N hìn mưa dễ sinh buồn. Những sợi mưa uể oải mang niềm hoài vọng cho trái tim thi sĩ, những hạt mưa không có hình hài đưa tâm trạng con người vào nỗi nhớ nhung vô cớ. Hà Nội có những ngày mưa khiến đôi người bạn phải bật cửa đội mưa để tìm nhau. Lúc ấy, mưa là tiếng gọi không có âm thanh, là lời thầm thì rất mơ hồ như mây đang tự hóa thân thành một bản thể khác. Tách cà phê tỏa khói thơm, phả hơi nóng vào đôi bàn tay vừa dầm trong mưa lạnh giá. Những giọt cà phê lặng lẽ rỏ vào lòng tách trắng, nó có màu hổ phách, có vị đắng ngọt ngào, có hương mê hoặc... còn ngoài kia mưa đang thảng thốt rào rào, đang âm thầm thánh thót hay đang mơ hồ lơ đãng bay lướt không gian... Đó là trận mưa "tri kỷ", trận mưa lay phay, không ra một trận, cứ rỉ rả kéo dài, cứ đê mê trầm lắng như cung đàn tân hôn với tiết tấu lạ lùng chỉ riêng mưa có. Giêng hai, mưa bụi phủ trắng những bông cúc muộn, chắc mưa này là hồi quang, là điệp khúc của trận mưa đông làm mờ ảo nhành mai trước tiết đẽi hàn. Hình như tranh phố Phái không có mưa hoặc rất ít mưa. Phải chăng mưa bay như phấn thông ấy là nét nhòe tài hoa của bức tranh lụa làm bông hoa đã thành cánh bướm, ngọn tháp rêu phong cũng khoác áo choàng voan; không như nét cứng cáp dứt khoát của sơn khắc, nét thô nháp quằn quẽi của sơn dầu, nét vàng son lóe sáng của sơn mài cổ điển. Tháng bảy, nỗi mưa Ngâu còn xa cách nhớ thương làm rộn lòng người đến bao giờ? Con sông trời sông đất cứ duềnh lên vì mối tình thủy chung mà oan khuất của Ngưu Lang Chức Nữ từ nghìn thuở trước đến sau này nghìn thuở. Nỗi cách xa vì ông trời độc ác khiến đàn chim ạ Thước phải động lòng trắc ẩn bắc cầu cho giọt lệ đỡ rơi, cho mưa ngừng nghỉ. Và nỗi cách xa khắc khoải làm người hóa đá hãy còn kia, và bao nỗi xa cách khác nữa mà nếu đong lên hẳn phải đầy tràn con sông Cái Ngân Hà, nỗi cách xa ấy đâu đã hết, mưa đâu đã rửa hết cho người. Nghệ sĩ thích mưa. Nhà doanh nghiệp lại chẳng ưa mưa, bởi mưa thì vắng khách, lợi nhuận cũng vắng theo. Phải nắng. Nắng phải quắt queo cả da thịt thì kem mới nhiều người ăn, quạt điện mới nhiều người sắm, khách sạn và xe du lịch mới đông người dùng, các quán bia bọt mới dập dìu khách nhậu, thậm chí cơm bụi mới lắm khách ăn... Giữa mùa hè chói chang, cỏ cây nặng trĩu cành vì bụi, bỗng một trận mưa ào ào như vội vã, xối xả như mối tình muộn màng của tuổi quá niên, làm trẻ con ùa ra đường mà hò hét lăn lộn, mà té nước mưa nước úng vào nhau giữa đường phố bì bõm. Tuổi thơ, tuổi reo hát cùng mưa, reo hát cùng mọi cái đúng cũng như sai, reo hát cùng những điều người lớn không thể nào hiểu nổi. Đấy. Mưa úng khổ bao người. Công tá thoát nước điên đầu, nhưng trẻ con bất cần, cứ reo hát. Có người hài hước, dí dỏm nói đùa: Trận mưa này là mưa ra trẻ con đây... Khối anh vỡ kế hoạch vì trời mưa mát mẻ... Có những đêm mưa, nằm mãi không ngủ được vì tiếng mưa thì thào trên hàng cây mái phố. Tiếng gì xa vắng thế? Tiếng gì như hơi thở dài to dần lên, xoẹt qua tai rồi lại nhỏ dần đi và mất hút vào mưa? Chiếc xe nào đi vội trong mưa, bánh xe xiết vào làn nước, tưởng như nhìn thấy hai làn nước hình dẻ quạt tóe sang hai bên trong ánh đèn vàng chóe. Sáng mai, trận mưa làm đường phố sáng lên, cây cối tinh khiết sạch sẽ, tươi tắn như gái dậy thì. Bụi bặm đã tan đi trong mưa, chỉ còn lại băng trinh và nõn lộc. Bàn tay của trời thành phép lạ. Và Hồ Gươm đầy lên, chan chứa, như rộng ra, mênh mông hơn, ít xanh hơn nhưng lùa cái mát lạnh lên đường cho áo mình như mỏng đi trong thông thoáng. Có thể đứng trên bờ khỏa bàn chân xuống nước hồ tươi rói nước mưa, cho cái lạnh thấm tận gan bàn chân, chợt nghĩ rằng mình là người thứ bao nhiêu triệu được hưởng cái niềm vui sướng này. Bình rượu trên nóc tháp Hòa Phong kia có đầy lên thứ rượu trời không nhỉ? Nước mưa giữa trời trong vắt, ngọt lành, chạm vào đầu lưỡi đã rùng mình, có làm ngây ngất những linh hồn đang chập chờn bay trên thành phố quê hương, dù ở thế giới bên kia cũng không thể nào từ bỏ những con đường quen thuộc, nơi có bao nhiêu yêu thương kỷ niệm, nơi có những trận mưa nao lòng... Đất Bắc Hà là thế, con người Bắc Hà là thế. Những cơn mưa vui, mưa sạch, những cơn mưa thấm đẫm lòng mình tựa tình bạn thâm giao, như tình yêu viên mãn, như chị bên em, như mẹ cho con, như nỗi thức tỉnh sau cơn mộng đẹp khiến người bàng hoàng. Mùa giông tố, sau cơn bão nặng nề tàn bạo, là những trận mưa rỉ rích tràn đầy, lành lạnh. Mưa đền cây đấy. Khổ thân những gốc cổ thụ ở ngã ba ngã tư nào, thân mục rỗng từ lúc nào không biết, nay đành gục ngã trước phong ba. Thương cho cây non chưa cứng cáp, còn chưa đủ rễ, đã gẫy cành rụng lá trước gió dập mưa vùi. Trước cảnh ấy trời cũng phải xót thương, cho mưa về đền đáp, cho nước mát tưới nhuần, cho mưa hiu hiu dìu dịu. Sự tàn ác nào, dù là của trời đất cũng phải có thừa trừ. Tựa như sau cơn lũ tàn phá, phù sa đọng lại cho mùa sau tươi tốt. Còn con người thì sao? Tháng mười trời màu bạc, người lạnh hai vai. Con rươi sắp trở về, gọi vỏ quýt thìa là để thơm từ bếp nhà này sang góc phố khác. Cái áo len cất đi từ tháng giêng hai, còn thơm mùi băng phiến trong tủ, ta đi trên phố chẳng sợ có mồ hôi nên không cần một thứ nước hoa nào trên áo. Chợt một trưa nào, trời như chuyển mình, người này người nọ kêu đau xương cốt, mây không tươi sáng cũng không âm u, mà cứ rập rình những đám mây không ra dày không ra mỏng cho lắc rắc chút mưa trêu ngươi. Mưa rươi đấy. Con rươi nhỏ tí mà đủ sức làm bầu trời chuyển động theo mình. Kỳ lạ thế là con rươi cho trời có mưa rươi. Có anh chàng nào hơi tục tử một chút bỗng động lòng, không phải động lòng hồ hải bốn phương như Từ Hải, mà chỉ động lòng nhớ món mộc tồn. Mưa rươi có gọi là mưa thu được không. Những đêm mưa thu buồn phiền rả rích trên mái lá, tầu tiêu. Nếu mưa phùn là hiền dịu, mưa rào là dữ dội thì mưa thu ra sao nhỉ? Mưa trên mái ngói có âm thanh riêng. Mưa trên mái tôn thật phũ phàng. Mưa thu hình như không có tiếng, vậy mà nó có thể làm nát gạch, mủn tường và khốn khổ cho những ai thiếu một mái ấm gia đình mà nương tựa. Họa chăng chỉ có đôi người đang say nhau, đang mơ trong nhau, sẵn sàng choàng chung một tấm vải mưa mà đi, có thể đi đến cùng trời cuối đất, mặc kệ đầu ướt sũng, vai nặng trịch (nặng vì mưa hay nặng vì tựa vào nhau), chân lạnh buốt... Mưa thu trên tầng năm khác mưa thu trên tầng trệt, cũng khác mưa thu trên những đẽi lộ toàn biệt thự, càng khác hẳn trên những ngõ hẹp quanh co lầy lội. Thâm Tâm có câu thơ: Cuối thu mưa nát lòng dâu biển... để tả cái dai dẳng và quái ác này, nhất là khi mùa thu bàn giao không gian cho mùa đông thì những sợi mưa đã biến thành những con dao vô hình nhưng rất thực, cắt vào da thịt người. Quần áo mỏng, màu cũng mỏng phải nhường chỗ cho len dạ, khăn quàng màu sẫm, nặng nề đôi chút. Mưa trên thành phố, trên tầng nhà, trên mái cây là tác phẩm của thiên nhiên điểm xuyết cho cảnh vật, là tặng phẩm của vũ trụ cho con người. Hãy cứ để mưa sống cuộc đời mưa gió của mình, dù mưa đó là của thi nhân đầy cảm hứng, hay cái háo hức của chàng nghiện rượu cần nhậu nhẹt để mưa có thêm nghĩa lý, dù mưa đó vào mùa nào, vào lúc nào...