Con Sáo
Nguyễn Tấn Phong
Thằng Thà mê con sáo của chú Bảy Tửng quá trời. Con sáo có cặp giò và cái mỏ vàng như nghệ mà dì Út Thêm thường lấy trộn với bột đổ bánh xèo cho nó ăn. Nhất là lông trên đầu con sáo thì khỏi chê, hung hung vuốt ngược về phía sau mướt rượt giống tóc mấy anh kép đóng tuồng cải lương xã hội. Bị nhốt trong lồng thì thôi, bữa nào chú Bảy thả nó ra ngoài, ngó thấy bộ dạng thằng Thà ló qua là nó sà xuống vừa mổ, vừa đá túi bụi, miệng còn la bải lải: “Có khách! Có khách!”. Nhiều lúc bị đá, bị mổ trầy chân, thằng Thà đâm quạu lầm bầm: “Khách mẹ gì, coi tao như ăn trộm thì có, đồ vừa đánh vừa la làng”.
Vậy mà thằng Thà vẫn mê con sáo. Mê ở chỗ nó biết nói tiếng người. Nuôi được con sáo nói tiếng người đâu dễ, công phu lắm. Trước, thằng Thà cũng có một con sáo, sáo nghệ đàng hoàng. Nuôi từ lúc ra ràng cho tới lớn tốn biết bao ớt hiểm cho nó ăn, rồi lột lưỡi cả chục lần nhưng cốt sáo vẫn hoàn cốt sáo. Dạy nó cứ ngớ ra không nói được tiếng nào cho đến một bữa thì lăn đùng ra chết.
Thằng Thà nghĩ, coi vậy mà chú Bảy hên thiệt, không tốn công gì cả mà lại có con sáo ngon lành. Bữa đó chú đang phát cỏ mướn trên ruộng ông Sáu Săn thì mưa giông kéo đến mù trời, mù đất. Chú quăng phảng chạy vào núp dưới gốc còng, hút hết hai điếu thuốc rê trời mới tạnh. Con sáo ở đâu hổng biết bay đến đậu ở rễ còng bên cạnh nhìn chú thân thiện quá trời. Chú vỗ tay la hù... hù... mà nó vẫn không bay lại còn cúi xuống quẹt quẹt cái mỏ vô chân rồi ngước lên nghiêng nghiêng cái đầu ngó chú như cố ý hỏi: “Làm gì dữ vậy cà, thấy tui đẹp hông?”. Chắc của ai ở đầu vàm nuôi thả cho đi chơi rồi lạc chứ gì. Nghĩ vậy chú chộp đem về luôn.
Tính nuôi vài ngày chờ khi chủ nó biết đến xin thì cho lại, nhưng chờ mỏi cả cổ vẫn không thấy ai, chỉ thấy thằng Thà mò qua hoài. Mỗi lần qua, chọc cho con sáo nói đã, nó lại chống cằm thòm thèm : “Chú Bảy có con sáo ngon thiệt hen. Tui mà được con sáo như vầy thì còn gì bằng!”. Nó chỉ nói xa xôi thôi, vậy mà chú Bảy lại la hoảng: “Trời! Cho sao được mậy, chủ nó lại đòi thì kẹt tao lắm”. Chủ biết đâu mà đòi? Thằng Thà tin chắc vậy! Con sáo đã khôn đến cỡ này thì ít khi bị lạc. Nó bị lạc tức là ở xa lắm chứ không phải ở cái rạch này. Giông, gió mạnh quá thổi nó dạt về đây nên quên mất cả lối về? Vậy là chú Bảy cũng mê con sáo như nó nên nói khéo.
Riêng dì Út Thêm khi biết được rầy: “Mầy để ảnh nuôi cho có bạn”. Rồi dì chép miệng than: “Tội nghiệp, ảnh có một mình!”.
Chú Bảy Tửng có một mình hồi nào cà, còn thằng Đô con chú chi? Ừ, mà hai thì cũng như một. Thằng Đô không biết nói, không biết cười, không biết chạy nhảy, chỉ nằm một chỗ kêu ú ớ với hai con mắt trợn ngược lồi ra và màu da đỏ như con tôm luộc. Những bữa ngồi nhậu khi đã ngà ngà say chú Bảy thường đem chuyện mình ra kể: “Hồi đó tui trẻ măng hà... Hồi đó tui nghèo lắm hen (Bây giờ cũng có giàu đâu)... Hồi đó...”. Khi chú nhậu thằng Thà thường lượn quanh ké mồi nên nghe riết rồi thuộc lòng. Nó ráp các đoạn “hồi đó” thành một câu chuyện về chú như vầy: Hồi đó chú Bảy mồ côi không có nhà cửa, sống trên một chiếc ghe ở tuốt miệt Cà Mau, ai mướn gì làm nấy, không có mảnh tình vắt vai nên thui thủi một mình. Tới gần 40 tuổi chú mới gặp thím Bảy, cũng nghèo, cũng một mình sống trên chiếc ghe. Hai kẻ thương hồ cùng cảnh ngộ gặp nhau đâm ra quyến luyến, cuối cùng bàn nhau bán đi một chiếc ghe về sống chung. Rồi thằng Đô chào đời trong rừng, giữa lúc chú Bảy bất lực nhìn thím Bảy nhắm mắt xuôi tay vì bị băng huyết. Thằng Đô sinh ra không có “đô” tí nào mà lại nhỏ thó èo một như con mèo, da lại đỏ au, đỏ hơn mặt người say, đỏ như bị phỏng nước sôi. Đời làm mướn nay đây, mai đó, bữa đói, bữa no, co gì ăn nấy vậy mà thằng Đô vẫn chịu được, nó chỉ không lớn. Mười lăm tuổi rồi, hơn thằng Thà đến hai tuổi mà nó như đứa trẻ lên năm. Năm kia, khi chú dạt về cái rạch So Đũa này thì chiếc ghe đã cũ mèm, sắp rã ra từng mảnh. Thấy vậy bà ngoại thương tình cho chú cất tạm cái chòi để sống qua ngày. Cái chòi bằng tre, mái lợp và vách dừng bằng tàu dừa nước xé, mỗi khi có cơn gió mạnh thổi lại rung rinh giống như cái răng sắp rụng. Cái chòi cách căn nhà ngoại, dì Út Thêm và Thà đang ở một chỉ một cái mương có cây cầu đủng đỉnh bắc ngang. Chú Bảy Tửng ốm, dong dỏng cao, gần 50 tuổi rồi lại để tóc dài phủ ót, râu mọc tua tủa coi bặm trợn mà hiền khô và tốt bụng. Nhờ vậy nên bà con ở đây thương, mần gì cũng hú chú. Từ đầu đến ngọn con rạch So Đũa chỉ trên dưới bốn mươi căn nhà, vậy mà chú có việc hoài, làm không xuể. Khi mần chú không tiếc công, tiếc sức lại không ra giá trước bao giờ, bà con muốn cho bao nhiêu thì cho. Có bữa chú chỉ nhậu một chầu sương sương là xong, ai nài nỉ nhét tiền cho chú, chú lại nguầy nguậy lắc đầu, phủi tay lia lịa: “Thôi mờ, thôi mờ, xóm giềng tình nghĩa là chính”. Rồi khệnh khạng bước đi. Bà ngoại nhiều khi biết chuyện chép miệng than: “Nó như vậy nên nghèo hoài là phải!”.
Đi mần mướn thì thôi, về nhà là chú lụi cụi săn sóc thằng Đô, lau chùi, tắm rửa nó, giặt quần áo nó, túi bụi. Thằng Thà thương nhất cái cảnh, ngày hai buổi khi đi mần mướn về chú Bảy ngồi đút cơm cho thằng Đô ăn. Trước khi đút bao giờ chú cũng lấy cái muỗng gõ gõ vô cái tô kêu: “Ba, ba nè con, cơm... cơm... đi...”. Chắc chú mong thằng Đô nói dữ lắm. Thằng Đô có hiểu hông mà mặt càng đỏ dừ, chân tay quặn quẹo, miệng ú ớ. Cái cảnh đó làm cho ai thấy cũng rớt nước mắt. Còn dì Út Thêm thì rầu rầu “Tội nghiệp ảnh, thiệt là gà trống nuôi con!”. Tội nghiệp riết rồi dì út Thêm thương chú Bảy Tửng hồi nào hổng hay!
Có một đêm khi thằng Thà dò dẫm ra bên hè định trút “bầu tâm sự’” xuống cái mương thì chợt sững lại khi nghe tiếng động ở hàng cây bình bát phía sau chòi của chú Bảy. Thằng Thà bèn quên cái công việc cấp bách mà nó định làm vì sợ bị lộ rồi rón rén bước qua cây cầu đủng đỉnh đến núp ở góc chòi. Thằng Thà đoán trúng phóc, còn ai trồng khoai đất này, dì Út Thêm với chú Bảy Tửng chứ ai. Dì Út hai tay đang bó gối, còn chú Bảy Tửng thì rít thuốc liên tục nên cái đầu thuốc cứ lập lòe hoài. Nhưng sao hai người ngồi nín thinh vậy cà. Bộ tính phơi sương cho muỗi cắn chơi hay sao? Cuối cùng chú Bảy cũng lên tiếng sau mười mấy lần rít thuốc: “Út à, tui biết Út thương tui nhưng tụi mình lấy nhau hổng được đâu”. “Sao vậy anh Bảy?” “Tui nghèo quá mà” – “Nghèo em cũng thương!” “Nhưng tui... tui đâu có thương Út”... Dì Út Thêm nghe tới đó vụt đứng dậy bưng mặt khóc thút thít rồi chạy cái rẹt về bên nhà bỏ lại cho chú Bảy một câu nói cụt ngủn: “Anh... anh ác lắm anh Bảy”. Câu nói cụt ngủn vậy mà làm cho chú Bảy ngồi chết trân một chỗ phơi gió, phơi sương suốt một đêm dài, hút hết cả bọc thuốc rê... Nói chú Bảy ác nhưng nấu được món gì dì Út cũng lén sai thằng Thà đem qua cho kẻ ác ăn. Mỗi lần như vậy dì lại ậm ực: “Người đâu mà... như tên vậy..., tửng quá trời luôn! Thôi, cứ để ảnh nuôi con sáo cho có bạn nghe mậy”.
Mà con sáo của chú Bảy khôn thiệt, giữ nhà giỏi một cây. Hễ xuồng ghe ai qua lại thì thôi chứ ghim mũi vô bến chú Bảy là nó hét toáng lên: “Có khách! Có khách!”. Những lúc chú Bảy đút cơm cho thằng Đô ăn, con sáo lại sà xuống tô gắp mấy hột cơm rồi bay đậu lên vai chú. Nó đứng một chân, còn chân kia làm tay đưa cơm lên mổ ăn. Vừa ăn nó vừa nghiêng nghiêng, ngó ngó thằng Đô như muốn nói: “Sao để chú Bảy đút hoài vậy, thấy người ta ăn hông?”. Khi chú Bảy đi mần mướn nó lại lót tót đi theo. Chú Bảy mần thì nó bay đi chơi, đi tìm mồi. Chừng thấy chú mần hoài không về, nó lại bay đến đậu ở nhánh cây gần đó hét inh ỏi: “Có khách! Có khách!”. Nhưng chú Bảy ngầm hiểu nó đang biểu: “Về đi, trưa rồi!”. Chú Bảy về nó lại bay chấp chới dẫn đường. Càng ngày chú Bảy càng thương nó, thương không thua gì thằng Đô. Mua món gì cho thằng Đô ăn chú cũng dành phần cho con sáo. Rồi một bữa thằng Thà nghe giọng nói lạ: “Ba, ba, cơm cơm” bên chòi. Nó tức tốc qua cầu. Thì ra con sáo nói cái câu mà chú Bảy khi đút cơm nói với thằng Đô. Bao năm trời thằng Đô không nói được, vậy mà mới về ở với chú Bảy mấy tháng con sáo đã thuộc lòng. Thằng Thà khoái trá vỗ tay: “Trời! Con sáo giỏi quá, giỏi hơn cả thằng Đô!”. Nó quay qua chú Bảy tìm sự hưởng ứng vậy mà chú Bảy im re, sao chú không mừng, mắt lại ngó đâu đâu?
Từ ngày con sáo nói được tiếng: “Ba, ba, cơm cơm” thì sức khỏe thằng Đô tự dưng sa sút. Rồi vào một đêm mưa gió nó ra đi, ra đi lặng lẽ như ngày mới đến với đời (bởi nó có nói được tiếng nào đâu). Chú Bảy ngồi bên xác Đô, má hóp vào, da sạm đen hơn, râu mọc dài hơn. Lần đầu tiên thằng Thà thấy rạch So Đũa của nó thiệt buồn.
Rạch So Đũa buồn đến cuối tháng mười mới có một ngày vui. Đó là một ngày gió bấc hiu hiu, trời se se lạnh, bông so đũa nở trắng hai bên bờ rạch, dì Út Thêm lấy chồng. Dì quyết định lấy chồng nhanh như quyết định đi chợ vậy. Trước đám cưới vài bữa, dì biểu nó ra vườn chơi. Dì dẫn nó đi vòng vòng, đi hoài, mỏi cả chân mà không nói gì. Cuối cùng lại dừng ngay chòi chú Bảy, ngay cái chỗ mà dì và chú trước đây ngồi tâm sự. Dì ngó tới, ngó lui, hết ngó gốc bình bát lại ngó cái chòi. Rồi dì thở dài thườn thượt kéo tay nó đi về. Lúc đó thằng Thà thấy dì Út già thấy sợ, già hơn mọi bữa nhiều. Ba mươi mà như bốn mươi mấy năm mươi...
Đám cưới của dì Út tưng bừng cả xóm. Khỏi nói, chú Bảy là người xông xáo, nhiệt tình nhất. Từ hôm trước chú đã lặn lội đi đốn lá dừa nước về che mái rạp, rồi vác lá bông đủng đỉnh về trang hoàng cổng lớn, cổng nhỏ. Hôm đàng trai vô rước dâu, chú cụng ly tá lả, nói cười hả hê. Vậy mà khi chạm cốc với cô dâu, chú rể chú lại ngắc ngứ thiệt lâu mới nói được một câu: “Tui... tui chúc dì dượng Út hạnh phúc nghen”. Rồi chú quay đi chỗ khác dụi dụi con mắt: “Trời, mấy thằng nhỏ nấu nước sao khói bay dữ vầy nè!”. Xong, chú bỏ về chòi nằm rạp như cây sậy bị phảng chém ngang gốc.
Vậy mà hôm sau mới tờ mờ sáng, sương còn phủ kín chú đã sang từ giã ngoại ra đi. Ngoại đang bỏm bẻm nhai trầu, thần người hỏi: “Mầy đi đâu?”. Chú cười gượng gạo: “Thì con đi kiếm chỗ mần ăn mờ dì Chín”. Rồi như sợ ngoại hỏi thêm chú bươn bả bước ra sân băng qua cây cầu đủng đỉnh về chòi. Thằng Thà nối gót theo sau. Đến trước cửa chòi chú không vô mà quay lại nắm tay thằng Thà bóp nhẹ, mắt xa xăm: “Tao thả con sáo rồi Thà..., đừng giận nghen. Mờ kỳ thiệt, đuổi hoài nó không đi, tao làm dữ nó mới bay qua sông đậu ở bụi tra kia kìa. Không phải tao sợ dịch cúm đâu. Tại nghe nó kêu: “Ba, ba, cơm cơm tao... chịu hổng nổi!”.
“Dì Út nè! Chú Bảy còn nói, chú thương dì Út, thương dữ lắm kìa. Thương mới không cưới dì làm vợ vì sợ dì Út khổ. Vì chú bị chất độc da cam, da quýt gì đó. Chú hổng có đi lính đi liếc gì đâu... dân thường hà mà cũng bị!”.
Thằng Thà kể cho dì Út Thêm nghe câu chuyện về bữa chia tay chú Bảy khi dì Út từ nhà chồng quay về thăm ngoại sau đó một tuần. Dì Út ngồi trên sàn nước vo gạo, có nghe nó nói không mà cứ cúi mặt vo hoài, vo mải miết đến đỏ lừ hai bàn tay, vo như gặp phải gạo cũ. Nó ngần ngừ rồi nắm tay dì Út kéo ra sau hè: “Dì Út coi cái nầy nè! Mộ con sáo đó dì Út. Hôm qua con lội qua sông thấy nó chết dưới gốc tra. Chắc nó nói được tiếng người nên bầy sáo sợ không cho nhập bọn. Tội nghiệp, nó chết kiến bu đầy mình mà hai con mắt vẫn mở thao láo hà, vuốt hoài không nhắm lại. Con chôn nó kế bên thằng Đô cho có bạn, để tụi nó đổi tiếng cho nhau, để mai mốt đầu thai khỏi khổ, khỏi phải chết sớm. Ủa... mà sao dì Út không nói, sao mắt dì Út lại đỏ hoe vầy nè?”.