Đêm ấy bác Ba Phi đậu chiếc ghe chở đầy rùa trong khẩu đìa bèo bên cạnh nhà. Sáng ra kiểm tra lại thấy số rùa trong ghe vơi đi rất nhiều. Thế nầy là thế nào ? Không lẽ có kẻ trộm ? Ở xứ nầy ai không phải là bà con cật ruột thì cũng là bạn bè chí cột với nhau, từ trước tới giờ chưa một nhà nào bị vi sơ một trái ớt, một trái cà, bữa nay bị mất cắp là vô lý ! Nhưng tại sao rùa trong ghe không có cánh lại bay biến đi mất ? Vòng bao lưới thành ghe còn y nguyên, với độ cao và dày như vậy rùa không thể trèo ra hoặc chui lọt được. Bác Ba chấp tay sau đít đi tới đi lui suy nghĩ mãi. Bác hút đến mấy điếu thuốc mà vẫn không đoán nổi lý do tại sao. Nhất định phải rình xem tận mắt coi rùa bị mất bằng con đường nào.
Chiều hôm ấy, hai ông cháu bác Ba Phi giả vờ dắt nhau xuống xuồng bơi ra sông Đốc, có công chuyện. Đến vàm Rạch Lùm, bác Ba cùng thằng Đậu neo xuồng lại, đợi hết canh một ông cháu bơi đáo trở về. Rón rén đậu xuồng đằng bến nhà dì Sáu, bác Ba cầm cây mác rừng cán dài, thằng Đậu cắp cây dáo nhỏ, hai ông cháu bí mật phục kích sau bụi tre xiêm trên bờ đìa, cạnh chiếc ghe chứa rùa. Măc dù muỗi bu như trấu vãi, nhưng hai ông cháu bác Ba Phi cứ kên mình nằm êm ru, chờ đợi...
Đêm mỗi lúc một khuya. Con gà tàu lai cúm núm của bác ở ngoài chuồng đã đập cánh gáy "Ò ó o... cúm núm" đến mấy lượt, vậy mà hai ông cháu bác Ba vẫn chưa thấy bóng dáng tên trộm nào léo hánh. Thằng Đậu mấy lần than buồn ngủ, nhưng bác Ba động viên cháu ráng chịu. Thằng nhỏ cũng nghe lời, kiên trì cắp dáo nằm bên ông nội, thỉnh thoảng nó khoa khăn đuổi muỗi.
Gần đến canh năm, hai ông cháu bác Ba Phi chợt thấy mặt nước đìa chỗ gốc cây mù u, phía bên kia bờ khi không lại chao động một vùng. Bèo tai tượng chập chờn chao đảo cuộn quận lên thành một vực xoáy. Rồi từ dưới nước có vật gì đen thui lớn bằng cái khạp da bò từ từ lừng lên. Một lúc nó trồi lên khỏi mặt nước một thêm cao. Cố xem kỹ, bác Ba nhận ra đó là một con người dị dạng. Con người kia dang hai cánh tay ngắn ngủn vẹt bèo cho trống thêm ra. Rõ ràng là kẻ trộm ! Nó từ đâu tới ? Nó tuột xuống đìa hồi nào mà lặn luồn vào đây ? Thằng Đậu khẽ bấm vào tay ông nội ngầm ý hỏi, nó được ông ra hiệu lại bảo rằng cứ yên tâm. Hai ông cháu bác Ba Phi kẻ gườm dáo, người cầm mác chuẩn bị xáp lá cà với tên trộm có cái đầu và đôi tay kỳ dị kia.
Tên trộm chẳng hay biết gì, nó cứ dang hai cánh tay ngắn ngủn vẹt bèo và rẽ nước lội tới bên chiếc ghe chở rùa, đến nơi, nó với tay nắm mũi ghe đu mình lên. Chiếc ghe nhún xuống một cái, đầu mũi khẳm đừ. Tên trộm đã ngồi gọn trên sạp mũi ghe. Chợt nhìn thấy toàn thân tên trộm, thằng Đậu suýt nữa bật ngửa ra chết giấc. Trời ơi ! Một người có nước da đen như quần lãnh, thân hình mập múp tựa cái lu. Cặp đùi nó gân guốc, nhưng sao hai tay nó lại ngắn ngủn, dáng vóc lùn tịt ? Khiếp đảm nhất là cái đầu, làm sao mà nó dẹt lét lại và có hai con mắt thồ lộ to bằng trái cau đóng thượng trên óc o?
Nghe cháu nội run lẩy bẩy bên mình, bác Ba làm tỉnh sờ vào nó và động viên:
- Kẻ trộm có tài hóa trang, đừng sợ cháu ạ.
Thằng Đậu thều thào:
- Một thằng lùn dị dạng, ông nội ơi?
- Một thằng gù da đen có cái đầu dẹp vậy thôi.
Tên trộm bây giờ vẫn còn ngồi êm chưa thấy động đậy gì. Hai ông cháu bác Ba Phi chắc mẻm tính mạng hắn đã nằm gọn trong tầm tay của mình rồi. Họ cứ gườm sẵn vũ khí chờ đợi. Chốc sau, họ thấy tên trộm từ từ chồm tới, vói tay qua lớp lưới bao thành ghe, bắt ra một con rùa lớn bằng chiếc dĩa bàn. Cái bụng của tên trộm phề phệ quá cỡ, phía dưới có mang một tạp-dề trắng phóc. Bác Ba nghĩ thầm: "Người đầu bếp mới đeo tạp dề, có đâu kẻ trộm cũng lại đeo, nghĩa là làm sao ?". Nhưng bác Ba lại chợt hiểu ra: lớp hóa trang bằng lọ nghẹ của nó bị cỏ cào trôi mất phần phía dưới bụng.
Trong lúc ấy tên trộm đưa con rùa vô miệng. Cái miệng của nó rộng đến mép tai, táp một cái "bụp" rồi nhai ràu rạu. Rồi cứ thế, hắn thò tay vào lưới bắt từng con rùa ra ngồi nhai ngon lành. Nó nhai rùa nghe giòn tan tựa người ta nhai cà pháo muối chua vậy. Tên trộm ăn một hơi đến năm bảy con rùa mà chưa thấy hắn đã thèm.
Nãy giờ nằm theo dõi kỹ lưỡng, bác Ba Phi hiểu chắc chắn tên trộm này là ai rồi ! Ức quá, bác Ba cùng thằng Đậu cầm vũ khí đứng bật dậy, thét:
- Ếch!
Quả đúng là con ếch lớn ngoại cỡ.
Con ếch bà nghe tiếng động liền nhảy ùm xuống đìa. Lặn tuốt về phía gốc cây mù u. Bác Ba Phi thở phào. Lâu nay bác biết chỗ gốc cây mù u kia có một cái hang ếch ăn ngầm, nhưng đâu có ngờ con ếch này lại tự tung tự tác quá vậy?
Sáng hôm sau, bác Ba cùng thằng Đậu tìm cách bắt cho được con ếch bà ăn trộm rùa hồi hôm. Bác bảo thằng Đậu tháo cái quai thùng đựng dầu lửa, là một que sắt lớn bằng chiếc đũa ăn cơm, dài độ một gang tay. Bác Ba dùng búa, kềm, đục, giũa chặt ngạnh, mài, uốn que sắt thành một lưỡi câu thật bén. Bác dùng sáu sợi dây chì gộp lại nhưng không se săn, tóm vào lưỡi làm nhợ câu. Theo kinh nghiệm, nhợ câu hoặc nhợ bẫy cứ để nhiều tao bung xòe như vậy, khi mắc một con vật lớn dù nó có giãy vùng thế nào cũng không thể cóc dây mà đứt đi được. Chúng có cắn thì từng sợi nhợ nhỏ bị lọt vào kẽ răng.
Làm xong, bác Ba bảo thằng Đậu ra chuồng bắt một con vịt xiêm lông vừa đâm ra ràng, cột vô lưỡi câu, thả xuống đìa.
Đến canh năm đêm sau, bác Ba cùng thằng Đậu ra ngồi rình tại bụi tre xiêm để chờ xem ếch ăn câu. Trời vừa hừng đông thì hai ông cháu thấy bèo tai tượng chỗ gốc cây mù u động đậy. Hai ông cháu bấm tay ra hiệu. Con ếch bà từ dưới nước trừng lên, nó cũng làm những động tác y như đêm trước. Trời tang tảng sáng, thằng Đậu thấy rõ hơn cái đầu của một con ếch lớn. Bữa nay chẳng những nó không thấy sợ sệt, ngược lại còn nghe khoái trong bụng vô cùng. Nó cứ nhìn chăm chăm vào cặp mắt ếch trợn lên thồ lộ đang dáo dác tìm mồi.
Côn ếch bà thấy con vịt xiêm đang đủng đỉnh rỉa rỉa giữa đìa, liền vung hai tay vẹt bèo, lội tới. Đến gần con vịt, ếch bà dừng lại, khỏa bèo, hớp nước súc miệng sào sạo rồi phun ra cái "phèo". Làm mấy động tác vệ sinh cá nhân xong, ếch bà chồm tới trững mồi. Ánh mắt ếch bà trợn lên đen ngời tỏ vẻ vui thích, đầu nghiêng qua nghiêng lại, thè lưỡi liếm mép soàn soạt. Rồi ếch bà với tay bưng con vịt xiêm đưa lên mũi ngửi. Bỗng, ếch sa sầm tỏ vẻ không hài lòng về miếng mồi chưa được vừa miệng. Ếch lại cầm con vịt lên, rẽ đôi cánh ra xem. Nhìn cánh vịt mới đâm lông ống bum búp, ếch thua buồn lắt đầu, bỏ con vịt xuống lặn một hơi vào cái hang ngầm ở chỗ gốc mù u.
Bác Ba Phi cùng thằng Đậu ngồi núp sau bụi tre xiêm nhìn theo, sau khi ếch bỏ đi, bác Ba đứng lên thở ra, bảo với thằng Đậu:
- Ếch chê con vịt xiêm này còn hôi lông, không chịu ăn.
Ông cháu vô chuồng bắt một con vịt mái ta chân vàng, mỏ vàng, lông trắng phau. Con vịt này đang lứa đẻ mập múp, đít sà kéo lết. Họ đem ra đổi vào chỗ con vịt xiêm bị ếch chê.
Sáng hôm sau nữa, cũng vào lúc trời vừa hừng đông, con ếch từ dưới hang ngầm trong gốc cây mù u lội ra, đội bèo nổi lên. Ông cháu bác Ba Phi cũng núp sẵn sau bụi tre xiêm rình xem. Con ếch trừng lên nháy nháy đôi mắt tỏ vẻ hân hoan trước buổi sáng, rồi đưa hai tay ngắn ngủn lên vươn vai, ngáp dài một cách sảng khoái. Miệng ếch rộng tựa miệng can lân múa địa, xương hàm bạnh ra như hai cái cong xuồng. Mặt nước đìa chao động. Con vịt ta lông trắng bị cột vào lưỡi câu đang ung dung rỉa bèo nhởn nhơ, chợt thấy ếch bà, nó nhẹ vỗ cánh rũ nước, ngóng cổ lên nhìn, ngoáp chiếc mỏ vàng óng kêu cạp cạp. Ếch bà thấy con mồi béo ngậy liền vẹt bèo lội băng băng tới. Những động tác dầu tiên, ếch cũng làm vệ sinh cá nhân. Ếch vốc nước súc miệng xì xoạp, phun ra cái phèo. Sau đó nhìn con mồi một cách chăm chỉ, tỏ vẻ hài lòng. Mắt ếch ngời lên long lanh, gật đầu liền mấy cái, thè lưỡi liếm mép, rồi nhích lại bợ con vịt đưa lên. Con vịt hoảng hốt giãy giụa, đâp cánh kêu quàng quạc. Gặp đúng con mồi vừa miệng, ếch bà chép chép môi, nước dãi tứa ra, liền há họng táp bập một cái, nhai ngấu ngốn. Nhưng sau đó dường như ếch phát hiện có vật gì không bình thường lẫn trong miếng ăn. Ngậm miệng lại, nghiêng đâu, ếch nheo mắt kiểm nghiệm.
Bác Ba Phi với thằng Đậu núp sau bụi tre xiêm, thấy thời cơ đã đến, ông cháu vụt đứng dậy một lượt, nạt lớn:
- Ếch!
Và ông cháu bác Ba kẻ cắp dáo, người cầm mác xông ra. Con ếch chợt thấy hai ông cháu bác Ba Phi hùng hổ, hoảng hốt nhào ngang, cắm đầu lặn thoát thân. Chẳng ngờ bị lưỡi câu trong họng xốc ngập vào hàm ếch, giật lại. Ếch bật đầu lên, nhảy dựng một cái và cắm xuống lặn tiếp. Lần này lưỡi câu đã xốc ngập ngạnh vào xương hàm ếch, buộc nó bật trở lại. Thế là ếch đã bị mắc câu, nổi phình lên mặt đìa, giãy giụa, chòi đạp làm nước văng trắng dã. Ếch cố lôi chạy về phía gốc cây mù u nhưng bị sợi dây câu ghịt lại. Sáu sợi dây chì rẽ ra căng thẳng tựa sáu sợi dây đàn lục huyền cầm. Hết phương vùng vẫy. Ếch bà căng thẳng sáu sơi nhợ câu, hai tay cào cào những sợi dây cố bứt cho đứt. Sáu sợi dây chì có sợi thẳng sợi dùng, trường độ khác nhau, bật lên những âm thanh cao thấp tạo thành một bản nhạc hấp dẫn vô cùng.
Mặt trời mỗi lúc một lên. Chim rừng đã dậy, cất tiếng líu lo chào mừng buổi sáng. Nhạc chim hòa cùng "nhạc ếch" nghe rộn rã làm sao ! Nhạc ếch có những bè trầm là đà trên mặt đìa, thỉnh thoảng xen tiếng ồm ộp tựa điệu trống.
Bác Ba Phi ngồi tựa lưng vào bụi tre xiêm mà nghe lòng rộn ràng kỳ lạ. Tâm hồn bác Ba như tỉnh như say theo tiếng nhạc ếch du dương mùi mẫn. Tức cảnh sinh tình, bác Ba cứ mơ màng lim dim, cầm que củi gõ vào gốc tre ca bài "Dạ cổ hoài lang" hòa theo nhạc ếch:
- "Từ, (là từ) phu tướng, bảo kiếm sắc phan lên đàng..."