Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Bão khô

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5487 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bão khô
Y Uyên

Mùa xuân qua đèo (tt)

Chiếc xe dừng lại trước một dòng sông rộng, tắt máy. Hành khách lao nhao hỏi nhau. Tiếng kèn "toe tóe" của đứa con người đàn ông mặc veste nổi lên. Người tài xế tươi cười nói lớn:
"Bà con chớ hãi. Mình là dân, phi cơ nó ở trên mây nó cũng biết. Qua bên kia đèo, có xe Lam-bét-ta, xe ngựa, bà con khỏi lo".
"Qua đèo cả năm sáu cây số, chết cha nó rồi còn đâu mà đi xe".
"Đây tới chân đèo mấy cây? Chân đèo bên này sang chân đèo bên kia mấy cây?"
"Đường đèo ba cây số là nhiều. Xuống dốc đi lẹ lắm bà con. Đây tới chân đèo… bà con coi, nom gần chút xíu".
"Gần gì, núi nào nom không gần".
Tiếng người ồn ào bàn cãi. Người tài xế hết biết nói sao, cười vơ vẩn, ngồi gác chân lên bánh lái châm thuốc hút. Trước nỗi xôn xao của mọi người, hắn không còn dịp để biểu lộ nỗi thất vọng của mình. Đường từ đây tới chân đèo lại bị phá, khách nào còn dám băng từ chân đèo bên kia, đi bộ cả mười cây số tới đây đi xe... Trước kia chờ dưới chân đèo, máy bay tới còn có chỗ ẩn. Bây giờ, chơ vơ giữa cánh đồng, chẳng lẽ trương cờ trên mui xe. Làm sao trương một lúc hai cờ.
Có người quả quyết xách đồ đạc xuống. Có người xuống tay không, nhìn về dòng sông trước mặt. Vợ chồng người đàn ông mặc veste đã lấy đồ để dưới chân nhưng vẫn ngồi bàn tính. Hồ chờ ông lão uống xong phần rượu còn lại, hỏi:
"Giờ mình xuống chớ bác?"
"Xuống chớ sao không xuống. Bụng mà ấm rồi, qua sông, qua đèo, bất kể".
Ông lão cúi xuống lôi cái giỏ chim nhét cái chai vào. Mấy hộp sữa trong đó dính đầy phân chim. Hồ cúi mình, xách sắc bước xuống xe. Ở mạn sông, hồi nãy vắng im. Thấy xe hơi tới, từ trong những vòm cây rậm, có mấy người đẩy ghe ra chèo lại gần. Người đàn bà chít khăn màu hoa đào xuống trước tiên.
Vợ chồng người đàn ông mặc veste xuống xe sau cùng. Lúc thấy ông ta đặt con xuống mặt đường nhớp nước, đưa áo veste cho vợ, đỡ cái xe Push từ trên mui xe, Hồ dự đoán hai vợ chồng hồi nãy có vẻ ngần ngại vì quá nhiều đồ đạc. Thấy Hồ tò mò nhìn, người vợ lắc đầu than:
"Năm mới gì mà xui xẻo hết chỗ".
Người đàn bà mặt nhọn, da xanh, tay cầm cái áo của chồng một cách vụng về. Thấy ông già đã chạy lật đật tới bờ sông, Hồ đứng chờ vợ chồng người đàn bà. Vóc người cao lớn, khuôn mặt sạm đen có đôi má phị nhăn nhúm của người đàn ông làm Hồ chú ý ngay lúc ở trên xe. Thân xác nặng nề đó như có điều giống Hồ. Lúc nào cũng loay hoay, lật đật. Hồ lại gần người đàn ông ôn tồn.
"Ông mang đồ hơi nhiều. Tôi có thể xách giùm ông cái va li".
Người đàn ông vừa mặc áo veste, vừa nhìn Hồ dò hỏi. Có lúc ông ta như lạ lùng, có lúc như muốn cười gượng gạo. Người vợ mau miệng:
"Nhờ ông giúp cho một tay, may mắn cho chúng tôi quá. Xin cám ơn".
Người đàn ông như mở to mắt nhìn vợ. Ông ta cười hai đuôi mắt dúm lại:
"Phiền ông quá… dạ, phiền ông quá…"
Hồ đưa cái sắc của mình cho người đàn bà:
"Bà xách hai cái sắc… chắc cái sắc của bà cũng nhẹ".
"Dạ không nặng lắm".
Hồ cúi xuống nhấc thử cái va ly. Đúng như Hồ dự đoán, chiếc va ly khá nặng. Người đàn ông dắt xe đi trước, Hồ và người đàn bà vai đeo sắc tay dắt đứa nhỏ đi sau. Trời mưa lất phất giống như lúc ở bến xe. Người tài xế đứng ở bậc lên xuông vẫy tay chúc mọi người may mắn.
"Nếu khúc đường này không hư, đỡ cực được một phần".
Người đàn bà nói. Hồ an ủi:
"Có người có ta, cũng không có gì đáng ngại lắm".
Ở bờ sông, nơi chân cầu gãy, người đàn ông dựng xe, lấy chiếc khăn tay buộc đầu che mưa. Chiếc cầu đứt gọn một khúc giữa.
Thành sắt và xi măng còn nhô trên mặt sông cản nước xoáy. Một người đàn ông ở trần lực lưỡng, một mắt, chèo ghe đậu sát trước mặt ông ta.
"Thầy qua sông?"
Gã đàn ông một chân trên bờ, một chân trên mạn ghe hỏi. Người đàn ông nhìn chiếc ghe nhỏ bé, còn đang phân vân thì gã chèo ghe đã nhấc chiếc xe mang xuống. Người đàn ông giơ tay ra hiệu cản lại, lúng túng:
"Tôi chờ chiếc ghe lớn bên kia sông. Tôi còn vợ, con tôi phía sau".
Gã chèo ghe như không nghe thấy đặt chiếc xe nằm vào mạn ghe chao chát.
"Đứt dây côn của tôi rồi. Chiếc ghe nhỏ xíu này làm sao chở hết bấy nhiêu người?" Người đàn ông hớt hải la. Gã chèo ghe nhìn lên người đàn ông bằng con mắt độc nhất:
"Ghe này nhỏ vậy mà chưa khẳm lần nào. Nhiều người thì chở hai lượt có sao. Thầy sang trước đi rồi tôi lộn lại chở mấy người kia. Vừa nói gã vừa giơ tay ra dấu cho người đàn ông bám lấy để gã kéo xuống. Người đàn ông lúng túng quay lại nhìn vợ rồi lật đật nắm lấy tay gã chèo ghe bước xuống. Gã chèo ghe ngồi phệt xuống ghe, cầm mái chèo quơ nước ra giữa dòng. Người đàn ông tay giữ đầu sợ cái khăn tuột, tay nắm cái "ghi đông" xe, chốc chốc lại quay nhìn phía sau. Lúc thấy vợ con và Hồ xuống một chiếc ghe vừa chèo sang, ông ta vẫn có những lúc nhìn trở lại áy náy. Ngồi sát mặt nước đục lờ lờ, Hồ nhìn lên chiếc cầu đứt khúc càng thấy vẻ chơ vơ của nó. Người phá hoại mỗi lần hoàn thành công trình của mình có dựng lại giây phút chiêm ngưỡng công trình đó không. Nếu không có những ly rượu để trên những bàn cắm bông, bên một giàn nhạc, nếu không có muôn vàn cánh tay cầm cờ vẫy hai bên đường có khải hoàn môn, nếu không có những vòng hoa quàng cổ, theo nghi thức chiến tranh, ít ra họ cũng có một cái vỗ vai của cấp trên, một lời khen lẫn nhau của những người cùng dự cuộc. Không nỗi ngây ngất nào rực rỡ như nỗi ngây ngất chiến tranh, phía sau có lửa, phía trước có máu của mình.
Sang tới bên này sông, Hồ chuyển đồ đạc cho người đàn bà đứng trên bờ, rồi lấy tiền trả ông già chèo ghe.
"Nhiêu đó bác".
"Cho nhiêu thì cho. Anh em mà".
"Bác cứ nói rõ giá. Mấy người kia lấy bao nhiêu?"
"Tôi đâu có biết. Tôi sống về nghề đánh cá đâu có sống nghề chở mướn. Ngồi nhà, thấy bà con kẹt lấy ghe ra chở bà con cho vui, tính chi giá cả".
Người đàn ông đứng trên bờ nói:
"Hồi nãy tôi trả ba chục. Hai chục xe, một chục người. Ông để tôi trả…"
Hồ đưa cho ông già ba chục, ông già lắc đầu nhón lấy tờ giấy mười đồng:
"Đủ rồi".
Hồ nhìn ông già, cám ơn rồi nhảy lên bờ.
Trên con đường từ bờ sông tới chân đèo, không có khúc nào bị đứt nhưng bị xẻ dọc hai bên. Người đàn ông nhìn con đường, cúi xuống chiếc xe càu nhàu:
"Côn đứt, làm sao mà chạy. Người chi mà dữ tợn hơn ăn cướp".
Ông ta nói vợ mắc hai cái sắc vào tay lai để bế đứa nhỏ kêu mỏi luôn mồm rồi lững thững dắt xe đi trước. Hồ vừa bước vừa lắng tai nghe những tiếng súng rời rạc ở phía đèo. Qua được quãng đường đèo mới đi được nửa đường nhưng coi như đã bớt nguy hiểm. Bên kia, đồng ruộng, xe nhiều trở ngại. Trước mặt Hồ người ta đi rải rác như một đoàn hành hương trong mưa xuân. Có những người đàn ông, những đứa nhỏ mười lăm mười sáu, quần sà lỏn, áo đen xuất hiện chở những người con gái. Đàn bà áo dài sặc sỡ. Người đàn ông nhờ hai chiếc xe đạp chở vợ con đi trước. Hồ nói:
"Côn đứt, ông cho máy nổ, đẩy cho có trớn, sang số hai có thể chạy được".
"Đường này chạy mau nguy hiểm. Lỡ xe nhào xuống hố… Nghe nẫu nói, mấy cái hố trên đèo đều có mìn… mìn pin".
"Đường còn rộng thế này, chẳng hề chi. Lên tới đèo, đường hẹp, dắt xe cũng không muộn".
Người đàn ông yên lặng dắt xe, bước những bước dài. Hai vạt áo veste gió thổi bạt ra phía sau. Chiếc khăn trên đầu người đàn ông đập lất phất. Hồ định mướn một chiếc xe đạp chở va ly nhưng ngại người đàn ông sợ mất đồ. Mặt Hồ ướt nước, càng đi càng thấy hai thái dương bốc nóng. Có lúc Hồ muốn châm một điếu thuốc lại sợ gợi sự chú ý của những người quần áo đen. Họ như những sinh vật còn tồn tại được, thích hợp với không khí bom đạn. Họ như số ở những chỗ Hồ không thể đoán, buồn thảm. Nhìn cảnh vật quanh mình, Hồ thấy khó hình dung lại cảnh căn nhà, khu phố vợ mình đang sống những ngày đầu năm.
Lúc Hồ và người đàn ông, hai người sau cùng, tới chân đèo, trời đã gần trưa. Trên mạn dốc, những người đi trước đang đứng dưới một vách đá có những khẩu hiệu sơn đỏ đả đảo Mỹ nghe một cán bộ tuyên truyền. Hồ nghe có tiếng cười quen thuộc ở trên cao, trước mặt. Hồ ngạc nhiên thấy người đàn bà khăn hoa đào ngồi trên một khúc cây ở sườn núi, ăn củ đậu bên mấy người đàn ông cắm cúi kẻ khẩu hiệu.
Hồ thoáng chạm cặp mắt chị ta và bước mau lại vòng người như mất hồn. Những người quần áo đen và những chiếc xe đạp mất dạng. Đứa con trai người đàn ông tay níu mẹ, tay cầm kèn mắt mở lớn nhìn người cán bộ làm điệu bộ. Thấy mình bị nhiều cặp mắt lạ quan sát, Hồ đứng sát lại sau mấy người đàn bà. Cả chuyến xe chỉ có Hồ là thanh niên, lạc lõng xa lạ. Người cán bộ đang nói về một chiến công đầu năm ở địa phương. Từ trên đầu dốc, có hai người kéo một chiếc xe ngựa chạy xuống. Trong xe ngựa có một xác chết thò cẳng ra sau. Không thấy đầu, bụng đầy ruột và tóc. Ở trên sườn núi có tiếng người xôn xao. Người đàn bà khăn hoa đào cầm củ đậu, mấy người đàn ông cầm chổi sơn đỏ đứng nhìn xuống. Người cán bộ giở cái mũ nan đưa mắt nhìn khắp mặt mọi người. Có nhiều bộ mặt ngơ ngác, có vài người bắt chước, quay ra nom theo chiếc xe ngựa, giở nón. Vợ người đàn ông mặc áo veste vội dằng cái kèn khỏi miệng đứa con. Nó ngồi bệt xuống, đạp chân khóc lớn. Người đàn bà lật đật ngồi xuống làm bộ vắt mũi cho con, tay bịt mồm cho nó khỏi la.
Lúc trời nắng gắt, mọi người bắt đầu qua đèo. Người đàn ông nói với Hồ:
"Tôi đi trước với mấy người kia coi tình hình. Nhờ ông coi giúp cháu nhỏ".
Dốc đèo càng lên càng cao. Đường đèo từng khúc ngắn lại mất hút sau vách đá, phía trước luôn luôn thấy khoảng trống của vực sâu. Người đàn bà luôn luôn đổi bên đứa nhỏ. Nhiều lúc bà ta hốt hoảng ôm chặt lấy con khi nó cựa cẳng ngả người chỉ trỏ. Hồ luôn luôn để ý đến những người đi trước mình tuy ít khi nom thấy họ. Họ mau chân bỏ những người đi sau một đoạn khá xa. Ở bên này đường đèo nhìn qua bên kia, Hồ thấy người đàn ông dắt xe, ông già xách giỏ chim như đang dò dẫm trên bờ vực. Càng đi tiếng máy bay, tiếng bom từng chuỗi nghe càng vang vách đá. Người đàn bà bảo Hồ:
"Nhà tôi không biết có nghe ngóng hay cứ đi liều mạng".
Hồ cười nhếch nhác.
"Ông nhà cẩn thận lắm, không có chi đáng ngại".
Vượt được hơn hai cây số đường đèo đám người đi sau đồng ý ngồi nghỉ một lát. Người đàn bà ngồi dựa lựng vào vách đá thở dốc hai tay vòng lấy bụng con. Hồ lấy khăn lau mặt, lấy chiếc bánh Hòa cho bóc đưa mỗi người một miếng. Những bụi tranh sắc như lá mía ở hai bên đường gió thổi rạt từng hồi.
Người đàn bà ăn không hết miếng bánh đã kêu no đứng dậy đi xin nước uống. Hồ nằm dựa vào vách châm một điếu thuốc. Đoàn người đi trước có người trở lại nói phía trước đang bỏ bom không đi thêm được. Sau một hồi bàn tán mọi người quyết định vừa đi vừa dò đường. Hồ nhổm dậy xách va ly uể oải bước sau cùng. Nếu Hồ cứ ở lại ăn tết với bà má. Hồ không muốn hình dung lại cảnh mọi người đứng ngoài sân lúc giao thừa, cảnh những đường phố thị xã như một giấc mơ ngủ muộn. Sống ở đó để mỏi mệt vì những ý nghĩ thì thà cứ đi như thế này. Hồ về không phải vì tình yêu vợ nhưng do những ước muốn đã giúp Hồ sống được những ngày ở xa. Ước muốn đó có khi sẽ không là gì khi đã được bàn tay người ngưỡng vọng đặt lên. Nhưng nó đã khiến Hồ quay về mà không như người chạy trốn tuyệt vọng. Hồ mong lần này về sẽ có với vợ một đứa con.
Đám người đi trước đã ở quá gần chỗ dội bom. Những tiếng nổ rung chuyển chạy dài. Có vài chiếc máy bay lao qua lao lại trên không. Ông già xách lồng chim chạy ra đón đám người mới tới xin nước uống.
"Đường đèo hiện có dội bom không bác?" Hồ hỏi.
Ông già lắc đầu:
"Chắc không. Êm êm một chút qua cây số nữa xuống tới chân đèo là nom thấy đường về. Về nhà còn kịp ăn tết mà".
"Không dội bom mình đi đại có sao".
"Đâu có được. Bom bỏ trên núi, qua chân núi không sợ chết sao".
Một giờ qua nhiều người đã sốt ruột sửa soạn hành lý để băng nốt quãng đèo. Có một số người lại tình nguyện đi trước dò đường. Hồ nói với người đàn ông.
"Ông ở lại đi sau với bà nhà. Tôi đi trước một chuyến coi sao".
Người đàn ông cười gượng lắc đầu.
"Tôi có xe rủi có điều chi mau hơn".
Dứt lời người đàn ông dắt xe bước mau theo mấy người đang đi rải trước mặt. Bọn người đó đi khuất sau những góc núi được một lát, một người chợt nghe có tiếng súng liên hồi thật gần. Ba bốn chiếc máy bay ầm ầm từ đâu tới lao bổ xuống. Hồ vội kéo người đàn bà nằm sấp xuống chân núi. Có tiếng hoảng sợ vừa vứt chiếc va ly rớt xuống vực. Tiếng kêu hoảng hốt là tiếng một bà già lúc thấy chị ta bổ ra bờ đường ngó xuống dưới sâu. Mấy chiếc máy bay vừa vụt đi, mọi người kéo nhau ùng ùng chạy về phía trước. Phía trước cũng vậy thôi nhưng không lẽ nằm yên ở chỗ bị đe dọa. Đi được một quãng quay lại Hồ vẫn thấy người đàn bà đánh rớt va ly tần ngần bên lề đường ngó đăm đăm khoảng không.
Người đàn ông đã quay trở lại với mấy người khác.
"Mấy người kia chạy nhào đi trước rồi. Tôi nằm tránh đạn, mấy người đó vẫn chạy, lúc nhổm dậy, không thấy họ đâu, chắc họ đã thoát".
Đoàn người do dự một lát rồi lại tiếp tục đi. Họ như đã quen với mọi đe dọa. Lúc qua chỗ máy bay đang dội bom người ta chạy ùa theo sườn núi. Hồ ngạc nhiên dừng lại nhìn quanh quất ngơ ngác. Bên vệ đường cái giỏ của ông già ngồi cạnh Hồ trên xe bỏ lăn lóc. Mấy con bồ câu đập cánh nhảy trên những hộp sữa tìm lối ra. Một nỗi hoảng sợ đến kinh dị chiếm lấy Hồ, Hồ cắm đầu chạy nhào đuổi theo đoàn người trước mặt. Lúc đã tới chân dốc, Hồ mới nhận ra vẻ hớt hải của mình. Hồ vừa thở vừa rảo bước xuống dưới ruộng có những chiếc xe đậu với hy vọng nom thấy mặt ông già. Từ chân dốc đó cách hơn một cây số người ta bắt đầu đi thong thả, ồn ào nói chuyện. Phía sau tiếng nổ vẫn nghe thật gần, vẫn vang vách núi. Những người lái xe Lam-bét-ta đón khách đang ngồi trên mui xe coi máy bay. Hồ ngồi bệt xuống sau một chiếc xe lấy thuốc lá ra hút. Cánh đồng nom thật rộng, nhiều nắng. Người đàn ông đi bên vợ con dắt xe thong thả đi tới. Đứa bé chạy trên đường mồm thổi kèn.

 

HẾT

<< Mùa xuân qua đèo |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 758

Return to top