Đây là đề tài nghiên cứu vừa được Phòng Thí nghiệm Tế bào gốc, Trường ĐH khoa học Tự nhiên, TP HCM công bố.
Theo thạc sĩ Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Thí nghiệm tế bào gốc của trường, việc chiết xuất tế bào gốc từ máu kinh nguyệt đã từng được thế giới nghiên cứu, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam nêu ý tưởng này.
"Dùng tế bào gốc từ loại máu này rất hiệu quả bởi cách lấy máu khá đơn giản và việc bảo quản cũng dễ dàng. Tính năng tái tạo tế bào cũng mạnh gấp nhiều lần so với các loại tế bào lấy từ những bộ phận khác", ông Ngọc nói.
So với việc lấy tế bào gốc từ cuống rốn của trẻ, nguồn tài nguyên này tỏ ra tiện lợi hơn khi nó phục vụ cho toàn bộ phụ nữ đã trưởng thành. Sau khi gửi máu ở ngân hàng tế bào gốc để nuôi cấy, khi có bệnh, chủ nhân của "lọ máu này" sẽ có sẵn lượng tế bào gốc phù hợp để điều trị mà không cần thông qua thao tác biến đổi gene vốn mất thời gian và tốn kém.
Cũng theo ông Ngọc, chỉ cần lấy máu trong một lần kinh nguyệt là đủ để sử dụng cho chính chủ nhân trong suốt đời. Tuy nhiên, vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc thành lập các ngân hàng chuyên nuôi cấy và bảo quản loại tài nguyên này.
Để biến tế bào gốc thành "thuốc", ngoài máu kinh nguyệt, các nhà khoa học có thể phân lập tế bào gốc từ phôi thai, cuống rốn, tế bào da..., sau đó chuyển hóa chúng thành các loại tế bào thần kinh, tế bào máu, cơ tim, giác mạc mắt... Các loại tế bào thành phẩm được trữ sẵn để chữa bệnh cho người.
Tại Việt Nam, một số ngân hàng nuôi cấy tế bào gốc đã được thành lập như Công ty cổ phần Mekophar, Công ty cổ phần Ngọc Tâm, Bệnh viện quân y 103, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM. Mục đích của việc nuôi cấy tế bào gốc nhằm phục vụ điều trị một số căn bệnh nan y như: ung thư máu, tiểu đường, thiếu máu bẩm sinh...
Năm 2007, một bệnh nhân bị hỏng mắt đã được chữa trị thành công bằng cách dùng tế bào gốc để ghép giác mạc. Tháng 6 vừa qua, một bệnh nhân khác mắc ung thư máu cũng được cứu sống nhờ tế bào gốc.
Thiên Chương