Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> Nhà Văn Bà Tùng Long

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 552 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Văn Bà Tùng Long
nhiều tác giả

Tác Giả - tác Phẩm


Nhà văn nữ BÀ TÙNG LONG tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1-8-1915 tại Đà Nẵng, quê nội ở thị xã Hội An. Khi cha về Hội An khai sinh cho con, nhân viên hộ tịch ghi ngày 21-4-1915. Sở dĩ có sự ghi sai ngày sinh của bà như vậy vì bấy giờ Đà Nẵng (tức Touranne) là thuộc địa của thực dân Pháp, nên thân phụ của bà không muốn con mình là dân xứ thuộc địa, mới về Hội An, quê nội, làm giấy khai sinh cho con. Còn ngày tháng trong khai sinh ghi lộn xộn là vì lý do chính trị: Thân sinh của bà lúc đầu làm việc trong một công ty tư của ngoại quốc, có tham gia phong trào Duy Tân do nhà các mạng Phan Thành Tài (cha của Phan Bá Lân và Phan Thuyết, sau này là giáo sư các trường Trung học tư thục Chấn Thanh và Đạt Đức) dẫn đầu. Thân phụ bà làm liên lạc viên cho phong trào. Khi phong trào tan vỡ, ông Phan Thành Tài bị thực dân Pháp bắt đưa lên đoạn đầu đài, và một số khác bị đày Côn Đảo.
Trước hiểm họa ấy, thân mẫu bà lánh về Hội An ẩn náu với mẹ chồng. Bấy giờ bà nội của bà cũng đã già yếu. Vì chữ hiếu, buộc lòng thân phụ bà phải thi vào sở Douanes (Thương chánh – nay gọi là Hải quan). Đó là lý do cô bé Lê Thị Bạch Vân khai sinh ở Hội An và ghi lệch ngày chào đời ở Đà Nẵng.
Vừa rồi, ngày 1 tháng 8, các con của bà có tổ chức buổi tiệc họp mặt mừng mẹ tám mươi tuổi, ngày đó đúng là sinh nhật của bà.
Thời gian thân phụ và làm việc tại Sở Thương chánh Đà Nẵng, bà theo học hết bậc Tiểu học tại đây, rồi ra Huế học trường Trung học Đồng Khánh.
Năm 1932, thân phụ bà đổi vào Sở Douanes Sài Gòn thì bà học những năm cuối ban Trung học tại Collège Des Jeunes Filles Indigène (Nữ trung học Bản xứ), vì nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu tím, cho nên người Sài Gòn quen gọi là trường Áo Tím. (Sau đổi lại là trường Gia Long, mãi cho đến sau ngày miền Nam giải phóng, trường đổi tên Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay).
Bà đã viết cho Trang Phụ Nữ của báo Sài Thành (sau đổi tên là Sàigòn Mới) hồi còn ngồi ghế nhà trường. Ngoài bút danh Bà Tùng Long, bà còn ký Lê Thị Bạch Vân.
Riêng bút danh “Bà Tùng Long” bà đã ký trong mục Gỡ Rối Tơ Lòng cho nhật báo Sàigòn Mới, mục Tâm Tình Cởi Mở cho nhật báo Tiếng Vang, và trên bốn mươi đầu sách đã xuất bản, với mười mấy truyện dài đăng báo chưa in ra sách.
Nhà văn Bà Tùng Long đã đi vào văn đàn Việt Nam với sự ưu ái của độc giả nhiều lứa tuổi thời bấy giờ.
Năm 1935, Bà Tùng Long kết hôn với nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy tại Sài Gòn. Nhà báo Hồng Tiêu là người Quảng Ngãi, chủ bút nhật báo Sài Thành bấy giờ, chuyên trách mục Tranh Xã Hội (Film du Jour), đả phá thói hư tật xấu xã hội đương thời, dưới bút danh Như Hoa.
Bấy giờ Bà Tùng Long thuê manchette (bảng hiệu) tờ báo Tân Thời, chuyên về vấn đề phụ nữ, vì lúc ấy báo Phụ Nữ Tân Văn đã đình bản. Khi biết bà chủ trương tờ Tân Thời, một số bạn bè cũ ở trường Gia Long, trường Pétrus Ký (Sài Gòn), trường Pellerin (Huế), đã góp sức cổ động cho báo. Nhờ báo Tân Thời chủ trương đề cập những vấn đề thiết thân của chị em trong giới phê bình dân, báo được nhiều độc giả ủng hộ. Bà lại qui tụ được nhiều bạn học cũ cộng tác. Người ở xa thì gởi bài về, những người ở quanh vùng Sài Gòn, Gia Định thì đến làm việc luôn tại tòa soạn. Những cây viết ấy phần đông tên tuổi còn xa lạ với độc giả, và cũng mới chân ướt chân ráo bước vào làng báo như bà. Nhưng về sau, sau năm 1952 bà ở Quảng Ngãi về lại Sài Gòn, thì bút danh Tùng Long của bà đã được “cầu chứng” trong làng văn làng báo; như Nguyễn Trọng Trí đã nổi danh là nhà thơ Hàn Mặc Tử đang dưỡng bệnh ở Qui Hòa; Nguyễn Đức Nhuận cũng là nhà thơ đã được ghi tên trong quyển Thi Nhân Hiện Đại của Hoài Thanh, Hoài Chân (Nguyễn Đức Nhuận này không phải Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, anh chồng Bà Tùng Long); và một người là Nam Quốc Cang, đã trở thành người hùng, hy sinh trong cuộc biểu tình chống Pháp của phong trào Trần Văn Ơn.
Nhắc đến nhà báo Nam Quốc Cang, bà nhớ kỷ niệm khi Nam Quốc Cang giữ mục Chuyện Hằng Tuần trên tờ tuần báo Tân Thời, nhà báo này viết; “Người Việt Nam chúng tôi chỉ có bốn quyền Tư do, đó là Tự do cờ bạc, Tự do rượu chè, Tự do hút sách và Tự do đĩ điếm”.
Thế là trong một buổi họp báo tại dinh Thống đốc Nam Kỳ (Thống đốc bấy giờ là ông Khrautemer), họ cho đọc bài ấy giữa cuộc họp báo, bấy giờ gồm có các ông Nguyễn Phan Long chủ nhiệm báo Việt Nam, Nguyễn Văn Sâm chủ nhiệm báo Đuốc Nhà Nam, Bút Trà chủ nhiệm báo Sài Thành, và bà Thụy An, vợ của Băng Dương, chủ nhiệm báo Đàn Bà. Vì tác giả Nam Quốc Cang vắng mặt, nên Bà Tùng Long đã lãnh đủ những lời chỉ trích ác liệt, nào là tác giả có tư tưởng đen tối, công kích chính phủ Pháp… Và Viên Thống đốc không quên kèm theo lời đe dọa, làm mọi người đều quay lại mỉm cười nhìn bà – chẳng biết mỉa mai hay thương hại – chắc họ nghĩ là bà mới bước vào làng báo, chưa biết sự lợi hại và nguy hiểm của lưỡi kéo kiểm duyệt!
Sau đó, người chủ cho thuê bảng hiệu báo, thấy báo bán chạy liền tìm cách lấy báo lại, mặc dù chưa hết giao kèo. Bấy giờ (1936) bà đang ốm nghén, và trong giao kèo thuê báo còn lỏng lẻo, lại nữa chủ báo cũng là người bên nhà chồng, nên bà bỏ luôn tờ báo, về nhà cụ thân sinh (đang ở Sài Gòn) để nghỉ ngơi chuẩn bị sinh con. Bà sinh con gái đầu lòng xong, sau đó vẫn đi dạy trường Tôn Thọ Tường và chỉ còn viết cho trang Phụ Nữ của nhật báo Sài Thành. Rồi năm 1949, Sài Gòn bị máy bay phe Đồng Minh thả bom, thân sinh của bà đổi xuống Sở Douanes tỉnh Trà Vinh; ông bà Bút Trà về Tân An tránh bom. Bà cũng bế con theo chồng về quê Quảng Ngãi.
Đúng ra, nguyên quán anh em ông Hồng Tiêu ở tỉnh Quảng Nam, nhưng cụ nội xưa kia làm quan ở Bình Thuận. Khi đau nặng, gia nhân đưa về ngang Quảng Ngãi thì mãn phần tại đây. Cụ bà (là cô của tiến sĩ Phạm Liệu, một trong Ngũ Phụng Tề Phi xứ Quảng) là mẹ của thân sinh anh em ông Bút Trà – Hồng Tiêu sau này, ở lại nơi chôn ông cụ để cư tang đái hiếu. Và rồi nơi đây trở thành quê hương thứ hai của tộc họ Nguyễn Đức…
Khi về Quảng Ngãi, tỉnh lỵ cũng bị bom quân đồng minh, vợ chồng bà lại chạy lên vùng Mỹ Thắng, Nghĩa Kỳ, nơi có thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương, mỗi chiều về nắng chiếu vào vách núi tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo, là một trong những thắng tích của tỉnh Quảng Ngãi. Vì ở gần núi nên đêm về gió lùa lạnh thấu xương.
Rồi Cách Mạng tháng 8 bùng lên, bà kẹt luôn ở đấy. Bà xin mở trường Tiểu học lấy tên là Tân Dân, dạy những người lớn tuổi thất học, ban ngày làm việc đồng áng, tối về lớp học. Trong số đó có cán bộ hành chánh, đoàn thể đến học thêm ngoài giờ làm việc. Bà giúp một số anh chị em thi vào trường Trung học Bình dân Chợ Chùa tỉnh Quảng Ngãi.
Sau này, có vài người học trò cũ ở trường Tân Dân thuở ấy, đã là cán bộ cao cấp, nhân dịp vào Sài Gòn, đã tìm đến thăm bà. Gặp số học trò cũ, gợi bà nhớ lại những kỷ niệm thời chín năm kháng chiến chống Pháp…
Bấy giờ là thời điểm UBHC tỉnh Quảng Ngãi chủ trương tiêu thổ kháng chiến, lớp học ban ngày còn nhờ ánh sáng mặt trời, đến lớp đêm dạy anh chị em cán bộ, phải đốt đèn dầu mù u, mỗi lần lên lớp là phải có hai người học trò cầm đèn mù u đứng hai bên cho bà giảng bài. Bà không có sách để dạy môn Toán (Arithmétique) và Hình học (Géométrie), nên phải tự soạn chương trình và soạn những bài giảng Việt văn theo trí nhớ để dạy học (sau này gọi là giáo án).
Dạy học trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy được bốn năm (từ 1945 đến 1949), bà cũng đào tạo nhiều người được đưa vào trường Trung học Bình dân (Chợ Chùa – Quảng Ngãi), giúp anh chị em cán bộ trước kia thiếu điều kiện cắp sách đến trường, nay có thể tự học để nâng lên trình độ Trung học. Sau đó, Ty Giáo dục địa phương thấy bà dạy có hiệu quả, mời làm Liên hiệu trưởng coi thêm các trường học quanh vùng Nghĩa Kỳ.
Đến năm 1952, vì tình trạng khó khăn chung trong vùng kháng chiến, gia đình bà thiếu ăn, các con và đói chỉ vì lương tháng dạy học của bà vừa mua đủ hai mươi ngày gạo, cho dù bà lãnh thêu cờ, khăn, bao gối để kiếm thêm cũng không đủ tiền nuôi con. Giới chức địa phương thông cảm hoàn cảnh bà, chấp thuận cho bà dẫn con về vùng tạm chiến. Khi đó con trai út của bà, nay là nhà văn Nguyễn Đông Thức mới tám tháng tuổi. Bấy giờ bà vào Sài Gòn với các con, ông Hồng Tiêu ở lại.
Vào Sài Gòn, Bà Tùng Long vừa dạy học vừa viết báo để nuôi con. Bà nhận dạy Pháp văn cho các trường trung học Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers… đồng thời viết truyện dài từng ngày (feuilleton) cho các nhật báo xuất bản ở Sài Gòn. Sau 1954, bà viết thêm cho các báo Đồng Nai, Tiếng Vang, Tiếng Chuông, và các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Duy Tân, Đông Phương… Và bà chuyên trách mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên báo Sàigòn Mới, và mục Tâm Tình Cởi Mở cho báo Tiếng Vang. Đặc biệt hai mục này bà có rất nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ rất ái mộ.
Thời ấy, những truyện dài của bà vừa kết thúc trên báo đã có nhà xuất bản thương lượng mua bản quyền để in sách. Từ năm 1956 đến 1958, bà đã cho xuất bản trên hai mươi đầu sách, rồi từ 1963 đến 1972 bà tiếp tục cho xuất bản trên hai mươi đầu sách nữa. Những đầu sách chúng tôi tra cứu được in kèm dưới đây vẫn còn thiếu. Vì sau 1975 sách báo thất lạc rất nhiều. Mấy năm gần đây bà cũng có cho tái bản mấy cuốn: Đời Con Gái, Hứa Hẹn, Tỉnh Giấc Tình Si, Tìm Về Bến Thương, Mười Hai Bến Nước… nhưng bà không được hài lòng vì nhà xuất bản in giấy xấu quá, thiếu thẩm mỹ.
Bà Tùng Long gác bút từ năm 1972, như bà đã trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Trần Quân báo TIME năm 1961: “Tôi viết văn để nuôi con. Khi nào các con tôi đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em nó, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết”.
Cho nên đến khi người con gái lớn của bà đỗ cử nhân Khoa học (hiện đang công tác tại Công ty Dệt Phong Phú) và mấy người con trai của bà cũng đỗ đạt, thành danh trong và ngoài nước, đã là giáo sư, luật sư… là bà toại nguyện.
Và bà cũng “gác bút quy ẩn” từ dạo đó…
Quá trình đi học:
- Học hết bậc tiểu học trường Tiểu học Đà Nẵng.
- Học một năm Trung học Đồng Khánh – Huế.
- Chuyển vào học năm 2è Année (Đệ nhị niên) trường Aùo Tím (Collège Des Jeunnes Filles Indigènes) – Sài Gòn.
Quá trình đi dạy:
- Dạy Pháp văn các trường Trung học Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers ở Sài Gòn (1950 – 1954).
- Làm Hiệu trưởng, Liên hiệu trưởng các trường Tiểu học Bình dân Học hội ở Nghĩa Kỳ – Quảng Ngãi.
Quá trình hoạt động Văn học – Báo chí:
- Chủ bút Tuần báo Tân Thời (1935).
- Phụ trách mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên nhật báo Sàigòn Mới.
- Phụ trách mục Tâm Tình Cởi Mở trên nhật báo Tiếng Vang (1962 – 1972).
- Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn.
- Đã cộng tác với các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Ngày Mai.
- Đã viết tiểu thuyết (feuilleton) cho các báo ở Sài Gòn từ năm 1954 1972.
- Đã có trên sáu mươi đầu sách được xuất bản từ năm 1956 đến 1972. 
-Sau 1975 đã tái bản và in mới trên mười cuốn sách.
(Hiện nay tác phẩm của Bà tùng Long đã bị thất lạc trên năm mươi phần trăm).
Ý niệm của nhà văn Bà Tùng Long:
-“Tôi vừa viết tiểu thuyết cho báo, vừa dạy con học, vừa thảo thực đơn cho con gái đi chợ. Viết văn đối với tôi đã trở thành chuyên nghiệp chớ không phải viết theo cảm hứng”.
-“Tôi ngồi đâu cũng viết được và viết bất cứ lúc nào, khi có nhu cầu… Tôi thích viết loại bút Bic mực màu đen, viết trên giấy báo đã in một mặt.”
-“Tôi viết văn để nuôi con. Khi các con tôi những đứa lớn trưởng thành, dìu dắt được các em chúng, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết.”
-“Tôi làm báo chẳng những không bị gia đình rẻ rúng, mà còn được cha tôi khuyến khích và chồng tôi dìu dắt. Tôi tự xét mình, thấy trong hai mươi năm làm báo, tôi chưa hề “nói láo ăn tiền”…”
Trích " Hồi ký Bà Tùng Long" 2002



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 596

Return to top