Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> KÝ ỨC TUỔI THƠ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 628 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

KÝ ỨC TUỔI THƠ
Nghiêm Lương Thành

           Ngược dòng thời gian, hình ảnh xa xôi nhất, tính đến thời điểm tôi đang ngồi viết những dòng này, mà tôi có thể nhớ được là cảnh bố bế tôi đi qua cái nhà đang xây dở dang với những cây chống, giàn giáo, xiên, thẳng đan chéo nhau giữa đống gạch ngói vôi vữa tứ bề lộn xộn. Mẹ bảo ngôi nhà ấy được xây khi nhà tôi chuyển từ Cầu Bố vào trong thị xã sau ngày hoà bình lập lại. 


            Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hoá là tỉnh thuộc vùng tự do. Những tỉnh còn nằm trong sự kiểm soát của Pháp thì gọi là vùng tề. Do chủ trương tiêu thổ kháng chiến, người dân thị xã Thanh Hoá đã từng thực hiện một việc chưa từng có trong lịch sử chống ngoại xâm của mình. Những ngôi nhà gạch mà người dân xây được do lao động vất vả và sự tích cóp bền bỉ trong nhiều năm, phút chốc đã thành đống gạch vụn. Những gì thuộc cơ sở hạ tầng thiết yếu đều bị phá trụi, phòng khi giặc tràn vào chiếm được thì cũng chẳng còn gì. Khi ấy, cái thị xã bé nhỏ ấy đã chỉ còn là một cái bãi hoang. Làm ăn, buôn bán, phải nhặt nhạnh từng hào từng xu thật đấy nhưng vì nghĩa lớn, không cái gì mà dân mình không làm được.


            Bấy giờ, cả cái thị xã nhỏ bé ấy chỉ toàn là nhà làm bằng luồng nứa và lợp bằng lá kè. Những vì kèo liền với những cái cột, được liên kết với nhau bằng những cái giằng kèo làm bằng cây duỗn, một thứ cây cùng họ tre nứa nhưng nhỏ và đặc nên vừa chắc vừa dẻo dai. Những cây duỗn này luồn qua các lỗ tròn đục trên thân cột của các vì kèo và được định vị liên kết bằng những cái chốt tre già. Những đận gió lào, trời nóng hầm hập và không khí khô nỏ. Đặt lưng xuống tấm phản, dù đã được lau trước bằng nước cho mát, mà vẫn thấy nóng đến rùng mình. Vào những cữ ấy, thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ hoả hoạn. Mỗi lần như vậy, đi liền dăm sáu nhà là cái chắc. Người ta phải dùng câu liêm để kéo đổ cả những ngôi nhà chưa bị cháy để tạo ra khoảng trống, cách ly ngọn lửa đang rừng rực vô tình lan lần lượt sang các nhà tiếp theo. Để hạn chế cái hoạ ấy, thị xã đã có sáng kiến mỗi tối, vào khoảng chín giờ, mỗi phố lần lượt cử hai gia đình đi các nhà, vào tận bếp khám lửa. Nhà ai quá giờ đấy mà bếp đun vẫn chưa dội nước thì bị đưa ra phê bình ở khu phố.


 Nơi nhà tôi ở là phố Vườn Hoa. Tôi rất thích cái tên ấy bởi nó vừa đẹp vừa nhã. Khu đất của phố tôi, nghe người lớn nói, hồi trước khi thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vốn dĩ nó là một công viên, vì vậy, trong khi chưa được Uỷ ban hành chính đặt tên cho, người dân gọi thế cho tiện, rồi về sau cũng thành tên phố chính thức luôn. Mãi tít ở đầu xóm 3 cùng phố mới có một ngôi nhà hai tầng của hiệu kem An Hưng. Lúc ấy trông nó thật cao sang, đẹp đẽ biết chừng nào. Sau này, khi đã lớn, nhìn lại thấy nó bé đến tức cười. Đấy là ngôi nhà hai tầng duy nhất của thị xã lúc bấy giờ. Bọn trẻ kháo nhau rằng nhà ông An Hưng này là giàu lắm ! Năm thì mười hoạ, có được trong túi năm xu một hào, lũ trẻ chúng tôi kéo nhau đến hiệu kem "sang trọng" ấy, rụt rè đưa tiền ra, mua một vài cái kem que; thứ kem bình dân, que làm từ cây nứa ngâm, đôi khi vẫn còn cái mùi thum thủm, rồi kéo nhau ra vỉa hè, thằng cắn, đứa mút, đứa chưa đến lượt thì bồn chồn nôn nóng: "Cắn chi [1] mà to rứa [2], tau với !". Mấy năm sau, hiệu kem bị nhà nước đóng cửa. Người ta bảo ông An Hưng là tư sản. Ngôi nhà hai tầng cao sang đó liền biến thành cửa hàng bách hoá của nhà nước, còn gia đình ông thì dọn lên sống cả trên tầng hai. Thỉnh thoảng tôi có đến đấy để mua vài thếp giấy viết năm hào hai và tranh thủ ngắm nghía cho vợi bớt niềm mơ ước được sở hữu một hộp bút chì Hồng Hà với 12 vòng tròn đồng tâm được tô 12 màu khác nhau vẽ trên vỏ hộp. Về sau, một lần cậu Dụ, em thứ năm của mẹ tôi, nhân vào Sầm sơn tắm biển cùng mấy người bạn, khi quay trở lại Hà Nội, đưa cho tôi cái phong bì và dặn: "Khi nào cậu đi mới được mở". Tôi làm theo và nhận được mấy chữ viết vội trên giấy "Nhớ chăm chỉ học tập" cùng ba đồng bạc kẹp giữa tờ giấy. Tôi mừng quá, lần đầu tiên trong đời, tôi có được một số tiền lớn như thế, vừa đủ mua được hộp bút chì màu mà tôi vẫn hằng khát khao đó. Thế là tôi chạy ngay một mạch lên nhà ông An Hưng để hiện thực hoá ước mơ của mình.
Ngày tôi còn chưa đi học vỡ lòng, nhà tôi vẫn mở một cửa hiệu vàng bạc để sinh sống như ngày còn kháng chiến. Khách hàng của nhà tôi khá đông, trong đó có khá nhiều người nước ngoài. Mỗi khi có khách nước ngoài vào nhà, mẹ tôi thường gọi: "Con ơi, có mấy ông Liên Xô vào nhà đây này !". Mẹ gọi là để tôi ra xem. Lúc bấy giờ, đã sạch bóng thực dân, tất cả những người nước ngoài có nước da màu trắng đều được mẹ tôi gọi là Liên Xô tất; còn lại, trừ mấy người ấn Độ, thì đều gọi là Tây đen. Mẹ tôi thường đứng sau cái quầy kê giữa nhà, làm công việc giao dịch: mua, bán, nhận, giao hàng gia công với khách hàng. Việc gia công các thứ như nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng cổ ... được bốn người thợ, ngồi sau bốn chiếc bàn kê thành một dãy sát tường bên phải, đảm nhiệm. Bố tôi thường ở nhà trong với tốp thợ cán vàng lá và gia công đồ "Mỹ ký". Đó là những cái găm con bướm cài cà vạt, bộ khuy măng sét, những chiếc gọng kính, những chiếc lược gài đầu ... được chế tác một cách tinh sảo, sau đó đem mạ vàng, trông rất đẹp và sang trọng. Lâu lâu, mua được vàng cám của những người đãi vàng hoặc những vàng kém tuổi của khách hàng, bố tôi lại làm công việc của người "phân kim", biến những loại vàng đó thành vàng cao tuổi (rất ít tạp chất), đạt tiêu chuẩn chất lượng giao dịch. Hồi dân Hòn Mê Ba Làng, Tĩnh Gia di dân vào Nam, nhà tôi lại càng đông khách. Những khi không đủ hàng bán, họ cũng cố chờ, kể cả phải ngủ lại qua đêm, thậm chí đông quá không đủ chỗ trong nhà, phải ngủ cả ngoài vườn nhà tôi. Tôi hỏi:
- Bố ơi, tại sao khách không sang hiệu khác mà mua, mà lại cứ phải mua của nhà mình, phải ngủ cả ngoài vườn khổ quá ?
 Bố cười, nói với mẹ:
- Ôi, thì ra thằng bé cũng biết thương người ! - rồi xoa đầu tôi - Việc này, bố đã bảo khách, nhưng họ không nghe, cứ phải mua bằng được hàng của nhà mình cơ. Thôi, khách đã tin mình thì mình lại càng phải cố gắng để không phụ lòng người ta con ạ !
- Thế sao khách lại tin mình ? 
- Chả phải riêng cái nghề này, làm việc gì cũng thế, phải lấy cái tử tế lương thiện làm đầu. Người ta cũng như mình, phải lao động vất vả mới có được đồng tiền, nên hàng thế nào mình thì nói thế ấy, giá thị trường thế nào thì mình bán thế ấy. Cái nghề này rất dễ lừa khách (ngày ấy chưa có máy móc xác định hàm lượng vàng tinh vi như bây giờ. Việc định tuổi vàng chỉ dựa trên các quan sát trực quan thông qua độ bóng và màu sắc của phần bề mặt chi tiết bị chảy ra khi đưa đèn khò vào), vì vậy càng phải cố gắng, nhất định không được nghĩ đến chuyện lừa đảo, không được bắt chẹt khách những khi hàng hiếm. Có như vậy thì trong người mới thảnh thơi mà làm ăn sinh sống lâu dài được. Khách hàng tin và đến với nhà mình thì cả hai bên đều được lợi: khách thì yên tâm, thoải mái; còn nhà mình thì có thêm việc làm, thêm thu nhập.
Lúc bấy giờ bố tôi chỉ khoảng bốn mươi bốn mốt, người phương phi đẫy đà nhưng cân đối, nước da hồng sáng. Những lúc không ở trong xưởng, thường ăn mặc rất chỉnh. Mẹ tôi bảo bố mặc gì trông cũng đẹp và lịch sự. Tôi chỉ còn nhớ được, về mùa nực, mỗi khi có việc ra ngoài, ông thường mặc bộ đồ màu trắng may bằng thứ vải Toan voa dê dày dặn: quần soóc và cái áo có hai chiếc túi to phía dưới vạt;  Đầu đội mũ phớt, chân đi giày tây cũng trắng nốt. Chỉ có chiếc can là màu nâu. Các bà các cô đến nhà tôi mua hoặc đặt hàng, không hiểu sao, cứ hay đứng gần và cười đùa với ông, răng và mắt cứ thi nhau lấp lánh. Điều đó khiến tôi phiền lòng và chỉ mong sao cho họ chong chóng đi ra khỏi nhà và không bao giờ trở lại nữa. Nhưng thường không được toại nguyện.
Một lần, có một bác nào nào đó ở uỷ ban hành chính thị xã, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng hiền vui, ăn mặc giản dị nhưng nom lịch sự như các thày cô có tuổi là giáo viên từ thời Pháp thuộc chuyển sang dạy chúng tôi, đến nhà nói chuyện với bố tôi khá lâu. Lúc ấy, tôi ngồi gần đó, đang loay hoay vót cái que tre cắm vào một hạt vải để làm con quay, nên nghe được lõm bõm câu chuyện. Bác ấy bảo từ ngày hoà bình lập lại, thị xã ta vẫn chưa có rạp chiếu bóng, rạp hát ... các sinh hoạt văn hoá của nhân dân bị hạn chế và rất nghèo nàn. Mới ra khỏi chiến tranh, nhà nước vẫn còn nghèo, chưa lo được việc này. Rồi bác ấy thuyết phục, vận động ông đứng ra lo dựng lên cái rạp chiếu bóng. Vốn là người hoạt bát, thích các hoạt động xã hội nên cuối cùng bố tôi đã vui vẻ nhận lời. Thế là ông bắt đầu đi vận động tiếp các bạn bè, người quen, cùng góp cổ phần để thực hiện cái công trình ấy.
Thời gian sau, bên một cái hồ nhỏ mà người dân vẫn quen gọi là hồ Máy Đèn, một rạp chiếu bóng đã sừng sững mọc lên, phía trên cùng là hai chữ Hoà Bình đắp nổi chân phương, tên của rạp. Nhà tôi chỉ cách rạp chưa đầy ba trăm mét. Từ đấy thành lệ, cứ chiều chiều, khoảng từ năm giờ trở đi, hai chiếc loa nén của rạp bắt đầu phát ra những bài hát, đại loại như Nắng Ba Đình, Gái thôn Đoài ... và một bài, tôi không biết tên là gì, nhưng có câu: "Đời mới ai ơi, đời mới tuổi thanh xuân như máu đang căng như nhựa sống dâng trào ...". Cuộc sống như được truyền thêm sinh khí. Không khí một vùng quanh đấy trở nên phơi phới, náo nhiệt hẳn lên: Người đi thả bộ hóng mát, kẻ đi xem phim cùng hớn hở, dắt díu, len lỏi giữa những cái xe bán nước mía, sô đa, giữa những gánh hàng rong bán hoa quả, thuốc lá, kẹo, ô mai ... Thuở ấy, trong cái đám quà bánh bán trước cửa rạp, tôi thích nhất là món chè lam Phủ Quảng cứng ngắc, thơm dịu và ngọt phao phảo, thứ nhì là loại bánh đậu thơm bùi màu vàng nhạt, được nén chắc thành hình vuông hoặc tròn, trên bề mặt có một chữ gì đó, giống chữ thọ viết theo khối tròn thường thấy trên áo dài của các cụ ông.
Bố tôi đề nghị dành hẳn ra một hàng ghế tốt nhất trên gác, cấp cho mỗi cổ đông một tấm vé đặc biệt để họ có thể đi xem miễn phí tuỳ thích. Lúc bấy giờ, cầm tấm vé bằng bìa cứng màu hồng trong tay, tôi vui mừng khôn xiết, chẳng thiết ăn uống gì, chỉ ngóng cho mau tối để được đến rạp xem phim. Mỗi bộ phim thường được chiếu từ bốn ngày cho tới một tuần. Khách vào xem phim bao giờ cũng được phát mỗi người một tờ giấy in ti pô giới thiệu các thông tin cơ bản về tác phẩm và tác giả. Tôi rất thích những tờ giấy đó bởi dùng để gấp máy bay thì rất nhẹ và vừa cỡ. Cũng có phim tôi xem đến ba bốn lượt rồi quay ra ngủ lăn lóc trên ghế, đến nỗi có lần, bác soát vé phải đánh thức tôi dậy để về nhà. Tỉnh dậy thấy khách đã về hết, rạp thì mênh mông vắng ngắt, tôi vừa sợ hãi vừa lúng túng ngượng ngịu, bỏ chạy một mạch về nhà, xấu hổ, hàng tuần liền không dám mò đến rạp.
Cùng thời gian người ta bảo ông An Hưng là tư sản, bố tôi và các cổ đông cũng được gọi đi học tập cải tạo. Học tập những gì thì tôi không rõ, chỉ thấy hôm nào về đến nhà, ông cũng thở dài và mặt buồn rười rượi. Mẹ bảo: "Mình phải đến uỷ ban hành chính thị xã tìm lại nhà cái bác ngày ấy đến nhà mình vận động xây rạp thì người ta mới rõ là mình làm theo kêu gọi của nhà nước chứ !". Bố buồn bã lắc đầu: "Tôi đã tìm rồi, người ta bảo bác ấy là người tư tưởng lạc hậu, có vấn đề, không được làm nữa, bây giờ chuyển đi tỉnh nào sinh sống cũng không biết nữa". Cửa hàng của nhà tôi bị đóng cửa, rạp chiếu bóng cũng không được hoạt động. Bố tôi không mặc bộ đồ trắng nữa, cả nhà tôi chuyển sang mặc quần áo ta màu gụ, đi dép cao su bốn quai. Không hiểu sao, một thời gian sau, người ta ập đến khám nhà, quát sẵng và, trừ ngôi nhà đang sống và những đồ dùng thiết yếu, mang đi toàn bộ dụng cụ, đồ làm cùng toàn bộ tài sản đáng giá của gia đình. Tiếc nhất là cái máy cán, là thứ tôi vẫn dùng để cán nắp chai bia cho phẳng ra để đánh đáo. Còn mẹ tôi cứ như ngẩn ngơ vì bỗng chốc bị mất hết tất cả thành quả trong lao động, dè sẻn, tích cóp được trong mấy chục năm trời đằng đẵng. Thời gian ấy, bố tôi trở nên lặng lẽ, ít nói, ít cười, tóc gần như bạc trắng. Bố bảo mẹ:
- Nhà còn ít vốn gửi ông, mình ra Hà Nội lấy rồi đem vào nộp cho xong đi !
- Nhưng có ai biết mà phải khai ra !
- Mình có muốn người ta đưa tôi đi Sơn La Tây Bắc rừng thiêng nước độc không ?! Khi không còn gì nữa, người ta muốn nghĩ gì thì nghĩ, còn tôi thì thấy thanh thản, chẳng còn gì phải giấu diếm cả.
- Trời ơi, nhà mình là người làm ăn tử tế, có làm điều gì thất đức đâu mà phải đến nông nỗi này ! - Mẹ kêu lên, nghe mà ruột gan tôi cứ thắt cả lại.
  Trừ các bác thợ có tuổi như bác Dậu, bác Cược và chú Hoàng kế toán, mấy chú thợ làm cho nhà từ trước, còn bè bạn, những người quen, kể cả nhà bác Vĩnh Tiến được bố tôi giúp vốn giúp thợ mở cửa hàng vàng, thoát khỏi cảnh mùa đông chỉ đắp có manh chiếu lạnh, không thấy ai lai vãng đến nhà tôi nữa. Bố mẹ tôi lại càng buồn nhưng lại quý các bác thợ hơn bao giờ hết. Các bác các chú ấy, hôm người này, lúc người khác, thường hay đến nhà tôi vào buổi tối, khi thì đem đến cho một quả mít, lúc thì mang cho nồi cá trích kho, cũng có bác còn mang cho tôi cả mấy thếp giấy viết nữa ... rồi ngồi lặng lẽ bên cái bàn kê giữa nhà, uống nước, hút thuốc lào và thở dài cho đến khuya. Còn mẹ tôi thì cứ rơm rớm nước mắt mỗi khi như vậy. ở trường học, bọn trẻ cùng lớp dường như cũng xa lánh tôi; cái nhìn của chúng đối với tôi có cái gì đấy như nghi kỵ, thái độ của chúng đối với tôi có cái gì đấy như phải cảnh giác trước một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Giờ ra chơi, tôi thường chơi lủi thủi một mình bên dãy hàng rào găng ngoài cổng trường. Khi tan học, về nhà, ngoài cái Thông con ông Phúc Thịnh, thằng Thọ con ông Phở Đắc ở cùng phố và thằng Phúc con ông Tài Ban ở phố bên, tôi không còn đứa nào thân thiết nữa. Sau này, khi đã lớn hơn và qua các chi tiết chắp nhặt đây đó, tôi biết được thái độ của bọn trẻ cùng lớp ngày ấy là có thật và nguyên nhân là do bố mẹ chúng ngăn cấm, sợ ảnh hưởng xấu về chính trị. Nhưng thật lạ: biết là thế, nhưng trong lòng tôi lúc ấy không hề thấy có một thứ tình cảm xấu nào, dù chỉ là na ná như sự thù hận.
Một hôm, buổi trưa, bố tôi vui vẻ trở về, ào vào nhà, nụ cười sáng rỡ trở lại trên môi, làm ấm lại căn nhà lâu nay đã trở nên lặng lẽ, lạnh ngắt và buồn thảm. Mẹ tôi cũng vui hẳn lên, hỏi: "Hôm nay bố thằng bé có gì vui thế ?". Ông hồ hởi, phấn khởi tuyên bố: "Từ nay mình được là giai cấp công nhân rồi, cán bộ cải tạo đã gọi tôi là đồng chí ! Tôi và hai cổ đông nữa được trên cho làm công nhân ở rạp Hoà Bình !". Từ đấy, bố tôi trở thành người bán vé chính thức của rạp chiếu bóng. Còn mẹ tôi trở thành xã viên của hợp tác xã thủ công nghiệp Sao Đỏ. Do là con gái Nhị Khê, tỉnh Hà Đông cũ, từ bé đã có nghề tiện gỗ trong tay nên được hợp tác cho làm thợ tiện. Cuộc sống gia đình đã ổn định trở lại.
Trước đấy khoảng hai năm, mẹ tôi mắc bệnh tim, phải nằm ở bệnh viện Phủ Doãn. Đến khi lên bàn mổ, người ta thấy mạch vẫn còn nhanh quá, nên hoãn mổ. Sau đó, phần vì sợ, phần vì sốt ruột, bà quyết định không mổ nữa. Ông Tôn Thất Tùng, bác sỹ nổi tiếng của khoa tim mạch, thuở ấy còn đang trẻ, bảo: "Chị mà không mổ, chỉ sáu tháng nữa là chết !". "Chết cũng được, xin cho tôi về với con tôi !" - Bà trả lời và dứt khoát rời khỏi viện trước sự ái ngại của nhà danh y.
Có một hôm đi học về sớm, không có chìa khoá vào nhà, tôi phải lên hợp tác xã tìm mẹ. Lúc đến xưởng tiện, thấy mẹ đang ngồi đánh vật với cái phôi tang trống gõ gá trên ụ quay của cái bàn tiện dọc: Hai chân ì ạch đạp máy, ngực bên phải tỳ vào cái vồ (vừa là cái vồ để lắp phôi, vừa là dụng cụ để tỳ người, tỳ dao tiện khi làm việc) hai tay đang ghì lấy mũi soi mà khoét  sâu vào lòng cái phôi gỗ có đường kính đến hơn hai mươi phân ấy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi suýt bật khóc oà lên. Hình ảnh người mẹ nhỏ bé, yếu ớt, bị bệnh tim vật lộn kiếm tiền nuôi tôi ăn học lúc ấy, sau này vẫn còn đọng mãi, không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Từ đấy, ngoài tiền học phí và giấy bút, tôi không bao giờ xin tiền ăn kem hoặc để tiêu cho những thứ vớ vẩn như trước nữa. Mà nghĩ cũng thấy lạ, con người ta càng vất vả càng chứng tỏ được sự ngoan cường của mình. Mẹ tôi cứ loẻo khoẻo vậy thôi, nhưng rất bền bỉ dẻo dai và từ đó không còn thấy ốm nặng nữa. Đúng như người đời vẫn nói: Ông Trời cũng có mắt, không bao giờ cho ai tất cả nhưng cũng không bao giờ lấy của ai đi tất cả !
Lúc ấy, mọi thứ vật dụng, thực phẩm đều phải mua bằng tem phiếu, nhà nước định lượng cho mỗi người theo từng tháng, từng năm. Vì vậy, thực phẩm trở nên khan hiếm và không được tươi ngon như trước nữa. Có những hôm, thương hai bố con kham khổ lâu ngày, mẹ tôi bèn cho ăn món thịt luộc. Trong bữa ăn, hai bố mẹ, người nào cũng chỉ ăn quấy ăn quá và bảo là đã ngấy lắm, rồi người nọ gắp nhường cho người kia, và cuối cùng, tôi luôn là kẻ vô phúc đắc lợi. Khó khăn, thiếu thốn cũng có cái hay của nó, vì chỉ khi ấy, cái tình của con người mới được vô tình bộc lộ, cảm động mà ấm áp biết bao. Sau này, khi học đại học, tôi được xem một bộ phim tài liệu - bây giờ không còn nhớ được tên của nó nữa - nói về cuộc sống, tình cảm của bộ đội và người dân vùng Vĩnh Linh khói lửa trong những năm thuộc nửa cuối của thập kỷ sáu mươi: Bom đạn, hiểm nguy, cực nhọc, chết chóc, yêu thương, sinh nở, nuôi nấng, niềm vui, nỗi buồn, nhường nhịn, san sẻ ... tôi cũng gặp lại cảm giác ấm áp, nồng hậu, tươi thắm tình người đó. Cho đến cái tuổi ngoài năm mươi, tôi vẫn thầm biết ơn những người đã làm ra bộ phim đó và vẫn không ngừng thắc mắc rằng tại sao, cho đến bây giờ, không thấy chiếu lại và cũng không thấy ai nhắc nhở gì đến những bộ phim như thế nữa. Sự thật, dù chỉ nhỏ nhoi như một mầm sống, luôn có sức thuyết phục hơn cả một trời khẩu hiệu !
Với tôi, có những câu chỉ nghe bố nói một lần, mà cứ nhớ mãi. Một lần, vào một buổi chiều mùa hè nắng nóng, hai bố con đang đứng trước cửa nhà, thấy mấy người công nhân đang dùng cuốc chim sửa mặt đường, tôi bảo: "Họ khổ bố nhỉ ?". Bố quay sang tôi, vẻ không bằng lòng: "Lần sau con đừng dùng chữ "họ" như thế nữa; nghe nó xa cách mà có vẻ như là đặt mình lên cao hơn người khác mà nhận xét. Theo bố thì nên nói là "các bác ấy", như thế thì mới phải đạo mà lại có tình !". Một lần nữa, hồi ấy tôi đang học lớp bốn, trong lúc đưa tôi đi thăm một người bạn của gia đình, bố bảo tôi: "Trong lớp, các thầy giáo đã mất công giảng giải thì con phải tập trung mà nghe. Một là không phụ cái công của người thày, hai là không bỏ sót kiến thức. Ngày xưa, có những người học một biết mười, bây giờ bố mong con học một biết một rồi sau đó tiến lên biết ba bốn". Sau đấy, tôi cố gắng thực hiện, nhưng cũng chỉ dừng ở mức học một biết một là khá lắm rồi và không thể hiểu được tại sao người ta chỉ học có một mà lại có thể biết gấp mười cái mà thày dạy cho. Khi lên lớp bảy, do phải thi chuyển cấp, tôi lo lắng tìm tất cả những đề thi của những năm trước để làm, thử sức mình xem được đến đâu. Trong quá trình đó, tôi mới gặp những vướng mắc, những điều mà thầy không thể nói hết trong chương trình. Cứ sau mỗi lần âm ỉ, vật vã suy nghĩ mà tìm ra được cách làm, so sánh với đáp số đã cho thấy khớp là tôi sướng đến phát điên lên. Sau này, theo cái đà ấy, khi đã được vào cấp ba, tôi thử "học trước" xem sao. Ví dụ như môn toán, tôi thường xem trước phần lý thuyết, sau đó giải hết các bài tập cho phía dưới. Khi đến lớp, học đến chương ấy, tôi chỉ việc ngồi nghe giảng lại và đối chiếu lời giải của thày với bài giải của mình. Những chỗ làm sai thường sau đó không quên nữa. Khi đã vào tuổi thanh niên, một lần, tôi đòi bố dạy cách thắt cà vạt. Bố nghiêm nét mặt, thoáng chút lo lắng: "Cái đó thời này không thích hợp, học làm gì ?!". Sau này, tôi thường nghĩ lại và không thể không thán phục và thầm biết ơn bố về những chỉ bảo, gợi ý của người.
Chưa bao giờ tôi nghe bố nói về Phật về Chúa, nhưng mỗi khi được ăn miếng ngon, bố lại thẫn thờ: "Giá mà ông bà nội còn sống nhỉ !". Thấy một bà, trông hom hem vất vả, không hề quen biết - trạc tuổi hơn mẹ tôi một chút - ngồi gục trước cửa, ông ra hỏi han và đưa vào nhà giã nước gừng cho uống. Khi thấy đỡ thì lấy xe đạp, đạp mấy chục cây số chở bà về tận nhà. Thỉnh thoảng, nhà có thứ gì ngon ngon, bố lại bảo tôi: "Đem sang cho anh em thằng Hùng cùng ăn !". Hùng là đứa thường chơi với tôi dạo ấy, con nhà bác Mậu Thịnh, ngày trước cũng mở hiệu vàng, bác trai lúc ấy đã mất, bác gái làm ở hợp tác xã cơ khí Hợp Tiến, ở vậy nuôi ba anh em nên cũng vất vả, thiếu thốn. Một lần, lúc ấy đang là kỳ nghỉ hè, hứng chí lên, tôi rủ lũ trẻ cùng chơi: "Về nhà tao làm thịt gà !". Cả bọn vô cùng khoái chí, cười tít cả mắt rồi lập tức kéo về nhà tôi. Giữa lúc thằng Hùng "Rê-néc-béc-ga-mốt" (Đầu nó giống hình quả lê có cái tên đó, được in trong sách giáo khoa thời đó) đang loay hoay cắt tiết gà, thằng Tuấn "mè" đang lúi húi đánh vật với cái bếp mùn cưa, thằng Tỉnh "già" thì đang hăm hở trộn bột mỳ với nước để làm bánh rán, mặt mũi lem nhem bột trắng với nhọ nồi ... tất cả đang lăng xăng bận rộn thì ... bố tôi về ! Cả bọn mặt mũi tái xanh tái xám. "Vui quá nhỉ. Nhớ để phần bác cái phao câu nhé !". Bố cười, nói và vào buồng lấy cái xe đạp dắt ra cửa. Trước khi đi ông còn vẫy tôi và thằng Hùng lại dặn: "Cẩn thận củi lửa kẻo hoả hoạn. Lòng gà nhớ phải xát muối lúc rửa !". Thấy vậy, thằng Cu trọc, mặt vẫn chưa hết tái, thì thào nhận xét: "Bố thằng ni [3] dễ tính thật đấy, nếu ở nhà tao thì cứ gọi là đi đời rồi ! Thằng ni sướng thật !". Buổi chiều, mẹ đi làm về, lấy ngô cho gà ăn thì không thấy gà đâu nữa. Bố thấy thế, cười bảo: "Chúng nó làm thịt ăn rồi !". "Chết thật ! - mẹ tôi lo lắng - có biết đường làm không, hay lại ăn sống ăn xít. Đến ngay nhà chúng nó hỏi xem có đứa nào bị đau bụng đau bão gì không !". Khi tôi trở về nói là không có đứa nào bị làm sao cả thì bà mới thở phào: "Lần sau nếu các con muốn ăn thì bảo mẹ làm cho. May mà không đứa nào làm sao. Bố anh ! - mẹ lấy ngón tay dúi nhẹ vào trán tôi - nếu có đứa nào bị làm sao thì tôi cứ bảo cho !".
Ngày ấy không đun nấu bằng dầu hoả hay bằng ga như bây giờ. Các nhà thường xuống nhà máy cưa Mật Sơn mua mùn cưa ở phân xưởng xẻ và những đầu thừa đuôi thẹo của phân xưởng đóng đồ mộc thải ra đem về đun thay củi. Có cả bìa bắp nữa, nhưng chẳng ai mua; vì để làm củi được, còn phải cắt ngắn và bổ nhỏ ra, rất mất công và rất phiền phức. Nhìn đống bìa bắp chất đống ngồn ngộn, theo thời gian mục dần thành đất, bố tôi thấy xót ruột và không đành lòng bỏ đi. Bố quay lại, tìm ông giám đốc nhà máy góp ý rằng nên tìm cách gì đấy, xẻ gỗ cho tiết kiệm hơn. Ông giám đốc cười nhạt, nhìn bố tôi như một nhìn một kẻ ngớ ngẩn, trả lời: "Nhà nước làm ăn lớn, đàng hoàng, chứ đâu lại đi để tâm vào mấy cái chuyện lặt vặt !", rồi hai tay chắp sau lưng, lững thững quay vào phòng làm việc, bỏ mặc cái người ngớ ngẩn, là bố tôi, đứng ngây người ra ở trước cửa căn phòng phía trên có đề hai chữ Giám Đốc to khụ. Thời gian sau, thấy mức sống trong nhà khá hẳn lên, tôi ngạc nhiên hỏi mẹ. Mẹ cười, bảo:
- Thì mẹ vẫn bảo với con là bố nhà mình kiếm tiền giỏi mà !
- Thế bây giờ bố lại kiếm giỏi hả mẹ ?
- Bố mua bìa bắp ở Nhà máy cưa, đem đi thuê thợ xẻ lại những cái bìa còn dày, rồi lấy gỗ đem đóng thành bàn tủ để bán cho người cần dùng. Tốt không kém đồ của nhà nước đóng mà lại rẻ, lại có phần đẹp hơn, kỹ hơn. Người cần là mua được ngay, không cần phải làm các thủ tục xin tiêu chuẩn phân phối, phiền phức mới lại khó khăn lắm.
Lâu lâu sau đó, nhà chức trách phát hiện ra và tìm đến làm việc. Bố tôi trình ra đầy đủ các hoá đơn mua củi bìa bắp của nhà máy và giải thích rằng do bìa bắp to và dày quá, người dân không ai chịu mua, nhà nước lại không dùng, để mục rất lãng phí, lại làm chật bãi tập kết gỗ tròn của nhà máy, nên ông mua về tận dụng đóng đồ cho đỡ phí phạm;  rằng có phải bỗng chốc mà rừng cho ta được ngay một cây gỗ đường kính trên dưới một mét ?!  Không thể hợp lý hơn ! Vì vậy nhà chức trách không thể bắt bẻ được gì. Nhưng vẫn bắt đóng cửa vì đấy là "phương thức làm ăn cá thể", bị nghiêm cấm về nguyên tắc; Thu nhập cao cho riêng mình như vậy là tự mình tách rời khỏi cộng đồng, tập thể; Lập trường tư tưởng có vấn đề, cần phải được giáo dục (!).
Bây giờ, đến thời đổi mới, những người làm như kiểu của bố đều được tặng danh hiệu Năng động, tiết kiệm nguồn nguyên liệu tự nhiên, tự cứu mình và tìm việc làm cho người khác ! Tuyệt đối, từ trẻ nhỏ đến người già, không ai nghi ngờ về tính cao quý của danh hiệu đó !  éo le vốn là tính của đời sống. Vậy, thật khó mà nói trước được điều gì. Hôm qua nấm Lim vẫn còn là một thứ nấm độc, tuyệt đối không dùng thì hôm nay đã là Linh chi đặc dược, rất bổ dưỡng và ngừa được nhiều ác bệnh cho người đời ! Điều đó đã được một số viện nghiên cứu khoa học và những nhà công nghệ dược học bổ sung kịp thời vào kho tàng tri thức chung để mọi người cùng biết và - sẽ mãi mãi, cả những thế hệ sau này - không phải nhùng nhằng bàn cãi, nổi sung, nổi đoá, đôi khi còn làm tổn thương đến cả tình đồng bào nữa. Thì giờ và công sức quý báu dành để làm những việc hiền lành và thiết thực khác: cho mình và cho nhau.
 
 
Tháng 06 năm 2005

 

Chú thích:

[1]

[2] thế


[3]  này



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 153

Return to top