Ngọn nến tắt
Đỗ Quang Hiếu
Đêm nay lại mưa, mà thật ra trong cái phòng săn sóc đặc biệt này mưa cũng như nắng, ngày cũng như đêm có khác gì nhau đâu, lúc nào đèn cũng sáng choang, máy lạnh thì kêu rè rè.
Nếu tôi không được ra ngoài chắc đồng hồ sinh học của tôi cũng hỏng mất. Mưa làm cho đêm như dài hơn và bệnh nhân như ngủ ngon hơn. Còn tôi thì không thể ngủ được dù biết rằng cái chợp mắt lúc bệnh ổn sẽ làm tôi khỏe hơn vào ngày mai. Khi nhắm mắt tôi lại gặp em với gương mặt đó, ánh mắt đó. Em ơi, tôi đâu làm gì được cho em!
- Ngủ đi, mày cứ đa sầu đa cảm. Tao coi bệnh cho.
Mắt con Thanh không rời khỏi màn hình, còn vài trăm điểm nữa là nó đứng đầu top của trò “sắp bi”. Việc đó đồng nghĩa ngày mai nó sẽ là người hùng vì đẩy được bác sĩ Huy xuống vị trí thứ hai, người mà cả tháng nay không ai hạ được. Và cuộc chiến sẽ tiếp tục, tôi không biết khi đã lấp đầy các ô trong bảng điểm thì họ sẽ làm gì tiếp nữa, thôi chuyện đó còn xa mà.
Ra trường với bằng cử nhân điều dưỡng không khó để xin việc, tôi được nhận vào bệnh viện này. Vì là bệnh viện truyền nhiễm nên phân nửa số giường trong khoa bệnh nặng nhất này là của các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Và cũng ngần ấy bệnh nhân không có thân nhân, chủ yếu họ đến từ các trường trại cai nghiện. Chúng tôi phải làm từ những công việc chuyên môn rồi lo luôn việc ăn uống, vệ sinh, xoay trở chống loét... và hàng loạt các công việc không tên khác cho họ.
Hai năm, thời gian đủ để quen công việc. Nhưng cái cảm giác khi phải bốc điện thoại gọi nhà xác lên lấy các xác không có thân nhân thì không thay đổi. Nghĩa tử là nghĩa tận, thật xót xa khi những chiếc lá lìa cành kia không rơi về cội được. Họ nằm đó, trên các băng ca, đâu khác chi các bệnh nhân khác, chỉ khác là phủ kín mặt.
Mà cũng phải thôi, họ đã chết từ lâu lắm; từ cái ngày mà họ cầm tấm giấy xét nghiệm dương tính. Cái chết đến nhẹ nhàng, họ kiệt sức mà ra đi, không phải đấu tranh, không vật vã, một bóng đen lướt đến với lưỡi hái trên vai khẽ nâng họ dậy đi cùng. Như một cuộc rong chơi, như một sự giải thoát, thế thôi.
Nhưng với cậu bé ấy thì không. Em trẻ lắm, khoảng hai mươi, cái tuổi mà người khác đang ngồi trên ghế giảng đường đại học thì em đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời này. Lúc bóp bóng oxy giúp thở, đôi mắt em nhìn tôi nửa như cảm ơn nửa như van xin hãy giữ em lại. Thế rồi em ra đi với đôi mắt mở to ấy.
“Tôi bị dụ chơi, ban đầu nhẹ, sau nghiện nặng lên, rồi chích, rồi nhiễm”. Tôi cứ nghe không biết bao lần cái điệp khúc ấy, như thể tất cả mọi người chỉ đi trên một con đường đó. Mắt em cụp xuống:
- Dạ, cũng đâu trách ai được đâu chị, bảo người ta dụ mình thì cũng không đúng, chủ yếu là mình thôi. Mình dại thì mình chịu, chị ạ!
Em làm tôi nhớ khi còn bé cứ chạy nhảy té khóc òa, thế là mẹ tôi lại hết đánh cái ghế đến đánh mặt đất như thể chúng biết đau. Hình như khi có lỗi người ta hay tìm lý do để đổ đi nơi khác, phải chăng nó được hình thành từ những ngày thơ ấu.
- Hồi học cuối cấp hai, mới lớn mà chị, đứa nào không muốn khẳng định mình. Cái tôi mỗi đứa lớn quá, thách đấu, khích bác nhau, rồi trong các thứ chơi ấy ma túy cũng không ngoại trừ.
Em gọi tôi là chị, em bảo thèm lắm một người chị, nhà chỉ có hai anh em. Có lẽ chỉ chênh nhau một tuổi nên người anh thì thiếu sự kính trọng của em, em thì thiếu sự bảo bọc của anh.
“Chị ơi, nhiều khi em muốn ôm em của em vào lòng lắm mà không làm được. Ở nhà hai đứa cứ kêu nhau mày tao không, hồi nhỏ cha mẹ có đánh thế nào cũng không sửa. Có lúc thèm kêu anh lắm mà không được. Đến khi em lên trường cai nghiện, kêu nó ở nhà đừng đi chơi nữa phụ cha mẹ buôn bán; đá cửa cái rầm, nó cự: “Anh lo thân anh đi, tui biết rồi”, mà em nghe giọng nó run run. Không biết nó có khóc không chứ em thì nước mắt ròng ròng. Ngộ chị ha, lúc ra vô gặp mặt không có gì, đến khi sắp đi xa mới thấy quí”.
- Em mong bệnh em bớt, được cho về nhà phụ cha mẹ. Thì được cái nào hay cái ấy, chứ nghĩ lại từ trước tới giờ chỉ làm cha mẹ buồn không.
- Rồi em khỏe lại, bác sĩ sẽ cho em về. Cố gắng lên chứ chú bé!
Em nhìn tôi mỉm cười, trông em hiền làm sao. “Chị cứ an ủi em hoài, hồi nãy em đi cầu toàn máu, thấy chị dọn em lo ghê. Chị cẩn thận nghen, em không muốn...”. Chú bé của tôi ơi, em làm tôi khóc rồi đó. Tiếng nói em ù trong tai tôi, đưa tay sửa cặp kính để che giọt nước mắt, tôi vội vã rời em. Tôi thấy tiếc cho em, phải chi em lớn nhanh hơn một chút, phải chi cái tuổi nổi loạn của em qua nhanh hơn một chút, phải chi em có chị để tâm sự, dạy dỗ. Phải chi tôi gặp em sớm khi mọi chuyện còn thay đổi được.
- Cũng không biết nữa chị ạ, nếu như thời gian quay lại. Em không chắc là mình có lạc lối nữa không? Nếu như có phép lạ thì em mong mình hết bệnh. Mà phép lạ thì chỉ có trong chuyện cổ tích thôi. Em trông chị giống cô tiên lắm đấy. Nhưng em không thích chị là tiên đâu, khi đó em không gặp được chị vì đã quá già để bước vào thế giới cổ tích ấy.
- Chị biết khi nằm đây em sợ gì nhất không? Em không sợ chết đâu, chết đâu có nghĩ ngợi gì. Em chỉ sợ không ai nói chuyện với em thôi. Khi nằm một mình em bị hành hạ bởi suy nghĩ của mình, khi đã đi qua xem lại mới thấy ân hận. Mà em thì đâu thể nào quay lại được hả chị?
Thấy tôi loay hoay với ống chích để tìm ven. Em động viên: “Cứ làm đi chị, em không đau đâu, ven xơ hết rồi hả chị?”.
- Cái ống chích đó bao nhiêu chị hén? Dạ một ngàn sao? Hồi trước nhiều khi em thiếu có mấy trăm đồng để mua một liều thuốc người ta cũng không bán, phải kiếm cho đủ tiền. Rồi em lượm ống chích ngoài đường về rửa để dành chích.
- Em chích hay lắm nghen chị. Có khi mấy người lớn nhờ em chích dùng rồi còn dư chút thuốc họ cho. Chứ đến cữ không chích đau đớn lắm, một cơn gió nhẹ thổi qua cũng làm em đau buốt như trong xương ấy.
- Dạ, cũng biết là lây chứ chị. Nhưng bản năng nó lớn hơn nỗi sợ chị ạ!
Nghe em nói mà tôi xót xa lắm. Thời sinh viên tôi cũng từng đi phát kim tiêm, phát bao cao su cho các đối tượng xã hội. Phong trào đến rồi phong trào đi. Mà có mấy ai dám nhận mình là con nghiện, dám nhận mình là gái bán dâm để nhận cái của từ thiện đó. Thế là dư. Tổng kết phong trào đem thổi lên trang trí cho thêm phần ấn tượng, còn bao nhiêu cho vào kho chờ mùa mới. Chú bé của tôi ơi, khi đó em ở đâu?
- Hôm trước đọc tờ báo chị cho em mượn đó, thấy người ta viết chơi ma túy là vật vã, là nhức đầu, nôn ói, toàn là những thứ khủng khiếp. Không đúng chị ạ! Không biết ông đó có dùng chưa mà viết vậy. Chị nghĩ coi nếu bị vậy thì ai mà nghiện, chơi một lần là tởn đến già rồi làm gì có lần thứ hai.
- Vậy em thấy sao?
- Tả cụ thể thì không được chị ạ. Nó là một cảm giác rất khác, không giống một cảm giác nào trên đời này, lâng lâng êm ái như nàng tiên vuốt ve mình vậy. Cho đến khi nàng tiên hé đôi môi hồng ra, chị biết có gì không? Toàn những chiếc nanh. Nó ngoạm lấy em, khi ấy mới hiện hình là con quỉ, muộn hết rồi chị ạ! - em run run vuốt khuôn mặt cũng gầy gò như đôi tay.
- Chị bảo em sao không cai à? Em không làm được chị ơi. Chị đừng la là em không có nghị lực nghen, nhiều người đã nói vậy với em. Thử mời người có nghị lực nhất chơi ma túy xem họ có cai được không? Sao người ta nói dễ dàng về những điều người ta không biết như vậy.
- Chị biết trên đời này em phục ai nhất không?
Đáp lại cái lắc đầu của tôi là nụ cười đầy vẻ bí mật của em.
- Thầy tu đó chị. Chị lại cười, tưởng rằng em sắp chết nên tin vào tôn giáo, tin vào kiếp sau chứ gì? Em phục thầy tu vì họ dẹp được tham vọng, dục vọng, tách mình ra khỏi dòng chảy của xã hội. Xét cho cùng thì họ đang chống lại chính bản năng của mình.
Khi tụi em trong trường thì như thầy tu trong chùa vậy. Khi thầy tu ra khỏi chùa chị có nghĩ là họ có bị bản năng lôi kéo không? Có đấy chị, nhưng họ có đức tin, có sự kính trọng của xã hội. Sự khổ hạnh đã đem đến hạnh phúc cho họ, họ tự hào về điều đó nên họ chiến thắng.
Còn tụi em thì đức tin chẳng có, sự kính trọng càng không. Bản năng đã quật ngã tụi em, cai rồi tái nghiện, rồi cai, rồi nghiện, cứ thế đó...Chị đừng bảo em dốt mà đòi dạy đời chị nghen, em muốn tâm sự để bớt buồn thôi…
Không đâu chú bé, tôi đang nghe, mà đúng ra tôi đang học em đấy. Học những điều mà đã bỏ cả cuộc đời em mới đánh đổi được. Em nói đúng, khi đã nghiện khoái cảm do ma túy đem lại trở thành một bản năng nhân tạo và mạnh hơn tất cả các bản năng cơ bản của con người. Khi đó, cái đầu non nớt, cái tuổi mới lớn của em có kịp hiểu các từ như “hiểm họa xã hội”, “đại dịch của nhân loại” hình như trừu tượng quá?
* * *
- Sáng nay em thấy khỏe lắm, muốn đi ra ngoài kia để thấy mặt trời mà sao tay chân như là không phải của mình. Chị đỡ em ngồi dậy cái!
Bây giờ em nói chuyện ít hơn, nấm mọc nhiều trong miệng làm em đau khi nói hay nuốt thứ gì. Bàn tay em để lên cánh tay tôi, gầy gò xanh xao, các ngón tay run rẩy vì kiệt sức. Tôi đỡ em ngồi dựa vào thành giường. “Dạ, em chờ cha mẹ vô. Sáng nay tới ngày thăm thằng em của em trên trường, nó nghiện sau em chị ạ, đâu lúc em còn ở nhà kia. Không biết nó có bị...”.
Chẳng lẽ đã đến lúc em đi rồi sao? Con người cũng như là cây nến cháy, đến lúc cuối bao giờ cũng bùng lên rồi tắt lịm. Trên những dãy giường này tôi chứng kiến bao người ra đi. Có người xin mặc đồ mới, có người xin ổ bánh mì, có người xin điếu thuốc, chỉ để ngửi thôi vì bệnh viện cấm hút thuốc mà dù cho họ cũng đâu thể hút với đôi môi lở loét. Đối với họ đó là ngày đẹp nhất, một ngày đầy nắng, đầy tình thương và hơn hết là nỗi khát khao cuộc sống. Để rồi sau đó...
Vâng, cuối cùng thì cây nến cuộc đời em đã tắt, em đâu biết khi ấy trời đang mưa và chắc vì thế mà cha mẹ em không về kịp.
ĐỖ QUANG HIẾU