Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Marie Sến

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17657 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Marie Sến
Phạm Thị Hoài

Chương 7

Cho nên tôi không mấy ngạc nhiên khi Sến xuất hiện trong một hội nghị ở Viện. Ông hàng xóm xế bên phải tôi hôm ấy đọc một tham luận sau ba chục năm im lặng. Sến đến, áo dài tóc buông bước chân lịch duyệt, một người nữ quá hoàn hảo để có mặt giữa chúng tôi, trận mạc này không có cao bồi bắn súng hai tay, buồn tẻ lắm.
Trận mạc này bày binh như sau:
Sát bàn chủ toạ là thượng đẳng khách, toàn những ông mặt mũi béo tốt hết sức vui tính, cười hề hề vào camera, tự nhiên như ở nhà mình. Nếu ngồi chỗ ấy chắc tôi cũng không làm gì khác hơn là vui tính. Ông Viện trưởng Viện Lớn, ông giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc, ông Viện trưởng Viện Mác-Lê, ông thượng tướng Giám đốc Học viện quân sự, hai ông trung tướng, ông phó Ban Tư tưởng Văn hoá trực thuộc trung ương Đảng, ông phó Ban Khoa giáo trực thuộc trung ương Đảng, ông phó Ban tuyên giáo trực thuộc trung ương Đảng, ông đại diện Thành uỷ, ông đại diện Văn phòng Hội đồng chính phủ, ông đại diện Văn phòng tổng bí thư, ông đại diện Văn phòng cố vấn chính phủ, ông phó Ban Tôn giáo chính phủ, ông Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, và một ông đại diện cho Bộ nội vụ không xưng chức. Viện trưởng của chúng tôi thấp thỏm đứng lên ngồi xuống giữa họ, ông bị lây sự vui tính của họ, thậm chí ông còn đánh bạo châm một điếu thuốc cầm tay và đánh rơi tàn vào áo ông Bộ nội vụ. Thế là họ cười ầm cả lên và vỗ vai nhau. Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Kế đó là trung đẳng khách: giáo sư đầu ngành, chuyên viên cao cấp, nhà báo lão thành, cán bộ tuyên huấn tỉnh xa, chánh văn phòng Viện Lớn, đại diện các Viện nhỏ trong Viện Lớn, trông họ nghiêm trang hơn các vị ở tuyến trên nên Viện phó của chúng tôi và một vị giáo sư đội nhà lượn tà tà như trực thăng bà già để tăng cường không khí. Viện phó mặc quần bò và để râu con kiến, vị giáo sư đội nhà thì nhún nhảy rất hề, môi chúm chím một câu pha trò cực đắt như chủ hôn đám cưới làng. Hai vị ấy là chuyên gia cứu nguy. Xác suất tai nạn trận này dự tính là lớn, nên cả hai phải rất sẵn sàng.
Kế nữa là hạ đẳng khách: nghiên cứu viên các Viện nhỏ, đại diện Công đoàn, đại diện phụ nữ, đại diện thanh niên và đại diện phòng an ninh của Viện Lớn, biên tập viên một hai tạp chí… Xin bạn đọc đừng ngạc nhiên, khoa học của chúng tôi luôn là một Mặt Trận, nguyên tắc tối cao là không được thiếu tuyến quân nào.
Sến khoan thai tiến vào, tài sắc vẹn toàn đội thêm vương miện quyền uy, Ngọc Hân chăng? Ỷ Lan chăng? Kìa Viện phó của chúng tôi đã bỏ rơi các giáo sư, bay vù đậu xuống bên em, trời ơi anh ta sắp nhấc em lên, đặt cạnh lẵng hoa khổng lồ trên bàn chủ toạ, và hội trường sẽ vỗ tay nhiệt liệt. Ôi, mĩ nhân, mĩ nhân vô danh, em cần gì đâu một giấy mời, một danh thiếp, em quả là thứ duy nhất chúng tôi không trù bị nổi. Nửa năm trời, ba mươi sáng thứ hai cộng ba mươi mốt sáng thứ năm là sáu mươi mốt cuộc ngồi, chúng tôi không làm gì khác, chỉ tính toán và lo âu vấn đề nhân sự của hội nghị. Phái Ấu Cơ đầu này không được nói chuyện riêng và phái Việt Bắc đầu kia không được tự tiện lẻn ra ngoài, chúng tôi tả hữu ở giữa cố mà nhớ những thông tin khẩn mật về danh sách khách dự hội nghị: Một vị không được mời thì chửi vung lên. Một vị để tán phét cho vui. Một vị chắc chắn sẽ phá thối nhưng không ăn thua. Một vị hơi cực đoan nhưng như thế mới dân chủ. Một vị chuyên tung ra các vấn đề mà không chịu giải quyết, nhưng không sao, hội nghị này chính là để đặt ra các vấn đề càng nhiều càng tốt. Một vị nhạt thếch nhưng điềm đạm nho nhã, vả lại hội nghị nào cũng mời chẳng lẽ hội nghị này không? Khảo cổ đâu rồi? Vị khảo cổ này hay quên lắm đấy, thỉnh thoảng phải thúc. Môi sinh ở ta tay nào khá? Chết rồi, tay này đang ở nước ngoài, có khi tếch hẳn cũng nên! Văn hoá dân gian mời hai hay một nhỉ, bên ấy những hai phe? Thư viện quốc gia cho qua, dạo này thư viện ăn mày! Huế hết sức quan trọng, xin nhắc lại Huế hết sức quan trọng, có thể họ mời ta cố vấn cho cái festival sang năm có Liên Hợp Quốc tài trợ…
Thế đấy, xin bạn đọc đừng ngạc nhiên, chuyên môn hoá không phải là sở trường của người Việt, mỗi khi có dịp hội họp là chúng ta tập hợp anh tài như khai trương một siêu thị đủ mặt hàng. Hội- nghị-siêu-thị nào cũng giống nhau. Chúng tôi lục tung kho người của nền khoa học quốc gia, nhặt cho đủ quân số để xếp một đội danh dự thổi kèn thật to vào công cuộc đổi mới. Người nào đứng chỗ nào, phùng mang trợn mắt ra sao đã phân cảnh ổn thoả. Bỗng dưng Sến tiến vào!
Từ đám tào lao đứng ngồi lộn xộn tranh thủ hút thuốc của công dọc tường tôi khâm phục Sến và cũng nể ông hàng xóm xế bên phải: mĩ nhân cứ khoan thai nhẹ bước tới chiếc ghế để trống bên ông. Trong bộ com lê của ba mươi năm trước và chín nhừ vì xúc động, suýt nữa thì ông lảng đi, không dám nghĩ phần mình trong cái vinh dự thơm ngát đang mỉm cười sát lại. Ông còn nhìn trộm ra sau để quyết rằng Sến nhắm vào ai khác chứ không phải mình. Cái tích tắc ấy tổng kết chớp nhoáng thói quen nhún phận của ba mươi năm khiến tôi nổi gai khắp người. Bao giờ cũng là kẻ khác được may chứ không phải mình. Mặc cảm về bất hạnh cũng bóp chết tâm hồn như mọi mặc cảm. Ở người trí thức Việt, kèm theo đó là mặc cảm bị theo dõi và kiểm duyệt, và ảo tưởng về trọng lượng xã hội của cá nhân mình. Ông sẽ chỉ là chiếc quan tài chưa đóng nắp nếu quả thực có một cuộc đời tốt hơn mở ra. Vinh quang của ông hẳn là đủ hắt lờ mờ khi xung quanh đen ngòm, nhưng vô nghĩa trong ánh sáng của một ngày bình thường. Ôi các cụ, những ngôi sao cuối mùa chỉ nhấp nháy trong đêm ba mươi!
Nhưng tôi đã hồ đồ. Có lẽ ông Thân đã đưa vội mắt tìm thằng con trai, hi vọng của ông, vô vọng của ông, lúc này đơn giản chỉ là con trai ông, nó đang hầu chuyện một giáo sư ăn mặc sặc sỡ. Thằng nghịch tử đó, đồng nghiệp trẻ tuổi của ông đó, muốn độn thổ nên đánh rơi bật lửa. Khi nó ngẩng lên thì vấn đề cha con không còn thời sự nữa. Cũng trong một chớp mắt, ông Thân lấy lại toàn bộ phong độ nổi tiếng của ông ba mươi năm trước: phong độ của một trí thức Tây học xuất thân Nho gia quý tộc và phải lòng cuộc cách mạng của Việt Minh, một kết hợp lịch sử độc đáo tài tình. Thời ấy, những người như ông nổi bật giữa đám đông. Họ có cái cốt cách điềm nhiên tự tại mà lớp trí thức tân kì nguồn gốc tạp nham không thể có: hai ngàn năm sách thánh hiền cổ kính và mũ cao áo rộng kết thúc ở họ. Họ có cái tinh thần học giả tinh vi thuần khiết mà chúng tôi công chức của một nền khoa học vờ vịt nhố nhăng không thể có: tám mươi năm văn minh Pháp thuộc và Viễn Đông Bác Cổ cũng đến họ là hết. Họ có cái khí phách lãng mạn kiêu hùng của thuở ban đầu, tráng sĩ một đi nào có mong chi đâu ngày trở về, tráng sĩ hôn lên ý trung nhân của chàng là cuộc cách mạng còn vô cùng trinh tiết cái hôn mù quáng say lòng, hôn rồi chết cũng xong. Cho nên tất cả những người được văn hoá, lịch sử, tiến bộ, và tình yêu ùa vào cắt rốn như ông, sau này dù mỗi kẻ một lí tưởng một phương trời, cũng dễ cảm thông nhau hơn là lứa chúng tôi. Đến lứa chúng tôi thì việc khoác ba lô lên đường đã thành nếp, thành luật và lệnh, cái hôn của mối tình đầu đã thành cuộc chung chạ quá lâu ngày, chúng tôi và cách mạng, đôi bên đều nhẵn mặt nhau. Đến lượt những cậu ấm Tân ấm Đủ thì nàng cách mạng rực rỡ thuở nào chỉ còn là một mụ mãn kinh điêu toa và sợ già sợ chết, mụ ấy trát son phấn lên người như hề, hiện nguyên hình là một gái hạ lưu, và mỗi dịp sinh nhật lại đào bới trong kho ảnh lưu trữ cuống cuồng tuyệt vọng hơn. Ôi chúng nó những cậu ấm thời đại biết trút tinh lực hào khí nam nhi vào đâu!
Sến hẳn cũng sững sờ như tất cả chúng tôi: người đàn ông phút trước em vừa gắng nâng đỡ vừa lo bại cuộc, phút sau đã vươn hết chiều cao che chở đàng hoàng lịch thiệp ngời ngời, Sến và ông ấy làm thành một cặp nhìn không chán mắt. Vừa ngắm ngẩn ngơ tôi vừa được biết cái ghen ngầm mất dạy của tôi không ăn thua gì bên cạnh những thằng khác. Thằng Hồng gầm gừ “Hừ, Comeback!”, tôi dịch là “Hãy đợi đấy!”. Thằng trẻ trai này cũng con một ông đồ, đồ xứ Nghệ hẳn hoi; cũng nếm một chút mùi chiến khu, chiến khu 79; cũng Tây học, Tây Liên Xô; lại có chín mươi chín ngọn Hồng Lĩnh yểm sau lưng và làng tổ Kim Liên làm bệ đỡ. Phong độ của y không để cho người ta ngắm mà để cho người ta gờm. Nhiều tháng sau y sẽ làm một người hùng, đánh bạt hào quang của ông Thân lúc này. Nhưng chuyện còn dài… Thằng Tân bây giờ xán lại từ phía sau, một tay đặt lên thành ghế bố nó, một tay ghế Sến, chen vai vào giữa và the thé thốt lên: “Enchanté!”, tôi dịch là: “Mẹ kiếp!” Bạn đọc có thể thấy là tôi đã thu lãi lớn từ những buổi trò chuyện tay bảy trong những tổ chim xì xồ và véo von giọng mũi.
Tôi tìm thấy Đoài trong một xó phòng với ba xấp phong bì đếm dở, mỗi xấp một hạng khách. Nhiệm vụ của anh ta trong mọi hội nghị là tế nhị phát phong bì cho khách. Không có phong bì thì không có hội nghị. Nghề đi dự hội nghị là nghề nhàn và lương cao. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau rất lâu. Tôi luôn giữ một góc nghiêng nhất định chắn bớt đường anh chàng nhìn về phía Sến. Có trời biết vì sao tôi bỗng lo cho cơn ghen của gã cán bộ thoát li này hơn cơn ghen của chính mình. Ở trung tâm ngoại ngữ, Sến dường như thuộc về tất cả mà chẳng của riêng ai. Ở đây Sến đường hoàng cặp đôi với ông Thân. Ý thức sở hữu của anh chàng tiểu nông thế là bị thử thách đáng kể. Đoài đột nhiên thủ thỉ: “Vợ tôi hồi trẻ xinh nhất nàng, ông ạ. Tôi đi nính về, Quảng Trị ông ạ, hai trên bảy, sơ sơ thôi, nấy được cô xinh nhất nàng. Cũng có mấy thằng, giáo viên cấp ba hẳn hoi, bác sĩ nữa, mới nại thằng cha con trai chủ tịch huyện, nhưng cô ấy chọn tôi. Tôi đáng tin hơn những thằng kia, ông ạ. Thằng con chủ tịch huyện bây giờ nằm khóc dở ở Hồng Kông đợi cưỡng bức hồi hương về ăn cám. Nhưng mà tôi ngốc lắm. Cô ấy đi nàm đồng nửa buổi về, máu đầy ở xà cạp, tôi hỏi đứa nào đánh thì ra báo công an, cô ấy chạy vào buồng cười một mình. Hoá ra đán bà họ hành kinh, khiếp nắm, ông ạ. Nần nào về tôi cũng mang một bánh xà phòng thơm, nhưng mẹ con nó cất hết vào tủ, cho thơm nâu, ông ạ, mang dùng nại sợ phí. Nhà tôi ở quê toàn dùng nước mưa. Xà phòng rửa nước mưa không đi đâu, nhờn tay nắm, ông ạ”.
Tôi chuồn khỏi cơn tâm thần của anh hàng xóm sát vách. Mặc kệ anh ta đếm sai phong bì. Nếu thượng đẳng khách vớ phải phong bì dành cho hạ đẳng khách thì ông Viện trưởng chứ cóc phải tôi lo mất chức. Mặc kệ anh ta sờ soạng trong những xó xỉnh cải lương hạng bét của tâm hồn. Mẹ kiếp, tự nhiên lôi vợ ra để tự an ủi! Đời cán bộ thoát li quả là đời lí tưởng, mất mát chỗ này một tí là có ngay chỗ khác bù vào. Nếu thằng Đủ ngồi đây và nó cũng lên cơn thì hội nghị “Di sản và đổi mới” này kể như bị san bằng. Hậu Thánh Gióng cưỡi mô tô phân khối lớn, nhổ phắt sáu chiếc cột trong phòng này vung lên thì dinh luỹ khoa học xã hội tan tành!
Mới ngày nào tôi còn trêu chọc, nhài ra sao rồi ngọc nan ra sao. Sến là phát hiện của Đoài. Anh ta mởi đầu solo một sớm mùa xuân lãng mạn ở ngoại thành, chúng tôi ùa ra đồng diễn một đàn giữa mùa hè như ve đô thị. Trong tấn kịch này đứa nào cũng có cơ hội đóng kép với đào. Nếu khéo bảo nhau chúng tôi có thể luân phiên. Nhưng Đoài là một anh nông dân. Anh ta không chịu chung với năm nhà hàng xóm một con vịt để nó lần lượt đẻ mỗi nhà một trứng. Mới ngày nào đời chúng tôi thong thả, tim chúng tôi an nhàn, đứa nào thân cư chỗ nào mệnh đóng ở đâu đều đã ổn thoả. Bỗng dưng Sến chen vào!
Bảy người chúng tôi là một tập hợp vô duyên. Nếu tất cả cùng quyết chết vì tình thì chẳng hạn Sến họp với cha con Đoài được một nhóm đầu rau; Sến chết một lần nữa họp với cha con ông Thân được một nhóm trầu cau như trong truyện cổ cho hậu thế tiếc thương; nhưng Sến chết thêm lần thứ ba thì vô nghĩa vì tôi và thằng Hồng quyết không thể quyện vào nhau sống cũng như chết.
Ông Thân lên diễn đàn đầu giờ chiều ngày hội nghị thứ hai. Trước đó chúng tôi đã nghe một diễn văn mở đầu của Viện trưởng dài bốn mươi lăm phút, ba báo cáo chính, hai mươi chín tham luận. Các báo cáo đều ngợi ca công cuộc đổi mới và xác định chỗ đứng vững chắc của nền khoa học xã hội, đồng thời tiết lộ rằng trong tình hình mới rất nhiều vấn đề mới đặt ra, hoặc những vấn đề cũ có thể được xem xét lại.
Các tham luận theo trình tự sau:
Tham luận thứ nhất: “Chủ nghĩa yêu nước, di sản quý báu nhất của dân tộc Việt Nam”.
Tham luận thứ hai: “Chủ nghĩa anh hùng, truyền thống sáng ngời của chúng ta”.
Tham luận thứ ba: “Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hôm nay”.
Tham luận thứ tư: “Vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới”.
Tham luận thứ năm: “Sứ mệnh mới của giai cấp công nhân Việt Nam”.
Tham luận thứ sáu: “Sức mạnh của Mặt trận dân tộc - Từ liên minh công nông đến phong trào hoà hợp hoà giải”.
Tham luận thứ bảy: “Những bài học lớn từ cuộc chiến tranh nhân dân”.
Tham luận thứ tám: “Hai ví dụ về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh: Từ Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Tham luận thứ chín: “Chính sách ngụ binh ư nông - một cách nhìn mới”.
Tham luận thứ mười: “Phương thức sản xuất châu Á, những vấn đề của lịch sử”.
Tham luận thứ mười một: “Nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Những bức xúc của công cuộc hiện đại hoá”.
Tham luận thứ mười hai: “Làng cổ truyền. Một vài đề nghị từ khía cạnh phát huy và bảo tồn”.
Tham luận thứ mười ba: “Phác hoạ vài nét về tầng lớp trung nông, tiềm năng và xu hướng mới”.
Tham luận thứ mười bốn: “Có hay không một tầng lớp địa chủ trong lịch sử?”.
Tham luận thứ mười lăm: “Đô thị Việt Nam trong lịch sử và hiện đại”.
Tham luận thứ mười sáu: “Thử giở lại hồ sơ của giai cấp tư sản dân tộc. Một hướng đi mới”.
Tham luận thứ mười bảy: “Chính sách bế quan toả cảng của nhà Nguyễn - Những hậu quả”.
Tham luận thứ mười tám: “Sơ bộ đánh giá vai trò của nhà Nguyễn trong việc thống nhất nước ta đầu thế kỉ mười chín”.
Tham luận thứ hai mươi: “Lại nói về trống đồng và triết học phương Nam”.
Tham luận thứ hai mươi mốt: “Bàn về chữ ‘nhân’ trong truyền thống tư tưởng của người Việt”.
Tham luận thứ hai mươi hai: “Có hay không một tâm thức Việt Nam?”.
Tham luận thứ hai mươi ba: “Tam giáo đồng nguyên, một mô hình lịch sử thuần Việt”.
Tham luận thứ hai mươi bốn: “Tục thờ Mẫu và nguyên lí Mẹ trong triết lí của người Việt”.
Tham luận thứ hai mươi lăm: “Triết lí trầu cau - Bản sắc dân tộc và hiện đại”.
Tham luận thứ hai mươi sáu: “Lược trình phát triển của chữ Việt và vai trò của nó trong công cuộc hiện đại hoá đất nước”.
Tham luận thứ hai mươi bảy: “Tản mạn về công cuộc khai hoang trong lịch sử và chính sách kinh tế mới hiện nay”.
Tham luận thứ hai mươi tám: “Tiền cổ Việt Nam – Vài suy nghĩ bước đầu về kinh tế thị trường”.
Tham luận thứ hai mươi chín: “Phôn cơ lo, một quan niệm hiện đại”.
(Tôi xin chép lại nguyên văn tên các báo cáo khoa học như vậy để bạn đọc ngoại đạo dễ hình dung thế nào là một hội nghị khoa học cấp nhà nước trong giai đoạn đổi mới.)
Ngày hội nghị thứ hai, Sến cuốn tóc cài trâm mặc váy áo đầm, em bảo hôm qua em di sản rồi hôm nay đổi mới. Hôm qua Sến sánh vai ông Thân đi khắp hành lang. Bạn cũ, người quen và học trò của ông ấy chẳng biết ba chục năm qua ở đâu bỗng kéo ra như kiến. Bắt tay vỗ vai giật áo ông ấy, hỏi thăm ào ào, ai cũng tranh thủ đứng một lát gần Sến. Ngửi em, sờ em bằng mắt láo liên, nếm em bằng lưỡi liếm môi khô. Dường như chủ toạ cố tình kéo dài buổi giải lao. Ai bảo các nhà khoa học khô khan chúng ta không đa tình! Một phút nữa hai phút nữa ba phút nữa, tôi phải làm một cái gì đó thật anh hùng hiệp sĩ. Giải phóng mĩ nhân, đưa nàng về chỗ an toàn, lập một vành đai chống đỡ. Ôi các em, sóng gió các em gây ở đời chưa đủ sao mà phải tới đây, tâm trí nào chúng tôi làm bác học! Tôi than thầm một tiếng nam nhi não ruột như thế rồi mọc lên trước mặt Sến. Trước mặt Sến tôi quên khuấy kế hoạch hiệp sĩ. Từ khi biết Sến chưa bao giờ em hiện ra ngọc ngà như thế. Thánh thiện như thế. Hai cái nốt ruồi đầy quá khứ. Ngực cong vời vợi. Môi đầm đìa…
Ông Thân tham luận về truyền thống dân chủ của người xưa. Ông tra về gốc la tinh của cái từ sang trọng đề mô cờ ra xi. Ông dẫn nghĩa theo Từ Nguyên. Ông trích đi trích lại câu thánh hiền “dân vi trọng quân vi khinh” và câu á thánh hiền “nước chở thuyền, nước lật thuyền”. Vua xắn quần lội ruộng và tướng sĩ hoà nước sông chén rượu. Những tấm gương cũ một lần nữa được mang ra soi. Bách gia chư tử từ bên Tàu được kéo sang ta cũng thành một tiềm năng trăm hoa đua nở. Đến chỗ ông diễn giải cái tinh thần ruột rà hoà điệu của nền văn minh “quốc-gia-làng-xóm” và xoáy vào cái đơn vị nổi tiếng là làng với những truyền thống quý báu của nó thì tôi mất kiên nhẫn và quay sang ngắm Sến. Sến ngồi thật thẳng, môi hé trìu mền, đùi khép đoan trang. Quả thật khối tri thức cổ kính tuôn trào trên bục hội nghị kia chẳng liên quan gì đến em. Tôi không muốn khẳng định rằng Sến từ trên trời rơi xuống giữa đám Từ Thức chúng tôi, vì em trần tục lắm. Nhưng Sến là một thực thể phi lịch sử. Quá khứ của em nằm trong tủ áo. Cái sơ mi tím này Sến mặc duy nhất một buổi chia tay mười lăm năm trước, thời ấy màu tím là màu đau tim nên em nhất định may áo tím. Bộ váy áo nhiễu loạn kia Sến sắm đại trong một cơn khùng, mỗi lần lên cơn là em đi mua sắm; cơn khùng năm ấy hẳn say máu lắm, nên áo xống mới đỏ rừng rực lượn lên lượn xuống nhằng nhịt thế kia. Một đống áo mút cổ lọ xếp xó, cái thời áo mút phân phối, một cái cổ lọ màu hoàng yến thò ra ngoài sơ mi ve nhọn đã là bao nhiêu ý thức thời trang! Còn những chiếc slip nữa, không phải chiếc nào cũng bé bỏng thơm tho: chiếc thì nhàu nát chán chường, chiếc thì e ấp trinh bạch, chiếc mỏng tang như áo ma, chiếc cục mịch quăn queo như mo nang chưa ép. Cái đống lá đa nhà chùa ấy cho thấy Sến chẳng ngại dấn thân. Một lòng cầu thị như thế đi suốt những biến cố thời trang, em can trường của tôi, Marie Sến! Tủ áo của Sến với tôi là một bài giảng cỡ thánh hiền. Đức mặc ở em cũng như đức ăn, hai cái phẩm hạnh con nhà bình dân, một tinh thần phơi mở rộng rãi tuyệt đối. Em có thể ăn đất uống sông và mặc mây trời cũng hăng hái tự nhiên như khi lỉnh kỉnh nai nịt bằng những sợi chất dẻo đính kim tuyến. Không kén chọn, không thành kiến, chỉ một lòng yêu sốt sắng mù loà, một nhiệt tình sống ôm đồm rối rít, và có lẽ một chút thiên về những gam đồng bóng phô phang, Sến liên quan gì đâu đến những ông vua hiền vua ngu và những truyền thống không hề có trong hiện tại!
Trên kia ông Thân vẫn tiếp tục mạch tư tưởng. Tôi hân hạnh được biết cái mạch ấy. Đại loại như thế này: các nhà khoa học cấp tiến nhất của chúng ta trong khi day dứt khôn nguôi về thực trạng đất nước thì chia làm hai phái. Phái cấp tiến cực đoan thì phang tuốt, Đảng, Bác, Các Cụ Mác Sờ Lê Nin, chủ nghĩa, cơ chế, hệ thống, vân vân. Đấy là những thứ đáng bị đánh đòn, đã đành, đến dân tộc, lịch sử, truyền thống cũng không có cái nào được tha. Hai ngàn năm (phái này chỉ công nhận hai ngàn năm lịch sử Việt Nam) kém phẩm chất tuyệt đối. Có nghĩa là tình thế của chúng ta hoàn toàn vô vọng. Muốn tiến bộ canh tân chỉ còn cách nhổ tận gốc nước Việt, khuân sang trồng ở Âu Mĩ mà thôi.
Phái cấp tiến ôn hoà thì đi giữa ranh giới của những giá trị tích cực và những giá trị tiêu cực, họ có cái vẻ tự tin thót ruột của những nghệ sĩ đi trên dây. Phương châm của họ là phê phán sự phê phán có tính chất phê phán. Thoạt nghe tương đối rối mù. Nhưng tôi có hân hạnh được nghe đi nghe lại, ông hàng xóm xế bên trái tôi là thủ lĩnh phái này, lâu dần tôi cũng nắm được nghệ thuật giữ thăng bằng trên độ cao trí tuệ của những nghệ sĩ lão luyện đó. Họ đầy tinh thần phê phán, đấy là điều không cần bàn cãi. Và đầy lương tâm. Đạo đức. Tư cách. Trách nhiệm. Đức tin. Tất cả những phẩm chất ấy cùng bảo nhau họp lại trong một biện chứng pháp đứng đắn như trời trồng. Giả sử họ nói sai cũng không ai trách, vì ai dám trách một nhân cách đáng khâm phục nhường ấy! Khi các nhân cách lớn tha thiết tự bày tỏ thì những vấn đề của khoa học và tổ quốc dường như cũng tự động được giải quyết. Thế là tác giả hài lòng, độc giả mãn nguyện. Không nơi nào trên thế giới có một nền khoa học thân tình dễ chịu hơn. Tôi cũng nghe thủng mọi ý tứ của các nhà bác học cấp tiến ôn hoà, cũng chiêm ngưỡng họ thi đua nhân cách, nhưng thú thực nghe nhìn xong ít khi nhớ được điều gì. Có lẽ vì ý kiến họ na ná nhau, nhân cách họ từa tựa nhau, họ lại có tật nói dài, nói rất dài, người này lặp lại người kia và lặp lại chính mình không mệt mỏi, không đếm xỉa đến sức khoẻ của người nghe và dán đầy trích dẫn Đông Tây lên trụ cột tư tưởng như những cột áp phích kín mít. Ai không theo phong cách đó có thể bị coi ngay là thất học, hay chưa chín muồi. Họ có thể là những ngòi nổ, đấy là điều không cần bàn cãi, nhưng cái cách họ nổ ra những vấn đề thì, xin lỗi, sặc mùi trưởng giả. Và bạn đọc chẳng lẩy ra được một xu hài hước nào ở họ đâu, như đã nói, các nhà biện chứng ấy đứng đắn như trời trồng, cười tủm trước mặt họ là thiếu lịch sự hơn đánh rắm. Người nào trong số họ tự cho mình có uy mua thì mủm mỉm cười gật gù: bạch mã phi mã. Đố người Việt nào chỉ biết quốc ngữ hiểu được cái uy mua ấy.
Các nhà cấp tiến cực đoan thì ồn ào bi đát, các nhà cấp tiến ôn hoà thì nghiêm trọng dài dòng. Tìm thầy, kết bạn, xe duyên tri kỉ trong thời buổi này nếu không được số phận bịt mắt dắt tay thì khác nào đi chọn xe máy ở phố Hàng Bông, cuối cùng bạn cũng mất kiên nhẫn mà nhảy đại lên một chiếc. Nếu không, bạn hãy về nhà tự yêu lấy tốc độ di chuyển của mình.
Nhưng hãy trở về chỗ ông Thân trên bục hội nghị. Không phải ông ấy sùng bái quá khứ. Không phải ông ấy phiến diện hời hợt. Các nhà biện chứng vĩ đại thì sâu sắc toàn diện và bao vây con mồi tư tưởng của họ từ mọi phía. Tôi biết ông Thân dài dòng Thi vân Tử viết từ Khoá Hư Lục sang Những bản thảo kinh tế chính trị và sắp sửa cho Trần Văn Giáp ngồi cạnh Trần Văn Giàu, Lê Quý Đôn cạnh Lê Thành Khôi, rồi BEFEO, CEFEO, PEFFEO, những Woodside, Tsuboi, Jamieson, Condominas… được giăng ra như lưới, chỉ để ông khoai thai đứng trên bờ, từ từ, rất từ từ, cất lên mẻ cá gồm một chú cá tư tưởng duy nhất mà ông dày công chăm bẵm mấy chục năm đợi dịp thả xuống để rồi cất lên trước ồ à của toàn thể công chúng mắt sáng ngời. Theo thiển ý của tôi thì cái động tác cất lên thả xuống đó hơi phiền hà, và cái tinh thần ngư ông phương Đông trong trường hợp này rất đáng sốt ruột. Nhưng rút cuộc thì tôi không bịt mồm ba chục năm, tôi chỉ không có gì đáng nói để nói mà thôi. Ở địa vị ông ấy chắc tôi còn rung đùi bệnh hoạn hơn để thưởng thức dài hơi mẻ lưới ăn chắc của mình.
Đã mười lăm phút. Đề mô cờ ra xi chưa gây rắc rối cho ai. Công chúng không phải những con nhà chài thiện nghệ để rung động khi chú cá cưng của ông Thân quẫy đuôi tế nhị. Đấy là công chúng của ngày hội nghị thứ hai, đầu giờ chiều, sau ba báo cáo chính và hai mươi chín tham luận. Đấy là công chúng đã nhận xong phong bì. Hai phần ba thượng đẳng khách đã toạ trong những hội nghị khác: vinh dự này không của riêng ai. Một nửa trung đẳng khách đã biến mất sau ngày hội nghị thứ nhất, họ đã nói xong phần họ và không có nhu cầu nghe ai khác, tôi không nói ngoa, phàm là giáo sư thì biết tỏng nhau. Một phần ba hạ đẳng khách không trở lại nữa. Khách khứa còn non nửa và đội nhà cũng rệu rã lắm rồi. Hai cô cuồng báo thì đã tót đi đọc báo. Bốn chị em khác đang ngồi xổm chọn cá ở chợ Hôm và thêm năm chị em nữa bôn ba đến nhà trẻ. Ba chị em vắng mặt không rõ động cơ. Phái Âu Cơ để lại một nữ phó tiến sĩ trong phòng hội nghị. Nàng tiên trí thức này sẽ đọc tham luận thứ ba mươi mốt. Chúng tôi, đám quần chúng vừa tả vừa hữu, vương vãi trong năm quán nước trà và ba quán cà phê bao quanh Viện. Tám cứ điểm trọng yếu này lập thành một vành đai chất lỏng kì diệu bọc êm thành luỹ của khoa học. Thằng Tân, thằng giẻ rách hoang tưởng, đôi khi cũng biết hóm. Nó chia phương định hướng, gọi tên tám cái tiền đồn ấy là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Li, Khôn, Đoài. Ai rủ nó ra quán, nó khinh khỉnh chặn trước: ”Phục Hi hay Văn Vương?”. Là những định hướng khác nhau đáng kể. Bạn ngẩn tò te nó sẽ coi bạn là mù chữ, không đáng cùng nó uống một chén trà.
Đấy là công chúng của ngày hội nghị thứ hai, đầu giờ chiều. Muốn chinh phục nó bạn phải đốt pháo đùng. Tiếng pháo tép của ông Thân bật lên từ một cõi lòng thiết tha, nhưng tế nhị quá. Ông đang vùi những suy tư của một đời nín nhịn vào chiếc gối phồng của sự uyên bác. Giữa tiếng ngáy bất tận của các dữ kiện lịch sử, lời tâm huyết của ông rời rạc thảng thốt như lời nói mê mấy ai lưu ý. Rằng đề mô cờ ra xí nằm trong huyết thống dân tộc này. Tôi chua tiếp: Phải trả lại dòng máu sang trọng ấy cho dân tộc, cho xứng đáng với cha ông! Rằng người Việt chúng ta vốn khoan dung với mọi trào lưu tư tưởng khác mình. Tôi chua tiếp: Ôi cái dân chủ đa nguyên! Và ở đâu đó trong cái hội trường mệt mỏi này, thằng con trai duy nhất của ông đang lẩm bẩm câu kinh biết rồi khổ lắm nói mãi. Cái khổ của thằng con là phải nghe. Cái khổ của ông bố là không được nói. Gia đình trí thức hiện đại của chúng ta gồm những chiếc miệng chỉ mấp máy trong mê và những chiếc tai đút nút chăng? Nghe bi đát quá. Vân và Kiều ơi, cha không có gì để nói nhưng sẽ hò hát bông phèng luôn luôn, và các con nhớ đeo toòng teeng cho những chiếc tai xinh luôn sinh động!
Còn Sến, Sến một mình vỗ tay như bé Măng Non trong chương trình Những bông hoa nhỏ của truyền hình, và cần cổ phu nhân vươn như chân Chùa Một Cột, ngực gái một con dào dạt chìa ra đón người hùng, người thả lưới vĩ đại từ bục bước xuống. Sến lục túi lấy một lát sâm. Cách ba hàng ghế tôi nghe lời em ân cần “Nam Triều Tiên xịn đấy anh ạ, không phải sâm mậu dịch đâu, ngậm đi cho lại sức”. Ôi mĩ nhân, mĩ nhân, con người bình thường và trần tục nơi em làm mủi lòng tôi ấm lòng tôi, tôi lại biết phải lòng em là hợp lẽ.
Nàng phó tiến sĩ của Viện tôi đã mào đầu xong về “Phụ nữ Việt Nam, truyền thống và hiện đại”. Nàng đeo kính và để tóc xù, trông cũng ra một hiện tượng. Sến hay trách tôi ác khẩu với đàn bà. Vâng, sự âu yếm của tôi nó nhếch nhác méo mó. Nói chung cái quan hệ đực cái ở ta nó nhếch nhác méo mó trong phạm vi toàn quốc, không chỉ riêng nơi tôi. Đàn ông dương vật buồn thiu, đàn bà cạn khô suối tình. Chỗ nào rào rạt biển tình thì là một biển cải lương chết chìm, một biển cải lương rất sến. Tôi còn một chút âu yếm chưa dùng đến, phải gói ghém vào miệng lưỡi xấu xa độc địa cho dễ bảo toàn. Ngày xưa để thần linh không màng, người ta bọc con yêu vào tên xấu…
Ở địa vị nàng tiên trí thức trên kia tôi sẽ à ơi – ru con cho cử toạ ngủ gật được yên tâm thiếp đi. Ông Viện trưởng sẽ đánh thức họ dậy. Có thể tin vào kinh nghiệm đọc diễn văn bế mạc của ông.

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 165

Return to top