Dương Chấp Trung nói với hai công tử:
- Thưa hai công tử, hai công tử thực là người yêu kẻ sĩ; nhưng những hạng người như tiểu đệ thì chở hàng xe không hết, kể đến làm gì! Tôi có một người bạn họ Quyền tên là Vật Dụng, tự là Tiềm Trai, người huyện Tiêu Sơn hiện nay ở trong núi. Nếu mời được người ấy đến đây nói chuyện với hai công tử, thì hai công tử sẽ thấy ông ta có tài kinh luân của Quản Trọng, Nhạc Nghị, có sức học của Trình Hiệu, Chu Hy(1). Quả thật là con người bậc nhất trong thời đại này!
Lâu Bổng kinh ngạc nói:
- Ông ta đã là người hiền tài như thế, tại sao chúng ta không đến thăm.
Lâu Toản nói:
- Chúng ta và Dương tiên sinh, ngày mai sao không thuê một chiếc thuyền cùng đi chơi?
Vừa nói đến đây, thấy người giữ cửa vào đưa một tờ thiếp đỏ nói:
- Có ông Ngụy mới bổ làm Nhai đạo sảnh đang đợi ở ngoài cửa, muốn vào thăm hai công tử. Ông ta có mang một bức thư của ông cả ở kinh và muốn gặp hai công tử để thưa chuyện.
Hai công tử quay lại nói với Cừ Dật Phu:
- Cháu hãy tiếp ông Dương, các cậu ra một lát rồi lại vào ngay.
Hai người bèn thay đổi y phục, ra ngoài nhà khách. Ngụy bước vào nhà khách, áo mũ chỉnh tề, sau khi chào xong, hai bên phân ngôi chủ khách cùng ngồi.
Hai công tử hỏi:
- Cụ ở kinh đi từ bao giờ? Chúng tôi chưa đến chúc mừng cụ mới đến nhận chức lại phải phiền cụ đến thăm chúng tôi!
- Không dám! Mồng ba tháng trước, tôi được lệnh ở kinh ra đi. Tôi có được gặp ông cả. Ông cả có đưa bức thư này cho hai công tử. Cho nên tôi đến đây để hầu thăm hai công tử! - Ngụy hai tay cầm bức thư đưa ra.
Lâu Bổng cầm bức thư mở ra xem rồi đưa cho Lâu Toản và nói với Ngụy:
- Thơ này nói về việc coi sóc phần mộ. Cụ định lo ngay việc ấy khi cụ mới đến nhậm chức sao?
- Vâng! Sáng nay tôi được lệnh quan trên bảo tôi phải làm ngay. Mấy hôm nữa, tôi sẽ đến đây thưa với hai công tử để biết lăng mộ của cụ. Thái Bảo rộng bao nhiêu. Khi nào tôi đến đấy làm lễ tôi sẽ bảo nhà chức trách ở địa phương xem xét cho kỹ, sợ bọn dân chúng không biết gì cứ đến đó chặt củi hay giẫm bừa lên trên. Tôi sẽ hiểu dụ cho chúng biết.
Lâu Toản nói:
- Cụ định đi ngay sao?
- Ba bốn ngày nữa, sau khi bẩm với quan trên, tôi sẽ đi.
Lâu Bổng nói:
- Nếu vậy chúng tôi mời cụ ngày mai đến đây ăn một bữa cơm. Khi nào cụ đi thăm lăng mộ cố nhiên chúng tôi cũng sẽ đi theo.
Uống ba chén trà xong, Ngụy vái chào hai ba lần rồi ra về.
Hai công tử tiễn ra cửa, thay quần áo và bước vào thư phòng, tần ngần nói:
- Toàn là những việc như vậy cả! Chúng mình định đến thăm Quyền tiên sinh thì cái ông kia lại đến.
- Ngày mai phải đãi ông ta một bữa cơm, rồi lại phải cùng ông ta đi thăm mộ Thái Bảo. Thế là phải hoãn việc đi Tiêu Sơn. Làm thế nào bây giờ?
Dương Chấp Trung nói:
- Hai vị thật là lòng mong người hiền như khát nước. Nếu hai vị nóng lòng muốn gặp Quyền tiên sinh như vậy, thì không cần thân hành đi làm gì. Hai vị viết một cái thư, tôi thêm vào đấy ít chữ. Hai vị cho một người nhà đem thư đến tận tay cho ông ta ở trong núi, mời ông ta đến phủ chơi thì ông ta sẽ nhận lời ngay.
Hai người nói:
- Tôi sợ Quyền tiên sinh cho chúng mình là người ngạo mạn.
Dương Chấp Trung nói:
- Ở phủ lắm công việc, không làm thế không được! Hết việc này lại đến việc khác. Không làm thế thì trong lòng cứ áy náy mãi không bao giờ thỏa nguyện hết.
Cừ Dật Phu nói:
- Phải đấy! Các cậu muốn đến gặp Quyền tiên sinh lại không bao giờ được rảnh. Chi bằng viết một bức thư sai người đem đến, lại có thư riêng của Dương tiên sinh thì chắc Quyền tiên sinh cũng không từ chối được!
Công việc bàn bạc xong. Họ chuẩn bị lễ vật sai người con của Tấn Tước là Hoạn Thành mang hành lý, thư, và lễ vật đến Tiêu Sơn. Hoạn Thành vâng lệnh chủ đáp thuyền đi Hàng Châu. Chủ thuyền thấy y hành lý chỉnh tề, dáng người nho nhã nên mời y vào trong khoang ngồi. Trong khoang đã có hai người đội mũ vuông ngồi đấy. Y chào họ và ngồi xuống. Ăn cơm chiều xong, mọi người trong thuyền trải hành lý ra ngủ. Hôm sau, trong thuyền không có việc gì, họ bắt đầu nói chuyện suông. Hoạn Thành nghe hai người khách nói tiếng Tiêu Sơn (khách ở trên thuyền hay trên đường đều gọi nhau là “ông khách”, bất kể người như thế nào) Hoạn Thành bèn nói:
- Này hai “ông khách”, hai ông có phải là người Tiêu Sơn không?
Một người khách có râu đáp:
- Phải, tôi người Tiêu Sơn.
Hoạn Thành nói:
- Ông có biết ai là ông Quyền ở Tiêu Sơn không?
Người khách trẻ tuổi nói:
- Ở Tiêu Sơn không có ai là ông Quyền cả!
Hoạn Thành nói:
- Nghe nói ông ta hiệu là Tiềm Trai.
Người trẻ tuổi nói:
- Ông Tiềm Trai nào? Trong đám học sinh chúng tôi không thấy có tên ai như thế cả!
Người có râu nói:
- Thế nào, có phải lão ấy không? Nếu như thế thì thật là buồn cười!
Và quay lại nói với người trẻ tuổi:
- Anh không biết chuyện hắn ta đâu. Để tôi nói cho mà nghe! Hắn ta sống trong núi. Tổ tiên đều là dân cày. Cha hắn ta làm ăn khấm khá cho nên cho hắn ta đến trường học. Hắn ta học đến năm mười bảy, mười tám. Ông thầy của hắn ta thật là một anh không có lương tâm vì ông đã đưa hắn đi thi. Sau đó cha hắn chết. Hắn không làm nên trò trống gì. Cày thì không biết, buôn cũng không hay. Miệng ăn núi lở, ruộng vườn đều bán sạch. Hắn ta theo đuổi thi cử suốt ba năm chẳng đỗ đạt gì. Ngay thi ở huyện cũng chẳng đỗ. Hắn ta nói năng chẳng có nghĩa lý gì hết. Hắn sống trong một cái miếu thổ địa, dạy dăm ba đứa trẻ con, mỗi năm lại lo việc thi cử. Như thế cũng đủ sống. Không ngờ hắn không gặp may. Vừa năm trước đây, hắn gặp một lão họ Dương, kế toán của một hiệu buôn muối ở Tân thị trấn đến đây đòi tiền. Lão trọ ở miếu. Lão này là một tay cuồng nho, suốt ngày huênh hoang nào thiên văn, địa lý, nào kinh bang tế thế đâu đâu(2). Hắn nghe lão Dương nói như người bị ma ám, dở điên dở cuồng. Từ đó không thi cử nữa muốn làm một “cao nhân ẩn sĩ”! Nhưng từ khi làm “cao nhân ẩn sĩ” rồi, thì học trò không đến nữa. Hắn không làm nên trò gì kiếm ăn, chỉ còn một cách lừa dối người ta mà sinh sống. Mở miệng ra là hắn nói: “Chúng ta là bạn thân thiết với nhau đừng nên phân biệt làm gì. Cái gì của anh là của tôi, cái gì của tôi là của anh”. Câu đó làm châm ngôn của hắn.
Người trẻ tuổi nói:
- Chắc hắn chả lừa được mấy người!
- Cái gì của hắn cũng nhờ lừa gạt mà có cả. Tôi với hắn là người cùng làng với nhau, tôi không muốn nói nhiều về hắn nữa.
Và quay về phía Hoạn Thành nói:
- Này ông khách, tại sao ông lại hỏi đến lão ấy?
Hoạn Thành nói:
- Có gì đâu, tôi hỏi chơi đấy thôi.
Nhưng nghĩ bụng rằng: ông Ba và ông Tư nhà ta là những người buồn cười. Bao nhiêu quan to, có tiếng tăm đến thăm, thế mà các ông vẫn cho là không có bạn. Ông ta lại bắt mình đi tìm một thằng cha lường gạt như thế này để làm gì? Đang lúc suy nghĩ như thế thì thấy một chiếc thuyền đi ngang qua trước mắt, trong thuyền có hai người con gái giống như là chị em Thái, Tần ở trong Lỗ phủ. Y giật mình thò đầu ra xem nhưng té ra không phải(3). Hai người khách kia cũng không nói gì với y nữa.
Vài hôm sau, Hoạn Thành sang thuyền khác đi Tiêu Sơn. Đi tìm nửa ngày trời thấy một cái thung lũng, trong thung lũng có một cái nhà cỏ. Ngoài cửa dán một tờ giấy trắng. Y gõ cửa bước vào. Quyền Vật Dụng đang mặc tang phục, đầu đội mũ vải trắng. Y hỏi Hoạn Thành đến đây có việc gì. Y mời Hoạn Thành vào một gian nhà ở đằng sau, để Hoạn Thành nằm trên một cái ổ rơm. Buổi chiều, Quyền mời Hoạn Thành uống rượu ăn cơm. Sáng sau, viết một bức thư đưa cho Hoạn Thành và nói:
- Tôi rất cảm tạ hai công tử, nhưng hiện nay tôi đang có tang, không thể ra khỏi nhà. Ông trở về nói với hai công tử và ông Dương rằng tôi đã nhận lễ. Độ hai mươi hôm nữa, qua trăm ngày bà cụ tôi, tôi xin đến phủ thăm hầu hai công tử. Ông quản gia! Tôi thực thất lễ với ông: ông hãy tạm cầm hai đồng cân bạc này để uống rượu.
Quyền đưa một gói bạc nhỏ cho Hoạn Thành. Hoạn Thành nhận lấy và nói:
- Cảm ơn ông, mong rằng ông sẽ đến phủ đúng hẹn, để các ông chủ của tôi khỏi chờ đợi!
Và tiễn Hoạn Thành ra cửa. Hoạn Thành lại thuê thuyền về Hồ Châu và mang thư của Quyền Vật Dụng về cho hai công tử. Hai người cứ tiếc mãi, bèn đặt tên một lầu rộng ở đằng sau thư phòng gọi là “Tiềm đình” treo một cái biển đề “Tiềm đình” để tỏ ý mình chờ đợi Quyền Tiềm Trai đến. Lại để Dương Chấp Trung ở một cái phòng sau đình. Dương Chấp Trung già mắc bệnh đờm, ban đêm phải có người săn sóc, cho nên đưa con thứ hai là Lão Lục lên ở đấy. Ngày hắn cũng say tuý luý không cần phải nói. Độ một tháng sau, Dương lại gửi cái thư khác để giục Quyền Vật Dụng lên phủ ngay. Nhận được thư của Dương, Quyền Vật Dụng thu xếp hành lý, đáp thuyền đi Hồ Châu. Thuyền cập bến ở ngoài thành. Quyền mình mặc áo tang, tay trái ôm cái chăn, tay phải vung vẩy tay áo thụng bước thấp bước cao ở ngoài đường. Khi đi qua cái cầu vào thành, cầu chật, y không biết rằng người ở trong thành đi ra thì đi phía bên trái, người ở ngoài thành đi vào thì đi bên phải, để cho tiện khỏi chạm nhau. Y cứ ngang nhiên xông bừa. Vừa lúc ấy, một người nhà quê bán củi ở trong thành đi ra. Đòn gánh nhọn hoắt vác bên vai. Quyền Vật Dụng va phải đòn gánh. Mũ của y mắc vào đấy. Người bán củi cứ xăm xăm bước đi không biết gì. Quyền giật mình sờ lên đầu thấy cái mũ đã biến mất. Nhìn thấy nó đang lơ lửng ở đầu đòn gánh, y hoa tay rối rít và kêu lên:
- Mũ của tôi! Mũ của tôi!
Người gánh củi kia nào có biết, cứ cắm cổ bước nhanh. Quyền vốn không quen đi đường phố, vội vàng ba chân bốn cẳng chạy theo. Mắt y lại không nhìn phía trước, cho nên chạy được một quãng thì va đầu vào một cái kiệu, suýt nữa va phải ông quan ngồi ở trên kiệu, làm ông ta suýt bắn ra ngoài. Ông quan giận lắm, hỏi y là ai, gọi người nhà trói y lại. Quyền vẫn không cho là mình trái, cứ vùng vằng hoa tay múa chân nói huyên thuyên. Ông quan bèn xuống kiệu hỏi. Bọn tôi tớ bắt Quyền quỳ xuống, nhưng y không chịu quỳ.
Lúc bấy giờ sáu bảy mươi người đến xúm lại xung quanh để xem. Ở trong đám đông có một người mặc áo chẽn xanh, đầu đội mũ võ sĩ, râu đỏ hoe, mắt to, bước đến nói với ông quan:
- Thưa ngài, xin ngài đừng giận! Vị này là một vị thượng khách ở Lâu phủ mới đến. Mặc dầu ông ta va phải ngài, nhưng nếu đối với ông ta như thế sợ không tiện với Lâu phủ.
Người ngồi trong kiệu chính là Ngụy làm Nhai Đạo Sảnh. Ngụy nghe nói thế, chỉ quở mắng qua loa rồi lên kiệu đi ngay. Quyền Vật Dụng thấy người kia là người quen biết cũ tên là Trương Thiết Tý. Trương Thiết Tý mời Quyền vào uống trà trong một tiệm trà để nghỉ một lát. Rồi Trương Thiết Tý nói:
- Hôm trước tôi đến lễ điếu cụ nhà, nghe người nhà ông nói rằng các công tử ở Lâu phủ có mời ông lại chơi. Hôm nay không hiểu tại sao thấy ông đi một mình ở trong thành va hết người này đến người khác như vậy?
Quyền Vật Dụng nói:
- Lâu công tử mời tôi đã lâu nhưng hôm nay tôi mới đến được. Không ngờ lại va phải một ông quan, cho nên xảy ra lắm chuyện. May có anh đến giúp tôi. Bây giờ chúng ta cùng đi đến Lâu Phủ.
Hai người cùng đến Lâu Phủ. Người giữ cửa ngạc nhiên thấy một chàng mặc quần áo tang không mũ đi với một người ra vẻ võ biền. Hai người cứ nói muốn gặp ông Ba, ông Tư. Khi hỏi đến họ tên, thì họ nhất quyết không chịu nói mà chỉ trả lời:
- Ông chủ anh đã biết cả rồi!
Người giữ cổng không dám vào bẩm, thì họ ở ngoài cửa kêu ầm lên. Làm náo động một hồi và nói:
- Mày vào bảo cụ Dương Chấp Trung ra đây!
Người giữ cổng không biết làm thế nào đành phải vào mời Dương Chấp Trung ra.
Dương Chấp Trung thấy Quyền Vật Dụng nông nỗi như thế này thì giật mình, cau mày, nói:
- Ông làm sao mà cả mũ cũng không có!
Dương bảo họ ngồi trên một cái ghế ngoài cửa đợi, còn mình chạy vào lấy một cái mũ cho Quyền Vật Dụng. Dương Chấp Trung hỏi:
- Ông này là ai?
Quyền Vật Dụng nói:
- Đó là ông Trương Thiết Tý mà tôi thường nói với ông.
Dương Chấp Trung nói:
- Tôi mong mỏi được gặp ông đã lâu.
Ba người cùng nhau bước vào. Họ kể cho Dương Chấp Trung nghe việc vừa xảy ra ở cửa thành. Dương Chấp Trung lắc đầu nói:
- Khi gặp các công tử, đừng nói việc này.
Hôm ấy hai công tử đều không ở nhà, hai người theo Dương Chấp Trung vào thư phòng rửa mặt, ăn cơm, có người chăm sóc chu đáo.
Buổi chiều, hai công tử đi ăn tiệc về, vào thư phòng, nói chuyện. Hai bên tỏ ý gặp nhau hơi muộn. Hai công tử chỉ cho Quyền Vật Dụng thấy Tiềm Đình để tỏ ý mình hâm mộ như thế nào. Lại thấy Quyền đem một vị hiệp khách đến, càng cho Quyền Vật Dụng cử chỉ khác những người thường, nên ra lệnh làm một bữa tiệc nữa. Quyền Vật Dụng ngồi đầu; Dương Chấp Trung, Trương Thiết Tý ngồi đối diện, hai công tử ngồi tiếp. Trong lúc ăn tiệc mới hỏi tại sao Trương có hiệu là Thiết Tý (cánh tay sắt) Trương Thiết Tý nói:
- Lúc còn trẻ, khoẻ mạnh, các bạn tôi có đánh cuộc với tôi, bảo tôi ra nằm giữa đường cái, dang hai tay ra. Cho một cái xe bò chở rất nặng, ít nhất cũng đến bốn năm nghìn cân, lăn qua cánh tay tôi. Tôi có bắp thịt lại gạt tay một cái. Bỗng nghe rầm một tiếc, cái xe lăn mấy mươi thước. Nhìn lên cánh tay tôi không có một dấu vết gì. Cho nên người ta mới đặt cho tôi cái hiệu ấy.
Lâu Bổng vỗ tay nói:
- Nghe chuyện này thì phải uống một đấu rượu mới được. Chúng ta thay chén tống mà uống đi!
Quyền Vật Dụng từ chối nói:
- Tôi có tang không dám uống rượu!
Dương Chấp Trung nói:
- Cổ nhân có câu: “Già thì không câu nệ về lễ, mắc bệnh thì không câu nệ về lễ”. Tôi thấy ông dùng các thức nhắm một cách tự nhiên(4) vậy uống một vài chén rượu mà không đến nỗi say thì cũng không can gì!
Quyền Vật Dụng nói:
- Ông nói như thế không đúng! Người xưa nói kiêng năm thứ: hành, tỏi, các thứ kích thích. Rượu thì cũng vào hạng ấy, tôi không thể nào uống được.
Lâu Toản nói:
- Cái đó cứ tự nhiên, không nên ép. Liền bảo rót trà thay rượu.
Trương Thiết Tý nói:
- Tôi thông thạo hầu hết các thứ võ nghệ. Tôi có thể sử dụng mười tám thứ võ khí không có ngựa, cũng như khi ngồi trên lưng ngựa. Tôi có thể dùng roi, dùng búa, đao, thương, kiếm, kích. Không có thứ võ khí nào là tôi không học. Hễ giữa đường gặp sự bất bình là tôi tuốt gươm ra giúp đỡ. Tôi rất thích đánh nhau với những người hảo hán trong thiên hạ. Khi tôi có tiền là tôi đem cho người nghèo. Cho nên mãi đến nay bốn bể không nhà. Hôm nay lưu lạc đến đất quý vị.
Lâu Toản nói:
- Như thế mới gọi là anh hùng!
Quyền Vật Dụng nói:
- Ông Trương vừa nói đến chuyện võ nghệ. Nghề múa kiếm của ông lại càng đặc biệt tài. Sao các vị không bảo ông ta múa mà xem!
Hai công tử rất mừng rỡ, sai người nhà lấy ra một thanh Tùng văn cổ kiếm đưa cho Trương Thiết Tý. Trương Thiết Tý tuốt kiếm dưới ánh đèn xem, thấy nó sáng quắc. Thiết Tý cởi áo ngoài, mang áo chẽn thắt lại đai, tay cầm bao kiếm bước ra sân. Mấy người khách cùng ùa ra theo. Hai công tử bảo:
- Khoan! Để thắp đèn lên đã.
Vừa nói một tiếng thì mười mấy người quản gia, đầy tớ, mỗi người cầm một ngọn nến sáng choang đứng thành hai hàng ở giữa sân.
Thiết Tý múa kiếm, lên, xuống, tả, hữu. Càng múa càng nhanh, múa theo nhiều kiểu. Khi múa nhanh không thấy người, chỉ thấy một cái gì lấp loáng, như những con rắn bạc bay ra bốn phía. Đồng thời một ngọn gió lạnh thổi làm mọi người rùng mình. Quyền lấy một thau nước, bảo một người nhà vẩy nước vào người Trương Thiết Tý. Nhưng không giọt nước nào bắn vào mình. Đột nhiên, Thiết Tý hiện ra một mình với thanh kiếm trong tay, mặt mày không hề đổi sắc. Mọi người đều thán phục. Họ uống rượu mãi đến canh tư tiệc mới tàn. Mấy người khách đều nghỉ lại thư phòng. Từ đấy, Quyền Vật Dụng và Trương Thiết Tý là những thượng khách ở trong Lâu phủ.
Một hôm, Lâu Bổng nói với họ:
- Vài hôm nữa, chúng tôi sẽ mở một ngày hội, mời các vị tân khách ra chơi hồ Oanh Đậu.
Bấy giờ trời đã ấm dần. Quyền Vật Dụng mang trên mình một cái áo vải to trắng, quá dày nên cảm thấy bức, muốn đem đi cầm lấy vài đồng cân bạc may một cái áo để làm vị thượng khách dự hội ở hồ Oanh Đậu. Bụng nghĩ như vậy nên giấu công tử nhờ Trương Thiết Tý đem đi cầm được năm trăm đồng tiền, giao cho Quyền Vật Dụng để ở dưới gối. Ban ngày Quyền Vật Dụng ra Tiềm Đình chơi, đến tối trở về phòng, sờ lên đầu giường tiền đã không cánh mà bay. Biết chắc việc này chính là do thằng con xuẩn ngốc của Dương Chấp Trung ăn cắp, y bèn đi thẳng ra cái phòng ở ngoài. Thấy Lão Lục đang ở đấy Quyền bèn nói:
- Lão Lục, tao muốn hỏi mày một việc!
Lão Lục đang say mềm nói:
- Bác gọi tôi để làm gì?
- Năm trăm đồng tiền của tao ở dưới gối, mày có thấy không?
- Có.
- Mày đem đi đâu rồi?
- Buổi chiều tối đem đi đánh bạc thua hết cả rồi. Chỉ còn lại mười đồng ở trong bao, tôi định dùng để mua rượu uống.
- Lão Lục! Tiền của tao mà máy dám đi đánh bạc à?
- Này bác! Tôi với bác cũng là một cả, “cái gì của tôi là của bác, cái gì của bác là của tôi” chứ gì!
Nói xong ôm đầu chạy.
Quyền giận lắm nhưng không dám nói gì, mắt cứ nhìn trừng trừng, tức nghẹn họng. Từ đó Quyền Vật Dụng và Dương Chấp Trung hai bên không hợp nhau. Quyền Vật Dụng cho Dương Chấp Trung là thằng ngốc. Dương Chấp Trung cho Quyền Vật Dụng là thằng điên(5). Lâu Bổng thấy Quyền Vật Dụng không có gì mặc, bèn lấy một cái áo màu lam biếu Quyền. Hai công tử mời các vị tân khách xuống hai cái thuyền lớn. Những người bếp sửa soạn bữa tiệc và những người hầu trà thì đi một cái thuyền khác. Cái thuyền thứ tư dành cho những người chơi nhạc và hát.
Bấy giờ vào khoảng giữa tháng tư. Trời sáng và ấm. Tất cả các vị tân khách đều mặc áo mát, tay cầm quạt. Mặc dầu không phải là một cuộc đại hội nhưng ở đây cũng đủ mặt mọi người. Có hai công tử Lâu Ngọc Đình, Lâu Sắt Đình, có Cừ Dật Phu, ẩn sĩ Ngưu Bố Y, có tư huấn Dương Chấp Trung, ẩn sĩ Quyền Vật Dụng, hiệp khách Trương Thiết Tý, thầy bói Trần Hòa Phủ. Có mời Lỗ Biên Tu nhưng không đến. Ngoài tám vị danh sĩ, tân khách, lại có thêm thằng ngốc con của Dương Chấp Trung là Dương Lão Lục, thành chín người tất cả. Ngưu Bố Y ngâm thơ, Trương Thiết Tý múa kiếm, Trần Hòa Phủ nói chuyện bông đùa, hai công tử ung dung phong nhã, Cừ Dật Phu đẹp trai phong lưu, Dương Chấp Trung dáng điệu như người xưa, Quyền Vật Dụng dáng người kỳ quái, thật là một cuộc họp vui vẻ. Cửa thuyền nhìn ra bốn phía có thể nghe tiếng âm nhạc ở hai bên vang lại từ những chiếc thuyền con trong khi chiếc thuyền lớn vẫn từ từ tiến đến hồ Oanh Đậu. Tiệc rượu đã bày ra. Mười người quản gia mặc áo rộng, đội mũ cao ở trước thuyền thay nhau rót rượu và rót trà. Món ăn tinh khiết, trà rượu thơm ngon không cần phải nói. Họ uống mãi đến khi trăng lên mới thôi. Trên những chiếc thuyền con ở hai bên, sáu, bảy mươi ngọn đèn chiếu sáng rực rỡ như ban ngày. Âm nhạc vang lên. Âm hưởng vang đi xa đến cách mười dặm vẫn còn nghe thấy. Những người đứng hai bên bờ xem đều cho là thần tiên, ai cũng thán phục. Họ chơi thuyền suốt đêm, sáng sau mới về.
Khi Cừ Dật Phu trở về gặp Lỗ Biên Tu, Biên Tu nói:
- Các ông cậu của anh nên ở nhà đóng cửa, lo việc cử nghiệp để nối gia thanh còn hơn là chơi với những người như thế! Cái lối ngông nghênh như vậy thật là không nên.
Hôm sau Cừ Dật Phu đem chuyện ấy nói với hai cậu. Hai công tử cười phá lên mà rằng:
- Không ngờ rằng ông nhạc của anh lại là con người tục như thế.
Nói chưa dứt lời thì người giữ cổng vào bẩm:
- Cụ Lỗ được bổ làm Thị Độc, giấy báo ở kinh vừa về đến nơi. Hai ông nên đến chúc mừng!
Cừ Dật Phu nghe nói vậy, vội vàng chạy về để mừng ông nhạc.
Nhưng chiều hôm đó, Cừ Dật Phu sai một người nhà chạy đến bảo:
- Hỏng rồi! Cụ Lỗ tiếp được mệnh lệnh của triều đình. Trong lúc cả nhà đang vui mừng định đón tiếp không ngờ bệnh đờm của cụ lại phát. Bệnh nhập vào tạng, bất tỉnh nhân sự. Mời hai cậu qua thăm.
Hai công tử nghe vậy, không có thì giờ đợi kiệu nữa vội vàng sang thăm. Đến nơi bước vào cửa đã nghe tiếng khóc vang, biết rằng Lỗ Biên Tu đã chết(6). Mọi người thân thích đang bàn nhau lập người nào trong họ để làm thừa tự, sau đó lo việc tang lễ. Cừ Dật Phu làm trọn nghĩa vụ của chàng rể.
Bận rộn mất mấy hôm, lại có thư của Lâu Thông Chính gửi về nhà. Hai công tử đang ở thư phòng bàn việc viết thư trả lời gửi lên kinh. Hôm ấy là hôm hai mươi bốn, trăng chưa mọc, hai người ngồi dưới ánh đèn sáp đang bàn bạc. Qua canh hai đột nhiên trên mái ngói có tiếng động. Một người trên mái nhà nhảy xuống mang một cái bị, thân hình máu me đầm đìa. Dưới ánh đèn, hai người nhận ra là Trương Thiết Tý và giật mình kinh ngạc nói:
- Anh Trương! Anh làm gì mà nửa đêm vào phòng chúng tôi! Việc gì thế? Cái gì ở trong gói thế này?
Trương Thiết Tý nói:
- Xin hai vị ngồi yên tôi trình bày. Trong đời tôi có một người ân nhân và một kẻ thù. Tôi ôm mối thù đã mười năm nay nhưng không có dịp giết nó. Hôm nay tôi đã lấy được đầu nó ở đây. Trong cái bị da này là một cái đầu người! Nhưng người ân nhân của tôi lại ở xa ngoài mười dặm và tôi cần năm trăm lạng bạc để trả ơn cho ân nhân. Một khi đã trả ân ấy rồi, tâm hồn tôi sẽ nhẹ nhàng và tôi sẽ suốt đời đem thân hầu hạ người tri kỷ. Tôi biết rằng chỉ có hai công tử có thể giúp tôi, cho nên tối nay đánh bạo tới đây để được cứu giúp. Nếu không được, tôi xin đi xa và không bao giờ gặp nhau nữa.
Y cầm cái bị da giơ lên và định đi.
Hai công tử sợ mất hồn, mất vía, vội vàng ngăn lại nói:
- Anh Trương! Khoan đã! Làm gì mà vội thế! Năm trăm lạng là việc nhỏ, lo việc ấy làm gì! Nhưng còn cái bị này?
Trương Thiết Tý nói:
- Cái đó dễ lắm. Tôi chỉ dùng một chút kiếm thuật là tiêu hết dấu vết. Sau khi tôi đã giao năm trăm lạng bạc, chỉ trong hai canh nữa là tôi sẽ về, lấy cái vật ở trong bị da ra, bỏ vào đấy một ít thuốc là nó biến thành nước ngay, không còn một sợi tóc nữa. Hai vị cứ dọn một bữa tiệc mời tân khách đến cho đông, tôi sẽ làm việc đó cho mà xem.
Hai người nghe vậy rất làm kinh ngạc vội vàng vào trong nhà lấy ra năm trăm lạng bạc giao cho Trương Thiết Tý. Thiết Tý đặt bị da trên thềm, bỏ năm trăm lạng bạc vào người, cảm tạ một tiếng rồi nhảy lên mái ngói phi hành như bay. Chỉ nghe tiếng một miếng ngói vỡ, người biến đi mất. Đêm yên tĩnh, mặt trăng mới lên, chiếu ánh sáng vào trong thềm. Cái bị đựng đầu người bê bết những máu đang nằm ở đây.
Phen này khiến cho:
hào hoa công tử đóng cửa không hỏi đến thế tình;
danh sĩ, văn nhân, đổi nết tìm tòi văn cử nghiệp.
Muốn biết cái đầu ấy như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.
(1) Quản Trọng nhà chính trị gia đời Xuân Thu, Nhạc Nghị viên tướng giỏi thời chiến quốc. Trình Hiệu và Chu Hy là hai triết gia đời Tống.
(2) Tác giả mượn Dương Chấp Trung và Quyền Vật Dụng để chế nhạo bạo cuồng nho chỉ ăn nói ba hoa, thực ra không có tài năng, chí khí gì ngoài cái thái độ ra về “ưu thời mẫn thế”.
(3) Câu này để chuẩn bị cho việc sẽ xảy ra ở hồi mười ba, khi Hoạn Thành đem Song Hồng đi trốn.
(4) Cách cư tang của Quyền Vật Dụng cũng là cách cư tang của Phạm Tiến.
(5) Vừa mới khen Vật Dụng có tài của Quản Trọng, Nhạc Nghị chỉ vì mấy đồng tiền mà Chấp Trung đã gọi là thằng điên.
(6) Lỗ Biên Tu chết khi được tin ra làm quan cũng như mẹ Phạm Tiến chết khi được tin con mình giàu có.