởi chủ nhân khăng khăng muốn như vậy. Đám đàn ông ngồi hoặc nằm quanh lò sưởi và bắt đầu hát. Mọi khuôn mặt đều đỏ lựng, mắt họ lờ đờ nhưng ngời sáng. Bác nông dân già bắt đầu cuộc thi:
Duncas, gheneru meu, ello ite naras,
Chi a sett unzas de terra puzzinosa...
"Vậy đó, con rể của ta“, ông già hát. “Hãy cho ta biết đằng nào hơn: biến thành một dúm đất quèn... hay lại thấy cơ thể mình nguyên vẹn trong ngày phán xét cuối cùng?”.
Predu sửa mũ và đáp lại.
“Đề tài này nghiêm trọng quá”, anh hát. “Ta hãy nghĩ đến những chuyện khác, hãy hát lời ngợi ca tình yêu, tôn vinh lạc thú, và "sas Venus hermosas" (những người đẹp như thần Vệ nữ) trong bài hát, và những chuyện đáng yêu và thú vị khác”.
Tất cả mọi người, trừ bác nông dân già, đều tán thưởng đoạn thơ ngoại đạo này. Nhà thơ già bực tức trả lời bằng thơ rằng đối thủ của bác không muốn trả lời bởi anh ta cảm thấy mình không có khả năng đề cập tới những chủ đề cao siêu nhất.
Thế là Predu một lần nữa lại sửa mũ và đáp lại, luôn luôn bằng thơ tiếng Sardinia:
“Vâng, tôi sẽ trả lời, nếu ông thật sự muốn thế. Chủ đề đó không hấp dẫn tôi bởi nó buồn; tôi không muốn nghĩ về cái chết vào cái đêm của niềm vui và sự sống này. Nhưng bởi vì ông muốn thế, tôi nói với ông: thân xác chúng ta nguyên vẹn hay tiêu tán chẳng quan trọng gì đối với tôi. Chúng ta là gì sau khi chết? Chẳng là gì cả. Điều cốt yếu là thân thể chúng ta khỏe mạnh và cường tráng trong khi sống, để ta có thể làm việc và vui hưởng... chỉ có thế”.
Người nông dân độp lại. Và Predu cứ thế phản pháo, luôn luôn bám chặt lấy những niềm vui và lạc thú của đời. Hai anh em vỗ tay hoan nghênh họ; ngay cả người mù cũng ra dấu tán đồng. Bác nông dân giả vờ giận dữ, nhưng trong thâm tâm, bác hài lòng rằng ông con rể của bác tỏ ra là một nhà thơ giỏi. Điều đó báo trước sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình!
Nhưng dẫu bác Diddinu ra sức chứng minh sự phù du của những lạc thú thể xác, bác vẫn uống và giục mọi người uống. Cho đến ba giờ sáng, tất cả đều say; chỉ có người mù, vốn là một tay tửu lượng cao cường, và Predu, nhờ uống rất ít, nên vẫn tỉnh táo.
Nhưng Predu đã mê mụ bởi bài hát của chính mình, và giờ khắc qua, chợt nhớ lại lời hứa của Maria Franzisca, anh run lên vì vui sướng. Càng lúc, tiếng hát của các ca sĩ một yếu dần; người già bắt đầu nói lắp, người trẻ giả vờ buồn ngủ. Cuối cùng, ai nấy đều ngủ gật; chỉ người mù vẫn ngồi, lặng lẽ gặm cái mấu xù xì nơi đầu gậy.
Bất chợt, gà gáy trong sân trại.
Predu mở mắt nhìn người mù.
“Ông ấy không thấy mình,” anh nghĩ, thận trọng đứng dậy và đi ra ngoài sân.
Maria Franzisca lặng lẽ trèo xuống bằng chiếc thang ngoài, ngả vào vòng tay anh.
Nhưng người mù biết rằng ai đó đã bỏ ra ngoài; ông nghĩ đó là Predu. Ông không động đậy nhưng lẩm bẩm: “Sáng danh Chúa trên trời và hòa bình trên mặt đất cho những người thiện chí”.
Ngoài kia, vầng trăng vẫn còn chạy sau những quầng mây mờ ảo, và trong màn đêm trắng bạc, ngọn gió đông mang theo mùi hương biển và hơi ấm của sa mạc.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 688

Return to top