Dấu chấm than
Anton Pavlovich Tchekhov
Đây là một trong những truyện ngắn ở giai đoạn sáng tác đầu tiên của A. Chekhov, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
__________________
Yefim Formich Perekladin, một viên chức khả kính đi nằm với một tâm trạng vô cùng bực tức, thậm chí ông như phát khùng lên khi vợ ông hỏi có chuyện gì mà lại khó chịu đến vậy, ông gầm lên, hét thẳng vào mặt vợ: “Giời ạ, đừng có mà ầm lên như thế, đồ quỉ già!”.
Sự thể là ông vừa mới trở về từ một buổi tiệc ồn ào mà ở đó, mọi chuyện cứ như chỉ nhằm vào có mỗi một mình ông, làm ông vô cùng ấm ức mà chẳng thể làm gì!
Lúc đầu, họ ngồi với nhau trò chuyện chung chung về vấn đề giáo dục. Nhưng dần dần họ chuyển sang bàn tán về chất lượng đào tạo của các viên chức hành chính trong bộ, mà cũng như ông, chẳng được bài bản cho lắm. Từ đó, họ đưa ra những nhận xét châm chọc, mỉa mai, rồi họ cười khẩy đầy vẻ chế nhạo. Thế rồi, vẫn như người Nga thường làm khi nói chuyện về những chủ đề như vậy, họ mào đầu bằng những chuyện vô thưởng vô phạt để rồi ngay sau đó nhằm thẳng ngay vào một cá nhân cụ thể!
Một anh trẻ tuổi quay sang Yefim Formich Perekladin nói: “Còn bác thì sao, bác Yefim Formich Perekladin? Bác đúng là một ví dụ đấy, bác cũng giữ một vị trí kha khá đấy chứ, phải không nào? một vị trí cũng khá quan trọng đúng không? nhưng bằng cấp của bác thì sao nhỉ?”. “Ồ, không nhiều!”, ông trả lời cộc lốc. “Nhưng cậu biết đấy, chúng tôi đâu có cần bằng này bằng nọ, công việc của chúng tôi là làm sao viết cho đúng chính tả là được, chỉ cần có thế!” “Nhưng ở đâu dạy cho bác viết đúng chính tả, viết đúng ngữ pháp nào?”, anh trẻ tiếp tục. “Ồ, cậu biết đấy, tôi vẫn học theo cách thông thường ấy mà, sau 40 năm làm một công việc gì đó thì chính cậu cũng sẽ trở thành một chuyên gia ngay thôi mà! Dĩ nhiên, lúc đầu cũng sẽ có khó khăn đấy, tôi cũng vậy, nhưng sau đó thì sẽ tìm ra một bí quyết nào đó, ai chả thế!”, ông đáp. “Thế bác sử dụng dấu chấm câu như thế nào?”, anh trẻ hỏi. “Dấu chấm câu ư? Chẳng có vấn đề gì cả, tôi dùng chúng một cách thuần thục!” “Hừ...”, anh trẻ tuổi im lặng một lát rồi tiếp tục: “Nhưng làm mãi mới tìm ra một cách nào đó thì không phải do bằng cấp đúng không nào! Bác có thể chấm các dấu chấm câu rất đúng chỗ nhưng thế thì chưa đủ, bác phải hiểu tại sao bác lại làm như vậy. Nếu bác muốn đánh một dấu phẩy thì chí ít bác cũng phải biết tại sao lại là dấu phẩy mà không phải một dấu nào khác. Thưa bác, việc đánh dấu với bác chỉ là bản năng, chỉ là thói quen không hơn không kém, còn đâu là nguyên tắc của nó thì... đó chỉ là một hành động máy móc, bản năng!”.
Yefim Formich Perekladin chẳng nói được câu nào, cố mở ra một nụ cười gượng gạo (bởi vì anh trẻ lại là con trai một của một vị kha khá trong bộ, và chính anh cũng đang giữ một vị trí chắc chắn trong bộ giáo dục!). Nhưng giờ đây, khi đã về nhà mìmh, càng cố ngủ thì ông lại càng ấm ức, trằn trọc mà không tài nào ngủ được. “Mình đã làm việc được 40 năm - ông nghĩ - cho đến giờ vẫn chưa ai bảo mình là người ngốc ngếch, thế mà cái thằng nhóc này lại dám bảo mình như vậy, mình mà lại chỉ làm theo thói quen ư?, chỉ là “phản ứng có điều kiện” là “ hành động máy móc” thôi ư? Ôi! Quỷ tha ma bắt anh đi! Đồ trứng khôn hơn vịt!.. Tôi biết những điều tôi làm hơn anh chứ, rõ ràng là như vậy mặc dù tôi chưa bao giờ thèm học ở cái trường chính quy của anh cả!”
Giờ đây, trong hơi ấm của chăn bông và sau khi đã rủa thầm cái anh chàng trẻ tuổi thích xoi mói bằng những lời lẽ thậm tệ nhất mà ông biết, ông cũng thấy hả giận phần nào và thấy như dễ chịu hơn. Ông vừa nghĩ ngợi vừa lẩm bẩm trong khi đã cảm thấy buồn ngủ: “Tôi biết.... tôi hiểu chứ... tôi không bao giờ đặt một dấu hai chấm ở chỗ của dấu phẩy, đúng không nào... vì thế là tôi biết tôi đang làm gì chứ! Còn anh đấy, anh bạn trẻ, hãy cứ làm đi... hãy cứ sống thêm một ít nữa đi rồi anh sẽ tha hồ mà cạnh khóe lão già này...!”
Ông thấy bay ngang qua đôi mắt nhắm nghiền của mình trong bóng tối những cái dấu phẩy và cả những cái cười mỉa mai bay chập chờn trong một đám mây bụi, chúng lóe sáng như những vệt sao băng rồi bốc cháy. Cái thứ nhất... cái thứ hai... cứ thế hiện ra vô số những chiếc dấu phẩy nhấp nháy nhấp nháy, chập chờn bay lượn... “Cút hết đi, đồ chết tiệt”, Yefim Formich Perekladin rủa thầm trong đầu khi ông cảm thấy tay chân trở nên nặng nề, ông sắp chìm vào một giấc ngủ mỏi mệt... “Tôi biết quá đi chứ về những con dấu... tôi biết quá rõ về những con dấu... tôi sẽ nói cho anh rõ các con dấu khác nhau chỗ nào nếu anh muốn, tôi biết mình đang làm gì chứ chẳng phải ngẫu nhiên mà làm đâu! Kiểm tra đi, rồi anh sẽ thấy!.. Này nhé... dấu phẩy được đặt ở nhiều chỗ khác nhau, đôi khi chúng cần thiết, đôi khi không. Một tài liệu mà càng phức tạp thì anh lại phải dùng đến chúng càng nhiều. Chúng luôn đứng trước các đại từ chỉ định những khi ta không muốn nhắc lại trong câu những chữ như: “cái mà” “người mà”, v.v. và nếu anh có một danh sách các quan chức cần phải kể ra thì anh phải phân biệt người này với người kia bằng những dấu phẩy... tôi biết rõ như vậy đấy!”
Lại một con dấu phẩy vàng rực, hiện ra lượn lờ xoay tít rồi lại biến mất nhưng ngay lập tức, một con dấu chấm câu sáng lấp lánh hiện ngay ra... “Dấu chấm câu ư... anh phải đặt nó vào khi muốn kết thúc hoặc muốn một khoảng thời gian ngắn để ngừng lại lấy hơi và ngước lên nhìn vào những người đang nghe anh đọc. Sau tất cả các đoạn dài dài một tí, anh cũng phải dùng một dấu chấm, để khi cô thư ký đọc, cô ta sẽ không bị hụt hơi và nói lắp! Đấy, cách dùng dấu chấm câu chỉ đơn giản có thế!”
Những dấu phẩy như mạ vàng lại xuất hiện trở lại, chúng nhập vào với những dấu chấm rồi xoay tít mù, chập chờn, chập chờn... rồi sau đó Yefim Formich Perekladin lại nhìn thấy một lũ những dấu chấm phẩy và dấu hai chấm... “Tôi biết rõ những con dấu này”, ông nghĩ, “khi mà dấu phẩy không thể dùng được mà dấu chấm đã quá nhiều thì người ta sẽ dùng đến dấu chấm phẩy, mình luôn đặt dấu chấm phẩy trước “nhưng” và “vì thế”. Còn dấu hai chấm thì sao? Thì chúng luôn được đặt trước những từ đại loại như một quyết định hay một mệnh lệnh nào đó...” Những dấu chấm phẩy và hai chấm nhạt dần rồi hiện ra một loạt các dấu chấm hỏi. Chúng như thoát ra khỏi bóng tối và cứ như đang nhảy theo điệu cancan của người Pháp.
“Nào, bây giờ đến dấu hỏi chấm đây, có hàng nghìn dấu hỏi chấm chứ gì? Được rồi, ta sẽ tìm ra chỗ đứng cho chúng mày. Người ta thường đặt chúng vào cuối những câu hỏi hoặc yêu cầu gì đó ví dụ như: “Trong quỹ của bộ còn bao nhiêu tiền?” hoặc “Bên công an chắc sẽ không tìm ra đâu nhỉ?”, còn khi mà các dấu chấm hỏi đứng thẳng lên trong trường hợp dùng cho các câu có tính chất phê chuẩn hoặc mệnh lệnh thì chúng lại trở thành các dấu chấm than... Hừ... bây giờ đến cái dấu luôn được dùng khi bắt đầu những lá thư, khi “Kính thưa ngài!” hoặc khi “Thưa đức ông cao quý, người đỡ đầu của tôi!”... Nhưng đối với một bản báo cáo thì sao nhỉ? Dấu chấm than thường đứng cao hơn so với các con chữ, chúng có tính chất chờ đợi, mong chờ một điều gì đó xảy ra, v.v trong một báo cáo, chúng được dùng khi... khi mà... khi nào nhỉ???.. Khi... thực ra là... khi nào nhỉ... xem nào, nghĩ một tí xem nào... hừ!..”
Yefim Formich Perekladin trở mình, mở mắt ra, nhưng khi vừa mới nhắm mắt lại thì những chiếc dấu chấm than lại hiện ngay ra trong bóng tối rõ mồn một. “Ôi quỷ tha ma bắt chúng đi! Mà khi nào thì dùng dấu chấm than nhỉ?”, ông tự hỏi rồi cố quên đi những vị khách không mời mà đến đang lởn vởn trong đầu. “Có phải mình đã thực sự quên cách dùng dấu chấm than không nhỉ? Hay là mình chưa bao giờ phải dùng đến chúng cả?”
Yefim Formich Perekladin cố nhớ lại tất cả các báo cáo mà mình đã viết trong suốt 40 năm qua ở công sở. Nhưng càng suy nghĩ, cân nhắc, ông lại càng không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Ông không thể nào tìm ra một lần nào trong suốt thời gian qua đã dùng đến dấu chấm than cả. “Hãy tưởng tượng xem, một nhân viên hành chính sự nghiệp mà trong suốt bốn mươi năm phục vụ chưa một lần dùng đến dấu chấm than! Chúng biến đi đâu hết cả nhỉ, cái con quỷ gầy gò dài ngoằng ấy!”
Từ phía sau hàng dấu chấm than nhấp nháy như lửa cháy ấy lấp ló bộ mặt của cái anh trẻ tuổi, khuôn mặt ấy như đang cười cợt một cách đầy ác cảm và đắc thắng, những cái dấu cũng như cười cợt theo rồi chúng họp nhau lại thành một cái dấu chấm than to đùng trong bóng tối. Yefim Formich Perekladin lắc đầu rồi mở mắt ra, “Ôi đồ quỷ sứ”, ông nghĩ, “mình phải dậy thật sớm ngày mai mà những điều đáng nguyền rủa này lại không để mình yên, cứ bám riết lấy mình...đồ chết tiệt!”
“Nhưng chúng biến đi đâu được nhỉ, suốt bao năm làm việc mới rút ra được kinh nghiệm mà bỗng dưng với cái dấu chấm than này mình lại trở thành người vỡ nợ, một kẻ ngã ngựa giữa đường! Bốn mươi năm mà chưa một lần dùng dấu chấm than, thật kỳ lạ!”
Yefim Formich Perekladin làm dấu, nhắm mắt lại rồi lại mở ngay ra nhưng cái dấu chấm than to tướng đó vẫn hiện ra rõ mồn một. “Sao thế, không ngủ được à?”, Mafusa, vợ ông hỏi. “Đúng rồi, thử hỏi bà ấy xem,” ông quay sang phía vợ, “bà ấy vẫn luôn luôn khoe khoang là học sinh của một trường nổi tiếng dành cho nữ sinh cơ mà”. Ông liền hỏi: “Bà nó này, bà có biết là dấu chấm than được dùng như thế nào không?”. “Tất nhiên rồi”, bà trả lời. “Thế ông nghĩ là tôi đã bỏ phí bảy năm để học trong một trường chuyên à! Tôi thuộc lòng cách dùng của tất cả các loại dấu, dấu chấm than thì dùng cho những câu cảm thán, chào hỏi, sự bột phát, bùng nổ, khi vui sương thích thú hoặc tức giận và những cảm giác đại loại như thế.” “Vậy à...” Yefim Formich Perekladin nghĩ ngợi.... “Vui sướng, giận hờn hoặc những cảm giác đại loại như thế...”
Yefim Formich Perekladin lại chìm vào suy nghĩ.... “Trong bốn mươi năm qua mình đã từng viết báo cáo, hàng nghìn, hàng chục nghìn cái báo cáo nhưng không thể nhớ lại một dòng nào có cái tâm trạng đại loại như vui sướng, giận dữ hoặc tâm trạng tương tự như vậy trong các báo cáo của mình cả!.. “Và những tâm trạng đại loại như vậy...” Ông phân vân, tự hỏi: “Nhưng có cần tâm trạng, cảm xúc gì không trong công việc của một viên chức thư ký hành chính như mình? Thật ra viết báo cáo thì chẳng cần có cảm xúc gì với chúng đâu!”
Khuôn mặt khó chịu của cái anh trẻ lại ló ra, thập thò hé nhìn từ phía sau cái dấu chấm than đỏ rực ấy, cười cười như thương hại...Yefim Formich Perekladin ngồi dậy, cảm thấy đầu đau như búa bổ, mồ hôi rịn ra trên trán... ngọn đèn nhỏ mập mờ, le lói... vẫn những đồ đạc được xếp đặt ngăn nắp, sạch sẽ và luôn bóng bẩy vì luôn được một bàn tay phụ nữ mềm mại dịu dàng chăm sóc. Nhưng Yefim Formich Perekladin, viên chức hành chính sự nghiệp mẫn cán vẫn cảm thấy ảm đạm, lạnh lẽo cứ như là người đang lên cơn sốt phát ban làm ông mệt mỏi, chán chường!
Cái dấu chấm than không còn ở trong bóng tối, phía sau mí mắt ông nữa mà như hiện ra hẳn trước mắt ông, gần ngay bàn trang điểm của vợ ông luôn nhấp nháy, nhấp nháy một cách ác độc. “Một cái máy viết”, nó lầm rầm y như một con ma, “một cái máy viết” rồi như thở ra một luồng hơi lạnh lẽo bao trùm lên ông: “Một tên làm khoán cục mịch đần độn”. Ông liền kéo cái chăn trùm kín mít lên đầu nhưng cái con ma chết tiệt ấy vẫn chẳng chịu rời. Ông úp mặt vào vai vợ nhưng cái bóng ma quái ác vẫn không chịu biến mất mà lại hiện ra ngay trước mắt ông phía bên kia vai bà Mafusa.
Thế là suốt cả đêm Yefim Formich Perekladin tội nghiệp bị những bóng ma con dấu ám ảnh. Thậm chí cả lúc ban ngày những bóng ma ấy cũng không chịu rời khỏi ông. Ông thấy chúng ở khắp mọi nơi, ở trong giày khi ông xỏ giày, ở trong chén trà khi ông uống nhằm tỉnh táo hơn, thậm chí cả trên chiếc huy chương đeo lủng lẳng trên ngực áo ông. “Những cảm xúc tương tự...”, ông nghĩ, sự thật là như vậy, mình không có cảm xúc, mình sẽ đến để nói với ông giám đốc. Nhưng ông ta biết làm gì đây với những cảm xúc? Không, chẳng để làm gì cả, ông ta cũng chỉ là một cái máy. Một viên chức máy!
Khi Yefim Formich Perekladin đi ra đến đường, gọi một anh đánh xe, trông anh ta cũng như một chiếc dấu chấm than đang đánh xe vậy, cả cái anh vẫn đứng gác ở cổng lối ra vào phòng ông giám đốc nữa, cũng giống y một cái dấu chấm than nốt... tất cả như đang thể hiện với ông về niềm vui, tức giận và cả căm hờn... Cả cái cán bút và cái ngòi bút của ông trông cũng y xì như một cái dấu chấm than! Yefim Formich Perekladin cầm nó lên, hờ hững viết ra cái tên và chức danh của mình: “Yefim Formich Perekladin, thư ký bộ giáo dục!!!”. Khi ông đánh ba dấu chấm than ấy, trong ông dâng lên một cảm xúc thật kỳ lạ, vừa vui vẻ, vừa tức giận lại như vừa có chút gì như sung sướng trào lên trong lòng.
“Đây! hãy giữ lấy, giữ lấy!”, ông lầm bầm, nhấn mạnh vào cây bút trong tay ông. Cái dấu chấm than đỏ rực như đã mãn nguyện vụt biến mất.
1885