Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Có mới nới cũ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1000 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Có mới nới cũ
Đoàn Nhữ Nam
Sương sa mù mịt, gió thổi hắt hiu. Một mình trong chốn phòng văn khoác cái chăn, ngồi trước lò sưởi, nghĩ vớ nghĩ vẩn, bất giác sinh ra mối tình cảm chứa chan. ừ, như ta chăn dày áo ấm, trong trướng ngoài màn, còn tê buốt như thế này, không biết những người gối chiếc chăn đơn, một manh áo mỏng, khổ sở biết chừng nào? Lại như mình ở về ôn đới, còn rét mướt như thế này, không biết những nơi hàn đới, quanh năm nước đọng thành băng, thành tuyết, thì cái cảnh thê lương còn đến đâu nữa? Ước gì nhà máy điện bên Mỹ chóng thành công rồi khoa học dần dần lan rộng mãi ra, khắp thế giới đều được hưởng cái khí vị điều hoà, ấm áp!... Đương nghĩ gần nghĩ xa, nghĩ quanh nghĩ quẩn đã thấy trước khe cánh cửa, loé ra một tia ánh sáng, rõ ràng chói lói, thì ra mặt trời đã mọc, hơi giá đều tan. Đoái trông non nước Nùng Nhị như gấm như hoa; con cháu Rồng Tiên mở mày mở mặt. Bao nhiêu nỗi sương hàn khí giá ban đêm, đã theo bóng Kim ô mà tiêu tan đi rồi!
Vi lau san sát hơi may,
Ai ơi biết nỗi nước này cho chưa
Phòng văn lặng ngắt như tờ
Khiến người ngồi đấy cũng ngơ ngẩn sầu
Trời đông đã sáng ngàn dâu...
Tức thì vội vàng trở dậy, dạo gót mái ngoài. Chiều trời im lặng, khí trời trong lành. Trên cành cây lác đác hạt sương rơi, bên bờ cỏ phất phơ làn gió thổi. Tiếng chim ríu rít, lòng người tỉnh táo. Cảnh thiên nhiên phô bày ra trong buổi bình minh, thật có vẻ êm đềm dễ chịu. Chợt nhớ lại lúc ban đêm, thì tấc riêng riêng thẹn cho mình... Thôi! "Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo!". Dẫu cơ trời xoay chuyển mặc dầu, một tấm lòng trinh vẫn cùng với các loài vật trên địa cầu chịu chung nỗi sương dầm, tuyết thấm, đáng khen thay!
Một mình đang ngổn ngang trăm mối, trong quãng đường trường thơ thẩn, thẩn thơ đi đi đứng đứng. Bỗng thấy xa xa có một cái xe chạy lại, một người thiếu niên mặc đồ âu phục, da vàng, gò má cao con mắt xanh biếc, trông hình như quen mà không nhớ là ai. Lúc về nhà sực nhớ ra rằng:
- à! Chính phải cậu Bán Tân rồi! Thuở bé vẫn cùng nhau học tập mà bây giờ quên hẳn nhau đi! Nào có phải xa người mà lòng cũng xa đâu! Chỉ vì bấy lâu mỗi người một ngả, lại gặp gỡ trong khi thảng thốt, thành ra không nhận được nhau.
Ký giả đối với cậu là bạn cố tri, là người tri kỷ, quen biết ngay từ thuở gióc trái đào. Cái lịch sử của cậu cũng nhiều đoạn éo le, vậy xin tường thuật ra sau này để các ngài nhàn lãm.
*
* *
Cậu Bán Tân họ Hồng, quê ở miền Nam, ông cha ngày trước vốn là nề nếp chi thư, nên chi vẫn khuynh hướng về đạo Nho. Cậu lúc bé rất là chăm học, kinh thánh truyện hiền, sớm khuya rèn tập, sân Trình cửa Khổng ngày tháng vào ra. Lại thêm sẵn tính thông minh chẳng bao lâu nổi tiếng là tay danh sĩ. Nét bút rồng bay phượng múa, gió táp mưa sa, câu văn lòng gấm dạ châu, châu phun ngọc nhả.
Khen thay bút pháp đã tinh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Tưởng mai ngày trong áng thu vi (1) cái giải khôi nguyên hồ dễ mấy ai ăn đứt!
Ngờ đâu trời chẳng chiều người, cũng lều, cũng chiếu, cũng bút, cũng nghiên mấy độ vào trường, vỏ chuối lại hoàn vỏ chuối. Than ôi "Được gần trường ốc miền Nam Định; Thua mãi anh em cánh Bắc kỳ". Cái khổ tâm của các bậc tiền bối ngày xưa, đem so với tình cảnh cậu Bán Tân lúc bấy giờ thật đúng như tấm gương chiếu ảnh. Từ đó cậu yên trí về câu "học tài thi phận". Bước đường mây chậm chân theo chẳng kịp, tranh đua vẫy vùng, phó mặc ai ai! Cái chí rồng vàng đợi nước xưa kia, hầu như chuyện dã tràng xe cát!
Đại phàm người ta đã nhúng tay làm việc gì, nếu không có lòng kiên nhẫn, hơi vấp váp đã chịu lùi, hơi khó khăn đã vội nản, người làm ruộng thấy mùa màng trắc trở mà nhãng việc, người đi buôn thấy lưng vốn thua lỗ mà ngã lòng, không nghĩ đến câu "thua cuộc này bày cuộc khác", cùng có câu "có chí làm quan, có gan làm giàu" còn mở mặt với đời sao được! Tức như cậu Bán Tân đây, kể cái trí tuệ thông minh chưa dễ mấy ai bằng, mà rút lại cũng không bằng ai cũng vì lẽ đó. Xét ra những người nhỡ nhàng, học không hay, cày không biết, chỉ ngậm ngùi vì nỗi "số phận không ra gì", hạng người ấy cũng không phải là ít. Nào có biết đâu, nghĩ như vậy thật là lầm to. Tại sao? Vì rằng ở đời, việc người người làm, biết đâu mà chờ trời đợi số? Nếu bảo số giàu có mà ngồi tốt một chỗ không chịu làm, rồi cái túng cũng theo ngay, số hay chữ mà nằm khểnh một nơi, không đi học rồi cái dốt cũng trông thấy. Chi bằng cố công cùng sức, bền chí vững lòng, làm cho đến chốn, học cho đến nơi. Có công mài sắt chắc hẳn có ngày nên kim, đắp nấm trồng cây, chắc hẳn có ngày ăn quả. Đem sức người mà tranh cùng thợ Tạo, há chẳng hay ru?
Mấy năm sau gặp buổi phong trào đổi mới, thi cử về hưu, tự đấy Bán Tân xếp bút gác nghiên mà xoay học về nghề nông phố.
Bán Tân lúc còn đi học, đã lấy người vợ là Mao Nương. Mao Nương quê ở tỉnh Bắc, ít lâu nay mới dời lại miền Nam. Kể dáng người thì môi son má phấn, mặt liễu mày ngài, lại thêm vẻ mềm mại nét đoan trang, ai cũng khen là con nhà gia giáo. Từ ngày làm bạn với Bán Tân mình quý ta yêu, ngoài êm, trong ấm, dẫu những bậc tài tử giai nhân thuở trước, gặp nhau mà trao lời vàng đá, kết nghĩa keo sơn, thì cái dây đồng tâm có lẽ cũng ràng buộc đến thế mà thôi.
Đã nên quốc sắc thiên hương,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Tương tri nghĩa ấy mới là tương tri...
Bán Tân tuy vui thú điền viên, nhưng vì sự học hành dở dang, trong lòng vẫn lấy làm uất ức. Một hôm bảo với Mao Nương rằng:
- Mình ơi! Ta với mình bấy lâu khăng khít, âu yếm vô cùng, đôi phen nét vẽ câu thơ, hương đượm lửa nồng, tình duyên ấy dẫu bút thần khôn tả! Chỉ hiềm ta mấy thu đeo đuổi, nợ sách đèn trả mãi không xong. Nghĩ bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. Lâu nay ta vẫn nghe Hà Nội là một nơi văn vật, ta muốn qua chơi một chút, trước là để cho khuây nỗi u uất, sau là để cho mở rộng trí khôn. Mà cái buổi giao thời này, cũng nên đi cho biết đây biết đó.
Mình nghĩ sao?
Mao Nương nghe nói, có ý ngậm ngùi, hồi lâu đáp rằng:
- Chàng ơi! Thiếp với chàng duyên trời đưa lại, kẻ Bắc người Nam, cùng nhau ý hợp tâm đầu, cảnh gia đình cũng mỹ mãn lắm rồi, can chi còn mơ tưởng xa xôi cho lắm, thiếp trộm nghĩ: Nâu sồng tuy không nhã bằng satin (1) nhiễu, đoạn mà mặc thật bền; ngô lúa tuy không sang bằng bánh "kem", bột mì mà ăn cũng ngon. Thôi thì chàng đã có lòng yêu đến thiếp xin vì thiếp mà nghĩ lại một hai...
- Mình ơi, sao mình lại thế? Con người ta có xa nhau mới biết lúc gặp mặt là quý. Nếu cứ ru rú chốn thôn quê, thì vườn Bách thú, cầu Đume (2), nước Tây Hồ; non Nùng Lĩnh, bao nhiêu là cảnh đẹp thú vui, tai mới được nghe mà mắt chưa trông thấy, chẳng hoá ra kiến thức hẹp hòi lắm ư? Mà có đi như vậy, hoạ may ra gặp thầy, gặp bạn, có theo đòi cho kịp anh em, như vậy thì thế nào?
- Vâng! Thiếp thủa bé đã theo đòi nghiên bút, chàng nghĩ như vậy, thiếp đâu dám trái lời. Chỉ xin chàng đừng vui anh em mà chơi bời quá đỗi. Người ta thường nói: "Phong lưu là cạm trên đời; Hồng nhan là bả những người tài hoa". Thiếp dám chắc những nơi phố phường, người hay dẫu nhiều mà người dở cũng không ít!
Bán Tân thấy Mao Nương đã bằng lòng rồi, trong bụng xiết bao mừng rỡ. Mới buộc yên quẩy gánh, sắm sửa hành trang, định xuống bến Nam Định mà đi tàu thuỷ.
Lúc lên đường, Mao Nương tiễn đến bến tàu, lại dặn đi dặn lại rằng:
- Xin chàng nhớ lấy lời trân trọng của thiếp mà mau mau trở về, đừng quên thiếp nhé!
Kể chi những nỗi dọc đường,
Một lời trân trọng mấy hàng châu sa.
Ngại ngùng khi bước chân ra,
Tấm lòng mong nhớ biết là có nguôi.
Từ đây góc bể chân trời,
Biết bao giờ lại nối lời nước non.
Mấy tiếng còi tàu, như gợi tấc lòng đau đớn, kẻ đi người ở, bao nỗi ai hoài. Nghĩ lại câu: "Nhân sinh tối khổ thị ly biệt" (1) cùng là câu: "Sông bao nhiêu nước, giọt tình em chan chứa bấy nhiêu", những lúc gạt lệ chia tay, mới biết hai câu này không phải là quá đáng vậy.
Tàu đến Hà Nội, Bán Tân trông lên bến rõ ra một nơi phồn hoa đô hội: dưới sông tàu bè san sát, trên bờ nhà cửa trập trùng, kẻ lại người qua, ngựa xe như nước, vườn hoa xanh tốt, đường đá phẳng phiu. Ban đêm đèn điện như sao sa, cái quang cảnh tỏ ra trăm phần rực rỡ. Bán Tân vào nhà khách sạn gần đấy ăn cơm, rồi ở đó hơn một tuần lễ. Khi chơi chùa Trấn Quốc, khi ngắm cảnh Hồ Tây, nào yến múa oanh bay, vườn Bách thú phong quang như vẽ, hoa chào liễu đón, ấp Thái Hà tiếng hát như ru... Chẳng bao lâu cái phong vị nhà nho, cơ hồ đã theo làn sóng Hồng Hà mà trôi đi hết sạch!
Một hôm, đương lững thững trên con đường P.H. tình cờ gặp cô thiếu nữ: lưng ong tròn trặn, mặt phấn dịu dàng, đồ nữ trang choáng lộn trước mắt, mùi nước hoa thơm lựng bên mình. Sắc sảo đủ điều, mặn nồng mọi vẻ.
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây.
Bán Tân xưa nay, vốn không phải là hạng "công tử bột", thạo về điều nguyệt nọ hoa kia, thành ra trong khi gặp gỡ, thấy má hồng quáng cả mắt xanh, song vẫn ra chiều e lệ rụt rè, chưa dám dở ngón kia khác. Người thiếu nữ đó đi đến nơi, bỗng làm ra dáng quen biết lên tiếng hỏi Bán Tân rằng:
- Cậu mới lại đây được bao lâu? Cậu người đâu thế?
Bán Tân nghe tiếng nói lanh lảnh, choáng hẳn người ra mà nghĩ thầm trong bụng rằng: "Lạ chưa? Mới gặp ta lần đầu đã biết ngay là không phải người ở đây, thì ra con mắt tinh đời thật". Mới trả lời và hỏi lại rằng:
- Tôi ở miền Nam, lại đây được vài tuần lễ. Cô người đâu ta?
Người thiếu nữ cười mà rằng:
- Em quê ở phương Tây, cha mẹ em vốn chỉ sinh ra được mình em vốn gọi là Thiết Nương. Vì có người bà con quen biết, buôn bán ở đây, nên em mới qua chơi một thể. Trông thấy cậu là người đứng đắn, có vẻ thật thà nên mới đánh bạo hỏi những câu đường đột như thế, dám xin cậu bỏ quá đi cho.
Bán Tân nghe nói lại càng như tỉnh như mê, như ngây như dại, chẳng khác gì chàng Kim Trọng nghe tiếng đàn nỉ non thánh thót của Thuý Kiều. Rồi cậu giở những câu: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ"(1), "Thiên ký sinh nhân tình hiện hữu"(2) mà tán tỉnh một thôi một hồi. Thiết Nương chỉ đứng ngẩn người ra, chẳng hiểu gì là gì. Song cũng biết Bán Tân là hạng si tình, thì những lời đó chắc cũng là lời tán mãnh!
Đã gần chi có điều xa,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau
Một lời vừa gắn tất giao,
Khi thân chẳng lựa là cầu mới thân.
Từ đó đôi bên thành ra dan díu, đi lại ngày càng mặn mà; thường dắt nhau đi xem hát ở rạp Sán Nhiên Đài, "đôi chữ đồng tâm", kể sao xiết nguồn ân bể ái! Cũng có lúc quàng vai xích cánh, đi tay đôi trong phố mà nói nói cười cười! Cái cách "tự do lạ kiểu" đã tiêm nhiễm được ít nhiều, mà cái "mốt" văn minh cũng "diện" đủ vẻ. Từ ngày mới biết Thiết Nương, tức thì cắt bớt tóc đi, rồi bảo thợ cúp ngay kiểu "Ănglê", lại vuốt bộ râu mép cho thật cong, soi gương mình bảo mình rằng:
- Nào, từ rày trở đi, còn ai dám bảo ta là "hủ" nữa!
Đoạn lại vào hiệu G.Đ. sắm đồ ăn mặc, đâu là giầy "giôn", mũ "phớt", kính trắng, áo the, không mấy chốc mà cậu "văn minh giở mùa" kia trông bề ngoài đã nghiễm nhiên là một bậc "phong lưu công tử". Ôi! Giả sử tổn phí một vài chục bạc, mà chải chuốt mặt mũi cho chững, sắm sanh quần áo cho sang, đã thành ra văn minh rồi, thì cái văn minh ấy cũng rẻ đấy nhỉ?
Một buổi trời thanh mát, đối cảnh sinh tình, Bán Tân mới bảo Thiết Nương rằng:
- Tôi với mợ mới quen biết nhau thật, nhưng cái vẻ dáng của mợ, cách đi đứng của mợ, cùng là lời ăn tiếng nói của mợ, lòng tôi thật đặm quá chừng! Bù với những lúc ở nhà quê với con Mao Nương "đứng ngồi khép nép vào ra dịu dàng", rõ câu nệ quá! Không những thế nó còn giở giọng "Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ, dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu!". Chỉ tổ làm cho mình ngày đêm mài miệt, hao tổn tinh thần mà nào có ra công chuyện gì đâu.
Thiết Nương đáp:
- Cậu ơi! Mỗi thời một khác, hãy nói ngay như cách ăn mặc: người ta gấm vóc, nhung sa mà mình quần nâu áo vải, coi sao cho tiện! Việc gì cũng vậy, phải liệu mà theo thời!
- Mợ nói phải lắm! Chứ như con Mao Nương thì làm gì được thiệp như thế!
Nghe những lời Bán Tân nói ở đây, thì ai dở ai hay, chưa chắc đã phải. Cho biết ở đời yêu nhau nên tốt, ghét nhau nên xấu, lưỡi thế gian uốn éo đủ trăm điều. "Yêu nhau thì nói quá ưa, ghét nhau nói thiếu nói thừa như không". Sự yêu ghét chẳng lấy gì công bằng cho lắm.
Nhắc lại Mao Nương ở nhà mong Bán Tân mãi không thấy về, biết rằng tấm lòng yêu dấu đã san sẻ cùng ai rồi, trách chàng quân tử ra dạ bạc đen, vườn mới thêm hoa, cảnh cũ bỏ thờ ơ lạt lẽo. Dẫu vậy phận mỏng cánh chuồn gặp sao hay thế chưa từng điều nọ tiếng kia.
Trải bao thỏ lặn ác tà,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Vì ai ngăn đón gió đông,
Tin sương luống hãy rày trông mai chờ...
Mao Nương vốn con nhà dòng dõi xưa nay nên cách ăn ở tỏ ra người lượng rộng. Giá chị em mà gặp phải cảnh chồng chung ấy thì cái giọng Hà Đông sư tử kia liệu có im tiếng lặng hơi không nhỉ? Hay là lại như chuyện Vân Bích Nhân với Ngô Hựu Tiến thuở xưa (1).
Xấu chàng nào có ai khen,
Tốt gì mà rước tiếng ghen vào mình.
Điều đó tưởng các chị em cũng nên tự nghĩ lấy mới được.
Hạ qua thu tới càng mong càng vắng âm hao, Mao Nương bất đắc dĩ mới viết một phong thư gửi lại cho Bán Tân.
Trong khi Bán Tân đương âu yếm người mới là Thiết Nương kia, chung gối kề vai xiết bao nỗi yêu đương vui vẻ.
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho chăng.
Nào có nghĩ gì đến người chăn đơn lạnh lẽo, vò võ phòng không.
Nàng từ chiếc bóng song the,
áo đầm giọt lệ, tóc se mái đầu.
Cổ nhân nói: "Con gái hay thật thà, con trai hay phụ bạc" xem như đây thật đúng không sai.
Lúc Bán Tân tiếp được cái thư nhà, chính là buổi hoa xuân đương thắm, lửa dục đương nồng, thành thử cậu khinh không thèm giở. Thiết Nương cầm lấy thư bóc ra xem, đọc rằng:
"Hỡi người bạn yêu quý của thiếp ơi!
"Từ khi đôi ngả chia tay, lòng thiếp luống vẩn vơ trông đợi. Gương loan bụi phủ, tóc phượng rối tung, nào còn thiết điểm trang chi nữa.
"Bấy lâu nay mong người, người đã xa, mong tin, tin lại vắng; chẳng biết khoé lòng vui của chàng có còn mảy may nào nghĩ đến thiếp không... Đường xa dặm thẳm, giấy ngắn tình dài, tâm sự mấy lời, cúi xin soi xét. Năm chờ tháng đợi, mong mỏi tin về.
Nay kính thư
Yên Vui
Mao Nương"
Thiết Nương đọc xong, Bán Tân nói:
- Những lời rơm rác nghe rõ bẩn cả tai.
Thiết Nương nghiêm nét mặt lại mà rằng:
- Câu nói thiết thấm như thế mà cậu nỡ làm thinh. Chắc sau này có ai mới hơn thì cậu lại coi tôi như vậy chứ gì!
Bán Tân thấy thế vội vàng đáp rằng:
- Mợ ơi, chỉ vì con Mao Nương nó "hủ" lắm, không đáng làm bạn tri kỷ với tôi chứ như mợ thì sắc sảo mặn mà tưởng trong thế gian này còn ai hơn mợ nữa! Chắc hẳn đôi ta gặp gỡ chẳng qua cũng bởi duyên trời. Mợ đừng nói những câu đau lòng tôi như vậy.
Thiết Nương thấy thế biết rõ Bán Tân là người phụ bạc song cũng gượng mà rằng:
- Bây giờ câu chuyện đã rõ ràng như vậy, chi bằng cậu cứ về nói thật với Mao Nương hoạ may lượng trên có dung được kẻ dưới thì cả sông đông chợ, cảnh gia đình chẳng vui vẻ hay sao.
Bán Tân nói rằng:
- Cứ xem ngay thế này cũng đủ biết: một đằng mềm mại nhu mì, một đằng thì cứng cỏi, xấu xa, tính chất khác nhau như thế còn ăn chung đổ lộn được sao, tôi với mợ đã duyên ưa phận đẹp, gắn bó bấy lâu, cần chi còn đèo bòng cho lắm! Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, chi mặc kệ nó là xong chuyện...
Từ đó nhất định không nhìn nhận gì đến Mao Nương nữa.
Nghe những câu nói của Thiết Nương cũng đáng khen là người biết. Phàm làm gái đi lấy chồng chung, bước sau hẳn thế nào cũng kém, hay gì những thói đong đưa ngược ngạo, tầm gửi lấn cành. Người ta bảo: "Chồng chung chồng chạ, ai khéo hầu hạ, thì được chồng riêng", hơi đâu mà mua lấy tiếng ghen để cho miệng thế gian mai mỉa. Về phần Bán Tân thì chính là một người phụ bạc. Chẳng thiết đến tình xưa nghĩa cũ để cho ai đeo tủi mang sầu. Không biết rằng duyên trời dun dủi, cha mẹ định cho thì dẫu có xấu xí vụng về đến đâu nữa tưởng cũng nên làm bạn với nhau cho đến lúc bạc đầu. Đành rằng làm trai lấy năm lấy bảy đó là thường, nhưng mà mới yêu thì cũ cũng yêu, lẽ nào có mới nới cũ mặn tình cát luỹ mà nhạt nghĩa tao khang thì cái tiếng bạc tình kia sao tránh cho khỏi.
Sau Mao Nương biết rõ nguồn cơn như vậy, chỉ ngậm ngùi than thân tủi phận, ít lâu rồi gọt đầu phát nguyện, nương cửa Như Lai.
Gửi thân dưới chốn am mây,
Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương.
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
Tạp chí Nam Phong,
Số 105, tháng 3-1926

1. Vi: tên gọi khu vực trong trường thi. Khoa thi hương thường mở về mùa thu, nên thu vi cũng có nghĩa như khoa thi, hội công danh v.v...
2. Tiếng Pháp trong nguyên văn: vải sa tanh.
3. Cầu Long Biên ngày nay, lấy tên viên toàn quyền Pháp để đặt.
4. Nguyên chú: Đời người khổ nhất là phải biệt ly.
5. Nguyên chú: Có duyên nghìn dặm xui nên gặp.
6. Nguyên chú: Trời đã sinh người ắt có tình.
7. Nguyên chú: Chuyện chép tường ở quyển Tục anh hùng náo.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 653

Return to top