Lời tự tình
Bùi Thanh Xuân
Lời tự tình
Tôi nhớ có một mùa đông, những ngày cuối năm trời lạnh buốt giá. Tôi lãng du về một nơi mà lần đầu tiên tôi đặt chân đến, một nơi gần như hoang vắng, loe hoe vài ngôi nhà. Một vùng rừng núi vừa mới được khai hoang trở thành một khu kinh tế mới.
Ngôi nhà bạn tôi nằm lọt thỏm giữa những rừng cây và sương mù buổi sớm mai, trước nhà là con đường đưa bạn lên huyện miền núi Khánh Sơn, xa hơn nữa là thành phố mù sương, Đà lạt.
Chìm ngập giữa tiếng kêu của dế dun buổi sáng sớm, khi mà sương dày phủ kín đất trời, tiếng lạo xạo của đá sỏi dưới bước chân, tôi dìu tôi đi một đoạn dài trong cái vô cùng, không ánh sáng. Mịt mờ sương, những hạt sương như nặng hơn trên vai tôi, ướt đẫm. Lần đó tôi muốn được một mình giữa bóng đêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng ca của bầy côn trùng giao hoan, reo vang đó đây như đưa tôi tìm về nguồn cội con người. Tôi thấy mình được bay bổng giữa đất trời, thoát ra cỏi trần để trở về chính nơi tôi đã ra đi. Chỉ có những lúc như vậy tôi mới nhận chân được con người lương thiện của mình, trong veo một tâm hồn không vấy bẩn rác rưởi mà trần gian chất đầy lên tôi.
Tôi mơ về thời chưa bao giờ biết, khi chỉ là hạt bụi lượn lờ trong vũ trụ bao la, bay giữa những vì sao trên khắp các thiên hà và thấy mình nhẹ nhõm không gánh nặng trần gian.
Tôi quay trở lại ngôi nhà của bạn, nhìn ngọn đèn leo lét xa xa, đơn độc . Đoạn đường dài hun hút trong sương mù, tôi thả những bước chậm rãi, hai tay ôm chặt ngực chở che cho trái tim nhỏ nhoi, tội nghiệp bớt đi cái lạnh cắt da giữa vùng núi rừng này.
Tôi bước quay về giữa ngỗn ngang suy nghĩ, giũa cái mênh mông hiu quạnh. Tôi bước quay về với thực tại và chợt nhận ra mình đang mơ. Một giấc mơ siêu thoát bất ngờ. Tôi quay về như bước lại đoạn đường đời đã qua, những suy tư trăn trở đời người. Những con người tôi đã gặp, những nơi tôi đã đến. Mù mờ và rối tung.
Tôi bước đi trên con đường mù sương này, con đường ngày mai của hôm qua lôi tôi trở về một thuở nào xa xăm. Tâm hồn tôi bỗng phiêu dao. Tôi bước đi trên quá khứ buồn vui của mình, những bước đi chênh chao, lấp liếm nỗi đau và cơn đau chợt xé toạt, vỡ ra nơi cuối con đường.
Đó là cái cảm giác lạ lùng mà từ đó không bao giờ tôi có được lần nữa.Không bao giờ điều gì có thể mang lại một tâm trạng xúc động của tôi lên một tầng cao như vậy. Tôi mang cảm xúc kì lạ ấy đi hỏi nhiều người và người ta giải thích theo những cách khác nhau. Có người nói tôi lúc ấy đang quay về nơi mình ở kiếp trước. Người khác lại bảo tôi đang nhận thông điệp từ thế giới bên kia. Người bạn Bác sỹ của tôi giải thích rằng lúc ấy lượng adrenalin tiết ra trong máu.
Chuyện xưa như khói sương bãng lãng nhưng lại găm sâu vào một nỗi đau đắng đót. Tôi đưa tay mình nắm chặt vào nỗi đau không màu sắc. Nó vô hình nhưng luôn cảm thấy nó cọ sát vào mình.
Tôi nhớ những ngày cùng khổ, khó khăn lắm mới có được niềm vui. Âý là khi được nhường lại miếng cơm cho ai đó khổ hơn mình. Những ngày mà tôi chẳng có gì để làm và rượu bia là một thứ thật xa xỉ. Nó xa xỉ như cái gọi là hạnh phúc. Tôi nhớ cái ngày tôi ngộ nhận mình trở lại làm con người thật sự giữa mọi người, cái ngày tôi chịu mang ơn những người đã cưu mang mình, đã cho miếng ăn để được lại hít thở thứ không khí xa xỉ, được tái sinh một lần nữa. Tôi nhầm lẫn giá trị con người mình!
Cuộc đời không bỏ rơi tôi. Chính tôi đã khước từ lời mời gọi ấy, đã dừng chân bên cạnh cuộc đời để hưởng cái không phải của chính mình.
Tôi còn nhớ cái tựa đề câu chuyện lần đầu tôi viết cách đây hơn bốn mươi năm. Khởi sự niềm đam mê viết văn của tôi có tên là “ HẠ VÀNG”. Nó không giống như “Hạ Vàng “ đã viết sau này. Đó là tác phẩm đầu tay của tôi, hay còn gọi là “khúc tình ca mười lăm tuổi”
Lẽ ra, nếu tôi chịu khó theo ngành văn chương thay vì lao vào môn toán khô khan, được dẫn dắt bởi một nhà chuyên môn nào đấy, có thể bây giờ tôi dẫ trở thành nhà văn. Giaacs mơ nhà văn mỗi ngày mỗi mai một vì cơm áo gạo tiền, vì hàng tá chuyện cuộc sống tào lao, xịt bộp. Văn tôi viết chỉ là thứ không đầu, không đuôi.
Điều đáng ngạc nhiên là bài viết đầu tiên ấy lại được một người rất thích. Nhiều năm sau, tình cờ gặp lại độc giả đầu tiên ấy, cô gái hỏi tôi: “ Anh còn viết văn nữa không?” Tôi cười như mếu:” Đời tôi đã nhuốm kiếp phong trần rồi bạn ơi! “
Những tháng ngày cùng khổ nhất là thời gian tôi chẳng có việc gì để làm. Hay những ngày tôi trọ học, lang thang trên thành phố biển xa lạ.
Và những ngày tôi kiếm miếng cơm nhà người khác. Cơm nhà người khác lúc nào cũng đắng ngắt!
Ngày tôi quỳ xuống xin người trả một chút ơn mà Cha Mẹ tôi đã cho họ, một chút nhỏ nhoi thôi để tôi còn con đường sống trong mùa hè 1975. Những con người mà hai mươi năm trước, năm 1954, Mẹ tôi đã cưu mang họ khi những gia đình đó mang vợ con vượt tuyến vào Nam. Mẹ tôi đã cưu mang họ có khi đến vài năm. Vậy mà hai mươi năm sau, tôi chỉ xin một chổ trọ qua đêm, họ xua tay như người xa lạ. Tôi mười chín tuổi.
Cuộc chiến tranh đi qua. Với nhiều người cùng thế hệ tôi, họ chỉ được nghe kể về sự khốc liệt của nó nhưng chưa chạm vào nỗi đau của chiến tranh, của bom đạn. Những đoạn đường đầy xác người, những bàn tay yếu ớt vẩy gọi giửa trưa hè nắng gắt, từng đoàn xe lướt qua, bàn tay ấy vẫn đưa lên, yếu ớt rồi lịm dần trên mặt đường nhựa bỏng rát, hơi thở mạnh cuối cùng hắt ra nhưng đôi mắt mãi mãi không nhắm lại. Sau này, tôi đi lao động xây dựng con đường sắt Bắc Nam, ở một vùng quê Quãng Nam. Trong những giờ nghĩ, nhìn bầy vịt hằng trăm con từ dưới ruộng nước, lủ lượt tranh nhau vượt lên bờ cỏ, rồi lại quay đầu chạy xuống nước. Tôi chạnh lòng nhớ lại đoạn đường đã đi qua trong mùa hè năm bảy lăm. Hằng vạn người vượt lên một ngọn đồi để qua phía bên kia. Tiếng súng nổ. Hằng vạn người lủ lượt kéo xuống, chà đạp lên nhau. Vài phút sau, xác người kín cả sườn đồi.
Hai, ba mươi năm sau.
Tôi cố gắng học cách lừa lọc nhau, nhưng chịu!
Tôi ghét những con người vô ơn. Tôi cũng không thích những con người xun xoe, bợ đở. Khi trưởng thành, có vợ con, đã nhìn thấy những điều không muốn nhìn.
Tôi mang ơn người đã cho tôi vài đồng bạc tình nghĩa, để tôi có dĩa cơm bên kia đường,lúc cái đói run người vật ngã.
Tôi mang ơn chiếc bao gai cho chó nằm, giữa đêm khuya đã sưởi ấm tôi trước căn nhà ai đó trong mùa đông 1977.
Tôi mang nặng ân tình những tấm lòng đã chia sẽ cùng tôi điếu thuốc và tôi chối từ những miếng kim loại màu vàng bố thí!
Tôi cũng không quên cô bạn gái củ, độc giả đầu tiên của tôi, người tôi chưa bao giờ yêu nhưng sẵn sàng cùng tôi đi cùng trời cuối đất, lang thang bất cứ đâu tôi thích.
Thành phố này thường có những cơn mưa bất chợt. Những lúc như vậy, tôi ngồi om gối trong góc phòng, mở nhạc bằng máy cát sét. Chẳng đam mê cái gì.
Bây giờ tôi không uống được rượu bia nữa. Dù vậy, thuốc lá và nhạc là thứ vẫn ở bên tôi mỗi lúc tôi ngồi thu lu trong góc phòng tối om. Tôi đã nhầm lẫn giá trị của đồng tiền bằng cách nuôi chờ vào một điều kỳ diệu. Mỉa mai thay! Tình yêu ấy càng chạy theo tiền, càng trở nên nghèo túng và thô thiển. Tôi bắt đầu học cách chế ngự đồng tiền nhưng chắc chắn tôi chẳng bao giờ giàu.
Tiền không phải là thứ đầu tiên tôi tôi nghĩ đến vào mỗi sáng thức dậy!
Tôi trở lại viết văn. Nữa ban ngày gian dối nên tôi tìm một nữa ban đêm lương thiện. Nữa ban đêm, ít ra tôi vẫn còn những giấc mơ và nó giúp tôi bớt nhầm lẫn một số giá trị.
Trước đây tôi đã đi nhiều nơi trên dãi đất hình chử S. Để được đi, tôi phải học hiểu một cách khá vất vả. Sau này dù có đi đâu thì điểm về vẫn là ngôi nhà thân yêu của tôi, nơi có người vợ biết yêu thương và hai đứa con biết ngóng đợi Ba về.
Tôi từng đau lòng khi nghe người nhà quê ra đây lập nghiệp, gọi mình là “đồ nhà quê” song vô cùng ngạc nhiên khi biết chính họ không định hướng nổi một con đường. Người nhà quê nói “đồ nhà quê”, một sự hỗn tạp ghép nghĩa và chẳng chút hiểu biết gì. Tôi thương hại những con người này!
Thành phố này đáng trân trọng từng viên đá, ngọn cỏ, hàng cây. Những di tích một thời mà những kẻ không hiểu biết gì, đã phá tan tành.
Có lẽ bạn đang nghĩ tôi viết lan man. Không! Mỗi vùng đất tôi đến hay đi đều có những trải nghiệm đáng nhớ. Nơi tôi sinh ra là bên giòng sông “bình thường như bao giòng sông” Thời niên thiếu của tôi là những trưa Hè soi mình xuống giòng nước, thấy tâm hồn mình trong vắt. Thời gian trôi, tôi vô tâm để nhiều thứ trà trộn, và rồi một trưa Hè về đứng soi bên sông chỉ thấy rác cuồn cuộn. Từ đó tôi quyết tâm vớt rác, lọc lại tâm hồn mình bằng cách viết nó ra.
Bạn hãy làm theo cách của tôi, lọc lại tâm hồn mình qua những trang viết. Bắt đầu từ nơi bạn đã ra đi.
Tôi không còn nhớ nội dung câu chuyện đầu tay. Chỉ nhớ đó là câu chuyện trong veo sau khi đọc bài thơ “ Vì tôi là linh mục” của Du Tử Lê. Bây giờ tôi không còn mơ mình trở thành nhà văn, chỉ mơ một ngày trở về đứng soi bên giòng sông Hàn thơ mộng, lại thấy tâm hồn mình trong như thời niên thiếu. Điều đó giúp tôi khỏi phải cười như mếu khi gặp lại độc giả đầu tiên của mình.
Ai cũng có một tuổi thơ. Dù nó có êm đềm hay dữ dội, chúng ta cũng đã tắm trên dòng sông tuổi thơ ấy rồi, mãi mãi không bao giờ quay lại được. Ta vẫn nhìn thấy ở đó những hoa và bướm, nó không bao giờ giống bây giờ, mãi mãi như vậy.
Tôi cũng vậy!
BÙI THANH XUÂN.