Mớ Tóc Rối
Linh Bảo
Mớ tóc rối từ trong một xó góc nào đó bay ra. Nó không đủ sức để bay cao,vì gió chỉ thổi qua khoảng không đánh phần phật tấm màn căng che nắng, gió không thể thổi tung nó lên, thổi bay nó ra khơi. Đây là sân thượng, một thế giới riêng biệt của hành khách hạng tư trong chuyến tàu thủy từ Hương Cảng đi Pháp.
Mớ tóc rối lẫn lộn của hành khách đàn bà rụng ra. Tất cả bị gió thổi dồn lại, và những sợi tóc tìm nhau, quyện lấy nhau, không phân biệt màu da, chủng tộc. Tóc của thiếu nữ Âu Châu vàng óng ánh, lúc gió thổi tung lên, trông nhẹ như bông tơ phấp phới. Tóc của các cô gái Phù Tang đen mướt, nhưng cứng và thô. Các cô này trông lạnh như tiền. Không ai thấy các cô để lộ ra một cảm xúc gì trên mặt. Một vài nữ khách khác lai Âu Á – hay không lai nhưng cố làm ra vẻ lai - tóc hung hung. Có một bà còn giữ nguyên cả búi tóc xám và hàm răng đen, ngày ngày trải chiếu trên sàn tàu ngồi ăn trầu. Bà trả lời mọi người là bà theo con “ về xứ”, làm các cô Ấn Độ cứ ngẩn người ra. Chắc các cô đang moi móc trong ký ức, để nhớ xem Âu Châu có nơi nào đàn bà ăn trầu, răng đen và ngồi xếp chân xuống sàn gỗ. Bởi vì bà nói “chánh phủ cho tôi hồi hương“ cơ mà! Các cô đen, tóc quăn tít từng sợi một và có vẻ không hợp tác với nhau tí nào. Các cô gái Việt và Trung Hoa, tóc nâu đậm, mềm dịu, óng ả, rất dể thương.
Mớ tóc rối ấy, bây giờ không còn phân biệt được từ đâu đến nữa. Nó bay lung tung trên sàn. Các bà Việt Nam trải chiếu nằm mơ màng ngắm trời mây, thấy nó sà vào đầu mình, vội vã xua như xua ruồi.
Mớ tóc mỗi lần bị hất hủi lại bay đi tìm đất lành dừng lại nơi khác. Chúng nép dưới gót giày một thiếu nữ Mỹ, và nghe được câu chuyện cô ta đang kể với cô gái Việt. Cô Mỹ này được tất cả các bạn cùng đi hạng tư của chuyến tàu gọi là “Công chúa” mà không ai hiểu tại sao. Cô Mỹ rất thích nói, cô gái Việt thích nghe lạiø biết cách gợi hứng, nên hai người bắt được nhau, chuyện nhiều như gặp cố nhân.
Cô Mỹ ngừng tay đan áo bảo:
-Tôi thích con lắm chị ạ. Nếu tôi có một đứa con, tôi sẽ yêu nó vô cùng.
-Chồng chị đâu?
-Tôi chưa kết hôn.
Cô Việt ngạc nhiên hỏi:
-Thế năm nay chị bao nhiêu tuổi?
-Tôi ba mươi lăm tuổi.
- Ờ, ờ ba mươi lăm tuổi à, ba mươi làm thì còn tre ûlắm!
Cô Mỹ cười sung sướng:
-Tôi còn năm năm nữa để sinh đẻ và lấy chồng. Nhưng nếu tôi không gặp lại “ anh ấy “thì tôi không lấy ai nữa!
Cô Việt không dám tỏ vẻ kinh ngạc hơn về tuổi tác. Thực không ai ngờ, cô ấy mới ba mươi lăm tuổi. Đầu tóc cô nửa bạc nửa nâu. Nó đã mang cái vẻ tiêu muối mà phần muối nhiều hơn tiêu. Người cô chậm chạp, bé nhỏ gầy còm. Hình như các khớp xương đã bắt đầu co rút lại. Đuôi mắt nhăn nheo nhưng nụ cười hiền từ vui vẻ, như mắt của bà cười đùa với cháu bé. Thế mà cô chỉ mới có ba mươi lăm tuổi!
Cô nói tiếp:
-Chúng tôi yêu nhau từ thuở mới biết yêu. Anh ấy được mời sang Nga làm cố vấn. Ngày tôi có giấy phép được theo đi thì tàu Nga sang chậm. Tôi đợi hơn một tháng, vẫn chưa có tin tức chắc chắn là ngày nào sẽ có tàu, nên tôi đổi ý, không muốn đi nữa. Tôi đến sứ quán Nga để từ chối không đi, họ giao hẹn nếu lần ấy tôi không đi, thì sẽ không bao giờ được phép đi lại. Tôi ký giấy thuận, và một tuần sau có tàu đến. Chị biết không, tôi gần điên luôn, ốm nằm trên giường suốt một tháng trời.
-Anh ấy bây giờ cưới vợ chưa?
-Chưa, nhưng mà . . . hừ, đàn ông!
-Chị chưa đủ tư cách để chán đàn ông. Chị chỉ yêu có một người và người ấy cũng yêu chị, vẫn còn chờ chị. Có gì buồn phiền làm chị chán được!
-Chị không biết, bên trong còn nhiều phức tạp lắm. Chúng tôi đã trả nhẫn đính hôn ngay sau khi tôi không chịu đi Nga. Về sau, còn có một người muốn cưới tôi, nhưng anh ta bắt buộc tôi phải sống chung với cha mẹ chồng, vì thế nên chuyện không thành. Lại một lần nữa, ù một anh chàng giàu lắm. Anh ta có một cái đồn điền rất lớn, nhưng giao hẹn rằng, cưới xong, tôi sẽ phải về ở nhà quê giữ bò với anh ta suốt đời, nên tôi từ chối.
Cô Việt nói một câu vô thưởng vô phạt:
-Chắc ngày xưa có nhiều người yêu chị lắm?
Cô Mỹ cười sung sướng:
- Úi chà ,nhiều lắm, nhiều lắm . . . nhưng mà . . khó ngửi lắm! Ngay đến anh ấy là người tôi yêu quí, mà nhiều khi tôi cũng chịu không nổi. Chẳng hạn như lúc tôi đang ngồi yên ở bàn, thì anh ấy bảo tôi đi chải đầu, chải xong lại trở về bàn ngồi. Thực là mất hết cả tự do, mất thì giờ, mất công vô cùng!
-Nhưng đời chị chưa từng bị thất vọng. Chưa có kinh nghiệm bản thân.
-Kinh nghiệm của các bạn tôi chưa đủ làm tôi lạnh gáy sao?
-Cũng có thể, nhưng có khi chưa đủ làm mình tin. Vả lại, lắm lúc người ta hy vọng rằng mình sẽ may mắn hơn người khác, hay là lần này không ngu như lần trước. Người ta có thể thấtvọng rất nhiều lần, miễn là không lần nào giống lần nào thì không biết chán, và đời vẫn còn đủ hấp dẫn để tin tưởng, rồi thất vọng một thất vọng mới!
-Với tôi, chỉ một lần để “ làm mẫu” cũng đủ lắm rồi! Món ngon không cần nhiều, chỉ cần ăn lấy vị! Tôi kể chuyện tôi rồi, bây giờ đến lượt chị. Chị đi Âu Châu làm gì?
-“Đi” là một công việc quan trọng nhất trong đời tôi.
-Chị nói sao?
-Chồng tôi nói rằng theo đuổi tán tỉnh tôi là một công việc anh ấy thích thú nhất. Bây giờ, anh ấy coi việc nghiên cứu và theo đuổi tôi là một “ sự nghiệp” trong đời. Còn tôi, trốn chạy anh ấy là một việc quan trọng và thú vị nhất mà tôi phải làm, cũng suốt đời!
Cô Mỹ vỗ tay cười:
-Aha, thú nhỉ! Thế thì vợ chồng chị chắc giống như một đôi gà chọi, gặp nhau là mảnh đất đang đứng phải thành ra một bãi chiến trường.
Một cô Trung Hoa đứng cạnh cũng nói góp:
-Còn tôi, chồng đã có người đàn bà khác săn sóc hộ. Tôi đi Anh. Gia đình cha mẹ tôi đều ở bên ấy.
Cô Mỹ gật đầu:
-Đấy, tôi đã bảo mà: Đàn ông giống như con chó, ai ném mẩu xương là chúng xông đến vồ lấy ngay.
Một cô bé người Ý, ngày thường vẫn ngồi nói chuyện với cả bọn, cắp tay một sĩ quan Pháp đi ngang qua. Cô Tàu gọi:
-Này, lại đây, có chuyện hay lắm!
Cô Ý lắc đầu, kéo vội chàng trai đi nơi khác.
Cô Tàu trề môi:
-Hừ, nó vừa câu được một thằng thì đi riêng ngay. Cứ ngồi đây nói chuyện, ai thèm tranh của nó đâu, mà giấu như .. mèo giấu . . .
Cô Mỹ cười:
-Thôi, tức làm gì, đàn bà giống như con chó, vớ được mẩu xương vụn, vội vàng tha đi nơi khác, ăn giấu ăn diếm một mình, sợ con khác tranh mất.
Cô Việt hỏi:
-Chị nhiều ý kiến thực. Vừa mới bảo đàn ông là chó, đàn bà là xương, bây giờ ngược lại, đàn bà là chó, đàn ông là xương. Vậy đúng thật ra, ai là xương, ai là chó?
-Ai cũng xương, mà ai cũng chó.
Cô Việt thấy cạnh đấy có mấy thanh niên đang nhìn các cô, liền hỏi:
-Thế theo ý chị, mấy anh chàng trai thanh niên anh tuấn kia là đàn chó đang nhìn chúng mình là xương mà thèm rỏ dãi, hay chúng mình là mấy con cho đói, đến một cái xương khô cũng không có để gặm cho đỡ ghiền?
Cả ba cùng phá lên cười, vì không ai trả lời được.
Cô Mỹ bỗng để chân xuống đất, đạp phải mớ tóc rối, vội co chân và kêu rú lên như đạp phải chuột con.
Mớ tóc rối bị vứt tung, bay đi nơi khác. Nó bay là là một lúc, rồi dừng lại trên lưng một sinh viên . Anh chàng đang tán mãnh các cô đi Luân Đôn học nữ khán hộ:
-Các chị phải chú ý lắm mới được. Lúc các chị học xong thì bao nhiêu tuổi? Gần ba mươi, trời ơi, khó lấy chồng lắm! Phải lấy một người ba mươi lăm hay bốn mươi, mà cỡ ấy thì vợ con cả rồi! Chả nhẽ lại “ cưới “ một cậu độ hai mươi lăm, chỉ đáng làm em mình. Mà đàn bà bao giờ cũng già trước, chả mấy chốc sẽ giống như bà lão đi cạnh cậu con trai đầu lòng, còn ra thể thống gì nữa! Chả nhẽ tôi lại khuyên các chị lấy chồng “hỏa tốc” ngay bây giờ! Hừ, đáng tiếc thật! Chỉ có tôi, gọi là “ đáng mặt anh hào”, đáng được các chị sửa túi nâng khăn, thì tôi đã trót có vợ mất rồi!
-Thế còn nói làm gì?
-Chả dám giấu các chị, ngày xưa tôi tán gái giỏi lắm. Tôi đã nói thì kiến trong lỗ, rắn trong hang cũng phải bò ra. Thế mà tôi đã phải theo đuổi vợ tôi đến một năm rưởi, nghĩa là đúng mười tám tháng mới cưới được đấy chị ạ. Trong khi ấy, nếu tôi tán các cô khác, thì lâu lắm cũng chỉ một tháng là cùng.
-Mười tám tháng, đáng lẽ mười tám cô, phải không? Hoài quá nhỉ, phí cả thời gian, có khi may ra được những hơn muời tám cô cơ đấy!
-Tôi nói thiệt mà. Chị đừng vội mỉa mai. Tôi cưới vợ tôi chỉ vì bà mẹ vợ tốt quá, thương tôi quá, tôi nể quá mà phải cưới!
Cả bọn phá lên cười:
-À thì ra thế. Mẹ vợ thương, chứ vợ không thương, thảo nào!
Một cô trông thấy mớ tóc rối sau lưng anh chàng, vội phủi hộ, và cả bọn cùng kéo nhau xuống phòng ăn, vì chuông đã gọi giờ ăn lớp thứ hai.
Trời tối dần, bể yên tĩnh, gió rất nhẹ. Hành khách xuống bớt, chỉ còn vài người ở lại hứng gió đêm. Mớ tóc rối lang thang một lúc rồi dừng lại trên mái tóc của một thiếu nữ Trung Hoa đang ngồi cạnh mấy chàng trai Tây BanNha.
-Em có biết không, khi người Tây Ban Nha chúng tôi yêu, thì chúng tôi làm như thế này: chàng dắt nàng đi dạo ở công viên, chàng hái một đóa hoa đưa cho nàng và bảo:” Tôi tặng em đóa hoa này, dù nó rất đẹp nhưng tình tôi yêu em còn đẹp hơn. Dù đời hoa không bền, nhưng tình tôi yêu em bền vững đến muôn đời, và mùi hương thơm ngát của hoa sẽ mãi mãi phảng phất, vương vấn trong lòng chúng ta”. Chàng để đóa hoa trong tay nàng và nâng tay nàng lên môi hôn.
Anh chàng vừa “ lý thuyết” vừa “ thực hành”. Cô bé vội vàng giật tay lại.
-Bâygiờ em cho tôi biết, ở xứ Trung Hoa cổ kính của em, khi người ta yêu thì người ta phải làm như thế nào?
-Nhà trai phải nhờ bà mối đem lễ vật đến nhà gái để hỏi. Phải sêu, tết, năm bảy lễ. Chàng trai còn phải lễ đến sói trán ra ấy. Lại còn so đôi tuổi này . ..
-Tại sao lại so đôi tuổi?
-Để xem ngày giờ sinh của đôi trẻ có hợp nhau không. Nếu hợp thì sẽ làm ăn thịnh vượng, sinh con đàn cháu đống. Nếu không hợp thì vợ chồng sẽ ghét nhau như quân thù, gia đình lụn bại.
-Thế thì rắc rối quá. Đời mới, cũng nên phiên phiến đi một chút chứ! Con cái, sinh độ hai ba đứa đủ rồi, sinh ra cho lắm, chỉ làm kho åmình, khổ chúng, chứ được ích lợi gì? Với lại, tình của con người phải đi trực tiếp mới cảm thông nhau được, nếu phải qua trung gian, biết đâu chả vì thế mà thành hận nghìn đời?
Anh chàng vuốt tóc cô bé. Thấy mớ tóc rối, anh đưa cho cô xem,rồi vứt đi như đã lập được một kỳcông.
Mớ tóc sà lên vai cô Việt, lúcấy đang đứng ngắm trăng một mình. Một ông lão Ấn Độ, lúc nào cũng say sưa và rất bẩn thỉu, đến cạnh cô ta, hỏi:
-Kìa cô, trăng đẹp quá nhỉ?
Xem dáng cô Việt hơi ngao ngán: Trăng đẹp đến như thế, biển đẹp đến như thế, mà phải ngắm với một lão say.
-Cô đi Âu Châu làm gì?
-Đi cho rộng kiến văn.
-Rộng kiến văn để làm gì? Về Bombay với tôi đi. Xứ tôi rất thịnh vượng, cái gì cũng mua được, miễn mình có tiền. Tôi làm chủ bốn khách sạn, hai chiếc xe hơi. Cô muốn gì tôi cũng sắm nổi. Về Bombay với tôi cô nhé. Ừ đi! Trên tàu này ban đầu ai cũng chê tôi bẩn, nhưng từ khi thấy tôi ký cái ngân phiếu năm mươi ngàn quan cho mấy đứa trẻ mồ côi con Bà Năm, họ hết ghét tôi, không chê tôi bẩn nữa. Nhưng chỉ có một mình cô còn tránh tôi. Tôi sợ đôi mắt sáng quắc của cô. Tôi sợ cái nhìn như đọc suốt tư tưởng trong đầu người ta của cô. Nhưng những lúc cô mơ mộng một mình, tôi muốn uống cặp mắt của cô lắm. Tôi đọc cho cô nghe một bài thơ Ấn Độ dịch ra tiếng Anh nhé...
Cô Việt quay đi nơi khác.
-Cô về Bombay với tôi cô nhéù. Tôi có năm nghìn con bò sữa, đủ cung phụng . ..
Hắn ta thấy mớ tóc rối trên vai cô Việt, lấy tay phủi hộ, làm cô sợ, giật mình kêu thét lên và chạy nhào xuống cầu thang. Anh chàng Tích Lan lúc ấy vừa đi lên, chận cô lại hỏi:
-Việc gì thế cô?
-Lão say. Hắn ta dám tán tôi. Mả phát nhà lão ta giàu thì mặc xác lão chứ! Có mấy đồng xu ten, rồi tưởng là muốn mua ai cũng được!
Cậu bé xăn tay áo, bậm môi:
-Nó dám láo hở, để tôi ném nó xuống biển!
-Thôi,tha cho lão, say biết gì. Mà anh cũng liệu hồn, đừng có làm anh hùng rơm. Chính nó ném anh xuống biển ấy. Gắng lớn lên vài năm nữa, rồi sẽ so găng nhé!
Anh chàng Tích Lan mười tám tuổi ấy gầy gò bé nhỏ, nhưng ngay khi mới từ Comlombo lên tàu, anh ta đã tán một lượt khắp cả các cô. Với ai, cậu bé cũng có vẻ say mê điên cuồng, làm các cô sợ, không dám bắt chuyện. Cuối cùng, hắn viết thư cho một cô bé Thượng Hải mới mười ba tuổi, hẹn là hắn sẽ chờ cô bé sáu năm nữa, làm mẹ con cô bé cứ cười đau quặn cả bụng.
-Thôi chào mẹ nhé. Mẹ về phòng ngủ đi. Có ai bắt nạt, mẹ cứ bảo con.
Cậu bé thấy số phận mình hẩm hiu nên đổi chiến lược, quay ra gọi tất cả mọi người bằng mẹ, để họ trả lời vài câu cho đỡ buồn.
Mớ tóc rối lại theo gió bay tung, bay vòng quanh trong khu vực sàn tàu, cố hết sức vẫn không thể bay cao hơn để thoát ra ngoài. Khi người ta vứt đi, nó lại theo chiều gió bay ngược trở lại.
Trên con tàu lênh đênh giữa bể khơi, có biết bao nhiêu là tinh hoa và cả rác bẩn của bốn phương góp lại. Cuộc sống bị thu hẹp, tuy tầm mắt người ta có thể phóng ra tận biển khơi rất xa, và nhìn lên không trung rất rộng. Nhưng chỉ được nhìn mà chân tay như bị trói buộc, giới hạn hoạt động chỉ quanh quẩn trong phòng ngủ chật không chen được chân và cái sàn tàu đông đúc như họp chợ. Tâm tính của con người cũng đâm ra nhỏ mọn lắm điều. Suốt ngày, mọi người chỉ ngỗi đợi ăn và tán tỉnh nhau, hay chỉ trích, nói xấu lẫn nhau. Rồi nịnh nhau, tâng bốc nhau. Cũng có lúc dìm nhau, tuy không có mục đích gì cả.
Mớ tóc rối không hề được hoan nghênh ấy, đã ngợp với những mẫu chuyện đầy tình người. Suốt ngày, nó bay cuống cuồng trong không gian, mơ được thoát kiếp, được trở về trên mái tóc xanh mướt của thiếu nữ, để được bàn tay yêu mến âu yếm vuốt ve.
Nhưng mớ tóc rối không trở về được với nguồn cội, không tự tiêu diệt được mình, nên chẳng biết đến bao giờ mới gặp lại được bàn tay thân ái.
Linh Bảo – 1959