Người đưa đò
Trần Nguyên Ý Anh
Buổi trưa, trời lặng gió. Bầu không khí oi bức đến ngột ngạt. Ông Sáu cột dò dưới bóng cây bằng lăng xòe tán mát rượi. Ông vấn điếu thuốc giồng, rít mấy hơi rồi lơ đãng ngắm mây trời. Mặt sông im lìm không một gợn sóng. Nước đang nhửng lớn. Hơi nước cũng nóng và cái nóng phả vào mặt ông hâm hấp. Ông Sáu rời chiếc đò cũ kỹ của mình, vào chòi lấy ấm nước vừa nấu xong, châm trà. Ông uống một hơi liền hai chén. Cái vị đắng chát của trà khi vừa qua khỏi cổ đã đổi thành ngòn ngọt khiến ông thấy dễ chịu. Buổi trưa yên ắng quá làm tiếng bìm bịp kêu thêm phần buồn bã. Trong đời, ông đã nghe không biết bao nhiêu lần tiếng bìm bịp kêu báo nước. Nhưng sao mỗi lần nghe, ông đều cảm nhận được một điều gì đó nao nao... Đời ông đã gắn liền với khúc sông nầy, với tiếng bìm bịp trầm buồn mỗi ngày chờ con nước lớn.
Uống vừa xong chén thứ ba, ông định ngả lưng một chút thì có tiếng kêu đò từ bên kia sông.
- Đò ơi!... Đò ơi!
Ông Sáu quơ vội cái nón lá rồi bước xuống đò. Khách đi đò là một thanh niên lạ, ăn mặc sang trọng và hơi phô trương một chút. Gã đeo kính đen, nước da trắng như người ở nước ngoài về. Cái áo sơ mi màu xanh đỏ tím vàng sặc sỡ. Nút cổ sơ mi để hở chừng như để khoe sợi dây chuyền to đến phát sợ. Hai bàn tay gã đầy các loại nhẫn: loại của đàn ông có, đàn bà có. Gã xách một túi xách khá nặng trên tay. Ông Sáu nom chừng người nầy quen quá. Ông chống đò sát bến rồi thận trọng nắm chặt dây neo:
- Chú em xuống từ từ, không quen đi đò phải cẩn thận.
Gã thanh niên bước từ từ xuống. Đôi giày thể thao đắt tiền trắng toát đã dính mấy vệt bùn. Gã không tìm được chỗ ngồi nên còn chần chừ. ông Sáu lật đật giở mấy miếng ván ở mũi ghe, lấy ra một chiếc ghế con:
- Chú em ngồi đỡ, ở đây bà con mình đi quen rồi nên chỉ ngồi chồm hổm. Đò ngang mà, chỉ chút xíu là qua tới thôi!
Gã ngồi xuống. Ông Sáu chống mũi đò ra. Ông bước nhanh ra sau lái và khoắng mái chèo xuống nước.
- Chú em qua sông rồi đi đâu nữa?
- Tôi muốn tới xóm rẫy.
- Xóm rẫy bây giờ không đi đường nầy được đâu. Chú em phải lên khúc trên kia mới có đường liền. Nhà nước hồi mấy năm trước làm thủy lợi đã đào một con kinh cắt qua cánh đồng nầy. Khúc trên kia có mặt đập, dễ đi hơn... Mà chú em vô nhà ai trong xóm rẫy? Tôi thấy dường như chú quen quen.
Gã thanh niên có vẻ hơi chột dạ. Gã lấp liếm:
- Tôi đâu có ở đây. Tôi đi tìm nhà người quen ở xóm rẫy, vậy thôi!
Gã nói xong lại ngồi im ra chiều suy nghĩ rồi lại tiếp :
- Hay là ông đưa tôi tới mặt đập, tôi trả thêm tiền.
- Tiền nong có gì quan trọng, thêm một khúc đường thôi mà! Quan trọng là chú em tới được nơi muốn tới.
Tới nơi, ông Sáu đâm mũi đò vô bờ rồi nhanh nhẹn bước lên kéo dây giữ thật chặt.
- Chú lên đi, tới rồi đó!
Gã thanh niên đã cầm sẵn trong tay tờ giay bạc năm mươi ngàn mới tinh, đưa ông Sáu rồi nói như ra lịnh:
- Ông ngồi đây chờ tôi chừng nửa giờ. Ông khỏi đưa rước ai hết, tiền nầy tôi cho luôn, khỏi thối.
Nói xong, không đợi ông trả lời, gã dúi tờ giấy bạc vào tay ông Sáu rồi đi thẳng về phía mặt đập. Ông Sáu đứng nhìn theo, lòng buồn rười rượi. Nó không nhìn ra ông thật sao? Sao ông lại nhận ra no. Thằng Đực đây mà! Thằng Đực con của ông Hai Coi cắt cỏ mướn cho nhà Xã Tây đây mà. Nó là thằng ông đã từng bồng ẵm từ thuở nhỏ và cũng là người thầy đã dạy từng chữ vỡ lòng cho nó lúc cả xóm rẫy nghèo nàn chưa có được một lớp học cho mấy chục nóc gia. Bây giờ, nó về đây trong bộ cánh của một Việt kiều. Áo quần thì sặc sỡ, tư trang đeo đầy người nhưng sao tâm hồn nó lại nghèo đến vậy. Ngay đến cả ông, nó cũng không nhận ra sao? Hay là nó cố tình không nhận. Ông Sáu cột dây neo vào một gốc bần gần đó rồi thẫn thờ ngồi xuống. Quá khứ như một đoạn phim chầm chậm hiện về trong suy nghĩ của ông...
***
Hai Coi là dân trôi nổi sống bằng nghề làm mướn. Y tới xóm rẫy nầy lúc thằng Đực vừa tròn hai tuổi. Dân xóm rẫy lúc đó có hơn ba chục gia đình, đa số trồng đồ rẫy kiếm sống. Những lúc rỗi việc, họ thường kéo nhau qua cắt cỏ mướn cho nhà Xã Tây. Xã Tây nuôi nhiều bò nên cần nhiều cỏ. Hai Coi xuất hiện với một đứa con nhỏ nên dễ làm người ta mủi lòng. Thằng Đực hồi nhỏ ốm yếu, quặt quẹo thấy mà tội nghiệp. Đầu tiên, Hai Coi ngủ nhờ trong mấy cái chòi người ta ngủ giữ rẫy. Rồi ông Sáu biết được, ông kêu y về che tạm một căn trong vuông đất ông. Hai Coi trở thành láng giềng của ông từ đó. Ông Sáu thời trẻ cũng được đi học nên khi thấy tụi trẻ chưa có được một nơi chốn học hành thuận tiện, ông đã đứng ra mở một lớp học tại nhà. Người dân xóm rẫy lúc đó mừng lắm. Họ không mong muốn con mình học cao hiểu rộng gì đâu mà chỉ mong chúng biết đọc, biết viết để đỡ vất vả hơn đời cha mẹ chúng, vậy thôi. Thằng Đực lớn lên và cũng nhờ ông dạy dỗ. Những nhà khá khá một chút thì cho ông chút tiền. Nhà nghèo thì cho gạo, cho khoai. Cho gì ông nhận nấy và hai vợ chồng không con cũng vui sống qua ngày.
Thằng Đực là một đứa học trò cá biệt. Nó chẳng những không ham học mà còn gây rối trong lớp làm ông phải hao tốn tâm trí hơn những đứa khác. Nhưng nghĩ nó không có mẹ, còn cha thì đi sớm về tối, gà trống nuôi con nên ông cũng nén lòng. Những lúc Hai Coi phải vắng nhà vài ba ngày, vợ chồng ông vẫn cho nó ăn cơm. Nhưng thằng Đực chừng như sanh ra để làm một người xấu, nó thường gây chuyện đánh nhau với bọn trẻ, thường ăn cắp vặt vãnh những đồ đạc của bạn. Những lần phải rầy phạt nó, nó lại tỏ ra oán giận ông. Nó càng lớn, càng tỏ rõ mình là một đứa trẻ hư hỏng. Chỉ học đến khi đọc thông viết thạo nó phải mất bốn năm! Đến lúc nổi lên phong trào vượt biên trốn ra nước ngoài, cha con nó bỗng nhiên mất tích. Năm đó, thằng Đực được mười lăm tuổi.
***
Gã thanh niên từ dưới con đò của ông Sáu bước lên chẳng phải ai xa lạ - gã chính là thằng Đực con của Hai Coi. Gã quả thật là một Việt kiều vừa từ nước Mỹ xa xôi trở về. Sau mười hai năm xa xứ, gã trở về với một bộ cánh khác. Giờ đây gã không còn là thằng Đực nghèo khổ từng bị người đời rẻ rúng, khinh khi. Thằng Đực con của Hai Coi đã lột xác rồi. Gã về và gã muốn bọn người xóm rẫy ngày xưa phải xúm nhau lại chờ gã ban ơn. Cái cảm giác hả hê khi thấy mọi người tỏ ra biết ơn mình đã làm gã sướng rơn. Gã không sao quên được lần đầu tiên gã ăn cắp tiền từ trong cặp của thằng Tờn, nó đã méc thầy và ông Sáu đã khuyên gã nên trả lại tiền cho bạn. Lần đó, gã phải xấu hổ móc túi trả tiền lại nó trước bao nhiêu cặp mắt chế giễu của bạn bè. Gã oán nó và giận thầy. Cái thằng nghèo kiết xác đó coi nó có chạy theo nịnh nọt gã không khi thấy gã có đầy tiền trong túi. Còn thằng Khương con bà Sáu Hột nữa, gã chỉ bắt của nó có một con gà mà nó đã đè gã xuống và nện mấy đấm vô mặt làm chảy cả máu mũi. Gã sẽ quăng tiền vô mặt nó để coi nó có quỳ xuống mà lượm lấy hay không. Và gã mường tượng mọi người sẽ xúm xít quanh gã, sẽ khen gã sao bây giờ đẹp quá! Bây giờ sao giàu quá! Và gã sẽ ngồi để người ta chúc tụng. Còn lão già đưa đò kia, không phải gã không nhận ra lão đâu. Gã đã nhận ra lão ngay từ đầu kia nhưng gã vẫn còn giận lão. Tại sao lão cứ la rầy gã những lúc gã bỏ học lêu lổng ngoài đồng hay những lúc gã đánh nhau với con nhà hàng xóm? Tại sao lão lại khen ngợi tụi thằng Trường con Nguyệt mà cứ bắt phạt gã. Gã cứ giữ nguyên trong lòng nỗi oán giận với ông Sáu và chưa một lần nào trong đời, gã nghĩ đến công ơn của lão đối với cha con gã? Gã về quê, trở lại xóm rẫy nầy để tát vào mặt những con người đã từng làm phật lòng gã. Để hả hê nhìn họ vẫn còn trong cảnh đói nghèo. Để coi ông thầy giáo già có còn dám quắc mắt nhìn gã như những ngày xưa cũ hay không.
***
Ông Sáu ngồi dựa lưng vào gốc cây mù u mà lòng buồn rười rượi. Thằng Đực lên bờ đã hơn hai giờ đồng hồ rồi. Nắng đã nhạt nhòa trên sông. Nước đã lớn đầy sông, tiếng sóng vỗ mạn đò tí tách. Gió đã thổi lộng đưa con nước lớn nhanh. Ông Sáu ngồi, điếu thuốc trên tay, tàn thuốc dài ngoẵng xám xịt. Ông cầm điếu thuốc mà không buồn hút. Cái ý nghĩ thằng Đực trở về làm ông buồn vui lẫn lộn. Ông hồi tưởng lại lúc nó còn nhỏ, vợ chồng ông đã thương yêu nó như thế nào, đã tập những bước đi đầu của nó ra sao. Rồi những ngày đầu ông dạy nó từng chữ từng lời. Nó phạm lỗi, ông rầy dạy chính vì ông thương nó, sao nó lại không thương ông mà còn oán trách. Vợ chồng ông không con nên coi nó như con của mình sao trong người nó chẳng một chút tình chút nghĩa với ông. Cha con nó ra đi chưa đầy một năm thì bà Sáu lâm bịnh nặng. Ông hết lòng chạy thuốc cho vợ và đã bán đến nền đất cuối cùng mà bà chẳng thèm ở lại với ông. Chôn cất bà xong, ông ra bến sông nầy cất một cái chòi lá và sống bằng nghề đưa đò cho đến ngày nay. Đời ông, lúc trẻ cũng là người đưa đò - ông đưa những đứa trẻ từ bến u mê, từ người dốt nát đến bờ tri thức. Chúng biết đọc, biết viết, biết tính toán thiệt hơn và đời chúng nhờ vậy cũng đỡ phần vất vả. Sau nầy, xóm rẫy đã có trường lớp khang trang. Thầy cô giáo về đây dạy cũng đến chục người. Hình ảnh ông Sáu của xóm rẫy nghèo nàn ngày xưa vừa dạy học vừa chạy ra sau bếp nấu cơm trong những ngày vợ đi vắng đã phai nhòa đi trong tâm trí mọi người. Người ta đã qua sông rồi, mấy đồng bạc lẻ cũng đã được ném xuống khoang. Có mấy ai còn nghĩ đến người đưa đò lặng lẽ.
Nắng đã dần tắt. Mặt trời đã chen lặn ở cuối trời. Tiếng bìm bịp kêu báo giờ con nước giựt ròng làm ông choàng tỉnh giấc mơ quá khứ của mình. Thằng Đực chắc đang say sưa với vầng hào quang của nó. Nó đã quên lời dặn của nó với ông. Còn ông, ông vẫn ngồi chờ đợi nó trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng trong sắc áo của một lão đưa đò.