Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cuốc Biết Bay

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 558 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuốc Biết Bay
Tuấn Khanh.
"Hãy để văn chương cứu rỗi cuộc đời này"- Mark Twain

Người ăn xin gầy như chim nói rằng nếu tôi cho y ít tiền, y sẽ kể một câu chuyện kỳ lạ mà đời y đã từng chứng kiến. Ngoài trời như muốn mưa. Oi bức. Vài con ruồi đậu trên miệng ly cứ lì lợm bám chặt dù đã bị huơ tay đuổi. Quán nước vắng ngắt vào buổi trưa. ”Chuyện gì ? ”, tôi hỏi. ”Chuyện Cuốc biết bay“, người ăn xin nói, mắt đau đáu nhìn tôi như e sợ tôi sẽ đổi ý. ”Chuyện cổ dân gian hả ?“, tôi hỏi, lơ đãng nhìn theo những gợn mây xám đang lốm đốm trên bầu trời. ”Không, chuyện của thời nay, anh nghe thử nhé ?“, gương mặt nhăn nheo của người ăn xin khẩn khoản...
...Cuốc sống ở xóm Tù, dáng người cao, da dẻ trắng xanh và có một vẻ đẹp lạ lùng. Cuốc đẹp như một thứ chất liệu quay quắt của tạo hoá còn sót lại trên cõi đời này vậy. Năm đó Cuốc khoảng hai mươi tuổi. Nói như vậy vì không biết chính xác Cuốc đã ra đời vào lúc nào, chỉ biết mẹ của Cuốc mang nó về và sống lặng lẽ trong cái xóm nhỏ tên Tù ấy trong khoảng bấy nhiêu năm. Ngoài những chuyện đó, chẳng ai biết thêm điều gì khác về nguồn gốc của mẹ con Cuốc.
Cuốc lớn lên trong xóm Tù. Cũng như mọi người, Cuốc không được đến trường, không được dạy dỗ để trưởng thành. Cuộc đời đê tiện hay thanh cao hiện ra mỗi ngày ở xóm Tù trở thành những bài học phân minh của Cuốc. Xóm Tù có cái tên như vậy là do con sông nhỏ phía trước mặt khu dân cư ấy hơn hai mươi năm trước tự nhiên bỗng ngừng chảy. Hai đầu sông - không hiểu do con người hay địa thế biến đổi - mà đến một hôm bổng ngăn dòng nước lại, quây thành một khoảng trũng tù đọng. Cỏ cây hai bên bờ úa vàng và khô kiệt. Vùng nước cũng trở nên xanh xao kỳ quái và lờ đờ, mệt mỏi nhưng lạ là chẳng bao giờ cạn. Vì chẳng còn một nguồn nước nào khác nên người trong xóm Tù vẫn cứ lấy nước ở đó để uống, để giặt giũ. Trẻ con thì quanh năm cứ ngụp lặn trong màu nước ma trơi ấy cùng với những xác người chết trôi vô danh đã thối rửa, cứt đái lén lút của cả xóm Tù và những phiêu sinh vật bí hiểm vẫn trồi lên mặt nước vào những đêm hè. Xóm Tù nhìn qua thì chỉ thấy độ vài chục nóc nhà nhưng nhân khẩu thì đông đúc vô chừng. ở đó chẳng ai thật sự quan tâm đến ai. Mọi người dật dờ như những cái bóng đuổi nhau đi tìm miếng cơm manh áo mỗi ngày. Họ chỉ tụ tập nhau lại mỗi khi được chia sẻ một món lợi nào đó hoặc được thoả mãn thú tính trước những trò chơi tập thể độc ác nào đó.
Cuốc lớn lên trong xóm, lẻ loi và hay ngồi trước bờ nước hàng giờ. Từ bé, Cuốc đã khác hẳn những đứa trẻ con khác trong xóm. Từ ngày mẹ Cuốc chết vì bị sét đánh, Cuốc cũng phải tự đi tìm miếng ăn từ lúc còn đi lẫm đẫm. Thế nhưng nó luôn dành thời gian để ngồi một mình trước bờ nước, vươn cổ lên trời như thể để tìm kiếm một điều gì. Bọn trẻ trong xóm Tù không ai chơi với Cuốc - cha mẹ chúng cấm ngặt điều đó. Người ta rì rầm vào tai nhau rằng Cuốc không phải là con người bình thường. Một lần Cuốc bị ngất xỉu do trúng mưa, một người đàn bà đã hô hoán khi nhìn thấy hai lòng bàn tay của Cuốc không hề có một dấu chỉ tay nào. Lòng hai bàn tay trắng bệch và phẳng như da đùi. Người ta nói số mạng của Cuốc không có. Nó có thể chết bất cứ lúc nào và kéo theo những ai gần gũi nó. Đời nó sẽ khốn nạn. Không ai chơi với Cuốc, thậm chí những đứa bằng tuổi nó còn khinh bỉ. Nhưng Cuốc thì hiền lắm. Nhiều lúc thấy Cuốc ngồi bên bờ nước, đám trẻ đi qua và thay nhau khạc vào mặt Cuốc, cười khanh khách theo lệnh của một đứa cầm đầu. Cuốc chỉ im lặng vuốt xuôi những đờm dãi vương vãi trên tóc, trên mặt.
Trong cả xóm Tù chỉ có Sửu là tốt với Cuốc. Sửu mười bảy tuổi, da ngăm bánh mật và đôi mắt đẹp. Vú của Sửu nảy nở đến mức như muốn xé bung làn vải áo duy nhất đã xơ cũ, làm điên dại hết thảy đám con trai mới lớn tại xóm Tù. Thế nhưng Sửu chỉ chơi với thằng Cuốc bị nguyền rủa. Nói là chơi chứ hai đứa ít nói chuyện với nhau lắm. Thỉnh thoảng thấy Cuốc bị đám trẻ ác ném đá vọt máu, Sửu chạy ra đuổi bọn chúng đi và hái lá đắp lên vết thương cho Cuốc. Những lần như vậy thằng Cuốc chỉ rên lên và ngước mắt nhìn Sửu với vẻ cảm ơn. Sửu gật đầu. Với hai đứa, như vậy là đủ. Lòng tốt được cưu mang bằng hành động chứ không bằng lời.
Người xóm Tù căm ghét Cuốc một phần vì Cuốc không hoà nhập được vào với cuộc sống mà họ đã định ra và cho là đúng đắn nhất trên trần thế. Xóm Tù căm ghét chim nhưng Cuốc yêu thương chim lạ lùng. Vô phước con chim nào bay lạc vào bẫy hay bị người xóm Tù bắt được thì đời nó còn khốn khổ hơn cả con người nữa. Cuốc ngồi bên bờ nước mỗi buổi chiều cũng là để nhìn đàn chim bay về tổ mỗi ngày, đếm nhẩm từng con với tâm trạng hồi hộp. Hôm nào thiếu một con, Cuốc cứ khắc khoải ngóng cho đến khi bầu trời đen kịt thì thôi. Có lần, một con chim sẻ nhỏ bị đám thanh niên đầu xóm bắt được. Già trẻ lớn bé tụ tập lại và xem con chim nhỏ bị treo lên và giật đứt từng sợi lông một. Con chim điếng người, kêu thét lên từng chập và yếu dần. Cứ mỗi lần như vậy đám đông cười rộ lên, vô tư. Bỗng Cuốc xuất hiện và kêu lên :“thả-chim-đi !“. Đám đông im bặt quay sang nhìn Cuốc. Người đàn ông có cái cằm vuông, cầm đầu trò chơi vui, nhe răng cười :“mày thương nó lắm à ?“. Nói xong, hắn nắm một chùm lông cánh giật mạnh. Con chim kêu rú lên, hộc máu ra mép. Đám đông lại vỗ tay, cười. Mặt Cuốc trắng bệch, gân xanh bộc trên da :“thả-chim-đi !“. Gã đàn ông dứ nắm lông chim tươm máu vào mặt Cuốc, nhe răng cười :“ mày cởi truồng cho mọi người coi chim của mày đi rồi tao thả nó !“. Gã vừa dứt lời, Cuốc tuột hết quần áo ra và đứng trân trân nhìn hắn, nói lạc giọng :“thả-chim-đi !“. Đám đông gào lên. Gã đàn ông nắm lấy đầu con chim sẻ bẻ ngược ra sau kêu đánh ”rắc“, rồi ném xác vào người Cuốc :“có giỏi thì làm nó sống lại đi !“. Đám đông lại gào lên còn lớn hơn lúc nãy, có giọng khản. Cuốc hai tay bế xác con chim, trần truồng như vậy mà chạy về, nước mắt màu xanh biếc cứ tràn ra hốc mắt Cuốc.
Cuốc và Sửu chôn không biết bao nhiêu là xác chim quanh bờ nước. Mỗi cái xác là một bằng chứng mới của cái chết câm lặng và không bình yên. Đàn chim mỗi buổi chiều bay qua xóm Tù như đã dặn nhau tránh xa nơi ấy nên dần dần bóng chim ngày càng thưa thớt. Cuốc cứ nhìn lên bầu trời cho đến mức mắt khô rạn. Sửu phải lấy nước miếng của mình dấp lên mắt Cuốc, vuốt cho mắt nhắm lại để đừng bị mù. Thế nhưng Sửu cũng không ngăn được điều khủng khiếp ấy. Ngày một bầy chim mới từ núi bay ngang qua bầu trời xóm Tù thì Cuốc không còn nhìn thấy được ánh mặt trời trên những chòm cây lá bạc. Tiếng chim kêu âm vang mặt nước khiến Cuốc choàng dậy, sờ soạng :“tôi-muốn-bay“. Sửu yên lặng nhìn Cuốc rồi nói :“Sửu cũng muốn bay“. Cả hai yên lặng, hít thở bầu không khí đã xuất hiện mùi chim, mùi những ngọn gió tự do đến từ phiá núi cao. Họ hít thở và tủi thân, nghẹn ngào. Bầy chim mới bay cao lắm, cao hơn cả những con chim trước. Đám người xóm Tù ném đá cũng không còn với tới được, bẫy cũng chẳng chăng bắt được gì. Đám đông chỉ còn nhìn theo bóng chim, hộc lên vì ghen tị.
Rồi một hôm Cuốc bỗng ngã lăn ra, người nóng hầm hập. Sửu phải mang Cuốc về cái chòi của nó và nấu cháo để đút cho Cuốc. Thân thể trần truồng không còn quần áo của Cuốc bao lâu nay đã không sạm theo nắng mưa thì thôi, lại còn trắng và xanh đến mức thấy cả những sợi gân máu li ti đan nhau dưới da. Sửu phải cởi quần áo của mình để mặc cho Cuốc, ôm lấy Cuốc mỗi khi Cuốc run rẩy vì cơn lạnh toả ra từ xương tủy. Những cơn lạnh giữa ban ngày kỳ lạ. Cuốc không thể ngồi bên bờ nước được nữa và cũng chẳng ai quan tâm, cho dù đó có thể là một chuyện vui.Cuốc nóng sốt đúng bảy ngày. Mê man và hay thì thào những lời rối rắm mà chưa ai trong xóm Tù từng được nghe. Cóc nhảy ra từ các bụi cỏ gai tím và xếp hàng nhìn Cuốc mỗi đêm với đôi mắt màu đỏ và yết hầu phập phồng. Ngày thứ tám, chung quanh vắng lặng. Cuốc hết bệnh nhưng ngủ li bì. Sau lưng Cuốc bỗng mọc ra đôi cánh chim. Thoạt đầu thì chỉ nhú lên, nhỏ như cái vẩy nhưng sau đôi cánh cứ lớn dần, lớn dần. Đến giữa đêm hôm sau, Cuốc đã có một đôi cánh như chim thật lớn, đủ sức đưa nó bay lên. Cuốc bừng tỉnh, ngồi dậy. Nó dúi đầu vào đôi vú căng và nóng của Sửu, kêu khẻ :“tôi-muốn- bay !“.
Sửu nắm tay, dắt Cuốc ra bờ nước. Những phiêu sinh vật hình mắt người trồi lên và trừng trừng nhìn Cuốc như đe doạ. Cuốc vỗ cánh. Mặt nước xao động. Gió hất ngược mái tóc dài của Sửu, để lộ đôi mắt long lanh, ngan ngát của đứa con gái mười bảy tuổi. Cuốc từ từ bay lên. Toàn thân Cuốc mát lạnh. Cuốc lướt qua hàng cây lá bạc và xuyên thẳng vào màu xanh của bầu trời mà nó vẫn thường mơ ước. Cuốc sung sướng. Nó thét lên một tiếng, vọng đến dãy núi bao quanh thế giới. Tiếng dội của nó đập vào từng cánh cửa nhà của xóm Tù. Những đứa trẻ mới sinh tại xóm Tù bắt đầu bật khóc - điều đầu tiên và kỳ lạ nhất xảy ra tại xóm Tù. Người ta mất ngủ. Họ đốt lửa lên và soi mặt nhau. Họ trợn mắt tự nhìn vào gương. Thế rồi tất cả vỡ oà như một giấc mơ. Người xóm Tù ùa ra khỏi nhà mình, mang theo gậy gộc và đá. Họ mang trong lòng và trên tay tất cả những thứ gì có thể làm thương tổn con người. Họ sùi bọt mép, giận dữ. Họ gào thét tìm Cuốc để giết. Tại sao Cuốc dám đánh thức họ ? Tại sao Cuốc dám bay trên đầu họ ? Tại sao...? Tại sao...? Khi người ta muốn gieo họa cho ai, hãm hại một ai thì mọi lý lẽ dù vô lý đến đâu dường như cũng có thể trở thành mặc khải.
Ngoài bờ nước chỉ có Sửu xõa tóc, trần truồng đứng nhìn lên trời. Trong ánh trăng nhờ nhạt của đêm, Sửu lấp lánh sáng như một pho tượng của sự nhẫn nhục. Đám đông ùa đến và xô ngã Sửu. Họ đập gậy vào người Sửu. Họ ném đá vào người Sửu. Thân thể căng tràn sự sống của Sửu bật máu, những đòn xương gãy kêu lên những tiếng khô khan dưới sức mạnh của đám đông không có lý trí dẫn dắt. Không tìm thấy Cuốc, đám đông chỉ còn trút cơn cuồng dại và sự sợ hãi của chính họ lên Sửu. Những người già giận dữ vì Sửu đã nuôi sống Cuốc. Người trẻ thì muốn chà đạp cái làm cho họ thèm khát và mơ tưởng. Trẻ con thì học tức thì những bài học từ người lớn. Sửu dãy dụa trong vũng máu.
Trong một tích tắc nào đó của tột cùng đau đớn, Sửu bỗng thấy mình tuột hết xương da và bay lên. Sửu kêu thét. Tiếng thét vọng vào núi và rừng, dội vào tai Cuốc và xóm Tù. Người xóm Tù lảo đảo. Họ ôm chặt hai tai để tiếng thét không làm nhức nhối. Cuốc giật mình, sực tỉnh. Nó nhớ đến Sửu, nhớ đến bầu vú căng và nóng của Sửu. ”Sửu-cũng-muốn-bay !“, Cuốc kêu lên. Nó bay trở lại chốn tù đọng bằng cả sức lực hư hao của mình. Cánh của Cuốc phật gió và lao thẳng vào nơi có mùi máu của Sửu, pha lẫn mùi tù đọng sặc sụa như tích tụ từ ngàn năm trước của những con người đang say hành động. Đám đông đã dãn ra thành một vòng tròn rộng. Sửu nằm ở giữa. Cuốc bay xuống đúng chỗ Sửu nằm. Nó sà xuống và ôm lấy tấm thân bết máu của Sửu. Nước mắt màu xanh biếc của Cuốc lại nhỏ xuống, làm vỡ những bong bóng máu đang sủi lên trên từng vết thương nhầy nhụa của Sửu.Cuốc cố nâng Sửu dậy. Nó đập cánh một cách tuyệt vọng để cố mang Sửu và chính nó lên trời. Cánh yếu, Cuốc té sấp xuống. Nó lại cố đập cánh một lần nữa. Gió và máu toé vào mặt người xóm Tù đang chết sửng nhìn. Ngay khi Cuốc lấy được đà, ôm Sửu bay là là trên mặt nước thì đám đông sực tỉnh. Họ lại gào thét. Đá, dao, gậy và lửa lao tới tấp về phiá Cuốc. Một ngọn đuốc dầu bắt vào lông cánh của Sửu, rừng rực cháy loang. Cục đá của một bà cụ sát bờ nước táng vào thái dương của Cuốc. Máu sựt ra và chảy ướt mặt Cuốc. Cuốc lảo đảo kêu lên :“ tôi-muốn-bay !“. Một thằng bé cầm cây gậy tre dài quất mạnh vào cổ Cuốc. Con chim người và người bạn gái của nó té xuống nước và chìm dần. Lửa bắt vào cánh của Cuốc vẫn tiếp tục cháy dưới nước, soi sáng lòng trũng. Một cảnh tượng lạ kỳ hiện ra. Người xóm Tù nín thở nhìn một thế giới khác ở dưới đáy nước. Những phiêu sinh vật hoá thành những con người xanh xao và đứng xếp hàng yên lặng nhìn ngọn lửa bốc cao dưới nước, thiêu cháy Cuốc và Sửu. Khuôn mặt của những người-phiêu-sinh-vật buồn và xanh xao. Lửa yếu dần. Bất chợt, một trong những người dưới đáy nước bổng ngẩng đầu lên nhìn về đám người xóm Tù trên bờ. Người xóm Tù kêu rú lên và bỏ chạy tán loạn về nhà. Trũng nước trở lại màu tối đen trong đêm. Trẻ con mới sinh của xóm Tù lại bật khóc sau những cánh cửa đóng kín, sợ hãi.
Vài năm sau, trũng nước ở xóm Tù cạn dần. Đáy nước trở thành bãi bùn lầy hôi hám. Người dân xóm Tù không ai bảo ai bỗng nhiên lẳng lặng khăn gói ra đi hết. Xóm Tù dần dần trở thành bãi hoang. Dây leo dại và cây cỏ trùm lên mọi thứ. Giờ có đi tìm lại xóm Tù chắc cũng không được nữa. Những con người của xóm Tù đã túa ra bốn phương và len lỏi vào những làng, những xóm bên ngoài. Người ta nói rằng Cuốc và Sửu đã hoá thành chim mặt người, mỗi năm chỉ xuất hiện một lần. Nếu ai nghe được tiếng kêu của đôi chim ấy thì cũng sẽ biết bay. Chuyện về Cuốc biết bay và Sửu hầu như chẳng còn ai biết. Nếu kể ra thì cũng bị coi là chuyện hoang đường...
Người ăn xin kết thúc câu chuyện, nhận tiền từ tay tôi và lầm lũi đi. Ngoài trời đã đầy mây xám. Dù trước đó tôi đã tự nhủ rằng chuyện chỉ nghe cho qua thời gian vậy thôi nhưng sao lòng tôi cứ nao nao. Bóng người ăn xin khuất dần sau dãy nhà thấp. Xương vai của y nhô cao, tựa như hai cánh chim đang mọc trong chiếc áo bạc màu. Tôi chợt thở dài. Có hay không, ước mơ bay cao của người này vẫn còn có thể nuôi sống được người khác...

Tuấn Khanh.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 318

Return to top