Lâm, Chân Lý Tử, sinh năm 1954 Bà vốn người tỉnh Yamanashi, một vùng gần Tôkyô. Sau khi tốt nghiệp ngành nghệ thuật ở Đại Học Nihon, đã hành nghề trong lãnh vực thảo án quảng cáo (copywriter). Năm 1982, nổi tiếng với Runrun wo katte okô ni kaeru " Đi mua Runrun rồi về !". Sang năm 1986, viết tiếp Saishuubin ni ma ni aeba " Nếu kịp chuyến bay cuối " và Kyôto made " Cho đến Kyôto ". Lần lượt đoạt các giải thưởng văn chương lớn như Naoki (1986), Shibata Rentarô (1995) và Yoshikawa Eiji (1998), những giải mang tên các nhà văn danh tiếng Nhật Bản. Viết rất dồi dào và ăn khách. Tác phẩm tiêu biểu của bà là Fukigenna Kajitsu " Những trái cây khó ở ", trong đó nhân vật nữ chính đã ngoại tình và không làm sao rứt ra khỏi một anh nhân tình giỏi việc truy hoan. Lý do là dù có yêu chồng, nàng không tìm thấy được lạc thú nhục thể bên cạnh ông ta. Cảnh tượng này đã phản ánh tình trạng xã hội Nhật Bản hiện đại khi sự ngoại tình của các bà chứ không phải của các ông mới trở thành thời sự.
Trong một ý nghĩa nào đó, Hayashi Mariko cũng là một tiếng nói đòi quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ.
Có lẽ vì trời cứ mưa dầm dề nên lũ cỏ dại mọc càng mạnh, chúng vươn rễ dài và cắm sâu vào lòng đất. Mỗi lần đưa tay liềm xuống tận gốc mà thấy rễ cỏ vẫn còn đâm sâu như muốn trêu mình, Sumio không khỏi chậc lưỡi chán ngán.
Sau vườn chợt có tiếng xe ngừng bánh. Kyôko, con gái ông đang tiến lại gần nhưng Sumio không quay lại nhìn, làm ra vẻ bình thản, chỉ lên tiếng hỏi con mới về à. Không chào trả lại cha, Kyôko cứ thế nói luôn :
-Đúng là cỏ đã tới lúc phải cắt, hở ba !
Vẫn lom khom người, Sumio nhìn con gái. Cô ta có cái tật mỗi khi trong lòng ngổn ngang trăm mối là hay tỏ ra thèn thẹn. Từ vị trí này mà nhìn lên, ông thấy cái cằm của con gái mình đã xệ xuống thành một thứ cằm đôi.
-Ba nè, hồi nãy bác sĩ nói hẳn ra rồi đó ! Họ bảo nếu nhà thương có giường trống là con nên nhập viện...
-Vậy sao ? Hơi phiền đó nghe !
Sumio lúc ấy đứng thẳng người lên, lấy chiếc khăn lông quấn đầu xuống lau mặt. Mới nghe hai chữ " nhập viện ", cả người ông đã toát mồ hôi ướt đẫm Mặt trời giữa hạ lúc đó cũng vừa đứng bóng.
-Ba chưa dùng cơm hả ba. Hay để con nấu miến sômen cho ?
-Thôi được, đừng bày vẽ. Nằm nghỉ một chút có phải hơn không ?
-Không sao, không sao mà. Có nhọc mệt gì đâu ba !
Mở vòi nước ngoài vườn rửa tay xong, đi ngang sân để vào trong nhà, Sumio thấy Kyôko đang bận tay xắt thái cái gì. Nghe tiếng dao lành nghề của con gái đi đúng nhịp thoăn thoắt, Sumio thấy mỗi năm nó càng giống tiếng dao người vợ quá cố của mình. Ăn miến sômen phải có ít nhất năm thứ gia vị . Tía tô xanh, bột gừng nhuyễn, mè, hành lá và cá ngừ khô bào thành lát, tất cả đều đã được đem bày ra trên những cái đĩa con con. Mẹ nó ngày xưa cũng giống như vậy. Và Sumio không khỏi cảm thấy qua tất cả những nghi thức phiền phức cũng như sự cẩn thận đó, cái bạc phước của số kiếp người phụ nữ.
Chuyện Kyôko than trong người không được khỏe, hay chóng mặt như thiếu máu, đã xảy ra hồi cuối " Tuần Lễ Vàng " (1) tháng năm vừa rồi.
-Thêm vào đó.....
Kyôko bỗng nghẹn lời. Cô không biết phải giải thích thế nào những biến chuyển trong cơ thể đàn bà của mình cho cha hay.
-Con còn bị băng huyết nữa ba !
Sumio ra mặt giận hỏi tại sao con không nói sớm hơn. Vợ ông, Taeko, bị ung thư vú di căn đi khắp nơi, chết cách đây đã ba năm.Cả mẹ lẫn dì lớn của Taeko, hai chị em đều chết vì ung thư.
" Coi bộ phía nhà bên mẹ có cái noi như vậy, ăn uống gì mày cũng phải coi chừng nghe con ! ". Sau khi an táng vợ ít lâu, trong một lúc khá say, Sumio có lần bảo Kyôko như thế.
-Con không sao đâu ba !
Kyôko đã bình tĩnh trả lời.
-Con có sinh con đẻ cái như dì với mẹ đâu mà ba lo !
Nghĩ mình buột miệng nói hớ, Sumio đã khổ tâm nhiều vì câu nói đêm đó.
Không chịu nỗi sự lo âu về triệu chứng dự báo một điều chẳng lành, Sumio đã bực mình quát tháo :
-Sao không chịu đi bệnh viện sơm sớm, hả. Sáng mai đi ngay coi !
Ngày hôm sau, thấy Kyôko trở về về khuôn mặt rạng rỡ, Sumio mừng như thoát nạn, ông cảm thấy gánh nặng trên người có ai đó đã cất đi.
-Họ nói con chỉ bị u lành ở tử cung.
Sumio nghĩ mình mới nghe lần đầu tiên hai chữ " tử cung " từ miệng con gái.
-Hình như đàn bà, cứ bốn người lớn thì một người mắc phải. Có điều cái u của con hơi to. Bác sĩ mắng con, bảo sao đợi đến nước này mới đi khám.
Cái vui bệnh của con mình không phải là ung thư đánh bạt cả mối lo, Sumio không nghĩ ngợi xa xôi hơn nữa. Kyôko hình như cũng có tình cảm tương tự, nói ra những câu không mấy e dè:
-Thật tình bụng con cứng hẳn, ba ạ. Ngồi vào bồn tắm cứ tưởng mình mập ra như mấy bà có tuổi.
Cách đó mấy hôm, trong khi đang ăn sáng, cô bỗng buột miệng :
-Này ba, coi bộ không chừng phải cắt lấy nó ra.
-Cắt cái gì ?
-Cắt tử cung.
Kyôko, răng cắn môi dưới.
Hình như nỗi tiếc hận vì đã phải hướng về phía người cha mà phát âm hai tiếng " tử cung " thêm một lần nữa còn lớn hơn nỗi lo buồn về sự nghiêm trọng của bệnh trạng.
-Làm gì có chuyện láo như vậy. Ai bảo con thế ?
-Bác sĩ Endô. Con mới đi khám hôm qua.
Endô là ông bác sĩ phụ trách cô ở bệnh viện thành phố gần nhà. Sumio có cảm tưởng có lần nghe con nhắc đến tới cái tên đó nhưng cũng có khi chưa từng nghe thấy bao giờ.
-Ai đời trước mặt con gái chưa chồng mà lại ăn nói như thế à ?
Bàn tay cầm đũa run run, Sumio đặt nó xuống.
-Con gái chưa chồng cái gì ! Ba biết con năm nay bao nhiêu không ?
Kyôko nói, cười nhẹ như người đang húng hắng ho.
-Bác sĩ còn hỏi con có ý định lập gia đình hay không. Nghe con than tới tuổi này đâu nghĩ gì nữa thì bác sĩ mới nói thôi để...
Kyôko năm nay bốn mươi hai tuổi. Nếu là phụ nữ làm việc nơi thành thị thì cô đã được ghép với một hình dung từ nào khác rồi nhưng ở thôn quê, cứ sống trong nhà trong cửa thì chỉ có thể gọi là " gái già " mà thôi. Cho dầu người ta không còn khả năng lấy chồng hay có mang chăng nữa, nhưng nếu đòi cắt lấy tử cung đi mất thì quả là tàn nhẫn. Sau khi bị kích động, cơn giận trong người Sumio bỗng trào lên :
-Bề gì cũng chỉ là ý kiến của anh lang vườn ở bệnh viện thành phố thôi chứ gì. Thiên hạ nói từ ngày thay giám đốc, không có bác sĩ nào cho ra hồn. Tốn bao nhiêu thì tốn, con cứ đi kiếm bệnh viện nào khá hơn, bác sĩ nào giỏi hơn mà khám đi.
-Ba kỳ quá !
Kyôko làm ra vẻ mặt tươi cười nhưng không thành công nên hơi nhăn nhúm. Cô được cái nước da trắng của bà mẹ để lại nhưng giờ đây qua cái tuổi bốn mươi hai, còn đâu vẻ tươi nhuận nữa. Làn da giống như mảnh vải khô động đậy, mỗi lần thay đổi nét mặt thì bên má và khóe miệng đã hiện ra những nếp nhăn. Vì thế mỗi lần cô cười, khổ cái, gương mặt đâm ra già thêm.
-À, được rồi. Để mai tao điện thoại cho Takada. Trên đó là nhà thương tỉnh, họ làm ăn khá hơn đây.
Người tên gọi Takada đối với Sumio là trong vòng họ hàng. Gia đình họ có một cậu con trai tốt nghiệp đại học y khoa ở Tôkyô, anh ta trở về làm việc ở một bệnh viện lớn có liên hệ với Đảng Cộng Sản. Phải đó, nếu là anh chàng thì chắc chắn là quen biết nhiều bạn bè trong ngành y. Tìm ra được điều ấy, Sumio cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái ngay. Đến đây, ông ta lớn tiếng gọi con :
-Còn mày, từ rày về sau không biết thế nào nhưng cái quí báu nhất của người con gái đừng để mất đi dễ dàng như vậy nghe !
-Ba kỳ ghê!
Kyôko cười buồn. Bên khóe miệng hằn mấy nếp nhăn giống như khuôn mặt của một người đã ngoại năm mươi.
-Tại sao con nhỏ nó không chịu trang điểm há?
Bất chợt cơn giận ở đâu kéo đến ngập lòng.Tại sao nó lại không mặc chịu mặc quần áo đẹp đẽ hơn, tô môi tươi tắn hơn ? Mày cứ xuề xòa như thế này, không quan tâm chuyện chưng diện, thành thử những điều bất hạnh nó mới đến với mày đó.
Bao nhiêu câu chữ như trào lên trong lồng ngực nhưng Sumio cố gắng đè nén không cho nó thoát ra đầu lưỡi. Bởi vì hơn ai hết, Sumio biết rằng suy luận như thế là vô lý.
Nỗi cay đắng ấy đã đến với ông cách đây một tháng. Kyôko sau đó đi kiểm tra lại ở bệnh viện nơi con trai Takada làm việc. Hôm nay là ngày cô nhận kết quả.
Thấy con gái biết mình biết sẽ phải chịu một cuộc giải phẩu quan trọng nhưng khi về đến nhà vẫn sửa soạn cơm nước cho mình như mọi ngày, Sumio tội nghiệp con vô cùng. Một nỗi buồn thương đơn thuần, không còn vương chút giận dữ, xuyên suốt lòng ông.
- Cái con nhỏ này...
Sumio đưa mắt nhìn cô con gái đang lẳng lặng sửa soạn nấu miến.
....chẳng lẽ để cho nó bị cắt mất tử cung trong khi cả đời chưa biết một người đàn ông !
Có thể Kyôko hãy còn trinh. Ông chỉ phán đoán theo trực giác của một người cha. Lúc Kyôko mới ngoài hai mươi thì Sumio còn âm thầm xem việc đó là một điều đáng hãnh diện. So sánh với thời nay thì ở miền quê dù là hai mươi năm về trước, thiên hạ còn có hơi bảo thủ nhưng trước khi lấy chồng, đa số các cô gái vẫn đã biết chuyện này chuyện nọ. Riêng Sumio cố giữ cho con gái mình được trinh trắng.
Lúc đó Sumio cứ ước mơ là khi con gái có một tấm chồng thì sau ngày cưới, ông sẽ có dịp nghe chàng rể cảm kích nói với mình :
-Con xin cảm ơn ba đã trao em Kyôko xinh đẹp nguyên vẹn như thế này cho con.
Thế nhưng chàng rể trong mộng ấy đã không hiện ra.
Sumio chưa bao giờ nghĩ rằng không có ai thèm lấy con gái mình. Nhìn chung quanh, có biết bao nhiêu cô bất tài vô tướng, không có nết na, thua xa hẳn con mình, đều lần lượt bước lên xe hoa.Thế rồi ai nấy cũng mang bầu, phát phì, trở thành những bà mẹ không ít thì nhiều hạnh phúc.
Sumio có lần tự hỏi có nên để cho Kyôko đi theo cái con đường tròn trịa bình thản ấy hay không. Và ông nghĩ rằng chắc hẳn cô sẽ không đi theo con đường đó.
Gia đình Sumio từ xưa vốn là đại điền chủ trong vùng. Ngày nay, quanh chòm xóm, những kẻ cất được một cái nhà nho nhỏ xinh xắn có nhà để xe chứa được hai chiếc một lúc, hỏi ra đều là con cháu những người đã làm tá điền cho gia đình ông. Sumio nghĩ bọn con gái của những cặp vợ chồng đó làm gì đã có đẳng cấp của con mình nếu không nói là khó mà đem ra so sánh với cô. Không phải vì cha mẹ thương con mà nói chứ ông thấy Kyôko có phẩm cách hơn bọn thiếu nữ trong vùng. Có lúc lái xe ngang qua trường của con, ông thấy con mình khác hẳn đám nữ sinh cùng mặc đồng phục nhà trường kiểu lính thủy. Từ trong đám bạn, Kyôko đã nhận ra bố và đưa tay vẫy. Tuy là chung một kiểu quần áo nhưng với mái tóc cắt ngắn, Kyôko nổi bật trong đám với vẻ thanh khiết đáng yêu.
Kyôko lúc đó tuy không thể gọi là đẹp được nhưng da thịt cô tươi tắn, mặt mũi nhỏ nhắn tròn trịa. Mấy người bà con lớn tuổi ai nấy đều tấm tắc khen Kyôko giống bà nội thời trẻ như đúc. Mẹ của Sumio là người con gái đầu tiên trong vùng đã đậu vào trường nữ học trên tỉnh. Hình dáng của bà với mái tóc dài thắt cái nơ to, ngồi trên xe kéo về thăm nhà hồi đó vẫn làm cho bọn con nít chạy theo reo hò. Bà là chị cả của ba chị em gái, mười tám tuổi đã đi lấy chồng và đám cưới lớn thế nào, mấy chục năm sau người ta còn nhắc nhở. Ví dụ chuyện những thứ áo xống, đồ đạc dành cho đám cưới đã phải đặt mãi tận Kyôto, còn những sính lễ sang trọng đàng trai mang xuống thật nhiều đã làm chóa mắt mọi người như thế nào...
Vân vân và vân vân... là những truyền thuyết về gia đình. Không phải Sumio mà chính là người vợ của ông, Taeko, đã kể lại cho cô con gái.Về làm dâu một gia đình thế gia vọng tộc như vậy, bà đã sớm mang trọng trách mà sau này đã trở thành một niềm tự hào. Nó được thể hiện qua những lời trách mắng. Tự hồi nhỏ, Kyôko đã nghe mẹ nói những câu kiểu như:
-Con nên biết là con không giống con cái các nhà khác. Còn phải làm gương cho họ nữa đấy !
Những lời Taeko nghe từ miệng mẹ chồng ra sao thì nay bà cứ thế nhắc nguyên lại cho con gái.
Tuy trong lòng cũng có đôi điều lo lắng về con nhung Sumio vẫn ở tư thế đàn ông. Mọi sự dạy dỗ con gái, ông đều phú thác cho bà, ít khi bàn thêm vào.Thời đó, người nào làm cha cũng như vậy cả.
Những năm ấy, Sumio tùng sự ở tòa tỉnh trưởng. Tình hình kinh tế đang hồi phát triển mạnh mẽ nên công việc ngập đầu. Việc học hành thi cử, trường trại của con, ông cũng để một tay bà lo liệu.
Kyôko từ bé học thì có chăm nhưng kết quả không xứng đáng với nỗ lực của cô. Trước những kỳ thi quan trọng, lúc cô bị cảm cúm, lúc lại đau bụng. Hồi còn học trung học, có lần cô nói chuyện :
-Con cứ làm sao đó ba, chẳng bao giờ trúng tủ ! Còn mấy đứa bạn không học hành gì hết, cứ đoán mò, chọn đại một trang xem trước lại có xác suất lớn đúng ngay đề thi.
Lúc đó, Sumio đã khuyên con :
-Điểm thi cao kiểu đó có gì hay đâu con ! Điểm tối đa nhờ vận may lâu lâu mới lấy được một lần đâu bằng cái điểm trung bình lấy được thường xuyên do mình cố gắng học hành.
Ôi thôi, chắc mình đã lầm lẫn khi dạy con như thế, Sumio nghĩ mà cảm thấy sầu khổ vô cùng. Con người ta đôi khi, không, không, trước tình thế nào cũng vậy, cần phải có cách thức để đối phó chứ. Sao lúc đó mình lại không trả lời nó kiểu đó.
Rốt cuộc, Kyôko không lọt được vào trường đại học ở Tôkyô mà cô mong mỏi nhất. Cô phải chọn một trường công ở tỉnh nhà dành cho nữ sinh viên. Bạn bè chung quanh đứa nào đứa nấy cũng ráng lên Tôkyô cho bằng được, mặc dầu chỉ vào những tư thục hạng hai hoặc hạng ba. Taeko cứ bảo những nơi ấy không phải là trường, dầu vào được chưa chắc đã có giá trị gì. Với lại cá nhân Kyôko cũng chẳng hề nằng nặc đòi lên học Tôkyô.
Quả thật, tự ngày xưa, Kyôko chưa bao giờ là đứa con gái bướng bỉnh, thích chống đối. Có lẽ chuyện đó cũng không cần thiết đối với cô.
Tuy tính hay cằn nhằn nhưng Taeko, mẹ cô, lúc còn sống, là người mẹ hiền, hay lam hay làm. Bà có cả chứng chỉ dạy mỹ nghệ cho nên trong nhà trang hoàng bao nhiêu thứ như đồ thêu hay bình cắm hoa tươi. Ngày còn nhỏ, Kyôko thường được mẹ tự tay nấu đồ ăn dặm hay may quần áo kiểu Âu cho mặc và cho ngủ trên giường Tây, một thứ hãy còn hiếm hoi vào thời ấy.
Có thể nói cho đến lúc đó, Kyôko được nuôi dạy một cách lành mạnh và sống êm ả như một cô con gái nhà lành. Hậu quả trái ngược của cuộc sống êm ả này chỉ lộ ra vào những năm về sau.
Đó là từ khi Kyôko tốt nghiệp trường nữ đại học, lúc bắt đầu có mấy đám gấm ghé. Về chuyện này, Taeko thường tỏ ra cứng rắn. Khi nói chuyện với chồng thì hay tự mãn :
-Thời buổi này, người như con Kyôko nhà mình cần gì phải đi kiếm ai ! Coi mấy con nhỏ cùng trang lứa với nó kìa. Lên Tôkyô học những thứ trường hạng hai hạng ba gì, về lại đây còn làm dáng làm điệu. Lên đó sứt mẻ hết, coi có được đâu.
Thường ngày Kyôko vẫn bị mẹ theo dõi chặt chẽ. Trước đó, một cậu người cũng dân vùng này, sinh viên đại học nhà nước nữa chứ, thường hay gọi điện thoại đến cho cô. Khi có dịp bà mẹ vẫn tỏ ra khó chịu một cách khéo léo, như thể bảo chàng ta nên bỏ cuộc cho rồi :
-Khi tôi dọ ý Kyôko xem nó muốn chơi với bạn kiểu nào thì nó nói chỉ muốn chơi với bạn quen biết trong nhóm thôi, còn hỏi con có muốn giao du cá nhân không thì nó nói không. Cho nên tôi mới bảo đã vậy thì không nên để cậu mất công điện thoại nữa làm gì.
Bà báo cáo lại với chồng một cách đắc ý nhưng trong bụng Sumio thì nghĩ cần gì phải làm đến thế. Tuổi trẻ có một thời thôi, con trai người ta tìm đến với mình thì cũng phải đối xử nhẹ nhàng. Nếu không có cả niềm vui nho nhỏ chừng đó, làm thân con gái còn có gì là lẽ sống nữa. Phải rồi, cho đến lúc đó, Sumio vẫn tin con gái mình nhất định có một tương lai tươi sáng. Ông nghĩ chẳng mấy chốc con mình sẽ có người đến dạm hỏi mà thôi. Con ông thì phải lấy cỡ bác sĩ hay viên chức ngân hàng. Cho nên gạt phắt được chuyện cậu sinh viên kia như quét một bóng mây thoáng qua có khi lại là đắc sách.
Thế nhưng chuyện đời không êm xuôi như Sumio nghĩ. Một hôm ông nhận được điện thoại từ cô em út. Bà này lấy chồng bác sĩ và là người thích giúp đỡ con cháu, lần nào đến chơi cũng xin lý lịch và hình ảnh của Kyôko mang về.
-Này anh, chuyện của cháu Kyôko đó mà. Em nghe người ta nói ai lấy nó phải đến ở rể đằng anh ? Có thật không hở?
Chuyện đó làm gì có, Sumio tức tốc phủ nhận. Vì chỉ có mỗi một đứa con, gái, Sumio đã định bụng kiếm một anh chàng nào chịu về ở rể để nối dõi tông đường nhưng nhìn tình hình xung quanh, ông đã hiểu đó là một đòi hỏi hết sức vô lý.
-Ừ anh! Gia đình mình từ ngày xưa gốc gác điền chủ nên cứ muốn đòi hỏi nọ kia nhưng bây giờ tàn mạt rồi, nếu còn bắt người ta đến ở rể thì rõ ràng là sai lầm, có phải không anh?
Có thể nói cô em gái đó là người cuối cùng còn được thừa hưởng chút vinh quang của gia đình.Lúc đó nhà ông còn có gia thế, cô tìm được một tấm chồng xứng đáng và cũng được sửa soạn mọi thứ cho phù hợp với với địa vị của mình. Cô em đó lại nói như chận họng :
-Nhà mình sa sút từ bao lâu rồi, đừng có suy nghĩ theo kiểu xưa nữa nghe anh.
Ông nghe mà không khỏi cảm thấy một cơn giận dậy lên trong lòng.
Cô em này đã đánh tiếng giừm cho bốn mối bác sĩ nhưng Kyôko từ chối cả bốn. Theo thuyết của mẹ cô, Taeko, anh thì béo quá, anh thì lại thấp, nghĩa là bốn anh đều có gì không hoàn hảo.
-Đâu phải cứ nghe nói người ta là bác sĩ mà mình đâm đầu vào ngay !
Taeko bèn nới rộng phạm vi một chút, bắt đầu sưu tập cả lý lịch mấy cậu dân ngân hàng hay công chức. Thế nhưng họ toàn là con trai cả trong những gia đình theo nghề nông. Tuy xuất thân từ những đại học tên tuổi ở Tôkyô và được coi như là tinh hoa của địa phương nhưng vì là trưởng nam, tất cả đều bị gọi về sống cạnh cha mẹ.
-Họ bảo không bao giờ để cô phải lam lũ mó tay vào công việc đồng áng kia nọ, nhưng nói là nói thế thôi chớ mình đâu lấy gì làm chắc.
Taeko cứ thở dài.
-Cái tính con Kyôko nhà mình nếu thấy ông già bà già chồng vác liềm ra đồng thì nó không đang tâm tỉnh bơ nhìn theo đâu. Nhưng tôi thì tôi quyết không để cho con nhỏ nhà mình chân lấm tay bùn.
Chuyện nói qua nói lại như thế, Kyôko bước tới cái tuổi hăm lăm bao giờ không hay. Sumio lại nhận được điện thoại từ người em gái :
-Này, chị nhà không được tiếng tốt đâu đó nghe anh !
Chị nhà đây tức Taeko.
Thiên hạ họ cứ nói nhà đó bộ muốn gã con gái cho con vua cháu chúa hay sao. Nào đòi điều kiện không được là trưởng nam, không được là gia đình nhà nông, phải xuất thân đại học tên tuổi, người ngợm còn phải xinh trai nữa kìa. Ở cái chốn quê mùa này đào đâu ra được mấy người như vậy !
Thị trấn này nhỏ thôi nên chắc mấy tấm ảnh với bản lý lịch của Kyôko cứ chạy lòng vòng quanh đây. Sumio tưởng tượng.
-Không những vậy mà họ còn nói nhiều điều không tốt cho con Kyôko nữa mới tội nghiệp chứ. Thế nhưng cháu nó cũng có chỗ không phải. Chuyện hôn nhân cần phải quyết định gọn gàng ngay mà thấy nó không cả quyết chút nào !
Theo chỗ suy nghĩ của Sumio, sở dĩ Kyôko thiếu cương quyết hay lần lữa cũng chỉ vì cô thiếu kinh nghiệm trước đàn ông. Nếu là trường hợp một người con gái đã từng trãi với vài anh thì nhất định có thể trả lời một cách lẹ làng. Bởi vì hiểu đàn ông con trai như thế nào rồi nên khi gặp anh chàng cỡ này cỡ nọ, họ biết dứt khoát ngay, cho đậu cho rớt cũng nhanh.
Sumio nhờ cô em thử nới rộng phạm vi tìm tòi ra xa hơn chút nữa để xem sao rồi cúp máy.
Thế rồi thời giờ lại cứ trôi qua. Gia đình Sumio bắt đầu cảm thấy một sự khuất nhục, tình cảm mà trước đây họ chưa hề nếm bao giờ. Khi Kyôko đến tuổi hăm bảy thì bắt đầu đã có sự từ chối, nhưng lần này từ cánh bọn con trai.
Cùng lúc, điều không lọt được qua mắt bất cứ ai là tầm cỡ của các anh chàng cũng xuống thấp hẳn. Lần đầu tiên khi có anh muốn tái hôn nên mới tìm đến với cô thì Taeko, bà mẹ, đã bất giác thét lên. Sau đó khi có đám hỏi cô chịu lấy người đã có con hay không thì mọi người hết biết nói gì nữa.
Năm cô ngoài ba mươi, nghe ai hiến kế, hai mẹ con có đi lên Tôkyô để nhờ Sở Giới Thiệu Hôn Nhân can thiệp nhưng đã kinh hãi quay về. Taeko hoảng sợ khi biết đến món chi tiêu động trời sẽ phải bỏ ra, còn Kyôko thì hoàn toàn không còn hứng thú khi nghe lối ăn nói sổ sàng của người đàn bà sồn sồn mang tiếng là cố vấn cho cô.
Dù vậy, trong khoảng thời gian dài này, đã có nhiều câu chuyện xảy ra.
Thị trấn kề bên có một cậu con nhà có của từ xưa. Nghe nói cậu ta rất thích Kyôko và sẵn sàng xin làm đám hỏi đám cưới ngay. Thấy lối tiếp cận nhậm lẹ của cậu này có vẻ khả nghi nên Taeko đã thuê thám tử điều tra. Mới vỡ lẽ ra cậu ta vốn có mối liên hệ với một bà lớn tuổi hơn mình mà không được cha mẹ chấp thuận. Vì lo lắng chuyện bà này nên bố mẹ mới hăm he bắt cậu xúc tiến việc Kyôko.
Năm cô ba mươi bốn tuổi, có một ông phó giáo sư đại học nọ muốn đến coi mắt. Quen biết được ít lâu và thấy người đàn ông kia cũng có vẻ thuận lòng, vợ chồng Sumio đều vui mừng coi như đây là dịp may cuối cùng của con gái mình. Thế nhưng trước khi nạp sính lễ có mấy ngày, chẳng biết sao mà Kyôko lại vùng vằng không chịu nữa. Theo cô, một người mới bốn mươi mốt mà tóc bạc như thế thì là nhiều quá, ngón tay lại núc na núc nác nhìn muốn lợm giọng. Hôm cuối cùng, nghe con vừa khóc vừa thổ lộ tâm sự với mẹ nó, Sumio đành coi mọi sự như một chuyện phải xếp vào hồ sơ.
Sau đó còn có vài chuyện mai mối khác nhưng cô toàn là bị từ chối bởi những người tưởng đã xong đến nơi. Nhân vì kẻ mai mối cho họ là trong chỗ thân tình, Sumio mới thẳng thắn hỏi:
-Chắc vấn đề của cháu là tuổi tác ?
-Không, không phải vậy đâu...
Người đang nói chuyện bỗng ngập ngừng.
-Theo tôi nghe được thì họ nói cháu Kyôko nó không có gì gợi cảm. Còn phần tôi thì tôi thấy chính cái điểm đó chứng tỏ cháu là con gái nhà lành, thời buổi này ít ai được như vậy. Hình như bọn con trai bây giờ tụi nó nghĩ hơi khác mình.
Cầm ống nghe điện thoại trong tay, Sumio giận run lên. Bắt con gái người ta phải khêu gợi à, nói thế là thế nào ? Sống cạnh cha cạnh mẹ, ngoan hiền trong trắng như con gái mình thì dù có khờ chuyện đời một chút đã chết ai đâu. Thế rồi vì chừng đó mà bảo nó không gợi cảm và xa lánh nó à ?
Thôi được, Sumio quyết tâm, thế thì từ nay chỉ có ba người, cha mẹ và con gái, hẩm hút bên nhau. Cũng may là đối với Sumio, một người đi làm nay đã nghỉ hưu, muốn sống đủ ăn trong nhà thì cũng dễ thôi.
Hãy còn có ít nhà cho thuê, tiền thu nhập nhờ mấy bãi đậu xe cũng đáng kể, đó là chưa nói đến ý định phá bớt một bãi để xây phòng trọ. Như thế thì lúc hai vợ chồng nhắm mắt xuôi tay thì Kyôko cũng không đến nỗi túng thiếu.
Trong khi đang bắt đầu lập kế hoạch như thế thì bỗng phát hiện chứng ung thư nơi Taeko. Khỏi phải nói, Kyôko đã hết lòng chăm sóc bệnh tình của mẹ. Nữa năm cuối cùng, cô phải vào ngủ luôn trong bệnh viện để túc trực, suốt ngày thoa nắn cho Taeko đỡ đau đớn vì lúc đó bệnh đã bước vào thời kỳ cuối cùng.
-Chính ra có lẽ cháu là người hạnh phúc...
Cái đêm túc trực bên linh cữu mẹ, Kyôko đã nói như thế với người trong thân tộc. Sumio bây giờ vẫn nhớ mồn một dáng điệu của con gái mình lúc đó.
-Thường thường, con gái đã đi lấy chồng thì mấy ai có thể chăm sóc bệnh tình cho cha mẹ. Nhưng cháu đây lại có cái hạnh phúc được trông nom mẹ cháu.
Nghe con gái nói cảm thấy hạnh phúc vì được chăm sóc cho mẹ nó trong những ngày tàn, Sumio không khỏi mủi lòng, âm thầm để mặc nước mắt tuôn rơi.
Lúc đó, phải nói là Kyôko trong tấm áo tang đã thể hiện được tất cả tính bi kịch và cái trang trọng phù hợp với hình ảnh một cô gái quá lứa lỡ thời.
*
Đứng trước tủ, Kyôko đang xếp dọn đồ đạc vào trong cái túi khoác vai đi đường. Cô phân chia đồ đạc phải mang theo vào bệnh viện thành từng nhóm nhỏ và gói ghém cẩn thận trong mấy khuôn khăn vải.
-Xin lỗi ba, con cứ nhắc đi nhắc lại mãi nhưng sáng mai khi con nhỏ Yôko tới, ba nhớ nói nó đọc tấm giấy trong bếp ghi mấy điều con dặn nó nghe. Cái gì cần con đều đã viết lên trên đó hết.
Yôko là người bà con xa đến giúp việc trong lúc Kyôko phải nhập viện.
-À mà còn chuyện này ! Ba nhớ khóa bếp hơi cẩn thận nghe ba...
Kyôko vung tay lên như đang ra lệnh cho lính. Bầu ngực lắc nhẹ dưới tấm áo sơ-mi đan thêu màu trắng. Sumio biết con gái mình người thì gầy nhom nhưng có bộ ngực no đầy như thể mượn được của ai. Nếu Kyôko còn trẻ trung và gặp được cậu con trai nào thương cô thì chắc chắn cô sẽ đem lại hạnh phúc cho chàng ta.
-Thôi, con đi ngủ nghe ba. Bệnh viện bắt con phải đến trước mười giờ sáng.
-Có muốn ngủ chung với ba không ?
Tự nhiên câu nói trên bỗng vuột ra khỏi miệng.
-Đêm nay đặc biệt, ba qua phòng con nằm được chứ gì ?
Đôi môi Kyôko khẽ lay động, cô nói được thôi ba.
-Nhưng con giao hẹn ba không được ngáy đó nghe. Nếu bị mất ngủ là con mệt lắm.
-Được mà. Từ hồi chừa rượu tới giờ ba hết ngáy rồi.
Việc con nhỏ biết mình ngáy ồn khó ngủ chắc là do bà mẹ quá cố của nó học lại. Lòng Sumio bỗng cảm thấy có gì ấm áp.
Từ trong bồn tắm bước ra, Sumio đi vào phòng Kyôko thì đã thấy tấm nệm dùng cho khách đến chơi đã được trải thêm bên mép giường cô. Cạnh cái gối, cô đặt sẵn cả một chiếc quạt.
-Con sợ tối phòng này muỗi ra. Nếu có muỗi thì ba nói con nghen.
-Ừ, được rồi !
Kyôko mặc một mảnh áo ngủ cộc tay bằng vải. Nhìn mấy mẫu hình hoa lá trên đó biết ngay là loại rẽ tiền mua ở siêu thị mà thôi. Coi bộ giặt giũ thường xuyên hay sao mà màu đã phai nhiều.
-Không gợi cảm !
Sumio chợt nhớ lại câu người ta bình phẩm về con gái mình trước đó mấy năm.
Có ánh sáng ở đâu lọt qua khung cửa sổ lắp kính lấp loáng chiếu hắt vào cái tối thẩm của đêm mùa hạ. Có lẽ ánh sáng của ngọn đèn nê-ông từ khu vườn sau nhà.
Dĩ nhiên đây là lần đầu tiên Sumio ngủ ở phòng con gái nên ông hơi trằn trọc. Mà hình như Kyôko cũng trằn trọc như cha. Trên cái giường bên cạnh ông, vẫn chưa nghe tiếng thở đều đều của một người đã tìm được giấc ngủ.
Nếu nó có thao thức thì cũng chẳng có gì làm lạ. Ngày mai vào nhà thương, ba bốn hôm sau là người ta sẽ cắt lấy tử cung ra. Nó đang chờ đợi cái số phần như thế.
Cái tử cung của một đứa con gái chưa một lần biết hơi trai chắc phải đẹp lắm. Mềm mại và đỏ tươi chứ nhỉ !....
Giữa lúc đó thì tiếng của Kyôko cất lên:
-Ba còn thức à?
-Ờ ờ !
-Này, định kể cho ba mà quên. Cái khối u của con đó ba, nghe nói lớn bằng đầu của đứa con nít mới sinh. Buồn cười không hở ba. Con không thai nghén gì mà trong bụng lại có một đứa nhỏ nằm đó.
-Thôi, nói chi chuyện đó con !
Sumio se sẽ gằn giọng. Ông có cảm tưởng như thể những gì mình vừa thoáng nghĩ trong đầu đã bị người khác bắt gặp.
-Mai phải dậy sớm mà, ngủ đi là vừa!
-Vâng, ba.
Ông thấy hình như đứa con gái trở mình.
Sau đó, cả hai im lặng một hồi lâu. Bây giờ xem ra hãy còn kịp. Sumio như đang bị lôi cuốn bởi một ý tưởng không biết ở đâu vừa chợt đến. Ông muốn chạy ra ngoài đường phố, tìm lấy một gã đàn ông nào đó, ai cũng được miễn là hãy còn trẻ trung và hình thù đừng quá khó coi. Thế rồi ông sẽ lôi gã ta về căn phòng này và chỉ cho gã ta thấy đứa con gái đang năm ngủ trên giường :
-Xin làm ơn ôm ấp đứa con gái này hộ tôi. Nó chưa hề biết đàn ông bao giờ mà sắp bị người ta cắt mất tử cung rồi.
Hay hơn như thế nữa là mình...Sumio hít thở thật sâu trong lồng ngực. Chính người cha là mình sẽ làm việc đó với con gái. Chỗ đứa con gái thương yêu nằm cách ông chỉ có mỗi ba mươi phân. Ông muốn để lại cho con kỷ niệm đầu tiên và cũng là cuối cùng của đời con gái. Cho dầu hai cha con có trao đổi xác thịt với nhau thì thử hỏi đã làm gì nên tội nào...
Rốt cuộc, tiếng thở đều đặn đã vọng ra từ chiếc giường bên cạnh. Giấc ngủ bình an mà không ai có thể quấy phá hình như cuối cùng đã đến với Kyôko. Còn mi thì mi cũng ngủ đi thôi chứ, Sumio lẩm bẩm với chính mình.
Hãy ngủ một lượt và thức dậy một lượt với nó. Sumio sau cùng đã hiểu ra đó là cách duy nhất để chia sẻ nỗi bất hạnh của đứa con.