Báo Telegraph für Deutschland số 57 tháng 4/1839Hiển nhiên rằng, ở một vùng mà chủ nghĩa kiền thành thâm nhập đến mức như vậy, thì tinh thần kiền thành ấy, trong khi lan ra khắp mọi hướng, ắt phải thấm sâu vào tất cả mọi mặt của đời sống và ảnh hưởng tai hại đến những mặt đó. Tinh thần ấy tác động chủ yếu là vào sự nghiệp giáo dục, trước hết là các trường nhân dân. Một bộ phận các trường quốc lập hoàn toàn nằm trong tay phái kiền thành; đó là những trường dòng, mỗi xã có một trường. Những trường nhân dân khác, tuy vẫn còn bị đặt dưới sự giám sát của hội đồng bảo trợ của giáo hội, nhưng vẫn được tự do hơn nhiều, vì những trường này chịu ảnh hưởng của cơ quan dân sự nhiều hơn. Do vậy, người ta có thể thấy rất rõ ảnh hưởng kìm hãm của chủ nghĩa thần bí, bởi vì trong khi các trường dòng, giống như thời còn mồ ma hầu tước Các-lơ Tê-ô-đo, ngoài việc dạy cho học sinh đọc, viết và làm tính, chỉ nhồi nhét cho chúng sách vấn đáp giáo lý, thì các trường khác vẫn dạy một số khoa học nhập môn và cả một ít tiếng Pháp nữa, thành thử rất nhiều học sinh nhờ ảnh hưởng đó mà ngay cả sau khi đã tốt nghiệp rồi vẫn còn tìm cách tiếp tục học tập. Những trường này phát triển rất nhanh, và từ khi thực hành chế độ quản lý Phổ thì vượt xa những trường dòng mà trước kia chúng thua kém rất nhiều. Nhưng người ta vẫn thích học trường dòng hơn rất nhiều, bởi vì học phí của trường dòng rẻ hơn rất nhiều, và nhiều bậc cha mẹ vẫn gửi con cái mình đến đó học, một phần là do lòng sùng đạo, một phần là vì họ cho rằng về phương diện phát triển trí lực của trẻ em thì cần dựa vào tinh thần tôn giáo mà tăng cường tinh thần thế tục.
Trong số những trường học loại cao, thành phố Vúp-pơ-tan có ba trường phải tự mình bỏ kinh phí ra: ở Bác-men có trường thị lập; còn ở En-bơ-phen-đơ có trường trung học tân khoa và trường trung học.
Trường thị lập ở Bác-men được cấp kinh phí rất ít, do đó rất thiếu giáo viên, nhưng nó vẫn làm tất cả những gì mà nó có thể làm được. Trường này hoàn toàn nằm trong tay một hội đồng bảo trợ keo kiệt và thiển cận, hội đồng này trong phần lớn các trường hợp cũng chỉ lựa chọn giáo viên trong số những tín đồ thuộc phái kiền thành. ông giám hiệu cũng chẳng xa lạ gì với giáo phái này, nhưng trong khi thừa hành nhiệm vụ của mình, ông vẫn tuân theo những nguyên tắc cứng rắn và biết cách chỉ ra rất khéo cho mỗi thầy giáo biết rõ địa vị của mình. Tiếp sau ông giám hiệu ấy là ngài I-ô-han I-a-cốp ê-vích; ông này biết dạy tốt theo một cuốn sách giáo khoa tốt, và trong việc giảng dạy lịch sử, ông là một môn đồ hăng hái của hệ thống Nuê-xen chủ trương kể những câu chuyện vui. ông là tác giả của nhiều trước tác về mặt giáo dục, trong đó có một tác phẩm lớn nhất - cố nhiên là xét về mặt khối lượng - tên gọi là "Người nhân đạo", do nhà xuất bản Ba-ghen ở Vê-den in thành hai tập, 40 tờ, giá một đồng ta-le. Toàn bộ trước tác của ông ta đầy những tư tưởng cao cả, những nguyện vọng tốt đẹp và những phương án không thể thực hiện được. Người ta nói rằng thực tiễn sư phạm của ông ta tụt lại rất xa so với cái lý luận đẹp đẽ của ông ta.
Tiến sĩ Phi-líp Si-phlin, giáo viên chủ nhiệm thứ hai, là một nhà giáo dục giỏi nhất của trường này. Có lẽ ở nước Đức không ai hiểu biết một cách sâu sắc kết cấu ngữ pháp tiếng Pháp hiện đại như ông ta. Ngôn ngữ được ông ta lấy làm cơ sở không phải là ngôn ngữ rô-manh cổ, mà là ngôn ngữ cổ điển của thế kỷ trước, đặc biệt là ngôn ngữ của Vôn-te, và từ Vôn-te ông ta chuyển sang văn phong của các tác giả hiện đại. Kết quả của những công trình nghiên cứu của ông ta được trình bày trong cuốn "Hướng dẫn học tập tiếng Pháp, gồm ba tập", trong đó tập thứ nhất và tập thứ hai đã được xuất bản vài lần, còn tập thứ ba thì cũng sẽ ra mắt nay mai trong dịp lễ Phục sinh. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngoài cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp do Cơ-nê-ben biên soạn, thì đây là một cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp tốt nhất mà chúng ta hiện có; ngay sau khi xuất bản tập thứ nhất, cuốn sách giáo khoa này đã được khắp nơi hoan nghênh và hiện nay hầu như được truyền bá một cách chưa từng thấy trong khắp nước Đức và cho đến tận Hung-ga-ri và các tỉnh ven bờ biển Ban-tích nước Nga nữa.
Những giáo viên còn lại đều là những thanh niên vừa mới tốt nghiệp trung học, trong đó có một số được đào tạo có căn bản, một số khác thì ôm nặng một mớ lộn xộn đủ mọi thứ kiến thức. Trong số giáo viên trẻ ấy có ông Cuê-xtơ, bạn của Phrai-li-grát, là một giáo viên giỏi nhất; trong một cuốn sách tham khảo cho giáo viên, có một bài khái luận của ông ta về thi ca, trong đó ông hoàn toàn loại trừ loại thơ giáo huấn, còn những loại mà người ta thường gán cho nó thì ông ta liệt vào loại sử thi và thơ trữ tình; bài này chứng tỏ sự am hiểu vấn đề và sự sáng sủa của tư tưởng. Người ta mời ông ta đến Đuýt-xen-đoóc-phơ và vì các ngài trong hội đồng bảo trợ biết ông ta là kẻ thù của mọi thứ chủ nghĩa kiền thành, cho nên rất vui lòng để cho ông ta đi. Một giáo viên khác thì trái ngược lại với ông ta, giáo viên này, khi một học sinh lớp 4 hỏi Gơ-tơ là ai, đã đáp "là một kẻ vô thần".
Trường trung học tân khoa ở En-bơ-phen-đơ được cấp kinh phí rất dồi dào; vì vậy nó có thể lựa chọn những thầy giáo giỏi nhất và tổ chức giáo trình đầy đủ hơn. Nhưng trong trường thì thịnh hành một chế độ nhồi sọ đến phát khiếp, khiến cho học sinh trong vòng nửa năm đã có thể biến thành kẻ đần độn. Nhân tiện cũng xin nói rằng ban giám hiệu nhà trường ít khi làm cho người ta cảm thấy sự có mặt của họ: hiệu trưởng thường nửa năm đi vắng và chỉ khi xử lý việc gì hết sức nghiêm khắc thì người ta mới thấy sự có mặt của ông ta. Kết hợp với trường trung học tân khoa là trường dạy nghề; tại đây học sinh phải bỏ một nửa cuộc đời mình vào các loại bản vẽ. Trong các thầy giáo, đáng chú ý có tiến sĩ Cru-dơ; ông ta đã ở sáu tuần lễ tại nước Anh và đã viết một cuốn sách nhỏ về phát âm tiếng Anh, điểm nổi bật của cuốn sách này là nó hoàn toàn vô dụng; tiếng tăm của học sinh trường này rất xấu, khiến cho Đi-xtơ-vếch có lý do than phiền về thanh niên En-bơ-phen-đơ.
Trường trung học En-bơ-phen-đơ ở trong hoàn cảnh rất eo hẹp, nhưng được công nhận là một trong những trường học tốt nhất ở nước Phổ. Nó là tài sản của hội cải cách tôn giáo, nhưng rất ít chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thần bí của hội ấy, bởi vì các giáo sĩ không được nhà trường quan tâm đến, còn những ủy viên của hội đồng bảo trợ thì chẳng hiểu gì công việc của nhà trường, vì thế nhà trường lại càng phải chịu đựng sự keo kiệt của họ. Các ngài ấy không hề có một khái niệm về những ưu điểm của nền giáo dục trung học Phổ, ra sức cung cấp cho trường trung học tân khoa tất cả mọi thứ - kinh phí và học sinh, - còn đối với trường trung học thì họ chê trách rằng học phí thậm chí cũng không trang trải được những khoản chi của nhà trường. Hiện nay đang diễn ra những cuộc thương lượng về việc chuyển giao trường trung học cho chính phủ, chính phủ rất quan tâm đến việc này; nếu việc chuyển giao không thành, thì mấy năm nữa trường sẽ phải đóng cửa vì thiếu tiền. Việc tuyển lựa thầy giáo hiện nay cũng nằm trong tay các ủy viên hội bảo trợ, những người này quả thực là có thể ghi rất chính xác một khoản này hay một khoản khác vào sổ cái, nhưng chẳng hiểu gì về tiếng Hy Lạp, tiếng la-tinh hoặc toán học. Nguyên tắc chọn lựa chủ yếu của họ là: chọn một người vô tài thuộc phái cải cách còn hơn chọn một người thông thạo công việc thuộc phái Lu-the, hoặc - điều này lại càng tệ hơn - chọn một tín đồ Thiên chúa giáo. Nhưng vì trong số những nhà ngôn ngữ học Phổ, phái Lu-the đông hơn nhiều so với phái cải cách, cho nên trên thực tế, hội đồng bảo trợ hầu như chưa bao giờ có thể theo đúng nguyên tắc của mình.
Tiến sĩ Han-scơ, giáo sư và quyền hiệu trưởng, sinh tại Lúc-cau vùng Lau-dit-xơ, làm thơ và viết văn xuôi bằng tiếng la-tinh của Xi-xê-rôn và là tác giả của nhiều bài thuyết giáo, nhiều bài luận văn về giáo dục học và một cuốn sách giáo khoa dạy tiếng Hê-brơ. Nếu như ông ta không phải là người thuộc phái Lu-the, và nếu như hội đồng bảo trợ không keo kiệt đến như thế, thì ông ta đã là một hiệu trưởng chính thức từ lâu rồi.
Tiến sĩ Ai-sơ-hốp, một giáo viên chủ nhiệm thứ hai, đã cùng với một đồng sự trẻ hơn ông, tiến sĩ Ben-txơ, đã viết một cuốn ngữ pháp tiếng la-tinh; nhưng bài phê bình của Ph.Ha-dơ đăng trong tờ "Allgemeine Literatur-Zeitung" đánh giá cuốn sách ấy không cao lắm. Sở trường của ông ta là tiếng Hy Lạp.
Tiến sĩ Clau-den, giáo viên chủ nhiệm thứ ba, rõ ràng là một người giỏi nhất toàn trường, một giảng viên am hiểu tất cả các môn, tinh thông lịch sử và văn học. Lối trình bày của ông ta hấp dẫn lạ thường; ông là người duy nhất biết làm cho học sinh thích thú thơ ca, - một sự thích thú mà nếu không thế thì chắc đã bị tàn lụi đi một cách thảm hại nhất trong đám người phi-li-xtanh ở Vúp-pơ-tan. Theo tôi được biết thì với tư cách là nhà trước tác, ông ta chỉ viết có một tác phẩm phương pháp luận khoa học đề tài "Pin-đa-nhà thơ trữ tình", cuốn sách này đã làm cho ông rất nổi tiếng trong giới giáo viên trung học trong và ngoài nước Phổ. Đương nhiên cuốn sách đó không đem bán trên thị trường sách.
Cả ba trường đó đều mới thành lập năm 1820; trước đây ở En-bơ-phen-đơ và ở Bác-men chỉ có một trường sơ học năm lớp và nhiều trường tư thục; những trường này không thể đem lại một học vấn đầy đủ. Hậu quả của tình hình đó còn thể hiện rõ ở thế hệ thương nhân già vùng Bác-men. Học vấn thì chẳng có gì cả; ai mà biết đánh bài hoặc chơi bi-a, biết đàm luận tí chút về chính trị và nói một câu xã giao hay ho thì ở En-bơ-phen-đơ và ở Bác-men, đều được coi là người có học thức. Lối sống của những người này thật là đáng sợ, nhưng họ lại cảm thấy tuyệt trần; ban ngày họ vùi đầu vào việc buôn bán, lao mình vào công việc đó một cách say sưa và hứng thú đến mức thật khó mà tin được; buổi tối, đến một giờ nhất định, tất cả bọn họ tụ họp lại thành từng đám, đánh bài tiêu khiển, đàm luận về chính trị, hút thuốc và khi đồng hồ điểm chín giờ thì họ trở về nhà. Cuộc sống của họ ngày này sang ngày khác trôi qua như vậy, không mảy may thay đổi, và khốn thay cho kẻ nào vi phạm lối sống đó; kẻ đó có thể tin chắc rằng tất cả các nhà giàu sang trong thành phố sẽ đối xử với mình không chút xót thương. - Những người cha thì sốt sắng chỉ ra cho thanh niên con đường ấy; con cái đến lượt chúng lại cũng mong muốn nối gót theo cha. Những chủ đề câu chuyện của họ rất là đơn điệu: người vùng Bác-men nói nhiều hơn về ngựa, người vùng En-bơ-phen-đơ thì lại nói nhiều hơn về chó, còn khi họ cao hứng lên, thì họ bắt đầu bình phẩm về bề ngoài của những người đàn bà xinh đẹp hoặc tán gẫu về chuyện buôn bán, và đó là tất cả những câu chuyện của họ. Họa hoằn họ cũng nói đến văn học, và họ hiểu văn học là những tác phẩm của Pôn đơ Cốc, Ma-ri-ết, Tơ-rôm-lít, Ne-xtơ-rôi và những tác giả tương tự. Về chính trị, với tư cách là những người Phổ chính cống - bởi vì họ đang ở dưới nền thống trị Phổ, - họ a priori kiên quyết thù địch với mọi thứ chủ nghĩa tự do, nhưng tất cả những cái đó chỉ còn khi nào nhà vua vui lòng duy trì bộ luật của Na-pô-lê-ông cho họ, bởi vì một khi bộ luật ấy bị bãi bỏ thì tất cả chủ nghĩa yêu nước của họ cũng biến mất. Chẳng ai hiểu được ý nghĩa văn học của nhóm "Nước Đức trẻ", họ coi đó như là một hội bí mật, một cái gì giống như phái mị dân, do các ngài Hai-nơ, Gút-xcốp, Mun-tơ chủ trì. Một vài người trong số những chàng thanh niên cao quý có lẽ đã đọc một tác phẩm nào đó của Hai-nơ, có thể là đã đọc "Phong cảnh trên đường", mà không đọc những bài thơ trong đó, hoặc đã đọc "Kẻ tố giác", nhưng những tác phẩm khác thì họ chỉ có một số khái niệm lờ mờ qua ý kiến của các mục sư và quan chức. Cá nhân bọn họ phần lớn đều biết rõ Phrai-li-grát, coi ông là một người bạn tốt. Sau khi ông đến Bác-men, những vị quý tộc non choẹt ấy (ông gọi những thương nhân trẻ tuổi ấy như vậy) đến vây quanh thăm hỏi ông; nhưng chẳng bao lâu ông đã hiểu được những người mà ông tiếp xúc là hạng người nào và tránh giao thiệp với họ; nhưng họ vẫn bám riết ông, ca tụng thơ và rượu của ông, và cố hết sức chén tạc chén thù với một người đã có trước tác nào đó được in, bởi vì đối với những người này, thì nhà thơ chẳng là gì cả, nhưng tác giả có trước tác được in là tất cả. Dần dần Phrai-li-grát cắt đứt hẳn mọi sự giao tiếp với những người này và hiện nay ông chỉ tiếp xúc với một số rất ít người, sau khi Cuê-xtơ rời Bác-men. Những người chủ của Phrai-li-grát, trong hoàn cảnh khó khăn chút ít của họ, vẫn luôn luôn tỏ ra kính trọng và thân ái đối với ông; và điều đáng ngạc nhiên nhất là, ông là một người làm công cho hiệu buôn hết sức cẩn thận và hăng hái. Nói đến những thành tựu thơ ca của ông là hoàn toàn thừa sau khi đã có những bài bình luận rất tỉ mỉ về ông do Đin-ghen-stết viết trong "Jahrbuch der Literatur" và Ca-ri-e viết trong "Berliner Jahrbucher". Nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng cả hai ông này đều chưa chú ý đầy đủ đến một điều là, tuy tư tưởng của Phrai-li-grát vươn đi rất xa, nhưng lòng quyến luyến của ông đối với tổ quốc vẫn hết sức mãnh liệt. Chứng tỏ điều đó là những chủ đề thường gặp ở ông về những chuyện cổ dân gian như "Nàng công chúa ếch" (tr.54), "Nàng Bạch tuyết"(tr.87) và những chủ đề của những chuyện cổ tích khác được viết thành cả một bài thơ ("Trong rừng", tr.157); chứng tỏ điều đó còn có những đoạn ông phỏng theo tác phẩm của U-lan ("Con chim ưng thuần dưỡng", tr.82; "Những người phó mộc", tr.85; vinh dự thay cho U-lan, bài thứ nhất trong hai bài thơ điếu văn của Phrai-li-grát cũng nhắc ta nhớ tới tác giả đó), rồi đến "Những kẻ đi đày" và trước hết là trước tác "Hoàng tử Oi-ghen", tuyệt tác vô song của ông. Phrai-li-grát càng quay sang phía ngược lại bao nhiêu, thì một số ít yếu tố nêu trên càng đáng chú ý bấy nhiêu. Tác phẩm "Nhà thơ trong cảnh lưu vong", đặc biệt là một số đoạn đăng trong "Morgenblatt" cũng cho phép người ta nhìn sâu vào tâm hồn của ông; ở đây ông đã cảm thấy rằng chừng nào ông chưa gần gũi với thơ ca thật sự của Đức, thì thế giới xa xăm vẫn chưa mở ra trước mặt ông.
Báo Telegraph für Deutschland số 59 tháng 4/1839
Trong sách báo chính cống của Vúp-pơ-tan, báo chí giữ một vị trí cực kỳ quan trọng. Đứng hàng đầu là tờ "Elberfelder Zeitung" do tiến sĩ Mác-tin Run-ken chủ biên; dưới sự lãnh đạo khéo léo của ông, tờ báo này đã có tiếng tăm rất lớn và hoàn toàn xứng đáng. ông đã đảm nhận việc chủ biên khi hai tờ báo "Allgemeine" và "Provinzialzeitung" hợp nhất lại làm một; tờ báo này ra đời với một triển vọng tương lai không tốt đẹp cho lắm; đối thủ cạnh tranh của nó là tờ "Barmer Zeitung", nhưng Run-ken - nhờ việc ông cố tạo nên một màng lưới thông tín viên của mình và nhờ những bài xã luận của mình - đã dần dần làm cho tờ "Elberfelder Zeitung" biến thành một trong những tờ báo hạng nhất của nước Phổ. Thật ra ở En-bơ-phen-đơ, nơi mà xã luận chỉ được một số rất ít người đọc, thì tờ báo này không có tiếng tăm mấy, nhưng ở những địa phương khác tiếng tăm của nó rất lớn; có thể là sự suy sụp của tờ "Prebische Staats-Zeitung" cũng đã góp phần vào tình hình đó. Tờ phụ trương văn nghệ "Intelligenzblatt" cũng không vượt quá mức bình thường. Tờ "Barmer Zeitung", một tờ báo mà người phát hành, người biên tập và người duyệt bài thường thay đổi luôn, hiện nay do H.Puýt-man chủ biên; ông này thường hay viết những bài bình luận trên tờ "Abend-Zeitung". ông rất muốn cải tiến tờ báo này, nhưng sự keo kiệt có căn cứ khá xác đáng của người phát hành làm cho ông bị bó tay. Cột tiểu phẩm cũng không làm cho tình hình tốt lên, vì cột báo này chỉ toàn đăng một vài bài thơ của Puýt-man, một vài bài bình luận hoặc những đoạn trích trong các tác phẩm lớn hơn. Với tư cách là phụ trương của báo này, tờ "Wupperthaler Lesekreis" hầu như chỉ lấy tài liệu của tạp chí "Europa" do Lê-van-đơ chủ biên. Ngoài ra, còn có tờ "Taglicher Anzeiger" ở En-bơ-phen-đơ cùng với tờ "Fremdenblatt" - thừa kế tờ "Dorfzeitung" - mà không ai sánh kịp về mặt thơ ca sụt sùi và những sự hóm hỉnh nhạt nhẽo của nó, cũng như cái mũ ngù cũ rích là tờ "Barmer Wochenblatt", luôn luôn để lộ đôi tai lừa của phái kiền thành dưới cái bộ da sư tử văn chương của nó.
Trong các hình thức văn học khác, thì văn xuôi là một thứ chẳng có giá trị gì cả; nếu vứt bỏ những bài báo có tính chất thần học, hay nói cho đúng hơn, những bài của phái kiền thành và một vài cuốn sách nhỏ về lịch sử của Bác-men và En-bơ-phen viết rất hời hợt, thì văn xuôi chẳng còn gì nữa. Nhưng thơ ca thì lại thành công rất lớn trong cái "thung lũng hạnh phúc" này, và khá nhiều nhà thơ đã chọn thung lũng ấy làm nơi trú ngụ.
Vin-hem Lăng-gơ-vi-sơ, một người bán sách ở Bác-men và I-dơ-lôn, lấy bút danh là V.I-ê-man; tác phẩm chủ yếu của ông ta là vở bi kịch có tính chất giáo huấn " Người Do Thái lưu lạc", tác phẩm này cố nhiên không hay bằng tác phẩm cùng một chủ đề do Mô-den biên soạn. ông ta là một nhà xuất bản lớn nhất trong số những đối thủ cạnh tranh của mình ở Vúp-pơ-tan, vả lại điều này cũng chẳng khó khăn gì, bởi vì hai nhà trong số đó - Hát-xen ở En-bơ-phen-đơ và ông Stai-nơ-hau-dơ ở Bác-men - chỉ xuất bản những tác phẩm của phái kiền thành. Phrai-li-grát sống tại nhà ông ta.
Các-lơ Au-gu-xtơ Đuê-rinh, một nhà truyền giáo ở En-bơ-phen-đơ, là tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ; câu nói sau đây của Pla-ten có thể dùng cho những tác phẩm ấy: "Chúng là dòng sông ngập nước, không ai vượt qua được".
ông chia thơ của mình thành thánh ca, đoản ca và thơ trữ tình. Thường thường khi viết đến giữa bài thơ, thì ông ta quên mất là đã bắt đầu từ cái gì và sẽ đi đến đâu: từ những hòn đảo ở Thái Bình Dương với những nhà truyền giáo ở đó ông đi xuống địa ngục, và từ những tiếng thở dài của một linh hồn đau khổ lại bay tới những tảng băng ở Bắc cực.
Lít, hiệu trưởng của trường nữ ở En-bơ-phen-đơ là tác giả của những bài thơ cho nhi đồng; phần lớn các bài thơ ấy đều viết theo một cách đã lỗi thời và không thể nào sánh nổi với thơ của Ruých-kéc, Guy-lơ và Hai, nhưng trong đó cá biệt cũng có những bài không tồi lắm.
Phri-đrích Luýt-vich Vuyn-phinh - đó mới là một nhà thơ thật sự vĩ đại của Vúp-pơ-tan; sinh tại Bác-men, ông là một người mà thiên tài không ai có thể phủ nhận được. Người dài ngoẵng, tuổi trạc bốn mươi lăm, mặc một chiếc áo màu nâu đỏ dài, một cái áo mà chỉ có người trẻ hơn ông một nửa mới có thể mặc được; trên hai vai là một cái đầu không thể nào tả được, trên mũi là một đôi kính mạ vàng, đôi mắt sáng ngời nhìn thấu qua mặt kính; đầu đội cái mũ nhỏ màu xanh lá cây, mồm ngậm một bông hoa, tay vân vê một cái cúc mà ông ta vừa mới vặn ra từ chiếc áo, - đó là Ho-ra-xơ xứ Bác-men của chúng ta. Ngày ngày ông ta dạo chơi trên Hác-tơ-béc mong gặp may tìm được một vần thơ mới hoặc một người yêu mới. Trước tuổi ba mươi, chàng trai không hề biết mệt mỏi này đã từng sùng bái A-tê-nê Pa-la-xơ, sau đó lại say mê A-phrô-đít, nữ thần này đã liên tiếp ban cho ông ta chín cô nàng Đuyn-xi-nê - đó chính là những nàng thơ của ông ta. Dẫu rằng Gơ-tơ biết tìm thấy trong mỗi hiện tượng khía cạnh thơ của nó, hoặc dẫu rằng Pê-tơ-rác có thể làm cho mỗi cái nhìn, mỗi lời nói của người yêu biến thành một bài thơ mười bốn dòng, nhưng họ vẫn còn xa mới đuổi kịp Vuyn-phinh. Có ai coi hạt cát dưới bàn chân là người yêu không? Thế mà ông Vuyn-phinh vĩ đại lại làm như vậy đấy. Có ai đi ca tụng đôi tất lấm bùn trên đồng lầy của Min-sen (Cli-ô trong đám chín nàng thơ) không? Chỉ có ông Vuyn-phinh. - Những bài thơ trào phúng của ông là những kiệt tác của sự thô tục dân gian thật sự. Khi người vợ thứ nhất của ông chết, ông đã viết một bản cáo phó khiến cho tất cả những cô hầu gái cảm động đến rơi nước mắt và một bài ai ca còn tuyệt tác hơn nữa là "Vin-hem-mi-nơ - cái tên đẹp nhất!" Sáu tuần lễ sau, ông lại lấy vợ, và bây giờ ông đã có người vợ thứ ba. ở cái con người đầy sáng kiến ấy mỗi ngày đều có những phương án mới. Trong lúc thơ ca của ông đang thời kỳ cực thịnh, ông dự định khi thì làm người đơm khuy áo, khi thì làm nhà nông, khi thì làm người buôn giấy; cuối cùng ông sa vào cái bến vắng của nghề làm nến để bằng cách này hay cách khác đốt cháy ngọn đuốc của mình. Những tác phẩm của ông chẳng qua chỉ là hạt cát trên bờ biển mà thôi.
Môn-ta-nút ê-rê-mi-ta, một tác giả giấu tên ở Dô-lin-ghen, phải được liệt vào nhóm này với tư cách là một người láng giềng và người bạn. ông ta là một nhà nghiên cứu lịch sử có tâm hồn thơ nhất trong vùng Béc-gơ; thơ của ông buồn tẻ và tầm thường hơn là vô nghĩa.
I-ô-han Pôn, một mục sư ở Hê-đơ-phen, gần I-dơ-lôn, đã ra một tập thơ, cũng thuộc vào loại này.
Thượng đế ban cho chúng ta những ông vua và những giáo sĩ;
Nhưng thi hào Gơ-tơ chỉ có thể từ người trần mắt thịt đến thế gian.
Căn cứ theo câu thơ đó, các bạn có thể nhận định về cái tinh thần quán triệt toàn bộ tập thơ. Nhưng Pôn không thiếu hóm hỉnh, bởi vì ông ta nói: "Nhà thơ là ngọn đuốc, còn nhà triết học là những cô đầy tớ gái của chân lý". Song mấy dòng đầu của bài thơ tự sự "At-ti-la trên sông Mác-nơ" của ông thì thật là đầy óc tưởng tượng:
Sắc như lưỡi kiếm và hòn đá, giống như thác tuyết ào ào,
Cái roi của Thượng đế xuyên qua cảnh đổ nát hoang tàn và lửa, lao tới xứ Gô-lơ.
ông cũng soạn những bài thánh ca, nói cho đúng hơn, ông đã tập hợp những mẩu trong các thánh ca của Đa-vít. Việc làm vĩ đại nhất của ông là ông đã ca tụng vụ tranh cãi giữa Huyn-xman và Dan-đơ, hơn nữa lại ca tụng một cách hết sức độc đáo: bằng thơ trào phúng. Tư tưởng chính là ở chỗ những kẻ duy lý dám
dùng lời lẽ hỗn láo phủ nhận đấng có tên là Thượng đế.
Cả Phốt-xơ lẫn Slê-ghen chưa bao giờ kết thúc bài thơ lục ngôn bằng những vần tuyệt vời như thế. Pôn phân chia thơ của mình hay hơn so với Đuê-rinh: ông ta chia chúng thành "thánh ca và ca khúc" và "thơ hỗn hợp".
Ph.V.Crúc, thạc sĩ thần học, tác giả "Những bài thơ đầu tay hay là những di vật văn xuôi", người dịch vài cuốn sách giảng đạo tiếng Hà Lan và tiếng Pháp, cũng đã viết một tập truyện ngắn cảm động theo phong cách của Sti-linh, trong tập đó có nêu bằng chứng mới nói rằng câu chuyện của Mô-i-dơ về việc sáng lập thế giới là có thật. Quả là một cuốn sách tuyệt diệu!
Cuối cùng, tôi còn phải nhắc đến một anh chàng trẻ tuổi thông minh, anh ta lập luận rằng nếu Phrai-li-grát có thể vừa là người làm công hiệu buôn, vừa là nhà thơ, thế thì tại sao anh ta lại không thể như thế. Chắc chắn là chẳng bao lâu nữa, văn học nước Đức sẽ phong phú thêm nhờ một vài truyện ngắn của anh ta, những truyện ngắn này chẳng thua kém gì những tác phẩm hay nhất trong số những tác phẩm hiện có; khuyết điểm duy nhất mà người ta có thể chỉ trích những truyện ngắn ấy là: đề tài cũ kỹ, chủ ý chưa chín, văn phong cẩu thả. Tôi sẽ sẵn lòng trích dẫn một vài đoạn của một chuyện nào đó trong số những chuyện ấy, nếu như sự lịch thiệp cho phép, nhưng có thể sắp tới đây, một nhà xuất bản nào đó thương hại ông Đ. vĩ đại (tôi không dám nói rõ tên khiến cho lòng khiêm tốn bị tổn thương có thể thúc đẩy ông ta phát đơn kiện tôi về tội làm nhục) và đem xuất bản những chuyện ngắn của ông ta. ông ta cũng muốn làm người bạn thân của Phrai-li-grát.
Đấy là tất cả những hiện tượng văn học của cái lũng sông nổi tiếng này. Có lẽ cũng nên nêu thêm vào đó một vài thiên tài hùng mạnh bốc lên vì rượu, thỉnh thoảng thử sức mình trong việc gieo những vần thơ tồi. Tôi rất muốn giới thiệu họ với tiến sĩ Đu-lơ với tư cách là những nhân vật của cuốn tiểu thuyết mới của ông. Cả vùng này đều bị chìm ngập trong cái biển cả của chủ nghĩa kiền thành và chủ nghĩa ngụy thiện, nhưng những cái nổi lên trên tất cả những thứ ấy không phải là những hòn đảo xinh đẹp đầy hoa, mà chỉ toàn là những mỏm đá cằn cỗi trơ trụi hoặc những bãi cát dài mà ông Phrai-li-grát đang lạc hướng trên đó như chàng thủy thủ bị ném lên bờ.
--------------
Tác giả: Ph.Ăng-ghen
Ngày viết: Tháng Ba 1839
Xuất bản: Đã đăng trong tạp chí "Telegraph fur Deutschland" các số 49, 50, 51, 52, 57 và 59; tháng Ba - tháng Tư 1839 - In theo bản đăng trong tạp chí Nguyên văn là tiếng Đức