1. Đức Ái là tinh hoa Đạo Chúa.
Câu chuyện dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành, đã khơi mào con đường cách mạng trong giáo huấn tôn giáo của loài người. Ngay cả trong lối sống đạo Cựu ước, người ta vẫn thi hành câu châm ngôn “mắt đền mắt, răng thế răng”. Dân riêng Chúa vẫn quen với truyền thống chỉ nên yêu thương làm lành cho bạn hữu láng giềng, ngoài ra nên khinh chê ghét bỏ các kẻ địch thù hoặc ngoại lai…
Điều đáng chú ý nơi đây là ở chỗ Chúa lấy ngay một nhân vật ngoại giáo Samaritanô – đám dân vốn bị người Do thái chê bai miệt thị - ra để thi hành mẫu người nhân hậu torng giáo thuyết yêu thương bác ái của Đạo mới Chúa thành lập. Thế nghĩa là lối sống đạo cũ của dân Chúa đã trở nên sai lầm, để hóa ra thua kém cả một số người ngoại giáo. Mấy vị luật sĩ và tư tế trong câu chuyện, vô tình đã trở nên những hình ảnh lố bịch kệch cỡm trước mắt mọi người kể từ đó.
Với Đức Giêsu, Đức Ái chẳng những là tinh hoa, nhưng còn chính là cốt tủy, là điều kiện, là dấu chứng của Kitô giáo. Ngài minh xác điều này khi lên tiếng mô tả về quang cảnh của ngày tổng phán xét sau dịp thế mạt : Nhân loại sẽ được thưởng hay phạt ở đời sau, tùy theo mức độ thi hành Đức Ái khi họ còn sống.
Đức Ái này phải được hiểu cho thật trọn vẹn ý nghĩa : Nó phải được bắt nguồn từ lòng kính mến Thiên Chúa, rồi sau, vì mến Chúa và muốn vâng lời Ngài, người ta mến thương và cư xử tốt với tha nhân. Nói khác đi, những tình cảm được gói ghém khi ta yêu mến người khác ở đây phải có sắc thái siêu nhiên. Ta không thể chăm sóc lo lắng cho tha nhân vì tự nhiên ta thấy họ đáng mến, hoặc nhìn thấy một số lợi ích riêng tư khi làm như thế.
Ở đây, để chứng minh việc mình sống đạo trưởng thành, mỗi Kitô hữu buộc lòng phải tiên khởi chứng minh cái căn bản Đức Ái thực sự của chính mình. Bởi lẽ chỉ có Đức Ái mới là thước đo lường cái giá trị của một tâm hồn trước mặt Chúa. Trong thời còn giảng đạo, khi thấy các tông đồ tranh cãi xem ai là kẻ lớn hơn hết, Chúa đã dạy họ : “Ai muốn làm lớn hơn cả sẽ phải học làm đầy tớ hầu hạ anh em mình”. Cái việc trở thành người đầy tớ hầu hạ tha nhân này, đâu có chi khác hơn việc thực lòng thi hành Đức Ái ở đây.
Ta không chỉ dừng lại ở cái giới hạn yêu thương tha nhân như chính mình, mà Chúa đòi ta phải thương mến người khác như mẫu mực Chúa mến thương ta : Mến thương không hạn định, mến thương cho tới chết vì ta.
Qua Bài Giảng Trên Núi, Chúa long trọng tuyên bố về những thái độ phải có khi ta muốn thực tâm theo Chúa : Ngài đòi ta thi thố lòng từ ái với đồng loại ở mức độ vượt lên trên thói thường của một kẻ tử tế tự nhiên. Thực ra, ta không buộc hiểu theo đúng nghĩa đen của lời khuyên “bị vả má này thì đưa thêm cả má kia”, nhưng cái tinh thần của Đức Ái là ở chỗ biết vì Chúa mà nhường nhịn, mà chịu những chuyện thiệt thòi.
Khi không sống cho vững cái tinh thần Chúa đòi hỏi, con người thường rất dễ lỗi phạm Đức Ái khi chỉ nhìn bề ngoài của tha nhân để xét đoán họ. Mà Cháu thì dứt khoát chỉ muốn dành cái quyền đoán xét này cho một mình Ngài, bởi lẽ chỉ có Ngài mới có đủ khả năng thấu suốt nội tâm của từng sinh linh.
Cũng ở trong cái khuynh hướng nhỏ mọn của ta muốn lên án anh em khi thấy họ lầm lỗi, mà ta chẳng những phạm tới nhân đức bác ái, nhưng còn làm trái với đức công bằng nữa : ta chắc gì đã thánh hơn họ ! Thế là Chúa đòi ta ghi nhớ câu chuyện Chúa can ngăn đám đông toan xử án người đàn bà ngoại tình. Chúa muốn tất cả công nhận rằng chẳng ai là kẻ không có tội trong hồn, và rồi lần lượt họ lẳng lặng bỏ đi, thay vì ra tay ném đá nạn nhân.
Chuyện tha thứ lỗi lầm tha nhân thật ra không dễ gì, nhất là khi họ xúc phạm trực tiếp đến ta. Ở đây, Chúa muốn nhắc ta rằng, bởi Ngài liên tục tha thứ cho ta, nhất là qua Bí Tích Giải Tội, ta phải noi gương đó mà thứ tha cho người khác. Cái mục tha thứ này được Chúa lồng vào trong lời kinh trọng đại nhất : Kinh Lạy Cha. Ta xin được Chúa tha tội và hứa sẽ tha mọi lỗi lầm của anh em.
Trong đời sống, ta không những phải thi hành Đức Ái qua khía cạnh tiêu cực là tránh hờn giận ghét ghen, nhưng còn phải đi tới chỗ tích cực là lưu tâm giúp đỡ tha nhân, đặc biệt là những kẻ xấu số hẩm hiu ; mà đừng quên chờ đợi tới khi họ lên tiếng van xin ta mới ra tay. Mẹ Maria đã nêu gương thật rõ ràng cho ta khi, trong dịp đi dự tiệc cưới Cana, Mẹ tới gần Chúa ngỏ ý Ngài làm phép lạ giúp cho đôi tân hôn đang ở hoàn cảnh khó khăn.
Câu chuyện này củng nhắc bảo ta, một khi ta bất lực không làm được chi để giúp kẻ khác, ít ra ta cũng có thể dùng lời cầu nguyện để hỗ trợ họ. Rất nhiều trường hợp đã xảy ra khi Chúa thi ân giáng phúc cho một người qua lời khẩn cầu tha thiết của một người khác.
Mỗi lần tới nhà thờ tham dự Bàn Tiệc Thánh, ở cuối lễ, ta được vị chủ tế lên tiếng chúc ra về bình an. Lời chúc này không chỉ là một câu chào thường nhật, nhưng thực sự gói ghém một sứ mệnh được Chúa trao gửi nơi ta : hãy mang ơn huệ và sự bình an của Chúa về nhà, để rồi chia sẻ với anh em đồng loại của mình. Nói cách khác, ta phải ra đi để áp dụng những bài học Chúa dạy nơi cuộc sống. Mà bài học nào của Chúa cũng đòi ta vì yêu mến Chúa mà mến thương anh em của mình.
Mọi hoạt động tôn giáo, từ phụng vụ cho tới chuyện Công giáo tiến hành, đều không nhằm mục tiêu nào khác hơn là giúp người Kitô hữu tăng triển Đức Ái trong hồn : Ta gặp được Chúa để rồi mang tình thương yêu của Ngài tới tha nhân.
Thế là, một khi thực tình kính mến Chúa, ta sẽ tự động yêu thương mọi người. Ta sẽ không phải thắc mắc lo lắng mình phải làm chi lúc này ; Chúa sẽ chỉ vẽ cho ta muôn vàn cách để thực hiện giới luật yêu thương.
Đức Ái sẽ là phương thức truyền giáo hữu hiệu nhất qua mọi thời đại. Một mẫu gương sáng ngời của mẹ Têrêsa với đám dân đau khổ bên Ấn độ đã làm vinh danh Chúa và đánh động tâm hồn người đời hơn trăm ngàn công tác tông đồ khác. Có người nói rằng nếu lúc này hiền nhân Gandi được tái sinh, chắc ông sẽ phải xin theo Đạo Chúa, đạo mà trước kia ông từ khước gia nhập chỉ vì không gặp được những tấm lòng vị tha bác ái nổi bật trong cộng đồng Kitô hữu.
2. Đường lên trời luôn nhỏ hẹp khó khăn. Thiên đàng luôn là phần thưởng cho những kẻ được chọn. Việc chọn lựa này dựa theo công tội của nhân loại, và dĩ nhiên cuộc đời là môi trường thử thách lâu dài. Thật đáng sợ khi chính Chúa Giêsu đã công khai tuyên bố rằng con số muốn được hưởng Thiên quốc thì đông đảo, nhưng kẻ thực sự được đón nhận vào thì hiếm hoi.
Nguyên do là tại người ta ngại khó ham vui. Con người thường ham cái lợi trước mắt nhất thời, để rồi quên khuấy những chuyện vĩnh cửu dài lâu. Khổ nỗi, khi đắm mình trong vui chơi, người ta quên lãng bổn phận người Kitô hữu và hay lỗi phạm giới luật của Chúa.
Khi bảo mình đến đem gươm giáo thay vì an nhàn yên vui, Chúa Giêsu muốn dạy ta bài học sẵn sàng chịu thử thách và thiệt thòi vì Nước Trời. Lời kêu gọi bỏ mình và vác thập giá theo Chúa không chỉ đòi áp dụng cho một số người riêng biệt, nhưng là luật phổ quát cho mọi thành phần dân Chúa.
Chúa đến chịu khổ vì ta, và Ngài lên tiếng kêu mời ta bắt chước Ngài để tích cực ôm ấp thập giá, hầu áp dụng ơn cứu độ cho chính ta cũng như cho tha nhân. Khi hiểu được như thế, ta sẽ hết phàn nàn trách móc hay thất vọng trong đời.
Lối đi nhỏ hẹp vào Nước Trời này cũng đòi ta học tình nguyện đón nhận những hy sinh dù lớn hay nhỏ. Bên cạnh việc tập từ bỏ ý riêng, ta còn phải biết giảm thiểu lòng ham hố của cải vật chất kẻo bị cản trở trong việc đến gần Chúa.
Bình thường ai cũng ngại khổ sợ khó, như dịp Phêrô cản ngăn Chúa đừng đi vào con đường khổ nạn. Lời đáp của Chúa đã là khuôn thước để những kẻ muốn theo Ngài luôn phải nhớ kỹ mà thực hành.
Khi nhắc tới “chén đắng phải uống” nhân dịp hai người con ông Giêbêđê ngỏ ý được ngồi bên tả và bên hữu ngày Chúa khải hoàn, Chúa đã cho ta thấy vinh quang nào cũng đòi ta phải mua bằng thánh giá.
Thành ra với các thánh, lúc còn sinh thời, ngày nào không có những khổ đau để dâng lên Chúa là một ngày hoàn toàn vô nghĩa. Và như thế, dẫu chưa dám hy sinh tự nguyện xin vác thập giá, ta cũng phải ít ra vui vẻ nhận những thử thách khó khăn từ bên ngoài xảy tới ngoài ý muốn ta. Nhiều khi Chúa cho phép chúng xuất hiện để tôi luyện ta và tạo cơ hội cho ta lập công đức.
Thật ra Chúa không hề ép ta mỗi ngày phải đi tìm cho ra các khổ đau mà ôm vào mình. Ta cũng không phải bắt chước các tín hữu nhóm Thanh giáo (Puritans) để đặt căn bản và giá trị đời người ở khổ đau. Tuy nhiên, trên đường theo Chúa, ta phải biết xử dụng thánh giá như phương tiện góp phần cứu độ với Chúa, cũng như giúp ta dễ xa tránh các dịp cám dỗ phạm tội. Lời Chúa dạy : “Nếu mắt con khiến con sa ngã, thà khoét mắt đi để được vào Nước Trời” phần nào cho ta thấy cái tác dụng của đau khổ trong đời.
Ta phải tập âm thầm chịu khổ trong sự kết hợp và thông công với cái chết của Chúa, chứ đừng chỉ ham vác thập giá để biểu diễn bên ngoài…để phô trương.
Cũng thế, ta cần đón nhận mọi thứ thập giá Chúa gửi đến, chứ không chỉ đòi chọn loài thập giá mình muốn vác. Chỉ có thế ta mới thấy được ý nghĩa đích thực của đau khổ và nhận ra khả năng hướng lòng lên cùng Chúa để học với Ngài những chi tiết của chân lý ngàn đời.
Người đời không thích khổ đau và thường lên tiếng hạch hỏi Chúa về những lý do của tai ương thử thách, nhất là khi họ thấy mình hoặc thân nhân bè bạn cơ hồ vô tội lành thánh mà phải chịu đựng quá nhiều. Chớ gì ta giúp họ suy niệm về câu chuyện các hài nhi bị giết sau dịp Chúa Giáng Sinh ở Bêlem. Tất cả đều nằm trong chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trí óc thấp hèn của chúng ta làm sao hiểu cho thấu !
Khi dạy rằng đường vào Nước Trời nhỏ hẹp, Chúa muốn dứt khoát nhắn nhủ ta rằng hạnh phúc trường sinh thực sự phải được mua bằng mồ hôi, bằng nước mắt và bằng máu đào. Tốt hơn hết, ta nên bắt chước thánh Phaolô để dâng hiến những máu đào, những nước mắt và những mồ hôi đó như một cố gắng để “hoàn tất torng thân xác mình những điều còn thiếu nơi sự đau khổ của Chúa, nhằm mưu ích cho Hội Thánh và tha nhân”.
Ta cũng nên an ủi mình khi thấy rằng, trong Kinh Thánh, Chúa thường ưa gửi tai ương thử thách tới cho những tâm hồn đạo hạnh thánh thiện Chúa hằng mến thương. Một Abel, một Giuse Aicập, một Gióp, và chính Đấng Thiên Sai Con yêu dấu của Ngài nữa. Tất cả đã cùng theo một khuôn khổ như nhau.
Tục ngữ Việt Nam đã tả : Có thân có khổ, có khổ mới nên thân. Ở đây, ta có thể tin rằng khổ đau thường giúp ta luôn ý thức về ơn gọi cũng như cùng đích của chính đời mình. Nhờ thế ta sẽ bớt làm những điều sai quấy và luôn tỉnh thức đề phòng trước những cám dỗ xúi giục của Satan. Sự chết và tứ chung sẽ là những động lực bảo vệ ta khỏi ham mê trần đời thái quá mà quên mất Chúa và linh hồn mình.
Thế là, một lần nữa ta hãy cùng thánh Phaolô để cương quyết và nhất định chịu mang tiếng dại dột mà đi vào con đường nhỏ hẹp, để mong được chính Chúa nhận là khôn ngoan và ban thưởng cho Nước Trời mai sau.
3. Ai bền đỗ tới cùng sẽ được cứu rỗi.
Bên nhà Phật, nhất là tại Trung Hoa, dân gian ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện nhà sư Đường Tam Tạng hành trình qua Tây Trúc thỉnh kinh, mong đem về phổ biến tại quê nhà. Bộ sách Tây Du ký đã khéo léo diễn tả cuộc hành trình thỉnh kinh này, để được coi là Đệ nhất kỳ thư trong Tứ Đại thư của văn học Tàu. Tuy có thêm thắt nhiều chi tiết có vẻ hoang đường, nhưng bộ sách trên đã chứng minh được cái giá trị của việc kiên tâm bền chí trong đời : Đường Tăng đã chiến thắng đủ loại quỷ sứ ma vương, cũng như với chính những đồng minh nội thù, qua một chuỗi ngày dài đằng đẵng, để kết cục đem về được bộ Kinh Phật quý giá.
Bên Đạo Chúa thì đương nhiên đã có vô số những mẫu gương cũng như những bài học về sự bền đỗ tới cùng này. Chỉ qua mấy tập sách chép truyện các anh hùng tử đạo, người ta cũng đủ thán phục ngợi khen những trái tim kiên vững trung thành qua suốt lịch sử của Giáo Hội.
Khi Chúa mời gọi ta can đảm vác thánh giá với Chúa, Ngài không chỉ mong ta hăng say trong một ngày, một tháng hay một năm, nhưng là vững lòng chấp nhận thử thách cho tới suốt đời. Bài dụ ngôn về người đầy tớ trung thành vẽ lên hình ảnh một kẻ đêm ngày cần mẫn tuân giữ những điều chủ dặn. Người đầy tớ ấy phải đủ kiên trì để không thay lòng đổi ý mà sao nhãng công việc, hoặc chơi bời trác táng cho tới ngày chủ về lại.
Thời gian chờ đợi đó cũng là lúc ta phải học hỏi cho biết đầy đủ ý muốn của chủ ; học cho thấu đáo lối sống và liên hệ giữa hai bên, để rồi từ trong thâm tâm, ta thực tình vui trong việc phục vụ. Niềm vui ấy sẽ giúp ta hăng say làm việc cho Nước Trời, qua chuyện sinh lợi ích thiêng liêng dựa vào ơn phúc Chúa ban.
Cũng chính thánh Phaolô muốn ta lưu tâm thật nhiều tới việc kiên tâm bền đỗ này, khi ngài đưa ra hình ảnh một cuộc chạy đua thể thao : rất nhiều kẻ tham dự, nhưng chỉ có một người được thưởng ở đích tới. Một số lớn đã nản chí bỏ cuộc giữa đường, khiến cho cố gắng mình hóa thành vô ích.
Cái chìa khóa thành công ở đây là biết nhẫn nại chờ Chúa. Từ khó khăn nhỏ cho tới những thử thách lớn, ta phải biết tin tưởng ở việc Chúa sắp xếp định liệu. Thái độ này sẽ cho phép ta đứng vững cho tới cuối đời.
Tiên vàn là ta phải học kiên trì trong lời cầu nguyện. Mẫu gương người đàn bà xứ Canaan bền lòng xin Chúa chữa con bà, dẫu Chúa đã thử thách bà cách lạ thường qua những lời nói thật nặng nề, vẫn luôn là bài học và lời mời gọi chúng ta biết nhẫn nại với Chúa. Mà đường lối của Chúa lại thường xuyên khác biệt với đường lối của ta.
Rất nhiều lần, trong cơn quẫn bách cùng khốn, ta mong mỏi được Chúa làm phép lạ để cứu chữa hỗ trợ ta, nhưng thường thì Chúa muốn chính chúng ta trở nên những phép lạ sống động cho Chúa trước mặt người đời. Phép lạ của lòng tin, mến và cậy trông nơi quyền phép và sự quan phòng của Chúa. Ngày nhóm Pharisiêu và Sađusê đòi Chúa làm dấu lạ bởi trời để họ tin Ngài, Chúa đã quở trách và bảo họ : “Phép lạ Giona đã đủ cho các ngươi !”
Hãy để phép lạ xảy ra hàng ngày cho chúng ta, khi tạo cơ hội cho ơn thánh Chúa thường xuyên biến đổi con người tầm thường dòn mỏng của chúng ta, trở nên kiên vững trỗi vượt so với người đời.
Ở đây, một lần nữa, ta được kêu mời luôn sống trong tình trạng tỉnh thức, tựa hồ 5 trinh nữ khôn ngoan, biết cầm sẵn đèn đầy dầu, chờ chàng rể là chính Chúa Kitô tới giữa đêm khuya.
Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, khi phải đương đầu với muôn vàn mưu chước quỷ ma, nếu không dùng khí giới kiên trì để đương đầu, ta trước sau sẽ bị thảm bại. Trong đoạn 11 của Phúc Âm Luca, thánh sử đã đưa ra hình ảnh Satan vô cùng lì lợm : Dù bị thua keo này, nó quyết tâm sẽ bày keo khác, để rồi ra đi nhưng toan tính trở lại với một lực lượng luôn luôn mạnh hơn, hầu tấn công cho tới khi thắng trận.
Tổ tiên người Việt đã từng itn vào huyền thoại “Cá vượt Vũ môn” : Nếu biết kiên tâm để dự thi vượt sóng lớn của đại dương do Thiên đình tổ chức hàng năm, cá có hy vọng sẽ mau được trở thành rồng. Với nhân loại, Chúa chỉ mở khoa thi một lần cho mỗi đời người : vào giờ hấp hối, nếu ta đã thiếu kiên nhẫn mà bỏ mất ơn nghĩa với Chúa, chẳng những ta không được hóa thành “rồng thiên quốc”, mà còn bị trừng phạt cùng với những kẻ bị trầm luân lâu dài.
Ơn chết lành là ơn riêng của Chúa, chả ai dám bảo đảm mình sẽ được. Nhưng một khi ta học lối sống kiên tâm để nắm vững chuyện bền đỗ, ta có lý do tin tưởng mình sẽ được vào sổ những thành phần tuyển lựa.
Thực ra, việc ta kiên trì với Chúa chẳng thấm vào đâu so với việc Chúa kiên nhẫn với ta. Chúa liên tục tha thứ để chờ đợi và hy vọng ta hối cải sửa mình. Chúa cho ta đủ hoàn cảnh và ơn huệ để ta nhận ra bàn tay yêu thương chăm sóc của Chúa, cũng như thêm sức đủ cho ta mạnh bạo đi theo đường lối Ngài chỉ vẽ. Tất cả chỉ là tùy ở ta ! Mấy bài dụ ngôn như “Cây vả không trái” hoặc “Cỏ lùng” đủ cho ta thấy lòng khoan nhân độ lượng của Ngài như thế nào !
Kiên nhẫn như Ba Vua xưa tìm gặp Chúa chưa đủ, ta còn cần phải kiên trì giữ Chúa trong hồn mình cho tới cùng. Mẫu gương rạng ngời của Mẹ Maria sẽ phải là lời nhắc nhở cũng như khích lệ lớn nhất cho ta : Mẹ đã kiên trì để Chúa thử thách trong suốt cuộc đời trần gian ; đặc biệt Mẹ đã phó thác tin tưởng trọn vẹn nơi bàn tay Chúa, dẫu không hề hiểu được con đường của Chúa sẽ ra sao. Sự kiên trì ấy được kết tinh nơi lời tán tụng khen lao từ miệng thánh nữ Isave : “Phúc cho Bà vì Bà luôn vững tin vào những điều Chúa phán hứa”.
Với ta, muốn được trở nên những người con thật của Chúa, để có được một cuộc sống đạo thực sự trưởng thành, hãy đến học với Mẹ Maria, Mẹ sẽ không để ta phải thất vọng.
HẾT