Sau hai mươi năm bế quan tỏa cảng, chính phủ Việt Nam bắt đầu cấp hộ chiếu cho phép các tu sĩ Phật giáo đi du học vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Người có phước được viện trợ tốt thì đi Pháp, đi Nhật, người kém hơn thì đi Trung Quốc và người ít nguồn viện trợ hơn nữa thì đi Ấn Độ, xứ sở đã khai sanh ra ánh đạo vàng Giác Ngộ. Trong số hơn 25 vị đi Ấn Độ vào năm 1994, có một vị tu sĩ trẻ tuổi, năng động và hiếu học.
Ngày đầu tiên ra chợ mua nhu yếu phẩm, thầy gọi một chiếc xe richshaw đạp,
[1] hơi giống với chiếc xe kéo ở các tỉnh miền Tây Nam bộ Việt Nam.
-- "Từ đây đi ra chợ Camp bao nhiêu tiền?" thầy hỏi vị đạp xe.
-- "Đếch ru-pe," tức "mười đồng rupee", [2] anh đạp xe trả lời.
-- "Át ru-pe," tức "tám đồng được không?" thầy mặc cả, vì thầy biết rằng giá chính thức chỉ có năm đồng rupee thôi.
Anh đạp xe lắc đầu năm bảy cái. Thầy bỏ đi vì nghĩ anh không chịu giá tám đồng.
-- "Come, come" tức "lại đây, lại đây!" anh đạp xe gọi vói theo thầy.
Nghe anh gọi, thầy hỏi lại cho chắc:
-- "Tám đồng hả!" "tám đồng nghe!" thầy nói thêm.
Anh đạp xe lại lắc đầu lia lịa. Thầy thầm nghĩ anh dạp xe thật khó hiểu nên quay lưng đi nhanh. Anh đạp xe lại gọi vói theo.
-- "Bét-thô" lên xe!" anh đạp xe mời thầy.
-- "Tám đồng phải không?" thầy lại hỏi.
Anh đạp xe lại lắc đầu vài cái. Thầy bỏ đi thẳng một nước mà không ngó ngoái lại, mặc cho anh đạp xe mời gọi nhiều lần, "bét-thô, bét-thô" mời [thầy] lên xe, mời [thầy] lên xe.
Một tuần lễ sau đó, thầy bắt đầu học tiếng Hindi và văn hóa Ấn Độ, thầy mới hiểu ra rằng "lắc đầu" là dấu hiệu biểu tỏ "sự đồng ý" của người Ấn, mà người Việt Nam thường thể hiện bằng cái "gật đầu," và "bét-thô" là "mời ngồi [lên xe]" mà thầy cứ tưởng anh nói tiếng Việt theo giọng đớt: "[trả giá] bết thế."
[1] Có hai loại Richshaw, loại Richshaw đạp và loại Richshaw máy. Đây là 2 phương tiện giao thông tương đối rẻ và phổ biến ở Ấn Độ.
[2] Rupee là đơn vị tiền tệ của Ấn Độ. Giá một đồng Rupee vào năm 1994 tương đương 330 đồng Việt Nam, và khoảng 36 đổng Rupee mới bằng một đồng đô la Mỹ.