Những buổi chiều từ Lộc Ninh trở về, tôi bay qua đồi Gió, qua đồi 69, những ngọn đồi ở đông-nam An Lộc. Cũng những buổi chiều tháng 5 và tháng 6 như thế nầy của hai năm tước, 1972, nơi đây những người bạn tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 3 pháo binh, Lữ đoàn I Nhảy Dù đào vội chiếc hố, khoét xâu rãnh giao thông hào dưới cơn mưa đại pháo của Bắc quân. Cũng những buỗi chiều muộn khi ngày sắp hết, ánh mặt trời hồng đỏ đã bị mờ dần bởi hơi sương lam bốc lên từ dãy rừng cao su ngút ngàn xanh ngắt. Nơi đây, trên dãy cao độ chập chùng trống trải này những Phạm Tường Tuấn, Phạm Kim Bằng, Lộc “lì”, Vinh “con” của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù bậm môi đến bật máu, nhô chiếc nón sắt lên khỏi giao thông hào chờ đợi bóng đen của những T54 đang lố nhố, rì rầm dưới chân đồi sắp sửa tấn công. Hôm nay, trên chiến địa điêu tàn đó chỉ còn vương vãi vài chiếc nón sắt, túi đeo lưng và những mảnh xương trắng xám rơi rớt trên lớp đất đỏ màu máu. Dãy đồi nằm lặng dưới bóng chiều trông oan khiên như nấm mồ vĩ đại. Tôi bay qua chiến trường của hai năm trước, bay qua bầu Đồng Cỏ thấy xác chiếc Chinook bị rớt ngày 4-6-72; bay qua Chơn Thành thấy lại chiếc trực thăng chở Chuẩn Tướng Đức bị cháy nát chỉ còn trơ chong chóng nằm sát bờ lộ. Những phi công trực thăng nghĩ gì khi từ trên không nhìn xuống những thân tàu cháy xám, đống tro tàn của bộ máy, họ có tưởng đến những chiến hữu đã vỡ tan cùng cát bụi, những phi công lâm nạn của mùa chiến trận 72 trên đường bay dọc con lộ tử thần nầy. Đi qua chiến địa quá khứ không phải chỉ bùi ngùi vì chứng kiến dấu tích của binh lửa tang thương, nhưng để biết rằng chiến tranh chưa hề chấm dứt, hòa bình chưa bao giờ có thực, chỉ có chiến trận đổi vùng, chiến trường ngụy trang dấu mặt. Bay qua đồi Gió, suối Tầu Ô, Tân Khai, Chơn Thành, qua các chốt của bộ đội, qua các căn cứ hỏa lực của ta, qua thôn xóm vây bủa bởi giao thông hào còn mùi đất mới để biết rõ một cách đau đớn và chua xót rằng, chiến trận không bao giờ ngừng nghỉ trên quê hương tàn khốc này. Không có một giây phút bình yên nào trên xứ sở tên gọi Việt Nam.
Tháng 5, tháng 6-74 đi qua, Phái đoàn Mặt Trận bỏ họp vô hạn định, chiến trận bùng nổ không che dấu, phi trường Nha Trang, Đà Nẵng, lần đầu tiên sau ngày Hiệp Định bị pháo kích. Phe Cộng sản vứt bỏ chiếc mặt nạ “hòa bình” không ngần ngại. Đã đến lúc họ không còn cần dấu mặt sau cái vỏ hòa bình; họ cần phải chạy đua với thời gian, chạy đua với sự sáp vô ngày càng khít khao giữa Nga, Hoa quanh cái trục “Đế Quốc Mỹ”. Cộng sản Bắc Việt phải tự cưú trước khi bị hai cái gọng kìm này nghiền nát. Tháng 6 đi qua để bước vào tháng 7 với ngày 20-7, ngày Cộng sản xem như thắng lợi vinh quang, ngày rực rỡ sau chiến công Điện Biên, ngày đuổi hẳn thực dân Pháp thanh toán 100 năm nô lệ. Nhưng ngày 20 tháng 7 cũng là ngày di cư, ngày uất hận ngàn đời không nguôi ngoai, ngày chia ly tan tác của khối dân miền Bắc đi về Nam để được sống tự do - 20-7-1954 - đến nay đã hai mươi năm, khoảng thời gian ngút ngàn tưởng chừng như giấc mơ, cuộc ra đi ngày nào nghĩ rằng sẽ trở lại trong thời hạn tối thiểu, ai ngờ trở thành một dứt khoát quyết liệt, một chọn lựa nghiêm trọng đành đoạn giữa tự do và kìm kẹp, giữa đời sống thênh thang và lạnh lùng trong một hệ thống kiểm soát ngặt nghèo. Hai mươi năm qua như ngọn lửa lớn đãi lọc tinh tuyền sự chọn lựa ban đầu đó, chẳng ai trong khối người ra đi phải hối hận vì tất cả đã chọn đúng. Tôi biết chắc như vậy. Nhưng tháng 7-74 trên báo chí đối lập khuynh tả, trong những cuộc hội thảo của lực lượng đối lập tiến bộ yêu nuớc, của đám trí thức Sài Gòn nhan nhản xuất hiện một loại luận cứ: “Chỉ vì Hiệp Định Genève 1954 không được thi hành nên mới xảy ra chiến tranh trong hai mươi năm qua và vì “mâu thuẫn” vẫn còn nên Hiệp Định Ba Lê 28-1-73 không được thực hiện, Hòa Bình cho Việt Nam vì thế chưa có. Cuối cùng, chỉ còn con đường hòa giải và hòa hợp dân tộc, con đưòng độc nhất để hoàn thành hòa bình...”. Loại luận cứ này được coi như đỉnh chót của ý thức tiến bộ của đám trí thức đối lập ở miền Nam. Song, tôi muốn hỏi những người này những câu hỏi cụ thể: Tại sao không dừng lại xác định: Vì Hiệp Định Ba Lê không được thi hành (Như đã dùng với Hiệp Định Genève) mà chỉ lấy cớ miền Nam còn “mâu thuẫn”? Mâu thuẫn gì? Ai mâu thuẫn với ai? Tại sao các anh không dám nói thẳng: Cũng chính bởi vì Hiệp Định Ba Lê không được thi hành nên hòa bình chưa có và chính phe Cộng sản là phe phá hoại nhiều nhất thâm độc nhất, có hệ thống nhất. Hai mươi năm chiến tranh, hai năm “hòa bình” khốn nạn chưa làm cho đám người này thấy đủ, biết được một sự thật. Sự thật rất đơn giản. Làm thế nào hòa giải được người Cộng sản. Người Cộng sản mang quốc tịch Việt Nam!!!
Trận cầu quốc tế giữa hai đội Đông - Tây Đức, phe cộng sản, phe không cộng sản, gặp nhau, bắt tay nhau, tranh tài trong tinh thần hòa hợp, thân ái của môi trường thể thao. Nhưng làm sao có đưọc cái cảnh này cùng Cộng sản Việt Nam? Vì anh ta sẽ gọi cầu thủ của ta là “cầu thủ Ngụy”, của phe tư bản rẩy chết, tay sai của chính sách thực dân mới Hoa Kỳ. Phe Cộng sản sẽ không bao giờ thỏa thuận để cho hòa giải, gặp gỡ những cầu thủ “ giải phóng dân tộc, của cách mạng vô sản, của giai cấp công nông ” với đám cầu thủ của “ Ngụy quyền ”, cầu thủ áp bức nhân dân, cầu thủ ác ôn Mỹ Ngụy. Tôi không nói quá nhưng chỉ xác định lại sự thật qua những kinh nghiệm quá não nề cùng ngưòi Cộng sản Việt Nam.
Đến đây, những dòng cuối cùng của tập bút ký, tự nhiên trong lòng bỗng rực sáng một niềm tin thanh thản. Quả tình tôi đã có một thái độ quyết liệt thật đúng đắn với người Cộng sản. Tôi xác định thái độ này chính thức, công khai mà không hề e sợ những dè bĩu, chụp mũ: Muốn được thưởng công bởi chính quyền. Còn lâu, chính quyền, chính phủ chỉ là những lực lượng nhất thời, tôi không chống Cộng để cho một cơ cấu chính trị, một cơ quan quyền lực. Tôi chống Cộng vì ghê sợ cái hướng đi hà khắc kìm kẹp vô nhân tính của chế độ đó. Giản dị và chính xác như thế. Ngày 20-7, đọc lại một bài viết ngắn của anh Doãn Quốc Sỹ nói về ngày uất hận thiên thu này, anh Sỹ nhắc lại trong “Một vài ký ức hình nổi của giai đọan 20-7-54 - 20-7-72 (Báo Đời số 140): Hình ảnh đồng bào khắp nơi vượt mọi gian lao để tới Hải Phòng được phổ biến sâu rộng tại bất cứ nơi đâu còn gọi là đất Quốc gia, những hình ảnh đặt biệt sỉ nhục một cách thậm tệ cho ông Hồ đăng tải trên các tạp chí lớn ở Âu Châu: Đó là hình ảnh hàng ngàn người xuất hiện trên bãi bể Bùi Chu, hình ảnh họ kéo lê chiếc bè lao nhào vào lớp sóng bạc đầu, hình ảnh họ chen chúc trên chiếc bè mỏng manh, đàn bà đứng bế con, ống chân ngâm dưới nước quên mỏi, phần trên rét run, đàn ông khom lưng cố chèo ra khơi cho kịp những chuyến tàu đương thân ái đợi họ để rồi xã hết tốc lực ra khơi xa hơn nữa để chuyển họ sang những tàu vận tải lớn hơn...”.
Và hình ảnh bi thiết, rực rỡ nhất của cuộc di cư thần thánh đã tụ lại trên điểm cao hoạt cảnh dưới đây:
- Xe lửa từ Hà Nội xuống đến Hải Dưong ngừng lại ở ga Phú Thái, nơi đó cán bộ Cộng sản khám dân chúng, tha hồ dân chúng văng tục, chửi rũa, đám cán bộ vẫn cười tươi ngọt ngào như không. Có bà gần như khỏa thân từ trong phòng khám bước ra, có bà còn ra ngồi xuống tiểu tiện rồi mới đứng dậy, bận quần áo đầy đủ, có bà xoay đủ một vòng, nghều nghện hai bầu vú nuôi con rồi mới bận áo... Ôi! Những người đàn bà Việt Nam cực kỳ thông minh và biết trọng nhân phẩm đó! Tất nhiên đám cán bộ Cộng sản nam nữ vẫn luôn luôn giữ nụ cười nhã nhặn bình tĩnh. Trên cái nền khỏa thân của các bà, nụ cười đó quả đã bị bóc trần đến chất lõi máy móc vô nhân của nó. Hàng bao tấn giấy tờ của người trí thức Quốc gia viết để chống đối Cộng sản không nặng bằng một đồng cân so với cái cử chỉ vừa khôi hài vừa thâm trầm chua chát của hình ảnh cố ý kéo dài cuộc khỏa thân của các bà...”.
Anh Sỹ đã cất cho tôi được gánh nặng ngàn cân vì gần hai năm nay đi đâu tôi cũng thấy người Cộng sản... cười. Những nụ cười tươi, rộng, rất vồn vã, rất nồng nghiệt, tràn ứ đầy khắp trên các báo Quân Đội Nhân Dân, Quân Đội Giải Phóng, trên tạp chí “ Đường Đến Vinh Quang của Nam Việt Nam...”. Đâu đâu cũng thấy người Cộng sản cười, Võ Nguyên Giáp cười, Lê Duẫn cười, Phạm Văn Đồng cười, Song Hào cười, Văn Tiến Dũng cười, Phạm Văn Bạch cười, Nguyễn Hữu Thọ cười, chiến sĩ “ tên lửa ” cười, đội làm cầu cười, người nữ chiến sĩ miền Nam cười, những “ Người Con Tây Nguyên ” cười... Tất cả đều mở rộng miệng đến tối đa kích thước, hàm răng tràn ra khỏi những ghè môi nhăn nhúm, choáng chật cả khuôn mặt bị căng cứng, bị gấp nếp vì nụ cười quá khổ... Rồi tôi lại phải “ tiếp thu ” thêm những nụ cười trên thực tế của Thiếu tá Trần Tín ở Hà Nội, của Thượng tá Năm Tích ở Lộc Ninh, của Nguyễn An Giang ở bắc sông Thạch Hãn... Những nụ cười như trong báo chí đó được lập lại đúng cỡ, đúng điệu, tràn ngập khắp nơi khi người Cộng sản tiếp xúc cùng người lạ. Một lần, hai lần,... Lần thứ một trăm, lần thứ một ngàn, nụ cười tràn ứ đó gây nên một cảm giác kỳ lạ trong tôi. Cảm giác nửa nhờm tởm, nửa bị đe dọa. Nụ cười vỡ như lửa lóe ra khi trái lựu đạn nổ, nụ cười ghê ghê, vô nhân, vô nghĩa như con vượn, con dã nhân khi được kích thích, vì được luyện tập. Tôi không nói quá lời, tôi không “ hạ ” đối phương nhưng quả tình nụ cười đó suốt hai năm gây cho tôi câu hỏi: Có phải chăng người Cộng sản có một “ chủ trương cười ”? Người Cộng sản đã cười theo chỉ thị, theo công tác, theo tiêu chuẩn? Nếu không thì tại sao, đâu đâu, ai ai cũng có một cách cười, một vẻ cười chung giống nhau như thế? Sông Hào, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, những cá tính khác biệt, những con ngưòi khác nhau về khả năng,tính chất, môi trường trong một bức hình ở khóa hội thảo đều cùng có chung một nụ cười hả hê, thống khoái rạng rỡ. Cho đây những nụ cười thật vì các ông ấy là tướng, là cán bộ cao cấp được điểm Bác và Đảng... Nhưng rồi, sao đám nhân công nhà máy dệt, đội làm cầu, cán bộ mậu dịch... Những người gầy còm, mắt trắng, những kẻ tóc bạc mệt nhọc dầy như cỏ rối, trên nét nhăn, những người nầy có gì để phải cười giống như Giáp, như Đồng?!!! Vậy chỉ có thể hiểu, và chắc chắn như thế: Người Cộng sản đã được huấn luyện, kiểm soát và thi đua cười theo một tiêu chuẩn nào đó về nụ cười. Họ phải tập cười theo một mô thức được hoạch định bởi Đảng và nhà Nước. Vậy, trước nụ cười đó còn gì xứng đáng và sít sao hơn là những thân thể tinh khôi, cao quí phẩm hạnh của con người trần truồng toàn diện. Phải, chỉ có cái thân thể nồng nhiệt tự do, thân thể ấm áp sức sống nhân bản của con người cao quý mới gọi là ngọn triều lớn cuốn bay đi lớp nụ cười vô nhân khô héo của người Cộng sản... Hiểu như thế. Và phải hiểu như thế.
Tôi nhớ buổi chiều ngày 18-2-1973 tại bờ bắc sông Thạch Hãn, giữa bóng tối mờ mịt, khi tự xé chiếc áo phơi lồng ngực trần để chỉ cho đám sĩ quan quốc tế cùng đám cán bộ Cộng sản biết so sánh thế nào là “ sự thật ” về người tù Cộng sản bị “ tra tấn ” tại trại giam ở Phú Quốc. Với sự thật của chính thân thể tôi. Nhưng tôi đã làm chưa đủ, thật ra tôi phải làm như những người đàn bà cao quý nọ.
Trong những tháng 8, 9, 10 năm 1974 tại Sài Gòn có phong trào chống tham nhũng tố đích danh Tổng Thống Thiệu bằng cáo trạng sáu điểm; phong trào đòi Tự Do, Dân Chủ, đòi hỏi hủy bỏ sắc luật 16-69 và 007, những sắc luật kìm kẹp báo chí một cách chặt chẽ hà khắc. Cuộc tranh đấu lên đến cao điểm: Đòi hỏi chính phủ Thiệu phải thực thị Hiệp Định Ba Lê, thành lập Hội Đồng Hòa Giải gồm có ba thành phần và chấm dứt ngay tiếng súng để cùng ngưòi Cộng sản hòa hợp và hòa giải trong tinh thần dân tộc.... Phong trào tập trung được toàn thể những linh mục Công giáo cấp tiến cánh tả như Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Chân Tín... Những người của nhóm Đối Diện trước đây. Phía Phật giáo cũng nhập cuộc trên một địa bàn khác với sự đồng ý của giáo hội Ấn Quang tích cực yểm trợ cho Lực Lượng Hòa Giải, Chủ tịch là Vũ Văn Mẫu.
Bỏ đi sự có mặt của những người như các dân biểu đối lập ngụy danh, những chính khách cấp tiến tiền chế, những lãnh tụ tôn giáo tả khuynh có điều kiện, những đào kép cũ của những tuồng tích héo úa, trong đó do thúc đẩy quyền lợi, với khí thế ma đầu, những hào hùng cải lương... Những dòng viết sau đây tôi chỉ muốn nói đến cuộc nhập trận tích cực của các vị linh mục. Trong tập thể linh mục nhập cuộc cùng những phe khối của họ có thể chia ra làm hai thành phần rõ rệt. Thứ nhất, là nhóm linh mục cấp tiến khuynh tả như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trương Bá Cần cùng những ngưòi viết Đối Diện, Trình Bày như Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, Lý Chánh Trung... Và thành phần thứ hai gồm những linh mục trước đây đã có một quá trình chống cộng như Nguyễn Viết Khai, ông Cha rửa lễ cho Tổng Thống Diệm, người lập trường “Ngô Đình Khôi” tại Phan Thiết, thủ lãnh chống Cộng của Khu Tư sau 1945, Đặc Sứ lưu động của Tổng Thống Diệm liên lạc các trại định cư của những người Nghệ Tĩnh Bình, cũng là tiền đồn chống Cộng của giai đoạn 54... Và Cha Thanh cũng là lý thuyết gia của Phong Trào Nhân Vị ở Vĩnh Long trước đây, một linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế nổi tiếng về hùng biện và tinh thần chống Cộng sản của người dân gốc Quảng Trị.
Mục đích của phong trào thoạt tiên rất chính đáng, vì đó cũng là cơ hội cuối cùng để miền Nam kiện toàn lực lượng đối lập trong thế tranh đấu đối với Cộng sản lẫn phe Quốc gia, hình thành một lực lượng hòa giải trong giai đoạn sắp tới khi Hiệp Định Ba Lê được thi hành theo từng chi tiết nhỏ. Thái độ và tinh thần chung của Cha Trần Hữu Thanh, chủ tịch phong trào là thái độ tích cực đấu tranh với tinh thần cấp tiến, thiết tha đến tương lai của miền Nam, một tương lai rất gần phải chung sống cùng người Cộng sản. Phải nhìn nhận rằng Cha Thanh đã dựng lên một phong trào rất đứng đắn và cấp thiết, miền Nam sở dĩ tồi tệ quá mức như hiện nay với nạn lạm phút đứng nhì của thế giới (sau Chí Lợi) chính là do tác dụng phá hoại tích cực của tham nhũng. Tham nhũng không chỉ có trong một vài động tác đầu cơ, hối lộ của giới chức chỉ huy hành chánh cao cấp, nhưng tham nhũng là một đặc thù của sinh hoạt miền Nam, tham nhũng bao trùm lên tất cả mọi dịch vụ giữa nhà cầm quyền và dân chúng, giữa những cán bộ hành chánh, quân sự với đám thừa hành, giữa giới chức lãnh đạo và toàn thể mọi đối tượng tiếp xúc. Thật là bỉ ổi và ghê tởm khi bên cạnh cảnh đe dọa của cuộc chiến (chưa hề dứt) với đám dân chúng lầm than tan tác, có những sự kiện tham nhũng bỉ ổi tàn nhẫn như vụ buôn lậu có xe còi hụ dẫn đầu bị bắt ở Long An, những dịch vụ buôn gạo, xăng cho Cộng sản được điều động bởi những tỉnh trưởng, sư đoàn trưởng với giao kèo, chia chác đến lạnh người. Khi một chức trưởng ty cảnh sát quận 5 ở Chợ Lớn được”mua” với giá trên một trăm triệu thì “tính tham nhũng” của chế độ đó đã đi đến mức siêu đẳng tồi tệ. Cha Thanh đã dựng lên một phong trào sinh tử vì không thể nào sống với người Cộng sản ( sẽ nói rõ lại tính chất của những người nầy sau ) khi còn tập đoàn lãnh đạo ung thối khiếp đảm như thế, cộng thêm cơ cấu dân cử gồm đa số dân biểu tay ngang, khí phách và khả năng tại nghị trường chỉ là thái độ quỵ lụy khiếp sợ người cầm quyền hành pháp. Phong trào đã lên thật mạnh và đáp ứng được nỗi mơ ước đau đớn của toàn khối dân chúng đang lăn xuống cuối dốc đói khổ.
Nhưng phong trào đã không phải chỉ ngừng ở phạm vi chống tham nhũng thuần túy như danh xưng, cũng trái ngược luôn với lời của linh mục Thanh nói ở Xóm Mới hôm 6 tháng 10... “ Chúng tôi không đòi lật đổ Tổng Thống Thiệu, ông Thiệu muốn ngồi thêm năm, mười năm nữa cũng được, nhưng cần nhất là ông Thiệu phải quyết liệt bỏ tham nhũng vì ba, bốn tháng nữa là Việt Cộng vào đây ở với chúng ta, mà với tình trạng tham nhũng thối nát thế này thì chúng ta “lúa rồi”... Lời nói của Cha Thanh, hướng đi của phong trào, mục tiêu của phong trào lần lần có những xa cách, nếu không nói là trái ngược nhau. Mà sau hơn một tháng bùng nổ, phong trào đã đi đến điểm cao “ vận động trưng cầu dân ý về việc bất tín nhiệm Thổng Thống Thiệu hay không...”. Mục tiêu chót đã không dấu diếm. Để chuẩn bị thế hòa giải sống chung với người Cộng sản. Tôi dừng lại ở đây để trở lại vấn đề ban đầu: Có thể hòa giải hay không cùng người Cộng sản Việt Nam.
Phải, không thể nghi ngờ thiện chí và lòng tha thiết muốn hướng dẫn dân chúng vào một phong trào sinh tử để chuẩn bị thế nhân dân tranh đấu với đối phương, một kẻ quỷ quyệt tinh vi, vô cùng thâm độc trong việc khuynh đảo, gây hỗn loạn, cướp chính quyền. Nhưng hướng tấn công chính của phong trào ( Tổng Thống Thiệu ) cùng mục tiêu tối hậu ( Hòa giải cùng người Cộng sản ) đã gây trong tôi những công phá mạnh mẽ bởi mối phát hiện nghi ngờ: Phong trào hay nhóm linh mục lãnh đạo hay cụ thể hơn là cha Thanh chỉ là những lực lượng dọn đường để sống chung cùng người Cộng sản. Tiến trình được điều động bởi một áp lực tinh vi ghê gớm. Sức công phá gây đến nỗi não nề khi theo dõi các cuộc biểu tình ( to lớn và quan trọng nhất ), như cuộc biểu tình ngày 10-10-74 tại Sài Gòn. Nhìn thấy tận mắt một lớp đào kép cũ diễn trò vui trên đau đớn và hy vọng cuối cùng của nhân dân. Phong trào phải chăng đã xử dụng nhân dân như là một con ngựa chiến để đi đến đấu trường. Cảm giác não nề cũng không phải vì thấy phong trào chuẩn bị cho “ thế đứng chung với người Cộng sản ”. Người lãnh đạo quần chúng hơn ai hết có trách nhiệm hướng dẫn, báo động, chuẩn bị cho nhân dân những tình huống mới; huống gì những tình huống khắt khe bắt buộc sẽ phải xẩy đến. Nhưng là cảm giác gây nên bởi tinh thần gọi là cấp tiến “ Có thể sống chung được cùng người Cộng sản ” của những người đã có kinh nghiệm máu với cộng sản. Tôi khai triển tiếp vấn đề này.
Trong cuộc viếng thăm Á Châu của Đức Giáo Hoàng Paul VI; lần viếng thăm Á Châu đầu tiên của một vị Giáo Hoàng Hội Thánh Công Giáo La Mã. Hội Thánh có một quá trình chống cộng tích cực, hữu hiệu nhất. Đức Thánh Cha đã không ghé thăm Đài Loan và Việt Nam nơi có tập thể giáo dân đông đảo với một hoàn cảnh bi thiết, nơi đất nưóc bị tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh. Một xung đột hệ quả từ những tư tưởng chính trị đối nghịch Tây phương, trong đó Giáo Hội La Mã mặc nhiên có ảnh hưởng lớn. Ngài không vào hai nơi này để chứng tỏ tinh thần mới của Giáo Hội, khai phóng từ đời cố Giáo Hoàng Gioan XXIII, sau Công Đồng Vaticano II, Công Đồng mở màn cho kỷ nguyên tiến bộ canh tân và hòa giải. Người Cộng sản là một trong những đối tượng lớn của cuộc hòa giải vĩ đại này. Vì “ chỉ sau hơn năm mươi năm, chế độ Cộng sản đã chi phối và tác động lên trên 1500 triệu của toàn cầu, trong khi đó Giáo Hội Công Giáo sau gần 2000 năm truyền đạo cũng chỉ mới có 613 triệu tín đồ” ( Báo Đối Diện ). Thế nên vấn đề hòa giải với người Cộng sản không chỉ trong phạm vi Thần học, Triết học mà còn là một hướng chính trị chiến lược lớn của Giáo Hội. Dưới ảnh hưởng bởi ý hướng mới nầy nhóm linh mục trẻ cấp tiến, xuất phát từ các đại học Âu Tây muốn đẩy mạnh cường độ hiện thực hơn với môi trưòng “ chiến tranh Việt Nam ”; trong đó kẻ thù gớm ghiếc nhất không phải là Cộng sản mà là Thực Dân, Đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, một lực lượng phản động, một ngụy quyền làm cục đá chận đường, vật ngăn cản không để những người cấp tiến khuynh tả có cơ hội “ đối diện, hòa giải ” cùng người anh em Cộng sản trong tinh thần dân tộc!! Thái độ này không lạ, đó là ý hướng được khai triển từ lâu với J.P. Sartre, Bertrand Russell những người “ lậm ” nặng bởi mặc cảm trí thức bất lực, bất lực để tham dự cùng đời sống, bất lực để giải thích đời sống. Mặc cảm nhỏ bé, có tội trước Cộng Sản, vô dụng đối với Tư Bản. Những sản phẩm chính cống của hệ thống triết học Tây Phương. Mà họ chính là những người mang vác cồng kềnh mệt mỏi trên vai cùng với tất cả nỗi vô ích canh cánh đè nặng tinh thần. Thế nên, tôi không nói nhiều đến nhóm linh mục trên trong bài viết này vì hiểu rằng đây là thái độ độc nhất của họ. Họ không thể thỏa hiệp được với khối siêu quyền lực đã chi phối, nuôi dưỡng và xây dựng lên họ, vì kiến thức, mặc cảm và vị thế cao quý đầy đặc quyền mà họ thụ hưởng được cũng là hệ quả của một xã hội tư bản thoái hoá. Trở lại với nhóm linh mục hữu khuynh, những ngưòi có số tuổi trên dưới năm mươi, có những kinh nghiệm cụ thể sống chết với người Cộng sản. Bỗng nhiên trong một sớm một chiều. Họ xoay một vòng lớn và: “ Xét về vấn đề Tổ Quốc thì chúng ta phải thực tâm mà thú nhận rằng phía Bắc Việt họ đã chiến đấu vì Tổ Quốc mà chúng ta chiến đấu vì đô-la, vì địa vị...”. Linh mục Khai - Đối Diện 21- nên tóm lại:
-Thứ nhất: Đừng quá sợ sệt, trốn chạy và thù ghét Cộng sản như lâu nay.
-Thứ hai: Người Công giáo phải là một chiến sĩ Hòa Bình, nhưng luôn “ đề cao cảnh giác...”
- Thứ ba: Phải biết đối thoại ( với người Cộng sản ) trên căn bản tự do, công lý, chân lý.
- Thứ tư: Phải xây dựng một Đức Tin sáng suốt để có đủ điều kiện sống chung với Cộng sản ( nếu cần ) và thu phục được họ.
- Thứ năm: Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối Giáo Hội để có thể “ không còn cần thắng cộng sản bằng B52 của Mỹ...”
Những điều của linh mục Khai viết trong tháng 2-71 bây giờ đang được phong trào quảng diễn lại ở Xóm Mới, Chí Hòa, Hốc Môn và hiện thực hơn bằng cách yêu cầu Tổng Thống Thiệu từ chức để phong trào đẩy mạnh thế nhân dân vào cuộc chiến đấu tranh với người Cộng sản trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc. Những điều của cha Khai nói gây trong lòng tôi nhiều xao động và nẩy sinh ra nhiều câu hỏi. Hỏi để trước tiên giải thích cho hành động của chính mình và sau đến tìm hiểu công việc, tinh thần của ngưòi khác. Những vấn đề cụ thể với những câu hỏi như sau đây:
- Chúng ta có thể hòa giải cùng người Cộng sản Việt Nam không? Tôi trả lời dứt khoát: Không được. Để giải thích khẳng định nầy, tôi lần lượt đi qua từng yếu tố. Trước tiên, chúng tôi những người trẻ, trên dưới ba mươi tuổi không hề có một mặc cảm, một não trạng ( chữ của cha Khai ) nặng nề đối với người Cộng sản: Nghĩa là chúng tôi không có thiên kiến sợ, chạy trốn, thù hận, đánh đuổi, tiêu diệt đến cùng người Cộng sản. Cộng sản đối với chúng tôi trên lý thuyết là một hệ thống tư tưỏng có tính “ thực dụng ” để giải thích và điều động xã hội theo ý niệm công bằng và hợp lý. Chúng tôi không “ hữu thần ” quá độ đến nỗi sợ hãi Cộng sản khống chế tiêu hủy Thượng Đế hay tôn giáo của mình. Chúng tôi không đến đỗi “ nỗi loạn, vô chính phủ ” nên sợ hãi chống đối với một cơ cấu quyền lực chính trị tổ chức chặt chẽ với những định chế khắc khe. Trên phương diện tư tưởng chúng tôi có quan niệm Cộng sản trước hay sau cũng chỉ là hệ thống tư tưởng với khuynh hướng tiến bộ xã hội có thể áp dụng cho một vài nơi, một vài hoàn cảnh xã hội nào đó để hình thành một tình trạng bình đẳng tương đối, chỉ là những tương đối so với những bất công trầm trọng của chế độ chính trị trước đó..” Riêng tại quê hương Việt Nam, nơi đã có một tinh thần tổng hợp tuyệt vời Nho - Phật - Lão thấm sâu vào mạch sống dân tộc, tạo nên một sức mạnh dẻo dai, bền bĩ đối kháng với mọi công phá, từ ngoài như ngoại xâm, từ trong như tầng lớp lãnh đạo suy đồi, để luôn tồn tại vững chắc thầm lặng. Thực dân Pháp đến và cũng đi sau 100 năm, thực dân mới kiểu Mỹ đến và cũng ra đi và chắc chắn cũng sẽ bị tiêu vong ảnh hưởng. Tóm lại chúng tôi không bị ảnh hưỏng bởi một thần quyền hay một thế quyền nên chống lại người Cộng sản. Trên bình diện tư tưởng, chúng tôi chỉ vì không chịu được tư tưởng độc tôn yêu nước và độc tôn cách mạng xã hội của người Cộng sản. Với cơ cấu làng, xã của dân tộc Việt, với tinh thần tổng hợp Tam Giáo, với cốt tủy “ Nhân chủ và Dân chủ ” của người Việt, chúng tôi không thể chấp nhận chiếc mũ Cộng sản độc tôn phát sinh từ trời Tây. Cũng chỉ là một sản phẩm của Âu Tây tư bản.
Chúng tôi cũng không chống Cộng vì “ khủng Cộng ” ( chữ của Cha Khai ), vì sợ hãi, tê liệt trươc người Cộng sản. Mười năm chiến tranh (63-73) nặng nhất của hai ý hệ, chúng tôi là tầng lớp gánh chịu đau đớn nhất và cụ thể nhất. Chúng tôi cũng không như Cha Khai, Cha Quỳnh, Cha Nguyễn Lạc Hóa phải nhờ Tây giết Cộng ( Lẽ tất nhên chúng tôi xài súng của Mỹ cũng như người Cộng sản dùng súng AK ) mà đã chiến đấu bằng chính đời sống mình, còng lưng xuống mang một chiếc ba-lô, tay cắp súng, tay cầm thêm thùng đạn bấm đôi chân trên rừng núi bạt ngàn của miền Nam để đánh Cộng sản. Trong mười năm dài và chắc sẽ còn tiếp tục nếu Cộng sản nhất định đi bước chót của “ Di chúc Hồ Chủ Tịch...”
Cũng thật là xấu hổ và vô liêm sỉ khi bảo rằng chúng tôi chiến đấu vì quyền lợi. Quyền lợi nào ở đồng lương chỉ sống đủ nửa tháng, dăm bộ quần áo lính chỉ để mặc đủ trong chuỗi ngày dài của thời gian mười năm chiến trận. Chúng tôi cũng chưa hề được đãi ngộ ( tinh thần và vật chất ) như ngang với đám chiến sĩ, cán bộ của đối phương, huống gì bảo rằng chúng tôi có những “ quyền lợi ” để có thể trở thành đối tượng của phong trào chống tham nhũng. Đành rằng trong nhà binh ( và cũng là một môi trường chính ) tham nhũng hoành hành và tác hại gớm ghiếc. Nhưng thiểu số thụ hưởng đó quá nhỏ bé so với tập thể bao la những người chỉ mơ ước được một giấc ngủ ngắn và bữa cơm không pha mùi thuốc súng cùng máu nóng... Và quả tình thật đốn mạt và hèn hạ khi gọi chúng tôi là: “ Những kẻ hiếu chiến trong cuộc chiến tranh này. Những tên diều hâu thực thụ. Thứ nhiên liệu tinh hảo và rẻ mạt ném vào lò đúc kim cương. Những kẻ đánh thuê, và khi đã là lính đánh thuê bao giờ cũng được trả một giá cao vì ý thức rõ bản chất của điều họ muốn và điều họ làm...” - Nguyễn Tử Lộc báo Đối Diện số 20 -. Ai thuê và với giá nào? Phải chăng là người Mỹ với giá tiền lương một sĩ quan cấp úy chưa đủ tiền mua gạo cho gia đình?! Đừng nói như trên vì nói thế là vô ân, là kẻ ngụy trí thức, là kẻ bạo dâm liêm sỉ. Hắn ta chỉ có thể viết như thế vì đang ở trong một thành phố của miền Nam. Miền đất bảo vệ bởi chính máu của chúng tôi.
Đã giải thích rõ các yếu tố về mình, coi như đã soi sáng một phần câu hỏi: Có thể hòa giải với người Cộng sản Việt Nam được không? Chúng tôi cần khẳng định lại, vì ngay ở xưng danh, trong khi chúng tôi gọi họ là những người Cộng sản Việt Nam, những người Việt theo chủ nghĩa Cộng sản; trái lại họ gọi chúng tôi là “ Ngụy quân ”. Họ dành riêng do mình quyền và bổn phận phải làm “ Cách mạng, dân tộc, giải phóng miền Nam...”. Chỉ có họ mới là người Việt Nam yêu nước; người Hà Nội, Thanh Hóa, ở các xã giải phóng mới là nhân dân yêu nước, tiến bộ, yêu hòa bình còn nhân dân ở An Lộc, Quảng Trị, ở Tân Mai ( Biên Hòa ), ở Cai Lậy, Song Phú là nhân dân “ Ngụy ” không được quyền sống mà cần phải giết bỏ và tiêu hủy.
Không thể hòa giải cùng người Cộng sản Việt Nam cũng bởi vì họ là người Cộng sản Việt Nam mà không là Cộng sản Đức, Ý, Nhật, Pháp. Cho dù là Cộng sản Nga. Tổng Bí Thư Đảng như Khrouschev, Brezhnev cũng chỉ là những giới chức hành chánh cao cấp hành nghề chỉ huy tương tự như thủ tướng W. Brand, Tổng Thống Kennedy; Cộng sản ở Nga chỉ là một chính sách, một đường lối để canh tân và hiện đại hóa một nước với lãnh thỗ quá mênh mông, sắc dân đa tạp. Và có là Trung Hoa Đỏ đi nữa Mao Trạch Đông vẫn là tổng hợp của Tần Thủy Hoàng, Khổng Tử và một chút của Staline. Nhưng Cộng sản Việt Nam là một tổng hợp tuyệt hảo của niềm tin cách mạng vô sản, của giải phóng dân tộc, là khối kim cương của tất thắng, là toàn hảo tận thiện, mỹ không kẽ nứt. Năm 1930 ở Hoa Lục Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch vẫn chỉ là hai người Trung Quốc yêu nước có đường lối cải cách xã hội, chỉ huy quốc gia khác nhau, nhưng “ hòa giải ” trong một thế Quốc - Cộng chặt chẽ. Năm 1930 chủ tịch Staline trong chiến tuyến chống phát-xít vẫn luôn muốn bắt tay với ngưòi bạn Mỹ tốt đẹp. Thế nhưng năm 1930 ở Việt Nam đã có Sô Viết Nghệ-Tỉnh, Sô Viết Quảng Ngãi, Cộng sản không chỉ đánh Tây cứu nước nhưng còn chặt đầu công giáo ở Trà Kiệu, Thăng Bình ( Tam Kỳ, Quảng Tín bây giờ, Quảng Nam lúc đó ), nửa đêm đốt đuốc diệt Đại Việt ở Quảng Ngãi, phục kích Phục Quốc Quân Việt Nam ở Tàu về, v.v... Cộng sản Việt Nam đã tạo dựng truyền thống tin truyền cho chủ nghĩa từ thuở phôi thai, từ ngày nhập cuộc. Một thủ đô văn hóa dài lâu như Hà Nội đã bị đánh vỡ hẳn yếu tính thanh nhã cao quý của một chốn xưa đầm thắm, hóa thân thành một thành phố lạnh lùng quái dị, bị vô tính hóa đến độ tàn nhẫn phi nhân, tràn ngập đầy đường phố, trong trụ sở, nơi nhà giam một đám cán bộ nghiêm nghị, cẩn mật với tiếng nói âm thanh vùng Nghệ Tĩnh. Tôi không thấy, không nghe được hình ảnh, tiếng lời trong sáng dịu dàng của những người Hà Nội như trong ý niệm, trong trí tưởng. Ở Hà Nội tôi chỉ gặp được một số cán bộ gốc Nghệ Tĩnh Bình nếu không cũng là Bình Trị Thiên hay Nam Tín Ngãi. Và ở địa điểm trao trả Bạc Liêu, Rạch Giá trong ruộng đồng trái tim miền Nam những người kháng chiến Nam bộ hào hùng đánh Tây thuở trước cũng hoàn toàn vắng bóng. Cụ thể hơn hết, hai năm ở bàn hội nghị, Hoàng Anh Tuấn, Võ Đông Giang, Bùi Thiệp, Trần Văn Vầy cũng chỉ là những người Cộng sản khu V (Nam-Ngãi-Bình-Phú: Liên khu V của cộng sản từ thời 1945 ). Phải chăng đây là những người từ đầu của Mặt Trận ở những năm 59, 60 khi mới thành lập hay là đào kép chính xuất hiện diễn màn cuối khi những người như Năm Quốc Đảng, Hai Chủ Tịch xe ngựa, Tư Thắng những người Cộng sản kháng chiến miền Nam đã lót đường dưới bom đạn của chiến tranh hoặc vào quên lãng. Vậy hòa giải sao được với những người Cộng sản nay khi trí não họ chỉ có một ý niệm, khi ngôn ngữ chỉ có một lý luận, khi hành động đã là một động tác phản xạ có điều kiện. Họ có muốn ta hòa giải cùng họ không? Chắc chắn là không. Vậy ta hòa giải với ai và như thế nào?? Tôi xin trao lại phần trả lời cho những người hòa giải. Nói thêm một điều: Nếu người Cộng sản chịu hòa giải trong một chiến thuật đoản kỳ nào đó, chắc chắn rằng họ cũng không ngồi chung chiếu với “ lãnh tụ ” Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu chứ đừng nói đám đào kép cải lương mới nổi từ đồng lầy chính trị miền Nam.
Qua phần câu hỏi thứ hai, tôi muốn trình bày một tâm trạng não nề khi thấy các linh mục hữu khuynh đổi thái độ... “ Phải đánh thằng quỉ lớn trước, đánh thằng quỉ nhỏ sau ”, lời Cha Thanh. Thằng quỉ lớn là tham nhũng, là chính phủ của Tổng Thống Thiệu, là người Mỹ với chính sách thực dân kiểu mới. Tùy theo mỗi cách đặt vấn đề trên mục đích của mỗi phe nhóm và thằng quỉ nhỏ là Cộng sản. Một thằng “ quỉ nhỏ ” sẵn sàng đối thoại, có thể đối thoại và nên đối thoại! Tại sao như vậy được? Ông Thiệu và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hiện tại đâu có phải một sớm một chiều bỗng dưng mà có. Chiến tranh hiện tại cũng không phải vì “ không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Ba Lê ” cũng không phải vì “ Người Mỹ vẫn còn dính líu vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chính sách Thực Dân Mới ” mà có. Ông Thiệu, ông Khiêm, tình trạng tham nhũng bất công thối nát, chiến tranh hôm nay chỉ là hệ quả tất nhiên của các giai đoạn 45-54, 54-63, 63-73. Là hệ quả của các lực lượng Quốc gia không chịu tập trung và hoạch định hoạt động theo đúng hướng đi chung của lịch sử, dân tộc và thế giới; cũng như sau khi các lực lượng tôn giáo nhất quyết tựa vào phe cầm quyền để củng cố và phát triển giáo quyền ( che dấu mặc cảm đã cộng tác với những người khống chế dân tộc ). Đó cũng là hệ quả của lần “ sẩy tay ” trầm trọng nhất khi miền Nam đánh mất cơ hội tốt đẹp, một hoàn cảnh thuận tiện (54-63) kiện toàn miền Nam, để có đủ khả năng và lực lượng cân bằng, hiệp thương cùng miền Bắc. Để rồi sau đó lại mất luôn khí thế cùng thời gian sau năm 1963 trong những sa đọa giành giật, cấu xé và phân hóa thô thiển vì quyền lợi cá nhân, rơi vào hố thảm bại cả một phong trào nhân dân năm 1966. Và tình hình hiện tại với ông Thiệu chỉ là ngọn cuối của một cơn cuồng phong thổi tàn khốc qua quê hương khốn khổ. Có ai ngăn chặn một luồng gió ở cuối đưòng để đề phòng một cơn bão? Có ai chặt đi một ngọn cây để hủy diệt những hư thối từ gốc rễ?! Cha Thanh, Cha Hoàng Quỳnh, Cha Nguyễn Viết Khai chắc không thể bảo rằng đã vắng mặt ở các giai đoạn kể trên. Các Cha đã đứng vào đâu trong đoạn thời gian đằng đẵng hiểm nghèo đó? Đã làm gì và làm được gì? Phải chăng các Cha đã tựa vào thế của Tổng Thống Diệm, đã dưạ vào thế của Chủ Tịch Hành Pháp Nguyễn Cao Kỳ và gần đây, chắc cũng hơn một lần các Cha thỏa hiệp với ông Thiệu. Và các Cha đã làm gì được cho nhân dân qua những thỏa hiệp quyền lực đó? Năm 1974, phải chăng các thế lực đó không còn là nơi nương tựa chắc chắn nên các Cha phá bỏ. Thủ đọan chính trị cho phép làm mọi chuyện nhưng nỗi khốn cùng của nhân dân không cho phép bất kỳ ai đem hy vọng cuối cùng của họ vào một cuộc trả giá.
Giả sử rằng trong giai đọan sau 1954, các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu dùng khả năng và ý thức trọng trách của mình ( như bây giờ đang khai triển ) đối với Quốc gia và nhân dân, đặt vấn đề thẳng thắng cùng ông Diệm để cố Tổng Thống Diệm hữu hiệu hóa guồng máy chính quyền, quân đội, kiện toàn cơ cấu lãnh đạo Quốc gia, chấp nhận đối thoại với Cộng sản. Giả sử, Cha Thanh, Cha Khai gần gũi, thường xuyên với Đức Cha Thục, Tổng Thống Diệm, dùng uy tín và thành tâm của mình để ngăn chận những sai lầm chủ quan của ông Diệm và nhất là dùng “ Đức tin vào Chúa để sẵn sàng đối thoại với người anh em không tín ngưỡng...” và “ Để không những yêu mến thân nhân và hãy ghét thù địch mà phải mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ anh em... (MT 5, 53, 45). Giả sử rằng các ông Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín đừng di cư vô Nam tiếp tục ở cùng người cộng sản Hà Nội để sau khi đi Pháp học ( Do sự điều động của Giáo Hội, của học bổng chính phủ Pháp thì phải chăng cũng là một “ nhánh ” của tư bản...), trở về Bắc đòi hỏi “ Canh Tân và Hòa Giải ”, và nhận định ngay từ giai đoạn đó (giai đọan sau 54): “ Từ một thế kỷ nay Giáo hội đã thông qua chế độ tư bản... Ít phù hợp với luân lý các Tiên Tri và Tin Mừng...” - Báo Đối Diện
Nhưng, tất cả chỉ là giả thuyết vì mọi người đã ùa vào miền Nam để “ Tìm Tự Do ”, đã dựng nên một mặt trận chống Cộng khốc liệt và dứt khoát, đã đẩy nhân dân vào trong hai thế đối nghịch sống chết và đẩy đưa đất nước dần vào cuộc chiến tan vỡ. Cuối cùng, đoạn cuối này chúng tôi gánh hết, không quyền ta thán, không ý kiến, không phẫn nộ trong mười năm dài. Mười năm ê chề của màn kịch “ chống Cộng ” nửa vời, mười năm đau đớn của hệ luận “ tìm Tự Do ” nơi miền Nam. Chiến tranh toàn diện là “ cái đuôi ” của “ cách mạng 63 ”, của vận động hòa bình 64-66, mà tất cả đã trôi đi như một thứ bèo tan tác trong đại dương cuồng nộ bi thảm. Tất cả cũng chỉ là giả thuyết và đôi khi cũng là những phản đề thô bạo đáng kinh ngạc, vì đã có những tố cáo trong quá khứ: “ Đến nỗi Linh Mục Trần Hữu Thanh còn dùng cả thần học lý luận ”(?) để biện minh loanh quanh cho việc tra tấn ( của Chính Phủ VNCH ) trên các báo Công Giáo như Sacredo,Thẳng Tiến, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Lý Chánh Trung - Đối Diện số 19.. Như vậy có nghĩa lý gì? Các người đã bày nên canh bạc máu, tham dự chán chê xong đứng dậy phủi tay. Ông Thiệu đâu có xa lạ với các vị trong cuộc chơi tàn bạo đau đớn đó. Bây giờ phải chăng các người bày trò chơi mới với một số đào kép khán giả mỏi mòn.
Cuối cùng, chỉ là chúng tôi, những người chống Cộng cuối cùng và cay đắng, chống Cộng vì không thể là Cộng sản, vì đã ở một phía đối địch với Cộng sản lập nên từ những đám tiền bối cực đoan bất lực, một đám đàn anh xoay rất lẹ và nhạy cảm đến độ phi nhân. Hai mươi năm của cuộc đấu tranh chống Cộng đến đây phải tạm dừng sao? Tôi lật đống ảnh của ngày xưa... Trên bãi bể Trà Lý, đoàn người tan vỡ xao xác, mắt lạc thần và môi tái xanh vì giá rét đứng ngâm mình trong nước đón tàu đi Nam. Trên đại dương mênh mông của vùng biển Bắc phần, chiếc mảng nhỏ gồm những thân cây tre ghép lại, nhóm dân áo đen rách gồm cả đàn bà và con trẻ ra sức chèo trong đêm về hướng đông, hướng mặt trời đợi ngày tới gặp được đoàn tàu đi Nam. Đi về Nam. Tìm Tự Do. Tất cả là thực tế hiển hiện đầy nhiệm mầu cao quý. Tôi đã đi đúng đường cùng lớp người rực rỡ cao cả của ngày xưa đó. Tôi đã đi đúng đường và viết những giòng chữ xứng đáng để ca ngợi Tự Do.
Miền Nam Việt Nam, Tháng 10-1974