Từ khi có chị, mẹ chồng tôi phục hồi sức khỏe từng ngày. Bà vui vẻ hẳn lên và trò chuyện với chị cứ như là con cái trong nhà.Và tôi để ý, chỉ sau hơn ba tháng ở nhà tôi, chính nhan sắc của Phẩm cũng thay đổi. Làn da đen đúa và nhăn nhúm ngày nào của chị đã trở nên mịn màng. Gương mặt của chị ngày thêm đầy đặn, tươi tắn. Cả cái dáng lòng khòng của chị ta cũng biến mất. Hôm chồng tôi mua tặng Phẩm bộ quần áo, chị ta mặc xong, tôi phải giật mình. Phẩm đã lột xác thành một phụ nữ khác, cao ráo, khỏe mạnh và đằm thắm.
Mẹ chồng tôi ngắm chị và khen:
- Trông cháu bây giờ, chả khác thời con gái là mấy… Chứ cái Minh nhà bác, hơn cháu có một tuổi mà trông như mẹ sề.
Chị Phẩm đỏ mặt lí nhí:
- Bác nói thế chứ, được mẹ sề như chị Minh mới là hạnh phúc. Thân phận cháu có nằm mơ cũng chả được.
Rồi chị bỏ xuống nhà bếp. Mẹ tôi nhìn theo, nói với vợ chồng tôi:
- Người cao ráo, óng ả thế là mắn đẻ phải biết. Chỉ tiếc là nhà nghèo, lại mang tiếng là đã có chồng nên nhỡ nhàng đến giờ.
Lẫm cắt ngang:
- Mới ăn hỏi sao đã gọi là đã có chồng được.
Mẹ tôi:
- Khổ, ở nhà quê là thế. Con gái cứ nhận trầu cau của ai đó rồi là đám con trai chúng nó lảng hết.
Lẫm giọng vui vẻ:
- Bây giờ nhà nước đã cho phép phụ nữ không chồng mà vẫn có quyền được sinh con, làm mẹ cơ mà. Chị ấy cứ mạnh dạn xin ai mà đẻ lấy một đứa rồi nuôi có hơn không.
Mẹ tôi cười:
- Ở nhà quê, cánh thợ cày, phó mộc đều con đàn cháu đống rồi. Ai người ta chịu cho. Mà có ai cho, chắc gì đã nhận. Chả ai đẹp trai và tốt như chồng sắp cưới của nó…
Từ sau cuộc trò chuyện ấy, tôi thấy Lẫm trò chuyện với chị Phẩm nhiều hơn. Lại có lần tôi bắt gặp Lẫm đứng rất lâu trên ban công nhìn Phẩm tưới mấy chậu cây cảnh ở trước sân với ánh mắt trìu mến lắm. Lo xa cái sự “lửa gần rơm” giữa Lẫm và Phẩm, tối hôm ấy tôi bàn với Lẫm:
- Bây giờ mẹ đã khỏe, nhà mình chả cần thuê “Ôsin” nữa.
Tôi không ngờ Lẫm phản đối một cách quyết liệt:
- Mẹ đã khỏe nhưng việc nhà lút đầu. Liệu em có cáng đáng nổi không? Hay lại bắt mẹ phải quần quật từ sáng đến tối!
Chuyện không mướn Phẩm làm “Ôsin” cũng là cái cớ để tôi trút tất cả nỗi bực dọc chất chứa bấy lâu. Ban đầu, Lẫm còn giữ thái độ nhường nhịn, bất cần như mọi lần vợ chồng va chạm. Nhưng sau vài câu xóc óc của tôi, anh đã phản công lại. Tôi phát hoảng vì hôm nay anh đã nói toẹt ra rằng, sống với tôi dẫu có cả nhà vàng cũng chẳng có hạnh phúc. Rằng chỉ vì ham làm giàu mà đã hai lần tôi lén đến cơ sở nạo thai chui, tước bỏ quyền làm mẹ của mình để đến bây giờ cứ trơ ra.
Cuộc cãi vã của chúng tôi mỗi lúc thêm ầm ĩ và đã lọt ra ngoài. Ngay sáng hôm sau, cũng giống như cách ứng xử của mẹ chồng tôi hôm trước, chị Phẩm xin về quê với lý do nhớ nhà. Chồng tôi chẳng có cớ gì để giữ Phẩm lại. Nhưng khi Phẩm thu xếp hành lý thì mẹ chồng tôi cũng một mực đòi về. Khi hai người bước ra khỏi cổng, Lẫm lên phòng lấy mũ áo rồi xăm xăm bước theo mà chẳng thèm nói với tôi một lời. Một tuần sau Lẫm mới vác mặt về nhà, nhưng đó là bộ mặt đầy khiêu khích. Tôi điên tiết, trút tất cả những lời cay độc lên đầu anh ta rồi ném toàn bộ đồ đạc, quần áo của anh ta ra ngoài sân. Lẫm không thèm nhặt mà bình thản châm lửa hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Khi tôi không còn lời nào và cũng không còn hơi sức để rỉa rói nữa, Lẫm nhếch mép hỏi:
- Vậy thực ra cô muốn gì và cần gì?
Tôi gào lên:
- Tôi muốn ly dị. Tôi không muốn nhìn thấy cái mặt đần độn của anh nữa!
Lẫm lạnh lùng:
-Vậy cô viết đơn đi.
Tôi lao lên phòng đọc sách. Phải ba lần xé đi những dòng chữ xổ ra trong nỗi uất ức đến tận cổ, tôi mới viết xong được lá đơn. Lẫm không thèm đọc mà ký luôn và nói:
- Dẫu cô có viết gì thì tôi cũng ký. Miễn là sớm để cô khỏi phải nhìn thấy mặt đần độn của tôi.
- Vậy thì ngay từ giờ phút này anh hãy cút ra khỏi nhà này! – Tôi thét lên.
- Phải đợi tòa xử nữa chứ. Nhưng ít ra tôi cũng phải có được một nửa căn phòng như ngày trước. Không có nửa căn phòng ấy tôi biết sống vào đâu?
Một tháng sau chúng tôi ra tòa. Tòa cố gắng hòa giải, nhưng cả tôi và Lẫm đều ương ngạnh. Khi tòa hỏi đến việc phân chia tài sản, Lẫm chỉ xin một phần nhỏ số tài sản mà vợ chồng tôi đang có, hoặc một số tiền đủ để chuộc lại nửa căn phòng cơ quan đã chia cho anh ta ngày trước. Tôi chẳng có cách nào khác, đành phải đau xót nhìn năm chục ngàn đôla trong sổ tiết kiệm rơi vào tay Lẫm.
Ròng rã ba năm từ khi ly dị, tôi không gặp và cũng không muốn quan tâm tới anh ta nữa. Cũng trong ba năm ấy, tôi mới thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt và trống rỗng. Những ngày đầu biết tôi là chủ một biệt thự lớn, lại vừa ly dị chồng, một số lão, phần lớn là đã có vợ và tuổi cỡ “đầu” năm, “đầu” sáu tìm đến ve vãn, tán tỉnh. Sợ không giữ được mình, mắc bẫy sẽ mất nhà hoặc sẽ bị mẹ con lũ sư tử cái đến đánh ghen, tôi đành phải về đón bà cô tôi lên ở cùng. Bà cô tôi cũng là người bộc tuệch bộc toạc, chả để ý chuyện ngày xưa, lại nai lưng ra vun vén cho tôi. Biết tôi chỉ còn mỗi khoản lương công chức còm lại quen chi tiêu như các quý phu nhân giàu có, bà cô liền hiến kế:
- Hay là bán quách cái nhà này đi mua vài miếng đất như ngày xưa. Cô còn sức khỏe, cô sẽ lấn thêm. Bán đi lại bộn tiền mà chả phải chia chác cho thằng chồng đù đần nào nữa cả.
Tôi chua chát:
- Buôn đất giờ khó lắm rồi cô ạ. Mà cháu cũng ngoài bốn mươi, nghĩa là đã bước sang cái tuổi toan về già rồi. Nhiều tiền cũng chả để làm gì. Chi bằng bán nhà đi, mua một căn hộ ở chung cư nào đó. Tiền dôi ra đem gửi tiết kiệm dưỡng già.
Và tôi đã làm theo dự định ấy. Cô cháu tôi dọn về căn hộ chín mươi mét vuông, tầng ba của khu chung cư vừa mới xây xong ở phía tây thành phố. Nhưng vừa như bất ngờ, vừa như trời xui đất khiến, hai ngày sau khi chúng tôi dọn về nhà mới, tôi gặp Lẫm ở trong cầu thang máy. Cái làn trên tay anh ta lỉnh kỉnh đồ ăn và sữa cho trẻ con.
Ba năm gặp lại, chẳng thấy vui cũng chẳng còn buồn, tôi hỏi:
- Anh cũng ở đây à…
Lẫm đỏ mặt:
- Ở cách nhà Na một phòng. Hôm qua mẹ tôi trông thấy Na, về nói, tôi định hôm nào sang thăm...
Tôi nhìn xuống cái làn trong tay Lẫm, hỏi trống không:
- Có vợ mới rồi hả?
Lẫm cười, vẫn nụ cười vừa ngây ngô, vừa chân thành mà cách đây mười lăm năm anh ngỏ lời yêu tôi.
- Mẹ bắt tôi phải có cháu nối dõi tông đường. Phẩm mới sinh được ba tháng nay, một thằng cu kháu…
Lẫm nói chưa hết câu, tai tôi đã ù đi. Mắt tôi nhòa lệ. Thang máy đã dừng ở tầng ba, tôi không nhấc nổi bước chân. Lẫm toan đưa tay kéo tôi ra nhưng không hiểu sao, lại rụt lại. Thang máy lại tiếp tục chạy lên tầng trên. Một mình tôi trong khoang cầu thang lạnh lẽo. Thang máy dừng lại ở tầng chín. Tôi bước ra ban công mà chẳng biết mình đang ở đâu và sẽ đi đâu. Đêm đã buông tự lúc nào. Những ngôi sao đổi ngôi như sà xuống trước mắt tôi. Thân phận tôi có khác gì ngôi sao vừa biến mất sau vệt sáng cuối cùng kia. Nghĩ về chúng tôi bật khóc.