Một buổi trưa, vào năm 1937, chú biện Tống đang đánh tứ sắc cầu vui với vài người bạn, chợt nghe tiếng canô chạy ầm ầm, ngày càng gần. Chú biện giựt mình, buông tay bài, nheo mắt:
- À! Ông cò Lơ Hia lùng bắt chuyện gì đó...
Một người đưa ý kiến:
- Chẳng lẽ ông cò bắt bọn mình. Chú biện quen thân với ổng mà?
Biện Tống lắc đầu:
- Ông Lơ Hia lợi hại lắm. Tôi làm biện làng, tức là làm thơ ký cho thầy xã trưởng vậy thôi. Bất cứ giờ phút nào tôi cũng có thể mất chức, bà con dư biết: lương bổng của tôi có bảy đồng năm cắc. Mấy người giăng câu, bắt cua hàng tháng huê lợi nhiều hơn tôi.
- Nhưng mà thầy được ngồi trong mát, khỏi dầm sương dãi nắng. hễ cúng đình thì thầy ngồi gần mâm của mấy ông hương chức hội tề.
Tiếng máy canô im bặt. Cả bọn ngơ ngác. Ông cò Lơ Hia mặc quần áo kaki và độikết trông oai vệ làm sao: dấu hiệutrái lựu đạn đặc biệt dành cho ngành cảnh sát thời Pháp thuộc... chói ngời màu bạc. Theo sau ông cò là một người mặc quần áoxá xẩu bằng lụa trắng.
Chú biện Tống thủ lệ, chắp tay xá theo phong tụcAn Nam , nhung ông cò lơ Hia đã vui cười, đưa taybông rua :
- Rảnh chưa? Chú biện. Dường như chú đánh bài tứ sắc với mấy người kia hả?
- Dạ, đâu có...,
- Ðừng chối. Dòm bộ tịch của mấy người tôi đủ biết. Từ xưa tới giờ, tôi bắt hơn... ngàn vụ cờ bạc rồi. Lần này là vụ thứ một ngàn lẻ một.
Biện Tống nài nỉ:
- Xin quan lớn thương dùm.
- Nếu không thương thì nãy giờ chú biện phải bị còng rồi. Còng rồi đem xuống canô, đem về nhốt tại khám đường ở chợ Ngã Năm. Bây giờ, chú biện theo tôi, khỏi còng. Chú là người ốm yếu, còng tay làm chi thêm vô ích.
Nói xong, ông cò Lơ Hia khoát tay, ra lịnh giải tán đám người hiếu kỳ đang dụm năm, dụm bảy từ phiá xa xa. Thật là hồn phi phách tán. Chú biện Tống riu ríu bước theo ông cồ. Người Huê kiều nói tiếng Việt khá rành:
- Ðừng sợ. Ðừng sợ. Thầy Hai đừng sợ. Thầy Hai làm việc ở xóm này lâu mau rồi?
Biện Tống liếc qua ông cò Lơ Hia như để xin phép trả lời. Là người am hiểu chút ít việc quan việc làng, biện Tống đã thuộc làu nguyên tắc: khi bị bắt thì tội nhơn chẳng được quyền nói chuyện với kẻ khác, nhứt là khi quan trên chưa lấy khẩu cung.
Ðến bờ kinh xáng, ông cò Lơ Hia nói nhanh:
- Chú biện gặp dịp may rồi đó. Tôi làm bộ như vậy để dân làng đừng nghi kỵ. Thôi, chú cứ xuống canô uống rượu chát, bàn chuyện riêng với người này, ông Xìn Phóc, làm má chín giàu có lắm, ở Sanh Ca Bo mới qua.
Xuống canô, biện Tống mừng rỡ vì thoát nạn. Nhưng mấy tiếngmá chín, Sanh Ca Bo mơ hồ quá. Bấy lâu nay, biện Tống ăn học rồi giao thiệp lẩn quẩn với những người làm ăn bậc trung ở chọ Gò Quao mà thôi. Người tên là Xìn Phóc tỏ bặt thiệp, vui vẻ. Ông ta mở cặp da - thứ cặp da hơi lạ - đem ra tấm danh thiếp:
- Thầy Hai uống rượu đi. Làm quen với thầy Hai, tôi mừng lắm.
Torng khi hai người đàm đạo với nhau, ông cò Lơ Hia ra sau lái canô ngắm cảnh rồi đem máy ảnh ra mà bấm. Xìn Phóc mới giải thích rõ ràng hai tiếngmá chín . Biện Tống tỏ vẻ... lanh lợi, nói mơ hồ:
- Vậy mà tôi tưởngmá chín là kẻ làm công hạng sang trọng, bạn thân của chủ tiệm hoặc có phần hùn trong công ty nào đó.
- Má chín, đúng ra là người mại bản, tiếng Tây kêu bằngcơm ra đo . Tôi làmcom ra do cho hãng buôn lớn nhứt ở Sanh Ca Bo, thuộc về miền Hạ Châu. Hãng này giàu bạc triệu chớ đâu phải ít. Phen này, nếu chịu hợp tác làm ăn với tôi thì thầy Hai lời bạc ngàn...
“Làm ăn”chuyện gì đây? Biện Tống chợt nghĩ đến những giai thoại về buôn lậu quốc tế, bọn ăn cướp biển ở vịnh Xiêm La. Xóm này, ai nấy kiếm đủ cơm gạo qua ngày, tư bề là vườn rậm, nước mặn đồng chua. “Hay là Xìn Phóc muốn tổ chức gián điệp quốc tế? Ông cò Lơ Hia đưa hắn đến để gài bẫy mình chăng?” Biện Tống thở dài:
- Cám ơnmá chín . Tôi dở lắm. Xóm này đâu có huê lợi gì. Dân chúng lo đặt lương, bắt rùa, bắt rắn...
Xìn Phóc gật đầu:
- Ông cò chỉ dạy tôi điều đó. Tôi tới đây, sau khi hiểu rõ tình hình. Nhưng còn chuyện nầy... nhỏ xíu thôi, tôi muốn nhờ thầy Hai giúp sức. Tôi ở lại đây với thầy Hai, bàn tín sau.
Ôn cò Lơ Hia nhìn đồng hồ, nói nhanh:
- Ðủ rồi. Má chín với biện Tống quen biết rồi hả? Nầy chú biện Tống.
- Dạ quan lớn dạy điều chi?
- Dịp may hiếm có. Nếumá chín bị cướp bóc, bắt cóc thì chú hoàn toàn chịu trách nhiệm nghe chưa? Má chín ở lại đây chừng một hoặc hai – ba tháng.
*
* *
Xìn Phóc nhờ biện Tống tìm cho kỳ được một con rắn“qúi báu” có vảy nhỏ và mịn giống như miếng da rắn đã thuộc xong làm kiểu. Xìn Phóc đem trọn con rắn ấy về Sài Gòn rồi trở xuống, mang theo khá nhiều tiền.
- Thầy Hai ơi! Con rắn đó... trúng lắm, tốt lắm. Chẳng hay ở xứ này bà con bắt nó dễ dàng không?
Biện Tống cười dòn:
- Loại rắn ri voi, hàng hà sa số. Nó lội dưới sông rạch trong rừng vào tháng ngập nước như vầy.
- Bên Sanh Ca Bo, ông chủ tôi muốn đặt mua chừng bốn ngàn miếng da rắn thứ đó, chở gấp về bển, trong vòng hai mươi bữa. Bảo lãnh nổi không? Cứ một miếng da rắn, tôi để cho thầy một đồng xu tiền huê hồng. Lần đầu tiên trong đời, biện Tống mới gặp một trường hợp may mắn như vậy. Từ trăm năm rồi... nghe ông già bà cả nói lại thì rắn ri voi là loại vô dụng. Nó sống dưới nước, mỗi con to bằng bắp tay, cắn không chết ai cả. Mấy tay bợm nhậu chê rắn ri voi, thịt nó ăn không ngon bằng rắn hổ đất. Thỉnh thoảng, nếu bắt được rắn ri voi, mấy tay nhậu ăn tạm hoặc thả nó xuống nước, phóng sanh. Xìn Phóc quả quyết da rắn rất có giá tại Sanh Ca Bo. Người ta mua nó đem về, thuộc lại làm bóp đầm bán giá cao. Rắn ri voi có vẩy mịn, vảy ấy bám sát vào da, nổi hột sáng ngời: Người Âu châu xem da rắn ri voi là bảo vật, quí gấp mấy lần da bò, da ngựa.
- Ðược không? Một miếng da rắn, tôi chịu hai xua huê hồng!
Biện Tống nói, thật thà:
- Một xu, hai xu huê hồng tuy là số tiền khá to nhưng làm sao tôi nói cho bà con lối xóm nghe. Họ bị gạt nhiều lần rồi. Năm xưa, có người đến mua con cắc kè, bảo rằng đem về lột da bán ra ngoại quốc cho Tây với đầm làm bóp, làm dây nịt. Hắn cho hàng mấy chục tay em vào thôn quê, mua cắc kè với giá hơi cao...
Người khá giả trong vùng nghĩ ra cách: xuất tiền mua cắc kè của bọn tay em này bán lại cho tay đầu nậu ở chợ Gò Quao. Bọn tay em này làm giàu. Nhưng số cắc kè dự trữ ấy chỉ bán được lần đầu mà thôi vì tay tổ lưu manh làm đầu nậu ấy chỉ mua một lần đầu lấy lệ. Mấy người khá giả làm trung gian đành ôm bụng kêu trời với số cắc kè quá nhiều dự trữ trong nhà, mua bằng giá khá cao, tưởng rằng bán lại thì lời to nhưng chẳng ai mua lần thứ nhì. Tay tổ lưu manh và số tay em nọ đã cao bay xa chạy... một cách hợp pháp.
Má chín Xìn Phóc cười dòn:
- Cắc kè là chuyện khác. Rắn ri voi là chuyện khác. Thầy Hai hãy cầm số tiền này, mua về cho tôi.
- Tiền nhiều quá, nếu tôi giữ trong mình, tụi bất lương dám cướp bóc bất tử...
- Thầy Hai quen với họ, chẳng lẽ họ giết thầy Hai...
Biện Tống nhận số tiền hơn ngàn đồng - số tiền to tát, thời bấy giờ. Xìn Phóc xem kỹ lần nữa. Ðứng lắm. Rắn ri voi của miền U Minh đã được các nhà thuộc da ở bên Ăn Lê gọi là“Acrochordusjavanicus” với lời chú thích:serpent – éléphant d’eau douce (rắn voi ở vùng nước ngọt). Ông ta chỉ dạy cho biện Tống về giá cả, cách lột da... Ðâu đó xong xuôi, ông ta nằm nhà, chờ ngày gom góp da rắn, đem về Sanh Ca Bo. Nếu biện Tống giựt tiền thì ông ta sẽ nhờ sự can thiệp của tên cò Lơ Hia.
Hôm sau, biện Tống trở thành nhân vật quan trọng nhứt trong xóm. Bà con bao vây chú ta, để mượn tiền trước. Biện Tống báo tin long trọng: - Xứ người ta có mỏ vàng. Xứ mình có rắn ri voi, quí như vàng. Da rắn này đem về thuộc lại, bán cho ông hoàng bà chúa ở bên tây. Hồi mấy năm trước, đã xảy ra vụ mua cắc kè. Lần này khác hẳn. Cắc kè nhỏ quá, lột da nhỏ xíu. Da rắn to hơn da cắc kè gấp bội, đẹp hơn da trăn. Bấy lâu nay, người Huê kiều mua da trăn, bà con dư biết điều đó.
Lời giảng giải ấy được đa số tán thành. Họ xin lãnh tiền trước. Biện Tống cho mượn, mỗi người năm đồng để làm sở phí, chừng nào nạp da rắn thì trả thêm. Tuy nhiên, điều kiện nêu ra khá gay go:
- Da rắn bán mắc hay rẻ, tùy theo bề ngang. Nếu bề ngang không đủ một tất thì bị loại.
- Da phải lột sạch sẽ, cạo hết mỡ rắn.
- Nếu da bị lủng lổ thì mất giá. Miếng da nào lủng năm lổ thì kể bỏ.
Làm sao tìm ra da rắn cho thật nhiều, thật tốt để bán? Thiệt là thế gian hi hữu. Rắn ri voi vì nó to lớn ( như con voi!), da nó mang nhiều vảy rằn ri, đẹp hơn da trăn được nâng lên hàng đầu, quí hơn rắn hổ, rắn mái gầm hoặc cá tôm. Nó quí hơn con gà con vịt, gà vịt phải nuôi, ấp trứng... tốn thì giờ. Ðằng này rắn ri voi thuộc vào loại chim trời cá nước, ai bắt được nấy hưởng, khỏi đóng thuế cho sở kiểm lâm. Mọi người đều mặc nhiên được quyền truy kích rắn, chẳng cần xin phép hương chức làng, chủ đất, chủ vườn!
Bình thường dân trong xóm ưa... cờ bạc, đờn ca vọng cổ mùi mẫn hoặc hát huê tình đối đáp. Giờ đây, ai nấy đều bận việc, bất luận già trẻ bé lớn, chẳng ai thèm cờ bạc vì bắt rắn của trời đất, lột da nó ra, bán bằng giá quá cao... Cũng là hình thức cờ bạc tinh vi mà mọi người trong sòng đều hưởng lợi.
Vui sướng quá! Biện Tống lấy làm hãnh diện. Chú tìm ra công ăn việc làm cho bà con lối xóm. Số da rắn mua được tuy nhiều nhưng vẫn còn ít.
Ngày đầu, hai trăm miếng da.
Ngày kế đó, ba trăm miếng da.
Ngày kế, năm trăm miếng da.
Ðến ngày kế, năm trăm miếng da... thứ thật to.
Thật là kỳ lạ, đáng suy nghĩ. Làm thế nào dân làng tìm ra năm trăm con rắn mỗi ngày? Ban đầu. Xìn Phóc sanh nghi, ngỡ là loại rắn khác. Nhưng sau khi xem kỷ, anh chàngmá chín gật đầu xác nhận:
- Ðó là rắn ri voi thứ thiệt. Dịp này, ta nên mua da rắn với giá thấp hơn. Thầy Hai nghĩ sao? Rắn ri voi ở xứ này sao mà mau lớn quá. Nè, mỗi tấm bề ngang hơn ba tất!
Biện Tống đáp:
- Ðể tôi dạo khắp xóm làng rồi cho ý kiến sau.
Xìn Phóc ghé tai nói nhỏ với biện Tống:
- Hai người mình làm giàu rồi. Nếu rắn quá nhiều, tôi mua tám ngàn tấm da thay vì bốn ngàn như đã định. Ðừng nói họ biết, họ làm núng. Luôn dịp, thầy Hai ghi chép cách bắt rắn của họ để sau này tôi qua bên Xiêm, qua Miến Ðiện dạy cho dân chúng. Dân Việt Nam giỏi quá.
Ban đêm hàng trăm chiếc xuồng tới lui khắp hang cùng ngõ hẻm. Dân làng đốt đèn như mở hội hoa đăng. Từ hồi lập quốc, khai hoang, chưa lần nào vùng rừng tràm U Minh Hạ lại tưng bừng như vậy. Biện Tống đã hiểu: dân làng không bắt bằng tay hoặc không dùng mũi chĩa mà xom. Phương pháp ấy quá chậm chạp, làm hỏng da rắn, mất giá. Xưa nay, họ quen nghề câu: câu giăng, câu cắm. Mỗi người sắm hàng trăm cần câu, móc mồi cá sặc rồi cắm xuống bãi bùn, tùy thích. Cứ năm bảy phút, họ bơi xuồng trở lại chổ để gỡ rắn.
Rắn vi voi đớp mồi chậm chạp, lưỡi câu mắc vào mép miệng rắn. Nếu gỡ ra quá chậm thì rắn sẽ sứt mép, tẩu thoát.
Biến Tống đến gặp Hai Kỳ, người đó bán trên hai trăm miếng da rắn. Nhà Hai Kỳ trở thành một cái xưởng khai thác rắn sống. Trước sân, hàng chục tấm da, căng ra, đóng đinh cho thẳng thớm. Trong nhà, Hai Kỳ đang lui cui lột da rắn. Rắn bị siết cổ, buộc vào gốc cột nhà. Bàn tay khéo léo của Hai Kỳ cầm dao nhỏ, rọc một đường dài từ cổ tới hậu môn rắn. Lột da là chuyện dễ, đàn bà có thể làm được.
Biện Tống hỏi:
- Xác rắn đâu hết rồi?
- Dạ, mấy bữa đầu thì tôi nướng, nấu cà ri, thắng mỡ để dành. Mỡ rắn làm thuốc dán trị ghẻ, trị phỏng lửa. Lâu ngày tôi đào lỗ mà chôn... Uổng quá.
- Làm cách nào bắt rắn cho nhanh?
Nghe câu hỏi ấy, Hai Kỳ nghĩ hồi lâu:
- Khó nói lắm. Tôi chỉ biết câu rắn mà thôi, câu cắm như chú biện thấy. Ðằng xóm, có ông Bảy Ðăng câu rắn theo kiểu này lạ lám.
- Kiểu gì?
- Ông ngồi một chổ, thả cần câu xuống nước, tay ôm cần như ông Khương Thượng trên thạch bàn. Kế bên có chai rượu. Vậy mà mỗi ngày ổng câu hơn ba chục con rắn, giỏi hơn tụi trai tơ, tụi này buồn bã suốt ngày, cắm hàng trăm cần, bơi xuồng tới lui vất vả quá.
Bảy Ðăng là một ông lão khật khùng, uống rượu, li bì, say té lăn, ngủ bờ ngủ bụi. Riết rồi bà con hàng xóm chẳng ai màng săn sóc lão. Biện Tống bơi xuồng đến gần chòi Bảy Ðăng buông cần câu, nói vồn vã:
- Vui lắm. Nhờ ông má chín Xìn Phóc mà sau này, tôi chết trong hòm. Mai chiều tôi mua cái hòm (quan tài) thứ tốt cho bà con ngán chơi. Nếu má chín Xìn Phóc ở đây vài năm, tôi sắm cái hòm bằng vàng.
- Ông làm cách nào mà câu rắn giỏi hơn thiên hạ?
Bảy Ðăng cưòi khì:
- Tôi câu bằng thuốc mê.
- Thuốc gì? Dùng chất... hoá học hả? Hay là ông làm bùa?
- Ðây nè!
Bảy Ðăng chỉ vào chai rượu:
- Nó là rượu đế, thứ ngon.
Nói xong, lão mời biện Tống uống. Biện Tống từ chối. Lão nốc môt hơi rồi để chai rượu xuống bãi cỏ. Chai rượu nằm hơi nghiêng, không đậy nút.
- Lát nữa, chú biện coi!
Hai ngưòi im lặng. Từ mé nước, một con rắn ri voi trườn lên... đến gần miệng chai rượu rồi thập thò, rút lui như hoảng sợ. Bảy Ðăng nâng chai rượu, nhểu vài giọt xuống nước, trên cỏ. Con rắn... hăng hái bò trườn, đến gần miệng chai. Bàn tay lanh lẹ của Bảy Ðăng chụp xuống, bỏ rắn vào giỏ.
- Rắn xưa kia không biết uống rượu. Nhưng mà cho tụi nó tập tánh nếm mùi... cay đắng. Bữa đó, tôi uống rượu, ngủ quên rồi quơ tay kiếm chai rượu đổ hết. Chừng thức dậy, tối thấy rắn bò lại để hửi hơi.
Biện Tống như phát giạc điều gì quan trọng:
- Té ra cái chai rượu là cái cần câu rắn.
Bảy Ðăng vội đính chính:
- Là cái bẫy thì đúng hơn. Cần câu này, tôi cầm trong tay để che mắt thế giang, vậy thôi. Rắn mê rượu. Nếu giàu thì tôi giữ độc quyền bắt rắn, ngặt vì tôi nghèo. Tôi sẽ mua vài ngàn lít rượu, đổ xuống rạch. Rắn trồi đầu lên mà nhậu, lờ đờ ai muốn bắt thì bắt.
Nhưng biện Tống vẫn chưa thắc mắc. Mớ rắn của Bảy Ðăng đều nhỏ. Làm sao mà lột được tấm da ba tấc bề ngang? Bảy Ðăng gật gù:
- Chuyện đó bí mật. Muốn am tường thì nên tới nhà Sáu Kiến. Tôi bán cho Sáu Kiến. Thằng cha đó chuyên môn lột da.
Biện Tống đến nhà Sáu Kiến. Hắn đang làm việc trong căn chòi bí mật, sau hè, nài nỉ lắm vợ con hắn mới chỉ rõ địa điểm, Sáu kiến trợn mắt:
- Ủa! Chú biện, làm sao chú biết tôi ở đây?
- Thì vợ con của anh nói.
- Ðồ mắc dịch! Vợ con tôi báo hại tôi...
Vừa nói Sáu Kiến vừa liếc lên trần nhà. Ô hô! Biện Tống ngỡ mình lạc vào một cái hắc điếm trong truyện Tàu, loại hắc điếm làm thịt người mà bán cho thân chủ. Hàng chục con rắn no tròn, bón láng, treo lủng lẳng, đong đưa, như những khúc dồi to tướng. Sáu Kiến nói lẩn thẩn:
- Này chú biện. Chẳng lẽ tôi bắt buộc chú uống máu ăn thề. nếu chuyện này tiết lộ ra, chắc tôi giết chú.
- Sao? Nói gì ghê quá vậy? Giữa anh em mình nào xảy ra chuyện xích mích. Treo mấy con rắn đó lên nóc nhà để làm gì? Sao mà nó lớn quá vậy? Hèn gì mỗi tấm da lột ra ba tấc.
Sáu Kiến đưa ra một cái ống bơm xe máy:
- Ðó! Chú hiểu chưa. Tôi buộc lỗ đít rắn lại rồi thì bơm hơi vô miệng rắn. Con rắn trở thành cái ruột xe máy, căng thẳng, no tròn và chẳng bao giờ nổ. Tôi bơm hoài, bơm mãi rồi vuộc miệng rắn lại, treo tòn ten. Tới nước nào đó, tôi lột da, tấm da rắn bề ngang hai tấc sẽ trở thành ba tấc, nhờ khí... của trời.
Biện Tống cười chua chát:
- Bà con mình sáng chế nhiều kiểu hay quá.
Sáu Kiến nói:
- Cho thằng má chín Xìn Phóc nó biết một trận. Nếu bị bơm hơi, da rắn phải mỏng. Hễ mỏng thì Tây với đầm xài cái bóp mau rách hoặc sợi dây nịt mau đứt. Tụi nó phải qua đây mua thêm nữa...
Nhưng Sáu Kiến lầm to.
Phen đó, Xìn Phóc mua mấy ngàn tấm da rắn, trả tiền sòng phẳng, đi biệt tích. Mùa rắn năm sau, bà con lối xóm có lòng mong đợi nhưng hắn không trở lại. Hỏi lý do thì biện Tống không biết. Ðến tết, tình cờ biện Tống ra chợ Ngã Năm gặp ông cò Lơ Hia. Ông cò cho biết:
- À! Cái ông má chín Xìn Phóc. Ổng gởi thơ cho tôi, chúc mừng năm mới. Ổng nói da rắn ở xứ U Minh mỏng quá, chuyến đó đem về, ổng lổ vốn.
Biện Tống giả bộ ngây thơ:
- Tại sao lỗ vốn?
- Xìn Phóc nói: khi đem ngâm chất hoá học thì da rắn cũng như giấy hút thuốc, nhiều chỗ bị đứt theo lằn ngang, lằn dài. Thay vì làm được sợi dây nịt cho người lớn thì da nó chỉ dùng làm dây đeo đồng hồ tay. Thay vì làm bóp cho đàn bà thì da nó chỉ dùng làm bóp cho con nít. Mà con nít bên Tây đâu có xách bóp.