Ký ức mùa hạ
Nguyễn Khai Phong
Hoa nằm viện, sốt liên tục, cái nóng dồn lên vầng trán dồ, cái lạnh dồn xuống đôi chân, đôi tay xanh mét. Bệnh rất nguy kịch, nhưng nó vẫn bình tĩnh lạ thường, chịu đựng tất cả những viên thuốc đắng, những mũi tiêm xé thịt... Dù vậy, sức chịu đựng của con người cũng có hạn. Nó có thể xa tôi trong khoảnh khắc. Nghe nói, ngành y tế cũng chưa có thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm điều trị của đội ngũ y bác sĩ. Ðành vậy, còn nước còn tát, còn hy vọng...
Sau nửa tháng nằm viện, bệnh tình của Hoa đã giảm. Tôi sung sướng bồng Hoa ra hành lang lầu ba bệnh viện, lâng lâng nhìn con đường Cách mạng Tháng Tám mặt nhựa đen bóng, người và xe qua lại nhộn nhịp. Nắng chiều trải vàng thành phố. Gió xua nhẹ những đám mây trắng lang thang trên bầu trời trong xanh. Tôi xúc động, cúi xuống hôn nhẹ lên trán con, hỏi nhỏ:
- Con khỏe nhiều chưa?
Tay nó rờ lên trán, rồi nắm chặt tay tôi:
- Khỏe. Con hết nóng rồi, ba rờ trán con coi. Hết nóng rồi phải không ba?
- Ừ, hết nóng rồi.
- Con về được chưa ba? Con nhớ nhà, nhớ trường, nhớ cô giáo Hương. Con nghỉ học lâu quá, cô sẽ không cho con lên lớp?
- Ba đã xin phép cho con rồi, cô đồng ý mà! Tôi ngắt lời con để nó yên tâm điều trị chứ lòng tôi không yên. Tôi rất quý trọng nhà giáo không phải vì bản thân tôi đã từng đi dạy học và tham gia công tác quản lý giáo dục, mà có điều gì đó rất thiêng liêng... Biết vậy, nhưng cũng không phải là bất kỳ, nhất là có đôi lúc, thậm chí có một thời gian khá dài tôi phải đau đớn, phải băn khoăn về họ, mất lòng tin về họ? Ðiều này bắt nguồn từ những gì xảy ra ở quanh tôi, chuyện gia đình tôi có liên quan đến nhà giáo. Ðó là những năm hòa bình đầu tiên, miền nam hoàn toàn giải phóng - Hoa - con tôi bước vào lớp một, lớp học dời đổi luôn. Cuối năm học, hóa ra con gái tôi không có tên trong danh sách lớp. Lạ chưa? Vậy thì dạy gì, học gì? Cuối cùng, Hoa cũng được lên lớp, nhưng những năm học tiếp theo thì sao? Tôi biết việc học, việc lên lớp, việc ngồi lại lớp là chuyện bình thường nhưng sự thật thì không đơn giản như thế. Có người cha mẹ nào có thể yên lòng được khi nhìn thấy thầy giáo chạy xe đạp ôm, cô giáo bán hàng vặt vì đồng lương quá thấp, vì đời sống quá khó khăn, rã ngũ như lá rụng. Rồi nhiều, rất nhiều vụ việc khác nữa, không sao hiểu nổi... Có người cha người mẹ nào có thể yên lòng việc học hành của con em mình trong tình cảnh như vậy?
Như nghĩ ra điều gì, Hoa nói:
- Cô Hương có đến đây thăm con. Cô cũng hôn con như ba vậy, cô còn hỏi: ba có đến thăm con thường không? Con nói, thường lắm, ngày mấy lần đặng... Cô Hương thương con nhiều, nhiều lắm...
- Ừ, phải rồi, cô giáo là bà mẹ thứ hai mà!
- Nhưng cô thương con nhiều hơn các bạn. - Nó nói như để giải thích. Cô chăm sóc con nhiều hơn các bạn, thường nắm tay con, xoa đầu con, vuốt tóc con... Còn đối với các bạn khác thì cô không làm như vậy đâu. Có lần cô hỏi, mẹ mất, ba đi làm về chắc là bận rộn việc nhà lắm phải không?
- Con trả lời thế nào?
- Con nói, ba con bận lắm, đủ thứ việc, không rảnh tay. Nào là nấu cơm, chẻ củi, cho heo ăn. Nào là đêm đêm ba còn viết viết gì đó nữa, khuya lắm. - Nó dừng lại một lúc, bỗng nhiên hỏi: Con trả lời như vậy có được không ba?
- Ðược. Tôi gật đầu, không phải nói thêm một lời nào nữa vì đó là sự thật, một sự thật không thể chối bỏ. Tôi không có nhiều thì giờ, ngày làm không hết việc nên thường phải làm đêm. Không biết cô giáo Hương hiểu như thế nào về tôi mà lại mời tôi viết giúp cô một kịch bản ngắn để tham gia chương trình văn nghệ của nhà trường? Thú thật, tôi đã không một chút mặn mà đối với lời mời ấy vì những lý do như đã nêu trên. Hơn nữa, tôi viết văn xuôi, làm thơ được, còn viết kịch thì chưa một lần. Tôi cương quyết từ chối, nhưng cô ấy cũng đã nhắn gửi thông qua con gái tôi mấy lần...
- Con nhớ nhà quá, xin phép bác sĩ cho con về đi ba!
- Không nên đâu con. Khi nào bác sĩ cho phép thì con mới được về.
- Thì ba hỏi bác sĩ đi.
- Bác sĩ không cho đâu, bệnh con mới bớt mà, ráng ở lại bệnh viện ít hôm nữa, nếu con không còn sốt ba sẽ hỏi bác sĩ. - Tôi ngắt lời con vì lo sợ nó trở bệnh. Tôi nghĩ, Hoa đã thoát chết từ trong cuộc chiến tranh, bây giờ là thời bình không lẽ...
Khi Hoa chào đời thì mẹ nó bị băng huyết nặng và ra đi trong một đêm tối trời, pháo địch gầm dữ dội, bắn tung đất con rạch Xẻo Chồi - một vùng quê nghèo hẻo lánh - nơi cơ quan tôi làm việc. Thấy tình cảnh như vậy bà con ở đây đùm bọc, che chở cho nó. Theo năm tháng, đầu Hoa to dần ra, ai cũng băn khoăn cho tính mạng của nó. Hoa thường bị u đầu trầy trán mỗi khi trườn bò, tập ngồi tập đi, đầu nó gục xuống bất ngờ không gượng được. Có khi nó lăn từ trên giường xuống sàn nhà, đầu nện xuống đất như ai ném bịch muối, cái đầu to nặng đã hành hạ nó như vậy đó! Chưa hết, có lần Hoa hấp hối trên tay tôi vì đói và cảm lạnh, tôi ngỡ đã phải vĩnh viễn xa nó từ đó. Nhưng cuối cùng, vận may đã lại đến với nó. Hoa đã sống, lớn lên và đi học. Trong giờ học ở lớp nó rất chăm chỉ. Lúc ở nhà, cũng rất siêng năng, tự học tự viết một cách say mê. Dường như nó biết thân phận mình. Hoa không bao giờ bỏ học, trừ khi ốm nằm liệt giường. Vậy mà nó ít khi nhận được lời khen, trái lại thường bị bạn bè trêu chọc: "Hoa đầu dồ", "Hoa trán dồ". Lúc đầu nó giận, về sau thì dường như quen dần, nó chấp nhận thực tế. Ngại con gái tủi thân, tôi an ủi: "Ðầu, trán con chỉ hơi dồ thôi, bù lại con rất thông minh". "Ðầu con dồ, trán con dồ thật mà ba" - Con gái tôi không ngại những điều này.
- Xin phép bác sĩ đi ba! Hoa nhắc lại, giọng khẩn thiết, nét mặt buồn hiu.
Thấy vậy tôi cũng nao lòng, mặt khác tôi rất ngại nhà trường và lo cô giáo Hương không cho Hoa lên lớp như nó đã nói khi nãy, trong khi ngày bãi trường đang tới gần. Tôi đành đi gặp bác sĩ.
- Ba chở con đến trường để gặp cô giáo Hương, con năn nỉ cô cho con lên lớp. Bảy giờ sáng nay cô có mặt ở trường.
- Khó lắm. - Tôi lắc đầu, giọng cụt ngủn, bực bội. Vậy là nỗi lo lắng của con, nỗi băn khoăn của tôi đã thành sự thật. Ðầu năm học mới Hoa không được lên lớp, phải ngồi lại lớp cũ. Tin ấy như sét đánh đối với tôi và con gái.
- Bảy giờ sáng nay cô dự liên hoan bãi trường. Nếu ba thấy không tiện thì trưa nay ba chở con tới nhà cô. Nhà cô ở gần cầu số 2 đường 3 tháng 2, qua khỏi cơ quan giáo dục đào tạo, qua khỏi trường đại học, bên cạnh vườn ươm cây. Ba giúp con đi ba! - Nó nói, giọng nài nỉ, tha thiết. - Có xa lắm không ba?
- Xa lắm, chừng ba cây số, phải mất trên nửa giờ đi bộ. - Tôi xúc động nói, giọng trầm xuống. - Ba đưa con đến trường, trưa rước con về.
Hoa lên xe. Tôi để ý thấy nó lặng lẽ không nói gì, có vẻ lo lắng, dường như nó cũng cảm nhận được điều gì đó sắp xảy ra mà chính nó phải đương đầu. Mong muốn được lên lớp của nó là bình thường, có gì sai trái đâu, sao lại khó thực hiện đến thế?
Xe dừng trước cổng trường. Nó xuống xe, bước nhanh qua cổng phụ, tay vịn song sắt, nhìn vào văn phòng hiệu trưởng. Tôi nhìn theo dáng con... Không thể dùng dằng nữa, tôi phải đi làm, đành dặn con chờ tôi như thường lệ.
Sau khi giải quyết một số việc gấp ở cơ quan, tôi trở lại rước Hoa thì cổng trường đã khép chặt, vắng lặng. Vậy là Hoa không đợi tôi được, có thể vì phải chờ đợi lâu quá nên nó đã bỏ đi bộ về. Tôi đuổi theo, hy vọng nó còn lang thang dọc đường. Nhưng không... Tôi vọt nhanh về nhà cũng không thấy bóng dáng nó. Việc này chưa từng xảy ra bao giờ nên tôi rất lo lắng. Vậy là chuyện gì đã xảy ra? Nó ham chơi với chúng bạn hay đã gặp chuyện chẳng lành? Nhiều câu hỏi đặt ra không có lời đáp. Băn khoăn mãi, cuối cùng tôi cũng tự trấn an mình, tin và dựa vào sự khôn ngoan của nó. Giọt nắng đổ nghiêng từ phía tây qua tán mận hồng đào in lốm đốm trắng mặt sân. Ðã sắp tới giờ đi làm, tôi phải có mặt ở cơ quan như thường lệ mà Hoa vẫn biệt tăm. Sốt ruột, không còn lựa chọn nào khác, tôi tìm đến nhà cô giáo Hương. Tôi chạy đua với thời gian. Cũng may là có nhiều người biết cô giáo Hương nên việc hỏi thăm nhà cô không khó. Bà mẹ cô ra tiếp tôi và nói: "Trưa nay cháu Hoa có tới đây chơi, tôi kêu dùng cơm, nhưng cháu không ăn, nài mãi cũng không được. Sợ cháu tội nghiệp, lo cháu về đường một mình không tiện nên Hương đã đưa cháu về nhà rồi". Tôi tạm biệt bà mẹ trong tâm trạng buồn, vui, lo âu lẫn lộn.
Ðường về, nắng xế đổ lửa rát da mặt, cảm giác mồ hôi ướt áo, mồ hôi kết thành giọt lăn trên má, mằn mặn ở môi...
Thế là lần đầu tiên tôi đến nhà cô giáo Hương và cũng là lần đầu tiên cô ấy đến nhà tôi. Hoa phải chấp nhận ở lại lớp, cô Hương sẽ tiếp tục dìu dắt nó một năm nữa. Theo lời giải thích của cô, nó đã bỏ nhiều bài vở vì hơn nửa tháng nằm viện và thời gian nghỉ rải rác trong năm. Nó có thể lên lớp được, nhưng không nên ép. Cô giáo Hương nói đúng, dù chỉ là một phần sự thật. Tôi đành không thể nói gì hơn.
Câu chuyện của chúng tôi diễn ra có vẻ thân mật và cởi mở. Ðiều đó có thể do cô ấy đem lại. Cô ấy không ồn ào, nhưng có sức thu hút và thuyết phục lạ lùng, ít ra là đối với tôi. Tôi muốn níu giữ cô ở lại thật lâu nhưng không tiện. Tôi tiễn cô ra về, ngày cuối cùng của niên học đã kết thúc.
Mặt trời lướt nhanh về phía chân mây, chênh chếch hướng cầu Rạch Ngỗng. Những sợi nắng xuyên qua hàng cây Vườn Thầy Cầu, kéo những vệt sáng và dài, in trên mặt đường xi-măng khô trắng.
Ði bên cạnh cô giáo Hương, tôi cảm thấy dễ chịu và thân thiết, không muốn rời xa. Ðể rồi suốt chặng đường về, hình ảnh cô giáo Hương cứ hiện ra trước mắt tôi. Dù đã quá thì, nhưng con người ấy vẫn níu giữ được tuổi xuân với vóc dáng gọn gàng thanh lịch, với nét mặt ưu tư và đôi mắt hình hột nhãn. Lời cô Hương còn văng vẳng bên tai tôi: "Hoa dễ thương lắm! Em nhớ đầu năm học, tóc tai nó lè phè lắm, tay thì lốm đốm mực. Anh biết em phải chăm sóc, dạy dỗ nó như thế nào không? Giờ thì Hoa sạch sẽ tươm tất rồi". Tôi thầm biết ơn cô giáo đã dành cho Hoa, cho gia đình tôi những điều tốt lành ấy. Tôi đã hiểu vì sao Hoa thường hay nhắc đến cô Hương, khen ngợi đủ điều, kính yêu rất mực. Tôi cũng không quên nhìn lại việc học hành của con cùng hành động liều lĩnh của nó - đến nhà cô giáo để xin lên lớp... Tôi cần phải có thêm thời gian để nghĩ đến chuyện nhà, về Hoa, và cả về cô giáo Hương nữa. Tôi cũng rất hối tiếc là mình đã quá vô tâm khi từ chối viết một kịch bản ngắn giúp cô tham gia chương trình văn nghệ nhà trường mà không có lời giải thích cho thấu tình đạt lý. Nhưng tất cả không phải đã quá muộn, trái lại mọi việc dường như mới là sự khởi đầu. Bất chợt, tôi nhận ra một điều gì như ngọn lửa đang nhen nhóm.
Thời gian qua mau. Hạ lại về. Hàng điệp bờ sông lại trổ bông. Ðã bao nhiêu lần, bao nhiêu kỷ niệm cùng với ngần ấy đổi thay không sao kể xiết. Trong ngần ấy đổi thay, Hoa - con gái tôi - đã là cô giáo, đã đi qua được cái thời học hành bầm vập. Còn cô giáo Hương... Mỗi khi nghĩ đến, tôi thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ một kiếp người! Sao những con người như cô giáo Hương lại đi qua cuộc đời này vội vã thế? Có phải vậy không, hay đó chỉ là cảm giác bởi sự nuối tiếc, tình yêu thương vô hạn của người đang sống dành cho người đã khuất?
Ước mơ của tôi đã không thành sự thật. Người ấy sẽ không một lần nào nữa đi bên cạnh cuộc đời mình để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, để cùng nghe gió sông Hậu ùa về, để cùng nhìn hoa điệp đỏ bờ sông...