HẠNH PHÚC CỦA TÔI
Huỳnh Vân Tiên
Ngồi lái xe đến nhà má vợ mà trong lòng tôi ngổn ngang như tơ vò trăm mối. Lát nữa đây, tôi không biết phải dùng lời lẽ gì để nói với Hạnh, vợ tôi, cho phải. Mấy hôm nay Hạnh giận dỗi dắt bé Thảo, con chúng tôi, về nhà má vợ của tôi, làm cho tôi nhớ thương, buồn khổ rất nhiều. Tối hôm qua, qua điện thoại, Hạnh đã nói rất rõ ràng, dứt khoát với tôi, là tôi không còn lựa chọn nào khác, và cũng không còn thời gian gì nữa, mà phải quyết định ngay bây giờ, là phải chọn hoặc mẹ con nàng, hoặc người đó. Tuy Hạnh nói để cho tôi chọn lựa, nhưng nào có khác gì bắt buộc tôi phải bứt ruột mà lìa bỏ vợ con tôi, những người mà tôi yêu thương còn hơn chính cả bản thân mình. Phải chi Hạnh muốn tôi lựa chọn giữa mẹ con nàng với bất cứ điều gì khác, hay với bất cứ người nào khác, thì dễ xử cho tôi nhiều, vì tôi sẽ chọn vợ con mình ngay, không cần phải đắn đo, suy nghĩ gì cả. Dĩ nhiên đối với người khác thì vậy, nhưng đối với người này thì không thể được, dù tôi phải hy sinh luôn cả hạnh phúc của gia đình.
Tôi biết được tôi sẽ buồn khổ rất nhiều, khi đích tay đánh mất đi hạnh phúc của mình. Nhưng, tôi đâu có thể nào làm khác hơn được, vì trong hoàn cảnh của tôi, tôi đâu có thể nào ích kỷ đến đỗi vì vợ con mình, vì hạnh phúc gia đình mình mà bỏ mặc một người, đối với tôi, có công ơn thâm sâu như trời biển. Hơn nữa, lại là người mà tôi thương yêu, tôn kính nhất trên đời. Đó chính là mẹ ruột của tôi. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu được tại sao lại ra đến nông nỗi như thế này. Vợ tôi xưa nay vẫn là một người hiền thục. Còn mẹ tôi, dường như suốt cuộc đời của bà, không có gì quan trọng hơn là hy sinh cho chồng, cho con, cho cháu.
Hôm nay tôi lái xe chậm, thật chậm. Có lẽ tôi muốn tự cho mình thêm một ít thời gian, để hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đềm của tháng ngày đã qua, bởi vì, chốc lát nữa đây, khi đã nói ra quyết định của mình rồi, tôi sẽ vĩnh viễn đánh mất đi một gia đình hạnh phúc.
Tôi và Hạnh thành hôn với nhau đã được hơn mười năm rồi. Chúng tôi quen biết nhau vài năm trước đó trong khổ nghèo, cơ cực, từ lúc hai đứa vừa chân ướt chân ráo bước đến mảnh đất dung thân này với hai bàn tay trắng, không tiền, không bạc, không ngôn ngữ, không học thức, không nghề nghiệp, cũng không người thân kẻ thuộc. Trong hoàn cảnh bần hàn như vậy, chúng tôi đã tìm đến với nhau mà xây đắp nên một mái ấm gia đình. Chúng tôi đã làm việc rất vất vả để gây dựng, vun bồi tổ ấm của mình. Sau nhiều năm khó nhọc, chúng tôi mới có đủ khả năng để bảo lãnh những người thân còn kẹt lại ở quê nhà. Lúc đó, ba mẹ của tôi, vì chung quanh không còn ai chăm sóc mồ mã ông bà tổ tiên nên đã không thể nào sang đây đoàn tụ với tôi được. Bên nhà Hạnh, ba nàng mất sớm, chỉ còn má với bốn đứa em, tất cả đều được chúng tôi bảo lãnh sang bên này sáu năm về trước. Vợ chồng tôi sinh được bé Thảo khoảng hơn một năm sau đó. Đó là một khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi. Bởi vì, ở bên đây, tôi, từ một đứa mồ côi, mồ cút, không cha mẹ, anh em, họ hàng, thân thuộc, lại bỗng dưng có một gia đình đông đảo, trong đó có má, có vợ, có con, và còn có thêm bốn đứa em nữa. Mấy đứa em lớn của vợ tôi sau vài năm đèn sách, đều thành đạt, ra trường, tìm được việc làm, và không bao lâu thì mua được nhà rồi dọn đi cùng với má của chúng tôi. Những ngày vui vẻ hạnh phúc cùng sống chung trong một mái gia đình rồi cũng qua đi, để lại trong lòng tôi một nỗi buồn man mác trong suốt một thời gian dài sau đó.
Mấy năm trước, ba tôi qua đời. Cái chết của ông mang đến cho tôi một cảm giác mất mát lớn lao chưa từng có trong đời. Khó khăn lắm mới năn nỉ được mẹ tôi, để bà bằng lòng cho chúng tôi bảo lãnh sang đây đoàn tụ. Khi mẹ sang được bên này, tôi tưởng rằng những mất mát của tôi đã được phần nào bù đắp. Nhưng thực tế đã hoàn toàn không giống như những gì tôi mơ ước. Niềm vui đoàn tụ vừa đến với tôi chưa được bao lâu, thì nỗi buồn đã phũ phàng ập tới. Tất cả cũng chỉ vì thái độ cư xử của Hạnh đối với mẹ. Không lâu sau ngày mẹ tôi sang, tôi bắt đầu phát hiện ra thái độ hằn học của Hạnh, không những chỉ đối với tôi thôi, mà còn với mẹ nữa, làm cho tôi có cảm tưởng là dường như mẹ con chúng tôi vừa mang đến cho nàng một điều gì bất hạnh nhất ở trên đời. Mỗi một hành động tôi làm, mỗi một lời tôi nói, dường như đều gây cho nàng một nỗi bực dọc, khó chịu, đến đỗi phải hằn học, to tiếng với tôi mới hài lòng được. Còn đối với mẹ tôi, tuy chưa nói ngay tận mặt, nhưng những hành động đay nghiến, những lời nói xỏ xiên, cũng đủ làm cho trái tim già nua của mẹ tôi tan nát hết. Phận làm con, làm sao tôi có thể tránh khỏi đau lòng khi đích mắt chứng kiến mỗi một phút giây mẹ trải qua trong đời, là mỗi một phút giây phải chịu đựng cực hình thê thảm mà không hề than van nửa lời, vì không muốn con mình khó xử . Mấy tháng nay tôi âm thầm chứng kiến nỗi buồn của mẹ. Nói sao cho hết những điều mà mẹ tôi phải chịu đựng dưới mái gia đình mà đứa con trai bà luôn trân quý nâng niu, và ước mơ gìn giữ, với niềm hy vọng là, có một ngày, dâu của bà, sẽ thay đổi.
Những vật cũ kỹ, thô sơ, nghèo nàn, rách rưới mà mẹ tôi gom góp mang theo sang được bên này, đã trở thành những vật hy sinh vô tội vạ để vợ tôi trút cơn bực của nàng. Những thứ mà mẹ tôi trân quý nâng niu, để hoài niệm về những đoạn thời gian hạnh phúc nhất của đời bà, lại là những kẻ thù mà vợ tôi ghê tởm nhất. Từ chiếc túi xách đã cũ rích đến thảm thương, cùng với bộ đồ trà bằng sứ rẽ tiền mà lúc sinh thời ba tôi xem như là gia bảo, cho đến những bộ áo quần vải thô sơ đã từng che gió, chặn mưa, từng ngăn nóng, đở lạnh cho ba mẹ tôi, những thứ mà mỗi khi chỉ nhìn đến thôi cũng đủ làm cho tôi xúc động đến nghẹn ngào, nhưng đối với Hạnh, lại là những gì dơ dáy, bẩn thỉu, kinh khiếp nhất trên đời.
Làm sao có thể diễn tả cho được nỗi khổ sở của mẹ tôi, khi vì tuổi già thường hay đi tiểu đêm mà lại không biết có nên xả cầu hay không cho phải. Vì nếu xả cầu thì sợ tiếng nước chảy có thể làm thức giấc con dâu, còn nếu không, thì nó sẽ càng nổi giận hơn và cho mình là một bà già quê mùa, dơ bẩn, không có một tí khái niệm nào về vệ sinh thường thức.
Đã không biết bao nhiêu lần tôi bắt gặp đôi mắt yêu thương, trìu mến của mẹ tôi, khi nhìn bé Thảo. Những lúc như vậy, tôi cảm nhận ra rằng mẹ tôi đang thèm khát, mong muốn có được một cơ hội bế cháu trong vòng tay của bà, và ôm chặt nó vào lòng cho thỏa niềm yêu mến. Nhưng, mẹ tôi đã lâu lắm rồi không có cơ hội đó, vì hầu như lúc nào cũng có sự hiện diện của vợ tôi bên cạnh cháu, như để chắc chắn một điều là bà già dơ bẩn kia, không thể nào đụng đến đứa con gái yêu quý của nàng được.
Tôi thấy thương mẹ tôi quá! Tôi buồn nhiều lắm, và cũng thấy tự ghét bản thân mình, và giận vợ tôi thật nhiều. Tôi thấy ghét tôi, vì tại sao trong bấy lâu nay đã không biết làm gì hết, mà cứ để cho mẹ tôi phải buồn như vậy. Tôi thấy giận vợ tôi tại sao lại nỡ nhẫn tâm đối xử với mẹ tệ bạc như vậy. Nhiều lúc tôi muốn nói với Hạnh những lời trách móc, nhưng phần vì không nỡ nặng lời với nàng, phần vì không muốn sinh thêm chuyện rồi mẹ tôi biết được là tôi đã hiểu rõ ràng câu chuyện từ lâu, nên tôi cứ đành im hơi lặng tiếng. Suốt mấy tháng dài đăng đẵng, tôi cứ giả đò như không hề hay biết chuyện gì, để khỏi làm cho mẹ tôi phải đau lòng và khó xử thêm hơn. Mỗi lúc nhìn mẹ, tôi thấy buồn quá. Mỗi nụ cười gắng gượng của mẹ muốn làm tôi vui, càng cho tôi thấy rõ một nỗi buồn hiu hắt, mà mẹ luôn cố tâm che dấu ở trong lòng. Mấy lúc gần đây, mẹ tôi sa sút thấy rõ. Nhìn mẹ, tôi liên tưởng đến cây phong già trước ngõ nhà tôi. Cái lạnh của Canada mỗi độ đông về đều làm cho nó tan tác, thê lương, lá cành xơ xác. Mẹ tôi cũng vậy, cũng bị cái lạnh ở đây làm cho hao mòn thân xác. Có khác chăng là, khi đông tàn xuân đến, cây phong lại đâm chồi nẩy lộc và kết lá xanh tươi. Còn mẹ của tôi, dù mùa xuân có đến hay không, vẫn ngày càng xác xơ, tàn tạ.
Rồi chuyện gì đến, sẽ đến. Cách đây mấy hôm, mẹ tôi, cũng như thường nhật, khi thấy tôi về đến nhà, mới ra phòng khách để trò chuyện cùng tôi. Khi bế bé Thảo trên tay, thì, một lần nữa, tôi nhìn thấy đôi mắt thương yêu trìu mến của mẹ đang đăm đăm nhìn cháu. Tôi không nhớ rõ lúc ấy tôi đang nghĩ gì, chỉ biết mình hai tay trao bé Thảo cho mẹ và nói:
“Mẹ bế cháu một lát đi mẹ. Nó nhẹ lắm.”
“Thôi, thôi, đừng con,” mẹ tôi nói nhanh, chân lui về phía sau, trong khi không dấu được vẻ bối rối trên nét mặt.
Vợ tôi, đang đứng nấu ăn tại nhà bếp, chạy như bay về phía chúng tôi, rồi đưa hai tay về phía trước, giật phăng bé Thảo từ trong tay tôi.
“Để em bế con cho, anh đi tắm đi,” vợ tôi nói.
Nàng đặt con ngồi lên sofa, và với tay lấy remote control ti vi, mở âm thanh thật lớn, hình như để khỏi ai phải nói thêm lời gì nữa.
Quay sang, bắt gặp gương mặt buồn bã của mẹ, tôi thấy vô cùng bất nhẫn ở trong lòng. Tôi bước tới ti vi, đưa tay tắt máy.
“Tại sao lại không để cho mẹ bế cháu chứ?” Tôi lớn tiếng, như muốn trút bớt đi những phẫn uất đang đè nén ở trong lòng trong suốt mấy tháng nay.
Hạnh trố mắt nhìn tôi kinh ngạc, có lẽ vì tôi rất hiếm khi lớn tiếng với nàng như thế.
“Em chỉ muốn tốt cho con thôi,” nàng chống trả, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi như thách thức.
“Em nghĩ mẹ bế con là không tốt cho nó sao?” Tôi nói như muốn quát.
Mẹ kéo tay tôi nhè nhẹ như ngầm khuyên đừng nên nổi giận.
“Ai biết được, mấy người già cả thường hay có bệnh trong người mà, đụng chạm lỡ lây sang cho con tôi thì sao!”
Tôi tức uất đến nóng cả mặt mày. Tôi muốn hét to lên cho Hạnh hiểu rằng những lời lẽ quá đáng của nàng đã khiến cho tôi đau lòng lắm, và chắc hẳn những lời lẽ xấc xược, hỗn hào kia cũng đã làm nát tan lòng dạ của mẹ tôi rồi.
“Thôi, đi tắm đi con. Chuyện nhỏ xíu như hạt gạo mà, đừng để nó trở thành chuyện lớn nghe con,” mẹ lôi tôi đi và ôn hòa khuyên bảo.
Tôi vẫn chưa nguôi cơn giận, muốn tuôn ra những tiếng trách câu hờn với vợ tôi cho hả dạ, nhưng khi nhìn thấy mắt mẹ đã rươm rướm lệ, lòng tôi đột nhiên chùng xuống. Tôi thấy thật vô cùng hối hận vì đã để cho mẹ phải chịu cảnh đau lòng như vậy. Tôi thương mẹ tôi quá. Và nước mắt tôi cũng đã đổ xuống tự lúc nào.
“Con xin lỗi mẹ. Vợ con thiệt là hỗn xược, và bất hiếu với mẹ quá. Mẹ tha lỗi cho chúng con nghe mẹ,” tôi đi theo mẹ, và nói vừa đủ lớn cho Hạnh nghe được.
Vợ tôi đột nhiên nổi giận. Nàng bế thốc bé Thảo lên và đi nhanh ra cửa.
“Anh ngoan quá, có hiếu quá thì anh ở với mẹ anh đi, để mẹ con tôi đi cho khuất mắt anh. Tôi chịu đựng cũng đủ rồi,” nàng quay về hướng tôi, hét lớn, rồi bế con bước nhanh ra ngoài trước khi đóng sầm cửa lại.
“Hạnh! Hạnh à! Con đi đâu vậy? Đừng đi con, để từ từ mẹ nói cho nó hiểu,” mẹ tôi vừa nói lớn, vừa hấp tấp chạy theo đến đỗi sắp ngã.
“Cứ để cổ đi đi mẹ à. Rồi mai mốt cổ sẽ hiểu ai mới là người có lỗi,” tôi đỡ lấy mẹ và nói thế.
“Chuyện thiệt có gì đâu mà các con cũng để thành có chuyện. Mẹ thấy hổng an tâm chút nào hết.”
“Hổng sao đâu mẹ, con biết giải quyết mà,” tôi nói thế cho mẹ an tâm, chứ thực ra tôi cũng không biết phải giải quyết thế nào cho phải.
Mẹ tôi thẫn thờ ngồi xuống, đưa tay kéo vạt áo lên lau giòng lệ trên đôi gò má nhăn nheo, khô gầy, hốc hác.
Nhìn mẹ mà tôi tưởng chừng như ruột của mình đang đứt ra từng đoạn.
Ơn dưỡng dục cao hơn trời, hơn núi
Nghĩa sinh thành rộng bằng biển bằng sông
Phận làm con sao tránh khỏi đau lòng
Khi đạo hiếu vuông tròn không giữ được
Má vợ tôi ra mở cửa cho tôi, và nhìn tôi quan tâm, lo lắng.
“Sao trông con ốm quá vậy Tâm, có chuyện gì lo âu lắm hả con?” Má hỏi.
“Dạ, con không sao,” tôi trả lời và đưa mắt nhìn về hướng vợ tôi đang ngồi quay lưng về phía chúng tôi tại bàn ăn. Trước giờ vẫn vậy, mỗi lần giận nhau, nàng không hề nhìn tôi, dù chỉ bằng nửa mắt.
“Bé Thảo đâu rồi má?” Tôi hỏi sau khi nhìn quanh tìm con mà không thấy.
“Nó đang ngủ trong phòng con Dung đó. Để má vô kêu nó dậy,” má tôi trả lời.
“Dạ, thôi khỏi má. Để con vô nhìn nó một chút cũng được rồi,” tôi nói, và bước vào phòng của Dung, em vợ tôi.
Nhìn thấy con thơ đang ngủ say mà lòng tôi bồi hồi khôn tả. Mới xa nó có mấy ngày mà tôi tưởng chừng như mấy tháng dài đăng đẵng. Qua hôm nay rồi, không biết bao lâu tôi mới gặp con được nữa. Tôi muốn ôm chặt nó vào lòng cho thỏa niềm nhung nhớ, nhưng sợ con thức giấc nên lại thôi. Tôi rón rén bước nhẹ ra khỏi phòng, tay nhè nhẹ khép cửa mà mắt vẫn còn tiếc nuối không muốn rời khỏi con mình.
Vợ tôi vẫn ngồi bất động, vẫn quay lưng về phía chúng tôi. Dường như có sự hiện diện của tôi ở đây hay không, đối với nàng, cũng chẳng có gì khác biệt.
Tôi ngồi xuống sofa, đối diện với má.
“Tâm à, có chuyện gì vậy con? Tụi bây lúc nào cũng vậy, có chuyện gì cũng không cho má biết,” má tôi hỏi. Xem ra, mấy hôm nay, Hạnh tuy ở đây, nhưng vẫn chưa nói gì với má tôi cả.
“Thưa má, chúng con đã nói chuyện rõ ràng trong điện thoại tối qua rồi. Chúng con… chúng con… quyết định… quyết định… không sống chung với nhau nữa má à,” tôi ngập ngừng nói ra quyết định của mình, khó khăn lắm mới che dấu được nỗi nghẹn ngào, xúc cảm. Tôi hướng mắt về phía vợ tôi, thấy đôi vai nàng rung lên nhè nhẹ.
“Trời đất! Chuyện gì mà đến nước này vậy con? Bộ con không còn thương vợ con của con nữa hả Tâm?” Má tôi sửng sốt, như không tin những gì mình vừa nghe là sự thật.
“Dạ, không phải đâu má, con thương vợ con của con nhiều lắm, nhưng, con không thể để mẹ con dọn ra ngoài được đâu má. Mẹ con năm nay đã cao tuổi lắm rồi. Con làm sao có thể an tâm mà để cho mẹ con sống một mình ở ngoài được hả má!”
“Cái gì? Con Hạnh nó đuổi chị sui ra ngoài hả? Sao bây hư quá vậy Hạnh? Thuở nay chỉ có mẹ chồng đuổi con dâu thôi, chứ sao lại có chuyện con dâu đuổi mẹ chồng chứ! Sao con lại hỗn hào quá quắt vậy con?”
“Con làm sao mà dám đuổi mẹ chớ! Con chỉ muốn mẹ dọn ra ở riêng rồi thỉnh thoảng tụi con cũng tới lui chăm sóc, chứ có phải bỏ luôn đâu,” vợ tôi phân trần.
“Vậy có khác gì đuổi đâu mà bây còn biện luận chứ! Con à, con đâu có thể hư đốn như thế được. Bổn phận làm dâu con, nếu mẹ chồng thương thì con nhờ, nếu lỡ mà có ghét, thì con phải chịu. Như vậy mới là hiếu thảo, mới là vì chồng vì con. Đàng này, mẹ của con hiền lành như vậy, thương yêu con cái như vậy, mà bây lại tác tệ như thế này. Thiệt là có phúc mà không biết hưởng,” má tôi mắng Hạnh một hơi, trong khi nước mắt đã chảy dài trên má.
Má tôi xưa nay vẫn thế, vẫn là người mau nước mắt, và tôi đây, cũng giống như má thôi, chứ nào có hơn gì. Không nghe Hạnh trả lời, tôi quay sang nhìn, nhưng nàng cũng vẫn chẳng hề xoay mặt lại.
“Tâm à, má có có lỗi với mẹ của con, với con nữa. Má sẽ dạy con của má, rồi sẽ qua bên đó xin lỗi chị sui. Con đừng nóng giận mà quyết định nông nổi nghe con.”
“Dạ, không có đâu má. Con bình tỉnh lắm má. Tối hôm qua con đã thức suốt một đêm và suy nghĩ rất kỹ càng. Nếu Hạnh đã quyết định không thể sống chung với mẹ con được, thì con cũng tôn trọng quyết định đó. Cứ xem như con không phải là mẫu người chồng giống như Hạnh mong muốn,” tôi nói với má, mà trong lòng lại muốn cho Hạnh nghe được những lời lẽ của tôi, nửa như than vãn, nửa như có phần hờn trách.
“Hạnh à, con nỡ lòng nào đối xử với thằng Tâm như vậy. Sao con không nghĩ tới cái hồi má với mấy em con mới qua đây. Nếu lúc đó, nó đối xử với má y như con đối xử với mẹ nó bây giờ vậy, thì con sẽ nghĩ sao chứ? Con ơi, sao con ngu vậy chứ! Con có biết con làm vậy là sẽ khiến cho chồng của con đau lòng lắm không con?” Má tôi tiếp tục khuyên dạy, mà vẫn chưa cầm được nước mắt. Tôi cũng mủi lòng rươm rướm lệ.
“Tâm à, ngày mới qua, con đối đãi với má và mấy đứa em con như bát nước đầy. Má không bao giờ quên được. Mấy đứa nhỏ cũng nhắc hoài. Tụi nó thương con lắm. Má vẫn nhớ ơn con nhiều lắm.”
“Má đừng nói vậy má. Má với mấy em cũng đã mang đến cho con biết bao nhiêu là vui vẻ, hạnh phúc. Trong đời của con, con đâu có hưởng được hạnh phúc trong mái ấm gia đình nhiều lắm đâu má,” tôi nói lời thật tự đáy lòng.
“Má biết con thương vợ con nhiều lắm. Má nhớ hoài cái chuyện này. Con Hạnh nó đâu có biết.
“Con nhớ không Tâm, cái đêm trước ngày má với mấy đứa nhỏ dọn qua nhà này. Má nhớ lúc đó hơn nửa đêm rồi mà má cứ trằn trọc hoài, ngủ không được. Má mới đi ra định lấy nước uống, thì thấy con ngồi một mình ở phòng khách không biết từ hồi nào rồi, coi bộ có vẻ buồn lắm. Má bước tới hỏi con chuyện gì. Con nói:
‘Ở chung lâu rồi, bây giờ má với mấy em dọn đi, con thấy buồn quá!’
“Má nhớ má nói, má cũng muốn tụi con đi theo mà tại tụi con hổng chịu. Má còn cảm ơn con vì con đã đối đãi thật tốt với má và mấy đứa nhỏ. Và chính là lời nói của con làm cho má cảm động quá nên má mới nhớ hoài. Má nhớ con nói như vầy nè:
‘Con cũng cảm ơn má và mấy em nhiều lắm. Mấy năm vừa qua, tuy có vất vả đôi chút, nhưng lại là những tháng ngày thật đẹp trong đời con. Lâu lắm rồi, từ lúc rời khỏi ba mẹ con, con đâu còn được sống trong một gia đình hạnh phúc. Má và các em đã mang đến cho con những gì con mơ ước. Vả lại con thương vợ con nhiều lắm, nên tất cả những gì thuộc về Hạnh, hay có liên quan đến Hạnh, con đều thương hết má à.’
“Nghe con nói vậy má xúc động lắm. Má nói thầm trong lòng là con gái của má đã khéo chọn cho mình một người chồng xứng đáng,” má tôi kể với giọng bùi ngùi xúc cảm, trong khi khóe mắt vẫn còn chưa khô ngấn lệ.
Chuyện đã qua lâu rồi mà má tôi vẫn còn nhớ rõ.
“Con thấy không Hạnh, thằng Tâm nó thương con nhiều lắm. Má với mấy đứa em của con tự dọn đi mà nó còn thấy buồn, không nỡ rời xa. Vậy mà, bây nỡ đuổi mẹ người ta, thử hỏi, ai không đau lòng cho được!” Má nói ra đúng tâm sự của tôi, làm cho tôi thấy an ủi rất nhiều.
Rồi bỗng nhiên, chợt nghĩ đến một việc khiến tôi buồn man mác. Tôi buột miệng thốt ra thành lời:
“Chắc tại Hạnh không có thương con nhiều, nên mới không có thương những gì thuộc về con, hay có liên quan đến con đó má.”
Tôi quay sang nhìn Hạnh, thấy đôi vai nàng lúc này đã rung lên từng nhịp. Tôi muốn nói lên những lời trách hờn sau cuối, nhưng ngẫm nghĩ rồi lại thôi. Tôi vừa chợt nghĩ đến những tháng năm dài gian lao, cơ cực mà nàng phải gánh chịu sau khi về làm vợ của tôi, để cho tuổi thanh xuân phải héo tàn, phai úa. Tôi thật không nỡ lòng nói gì thêm nữa.
Thôi thì ta hãy chia tay
Lối kia em bước, đường này tôi đi
Trao nhau lời đắng mà chi
Để rồi cũng phải phân ly não lòng
Tôi thấy trong lòng vô cùng xót xa và nuối tiếc, bởi, trước lúc xa nhau, lại không có dịp nghe được một lời từ biệt nào của Hạnh. Nhưng, có lẽ như thế lại tốt hơn, vì biết đâu, một lời cay đắng bây giờ, dù không ai cố tâm, cũng có thể vô tình làm cho buổi chia ly thêm bẽ bàng, chua chát.
Em hỡi thôi đành xa cách nhau
Gieo chi cay đắng chỉ thêm sầu
Nhất phen ly biệt thiên thu khổ
Một lần dang dở trọn đời đau
Rồi, như không muốn kéo dài giây phút đau lòng này thêm nữa, tôi đứng bật dậy, vừa bước nhanh ra cửa, vừa nói với má tôi:
“Má chăm sóc vợ con của con giùm con nghe má.”
“Tâm! Tâm! khoan đi con, nghe má nói nè.”
Ở bên ngoài, tôi nghe má gọi với theo. Tôi tiếp tục chạy nhanh về chỗ đậu xe, không quay đầu nhìn lại.
Về đến nhà, thấy cửa phòng mẹ đang mở, tôi rón rén bước vào, thấy mẹ tôi đang hí hoáy xếp đồ vào chiếc túi xách cũ kỹ, phai màu của mẹ.
“Mẹ, mẹ đang làm gì vậy mẹ?” Tôi ngạc nhiên hỏi, lòng như dự cảm ra có điều gì chẳng lành đang xảy đến.
“Tâm, mới về hả con, chút nữa mẹ đi con à,” mẹ tôi trả lời, cố giữ vẻ thản nhiên.
“Mẹ đi đâu mẹ?” Tôi hốt hoảng.
“Mẹ đi qua cậu Trung. Hôm trước mẹ gọi điện cho cậu biết rồi. Sáng nay thằng Thành, bạn con, nó đã mua vé máy bay giùm mẹ.”
Cậu Trung là em họ của mẹ tôi, đã định cư ở Toronto từ lâu lắm. Tôi thấy lòng buồn vô hạn. Thì ra mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước, vậy mà tôi đâu đã biết gì.
“Cậu con nói nhà cửa bên đó rộng rãi lắm, khang trang lắm, thiên hạ, xe cộ đông vui lắm, và nhất là khí hậu tốt lắm. Hổng chừng mẹ qua bển một thời gian thì sức khỏe khá hơn à nghe Tâm,” mẹ tôi nói huyên thuyên, dường như muốn tôi hiểu rằng bà đang rất vui mừng trước một chuyến đi xa.
Tôi thấy thương mẹ tôi quá. Tôi muốn nói với mẹ rằng ở Canada này, ngoài vùng đảo Vancouver Island ra, thì đâu còn có nơi nào có khí hậu tốt hơn Vancouver của mình nữa mẹ. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi, chứ tôi chẳng nói ra làm gì. Hơn ai hết, tôi hiểu được rằng, mẹ tôi muốn bỏ ra đi, đâu phải vì khí hậu nơi này không bằng nơi khác, mà chỉ vì không muốn tôi khó xử mà thôi. Chắc hẳn, mẹ nghĩ rằng sự ra đi của bà, có thể giữ lại cho tôi một mái gia đình êm ấm.
Lòng của mẹ bao la vô tận
Bởi thương con chấp nhận hy sinh
Quản chi tan nát tim mình
Miễn sao con trẻ gia đình an vui
Tại sao các bà mẹ trên thế gian này lại hy sinh cho con nhiều như thế? Nhiều đến đỗi ngay cả bản thân mình cũng sẵn sàng bỏ mặc.
Tôi không biết ở Toronto có cây phong già nào giống như cây phong già trước ngõ nhà tôi hay không. Và nếu có, thì không biết nó có kết lá xanh tươi trở lại mỗi độ đông tàn, xuân đến hay không. Tôi chỉ biết chắc một điều là, cái lạnh kinh người bên ấy, cùng với nỗi buồn thê thiết ở trong tim, sẽ làm cho mẹ tôi hao mòn đến chết.
“Mẹ đừng đi mẹ. Tối hôm qua con đã nói rõ ràng với vợ con rồi. Lúc nãy con cũng đã thưa qua với má con. Chúng con đã quyết định xa nhau mẹ à,” tôi nói, cố trấn áp nỗi buồn, và lòng thật mong mẹ tôi thay đổi ý định.
“Tại sao con lại làm vậy hả Tâm? Con đâu có thể chính tay phá tan gia đình của mình như vậy được.
“Con à, Con là người chồng, người cha, người chủ gia đình. Con phải có trách nhiệm chăm sóc, nâng niu, phải có bổn phận trân quý, thương yêu, gìn giữ và bảo vệ gia đình của con chứ. Mà gia đình của con hiện giờ chỉ có con, và vợ con của con thôi. Phải, trước đây, mẹ và con cũng thuộc về một gia đình, trong đó có ba con, có mẹ và con. Nhưng, những chuỗi ngày đó đã qua rồi, và cái gia đình đó cũng không còn tồn tại nữa. Ba con đã mất rồi, và mẹ cũng đâu còn sống được bao lâu nữa. Người mà có thể đi với con cho hết đoạn đường đời, chính là vợ của con đó, con biết không Tâm?” Mẹ tôi nói một hơi, như muốn tôi hiểu ra rằng tôi vừa làm ra một hành động điên rồ, ngu dại nhất, khi đích tay bóp chết hạnh phúc của mình.
Tuy không đồng ý với quan niệm gia đình của mẹ, tôi cũng thầm công nhận rằng mẹ tôi nói đúng. Đúng ở chỗ, mai mốt này bà sẽ theo ông theo bà, theo ba tôi mà đi vào một cõi vô hình xa thăm thẳm, để lại cho tôi một niềm đau không dễ gì chịu đựng. Niềm đau mà tôi đã một lần nhận lãnh cái ngày ba tôi mất. Tôi biết nếu mẹ mất đi thì nỗi đau kia sẽ trở lại với tôi càng mãnh liệt hơn nhiều, vì khi ba tôi qua đời, ít ra tôi cũng còn có mẹ. Lần này, thử hỏi tôi còn có gì nữa chứ! Nhưng, nếu mẹ phải ra đi vì qui luật của đất trời, thì tôi hoàn toàn bất lực, đâu biết làm gì khác hơn được. Đàng này lại khác, nếu như có bất cứ cơ hội nào có thể giữ mẹ lại bên tôi, tôi không bao giờ bỏ lỡ.
“Tâm à, đối với những người tầm thường như chúng ta, ở trên đời này, không có gì quan trọng hơn là gia đình của mình đâu con,” mẹ tôi tiếp tục khuyên dạy.
“Thưa mẹ, con cũng biết gia đình là quan trọng lắm, nhưng, nhiều khi chỉ vì hoàn cảnh mà phải bứt ruột bỏ đi thôi mẹ à.”
Nói vừa dứt câu, tôi thấy nét mặt của mẹ tôi buồn dịu vợi. Tôi hối hận vô cùng vì biết mình đã lỡ lời, làm khơi dậy một nỗi buồn sâu thẳm mà mẹ tôi đã đeo mang trong lòng trong suốt ba mươi năm qua. Theo như lời mẹ tôi kể trước đây, thì đó là lần đầu tiên trong đời mẹ tôi phải rời khỏi con mình khi tôi mới vừa tròn ba tuổi. Năm đó, vì sinh kế của gia đình, nên mẹ tôi đành phải gạt lệ lìa bỏ cha con tôi mà đi ở mướn cho người ta. Khi đó, tôi tuy còn thơ dại, nhưng dường như cũng cảm nhận ra được nỗi buồn da diết của một buổi biệt ly, cho nên cứ khóc kêu đòi mẹ. Mẹ tôi kể, khi mẹ cố dằn lòng, xách giỏ, bước vội ra khỏi ngưỡng cửa thì tôi ngồi phịch xuống đất, chân đạp tứ tung, hai tay hướng về phía mẹ tôi mà kêu gào lên:
“Mẹ! Mẹ đừng bỏ con! Mẹ!”
Đó là lần đầu tiên trong đời mẹ tôi rời bỏ tôi, nhưng nó không phải là lần duy nhất. Năm tôi mười lăm tuổi, vì tương lai của con mình mà mẹ tôi, lại phải thêm một lần nữa gánh chịu đau sầu khi chia cắt với con. Tôi nhớ rõ đó là hôm tôi phải xuống tàu đi vượt biển. Ba tôi đạp xe lôi, chở mẹ con tôi đến bến, để đưa tiễn tôi lên tàu làm một chuyến viễn du không hẹn ngày trở lại. Mãi cho đến bây giờ, dù đã trôi qua mười tám năm rồi, tôi vẫn chưa quên được hình ảnh của ba tôi, còng lưng đạp xe lên dốc, mà thỉnh thoảng cứ quay đầu nhìn lại phía sau, như cố ghi sâu vào trong ký ức của ông, những hình ảnh sau cùng của đứa con yêu duy nhất. Còn mẹ tôi, cứ nắm chặt lấy tay tôi không muốn buông ra, dường như bà sợ rằng một khi đã buông tay tôi ra rồi, là sẽ vĩnh viễn đánh mất tôi đi, mãi mãi không bao giờ còn tìm lại được.
Ôi! Cái đoạn đường từ nhà ra đến chỗ tàu đổ bình thường thấy rất xa xôi, sao bây giờ lại mau tới quá. Tôi ao ước có một phép lạ nào đó xảy ra làm cho thời gian dừng lại, để tôi có thể mãi mãi được tận hưởng những giây phút còn ở bên cạnh mẹ cha mình. Nhưng, cái phép lạ đó, đã chẳng bao giờ xảy đến với tôi, bằng chứng là chúng tôi đã đến nơi rồi. Ba tôi dừng xe lại, giọng ông nghẹn ngào nói với tôi, như cố trấn áp bản thân mình để khỏi phải tuôn ra những giòng lệ thảm:
“Thôi, con xuống tàu đi Tâm. Ba mẹ đưa xuống hổng tiện.”
Tôi vuột khỏi tay cố trì kéo của mẹ tôi, bước xuống xe. Tôi nhìn thấy nước mắt của mẹ tôi đã tuôn đổ như mưa nhưng bà cố nén để khỏi phải bật lên thành tiếng. Tôi hiểu được rằng, mẹ tôi sợ tiếng khóc có thể gây nên sự chú ý của người khác, rồi ảnh hưởng đến an nguy của con mình. Ôi! Cái buổi chia ly sao buồn não ruột.
“Tâm, Tâm à, con đang nghĩ gì vậy?” Mẹ cắt ngang giòng suy tưởng của tôi, kéo tôi về thực tại.
“Mẹ ở lại nghe mẹ? Con đã xa mẹ biết bao nhiêu năm rồi, bây giờ mới được ở gần bên cạnh. Mẹ đừng đi nghe mẹ,” tôi không trả lời câu hỏi của mẹ, mà cứ tiếp tục van nài.
“Đừng có khờ quá con à. Thì cứ để mẹ đi một thời gian rồi tính sau. Bây giờ, chuyện quan trọng nhất con phải làm là năn nỉ vợ con về. Con hổng thương con của con sao Tâm?” Giọng mẹ tôi nghẹn ngào, mắt đỏ hoe, dường như mẹ đang cố ngăn những giòng lệ thương tâm sắp chảy tràn ra khóe mắt, vì có lẽ mẹ nghĩ rằng, nước mắt bây giờ sẽ làm nát lòng người đi kẻ ở.
Tôi muốn trả lời với mẹ rằng con thương con của con nhiều lắm. Còn mẹ, mẹ có thương con của mẹ không mẹ? Dĩ nhiên tôi đã chẳng nói ra lời vì biết rằng mẹ thương tôi rất nhiều nên mới quyết lòng ra đi như thế.
“Thôi, mẹ đi nghe Tâm,” mẹ tôi vừa nói vừa đứng lên, đưa tay xách chiếc túi.
Tôi vội đứng lên theo, kéo tay mẹ lại, lòng tôi bấn loạn, và những hình ảnh buồn đau của buổi tiễn đưa năm nào lại hiện về trong tâm trí tôi hoàn toàn rõ nét.
Đời người một chuyến ly tan
Đã là quá đủ trái ngang một đời
Còn tôi mấy bận xa rời
Nên tôi cứ cảm thấy trời bất công
“Mẹ, ba mươi năm trước khi mẹ lần đầu tiên rời bỏ con, thì con còn nhỏ dại lắm. Trí óc non nớt của con đâu có cho phép con nhận biết được cái gì là chia ly, cái gì là buồn khổ đâu mẹ. Những gì mà con biết được, đều là do ba mẹ kể lại. Lần thứ hai, khi con mười lăm tuổi, con phải rời khỏi ba mẹ mà đi vượt biên. Lúc đó tuy con đã khôn lớn để có thể nhận thức được thế nào là ly biệt, là buồn đau, là sầu khổ, nhưng cũng đâu có đủ khôn lớn để quyết định cho tương lai và cuộc đời mình hả mẹ. Còn bây giờ, con đã hơn ba mươi tuổi rồi. Không lẽ, con cũng không có quyền quyết định làm những gì mà mình cho là đúng sao mẹ?” Tôi nói một hơi qua làn nước mắt, tuôn ra hết những ẩn ức thầm kín trong lòng.
Nước mắt của mẹ tôi cũng tuôn rơi ràn rụa . Và dường như để dứt khoát với lòng, mẹ đẩy tay tôi ra, rồi xoay mình bước thật nhanh về phía cửa phòng.
Tôi hốt hoảng thật sự. Tôi linh cảm rằng khi mẹ khuất bóng sau khung cửa là, cũng như hai lần trước, sẽ rời xa tôi không biết đến bao giờ mới có ngày gặp lại. Và biết đâu, may mắn sẽ không còn đến với tôi như trước nữa, mà lần này, sẽ là lần chia ly vĩnh viễn.
Tôi thấy trong người không còn hơi sức gì nữa. Thần trí tôi cơ hồ muốn mê man, đầu óc tôi choáng váng, mắt tôi tối sầm, tứ chi tôi bủn rủn, chân đứng không vững và ngã quỵ xuống sàn. Nước mắt tôi tuôn đổ, hai tay tôi hướng về phía mẹ tôi mà kêu gào lên lạc giọng:
“Mẹ! Mẹ đừng bỏ con! Mẹ!”
Mẹ tôi đứng khựng người lại, rồi quay đầu nhìn tôi.
Không biết có phải tiếng kêu đầy bi thương của tôi, hay hình ảnh thảm não của tôi hiện giờ, hay cả hai, đã gợi lại trong lòng mẹ kỹ niệm xa xưa từ ba mươi năm về trước.
Mẹ buông rơi túi xách, chạy nhanh về phía tôi, ngồi phịch xuống sàn, và ôm chầm lấy tôi mà khóc. Tôi cũng gục đầu vào lòng mẹ, khóc nức nở.
Không biết mẹ con tôi đã khóc bao lâu. Khi dịu lại đôi chút, tôi nhận ra ngoài tiếng khóc của chúng tôi, còn có tiếng khóc của ai khác nữa. Tôi ngước nhìn qua vai mẹ, trông thấy Hạnh, và má vợ tôi nơi ngưỡng cửa, đang đứng ôm nhau mà khóc tự bao giờ.
Thấy tôi nhìn lên, Hạnh chạy lao tới, sà xuống ôm lấy mẹ.
“Mẹ! Con xin lỗi mẹ. Mẹ tha thứ cho con nghe mẹ, con hối hận lắm!” Nàng vừa khóc vừa nói với mẹ tôi.
“Tâm, tha lỗi cho em nghe. Em xin lỗi. Em biết lỗi rồi. Em không bao giờ ngu dại như vậy nữa đâu,” quay sang tôi nàng nói.
“Chị sui à, con nó ngu dại quá. Chị tha thứ cho nó nghe chị. Chị đừng trách nghe chị,” má vợ tôi nói với mẹ.
Mẹ tôi lắc đầu, rồi lại gật, và tiếp tục lắc đầu trở lại, dường như mẹ đang phân vân, không biết nên lắc, hay gật đầu mới là tha thứ.
“Mẹ đừng đi nghe mẹ, đừng bỏ chúng con nghe mẹ,” Hạnh nói như van cầu.
Lần này, mẹ tôi gật đầu lia lịa.
“Ừ, mẹ không đi đâu hết. Mẹ không đi đâu hết. Miễn sao các con của mẹ được yên vui hạnh phúc, là có làm gì mẹ cũng chịu hết,” mẹ nói qua những giòng nước mắt tuôn tràn, tay vuốt vuốt tóc Hạnh, rồi lấy tay nàng mà đặt vào tay tôi.
Hạnh ngước cặp mắt còn đang đẫm lệ nhìn tôi, như thiết tha mong đợi một lời tha thứ. Tôi mĩm miệng cười với nàng. Hạnh cũng đáp lại tôi, bằng một nụ cười pha ngấn lệ long lanh xinh đẹp nhất mà tôi chưa từng được thấy trong đời.
Giữa lúc đó, tôi thấy trong lòng lâng lâng, phơi phới, như có một cái gì đó dịu dàng êm ái lắm đang tràn ngập trái tim mình.
Cảm ơn Trời Phật, cảm ơn Thượng Đế, cảm ơn tất cả những đấng thiêng liêng tại thượng, cảm ơn mẹ, cảm ơn má, cảm ơn Hạnh, đã mang về cho tôi một niềm hạnh phúc vô biên. Niềm hạnh phúc mà chỉ vài phút trước đây thôi, tôi những tưởng đã hoàn toàn đánh mất đi. Giờ đây, lại nguyên vẹn trở về.
Huỳnh Vân Tiên
Mùa Thu 2004