Khi soi gương lại tôi thấy mình lạ hoắc. Đó, con mắt, nụ cười và nét nhăn trên vầng trán. Làm thế nào để tưởng tượng được ra tôi sau một đêm không ngủ, sau một lần đã bước xuống. Vâng tôi đã bước xuống, bước một bước đầu tiên và còn bước mãi, đêm nay đêm mai, mãi mãi cho cuộc đời sắp tàn úa. Mau lắm mày ơi, đừng buồn, đừng ngán, rồi nói cũng thường hết. Tiếng Ngân như một gáo nước lạnh, như một nắm băng tuyết tạt vào mặt, ban đầu buốt giá, rồi tan dần, thấm dần và mất trong da thịt. Rồi cũng thường hết. Tôi giơ tay vuốt mặt và mắt bỗng chạm lên nền trần nhà trắng. Mẹ tôi đang nằm trên đó, và đôi mắt không nhìn thấy gì hết, không bao giờ mẹ còn trông thấy gì, mười năm nay, đôi mắt đó đã dần mòn trong bóng tối, dần mòn trong quên lãng, dần mòn trong căn gác không màu sắc không cảm giác. Phải, mẹ tôi như một vật vô tri giác, đôi khi tôi thấy bà ngồi đó mà không nhắc nhở gì cho tôi hết. Người bà ngồi đó, im lặng, không hề biết đến sự lớn lên dần của tôi. Hình ảnh tôi trong mẹ là hình ảnh một con bé lên tám, tóc cắt ngắn, mắt hồn nhiên, con bé Nhiên của mẹ. Con bé Nhiên đã bị đời thổi phồng lên quá mức, tôi nhìn ngắm tôi mãi trong gương và cảm thấy mình khinh miệt bóng mình. Tôi thế đấy và Du đã một lần bỏ đi, bỏ đi và chắc chắn biến mất.
"Anh không thể nào chịu đựng nỗi nữa, anh có lương tri". "Lương tri của anh chỉ có vậy thôi sao? Tôi còn mẹ già, tôi còn thân tôi ngoài tình yêu của anh. Anh nói yêu tôi, vâng, yêu rồi để đó mơ mộng, lãng mạn, tôi, tôi cần gì thực hơn kia". "Em thích những cái thực, ví dụ xe hơi, nhà lầu. Những thứ ấy anh không thể có". Du đã lạnh lùng rời xa tôi. Chàng có lý, nhưng tôi, tôi cũng có lý của tôi. Du nghĩ về tôi như vậy đó, tôi không chống chế và cũng không tự hỏi tôi có thật thế không, bởi vì trong những ước muốn tương lai làm sao biết và hiểu hết được. Nhưng Du đã rời tôi, như thế, tôi có thêm một lý do để liều lĩnh để phung phá, để ấm ức. Tôi hiểu ra tôi có thất tình Du, tôi thất tình và cơn thất tình đó cũng làm tôi điên đảo không ít. Du biến mất nhưng không biến mất trong tôi, chàng để lại trong tôi một vết thương buồn thảm. Nhiều lúc tôi khóc và cảm thấy goá bụa, tôi cũng không hiểu sao tôi có ý nghĩ đó. Nhưng mẹ tôi đã đồng loã với bóng tối, đã đồng loã với ba tôi bên kia cuộc đời. Mẹ tôi thường hỏi về chú Nhân, người em tàn tật thừa hưởng gia sản giàu có: "Sao mày không tới nói với chú, học thêm một vài năm nữa có hay hơn chăng?" "Vâng, con đã nói". "Và mày thích đi làm hơn học?" "Vâng, con nghĩ thế". Mày thích đi làm hơn đi học, nếu mẹ biết con đã đi làm gì? Tôi muốn bật khóc hết với mẹ, nhưng khi bắt gặp đôi mắt trũng bóng đêm dày của mẹ, tôi hết muốn nói gì hết. Ông chú đó còn là một điềm vô phúc lớn lao cho tôi: "Mày lớn rồi, tao không thể cấp dưỡng cho mày học mãi được". Tôi đã cố hết sức năn nỉ dù biết tiền nuôi tôi ăn học một phần do ruộng đất của ba tôi để lại, từ đời ông tôi, khi chia gia tài, ba tôi giao cho chú cai quản hết. "Xin chú cho con học tới tú tài, hai năm nữa". "Con gái học làm chi nhiều. Nếu mày muốn lấy chồng tao thu xếp cho". Người chú muốn làm mối là một ông già goá vợ. Tôi không còn đủ sức để tin cậy vào việc gì nữa hết. Tôi muốn tự lập. Phải rồi, tôi đã lớn, tôi phải có trách nhiệm về đời tôi. Tôi đã không dằn được để cãi lộn với ông chú thân yêu một trận và từ bỏ. Tôi đã phải bỏ nhiều thứ, vậy một ông chú mà ăn nhằm gì. Mẹ tôi không có ý kiến gì hết, tiền dành dụm đã gần sạch, tôi phải kiếm việc làm nuôi cả hai mẹ con. Tôi đã tự ý lựa chọn, và khi Du bỏ nốt tôi thì tôi không còn gì để thắc mắc nữa hết.
Chưa bao giờ tôi mệt mỏi đến thế. Tôi khép cửa sổ cho bớt nắng, trang điểm qua loa rồi đi thay quần áo, tôi không muốn mặt mày tôi mang dấu tích của đêm qua, tôi lại đi rửa mặt. Nước mát làm tôi thấy bớt căng thẳng, lòng tôi bỗng xao xuyến thật nhẹ nhàng, như một cái gì vừa tới đã mất đi rất nhanh, tôi bâng khuâng tiếc nuối. Du, phải rồi, chính vết thương Du vừa thức dậy, Du như một cái bóng, bất chợt hiện đến và có thể còn hiện đến bất kỳ lúc nào. Du như một vết dao, có thể đâm một nhát vào tim tôi, đằng sau hay trước mặt. Du cũng như một kỷ niệm nhẹ nhàng, trong sáng như vầng trăng biến tôi thành cơn gió lạnh. Nhưng tôi đã mất chàng vĩnh viễn, dù chàng có là trăng, có biến tôi thành gió lạnh, tôi có thổi muôn đời cũng không bao giờ xoay thành ánh sáng để được gần chàng. Tôi đã lâm ly quá thể, nhưng mà tôi đã bước xuống, ở đó nhìn lên cái gì cũng cao vút, tấm áo nữ sinh của tôi xếp lại thay vì những nhố nhăng, những tàn bạo, những ấm ức, lòng tôi khô quánh ăn năn, tôi chưa bao giờ vậy cả.
Có lẽ tôi phải bắt đầu làm lại, nhưng khó lắm, tôi không đủ sức đâu, những người có thể giúp được tôi thì xa cách quá. Hình như đêm qua mẹ tôi cũng thao thức mãi. Tôi bước nặng nhọc lên thang gác. Mẹ tôi ngồi gọn trong chiếc ghế mây, chắc bà nghe tiếng chân tôi đi lên, nhưng trên nét mặt không có một thoáng chờ đợi nào hết, vẻ xa lạ lạnh hoắc làm tôi tủi thân. Có lẽ mình nên đi xuống, tôi tự nhủ và dừng lại. Nhưng đôi mắt mẹ đầy nét khó khăn làm tôi bồn chồn lạ. Tôi ngồi xuống sàn, quỳ trước mặt mẹ hỏi:
"Mẹ có khoẻ không?"
"Khoẻ".
"Đêm qua con thấy mẹ hình như không ngủ được?"
"Đêm qua trời hơi trở lạnh".
Khuôn mặt mẹ tôi dịu dàng hơn, tôi thấy những sợi tóc bạc của mẹ hắt hiu lạ:
"Đêm qua con vô ý không soạn chăn cho mẹ".
"Đêm qua con cũng mệt, mẹ biết. Con về khuya".
"Tối nay con cũng sẽ về khuya như thế".
"Không có công việc nào không đi khuya à?"
"Không".
"Chú Nhân không…"
"Mẹ đừng nói tới chú Nhân nữa, con không muốn nhắc".
"Con đã làm gì chú ấy?"
Tôi thành thật:
"Con đã cãi nhau với chú ấy. Nếu còn một lần nữa, con sẽ giết chú ấy".
Mẹ tôi ngồi thẳng dậy, khuôn mặt bà biến đổi lạ thường.
"Nhiên, mày vừa nói gì vậy, mày hăm giết chú Nhân".
"Con không hăm, nhưng liệu chừng con sẽ giết".
Mẹ tôi ngã người ra đằng sau, vẻ chán nản tột độ:
"Nhiên, mày điên rồi con ơi. Tao tiếc không nhìn được mặt mày lúc này".
Tôi trả lời:
"May mắn cho mẹ, nếu mẹ nhìn thấy được con sau mười năm cách biệt mẹ. Nếu mẹ nhìn thấy, con sợ mẹ không nhận con là con nữa".
"Mày nói chi ghê gớm vậy?"
Tôi cười nhỏ để mẹ yên lòng, tôi cầm tay mẹ, bàn tay khô cứng ngắc:
"Mẹ có thấy giọng con ghê gớm không mẹ?"
"Ngày xưa còn bé con có nói với mẹ ngày sau con muốn làm gì không mẹ?"
Mẹ tôi phì cười, nhưng nụ cười tắt sau đó:
"Tao không nhớ, nhưng đại khái thì nhiều lắm".
"Mẹ cố nhớ thử xem".
Những nếp nhăn trên vầng trán mẹ xếp lại:
"Mày hỏi làm gì vậy, Nhiên?"
Tôi trả lời đàng hoàng:
"Con hỏi cho vui".
"Cho vui, mày kỳ quá. Tao quên rồi. Đêm qua tao thấy tiếng chân thầy mày, đúng mà, thầy mày đến trước tao và tao thấy rõ ràng thầy mày nói với tao. Con Nhiên nó đã lớn, bà phải coi chừng nó. Ừ, năm nay mày đã mười tám, nhớ ngày sinh mày vào năm nước lụt, sinh vào ngày nước lụt số giàu lắm. Mười tám đúng mà, thầy mày thiêng đáo để".
Đó, mẹ đã nói với người chết, tôi thất vọng, không bao giờ tôi xoay nổi câu chuyện hết. Mẹ tôi tính đồng bóng, những điều mẹ tôi nghĩ phải của một người khác nghĩ, những điều mẹ tôi nói phải của một người khác nói, những người khác đó là những bóng ma ăn nhập vào hồn mẹ tôi. Tôi nói:
"Thôi đừng nói tới chuyện đó nữa, ba theo vợ lẽ bên kia rồi, mẹ ghen chăng?"
Câu nói hài hước của tôi không làm mẹ tôi cười, có lẽ bà mích lòng. Tôi thấy không khí tẻ nhạt dần. Câu chuyện của hai mẹ con đến hồi chẳng còn gì nói nữa. Lâu nay tôi đã thích nói chuyện với mẹ. Ngày còn yêu Du, tôi chẳng bao giờ nói với mẹ tôi quá dăm câu. Mẹ tôi hình như cũng bớt lạnh lùng hơn trước, vậy mà bà vẫn gắt gỏng bất cứ lúc nào. Mỗi ngày bà ăn hai bát cơm nhỏ do chị Ba ở hàng xóm mang sang, tôi đặt nấu ở đó cho tiện, vả lại chị Ba là người cũng đáng tin cậy, tôi lại hỏi:
"Tối qua mẹ ăn được không?"
"Thì lúc nào cũng vậy, lưng chén cơm là no".
Tôi vẫn quỳ gối xuống sàn:
"Độ này mẹ gầy hơn trước. Chắc mẹ lo nghĩ".
"Lo chứ, mẹ đui mù làm thế nào gả chồng cho con. Thế cậu Du hồi trước hay đến chơi đâu rồi nhỉ, lâu lắm mẹ không thấy?"
Tôi lặng đi một lát. Tại sao mẹ tôi lại hỏi vậy? Hay bà đã đoán biết? Tôi cố giọng thật tự nhiên:
"Anh ấy dọn nhà đi rồi".
Tôi thấy mẹ tôi chép miệng:
"Con như thế nào nhỉ?"
"Mẹ hỏi sao?"
"Ngày nhỏ mẹ nhớ con xinh lắm".
Tôi thở dài thật nhẹ:
"Vậy hả mẹ, bây giờ người ta còn nói con giống mẹ hồi con gái như in".
Mẹ tôi nở một nụ cười hài lòng:
"Mẹ cũng đoán thế".
Câu nói của mẹ tôi như một tiếng reo nhỏ vừa bật lên đã chìm nghỉm, trong đôi mắt trắng lờ bẩn đục, những đường gân máu đỏ bật hơn lên và mái tóc già nua của mẹ tôi cúi xuống. Tôi bỗng nao nao trong lòng muốn khóc. Bàn tay mẹ tôi nắm chặt mép ghế, tôi bỗng chụp lấy tay mẹ đặt lên má mình, nơi dòng lệ đang từ từ lăn xuống. Mẹ tôi rụt bàn tay lại, rồi thật bất ngờ, bà đứng lên đi một vài bước. Tôi bước theo giữ tay mẹ lại, mẹ tôi đứng lặng như thế và không nói gì hết.
"Mẹ giận con chăng?"
Mẹ tôi lắc đầu, bà trở lại ghế ngồi yên, nắng đã chói vào khung cửa sổ, tôi tới kéo lại tấm màn cửa, đứng loay hoay một lúc không biết làm gì, tôi ngồi xuống sàn, đầu gục vào hai đầu gối, tâm hồn ủ ê lạ thường, một lát tôi ngẩng lên nghe tiếng mẹ hỏi:
"Nhiên, con không thể kiếm một việc làm không đi đêm được sao?"
Tôi muốn trả lời mẹ nhưng cổ họng tắt nghẹn, mẹ đã nghĩ gì khi hỏi câu đó. Tôi bỗng nhớ tới đôi mắt cười và giọng nói của Ngân khi dắt tôi vào nơi làm: Cứ bạo dạn lên, đó cũng là một nghề chứ Nhiên, mày ngu lắm. Tôi bỗng háo hức nhớ mùi rượu xông nồng, mùi rượu mà đêm qua tôi sợ hãi đến buồn nôn, khung cảnh bar sau giờ hết khách. Bàn ghế trống trơn như chia sẻ nỗi hắt hiu trong hòn tôi. Tôi đã đứng như chúng, sầu như chúng rất lâu trước khi trở về. Căn nhà nhỏ gợi cho tôi bao kỷ niệm, tôi không thể mất, tôi không thể mất nó được, đêm qua tôi đã khóc và còn khóc bao xa… Mẹ tôi vẫn ngồi như bất động, như đã thành tượng.
"Mày ra đi, Nhiên, ra đi".
Nhiên đẩy tôi ra khỏi tấm màn voan xanh, tôi còn ngần ngừ thì Ngân đã lôi tôi tuồn tuột đến bàn. Người đàn ông nhìn tôi chăm chăm, tôi hơi ngượng, nhưng cáu kỉnh ngay, tôi nhìn lại gã. Ngân cười vỗ vào vai tôi:
"Giới thiệu anh với cô Nhiên, còn đây ông Hanh, thương gia… đình".
Câu nói của Ngân làm tôi bạo dạn hơn, nghĩ mình đã đem thân nghề nghiệp, tôi ngồi xuống ghế. Nhiên đánh vào tay tôi thân mật:
"Đó, mày cố làm vui lòng papa nghe Nhiên, papa tao đó".
Ngân cười khanh khách, tôi cũng cười theo nhưng trong lòng không thấy thích cười một chút nào hết. Hanh đưa tay giữ Ngân lại nói:
"Trông em có vẻ lành lạnh, papa sợ quá".
Ngân dí tay vào mũi Hanh, liếc tôi:
"Nó không lạnh hoài đâu, có rượu vào là ấm ngay, ông thương gia… ạ".
"Đừng gọi đùa anh nữa, nếu thương gia… đình thì anh đã không vào đây".
Ngân đánh bốp vào vai Hanh:
"Thôi, nói chuyện với nhau đi, dân mới đó nghe bồ. Khuya nhớ cho bà mối đi ăn cháo gà với".
"Ô kê".
Tôi nhìn theo Ngân thoăn thoắt nhảy từ bàn này sang bàn khác, bàn nào cũng có những bàn tay đưa ra níu Ngân lại và nàng phải trả bao nhiêu nụ cười. Rồi mình cũng thế, vào nghề phải lăn lộn với nghề, có ai bắt buộc tôi đâu, vậy mà tôi không dễ gì thoát. Ánh sáng ở đây thật âm u, dãy đèn màu treo trong những hộp chữ nhật ánh sáng như tắt ngay khi xuống lưng chừng, tôi thấy khuôn mặt Hanh nửa đậm nửa nhạt, một mảnh màu xanh bám trên vai áo sơ-mi trắng. Quạt máy chạy vù vù cùng tiếng nút nổ tách tách, tiếng cười đồng loã, tiếng nhích ghế. Tôi nghe hết các tiếng động và suy ngẫm cùng những tiếng động đó. Tiếng Hanh hỏi:
"Hồi nãy Ngân giới thiệu em là Nhiên?"
"Tôi là Nhiên".
"Ngân nói em là dân mới?"
"Vâng".
"Hãy tập xưng em cho quen đi".
"Cũng chẳng mất mát gì, vâng thì em".
Hanh cười mím, nụ cười như một vẻ xấc xược:
"Mất nhiều chứ, em chưa biết đó thôi. Em là nữ sinh?"
Tôi lơ đãng nhìn lên một con thạch sùng đang dập mỏ tí tắc:
"Ông hỏi chuyện khác đi".
"Chuyện gì bây giờ, em muốn chuyện gì?"
"Chuyện gì cũng được".
"Em uống gì?"
"Thứ nào đắt tiền nhất".
"Uýt-ky nhé".
Tôi không rành về các thứ rượu nhưng cũng vờ bĩu môi:
"Yếu thế".
"Không yếu đâu em ơi, để rồi xem".
Nụ cười của Hanh lại dài ra, tôi ghét quay quắt nhưng không thể làm thế nào hơn, tôi đành giữ nét lặng im trên khuôn mặt mình. Xem chừng hắn cũng là dân chịu chơi. Dễ chừng hắn cũng tới bốn mươi tuổi, xem cách ăn mặc thì cũng còn nửa vời thanh niên. Tôi đưa tay vẽ vẽ lên bàn, có thể hắn cầm bàn tay tôi lắm. Tôi nhát người rút tay thu dưới gậm bàn, như đoán hiểu tâm trạng tôi, Hanh lại cười mỉm, tôi ghét nụ cười đó cay đắng. Hanh giơ tay:
"Ê cậu (chỉ người bồi bàn), cho hai uýt-ky, em dùng thứ yếu này thử xem nhé, liệu có chịu nổi không".
Tôi lặng thinh. Hanh gợi chuyện:
"Em mới vào nghề?"
Tôi gật đầu. Hanh lại nói:
"Em không thể tìm nghề nào hơn sao?"
"Cái gì hơn cái gì?"
Hanh cười lạt:
"Nói chuyện với em khó chịu bỏ mẹ, em có muốn anh gọi em khác không?"
"Về nghề nghiệp thì không".
"Còn em, hỏi em đấy chứ? Nhưng thôi, em cũng có cái đáng yêu của em, cái vẻ ngơ ngác đáng tiền lắm, năm nay em bao nhiêu tuổi?"
"May ra thì bằng nửa tuổi ông".
"Nãy giờ em uống nhiều rượu chưa, liệu đêm nay em có được bao nhiêu tiền bàn rồi, anh nói thật, em còn dại lắm, phải bạo lên mới sơ được với tụi dân chì. Nếu không vào nghề thì thôi, vào rồi mà còn giữ tư cách chỉ tổ hại cho em. Anh thấy em dân mới anh mới nói thiệt đó. Em nhìn người ta kìa".
Tôi không nhìn cũng biết xung quanh người ta đang làm gì. Hanh đặt tay lên vai tôi, tôi nhẹ nhàng gỡ tay hắn xuống. Để hắn khỏi mất lòng, tôi nói:
"Cám ơn ông, nhưng tôi muốn có đời sống khác hơn là thế này".
"Sao em không xin việc khác?"
"Tôi muốn lắm nhưng không được".
"Tôi giúp em được chăng, tôi có hãng, em làm thư ký cho tôi, thư ký riêng". Biết câu nói của hắn ngụ ý gì nhưng tôi không khỏi phân vân. Làm thư ký cho một ông chủ hay ngồi đây bán nụ cười cho nhiều người? Chắc gì làm cho hắn mà tôi không sa ngã. Hắn sẽ giăng một cái lưới và không chóng thì chầy tôi cũng rơi xuống đó, rơi xuống và chết luôn. Tôi mở lớn mắt nhìn hắn dò xét. Vừa lúc đó người bồi bàn mang rượu đến, Hanh đẩy một ly lại cạnh tay tôi; ly đó người bồi đã khéo léo dồn về phía tôi trước. Hanh gọi liên tiếp nhiều ly nữa, tôi cũng nhấp nháy uống, chất nước lạnh pha chút rượu cho có mùi làm tôi lợm giọng. Cổ họng tôi ghê ghê và chỉ muốn nôn thốc ra. Tôi nhăn mặt. Hanh nhìn tôi cười tinh quái, tôi không biết hắn nghĩ gì? Đôi mắt hắn sâu quắm, đôi mày rậm và vầng trán hói, vẻ dày dạn phong sương. Hắn cũng có vẻ được lắm. Tôi tò mò không hiểu Hanh với Ngân như thế nào? Ngân làm ở đây đã lâu, quen hầu hết mặt khách. Ngân sống với nhiều người, mỗi người một thời gian ngắn. Bây giờ nàng sống một mình với bà vú nuôi. Tuy vậy nàng ít khi ngủ tại nhà. Bà vú già còn câm hơn cả những người câm. Tôi có tới nhà Ngân trước khi nghe theo Ngân đi làm. Trước kia Ngân cũng là bạn học của tôi. Ngân thông minh nhưng lười biếng có hạng. Tôi có lần nói với Ngân: "Mình học sinh mới ra đời, chắc mình không làm thế được". Ngân cười khan: "Mày tưởng học sinh hơn những con điếm chăng? Chúng tao cũng là người, cũng có thời đi học, dẹp chuyện ấy đi". Nhưng nếu Du biết tôi đã như thế này, liệu chàng sẽ khinh tôi đến đâu? Nếu Du hiểu tôi, nếu Du không bỏ tôi sớm thế chắc tôi còn gượng được. Du bỏ tôi, điều đó là một sự điếm nhục lớn lao, xui tôi điên cuồng đập phá. Vả lại còn gia đình, còn sự sống của hai mẹ con, còn sự trả thù của tôi cho những kẻ đã xô tôi xuống nữa.
"Uống đi em, nghĩ gì mà say mê vậy?"
Tôi cầm ly rượu nhạt trên tay, lòng rưng rưng muốn khóc. Nhưng tôi trấn tĩnh được ngay, đôi mắt Hanh soi mói nhìn giúp tôi lấy lại được nghị lực. Tôi mỉm cười bướng bỉnh. Người bồi lại mang hai ly rượu nữa. Hanh nhanh tay đổi cốc rượu phía chàng sang phía tôi cười cợt: "Đổi cho em, uống tí rượu thật cho ấm bụng, uống nước lã hoài tội thân em tôi".
Tôi bỗng tức giận cực điểm. Còn lạ gì chút mánh khóe con buôn đó mà phanh phui ra đây. Tôi quắc mắt nhìn Hanh, hắn chịu sự hằn học đó của tôi bằng một cái nhún vai. Bàn tay tôi để lên cái gạt tàn thuốc lá, định cầm ném nhưng tôi bỗng buông ra. Làm thế tôi cũng không lợi gì, tôi còn muốn gì hơn là mời được khách uống. Mà tôi đã mời được bao nhiêu ly rượu rồi, tôi đã có nhiều thành tích với mụ Chín, chủ Bar. Tôi liếc nhìn và thấy tia mắt mụ Chín cười với tôi khuyến khích. Hanh nói, hắn đẩy cái gạt tàn thuộc về phía tôi:
"Em làm anh say mê lắm".
Tôi cúi đầu, sự tủi hổ đã làm tôi choáng váng cả người và tôi bỗng thấy như tôi đang say rượu, tôi muốn nói, muốn cười, muốn nhập vào đồng bóng. Đêm đã khuya và quán cũng vắng dần, từng cặp từng cặp thỏa hiệp với nhau mất hút. Mụ Chín gục cả đống thịt xuống quầy, cái gì ở đây cũng làm tôi sợ hết. Dáng phục phịch to nặng của mụ Chín như một sự hăm doạ với tôi.
"Thế nào Nhiên, em có bằng lòng làm thư ký riêng cho anh không? Trả lời đi".
"Không, tôi chưa định gì cả".
"Em sợ vội vàng quá chăng?" Hanh lại nhún vai. "Sống không vội nó hết mất, em ơi, phải vậy không? Chiều mai em rỗi anh mời em đi ăn, chúng ta bàn lại chuyện này nhé, gật đầu đi, anh cưng".
Tôi chưa biết làm sao từ chối thì may thay Ngân hiện ra, nàng kéo ghế ngồi xuống phía bên tôi, choàng tay qua vai tôi cười:
"Em cưng, hắn đã đòi uống thuốc chuột chưa?"
Hanh phụ hoạ:
"Giúp anh một tay em ơi, nàng khó lắm".
Ngân vỗ nhẹ vào má tôi, cử chỉ âu yếm đó làm tôi thẹn sượng trân cả người. Ngân cười khanh khách, tiếng cười chao động cả tủ kính:
"Papa muốn gì? Còm măng cái gì nào? Nhà lầu xe hơi?"
"Vội thế, cái gì mà không được, miễn là…"
"Khi nữa, Nhiên, em thấy papa có duyên không, đào cũ của con Bích Mập đó".
Thấy tôi ngơ ngác, Ngân chợt nhớ là tôi không biết Bích Mập là ai, Ngân giải thích:
"Bích Mập là cô Bích thế này này, to thế này này, trước ở đây nhưng giờ đi rồi".
Tôi hỏi:
"Đi đâu?"
"Đi tịch".
"Đi tịch?"
Ngân lại cười rũ:
"Tịch là nghẽo, nghẽo là chết, chèn đét ơi, ngu quá là ngu".
Tôi sợ hãi mở lớn mắt nhìn Hanh, chắc hắn làm nàng chết, tôi nói:
"Ông làm Bích chết phải không?"
Hanh hờ hững:
"Ai mà làm chết được nàng, người đẹp".
Ngân tiếp:
"Chết vì lao, khổ papa tốn cả tiền mua sơ-mi gỗ".
Hanh nhìn đồng hồ:
"Quán sắp đóng cửa rồi đây, mình đi thôi".
"Đi đâu?" Ngân hỏi.
"Đi nhậu, rồi em nào theo anh về thì theo".
Hanh nói xong nhìn tôi, tôi quắc mắt một tí, hắn cười, Ngân hoà giải:
"Ê, đừng vơ đũa cả nắm, Nhiên nó khác tụi ở đây".
"Đồng ý".
Ngân kéo tôi theo Hanh ra xe, Ngân cố đẩy cả ba ngồi băng trước, mặc dù tôi muốn rút lui ra băng sau ngồi một mình, tôi muốn được ngồi một mình để được nhìn bóng đêm ở ngoài cửa kính, để sống hồi tưởng hay để mơ mộng, nhưng Ngân đời nào để thế. Tôi ngồi phía ngoài, Ngân ở giữa, nàng ngã vai vào vai Hanh. Xe chạy vùn vụt trong đêm, đường phố vắng ngắt xui nỗi trống vắng càng mênh mang trong tôi. Xe dừng lại một quán ở khu chợ Cũ, cả bọn lục đục kéo xuống, tôi không quen những không khí xô bồ này và cảm thấy khó thở. Tôi đâm ra cau có và Ngân không hài lòng. Tôi cố để Ngân vui hơn, tôi góp chuyện cùng hai người, nhưng những lời tôi nói ra đều trống trải và rất vô duyên. Tôi có cảm tưởng khuôn mặt tôi vô cùng trơ trẽn, xấu xí, nét trẻ thơ của khuôn mặt tôi bay hết, nụ cười của tôi đầy vết nhăn, lố bịch. Tôi cố giữ cho khuôn mặt tự nhiên hơn nhưng không cách gì nổi. Tôi nhìn Ngân, thấy Ngân rạng rỡ như một đoá hoa nở trong đêm. Tôi lúng túng hết sức. Hanh hỏi tôi ăn gì, tôi nói gì cũng được. Hanh gọi ba tô mì gà lớn, ba ly cam vắt. Ngân nói uống cam vắt cho giã rượu, Hanh nói nước lạnh chớ rượu gì rồi hai người cào cấu nhau. Tôi bỗng nhiên nhớ Du tha thiết. Giá dụ bây giờ tôi còn ngồi được với Du trong một chiếc quán nhỏ, hai đứa dùng ly nước chanh và đời tôi muôn vàn hạnh phúc. Bây giờ chắc chàng đã ngủ, phòng của chàng có một khuôn cửa vuông, tấm màn tôi may cho chàng chắc chàng đã vất đi? Liệu chàng có vất đi không? Và giàn hoa giấy của chàng mùa này đã đầy hoa tím. Khung cảnh lãng mạn như mắt chàng. Tôi ao ước còn được tới đó một lần. Mong anh lắm, không chắc gì đâu. Chàng đã xa tôi như tôi đã xa cuộc đời bình thường cũ. Chắc gì nữa Du ơi. Tôi gắp một gắp mì và nuốt không nổi. Ngân nhìn tôi, dịu dàng:
"Ăn đi chứ Nhiên, mày không đói à?"
"Em không thấy đói, có lẽ nhà mẹ em mong lắm rồi".
"Lẩn thẩn, bà cụ có biết ngày đêm gì mà lo, đợi cùng về luôn".
Hanh nháy mắt:
"Hai đứa mình đưa Nhiên về".
Khi xe chạy vòng quanh bờ sông, tôi bỗng ao ước cứ được ngồi như thế này mãi, cứ đi mãi, đi mãi đi hoài đừng bao giờ đứng lại, đừng bao giờ bước xuống. Hanh lái xe ngang qua đường nhà Du. Lòng tôi thắt lại khi thấy cửa sổ vuông của chàng còn hắt ra ánh đèn. Du còn thức, nhưng biết đâu thức để viết thư tình cho một người con gái khác. Tôi hờn ghen và đau khổ, tôi đau khổ lắm, tôi muốn lao đầu trong đêm như xe lao trong đêm tối.
Rồi Ngân và Hanh trở lên xe, mất hút, tôi đứng một lát rồi mở cổng đi vào sân. Tôi mở khoá vào nhà. Tôi mở đèn, ánh sáng choá mắt tôi, ánh sáng tắm khắp thân tôi và tôi thấy như một con thú lạ. Trong gương, hai hàng nước mắt tôi chảy xuống. Tôi khóc cho tôi hay cho Du? Cho ai thì cũng vậy, đời sống tôi và đời sống chàng xa cách nhau, thân phận tôi đã tới. Tôi nghe trong đêm muôn lời tiếc nuối, muôn tiếng chân đi. Tiếng mẹ tôi ho trên gác. Mẹ chưa ngủ sao mẹ? Tôi tắt đèn vào phòng nằm vật xuống giường, tôi thấy chiếu chăn lạ hoắc. Tôi nghe rõ tiếng tôi khóc trôi nổi trong cơn mơ.
Phải tắm một cái đã rồi đi đâu hãy đi. Buổi chiều nay nhất định phải ra khỏi nhà. Đã lâu tôi không ló mặt ngoài phố, tôi hoảng sợ phải đứng trước những con mắt của bè bạn cũ. Sáng sáng tôi thường đứng trước trong nhà nhìn tụi bạn học, những nữ sinh đi ngang qua mà cảm thấy lòng đau xót. Tôi biết tôi đã mất hết. Kỷ niệm học đường như thiên đường đã mất. Tôi đưa tay lơi lơi mái tóc: Mày phải cắt ngắn đi Nhiên ạ, để vậy trông còn vẻ tụi học sinh lắm. Ngân đề nghị nhiều lần nhưng tôi không cắt ngắn. Khi mái tóc đã cắt ngắn rồi chắc tôi sẽ thay đổi ghê gớm lắm. Phải đi tắm, phải ra phố. Tôi sắp khăn mặt quần áo, vừa định đi xuống nhà tắm thì có tiếng léo nhéo ngoài cửa:
"Nhiên ơi, có nhà không mày?"
"Mở cửa bồ ơi".
Tiếng Ngân, tiếng Hồng, tiếng Nguyệt lao xao. Tôi vất các thứ xuống đất, ra mở cửa, một bọn bốn đứa ùa vào, cả con Tuyết Đen nữa. Ngân vồ lấy tôi:
"Làm gì vậy mày?"
"Em định đi tắm rồi ra phố có chút việc, các chị đi đâu vậy?"
"Đi tới rủ Nhiên đi chơi đây, chịu không?"
Tuyết Đen láu táu:
"Thằng Hanh nó bảo cả tụi đi ăn đêm nay đó, si bà Nhiên một cây".
Tôi sợ mẹ tôi nghe tiếng, nhưng không làm thế nào để bịt mồm tụi chúng được. Tôi đã dặn Ngân đừng cho chúng lại nhà, vậy mà Ngân vẫn đưa lại.
Tôi không tiện tỏ thái độ bất bình, dù sao tôi cũng thương yêu tất cả những người bạn cùng cảnh ngộ, tất cả đều đáng thương, nhưng không hiểu sao tôi không chịu được họ, khinh thường họ. Đôi khi tôi tự hỏi rằng tôi có hơn họ gì không, đêm đêm tôi cũng bán nụ cười cho thiên hạ, họ cũng vậy. Cái gì đã ngăn cách tôi riêng ra, dù thương mến họ nhưng tôi không thể gần họ. Những cô bạn mới này thích tôi lắm, bởi tôi hiền lành hay cố ra vẻ hiền lành. Hồng, Tuyết và Nguyệt lăng xăng lục lọi coi cái này, coi cái kia, chúng bảo nhà tôi giàu. Tôi mỉm cười chua chát. Chúng đâu biết những thứ này chỉ để làm cảnh và bên trong đã rút mòn trống trơn. Nguyệt nói:
"Nhà nó vậy mà nó ham đi làm như tụi mình Tuyết nhỉ, tao như vậy tao đi học".
Câu nói vô ý của Nguyệt như một cái tát vào mặt tôi, tôi tái mặt. Ngân giận dữ quắc mắt nhìn Nguyệt:
"Ăn nói ngu vậy, câm mồm không".
Tôi cố gượng cười, và hình như hiểu rõ tâm trạng tôi, Ngân không nài ép tôi đi chơi nữa. Tôi nhìn Ngân bằng con mắt biết ơn. Tôi biết tính Ngân ngày xưa còn đi học, Ngân vẫn thường bênh những bạn yếu đuối hơn mình. Để cả bọn đi rồi, tôi mới sửa soạn đi tắm. Nước mát và ngọt lịm làm tôi sảng khoái. Buổi chiều cao vút nhiều lỗ mắt cáo nhỏ lỗ chỗ trên tường, tôi nghe thấy nước reo quanh tôi như niềm vui vỡ.
Tắm xong tôi thay quần áo, bộ đồ dài lụa trắng nhẹ và mát, tôi thích nhất, tôi đứng trước gương và tôi thấy khác hẳn con Nhiên của những đêm. Tôi không thoa son phấn, da tôi hơi tái xanh, tôi thấy mắt tôi đen thẳm và nét hồn nhiên mất hẳn thật rồi. Tôi vén tóc lên và thấy mình già hẳn lại, tôi bỏ mái tóc xuống và nhìn tôi quen thuộc hơn. Du đã bao lần khen mắt tôi đẹp. Màu đen đó suốt đời anh không quên. Du ơi, bây giờ thì Du đã quên thật rồi, quên thật rồi chứ? Đừng dối em. Khóc lóc, khóc lóc mãi, ích gì, cũng đừng khóc, đừng kể lể, đi ra ngoài kia đi, ngoài bầu trời sẽ làm cho niềm u uất tan loãng, nhẹ hơn. Đi đi, đã lâu mày không ra phố. Tôi lên gác, mẹ tôi nằm ở giường, khô và gầy như một que củi mục:
"Mẹ thức hay ngủ đấy mẹ?"
"Thức, có chuyện gì đó".
"Không, con lên thăm mẹ".
Mẹ tôi hơi nhổm dậy:
"Hồi nãy con vừa nói chuyện với ai đó?"
"Dạ, mấy con bạn của con".
"Bạn của con? Lâu nay mẹ không thấy con có những người bạn như thế?"
Tôi cắn môi, tìm cách nói dối:
"Dạ, tụi nó vô ý làm ồn, con xin lỗi mẹ, lần sau con dặn chúng".
Tôi nghĩ rất nhanh là tôi sẽ dặn chúng không được tới nhà nữa, nhưng mẹ tôi mỉm cười:
"Lớn lên con phải có những lớp bạn khác chứ mẹ có phiền gì đâu".
Tôi nói với mẹ xin ra phố rồi đi làm luôn, tôi không ăn cơm nhà, mẹ tôi bằng lòng. Tôi khoá cửa lên xe đi về miệt chợ Bến Thành. Ở đó, tôi chẳng còn biết đi đâu nữa, tôi rúc vào một rạp chiếu bóng coi một phim cũ. Phim La Strada. Và tôi đã khóc không biết bao nhiêu cho người trong truyện. Tiếng kèn trompette xoáy vào óc, vang trong tôi những tiếng nức nở không ngừng.
Khi ra khỏi rạp trời đã tối, tới giờ làm, tôi đến quán ngay. Ngân đã ở đó. Ngân đón tôi bằng nụ cười vui vẻ:
"Sao buồn thế hở mày? Vào đây tao kể cho nghe chuyện này".
Ngân kéo tôi vào bên trong thì thầm:
"Tao đoán thế mà trúng phóc, papa mê mày".
"Cái ông Hanh?"
"Ừ, nó tâm sự hết với tao, lát nữa nó lại đó".
Tôi ngẩn ngơ một giây, hắn mê mình? Trời ơi, mê, nói gì vậy. Mà tôi, tôi có thể mê hắn được không? Ngân tiếp:
"Tao nói thật, mày để mất đám này uổng lắm đó, giàu có tiếng và tiêu luých nữa, papa đã si thì khỏi nói".
"Để coi đã, phải hỏi xem có hợp tuổi không?" Ngân phá ra cười, tôi cũng cười góp. Ngân nói:
"Toàn bộ rồi đó, hoan hô, Tuyết Đen ơi…"
Tôi vội níu Ngân lại: "Đừng nói với tụi nó". Ngân lại cười, tôi nói bây giờ tôi muốn vui thôi. Ngân nói dại chi mà buồn, cũng phải, dại chi mà buồn, tôi cười vui như không và cũng không ngờ mình vui được như thế.
"Ê, có em nào ra đi, đứng mãi thế".
Mụ Chín quay vào. Tuyết Đen, Hồng nhanh nhảu chạy ra, Ngân nói kệ nó, rồi thì thầm mãi với tôi những chuyện vui buổi chiều, nàng lượm được, buổi chiều nàng đi với Hanh. Ngân nói:
"Hắn có vợ, nhưng vợ ở Vĩnh Long lận. Ở đây có hai người con cũng học đòi ăn chơi. Kệ nó, mình đâu có muốn làm vợ hắn, phải không?" Tôi không trả lời, làm nhân tình một gã như Hanh chắc tôi không chịu nổi. Không nói về chuyện yêu hay không, lòng tôi dửng dưng như tấm băng giá từ ngày xa Du. Tôi cũng chưa muốn gì cả, tôi cũng nghĩ mình không thể goá bụa, mình không sống mãi cho một kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng buồn, mình chỉ để nó nhắc nhở và không sống mãi với nó được.
"Kìa, Hanh tới, mày ra đi".
Tôi vén màn nhìn hé ra, Hanh ngồi xuống ghế, mắt lơ láo nhìn quanh, chắc hắn tưởng tôi đã ngồi một bàn nào. Tôi bỗng mỉm cười, dù biết lòng tôi non dại, một gã từng trải như hắn, tôi có thể tin được có tình yêu hay không? Tôi cố nán lại không ra, Ngân nói:
"Để tao ra trước nói mày không đến xem sao?"
Ngân ra rồi tôi bỏ vào ngồi một ghế trống và nghĩ vu vơ, nhìn ngắm các cô làm đẹp. Họ tô môi đậm thêm, trát phấn, vẽ lông mày cho nhau. Nguyệt hỏi:
"Có cần sửa lại mặt không?"
Tôi lắc đầu, tôi trở ra định lén nhìn xem Hanh có còn ngồi lại không, nhưng khi tôi vừa ló ra tôi suýt kêu lên. Có thể lầm lẫn được chăng? Du, chính chàng. Du đang ngồi bên cạnh một cô gái lạ, bên cạnh một người bạn trai. Tôi thấy Du ngoắc Nguyệt cho người bạn và chàng ngồi sát vào cô gái. Hai người âu yếm nhau ra gì. Tôi như người sốt rét, rung toàn thân và dứng không muốn vững. Bàn tay Du đặt trên vai người con gái siết chặt. Tôi không đoán nổi cô ta là hạng gái nào, nhưng đẹp khiêu khích. Tôi bỗng ghen với người con gái đó, tôi giận căm gan. Làm cái gì bây giờ, phải cho Du biết là tôi không cần chàng, chàng tới đây làm gì, chàng biết tôi ở đây và tới trêu tức? Được rồi, để coi ai sẽ tức ai? Tôi vén tấm màn, cố tự nhiên bước ra, Hanh đứng lên vội vàng đi tới bên tôi xoắn xít. Tôi làm như không thấy Du và vui cười cùng Hanh, Hanh rạng rỡ mặt mũi. Hắn kéo ghế cho tôi, lấy mùi xoa lau mép bàn nơi tôi ngồi. Khốn khổ nơi tôi ngồi lại đối diện với Du thành thử tôi không tránh chàng mãi được, Ngân đứng lên:
"Để cho hai anh chị hàn huyên, gái già này xin rút lui đây".
Hanh giữ lấy lệ:
"Ngồi đây đã, đi đâu mà vội".
Ngân nháy Hanh đứt đuôi mắt:
"Làm bộ, mừng thấy mồ".
Và Ngân sang đấu hót với một bàn khác. Hanh đăm đăm nhìn vào mắt tôi, đã năm sáu hôm nay Hanh tới rất đều và điều đình với má Chín giữ riệt tôi ngồi bàn hắn và chỉ một bàn thôi. Hanh tung tiền mua chuộc tất cả, từ gã bồi bàn. Đôi mắt tôi bỗng bắt gặp cái nhìn tóe lửa của Du, tôi cười nhạt trả đũa. Thì anh hơn gì tôi, anh cũng ngồi với một đứa con gái khác. Tôi thấy Du hơi mất vẻ bình thường, chàng ngồi im lặng mặt lầm lì, mà cô gái bên cạnh cố gợi chuyện, chiều chuộng.
Hanh nói:
"Trông em có chuyện không vui?"
Tôi cười:
"Không, chẳng có chuyện chi cả".
"Tối qua anh còn thấy đèn nhà em còn sáng lâu lắm".
"Anh đứng ngoài?"
"Không, anh lái xe đi ngang qua lại".
Tôi cảm động, làm thế nào không cảm động trước câu nói như thế.
"Thật không, anh lại phịa".
"Anh phịa với em làm gì, em không tin là quyền em". Tôi thấy Du cúi xuống bên vai cô gái thì thầm. À thì ra chàng cũng muốn trả đũa. Chúng ta dứt khoát rồi, hết rồi và chúng ta tự do. Du có quyền như thế. Du hôn phớt lên trán cô gái, ôm vai cô gái. Mặt chàng đỏ nhừ và tránh không thèm nhìn phía tôi, nhưng tôi vẫn gặp tia mắt chàng lén nhìn hoài. Tôi bỗng nổi cáu hơn, tôi phải cho Du biết là tôi còn hơn thế nhiều lắm. Tôi cười lẳng với Hanh:
"Tối nay anh đưa em đi ăn nhé!"
"Anh chỉ sợ em không nhận".
Hắn cầm tay tôi, tôi để yên, hắn hôn tay tôi, vuốt tóc tôi. Vừng trán của Du nhăn lại. Hừ, Du tức? Cái hôn của Du trên trán cô gái chưa biến trong mắt tôi, tôi cười nũng nịu với Hanh:
"Anh chỉ có cái tài nịnh, ghét quá".
Hanh siết chặt tay tôi:
"Nhiên có thể tưởng tượng được anh yêu Nhiên như thế nào không? Ban đầu anh không ngờ là anh yêu em đến thế".
Tôi cố giấu nỗi xót xa trong lòng, cười nhẹ:
"Em chưa nghĩ tới chuyện đó, em đi làm vì sinh kế gia đình".
"Hình như em còn một bà mẹ?"
"Một bà mẹ mù".
Hanh nhìn tôi trìu mến thương hại, tôi bỗng hỏi:
"Gia đình anh không đầm ấm?"
Bàn tay Hanh vẫn giữ tay tôi:
"Vợ anh bị tê liệt hơn mấy năm nay, chỉ nằm một chỗ".
"Vì vợ tê liệt mà anh chơi bời?"
"Cũng có vậy, nhưng điều quan trọng hơn là vợ anh không hợp với anh, bọn anh sống xa nhau từ lâu lắm".
Tôi đùa:
"Ông nào o bế gái mà không có giọng nói như anh".
"Anh xem mới vào đây tuần lễ mà em chừng đã thay đổi nhiều".
Câu nói của Hanh làm tôi giật mình hoảng sợ, tôi thay đổi thật rồi sao?
Làm thế nào mà không thay đổi được? Tôi cũng biết tôi đã biết ăn nói với khách hàng nhiều lắm. Tôi lại biết dùng lợi khí sắc đẹp của tôi để chinh phục. Thì dại gì đã chứ, ở đâu tùy theo cảnh đó, Ngân đã bày cho tôi cũng nhiều. Nhưng khi nghe Hanh nói vậy tôi chợt nhớ và chợt buồn thấm thía. Đôi mắt của Du ở bên kia bàn đầy vẻ khinh khi, tôi như bị rơi vào nỗi trống vắng và quay mãi, tôi cố vớt vát:
"Nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà anh, em đã chọn nghề".
Đôi mắt Hanh đầy vẻ thành thật:
"Không, em sẽ thay đổi hết, anh không để em thế này, để anh đưa em vào hãng làm, em giữ sổ sách cho anh. Đời sống sẽ khác hẳn lại. Em không hợp không khí ở đây".
Tôi bướng bỉnh:
"Em thích nghề này hơn, làm thư ký riêng cho anh thì cũng vậy".
"Em có lối so sánh kỳ cục lắm, đừng làm anh nổi nóng".
Tôi thấy tôi có cảm tình với Hanh, chàng không đến nỗi nào. Tôi liếc qua bàn bên, cô gái vòng cả hai tay qua cổ Du, tôi thấy bộ ngực cô ả căng quá cỡ, ép một bên vai Du. Tôi đưa tay vuốt về ngực Hanh, Hanh cúi sát mắt tôi:
"Anh yêu em, yêu lắm".
Tôi bịt miệng Hanh lại, nửa vờ nửa thực tôi ra vẻ cảm động và chớp mắt. Du đang nhìn mình, đôi mắt chàng muốn bật ra ngoài. Nhất định chàng đau khổ lắm. Tôi nép người vào ngực Hanh, cử chỉ đó làm tôi đau thắt cả ruột gan. Tôi nhắm mắt lại.
Có tiếng kéo ghế mạnh và chân giày kéo nghiến trên nền. Tôi choàng mở mắt. Du xô mạnh cô gái rồi bỏ đi ra khỏi quán. Tiếng người bạn kêu: "Du, Du cái gì vậy?" Cô gái vụt chạy ra, nhưng hình như Du đã đi mất, cô gái trở vào ngồi xuống ghế thẫn thờ. Một lát người bạn của chàng cùng cô gái cũng bỏ đi nốt. Tôi như người mất hồn, ngồi với Hanh mà không biết gì hết. Tại sao chàng bỏ đi, tại sao Du tức giận. Có phải chàng còn yêu tôi không? Chắc chàng còn yêu tôi, yêu tôi ghê gớm lắm. Lấy gì làm chắc như thế được? Dù sao chàng cũng đã nhìn thấy cuộc đời tôi đang bị xô ngã xuống thêm. Xô ngã thêm. Xô xuống hoài. Đừng tưởng tượng làm gì cho buồn thêm, mày không bước lui được một bước nhỏ, con trốt đã quay và mày đã dại dột rơi vào trong con trốt, cho tới khi mày tan tành ra như bụi hoa may mới tách ra khỏi được một phần nào. Hanh vẫn ôm ghì lấy vai tôi, gục đầu thì thầm to nhỏ. Tôi mệt mỏi, mắt như hoa lên trăm màu sắc. Tôi ao ước được nằm thật bình yên, thật thẳng, để nhắm mắt, để lười biếng hoặc khóc. Vâng, tôi thèm được khóc hơn mọi thứ trên đời. Khóc cho nó vỡ ra trăm điều ấm ức. Tôi nói với Hanh:
"Có lẽ em ốm mất, em cảm thấy lạnh quá".
"Để anh đưa em về".
Tôi ngần ngại:
"Về sớm sợ chị Chín không bằng lòng".
Hanh cười:
"Ồ, em khỏi lo vụ đó, mụ Chín nể anh lắm, em đi với anh".
Hanh đưa tôi ra xe, tôi ngồi gục vào vai chàng lòng thổn thức. Hơi ấm từ người chàng thoát qua làm tôi thấy an ủi được một phần nào. Dù sao Hanh cũng là nơi tôi tựa được trong khi quá đau khổ, chẳng hạn lúc này. Hanh lái xe thật thận trọng. Một lát sau, Hanh dừng xe, tôi nói chàng nên đậu xe xa ngõ mỗi lần đưa tôi về và chàng nhớ. Hanh nói để chàng đưa vào nhưng tôi từ chối. Hanh hôn tôi, tôi để yên lòng chẳng hề xúc động, môi Hanh nóng bỏng, bàn tay Hanh ôm chặt vai tôi, với Du tôi cũng chưa bao giờ để thế. Một lát tôi đẩy Hanh ra:
"Thôi anh về đi".
"Em ngủ ngon nhé".
Tôi đáp giọng chán nản:
"Chắc sẽ không ngủ ngon đâu anh".
Hanh lôi trong túi quần một ống tuýp nhỏ:
"Đây này, mớ thuốc ngủ anh bỏ sẵn trong túi, tặng em đó. Em uống một viên là ngủ quay ngay. Anh lười biếng nên đem theo trong túi, khi về để nguyên quần áo, uống hai viên và nằm xuống. Ngon biết bao".
Tôi mỉm cười vì câu nói của Hanh. Hanh hôn phớt tôi một lần nữa rồi trở ra xe, chàng nói với:
"Mai anh đón em đi, nhớ đợi ở nhà".
Tôi đợi chiếc xe bóng lộn của Hanh mất trong đêm mới thong thả đi bộ một đoạn tới nhà. Tôi mân mê ống thuốc của Hanh. Giản dị vậy mà không nghĩ ra, mấy đêm nay tôi mất ngủ và thèm một giấc ngủ quá sức. Tôi định sẽ uống hai viên, hai viên này may ra ngủ tới trưa hôm sau, ngủ và quên hết.
Tôi bỗng kinh hoàng, như có tiếng chân đi mau phía sau lưng tôi, tôi chưa kịp quay lại thì hai bàn tay to lớn chụp lấy vai tôi. Tôi muốn hét lớn mà không hét nổi, gối tôi như muốn quỵ xuống. Trong bóng đêm mờ tôi thấy một người đàn ông, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Làm thế nào bây giờ? Trong lúc tôi đang lúng túng, người đàn ông cất giọng cười gan:
"Nhiên, cô không nhận ra ai đây sao?"
Tôi kêu thét lên:
"Du, trời, anh làm gì thế này?"
"Làm gì, tôi không làm gì cả".
"Buông tôi ra, buông…"
Du buông tôi ra, tôi loạng choạng một lát mới đứng vững. Hai tay Du bỏ vào túi quần, mắt chàng như vỡ ra trong đêm tối. Du vẫn giữ tiếng cười nghe như khóc:
"Đẹp mặt quá, tôi tưởng cô làm nghề gì, té ra…"
Tôi hét lên:
"Im, anh im ngay đi".
Giọng Du vẫn mỉa mai:
"Nhiên, em định làm gì vậy?"
"Làm gì, anh đã thôi tôi, bỏ tôi, anh xía vào việc tôi làm gì?"
"Xía vào? Ai xía vào?"
Thôi đúng là Du say, nhưng tôi vẫn giữ giọng tàn nhẫn:
"Anh đi đi cho tôi vào nhà, anh còn định gì nữa?"
Nước mắt tôi bỗng dưng trào ra. Du còn yêu tôi đến thế, nhưng không được nữa đâu, đã tan nát hết rồi, tan nát hết tuổi vàng. Tôi cố gắng để khỏi bật khóc:
"Tôi tưởng không nên gặp nhau làm gì, anh thấy hết rồi đó".
"Anh có thấy, Nhiên, thằng già nào vậy, anh xé xác nó ra".
Du đã say quá cỡ và chàng không nhận ra gì hết. Nói những chuyện nào với người say cũng vô ích cả, tôi vỗ về:
"Anh về đi, Du".
"Không, tôi không về, còn cô, cô làm nghề gì vậy?"
Như bị ai xé vào vết thương của tôi, tôi tím mặt. Tôi đưa tay đẩy Du ra, Du bỗng phá lên cười.
"Đỗ đĩ, mày chỉ là một con đĩ, ha ha, con đĩ".
Tôi choáng váng muốn ngã vật xuống, muốn chết đi. Du, Du đã nói thế, dù trong cơn say chàng đã khinh tôi dường nào. Tôi tát bốp vào mặt Du. Cái tát của tôi hình như làm Du dịu cơn say rượu, chàng đưa tay xoa má, cười lặng lẽ rồi chàng bỏ đi sau khi ném tiếng con đĩ. Tôi thất thểu đi vào nhà, lòng tan nát. Tôi bật đèn, lên gác nhưng mẹ tôi đã ngủ, bà nằm chèo queo trên giường, hai ba con muỗi đậu trên cổ chân khẳng khiu. Tôi đuổi muỗi buông mùng cho mẹ rồi trở về phòng mình. Tôi nằm vật xuống, úp mặt xuống gối và tôi khóc, tôi khóc nức nở, khóc thê thiết, khóc thảm thương, khóc cho tới lúc tôi không còn khóc được nữa. Tôi lau lệ, ngồi dậy và cứ ngồi vậy mãi. Đồ con đĩ, mày là con đĩ. Tiếng Du vang cùng khắp, chật ních căn phòng. Em làm nghề gì vậy em? Tôi muốn nhảy lên như choi choi, muốn lăn lộn muốn gào thét, muốn có một cái gì trước mặt để đánh đấm. Mau lắm mày ơi, rồi nó cũng thường hết. Tiếng Ngân, tiếng cười cười của Hanh, tiếng nút chai, tiếng xót thương của Du, tất cả xáo trộn chen lấn bao vây lấy tôi kéo tôi vào con trốt. Rồi cái gì cũng quen đi hết, thường hết. Đó, mày thấy chưa Nhiên. Con đĩ, con đĩ nghe qua rồi cũng thường, thôi ngủ đi, ngủ đi con. Tôi dỗ dành tôi ngã xuống giường nhắm mắt.
Nhưng tôi thao thức mãi trong khi cơn buồn ngủ vẫn lảng vảng quanh mắt tôi. Tôi chợt nhớ ống thuốc của Hanh đang còn nắm chặt trong tay. Tôi giơ lên coi và lắc. Còn đầy một ống. Tôi mở ra, uống một viên, ngủ đi con. Uống hai viên ngủ đi con. Tôi nhắm mắt và tưởng tượng giấc ngủ tới. Quên đi, quên hết. Tại sao mày không ngủ. Thuốc chẳng ứng nghiệm gì hết trơn. Tôi bực tức, phải ngủ, phải ngủ để quên, tôi không muốn đau đớn nữa, tôi muốn được bình yên. Cái gì rồi cũng thường hết, tôi muốn như thế đó, còn một viên uống nốt nữa đi. Cánh tay tôi nặng trình trịch, ngủ đi rồi tiếng nói của Du mất hết. Mắt tôi đã trĩu xuống, một vệt đỏ rực hiện ra như một vết máu loang, loang dần, loang ra dần và chụp lấy cả người tôi. Tôi dỗ tôi: ngủ đi ngủ đi, mày sắp bình yên đó.
Đêm treo tôi lên cao, tôi vùng vẫy, tôi la hét, tôi mê sảng và tôi thiếp đi, trong mơ màng tôi nghe có tiếng đồng thiếp vọng mãi, vọng mãi và tôi tan trong đó.