Tàu Lộn Sân Ga
Văn An
Muà xuân năm 1992 ở làng Nhống nằm dọc bờ sông Nhị sao ấm lạ.
Buổi sáng mưa xuân bay mờ cánh đồng nhưng mưa mà như sương. Vài người đàn bà tham công tiếc của mò ra đồng từ sớm nhặt những bông lúa rơi rụng của vụ gặt trước, mặc độc có mỗi chiếc áo cánh mà vẫn chẳng biết rét. Loáng một cái nắng lên. Ai đời đã sắp giữa tháng giêng mà những cành đào trong nắng vẫn tươi roi rói.
Giời chắc chiều lòng người! - không phải chỉ mỗi mình cụ Tú tắc lưỡi bảo cái Loan, con gái của cụ như thế. Dân làng Nhống, từ lâu mải đánh vật với con dốc cơm áo đến cơ hồ quên bẵng ông Giời, cũng muốn tin là thế.
Không có Giời, hà cớ gì nhà nước cách đấy hai tháng lại lệnh cho Ủy ban nhân dân xã tập trung sức người sức của chuẩn bị mở hội làng vào dịp rằm tháng giêng sắp tới?
Cái nhánh tập tục khốn khổ đó của đại thụ văn hiến lẫy lừng Âu Lạc, từng suốt nửa thế kỷ bị lầm lỗi của con người liên tục đè ra đốn chặt, nếu chẳng nhờ cơn Thiên hoa vũ phép tích Trời ban - cụ Tú và những người dân làng Nhống tự hỏi - làm sao nó có thể hồi sinh cho được?
Và nếu cũng chẳng được Giời ban tặng khí hậu ấm áp ngàn năm một thưở ngay ở cái tháng trọng đông và dịp đầu xuân năm 92, việc tổ chức lễ hội trong hoàn cảnh giật gấu vá vai của một thôn làng miền Bắc xơ xác sau chiến tranh ắt khó mà diễn tiến suông sẻ như thế được.
Lúc thoạt được tin, người làng Nhống cứ là tròn xoe mắt ra mà nhìn nhau. Mãi đến khi Ủy ban làng cho người mời cụ Tú , một bô lão cao tuổi và biết thấu đáo những tập tục xa cũ lên tham vấn để tổ chức một hội xuân sao cho thật đậm đà bản sắc dân tộc nhằm thu hút khách Việt kiều, mọi người lúc ấy mới à lên một tiếng ngạc nhiên pha lẫn thích thú.
Hôm hoàn tất việc trùng tu ngôi đình dùng làm nơi tổ chức hội làng, mọi người ai cũng mệt phờ sau những ngày dân công tự nguyện, nhưng mệt mà vui. Lâu lắm rồi, ai trong số họ lại chả mong có được một chốn thiêng liêng gởi gấm điều cầu ước? Vài kẻ nhanh miệng ngay cả thì thầm nếu ngôi đình được trùng tu sớm để vị Thần Hoàng có nơi che mưa tránh nắng sớm hơn, mùa vải độ hè rồi đã chẳng bị trận rét đột ngột khiến héo rũ khi còn xanh và đàn tu hú cũng chẳng bỏ bến sông bay đi mà chưa một lần hít hà hương vải chín.
Lễ cúng Thần Hòang diễn ra thật cảm động, đáng nhớ! Từ sớm, tiếng lợn kêu, tiếng dao chạm thớt, lẫn với tiếng các cô thôn nữ ơi ới gọi nhau ra đình nấu cỗ làm sống lại một thời chưa xa nhưng mù mịt, thăm thẳm.
Chiếc áo the lấm tấm vết mối gặm - suốt mấy mươi năm tưởng chừng không còn dịp dùng đến - của cụ Tú đứng chủ lễ, vài cái khăn mỏ quạ và dăm ba chiếc váy xồi bạc phếch lác đác đây đó càng khiến ngôi đình âm vang hơn tiếng kêu rên của quá vãng nghiệt ngã, khốn khổ.
Giữa đôi ngọn bạch lạp chập choạng, giữa trùng lớp khói trầm sương ảo, các người già ngỡ cụ Tú đang sì sụp hành lễ là cụ Tiên chỉ. Ông chủ tịch xã biến thành viên Chánh tổng. Chỉ còn thiếu bác Lý trưởng ông Chánh hội, một số hương chức, và lũ nhiêu nữa là đủ bộ hương chức của một thời “phép vua thua lệ làng” ngày nào.
Ở cái khoảnh khắc mà mọi xao động thế thời tạm thời loãng thoát giữa lớp sương khói hoài niệm nao lòng đó, những cụ già làng Nhống hôm nay cũng là những thanh niên bồng bột làng Nhống năm muơi năm trước bỗng ngộ ra vài điều mà trước đấy, họ chẳng bao giờ nghĩ đến.
Rằng quá vãng cùng những con người của quá vãng đâu thuần chỉ rặt một ruộc đáng ghét, đáng phỉ nhổ, và vĩnh viễn cần chối bỏ.
Rằng trên bức tượng đài lịch sử vốn dĩ bất khả toàn mỹ và bất khả đổi sửa do giòng chảy năm tháng khắc định cho mọi dân tộc chủng nòi, mọi việc làm mà các thế hệ quá khứ hiện tại cũng như tương lai đã đang và sẽ “nặn khắc” một cách vô thức ở trên ấy, luôn luôn có những chỗ trông được mắt xen lẫn với những góc cạnh nom chướng mắt khó nhìn.
Kẻ xấu và người tốt cũng như việc xấu lẫn việc tốt, nói cách khác, ở thời nào nơi nào và ở bất cứ lãnh vực nào cũng có. Cho nên nếu khẳng định một xã hội hoặc một thời đại nào đấy là hoàn toàn xấu hoặc hoàn toàn tốt, thì ngay từ gốc rễ, điều sai lầm cốt lõi này ắt phải đẻ ra một “nhân quả trùng điệp” những sai lầm tai hại và đáng tiếc khác nữa.
***
Đứng lẫn với đám đông theo dõi buổi lễ ở ngoài sân , cái Loan may mắn chả phải bận tâm đến điều vừa nói. Vốn là một thôn nữ đương tơ, nó chỉ nhấp nhổm nhớ đến cái hẹn tối nay với ông giáo Hợp.
Hai người biết mặt nhau cách đấy một tháng. Cụ Tú là bố của cái Loan. Còn thầy Hợp, nhờ cái mác ông giáo, mặc nhiên biến thành một trong vài người học cao hiểu rộng nhất làng. Ngoài cụ Tú chánh cố vấn, ban tổ chức lễ hội cẩn thận bầy thêm chiếc ghế phó cố vấn cho thầy Hợp ngồi để nếu có gì còn lọt sàng xuống nia cho chắc.
Cụ Tú với thầy Hợp ngày nào cũng gặp nhau ở nhà của cụ để bàn bạc việc tổ chức hội làng. Lần đầu tiên trông thấy cái Loan, ông giáo Hợp thiếu điều tối tăm mặt mũi.
Hôm ấy sau khi rót nuớc hầu cha, cái Loan quay sang lúi húi châm nuớc mời ông giáo Hợp. Trong vạt nắng sớm làm loá chói đồi núi, con bé vốn đã đẫy đà trông càng ngực to eo thắt hông rộng. Bộ mặt chữ điền rắn rỏi nhưng cân đối, hợp cùng mầu da bánh mật nâu đỏ, chưa kể cái nhân dáng cao lênh khênh của nó, tất cả hợp lại thành một hấp lực hừng hực sức dụ hoặc. Và khi những ngón tay có phủ hàng lông măng xanh mướt khẽ nhấc tách trà lên, thêm đôi mắt sắc như dao nhìn như thể hớp hồn ông giáo Hợp, cùng lúc hai bờ môi thây lẩy của con bé cất cái giọng trầm ấm - chứ không cao thanh - lên để : Rước ông giáo sơi nước! nữa thì Hợp ta rõ ràng chịu hết xiết.
Quả đúng là cái týp phụ nữ mà từ lâu, ở một góc hồn xa ngái nào đấy, và vào những buổi chiều xám rét lủi thủi đạp xe trên đường từ trường học trở về căn nhà trọ, Hợp đã và vẫn không ngừng khát khao trông đợi.
Sau hôm ấy, ông giáo ghé hầu chuyện cụ Tú chăm chỉ hơn, ăn mặc chải chuốt hơn, rất chịu khó quết bi-ăng-tin lên tóc, và hôm nào cái Loan bận việc gì không ra rót nước mời khách được, hôm ấy Hợp thẫn thờ thiếu điều ruôi đậu không buồn đuổi cả ngày.
Trót phải-lòng hàm thụ con bé kỹ quá, nhiều lúc Hợp đâm ra ngạc nhiên vì sự thay đổi của chính mình. Trước kia đúng với tác phong sư phạm, thầy Hợp bao giờ mà lại chả đạo mạo nghiêm nghị một cách rất ư ông cụ non? Thế mà bây giờ không hiểu sao cái nhà ông cụ non ấy lại rất hay mỉm cười vu vơ, hay nói lảm nhảm một mình, chưa kể thỉnh thoảng còn cao hứng huýt saó miệng những khúc hát trai lơ một cách rất thái bình náo nhiệt ở ngay trước mặt lũ học trò mới lạ.
Cũng ở trước mặt học trò, thầy Hợp muốn nói là nói muốn quát là quát, song hễ nhác thấy bóng dáng cái Loan, quả tim ông giáo tự nhiên lại đập bổ nháo bổ nhào như trống ngũ liên, cùng lúc nhưng câu tình tứ mà Hợp từng dầy công khổ luyện để mong có dịp “phổ biến ” vào tai cô nhỏ, tự dưng chém vè đi đâu mất cả.
Chả trách mỗi lúc nhìn cảnh bọn trai làng vô tư tán tỉnh các cô thôn nữ, hoặc cười đùa ầm ỹ thống khoái trước mặt lũ con gái, Hợp bao giờ cũng vừa khinh bỉ tức giận và vừa thán phục thèm thuồng.
Thoạt đầu cậu giáo còn bĩu môi chê rằng: Nào có hay hớm gì cái bọn cổ cầy vai bừa ấy cơ chứ ? Chúng nó chỉ đuợc cái suồng sã vô duyên và pha trò nham nhở, vô giáo dục trước mặt lũ gái làng thất học là giỏi.
Nhưng liền ngay đấy, trong đầu Hợp lại vang lên một giọng nói ra chiều sẵng tiếng : Giáo dục với lại chả vô giáo dục! Nhờ bạn Hợp một tí đấy! Bạn quên rằng ái tình không cần và cũng nào phải là lớp học? Muốn với được quả ái tình tươi đau đáu cho vào miệng, bằng mọi cách bạn phải cố mà “động não” để “cù” bằng được cho cái Loan nó cười. Nghiã là bạn hãy cứ cố “vô duyên” với lại “vô giáo dục” giống bọn trai làng một tí ti ông lão đi, thì cuộc tình câm của bạn may ra mới có triển vọng biến thành cuộc tình bình thường của mọi người bình thường khác được.
Vì chẳng thể muối mặt đi học mót lũ trai làng câu “thần chú” để mở cửa chiếc lồng son cho con chim xanh tình ái bay đến đậu ở tim mình , thầy Hợp chỉ còn mỗi một cách là viết thư “tấn công” con bé từ xa.
Nhờ phước phần ông bà để lại, cái Loan nhận thư và phúc đáp thư ông giáo Hợp thật nhanh, chứ không sẵn cái máu tự ái đầy người lại là tổ hay cả thẹn, Hợp ta dám tự nguyện …lưu đày biệt xứ vì tình lắm lắm chứ chẳng phải chuyện đùa đâu.
Một hôm ghé thăm cụ Tú, lại gặp lúc Loan đang xắn quần khỏi đầu gối đứng vớt bèo cho lợn ăn ở cái ao bên hông nhà, quả tim “yếu bóng vía” của ông giáo suýt tí nữa chu du khỏi lồng ngực khiến mặt ông cắt không còn hột máu.
Cụ Tú, khi ông giáo bước vào phòng khách, thấy thế sợ qúa bèn hét ầm lên :
- Cái Loan đâu rồi ? Có nhanh chân mang ra đây cho thầy lọ dầu hay không? Ông giáo…. phải gió con ạ.
Nghe câu quát, Hợp ta lạnh cả gáy vì tưởng lầm cụ Tú đang chửi bóng, chửi gió mình là đứa trai lơ chuyên “rửa mắt” bằng bắp chân đàn bà. Mãi đến khi thấy thái dương lạnh toát đi vì lớp dầu cù là cụ Tú xoa cho, Hợp mới hoàn hồn vì biết cụ Tú tưởng Hợp trúng gió thật chứ chả phải cụ có ý nhiếc gã là thằng phải gió.
Mỗi lần viết thư cho Hợp sau đấy, bao giờ Loan cũng tinh nghịch bắt đầu bằng câu : Thưa ông giáo phải gió. Ông giáo dĩ nhiên chả giận cái Loan đâu. Một cảm giác vừa êm dịu vừa nồng ấm lan toả khắp châu thân làm lòng ông xuyến xao như vừa tợp xong hớp rượu mạnh. Dõi mắt nhìn ra cửa sổ, Hợp hình tưởng nụ cười hể hả của cô nhỏ rồi bật cười thành tiếng : Đúng thực là gà tồ có khác! Chỉ tinh mỗi cái nghịch ngợm.
Riêng chuyện viết thư, Hợp thoạt đầu còn nghiêm nghị và lễ độ gọi Loan là cô Loan là thưa cô Loan, nhưng càng về sau bởi đô yêu ngày một tăng, Hợp - chắc cũng muốn chứng tỏ mình có máu hài hước - bèn gọi Loan là: Anh Loan yêu dấu của Hợp và tự xưng bằng hai tiếng em Hợp ngọt như mía lùi khiến cho cái Loan cứ rũ người ra mà cười.
Chẳng hiểu nhờ Hợp biết “phát huy” năng khiếu cù nách đắc địa, hay là nhờ cái Loan - được cụ Tú khéo dạy - văn chương thi phú thuộc làu làu gãi đúng chỗ ông giáo Hợp đang ngứa, mà cuộc tình của hai người, chỉ trong một thời gian ngắn, đã đi hia bẩy dặm.
Chả thế mà nhiều buổi tối đứng một mình nhìn ra ngoài vườn, con bé hay mơ màng hình tưởng hàng cây xoan đứng thẫm màu trong bóng đêm với một đoàn người mặc áo the, thắt lưng lụa điều, đầu đội mâm cau mâm cốm chen cạnh những quả hồng đỏ chon chót đến trước cổng nhà nó chạm-ngõ! Rồi tiếng pháo đì đẹt nổ. Và hương pháo cưới ngào ngạt bay theo cơn gió muà thu trong trí tưởng.
***
Nhưng vào lúc bấy giờ, Trời mới chỉ đầu xuân chứ nào đâu đã thu? Hàng cây xoan trắng phếch khô trụi ngày nào vừa chớm xanh lá nõn. Những cơn mưa phùn không đủ làm ướt áo người qua đường cũng chỉ mới tạnh cách đấy chẳng bao lâu .
Đứng trong cái bóng nắng mênh mông thắp sáng cả khoảng sân rộng ở đằng trước nhà , Loan ngừng tay phơi quần áo lúc nghe bọn trẻ vừa chạy như ma đuổi, vừa kháo nhau ầm ỹ :
- Chạy cho mau ra mà xem chúng mày ơi! Đoàn cải lương Nam bộ đến rồi .
Rạo rực với tràng cười ngây ngô mà dễ cảm của bọn nhóc, Loan khẽ mỉm cười liếc mắt trông ra đuờng . Mới đấy mà nhanh quá. Sáng ngày kia, đã rằm tháng giêng, đã là ngày khai mạc Hội làng rồi đấy . Và tối mai, cái đinh của Lễ hội, còn là cái gì khác hơn buổi vào tuồng lần đầu của đoàn cải lương Nam bộ vừa đáp chuyến tàu Thống nhất ra Bắc du diễn?
Mấy chiếc xe bò kẽo kẹt chở phông cảnh, áo mão, cung kiếm, và cả nồi niêu soong chảo của đoàn hát lừng lững tiến vào làng. Năm ấy, năm 1992, năm mà người Nam kẻ Bắc ít khi trông thấy mặt nhau, không trách dân làng Nhống chăm chăm nhìn gánh hát như nhìn nhưng người ở hành tinh khác đến.
Lũ con trai xúyt xoa với mái tóc uốn quăn cùng sợi dây chuyền đeo lồ lộ ở chiếc cổ áo phanh ngực của anh kép chánh. Trong khi các thôn nữ nhìn bọn đào hát mặc váy phô bắp chân trắng nuốt trong nắng xuân, thì trong bụng nửa khâm phục nửa ghen tức, nhưng vẫn bấm tay nhau cười khúc khích. Một cô lên tiếng :
- Chúng mày xem kìa! Ăn mặc trông đến là hay nhỉ!
Tiếng cô khác chen vào :
- Lại còn phải nói. Người ta là đào hát mà lại.
Đám đông náo nhiệt và khung cảnh lạ lẫm của một thôn làng miền Bắc làm ông thầy tuồng đoàn hát … hồi sinh. Vốn là dân đong thóc kinh niên, lại phải vài hôm đói thuốc vì chả có công tử nào chịu đứng ra mua giàn khi đoàn cải lương Hương Nam ghé lại một quận lỵ Cà Mau tuần trước , làm cái lưng vốn đã còng của ông trông càng còng thêm.
May được bà vợ hờ nhanh trí, đem chiếc khăn lau bàn đèn có dính tí nhựa thuốc phiện cùng rất nhiều bụi bậm mồ hôi ra ngâm vào nước rồi đem đun sôi lên cho ông uống. Nhờ bát nuớc “cam lồ” phép tích đó trợ lực cho , ông thầy tuồng đã có thể đứng dậy thay vì nằm như dán đói trên giường cả ngày, nhưng đi đứng nom vẫn còn lọng cọng lắm và nhất là vẫn liên tục ngáp ngắn ngáp dài.
Thế mà bây giờ, truớc ánh mắt chiêm ngưỡng của khán giả xứ Bắc, ông đang ưỡn ngực sải bước mạnh mẽ cứ như thể một ông tướng lúc lên gân duyệt qua đội quân danh dự.
Chẳng phải chỉ mỗi một mình ông thầy tuồng đoàn hát thay đổi. Chứng ghẻ tàu khốn khố khốn nạn của cô đào chính lúc ấy cũng hình như biến đi đâu mất. Cho nên thay vì đưa năm ngón tay bấu chặt vào hông để nhoay nhoáy dạo lại khúc “đàn chỉ thần công” quen thuộc cho lũ cái ghẻ thưởng thức, cô đào đã có thể vừa bước đi và vừa vung cả hai bàn tay lên tíu tít vẫy chào mọi người.
Buổi tối hôm sau, dân làng Nhống và dân các xã lân cận kéo đến chật sân đình để xem gánh hát Hương Nam trình diễn khai mạc phiên Hội làng.
Hoặc là tại thiếu chỗ đứng hay là nhìn không rõ cũng chả biết, lũ trẻ con và bọn thiếu niên đầu bò thi nhau leo lên cây nhấp nhổm ngồi xem. Đám đông gọi nhau, cãi nhau, tranh chỗ của nhau nhặng xị tỏi. Dãy cơ đuôi nheo ngũ sắc trang trí cho ngày hội, buổi sáng trông đẹp đẽ là thế cũng bị bọn nhãi giựt đứt phăng. Chiếc trống cái treo ở duới gốc cây đa mới là đầu nguồn khổ lụy. Một cậu xã đội giữ việc đánh trống muốn lỉnh việc, giao khoán chiếc trống cho lũ trẻ đánh thay. Thế là bọn nhóc còn đợi gì mà không mắm môi mắm lợi thay nhau gõ nện để khảo hình thính giác mọi người?
Vở hát Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà kéo màn trong sư háo hức chờ đợi của khán giả. Dưới bước chân ra oai của dũng tướng Võ Đông Sơ, sân khấu làm bằng bốn chiếc cọc tre đỡ cái nền cũng bằng tre luôn, rên lên kẽo kẹt. Nhưng mặc kệ, chẳng ai thèm bận tâm đến cái tiểu tiết vặt vãnh đó cả. Người xem con mải căng mắt và vểnh tai lên nghe anh kép chính cùng cô đào thương luân phiên mớm đẩy cho nhau nhũng khúc ca xàng xê mướt mịn, cùng những bản vọng cổ biền ngẫu, ngả bàn đèn.
Mỗi lúc câu xề dứt, ông thây tuồng vớ vội lấy tờ giấy bóng đỏ chụp lẹ vào chiếc đèn măng xông đặt gần để gọi là …phựt đèn màu.
Cả sân đình ầm vang tiếng vỗ tay. Một nam khán giả trẻ, từng có dịp lên Hà nội xem phim Liên xô, cong hai lóng tay lại đưa vào miệng huýt sáo cổ vũ ầm ỹ, trước khi quai mồm ra nhái giọng Nam bộ lớn tiếng phê bình :
- DM… nó chứ, nghe vọng cổ Nam bộ mùi tận mạng thế này, “chớt” cũng sướng.
Một cậu khác so sánh :
- Thực chả bù cho gánh hát chèo của tỉnh ta, lúc nào cũng i-í, e-é.
Đứng ở một góc sân , cái Loan cũng bị làn hơi “mật ong” của anh kép chính hớp vía. Nó quên khuấy đám đông chung quanh. Quên luôn ông giáo Hợp đứng bên cạnh cũng đang căng người ra thưởng thức vở diễn.
Loan chỉ biết, chỉ nghe, và chỉ nhớ mỗi mình Võ Đông Sơ trên sân khấu . Tội nghiệp Võ Đông Sơ biết chừng nào! Bị loạn tên của địch quân bắn lủng bụng đau đớn thế mà vẫn còn cố ngóc đầu lên gọi tên người yêu cho bằng được truớc phút ly biệt.
Nuớc mắt Loan ứa ra, đọng thành giọt trên má. Nó tưởng nó là Bạch Thu Hà. Nó muốn nhảy bổ lên ôm thân xác lạnh giá của Võ Đông Sơ trên sàn diễn thật chặt vào lòng.
Bất giác trong óc con bé nẩy sinh ra một sự so sánh tai hại cho vị hôn phu tương lai của nó. Ở một bên là cái nhân dáng vốn đã phì nhiêu vạm vỡ lại được bộ nhung phục võ tướng tôn tạo lên nên trông càng hào nhoáng, oai vệ và đáng yêu làm sao của anh kép chánh. Còn bên kia, cái Loan khẽ thở dài và thực lòng không muốn nhìn đến, là ông giáo Hợp nhỏ thó, yếu đuối thêm nước da trắng xanh cùng với đôi môi đỏ chót như môi con gái đang đứng cù rù ở một góc khuất trông y hệt như con gà mái ướt.
Chả trách đêm sau rồi nhiều đêm sau nữa, Loan đến sân đình từ sớm giúp cụ Tú giăng lại hàng cờ đuôi nheo, sắp sửa dãy ghế ngồi, tiện thể nấu nước pha trà cho Ủy ban nhân dân làng uống. Điếu ấy khiến cụ Tú ngạc nhiên. Trước kia, dù cụ nhiều lần gọi con gái ra đình giúp mình một tay , nhưng cái Loan lần nào lại chả nại cớ bận việc này việc nọ để lễ phép từ khuớc? Thế mà bây giờ không hiểu sao con bé lại tự nhiên đổi ý thế nhỉ ?
Cụ Tú có thể không hiểu, nhưng những người trong cuộc như cái Loan và ông giáo Hợp làm gì chẳng hiểu?
Vị khách qúy nhất của Ủy ban làng trên chíếc bàn mà chiều nào cái Loan cũng sốt sắng đứng hầu trà, và chiều nào ông giáo Hợp bởi ghen hờn xót xa cũng cố tìm mọi cách lân la đứng quanh đấy, chẳng ai khác hơn là gã kép chánh phóng đãng của đoàn hát Hương Nam.
Dù sắm vai Tiết Đinh San, Võ Đông Sơ hay vai gì đi chăng nữa, từ sàn diễn, cặp mắt lẳng độc của anh kép vẫn không quên quét những chùm “phóng xạ” về hướng cái Loan và ông giáo Hợp đang đờ đẫn đứng thưởng thức bên dưới.
Biết tỏng cá đã cắn câu, anh kép láu lỉnh chưa vội giật câu ngay đâu . Anh tiếp tục mèo vờn chuột bằng những bài tân cổ giao duyên bồng bế.
Hướng cặp mắt buồn tênh về chỗ Loan và Hợp đứng, anh vô tân nhạc :
Đời tui cô đơng nên iu ai cũng dở dang.
Đời tui cô đơng nên iu ai cũng không thằn.
Trời cho tui cô đơng bao nhiêu lầng nữa đây.
Tui queng rồi những chuyệng dang dở từ khi mới iu.
Trước khi bắt chước Tarzan đưa hai tay chụm miệng, anh vừa hú vừa hò vừa “phăng tê di ” :
Một trăm con gái thủ, một lũ con gái chợ, một bợ con gái đồng, anh đây không màng.
Anh chỉ thầm nhớ thầm thương có mỗi một người ở cái xứ cơ hàn nắng mưa.
Nghe đến đấy lòng cái Loan, giống thià mỡ đặt vào chiếc chảo nóng , tan chảy. Nó thương anh kép hữu duyên quá. Ai đời xinh giai là thế mà yêu ai cũng không thành thì ông Giời quả là không có mắt. Rồi cái câu anh chỉ cảm thương có mỗi một người ở cái xứ cơ hàn nắng mưa hát bằng cái giọng đặc sệt Nam bộ nữa mới kín đáo và tình tứ chứ!
Câu hát rõ ràng để cho và chỉ cho cái Loan. Loan khẽ nhắm mắt. Nó thấy nó là cái người trong mộng mà anh kép trót phải lòng . Và bàn tay anh kép xinh trai là cơn gió. Cơn gió muà xuân mơn man trên da thịt dậy thì.
***
Mơn man chưa đủ, “cơn gió” còn hối hả hít hà hương tóc và tìm cách rót mật ong vào quả tim căng cứng nhục cảm của người gã yêu trong cái buổi hẹn hò ở bụi cây ngòai bìa làng vào giữa buổi trưa nắng là lúc tuyệt đối không có bóng người qua lại. Bằng giọng nói cám hấp pha lẫn mía lùi , anh kép hát ti toe chơi điệp ngữ :
- Trời ơi, tui yêu em, tui kết eem, tui mê em, và cả đời này tui không thể sống thiếu em được đâu, cưng à.
Đáp lại có những tiếng ú ớ vô nghiã:
- Ứ ừ, ứ ừ
Đè sấn đối tượng nằm bật ngửa lên đùi mình, gã kép phóng đãng vừa ôm gỡ, sờ soạng gỡ, vừa lảm nhảm hỏi :
- Còn cưng… cưng có thương… anh hay không?
- Ứ, ớ, ú… Em… em… chả biết.
Giọng anh kép sủi lên sùng sục:
- Phải rồi, cưng không biết, cưng đâu biết. Chớ còn tui ấy hả? Tui biết rõ là tui yêu mê cưng hơn tất thảy mọi thứ ở trên cái cuộc đời đáng chán này.
- Thật là thế chứ anh?
“Bắn liên thanh” một tràng mưa hôn lên môi người yêu, gã phóng đãng vồ vập đáp :
- Chớ còn sao.
Rồi nhoay nhoáy giở giọng phường tuồng :
- Trước đây tui đã theo đòan hát đi khắp Trung Nam Bắc để cố kiếm ra cái nửa kia của đời mình. Nhưng bởi cái số tui nó cơ hàn cô độc cho nên tới hồi may mắn gặp đuợc cưng thì cưng lại hờ hững, lại “chả biết” có thương cái thằng cù bơ cù bất này hay không. Trời ơi, nếu thực sự cưng chê tui là kẻ không xứng đáng, thì dù đau lòng tới đâu tui vẫn năn nỉ xin cưng cứ nói thẳng nói thật ra một bận để cho cái thằng cù bơ đây còn…
Giọng nói nũng nịu ngắt ngang lời gã :
- Còn cái gì cơ chứ?
- Thì để cho tui chết ngay trước mắt em cho nó xong chuyên, chớ còn cái gì nữa.
- Đốt anh đi. Chỉ được cái nói nhảm. Người ta thích nói nhảm thì tôi đây đi về.
Nghe cái giọng trách yêu và nhìn thêm điệu bộ ngúng ngoa ngúng nguẩy của người tình , lòng gã kép hát lâng lâng như mọc cánh. Cục yết hầu trên cổ gã khởi sư chuyển động mất trật tự, trong khi hai bàn tay thô nhám chỉ muốn bấu chụp lấy cái gì mà xoa nắn cho thoả lòng. Thì vừa may, tiếng con chim sáo sậu hót bóng trong bụi cây gần đấy làm gã choàng tỉnh . Thở ra một hơi rõ dài, giọng anh kép cải lương chùng xuống:
- Cho tui hỏi em một câu.
- Anh muốn hỏi em bao nhiều câu mà lại chả được.
Giọng anh kép buồn tênh:
- Em chê tui, chắc là tại em không quên được cố nhân, chớ gì?
Có tiếng thở dài :
- Tốt nhất là chúng mình đừng nhắc đến người ấy nữa?
- Tại sao? - anh kép nôn nóng hỏi - Có phải tại em vẫn thương kẻ đó quá xá ?
- Không phải như thế, đâu anh.
- Nếu không thương nó, vậy hà cớ gì em lại muốn lập gia đình với nó?
Sau vài mươi giây im lắng, mới có tiếng đáp khẽ:
- Anh ác lắm, anh có biết không?
- Em nói ác cái chi?
- Thì anh đã biết tỏng câu chuyện ra rồi mà sao vẫn còn cứ cố bắt em nhắc lại làm gì để cho lòng em thêm ân hận với người mà em chỉ lợi dụng chứ không hề mảy may thương yêu đó.
- Chỉ lợi dụng?
- Đúng vậy. Em có cần nhắc để anh nhớ rằng chỉ có anh mới đúng điệu người tình đồng hội đồng thuyền mà gần nửa đời người em vẫn từng mỏi mòn trông đợi? Em có cần nhắc trước khi duyên kiếp mang anh đến bên em, vì sợ và không chịu đựng nổi nỗi cô độc mênh mông mà chỉ những kẻ ở trong hoàn cảnh đặc biệt như chúng ta mới thấu hiểu nổi, em khi ấy giống như một kẻ nghèo mượn thỏi vàng giả để tự an ủi số kiếp, đã nhẫn tâm lợi dụng cái nhân dáng trông hao hao, trông giông giống của người ấy để lấp đầy cơn mơ hoang khốn khổ của mình? Em có lỗi với người ấy nhiều lắm, anh yêu ạ. Em không muốn chúng ta nhắc đến người ấy đơn giản là vì thế.
Giọng gã kép hát run lên vì cảm động:
- Anh đã hiểu ra ý của em rồi. Em nói đúng lắm. Thiệt là tội nghiệp em của anh, thiệt là tội nghiệp em thương yêu của anh .
Cặp môi đỏ như son của thầy giáo Hợp đang bĩu ra hờn trách chợt tê dại đi trong cơn mưa hôn hối hả của anh kép phóng đãng. Gã mở đùi ra hong hóng đợi. Hai đứa đàn ông lộn giống quấn vào nhau trong bụi cây nhầu nẫu lá hoa.
HẾT