Chưa lần nào, hai anh em giận nhau dữ dội như lần này và chưa bao giờ, Chi thấy anh Hai đối xử với cái tay cái chân của mình ác đến mức độ như thế! Lâu nay, trong nhà đã phân công rõ ràng: đi học, ba chở Chi tới trường; về học, anh Hai từ trường anh ghé qua đón Chi, hoặc là anh chạy từ nhà tới, nếu hôm đó anh nghỉ. Mọi ngày, Chi phải chờ mỏi mắt mới thấy anh Hai ào tới, miệng cười, mồm xin lỗi, khi thì kẹt xe, khi thì ngủ quên, khi thì mắc trả lời bạn hỏi bài vở... Bữa nay, Chi vừa ra tới cổng đã thấy anh Hai đứng bên kia đường ngoắc ngoắc. Trên xe, không chỉ có một mình anh Hai. Còn một anh bạn nữa. Chi cúi đầu chào bạn của anh mình xong rồi... không biết làm gì nữa! Mà anh bạn này thì cứ ngồi dính chặt như đã bị dán lên xe, không chịu xuống nhường chỗ cho Chi. Chi trố mắt nhìn hai người đó, như muốn hỏi: - Bây giờ tính sao đây? Anh Hai chỉ anh bạn mình, nói: - Tống ba [cho 3 nguoi]. Cho anh Tú đi nhờ một khúc. Tới gần nhà mình thì xuống. - Anh bạn tên Tú nhe răng cười, xác nhận: - Ừa. Đi ké tới đầu hẻm nhà hai anh em thôi! Vẫn ngồi trên xe, anh Tú hỏi Chi: - Em muốn ngồi giữa hay ngồi bao chót? Chi lắc đầu: - Không biết nữa. Chi thiệt tình không biết. Anh Hai cười khà khà: - Mày thông cảm cho em tao. Từ nhỏ tới giờ, nó chưa hề tống ba bao giờ nên nó không biết đâu. Thôi, để nó ngồi giữa cho an toàn. Nó là con gái, nhát chết. Ngồi bao chót, sợ té, nó la dài dài, nguyên con đường nghe hết cho mà coi. Thế nào cũng bị phạt chở quá tải. - Đồng ý! Anh Tú nói xong, phóc xuống đất. Chi vén áo, leo lên. Anh Tú lập tức có vẻ mặt ngạc nhiên kinh khủng. Anh cầu cứu: Ê!. Còn tao ngồi đâu? Anh Tú che tay lên miệng thì thào, mà cả ba người cùng nghe. - Hết chỗ rồi! Anh Hai giải quyết nhanh lẹ. Anh ra lệnh: - Chi xuống, cho anh Tú ngồi giữa! Anh Tú không tự tin lắm, nói: - Để thử coi... Anh leo lên yên xe, xích về phía trước, ép sát vào lưng anh Hai. Nhìn anh Hai giống như đang cõng bạn đi học. Anh Hai cũng xích lên phía trước thêm miếng nữa, kêu: - Lên đi! Chi vén áo. Mới quơ được nửa vòng thì Chi ngừng lại, rút chân về. Chi thấy rõ ràng rằng Chi không thể nào ngồi lên được. Cái yên xe không đủ chỗ cho Chi, như hồi nãy không còn chỗ cho anh Tú. Hai ông anh đồng loạt hỏi: - Sao không ngồi? - Chi nói lí nhí. - Không đủ chỗ. Anh Hai gật gù: - Ờ, không nên ngồi. Lỡ xe thắng gấp hay lọt ổ gà, em té xuống, chấn thương sọ não như chơi. Lỡ xui mà bị mất trí thì kể như điên suốt đời, khổ lắm! Anh Tú băn khoăn, hết nhìn Chi lại nhìn phần yên xe bình thường phía sau: - Vậy tính sao đây? Chi nhắc. - Còn đi học phụ đạo nữa đó. Mà chưa ăn cơm. Anh Hai quyết định: - Mày chờ tao ở đây nghe. Tao quay lại liền! Cả Chi lẫn anh Tú đều không biết anh Hai đang nói với ai nên cả hai cùng mở miệng hỏi. Chi nhanh hơn: - Anh nói ai đó? - Nói bạn anh. Anh Tú nói: - Ờ. Đi đi! Tao chờ được mà. Chi vén áo lần thứ ba, leo lên xe. Chi quay cổ, chào tạm biệt bạn anh Hai. Sao Chi có cảm giác hình như trong ánh mắt anh Tú đó, có vẻ gì không trong sáng. Hai anh em im lặng suốt dọc đường. Đang giận nhau mà. Về tới cửa, anh Hai chạy xe vô trong nhà luôn. - Ủa? - Chi ngạc nhiên - Sao không đi đón bạn đi? Anh Hai uể oải trả lời: - Nhà nó ở ngang hông trường mày đó. Bộ điên sao mà chạy đi chở nó. Nặng, à quên, nắng thấy mồ! Ôi! Tới bây giờ thì Chi mới hiểu. Hèn chi mà anh Hai bắt Chi đổi chỗ tới hai lần. Rõ ràng, anh Hai là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn kiêm diễn viên trong vở hài kịch châm biếm vừa xảy ra hồi nãy, ngay trước cổng trường của Chi, trước mặt những bạn cùng trường, cùng khối, cùng lớp với Chi . Hình như, lúc đó có cả những đứa bạn cùng lớp thường xuyên gọi Chi nửa đùa nửa thật là "con voi học lớp mười". Anh Hai làm gì không biết. Học trò rất khoái chọc ghẹo lẫn nhau. Ác ôn và dai nhách. Thế nào ngày mai, tụi nó cũng thêm mắm dặm muối vào sự biến "tống ba" trưa nay cho mà coi! Nghĩ tới đó, Chi nghe đầu nóng như đi nắng không có nón, thấy tay chân bủn rủn như đang học tiết năm mà chưa ăn sáng! Chi quăng cái cặp, ngồi phịch xuống sàn, không kịp đi tới ghế. Giọng Chi ướt nhẹp: - Sao anh nỡ lòng chơi xấu em mình như vậy chứ? Giọng anh Hai khô queo: - Bất đắc dĩ phải làm vậy thôi. Chi nói giọng chua cay đắng chát: - Bất lương tâm thì có. Cố ý cố tình thì có. - Biết vậy là tốt. Thông minh! Anh Hai nói giọng ngọt như đường hóa học. Đường hóa học ngọt thiệt, ngâm cóc ổi mận xoài là tẩy hết chất chua, nhưng có vị đắng đắng, còn đọng lại trên lưỡi sau khi ăn xong. Cái vị đắng đó nằm trong câu nói sau đây của ông anh. - Nhưng chậm hiểu. Bằng cớ là cứ răm rắp làm theo lời tao biểu, hì hụi leo lên leo xuống cái yên xe chật ních. Trong khi biết chắc là mình không thể nào tống ba cho nổi. - Hu hu... Đừng nói nữa. Anh Hai không dừng, mà cứ nói nữa: - Có bình thường như người ta đâu mà hòng tống ba . Mấy đứa mình dây nó còn tống được tới bốn nữa kìa. Gọn như xếp cá mòi trong hộp! Chi nhảy bật dậy. Anh Hai lùi lại thủ thế. Chi chạy… xuống bếp, hai vạt áo dài bay tung tóe, vừa chạy vừa la: - Trời ơi! Nhắc cá mòi hộp mới nhớ. Má dặn, trưa nay khui hộp cá có ba con, anh em chia nhau, mỗi đứa một con rưỡi. Chi làm gì lẻng xẻng, rủng rẻng dưới bếp một hồi, rồi hát om xòm: "Giờ ăn tới rồi! Giờ ăn tới rồi! Mời tui xơi! Mời tui xơi!... ". Anh Hai đứng trên nhà, nghe hết. Chi cố ý chế lời khác cho bài hát để chọc quê anh Hai. Anh Hai chợt tủm tỉm cười: - Vậy đó, cứ nhắc tới ăn uống là nó hết giận liền. Bởi vậy, làm sao mà ốm cho được. Tiếng Chi lanh lảnh dưới bếp: - Ruồi! Đi chỗ khác! Chỗ cá đó của anh Hai. Không được bu! Mất vệ sinh quá hà... Anh Hai giựt mình, chưa kịp phóng xuống bếp để ra tay đuổi ruồi thì đã nghe Chi đã oang oác nói tiếp: - Xùy xùy... Đi! Đi! Lì thấy ghê! Anh Hai xuống tới nơi. Không thấy con ruồi nào bay qua bay lại hết trơn. Tức ơi là tức. Bị nó lừa rồi! Ông anh đành chống hai tay lên cái hông xương xẩu mà gầm gừ: - Hừ... Ruồi ảo hả? - Nói mỉa mai xong, anh Hai đổi giọng châm chích liền, nghe còn ngứa hơn bị muỗi cắn: - Nhưng mà con ruồi ảo đó có lì lợm cũng còn thua một người tên Chi cứ lần lữa không chịu đi chữa... bệnh béo phì.