Quãng tám giờ, trời đã tối đậm nơi thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông; tôi đứng nơi đầu con ngõ lối vào chợ Phú Nhuận, trên đoạn đầu đường Cách Mạng 1 - 11 gần cầu Công Lý nồng nặc mùi thành phố hoa lệ này đón một chiếc xe ôm (xe Honda nhận chở người trong thành phố) về khu Ông Tạ để ngủ nhờ nơi nhà một người bạn dạy cùng trường. Giàn đèn hai bên đường, nơi các cửa hiệu dọc theo đã được bật lên soi sáng cho khách bộ hành và các loại xe qua lại. Tôi đưa tay vẫy theo thói quen khi nhìn thấy đèn của một chiếc Honda, chẳng cần biết có phải xe ôm hay không. Cũng là một sự không ngờ, chiếc xe dừng lại và chủ xe nhận chở thuê. Sau khi định đoạt giá cả, tôi leo lên phía sau và bắt đầu gợi chuyện cùng bác tài cho qua thời giờ chờ xuống vùng Bắc Hải, khu gần Ông Tạ, nơi nhà một người bạn.
Đường từ chợ Phú Nhuận, dọc theo đại lộ Cách Mạng một đoạn ngắn rồi rẽ sang một đường nhỏ nào đó để vượt qua Thoại Ngọc Hầu tới Phạm Hồng Thái và đi ngược về phía Ngã Sáu là lối ngắn nhất; bác tài xe ôm không đi vì nguy hiểm bởi phải qua hãng xe Lambro, khu hay có cướp giựt xe Honda và thường thì những kẻ xấu số bị đánh thập tử nhất sinh. Ông chở tôi dọc theo đường Cách Mạng tới Lăng Cha Cả và ngược Phạm Hồng Thái đi lên. Đại lộ Cách Mạng vào buổi tối thưa xe, đường rộng và phẳng nên cũng đem lại cho tôi chút thoải mái khi nghĩ tới sự khó khăn bởi chen lấn lúc nộp đơn đại học trong ngày.
-Bác làm nghề này có khá không? Không biết tên ông là gì, mà tôi cũng chẳng cần biết tên; tôi chỉ muốn nói chuyện cho qua thì giờ nên dùng tiếng bác.
-Tôi đâu có làm nghề xe ôm. Dạo này thất nghiệp, mỗi tháng tôi chỉ chạy vài cuốc đủ tiền mua bánh thuốc lào sáu trăm. Vì tiện có cái xe nên tôi chạy, hơn nữa, bánh thuốc lào lại gần hết, tôi vừa mang xe ra chạy một cuốc từ chợ Phú Nhuận đến đầu đường Công Lý, đang định về nhà thì gặp anh chứ chạy xe ôm có phải là nghề của tôi đâu nên nào biết... Chả nói giấu gì, bà xã tôi đi làm cũng đủ ăn, nên tôi không cần phải chạy xẹ.. Ngày hôm nay đưa con cháu đi nộp đơn đại học Luật Khoa chen lấn mệt quá, mai lại phải tới nữa để nộp đơn ở Văn Khoa cho nó. Tôi đang định kiếm việc cho nó đi làm vì học hành với con gái cũng chẳng ăn thua gì. Bác tài có vẻ đang cần người nói chuyện nên gặp tôi, xổ một hơi cho đã thèm.
-Gia đình bác được mấy anh mấy chị mà đã phải lo kiếm việc cho cô ta trong khi còn đang đi học?
-Tôi được có mỗi đứa con gái, vừa đậu xong tú tài hai, đâu còn đứa nào khác.
Vừa nghe câu trả lời, tôi đã thấy nao nao trong dạ nhưng không biết cách nào để kiếm cớ làm quen con ông. Kéo dài thời giờ suy nghĩ, tôi chêm vào câu nói cầm chừng, vô thưởng, vô phạt:
-Nhà con một mà phải lo kiếm việc cho đi làm trong khi hai ông bà còn có thể xoay chạy được.
-Nhưng nộp đơn cực quá, hơn nữa, con gái học hành rồi cũng chẳng ra cái gì.
Ông đã nói thế thì còn lý do gì mà xớ rớ vuốt đuôi nên tôi đành đổi đề tài nối tiếp với những vấn đề liên quan đến trời mưa, trời nắng, cuộc sống hằng ngày thêm chút chính trị, và phê bình lang thang về văn hóa xã hội cùng với lối giáo dục hiện đại theo đường lối văn hóa của chính phủ trong sự so sánh giá trị liên hệ giữa thày trò nơi học đường. Ngay khi biết tôi đang dạy học, ông kêu tôi bằng thày giáo.
-Thày bà với giáo mác gì, bác đừng gọi thế, hãy coi tôi là khách đi xe và may mắn có dịp được nói chuyện với bác.
Nghĩ cũng cay cho cái miệng kém cỏi, suốt lộ trình mà tôi không cách nào gợi chuyện về cô con gái của bác tài. Hừm! Tôi nghĩ, dốt đành ráng chịu, nhưng vẫn cảm thấy tiếc nuối vì đã lỡ cơ hội.
Tới đầu đường Bắc Hải bên cạnh nghĩa trang, tôi rời xe vì muốn đi bộ một quãng trước khi tới nhà người bạn cho đỡ chồn chân. Bác tài lên tiếng mời tôi nếu có giờ rảnh ghé qua nhà ông nói chuyện... Ông cho địa chỉ và nói cách hỏi thăm vì nhà hơi khó kiếm. Lòng mừng khấp khởi bởi cảm thấy may mắn có cơ hội làm quen với con ông, tôi vội nhận lời và hứa sẽ tới khi nào nộp đơn đại học xong. Chắc chắn tôi sẽ tới, phải tới; lúc ấy giả sử bác tài chỉ có ý "chào giơi" để rồi nhận ra lòng tà "tham bô" của tôi mà kiếm lời thoái thác thì có lẽ tôi đã phải mồm năm miệng mười viện đủ mọi lý lẽ dễ thương dồn ông vào thế bí biến sự vô tình thành lời mời ngay thật.
Ngày hôm sau tôi phải tới khu y khoa khám sức khỏe và thử máu bổ túc hồ sơ; gần trưa thì đã hoàn tất những công việc gồm có: xin phiếu, nhận số thứ tự, gặp bác sĩ khám tổng quát, chụp hình phổi, lấy máu, lập hồ sơ và làm thẻ sinh viên. Ngay sau đó, tôi mượn xe một người bạn ghé qua địa chỉ bác tài xe ôm tối qua. Sỡ dĩ tôi sốt sắng làm chuyện này chỉ vì ông có cô con gái mới xong trung học, lại con một. Cứ nghĩ đến ông ta có con gái là tôi hăng say dù phải tốn tiền đổ đầy bình xăng của chiếc Honda trước khi trả lại cho chủ. Tôi chẳng hiểu tại sao mình có cái tật hào hoa tính này vì thực ra tôi rất keo kiệt. Tiền bạc đâu ra mà chẳng keo... Có lẽ bởi nghĩ rằng người có xe tin tưởng mà cho mình mượn, họ quí mình như thế nên, dù sao chăng nữa, không thể tiếc với họ bình xăng mặc dầu nhiều khi tôi chỉ dùng chút xíu. Đây cũng là mánh lới lấy cảm tình để lần sau họ dễ dàng cho mượn xe khi tôi hỏi. Cho dẫu tiếc xót thế nào, tôi vẫn nghĩ rằng những người dám cho mượn xe đã rất tốt đối với mình. Tốt vì dám cho tôi mượn xe, và tốt vì tôi chẳng dại gì phí tiền đổ xăng mà không đem lại ích lợi chi khi phải nhịn đàng này, xén đàng kia cho giá trị bình xăng tương đương với cả ngày dạy học. Nhưng lần này, cái keo kiệt của tôi trở thành sự hài lòng rộng rãi, vui vẻ chấp nhận bỏ tiền đổ xăng để được làm quen với gia đình có cô con gái độc nhất, dù chẳng biết cô nàng đẹp, xấu thế nào. Cứ làm quen được là đã thích. Thích chứ, thanh niên mà làm quen được với thiếu nữ ai mà không sướng rên... nhất là thứ không đẹp trai, không chai mặt, lại mê con gái như thân phận của tôi.
Nhưng bình xăng đã đem lại giá trị rẻ hơn nước lã khi tôi tới địa chỉ được bác tài xe ôm đưa cho tối qua. Kín cổng, cao tường, cửa nhà đóng im ỉm và hàng xóm cho tôi biết mọi người đi vắng hết, muốn gặp phải tới buổi tối. Thôi thì biết sao hơn, lại thêm một bình xăng nữa vì phải mượn xe của người khác. Mượn xe của một người hai lần trong ngày, có thể họ nghĩ mình lạm dụng, điều mà tôi cố tránh có thể bắt nguồn từ bản chất hay có tự ái rởm trong liên hệ giao tiếp với bạn bè hoặc những người quen biết. Chẳng thà chấp nhận thua lỗ còn hơn bị coi khinh vì họ nghĩ mình lạm dụng... Thế nên, dầu không có xe đành phải mượn nhưng tôi muốn chứng tỏ cho chủ xe biết rằng tôi chỉ mượn xe trong những lúc cần kíp... Tiếc tiền đổ xăng mà lòng vẫn hồ hởi chấp nhận bởi sự thích con gái vẫn bừng bừng trong tôi và cái ham muốn được làm quen với cô nàng con một khuyến khích tôi nên hào hoa thêm lần nữa mặc dầu chưa biết mặt mũi nàng ra sao, dễ thương, yêu kiều hay chanh chua thế nào. Tôi chỉ nghĩ mình nên và phải tới thăm bác tài như một cớ làm quen với con ông ta; con ông là con gái; con gái là tôi ham, dù thế nào chăng nữa!
Nhìn chiếc cổng làm bằng lưới đan vuông, tôi thấy sao nó yêu kiều thế; căn nhà xinh xinh với viền xanh nhạt của khung cửa bao bọc hai cánh banô màu trắng, tường vôi cũng trắng và được kẻ thêm vài hàng chỉ đậm màu nâu mặc dầu ở đầu một dãy nhà lô, bên cạnh một con hẽm vừa đủ một người đi lọt... Dứt khoát tôi phải tới, phải biết chụp cơ hội vì ngoài cơ hội này sẽ không còn cơ hội nào khác để biết nàng. Không biết chụp thời cơ, lúc hối tiếc thì đã muộn bởi "phúc bất trùng lai"... Rở tập hồ sơ lấy miếng giấy, tôi ghi đại khái tới thăm mà không gặp và hẹn bẩy giờ tối sẽ trở lại.
Chẳng biết phúc hay họa mà cả buổi chiều hôm đó tôi không thể nào ngồi đứng cho yên. Con tim hồi hộp, bứt rứt thúc dục tôi tới nhà bác tài ngồi lỳ trước cửa đợi chờ. Lục lọi, hỏi đủ mọi người nơi một nội trú để mượn lấy bất cứ cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nào đó đọc cho quên nỗi xốn xang của sự đợi chờ thời gian qua mau tới giờ hẹn, tôi nghĩ sao mình quá ngu hẹn bẩy giờ tối, đáng lẽ phải lúc năm hoặc bốn hay ba giờ chiều có phải sung sướng hơn không. Truyện kiếm hiệp dễ thu hút nên tôi có thể đọc nó quên ăn, quên ngủ; khi đang đọc, dù cho có ai đó tới gần mạt sát, tôi cũng không biết đến; thế mà buổi chiều ấy nó cũng chẳng làm sao hấp dẫn nổi tôi. Rồi bữa cơm tối của nội trú lúc năm giờ chiều tôi nuốt không vô, không vô vì đang ao ước được nuốt cái hình ảnh mường tượng chỉ mới được nghe bằng hai chữ con gái dẫu chưa biết ngay cả vóc dáng hoặc tên tuổi của nàng. Mới chỉ có thế mà đã mệt bởi con tim mềm yếu với không biết bao nhiêu dằn vặt của những loại tình cảm ham hố ngu dại này. Chẳng xơ múi gì mà cứ ham, cứ bị đày đọa, lại thích bị đày đọa... Tôi đày đọa con tim mình, cái tôi ngốc nghếch của một thằng khờ, khờ vì con gái!
Bẩy giờ, hình như sớm hơn mấy phút, chỉ biết rằng tôi đã tỏ ra rất đúng hẹn. Dựng xong chiếc Honda mượn của một người khác trước hàng rào thép lưới vuông cao ngang thắt lưng, tôi đã như quen thuộc bước vào nhà sau khi tự mở cổng và xuyên qua hai cánh cửa khép hờ. Cái ham hố thúc đẩy lòng tôi háo hức quên cả lịch sự gõ cửa nhưng may mắn không ai trách móc. Bên trong, ánh sáng bởi ngọn đèn tròn được che bớt trên trần tỏa xuống làm cho căn phòng có vẻ hơi mờ ảo đối với cặp mắt đang quen nhìn dưới ánh đèn đường, lớp tường vôi trắng đứng chắn ngang phòng khách với phòng bên trong chừa một khung cửa treo hàng sáo nilon giáp tường bên phải, và một chiếc cửa sổ hình bán nguyệt trên vách ngăn được khoét ở giữa phần còn lại ngay phía trên chiếc tủ buffet khung sườn bằng gỗ cẩm màu nâu pha lẫn phần rác gỗ vàng ngà. Trên tủ, một vài cuốn sách xếp ngăn nắp bên mé phải làm nổi bật phần trắng tường vôi còn lại với chiếc đồng hồ quả lắc treo lơ lửng nơi tường góc trái.
Một bộ salon cũng bằng cẩm đặt xung quanh chiếc bàn nhỏ mặt kiếng, trên đó bình điếu thuốc lào với chiếc cần hút bằng nilon đen được đúc thành hình thanh trúc vươn cao. Chiếc băng dài xếp dọc theo tường phía tay trái sát góc vách ngăn hòa hợp bởi màu nâu sườn cẩm với màu đỏ của nệm và lưng dựa, nơi đó người thiếu nữ đang ngồi đưa mắt nhìn tôi lộ vẻ lạ lùng vì sự xuất hiện đột ngột không cần ý kiến cho phép của chủ nhà. Nối tiếp với băng dài đầu này, chiếc quạt điện quay vù vù trên một chiếc ghế đẩu nhỏ thổi gió chia đều cho người thiếu nữ và thiếu phụ (mẹ nàng) đang ngồi trên chiếc divan màu nâu nhạt kê sát ghế để quạt và choán hết phần lồi ra bên cánh trái của căn nhà xây gấp thước thợ nên dành lại phần hè nhỏ xíu chỉ rộng gấp rưỡi khung cửa ra vào. Thiếu phụ cũng đang chăm chăm nhìn tôi chừng như để ý xem có chuyện gì khác lạ.
Như người đã quá quen thuộc, tôi lên tiếng nói "chào bác" và thêm rằng trưa nay tôi tới nhưng không có ai ở nhà, đoạn hỏi về bác trai rồi tiến tới ghế salon một cách tự nhiên như nơi nhà của mình trong khi thiếu nữ đứng dậy đi xuyên qua khung cửa của vách ngăn bật đèn cho căn phòng thêm sáng cùng lúc thiếu phụ nói nàng rót nước tiếp anh chàng khách lạ lùng không thèm gõ cửa dường như có tính cách bắt buộc chủ nhà phải tiếp dù muốn hay không này. Bà vừa ngỡ ngàng trả lời rằng ông ấy mới đi có chút chuyện và có thể về ngay bây giờ thì bác tài xe ôm cũng đã dựng chiếc xe đạp trước cổng để mở cửa dắt vô.
Ông than thở tự nhiên cũng như tôi về ngày hôm ấy ông đưa con đi nộp đơn ở Văn Khoa quá mệt mà chỉ mới xin được đơn nhập học và không ngờ nộp đơn đại học lại khó như thế. Tôi chưa kịp nói gì thì đồng thời những tiếng nổ rầm rộ của hai chiến Honda dừng lại trước cửa, bốn người bạn cùng dạy một trường với tôi cũng về Sàigòn ghi danh đại học đang xuống xe và mở cổng bước vào trong lúc tôi ngỡ ngàng hơn cả chủ nhà vì thắc mắc tại sao tụi này lại biết tôi ở đây mà mò tới. Tôi chợt tự hỏi họ có chuyện gì hay đã quen trước hoặc cũng có hẹn, mối của họ được đặt sẵn trước tôi? Dầu thế, tôi cố tỏ ra vui vẻ hỏi họ tại sao cũng tới đây.
-Tụi tao đang lang thang dạo phố bởi chẳng biết đi đâu, chợt thấy mày cắm đầu cắm cổ chạy vượt qua. Tụi tao hò la phía sau nhưng mày không quay lại nên cố gắng chạy theo. Khổ nỗi, xe tụi tao chở đôi, mày chạy lại quá lẹ nên khi thấy mày quẹo vô ngõ từ đàng xa, đành nhào đại vô may ra gặp kiếm chỗ giết thời giờ vì chẳng có gì tiêu khiển. Chạy vòng vòng gần hết những ngõ ngách thì gặp chiếc Honda đậu ở đây; tụi tao nhào đại vô.
Câu trả lời làm tôi bật ngửa bởi không ngờ sự vô ý đã đem đến hậu quả tại hại; lỡ ra mèo cậy chó xơi thì uổng biết bao công phu, hao tổn đã hai bình xăng mà vẫn chưa bắt đầu dẫu chỉ là câu chuyện trời mưa trời nắng. Bốn tên bạn dạy học, đứa nào cũng ngon con, cao cơ hơn tôi. Thằng thì kè kè cặp kiếng ra dáng chăm chuyên học hành, vì đọc sách nhiều nên cận, lại cao ráo, rõ bộ con dân mô phạm; đâu ai biết nó cố tình đeo hai mảnh đít chai cho có vẻ đầy mình trí thức. Đứa thì trắng trẻo đẹp trai, quần áo bảnh bao, cái đầu chải tém và miệng ăn nói lại có duyên; nó con nhà giầu, quen lớn nên phong cách tự nhiên, hào phóng, coi tiền của như giấy lộn; tôi ngại nhất tên này. Hai thằng khác, đứa nào đứa nấy cũng nghiêm chỉnh đạo mạo gấp mấy tôi. Thế nên, mặc dầu tụi nó vô tình kiếm chỗ tìm vui nhưng đã trở thành mối đe dọa nặng nề cho cái dã tâm của mình. Dẫu thế, tôi vẫn cố bám víu vào niềm hy vọng mỏng manh vì quen với bác tài trước cộng thêm sự tự nhủ âu cũng là cơ hội thử thời vận bởi cớ sự đã xảy ra thế này thì dù có ước muốn thế nào cũng đành chờ vận số.
Chẳng hiểu vì thói quen quá tự nhiên một cách chân thành hay vì nàng con gái, mà chúng tôi, năm người, sau khi các bạn tôi chào hỏi chủ nhà và phân ngôi vị quanh chiếc bàn nhỏ, tới tấp hỏi han ông một cách thân mật về vấn đề nộp đơn tại Đại Học Văn Khoa của con gái ông. Một người bạn nói rằng quen với anh chàng đại diện Văn Khoa (không biết thật hay nổ) nhận sẽ làm hướng đạo viên hy vọng lợi dụng sự quen biết để "giúp đỡ" cô nàng nộp đơn cùng làm thủ tục ghi danh đại học ngày hôm sau. Nhân tiện trong túi có được một số thứ tự thặng dư của phiếu lãnh thẻ làm lý lịch sinh viên giữ phòng hờ, theo thói quen vẫn thường cẩn thận cầu may có dịp..., tôi đem tặng nàng làm món quà tiên khởi cho sự quen biết, nhưng cũng xót dạ vì ngày mai tôi phải đi làm phiếu lý lịch sinh viên, chặng chót của hành trình nộp đơn đại học trong khi bạn tôi có cơ hội dung dăng dung dẻ dễ gây cảm tình... Lỡ rồi, nhưng tôi vẫn tiếc!
Người ta quan niệm "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ," chẳng biết thật sự có phải thế không mà hình như Trời cũng cố tình nhúng bàn tay vào bằng cách xếp đặt cho tôi trở thành kẻ hữu duyên trong vấn đề dẫn cô nàng nộp đơn Văn Khoa qua các hành trình lẩm cẩm nhưng khó khăn gồm có nộp đơn, chờ gọi tên lấy phiếu ghi danh, đóng lệ phí, làm thẻ sinh viên, và làm phiếu lý lịch như cố dành cho tôi cơ hội hưởng đau thương lần nữa.
Vừa làm phiếu lý lịch sinh viên xong, tôi lang thang tiến về câu lạc bộ để kiếm chút gì uống bù lại số mồ hôi đã đổ ra vì chen lấn và cũng để thỏa mãn cái cổ họng khát khô. Khi vừa ngang qua dãy nhà chính, hai lầu của Đại Học Văn Khoa, tiếng gọi làm tôi giật mình kèm thêm cảm giác thật ngỡ ngàng.
-Anh M. Ơi!
Tôi quay lại xem ai thì ra bác tài xe ôm.
-Anh gì đâu mà tôi đợi từ bẩy giờ rưỡi sáng tới giờ nơi chờ hẹn chẳng thấy?
-Thế bác cứ đợi và không làm gì à?
- Đã hẹn nên tôi phải đợi chứ bỏ đi sao được.
Lúc ấy vào khoảng hơn mười giờ, gần ba tiếng đứng đợi, cũng siêu thật, tôi nghĩ.
-Cô gì đâu? Suốt cả buổi tối nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết tên...
-Nó đang nộp đơn trong kia. Ông chỉ tay về phía dãy nhà nơi đó các sinh viên đang xếp hàng đôi để đóng tiền đại học đoạn cùng với tôi tiến về cửa sổ nộp đơn phía cuối hành lang bên trong.
-Lan ơi! Ông gọi lớn tiếng.
Không ai trả lời. Tôi nói "Bác đừng gọi to tiếng, quê chết," nhưng ông không để ý, cứ dáo dác đưa mắt kiếm con gái và gọi thêm lần nữa. Vẫn không ai trả lời nên chúng tôi vòng lại phía cửa nơi hành lang đóng lệ phí. Trước khi bước qua cửa, ông vớt vát gọi lớn tên con. Một cô gái đang xếp hàng gần tới phiên đóng tiền, vội bỏ hàng đi ra gặp ông miệng thưa tiếng dạ. Nhân dịp này tôi có cơ hội nhìn kỹ vóc dáng cô nàng để bù vào sự cố tình giả đò tảng lờ như không chú ý của mình tối hôm trước và cũng để thỏa mãn cái khao khát bùng cháy trong tôi suốt buổi chiều qua cộng với cả một đêm mơ màng tưởng nhớ lẫn tiếc xót vì không có cơ hội dẫn nàng lang thang nộp đơn. Nàng có đôi mắt mơ mộng, hai hàng mi cong cong chạy dài khiến kẻ nhìn có cảm tưởng nàng còn ngây thơ, mông lung; chết tôi rồi, lòng thầm nghĩ! Nàng nhìn tôi coi chừng như xem kỹ lại để đánh giá anh chàng khách lỳ lợm tối qua cho rõ mặt mày như thế nào. Đôi mắt tôi dán vào gương mặt nàng quên cả để ý đến ông bố đứng bên cạnh. Cặp mắt giai nhân chớp chớp trong khi đầu hơi cúi xuống... lòng tôi rộn ràng...
Tiếc rẻ công lao đứng đợi nộp tiền đến khi gần tới phiên lại mất phần bởi bước ra đâu ai cho trở lại hàng nơi chen lấn từng phân đất dần tới cửa sổ nộp tiền, mà đứng xếp hàng lại từ đàng cuối thì biết khi nao mới có thể làm xong thủ tục, hơn nữa, chốn dành nhau từng chút thời giờ lại kèm thêm sự khó khăn, đòi hỏi và hoạch họe từng chi tiết của các cô nàng sinh viên cũ, nhân viên trong ban đại diện cái đại học đầy dẫy những nữ sinh viên thơ mộng này, không đẹp trai, chẳng chai mặt lỳ lợm, bon chen, chỉ tổn công đứng đợi, tôi vội lên tiếng:
-Sao lại chạy ra khỏi hàng, đứng đó thưa cũng được, chứ giờ lại phải xếp hàng chót thì hết ngày cũng chưa đóng được tiền!
-Tại bố em gọi, em đâu biết!
Ôi giọng nói, dường như nó kéo tôi lại gần nàng hơn để rồi tính chất hào hùng rởm bùng dậy mãnh liệt trong lòng, hào hùng để làm liều vì cô tân sinh viên khiến con tim mềm yếu đến độ ngu đần bị khớp.
-Thế cô đã làm xong được những gì rồi?
Đạ, em mới có mẫu đơn xin hôm qua và còn đang chờ đóng tiền từ sáng tới giờ.
Ý nghĩ liều chợt đến với tôi. Cứ điệu này, chờ tới tối cũng không đóng được tiền. Không có phiếu đóng tiền, không thể nộp đơn, rồi còn thẻ sinh viên, phiếu lý lịch v.v... bao giờ mới xong. Tôi cầm đơn của nàng và phiếu đóng tiền định chen qua hai dãy sinh viên xếp hàng thật khít khao đang chờ tới lượt nhưng không ai chịu nhường chỗ. Hơn nữa, đa số là nữ sinh viên, nhường một kẽ hở cho tôi bước vô, lỡ tôi đứng lỳ đó thì sao! Năn nỉ, đoan hứa nếu đứng lỳ tại hàng, họ cứ việc đẩy tôi ra, và cuối cùng họ đồng ý chừa kẽ hở vừa đủ cho tôi chen qua bên kia hai hàng người để rồi dọc theo khoảng trống giữa bức tường và hàng người phía trong, tôi tiến tới bàn thâu ngân. Đã có động lực thúc đẩy liều mạng, tôi nói hơi lớn tiếng với chị thâu ngân nhưng cốt ý cho mọi người gần đó đang đứng xếp hàng nghe thấy mà thông cảm,
-Chị làm ơn cho tôi đóng tiền sớm vì đã bốn ngày rồi mà tôi chỉ mới xin được đơn nhập học. Hơn nữa, tôi dạy học ở xa, cứ mỗi ngày nghỉ không dạy bị trừ tiền lương.
Chị thâu ngân nghe lời giãi bày mỉm cười dễ dãi. Nơi mọi người ngoan ngoãn tỏ ra đầy vẻ lịch sự xếp hàng cho dù không khí đổ lửa từ mái tôn hấp xuống, bỗng có một anh chàng thơ ngây đến độ ngờ nghệch lên tiếng xin xỏ ân huệ bất thường. Ai không cảm thấy thái độ không cần biết gì đến phép tắc lịch sự tối thiểu mang đầy tính chất trẻ con của tôi. Có lẽ tôi vừa dốt vừa ẩu khiến chị thâu ngân không thèm chấp mà mỉm cười. Cũng may, mèo mù vớ cá rán! Qua mấy lần đóng tiền đại học, đây là lần đầu tiên tôi thấy chị sinh viên văn phòng cười dễ thương như thế... Có lẽ cũng là dịp maỵ..
-Anh hỏi các anh các chị đang xếp hàng đây, nếu họ đồng ý, tôi nhận tiền của anh.
Còn gì sung sướng bằng, chị thâu ngân đã nói vậy có nghĩa bước đường khó khăn nhất tôi đã vượt qua; thế nên, mồm năm miệng mười, tôi chụp cơ hội quay sang giải thích sự khốn khó giả tạo của mình với những người đang đứng đợi.
-Các anh các chị làm ơn thông cảm, tôi từ miền đèo heo gió hú về bốn ngày nay rồi, nếu ở thêm vài ngày nữa chỉ còn nước nhịn đói và không tiền về xe. Các anh các chị Ở gần đây, sớm muộn một vài phút cũng không đến nỗi nào. Tôi chỉ biết nói đến thế, còn thì tùy thuộc lòng thông cảm của quí anh quí chị. Nói ra cũng khổ, không nói ra lại càng khổ, nhưng không làm cách này, có lẽ chẳng còn cách nào hơn.
-Sao anh không chịu khó đến sớm sắp hàng trước?
-Chả nói giấu gì, tôi không có nhà quen ở gần đây nên phải đi xe buýt; mà chuyến xe buýt sớm nhất tới nơi thì người đã đông nghẹt để rồi hai ngày đầu mới xin được đơn, hôm qua đứng đợi cả ngày khi gần đến lượt đóng tiền thì chị thâu ngân đóng cửa, ấy là tôi đã phải nhịn bữa trưa để xếp hàng không dám xê dịch ra vô một bước... Kể lể nhiều quá mất giờ của quí anh quí chị, thôi thì để tôi nộp tiền mau cho xong. Miệng còn đang lảm nhảm phân bua, tay tôi đã nhịp nhàng lùa phiếu đóng tiền cho chị thâu ngân...
Tạ Ơn trời, tôi ma giáo cũng không đến nỗi tệ. Dẫu ngay lúc bị dồn vào ngõ bí mà cái miệng chưa kịp bôi mỡ cũng đã biết đổi từ kiểu nói "các anh các chị" sang "quí anh quí chị" đồng thời giọng kể lể ra bộ thảm sầu khuyến khích lòng xót thương của mọi người... Đang quay mặt nghiêng về phía hai dãy người xếp hàng đóng kịch, tôi cũng vội liếc ngang về phía chị thâu ngân; nàng cầm phiếu, đếm tiền và đặt bút viết...
-Vậy nếu anh ở gần đây thì anh làm sao? Một anh trong hàng vui vẻ hỏi tôi cho qua chuyện.
-Tất nhiên tôi phải xếp hàng như quí anh quí chị, và bằng chứng là tôi đã xếp hàng suốt một ngày hôm qua nhưng công khống.
-Xong rồi anh. Chị thâu ngân nhắc, chộp vội tờ biên lai và tờ đơn ghi danh, tôi vui mừng hô lớn:
-Cảm ơn quí anh chị; hôm nay tôi gặp được chị thâu ngân dễ thương nhất đời... Hòa trong tiếng cười của mọi người, tôi lủi ra phía cửa lòng thầm nghĩ Trời giúp mình để rồi dẫn Lan đi bổ túc những hồ sơ cần thiết bởi đã có hồ sơ chính bên Đại Học Luật Khoa.
Được dịp, tôi dẫn nàng đi loanh quanh kéo dài thời giờ cặp kè bên cạnh. Kể ra thì cuộc đời tôi đau khổ không ít vì những mối thương thầm nhớ trộm nên có lẽ Trời cũng ăn năn bởi đã quá tay đày đọa mà tạo cơ hội để ban cho tôi em Lan bù đắp chăng. Tôi nghĩ và tin như thế do đó thầm cảm ơn và thấy đấng linh thiêng cũng dễ thương lắm lắm, dễ thương như em Lan đang đi bên cạnh. Tuy nhiên, dù cố tình giả vờ chỉ đây chỉ đó mãi thì rồi cũng chẳng còn xó xỉnh, ngong ngách nào mà chỉ, tôi rủ nàng vô câu lạc bộ sinh viên uống nước.
-Thôi anh, bố em đang đợi...
Nàng quan tâm về việc ông bố đang đợi hơn đi cặp kè với tôi... Mình hữu tình mà người ta vô tình, lòng tôi chùng xuống... Vừa mới thấy may mắn đó, hy vọng đã trở thành mong manh; tôi bấm bụng đi với nàng ra phía cổng Văn Khoa; lòng tiếc nuối giây phút kèm em chóng qua khiến chân lừng chừng không muốn đếm nhịp trong khi nàng chẳng thèm để ý dù chỉ chút tình cảm ơn tạm bợ mà vội bước...
-Sao, có nộp đơn được không mà lâu vậy? Bác tài hỏi trống không khi tôi và nàng tới gần.
-Kể như đã xong hết mọi thủ tục, chỉ còn chờ ngày nhập học hoặc đóng tiền lãnh bài về nhà học.
-Cảm ơn anh, nếu có rảnh, chiều nay anh ghé lại chơi...
Lại cơ hội, tôi thầm nghĩ với lòng rộn ràng, sao tôi may mắn thế! Tôi chỉ nghĩ mình có cơ hội may mắn để hy vọng chụp thời cơ chứ nào có thèm nhớ tới những đắng cay đau xót của con tim trong thời đã qua; chẳng nói đâu xa, ngay những bước vội vàng vô tình của nàng vừa rồi... và thế là vui sướng tiến tới, tiến tới để được đày đọa bởi thú đau thương.
Những ngày ở Sàigòn hoặc những khi có dịp trở lại, không ngày nào tôi không có mặt nơi nhà nàng, và thường thì với cả vài người bạn của tôi nữa. Chuyện gì mà gặp gỡ lắm thế? Thì có chuyện gì nữa, chỉ những chuyện trời mây trăng nước, những chuyện vu vơ qua những vấn đề hiện đại. Tôi mê gái nhưng mang trong mình cả mớ tự ái rởm, lại e ngại người khác biết mình mê gái. Thế nên, những dịp đến nhà nàng, mặc dầu muốn nói chuyện với cô ả nhưng cứ giả vờ tỏ ra vô tình thích nói chuyện với bố hoặc mẹ nàng nhiều hơn, chỉ thi thoảng nói với nàng vài câu như trong trường hợp nhờ nàng lấy bài văn khoa; thế nên, thường thì bạn bè tôi chụm lại nói chuyện với nàng.
Xét như thế, tôi nhận ra mình có những cá tính rất khỉ hoặc quan niệm ngang như cua nhưng cố chấp và bo bo giữ lấy. Nó không giống cá tính bất cứ ai nhưng nó là của tôi mặc dầu chỉ là quan niệm. Bất cứ khi nào đi chung với bạn bè gặp thanh thiếu nữ nói chuyện, cho dù tôi muốn lắm, nhưng lại rất ít nói với các nàng mà dành phần cho các bạn nói, hoặc đang nói chuyện với nàng nào, nếu có một thanh niên chen vào là tự động tôi rút dù, kiếm cớ bỏ đi chỗ khác bởi cảm thấy hai người thanh niên đua nhau nói với một thiếu nữ có vẻ tranh giành làm sao ấy để rồi tôi chấp nhận chịu thua. Thua để không bị mặc cảm tranh giành, thua còn hơn bị tự xỉ nhục vì tranh nhau một thiếu nữ giúp cơ hội cho nàng lên nước. Thà rằng người khác làm nhục thì tôi còn chịu được mặc dầu cố gắng ăn miếng trả miếng, nhưng chính tôi cảm thấy điều gì là một sự nhục nhã, dứt khoát không chịu làm. Tôi không muốn bị nhục với chính mình. Không hiểu tại sao tôi có cái tự ái rởm này mà lại cứ khư khư giữ lấy đến nỗi đã biết bao lần bỏ lỡ cơ hội?