Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> BÔNG SÚNG ÐỎ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 482 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BÔNG SÚNG ÐỎ
Thanh Sơn

Bình minh... Vài tia sáng hồng nhạt xuyên qua khe hở vách lá, chập chờn trên đôi mắt khép kín, đánh thức buổi sáng hành thiền. Tôi ngồi trong mùng trên bộ ván nhỏ, nhìn ra ngoài qua cánh cửa sổ mở rộng, vầng dương màu đỏ ối ở đằng Ðông từ từ vượt lên rặng cây. Ánh sáng chan hòa phủ khắp vạn vật còn đắm mình trong làn sương sớm, phản chiếu ánh ngọc đủ màu lấp lánh trên cành cây kẻ lá. Dưới cái mương rộng chạy dài song song với hai liếp vườn, những bông súng đỏ cũng từ từ thức giấc, đón nhận ánh sáng ban mai như truyền một nguồn sinh lực dồi dào cho vạn vật. Những cánh hoa súng đỏ mịn màng xòe nở, sau một đêm tắm gội những giọt sương tinh khiết, bây giờ đang đón nhận những tia sáng ấm áp của mặt trời như gột rửa những trần cấu não phiền trong tâm thức sau buổi thiền tọa...
Hoa súng đỏ gội nhuần sương sáng,
Tâm lặng soi thiền quán nơi lòng.
Sương tan hoa đượm sắc hồng,
Mê tan vọng hết tâm trong an lành...

Một ngày mới bắt đầu khơi nguồn cho cuộc sống mới tiếp diễn, hội nhập theo dòng chuyển của thời gian vô tận...
Sau những ngày tháng tạm ổn định cuộc sống hồi cư tại ngôi nhà của ba mẹ ở thị xã Sadec, vào một sáng mùa đông cuối năm 1975, tôi theo mẹ đáp chuyến xe lôi về một vùng quê hẻo lánh tại xã Tân Xuân, để thăm một nơi tôi sẽ làm chốn an cư kiến lập cuộc đời mới. Từ con lộ lớn qua một cây cầu ván bắc ngang con kênh nhỏ, chúng tôi đi trên con đường đất gồ ghề, khúc khuỷu lượn quanh xóm nghèo. Chúng tôi phải qua mười ba cây cầu khỉ, bắc qua mười ba cái mương ranh của mười ba hộ gia đình. Nhìn mẹ gọn gàng, nhẹ nhàng, tự tại đi trên các cây cầu khỉ không chút e ngại mệt nhọc, tôi chợt mỉm cười thích thú, nhớ lại những tháng ngày thơ ấu nơi quê ngoại:
"Yêu con đường xưa, đưa lối qua chợ làng quê,
Và yêu mấy nhịp cầu tre, là đây con chờ mẹ về...".

Tôi nhanh nhẹn vượt qua tất cả những cây cầu không chút ngại ngùng. Ði hơn hai cây số đường làng, tới một miếng đất nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, mẹ dừng lại nói: "Ðây là nơi con sẽ làm lại cuộc đời từ con số không". Vâng! Tất cả là con số không. Bỏ lại những vướng mắc đàng sau, nhìn về phía trước um tùm, rậm rạp đầy gai góc, cỏ tranh, lác, đế, sậy cao lút đầu như khu rừng chứa đầy những bất trắc của phiền não lo âu...
Mười công đất chạy dài từ đầu con kênh này đến cuối đầu đất tiếp nối một con kênh khác, ở giữa là đồng trống mênh mông không một bóng người. Trước chiến tranh, đây là vùng oanh kích tự do, nên cảnh vườn không nhà trống hầu như thường xuyên, chỉ thấy bóng người vào những dịp cấy xạ, gặt lúa... Khu vực tôi đang đứng nằm trong vòng đai bảo vệ của ấp gồm hai công vườn, còn tám công ruộng nằm ngoài tầm kiểm soát. Chỉ vào khoảng trống trước mặt trong đám cỏ cao lút đầu, mẹ nói: "Trong đó là cái nền nhà cũ, cậu Ba đã cắm cọc đâu đó xong xuôi, ngày mai sẽ trở lại làm cỏ, đào đất đắp một cái nền nhà, sau nửa tháng khi dọn xong cây cỏ xung quanh, sẽ cất lên một cái chòi nhỏ để tạm che mưa đỡ nắng. Bây giờ Mẹ sẽ dẫn con lại nhà cậu Ba gần đây để giới thiệu với gia đình cậu".
Chúng tôi đi ngược lại con đường cũ, qua hai cái mương ranh, tới một ngôi nhà lá ba gian hai chái vừa mới cất lại còn thơm mùi lá mới. Từ trong nhà, một người đàn ông tuổi khoảng 70 còn tráng kiện với hàm râu ba chòm trắng cước, mặc quần lá nem, áo sống lưng màu nâu bước ra đón chào Mẹ. Tưởng ai xa lạ, té ra đây là cậu Ba vẫn thường đến nhà ba mẹ đàm đạo, thỉnh thoảng gia đình cậu đến tạm trú một thời gian vì lệnh di tản.
Sáng hôm sau, hai anh em cùng mẹ đáp chuyến xe sớm, mang theo phần cơm trưa, trở lại địa điểm cũ. Mẹ thầm dặn, trong đó còn nhiều chướng ngại, gặp việc nhớ bình tỉnh niệm Phật, hai anh em nhìn nhau mỉm cười. Sau khi ghé nhà cậu Ba để lấy dao, cuốc, len, xuổng đã gởi từ trước, chúng tôi bắt tay vào việc khai quang khu vườn, trước tiên là khu vực quanh cái nền nhà. Những nhát dao tự tại chặt tới đâu, cỏ cây rạp tới đó, nhường chỗ cho cảnh phong quang sáng sủa hiện bày, như những trầu cấu trong tâm được quét sạch. Mọi người chăm chú vào công việc duy nhất mặc cho thời gian lần lượt trôi qua. Ðến trưa những cỏ tranh, đế, sậy quanh nền nhà đã dọn sạch, được Mẹ trải mỏng vào một góc vườn, phơi nắng cho khô để dùng vào việc nấu nướng sau này. Sau khi dùng cơm trưa và nghỉ ngơi dưỡng sức, hai anh em bắt đầu đào đất đắp nền nhà theo phương hướng đã định sẵn bởi bốn cây cọc nhỏ ở bốn góc. Công việc lần lượt trôi qua theo sức lao động cần cù, những giọt mồ hôi thắm ướt lưng áo, cái nóng rát bỏng trên gò má hồng hào vì say nắng. Ðến chiều, cái nền nhà đã cao dần, những nhát len cũng lơi dần vì mệt nhọc, rã rời, vì hăng say lao động. Mẹ mỉm cười như khuyến khích hãy cố gắng chịu đựng, vì thử thách còn dài, những chông gai còn đang đợi trước mắt.
Ðúng theo chương trình đã hoạch định, sau nửa tháng đi về với sự hoạt động hăng say quyết tâm tạo lập một cuộc đời mới, một cái chòi lá nhỏ được dựng lên với những tiện nghi thô sơ, góp nhặt từ những vật dụng có sẵn trong vườn. Gần cuối năm, gia đình tôi gồm bốn người: hai vợ chồng với đứa con trai đầu lòng ba tuổi và một đứa còn nằm trong bụng mẹ, dọn vào nhà mới để chuẩn bị đón mừng một năm mới, một khung cảnh mới, một cuộc đời mới với một hy vọng mới hướng về tương lai.
Nắng sớm mưa chiều đã biến đổi tôi từ một chàng trai bạch diện thư sinh, thành một chú nông dân bất đắc dĩ, cần cù, chăm chỉ với hai bàn tay chai cứng, thân hình chắc nịch sạm nắng, đôi chân cứng cáp vì băng đồng, lướt bụi. Tất cả những thay đổi đó tiếp sức cho nguồn tâm ngày càng kiên cố, an bình trước những biến đổi, phiền lụy của cuộc đời, mộc mạc bình dị như những màu hồng nhạt thanh cao của hoa súng nở trong bùn.
Năm năm sau, vì không chịu được cảnh ồn ào náo nhiệt nơi phố thị, ba mẹ dọn về ở chung với gia đình để cùng hưởng bầu không khí an lành với cuộc đời tự tại, không muộn phiền lo lắng. Ông cháu vui đùa hồn nhiên với cây kiểng hoa lá, mẹ và vợ chăm bón vườn rau để tăng thêm mức thu hoạch. Tôi sớm chiều với ruông lúa, vồng khoai. Cuộc đời bình dị hòa nhịp trong nếp sinh hoạt bình thường. Cả nhà đều thức dậy trước lúc rạng động, trong khi bếp hồng reo vui ánh lửa bập bùng, cha ngồi trầm ngâm bên tách trà thơm bốc khói, tôi từng bước nhịp nhàng theo hơi thở, mẹ gọn gàng linh hoạt trong các động tác:
Với gậy dưỡng sinh,
Rèn luyện thân thể.
Một bước mẹ đi,
Ðất rung sáu cách.
Một gậy mẹ múa,
Càn khôn xoay chuyển.
Tiến trước lùi sau,
Phải trái theo nhau.
Dưới trên tự tại,
Nhịp thở đều hòa.
Lành mạnh thân xác,
Tâm bình an lạc...

Thời gian trôi dần theo nhịp sống an cư lạc nghiệp với: cơ ngơi mở rộng cho nhà thắm đượm tình người, cải tiến đất mầu truyền nhựa sống trên bông lúa. Tăng mức thu hoạch cho người sắm thêm phương tiện, bếp hồng reo vui truyền lửa sưởi ấm đêm đông. Cơm canh đậm đà hương vị hoa đồng cỏ nội, gia đình thuận thảo ấm êm rộn rả tiếng cười. Tâm an bình kiên cố giữa cuộc đời điên đảo, hoa đạo tươi sắc mầu bông súng tắm sương mai. Giữa khung trời tự tại vọng tiếng chuông thu không, hòa theo khói lam chiều trên mái nhà thương yêu...
Ðó là tất cả những hình ảnh sinh hoạt bình thường, giản dị, mộc mạc như hoa súng cũng phối hợp nhịp nhàng trong dòng sinh diệt của một kiếp người.
Bông súng đỏ, nằm một mình trơ trọi trong một cái mương cạn ở cuối vườn, chỉ có vài bông với ít cọng lá thô sơ. Từ bụi súng này tôi nhân ra thành những bụi súng khác đều đặn ngay thẳng trên cái mương dài được nạo vét lại, dùng để chứa nước tưới những liếp đậu, luống rau. Dưới sự chăm bón, vun phân tưới nước, liếp đậu, luống rau ngày càng xanh tốt thì các bụi súng cũng dần dần phát triển từng bụi to với những bông nở xoè những cánh sắc hồng nhạt, bao bọc một đài gương nhỏ với những nhụy phấn vàng rung rinh theo làn gió. Hoa súng có đài gương, nhưng không bao giờ có hạt, đó là một điểm khác biệt với hoa sen, tuy cả hai vẫn mọc trong bùn. Bông súng cũng là một thức ăn không thể thiếu trong những bữa cơm đạm bạc, với vài cộng súng ta có được một dĩa gỏi bông súng hay một nồi canh chua với những vật liệu cây nhà lá vườn, giải nhiệt trong những ngày nắng hè oi ả.
Bông súng đỏ, trong những đêm trăng tỏ, những búp súng con lần lượt nở xoè những cánh hoa mịn màng, lá súng màu xám nhạt bóng láng phản chiếu ánh trăng như những tấm gương con đồng phản xạ tia sáng tạo nên một hình sắc mờ ảo, kỳ bí... Những lúc đó, tâm tôi như hòa nhập vào một cảnh giới sắc không diệu huyền, một nguồn an lạc tự tại tràn ngập trong tâm theo nhịp thở điều hòa xen lẫn với tiếng thầm niệm Phật...
Bông súng đỏ, giờ đây đã xa rồi, tất cả đều thay đổi, kể cả cuộc đời tôi cũng thay đổi và bắt đầu lại từ con số không như lời mẹ nói. Có còn chăng là những dư hương vang vọng, âm ỉ trong tâm hồn của những con người mang một hoài cảm chung, mỗi khi ngồi nhớ lại không khỏi bùi ngùi cảm động. Ðó chính là:
Tình quê hương đây, muôn năm không hề phai, muôn năm vương lòng ai, dù sống xa vời,
Tình quê hương đây, mỗi lúc sương chiều rơi, quyến luyến dâng đầy vơi tâm hồn tôi...

Mùa xuân đầu tiên trên đất Mỹ.
14 tháng 4 năm 1997.
(Trích nhật ký: BÔNG SÚNG ÐỎ, Thanh Sơn.)
VA. 2002.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 788

Return to top