Quyến rũ
Cung Khanh
Trong các chi nhánh đạo Phật có phái Minh sư1. Những tín đồ nào trong phái, học rộng, hay chữ, thuộc nhiều kinh kệ
và tính hạnh nhân từ được cầu lên chức Lão.
Thuở ấy có một tín đồ phái Minh sư tên là Huyên, người tuổi trẻ, vừa ba mươi mà lên tới bực Lão. Cụ học rộng và
thông minh. Cụ sống một mình trong túp lều tranh, dưới chân đồi Yên Tĩnh. Sau nhà, có vườn, nửa trồng hoa, nửa
trồng cây trái. Sau những buổi cầu kinh hoặc đọc sách, cụ ra vườn vun tưới mấy khóm huệ hay bắt sâu đeo theo đọt
non của nhãn và xoài. Thường ít có khách đến chơi, hay chỉ có những người rất nghèo khổ đến thăm. Cụ vẫn một lòng
niềm nở, tiếp đãi và cứu giúp họ. Lòng từ thiện rải khắp bốn phương, và tín đồ cùng người ngoài đều tặng cụ là ?Bác
ái?.
Chiều chiều cụ lên đồi, theo đường mòn viền cỏ nhung. Trên đồi gió mát và ánh nắng tươi đem cho cụ những tư tưởng
thâm thuý về đời người và vạn vật. ánh vàng tha thướt trên nổng cỏ xanh, chiếu những hạt mưa còn đọng trên đọt non
muôn mầu. Trông xa, bờ cỏ điểm hoa, và mỗi hoa là một vì sao rơi trên mặt đất. Hứng thú cụ chắp tay, chúc tụng Tạo
Hoá và đức Mâu Ni2.
1. Phái Minh sư: trong kinh sách đạo Phật không thấy có phái Minh sư, chỉ có Minh sơ coi về Minh đế là một trong 25 đế do Số Luận
sư lập ra nhưng cũng không hẳn là một phái của Phật giáo.
2. Mâu Ni: tức Thích Ca Mâu Ni (563 - 487 tr. CN) là vị tổ khai sáng Phật giáo ở ấn Độ.
?Ôi những lẽ nhiệm mầu! Ôi những lẽ huyền bí! Hỡi Tạo Hoá rất khéo léo! Hỡi Thích Ca rất hiền từ! Vạn vật quanh ta
phải chăng công trình đấng tối cao của Thiên Nhiên! Nhan sắc nô đùa với thanh hương. ánh sáng trầm ngâm trong làn
gió khiêm tốn và thật thà. Tiếng nhạc êm đềm vang trong lá: chim ca tụng dâng hương lòng cho Thiên Nhiên. Phải
chăng đó là ý của ngài và của đồ đệ ngài, đức Phật Thích Ca rất thông minh, rất cao siêu.
?Ta kính trọng, tôn sùng đức Mâu Ni đã hy sinh mà tìm chơn lý. Gương của người chói rạng muôn đời, muôn kiếp.
Còn ai noi được chí ngài để xả thân cho sự Đẹp, sự Thực, sự Phải, những ánh hào quang của ngọc chơn lý.
?Sống muôn thuở sao bằng sống một ngày, ánh muôn sao đâu sánh với mặt trời. Cực khổ vì muôn điều, sao bằng cực
khổ vì chơn lý. Người đời gục mặt vào mảnh đất, còn mắt đâu nhìn bầu trời rộng rãi bao la. Tâm lo âu muôn việc lớn
của trần - tuy là nhỏ - còn đâu nhọc vì vũ trụ huyền bí, nhiệm mầu. Trí tính toan lợi nhiều của thế giới - tuy là ít - còn
đâu nghĩ tới vô biên.
?Chỉ có người: Thích Ca Mâu Ni tối cao và sáng láng. Chỉ có người thấy xa mà gần; chỉ có người biết tìm bao quát vũ
trụ cho tâm hồn yên tĩnh; chỉ có người tánh viễn vọng mà ưa lẽ Thực nắm được Niết bàn.
?Danh vọng cho Thích Ca! Quý hoá thay đức Thiên Nhiên tối cao và tuyệt mỹ?.
*
* *
Một hôm cụ đọc sách trước hiên, bỗng có bạn đến chơi, tay xách đôi nhành lài1. Cụ tiếp rước, vui vẻ, mừng rỡ, ân cần
mà người bạn vẫn rụt rè, khiêm tốn. Đấy nhờ sự tu hành đắc quả, vẻ hiền từ cụ xuất phát ra ngoài có sức mạnh khiến
người thường phải kính cẩn khâm phục.
Ông lão hỏi người bạn:
- Anh đến thăm ta hay có việc gì?
- Tôi đến thăm cụ và luôn dịp kính tặng đôi nhành lài để cụ trồng sau vườn.
Lại nói tiếp:
- Ngày xưa, lúc cụ và tôi còn nhỏ, cụ thích hái hoa và ưa nhất hoa lài. Nay cụ xuất tục, tôi còn lảng vảng nơi trần, kính
dâng quà này là có ý nhờ cụ thương kẻ phàm còn chìm nổi trong bể khổ, mà cũng có ý nhắc nhở sự ham thích ngày
xưa để tránh. Vì biết đâu trên đường đạo lý, cụ lại không gặp những thứ hoa ấy, rồi phải tốn công hái, để xao lãng, bê
trễ việc tu thân.
Ông lão Huyên mỉm cười đáp lại:
- Quý hoá thay ông bạn ngày xưa! Ta rất cám ơn người bạn thân thiết và yêu mến của ta. Trải mười mấy năm xa cách,
anh không quên còn tặng nhau đôi cành hoa đẹp, kỷ niệm lúc chúng ta còn xuân. Ngày trước, cùng đi học một
đường, ta vì ham hoa lài mà luôn luôn bê trễ việc học. Anh thường khuyên can mà ta không nghe, đến nỗi lạc đường
công danh. Ngày nay đi tu, tìm sự thực thiêng liêng, đường đi khó khăn hơn đường công danh thuở nọ. Anh còn nhớ
đến, lo sợ ta gặp ?hoa lài? kia quyến rũ mà lỗi nước như xưa. Anh đem ngay nó cho ta, ngày ngày có mặt, để không
phút nào quên mà bê trễ sự tu hành. Quý hoá thay ông bạn ngày xưa, quý hoá thay!
1. Lài: Tiếng miền Trung và Nam gọi hoa nhài.
Câu chuyện vui vẻ thân mật kéo dài đến chiều, người bạn từ biệt ra về. Cụ bịn rịn đưa theo một quãng đường. Lúc chia
tay, người bạn nhìn cụ mà nói:
- Từ đây cách nhau, mỗi người đi một nẻo. Sống chết lúc nào cụ cũng nên nhớ đến hoa lài mà giữ mình cho vẹn, hầu
mau tìm thấy chơn lý.
Cụ Huyên trở lại, lòng buồn bực. Cụ đem hai nhánh lài trồng vào chậu để trước án thư. Bây giờ làm công việc ấy, cụ
thư thả, lòng bình tĩnh như không xảy ra việc gì.
*
* *
Đất trong chậu mầu mỡ. Hai nhánh lài đâm rễ lên chồi, và không bao lâu, trên cành non, trắng điểm những búp hoa
trinh.
Đêm trong yên lặng, cụ Huyên ngồi trước án thư đọc kinh và tĩnh toạ. Một hương vị đậm đà nồng nàn cuộn tròn từ hai
chậu lài bốc lên. Cụ Huyên bỗng nghe lòng bứt rứt, tâm trí bàng hoàng, khó đọc kinh và tĩnh toạ được. Cụ liếc nhìn
hai chậu hoa. Những bông hàm tiếu điểm trắng trên cành, và ánh trăng ngoài soi vào, phảng phất như tà áo lụa của một
vì tiên nữ.
Thấy mình đãng trí say mê mùi hương và dáng đẹp ấy, cụ lo sợ định thần, nhìn vào quyển kinh bỏ dở. Một bóng đen
vụt nhanh qua, cụ vừa nhận kịp con mèo mun, con mèo có đôi mắt lóng lánh bắn những tia xanh đom đóm. Nó nhảy
vào một hốc tối, ngồi lại, trừng mắt lườm cụ. Biết thế, ông lão không thèm nghĩ đến nó, yên lặng đọc kinh. Một lát
sau, không biết con mèo đi đâu, hình như biến mất. Đôi nhành lài bây giờ cũng hết thơm. Cụ Huyên thong thả đọc
kinh, trí não và tâm hồn bình tĩnh.
Sáng ngày, cụ tĩnh toạ xong, bước lại hai chậu kiểng ngắm đôi nhành lài. Những hoa nở đêm hôm tàn rụng khắp mặt
chậu. Rồi không hiểu lẽ gì, từ đó hai nhành lài khô héo dần, không đâm hoa nữa, cũng không đâm chồi, mãi cho đến
chết. Cụ Huyên sinh nghi, tìm nhà người bạn trước hỏi thăm, thì được tin người kia đã mất. Cụ sợ hãi, tâm hồn bực
dọc, cụ nghĩ đến chuyện Ma vương quyến rũ đức Thích Ca.
*
* *
Từ ấy, cụ để tâm niệm Phật, bố thí kẻ nghèo thập phương. Có khi nhà tranh cụ che chở những lữ khách lỡ đường, hoặc
những người nghèo không chỗ nương thân. Lòng bác ái cứ thế mà lan ra mãi, hương bố thí của lòng nhân bay khắp
mấy vùng. Nhưng cụ vẫn không yên bởi câu chuyện hoa lài năm trước. Mỗi đêm cụ lo, tưởng như Ma vương chực hờ
đâu đấy, sắp hiện ra quyến rũ, trong khi tâm hồn cụ yếu ớt.
Những việc làm nhân đạo: săn sóc kẻ nghèo, chữa bệnh người đau ốm, đem lại cho cụ một vài bình tĩnh và sự yên ổn
trong người. Cứ mỗi lần đón tiếp người cực khổ, ốm đau, cụ thấy lòng nhẹ nhàng vui vẻ, như hình rửa được một ít bụi
nhơ.
Nhưng khách tha phương lần lần rời cụ đi nơi khác. Tâm hồn lưu lạc của họ xui giục, khiến họ không biết vui thích ở
lâu một nơi nào. Họ phiêu lưu đã quen, ngắm mãi một cảnh sinh ra chán, họ tìm nước non mới lạ, và như thế mãi
không dứt. Cụ Huyên vì đó mà sống lại cảnh quạnh hiu vắng vẻ. Rồi sự vắng vẻ gợi về những ảnh Ma vương, yêu
quái. Cụ tĩnh toạ, đọc sách, làm vườn, không cho tâm trí rảnh rang một giây nào.
Bỗng một chiều, có một thiếu nữ mười sáu xuân xanh, nghèo khổ lắm đến lạy xin cụ cho ở vài hôm. Thiếu nữ hứa với
cụ lúc nào hỏi thăm được bà con thì về, vì lúc nhỏ mồ côi cha, mẹ lấy chồng đem bán cho người khác. Lớn lên, biết
chuyện, tìm cách trốn đi, về làng Yên Tĩnh tìm họ hàng. Đến đây, không biết nhờ ai, trong lúc chưa tìm được nhà
quen, bỗng có người mách ông lão hiền từ và nhân đức mới đến xin trọ mươi hôm.
Cụ Huyên không biết làm thế nào, nhưng cũng không từ chối được. Cụ chịu nuôi thiếu nữ lúc nào biết rõ họ hàng ở
đâu thì về. Thiếu nữ, tuy bần hàn nhưng trắng trẻo, ngộ nghĩnh, có duyên. Thiếu nữ ở với cụ rất đảm đang, hầu hạ cụ
hết lòng kính mến. Lúc nào không tìm bà con, thì gánh củi ra chợ đổi gạo.
Nhưng cụ nhận thấy nhiều sự lạ trong cách ăn ở của nàng, đâm ra nghi ngờ lắm. Thiếu nữ ăn rất ít cơm, có bữa không
ăn. Cụ hỏi tại sao? - Không đáp. - Ban ngày thì ngủ, mà đêm thì thức. Mỗi tối cứ đến giờ Tý, dậy mở cửa ra sau,
không biết đi đâu, mãi đến gà khởi sự gáy bận nhất thì về.
Một hôm, cụ quả quyết rình xem thiếu nữ làm gì. Đọc kinh xong, cụ giả vờ đi nghỉ. Đến giờ Tý nghe thiếu nữ mở
cửa, thì cụ cũng dậy. Thiếu nữ đi ra sau, cụ cũng nom theo. Nàng đi về phía cuối vườn đến chỗ trống dừng lại ngó
quanh, ý chừng xem có dạng người không. Khi chắc đâu đấy thật yên lặng, không một bóng người, thì cởi hết áo mặc
trong người rồi nhảy múa. Múa một giây lâu, thì đứng lại thở, hơi thở rất dài, rất sâu mà khẽ lắm...
Cụ Huyên thấy bóng ấy giữa yên lặng của vạn vật, những nét trắng mờ linh động trong âm khí, tâm thần kích thích,
rối loạn. Cụ loạng choạng bước trở vào nhà, sương đêm xuống thấm cả đầu và áo mặc. Lúc về phòng, lên giường nằm,
sờ soạng thì có vật gì mịn màng, âm ấm nằm trong chăn. Cụ giật mình, lấy đèn soi. Đó là một con mèo đen, hệt con vật
năm trước. Nó trương mắt nhìn cụ kêu ?meo meo? như mơn trớn. Cụ giơ tay sắp đánh, thì nó phóng đi, vào bóng tối
rất nhanh, như hồn ma. Từ đấy cụ thao thức mãi không ngủ được. Muốn ép trí thư thả niệm kinh, nghĩ đến sự thực
nhiệm màu mà trí tưởng tượng lại nổi lên làm chủ. ảnh thiếu nữ theo cụ vào nằm trong chăn. Một ít lâu cụ nhuốm bịnh
không dậy được, mê man thấy đương nằm trên một cái đệm thơm tho mát mẻ. Cụ sung sướng, cố nhìn thì nệm ấy hoá
ra thiếu nữ. Cụ vội xoá hình dáng ấy đi, thì đâm ra nói nhảm.
Lúc hơi tỉnh, mở mắt, thì thấy vô số mèo đen bao quanh khắp thân thể; con thì leo lên thành giường, con thì kêu ?meo
meo?, con thì ngầu giỡn trên đình màn, con thì chạy trên người cụ cào xé. Cụ sợ hãi lắm khi thấy chúng một phút một
đông, không biết nơi nào đến. Có lúc một con bỗng đứt ra thành hai, một cái đầu và một khúc đuôi lom xom nhảy; cứ
thêm thêm nhiều, đợi khi nào cụ nhắm mắt mới thôi. Nhưng kế đó xuất hiện một không gian tối tăm, mà nơi ấy một
thân thể uyển chuyển nhảy theo điệu múa.
Bỗng cụ nghe mát lạnh ở trán. Mở mắt nhìn cụ bắt gặp đôi mắt lo lắng của thiếu nữ. Thấy đã tỉnh, nàng thỏ thẻ:
- Thưa cụ, cụ bị cảm nặng lắm, ông lang vừa ra nói cho con biết như thế và bảo con săn sóc, coi chừng thang thuốc
cho cụ luôn luôn.
Nàng đi ra, một giây sau bưng một chén thuốc cho cụ Huyên. Ông lão mệt mỏi và bần thần không ngồi được. Thiếu
nữ phải choàng tay đỡ dậy, nhưng áo đã cũ, khuy nút bở rời, bị sức nặng thân thể cụ Huyên trằn xuống mà bứt đi.
Cánh áo sứt hé mở, lộ ra cái da trắng đỏ. Cụ rùng mình, uống cạn chén thuốc, nằm nhanh xuống giường trùm chăn
kín mít và rên xiết như người bị thương.
Xế trưa cụ thấy nhẹ, bảo thiếu nữ đem mấy quyển sách trên án thư đưa cho cụ. Cụ lâm râm niệm kinh, và tối đến cụ
nhận thấy trong người khoẻ khắn, tâm thần bình tĩnh.
Cách đó ít hôm, thiếu nữ vào lạy cụ xin từ biệt vì tìm được bà con rồi. Cụ hỏi nàng về đâu thì chắp tay thưa rằng: về
Thành An. Lại hỏi người bà con tên gì thì nàng ngập ngừng dường không muốn nói. Nhưng sau vì cụ gạn hỏi, phải
nói người ấy tên Quang ở lối hàng da trong ấp.
*
* *
Cụ lo sợ vẩn vơ, bây giờ không dám ở một mình. Cụ về nhà bà con, nhờ tìm hộ một tiểu đồng. ít tháng sau có người
dắt đến một thằng bé trạc mười sáu mười bảy tuổi. Nó xấu xí, mặt mày u nần và còn một mắt. Nó không chút thông
minh và tỏ vẻ đần độn. Thấy thế cụ an tâm cho ở. Thường ngày phải lau chùi bàn ghế, quét dọn trong nhà, hay vun
phân tưới nước những hoa quả trong vườn. Nó dốt nát và không bao giờ quan tâm đến sách vở, kinh kệ chồng chất
trên án thư. Cụ thêm yên tâm và hy vọng ngày kia sẽ đem nó vào Niết bàn. Vả lại cụ thường nghĩ rằng: ngu đần, ít
lanh lợi, thì vào Niết bàn không khó, có phần dễ dàng hơn những bực thông minh là khác.
Ngày ngày, sau khi rảnh việc, cụ chỉ thấy nó lên đồi cắt những cỏ thơm đem về. Có khi nó vào một khu rừng nhỏ ven
đồi tìm quả ?viết? chín hồng. Cụ tưởng nó đem cỏ vể lót chiếu nằm cho êm, cho thơm và hái trái ?viết? về ăn, nhưng
một hôm cụ đương niệm kinh thì ngửi được một mùi thơm ngọt phảng phất trong gió. Thấy lạ, cụ đi tìm. Bước ra sau
gặp đứa ở đang loay hoay đun nấu một chất nước gì và tay nó đang cầm một cái bình nhỏ kề lên mũi ngửi. Trong ấy
chứa một thứ nước xanh, trong vắt như lọc. Cụ hỏi nó đun vật gì, nó kính cẩn thưa:
- Con đun nước cỏ thơm và chất mật của trái viết.
- Mày đun để làm gì? - Cụ hỏi.
- Để nấu linh dược.
Cụ ngạc nhiên lấy bình linh dược của nó mà xem, ngửi thử thấy bay mùi thơm. Hỏi có nếm được không thì nó gật
đầu. Cụ nhắm một ít thấy ngọt ngon lạ, và khi nuốt vào thấy ấm. Một giây sau, cả người nhẹ nhàng khoẻ khắn, cụ vui
vẻ hơn lên.
Ông lão Huyên mừng rỡ, hình như cụ đắc chí về một sự bào chế tiên thánh nào. Vì từ đó ngày ngày đồi Yên Tĩnh
được nghe cụ hát nghêu ngao, và tiểu đồng sáng đi cắt cỏ thơm thực nhiều, trưa vào rừng tìm trái viết đem về lấy mật.
Trí thông minh sáng suốt lại giúp cụ chế được một thứ hơi rất nhẹ mà rất mạnh. Hơi thơm đậm đà, cụ gọi là tinh hoa
của linh dược.
Bây giờ khắp vùng đều biết mùi thơm ấy. Họ không hiểu là gì, nhưng cũng đoán phỏng rằng:
- Cụ Huyên tu hành đắc đạo, phúc đức lan rộng thơm tho trùm một ven đồi. Cũng vì đó, cụ Huyên bớt tĩnh toạ dần, chỉ
nếm thường linh dược, hoặc ngửi tinh hoa của linh dược cất trong bình đậy kỹ. Và sau những lúc nếm hoặc ngửi ấy,
trí não thông minh sáng suốt lạ thường. Người cụ nhẹ nhàng, thân thể mọc cánh bay bổng lên thượng tầng không khí,
tìm chơn lý và Niết bàn.
Một hôm, uống và ngửi nhiều linh dược quá, cụ ngã lăn xuống đất mê man. Tiểu đồng thấy cụ nằm mê, lấy bình tinh
hoa ngửi thử. Nó chưa biết thứ ấy khác với linh dược của nó thế nào. Ngửi xong nó cũng ngất đi, trong lúc lửa trong
một lò đun linh dược cháy dần. Vì nóng quá hơi linh dược đọng nhiều sức mạnh, tung bắn ra ngoài. Lửa bắt hơi bùng
cháy không tài nào dập tắt. Khi đó cụ Huyên và đầy tớ vừa tỉnh, còn ngơ ngác không biết tai hoạ ra sao. Có dân trong
xóm đem gầu đến cứu, nhưng một người cản lại bảo rằng:
- Cụ Huyên thiêu mình để tịch.
Trong cơn nguy ông lão rối bấn, lúng túng, còn tiểu đồng thì ngồi dưới đất xem ngọn lửa cười xoà. Cụ nhìn nó ghê
tởm. Bỗng nó trợn mắt nhe răng, trỏ tay về phía cụ vừa thét:
- Ông có nhìn được không? Có nhìn được không?
Cụ run cầm cập:
- Gì? Cái gì?
- Ha ha! Quỷ vương, kia là Quỷ vương!
Cụ vội ngoái ra sau xem xét, nó đứng xổng dậy nhảy lại chụp cụ, đè xuống cho ngửi nốt tinh hoa linh dược. Cụ ngã
khuỵu bất tỉnh, liền đó, nó xốc cụ lên vai, nhằm nồi linh dược đang sôi mà phóng vào.
Bên ngoài lửa thiêu hết nóc nhà tranh, cột kèo chuyển nghe răng rắc. Một tiếng ầm vang lên, cả nhà đều sập, và ngọn
lửa cháy bừng.
Rút trong tập truyện ngắn Cách ba nghìn năm,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1944